"Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài. Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống. Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh." (Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận)

Triết lý "khỉ ba không"

I. MÓN QUÀ NGÀY TẾT

Chúng ta đang hân hoan đón mừng năm mới với cái Tết Bính Thân và con vật cầm tinh là con khỉ. Xin kính tặng mọi người một bài viết đặc biệt nói về triết lý của bức tượng “Khỉ Ba Không” để làm món quà Tết. Xin kính chúc mọi người một năm mới an khang và thịnh vượng. Hiện nay ở một số chùa có trưng bầy tượng ba con khỉ trong sân chùa. Nhưng không phải ai cũng biết về nguồn gốc cũng như hiểu đầy đủ ý nghĩa sâu xa mà người xưa muốn truyền dạy lại cho thế hệ sau qua bức tượng tưởng như vô tri đó.

Ngoài ra, ở một số quầy hàng có bán bức tượng ba con khỉ : con thì che mắt, con thì bịt tai, con thì bịt miêng. Nhân dịp Tết Bính Thân sắp tới, nhiều người mua về làm quà để tặng nhau với ý nguyện rằng bức tượng này sẽ đem lại may mắn và thịnh vượng trong năm mới.

Thoạt đầu khi mới nhìn qua bức tượng này có lẽ ai cũng tưởng như đã hiểu được ẩn ý của nó. Đó là : không thấy, không nghe, không nói. Với ba hình tượng đó, có một số người suy ra rằng : hãy cố gắng sống an phận, đừng quan tâm đến những chuyện của người khác, mặc kệ những gì đang xẩy ra chung quanh và họ bàng quan sống theo thuyết “Mackeno” (= mặc kệ nó). Tương tự như câu người ta thường nói:”Sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi” (tục ngữ). Ai sao mặc ai, miễn sao mình “khỏe re” là được.

Nhưng giữa cuộc đời đầy những điều thị phi và nhiễu nhương này, nếu cứ an phận như vậy thì xã hội sẽ đi đến đâu, tình người nữa cũng sẽ như thế nào? Và nếu cứ bịt tai, bịt mắt, bịt miệng như thế cả cuộc đời, thì thử hỏi cuộc đời còn có gì là thi vị nữa không ?

II. TÌM HIỂU BỨC TƯỢNG KHỈ “BA KHÔNG”

Thực ra, nguồn gốc xuất xứ của bức tượng và ẩn ý che giấu đàng sau ba chữ “KHÔNG” kia mà người xưa muốn truyền lại cho con cháu có nhiều ý nghĩa sâu xa.

Nguồn gốc của bức tượng này bắt nguồn từ Ấn độ vài ngàn năm trước. Lúc đầu, đó là tượng về một vị thần – thần Vajrakilya – là vị thần có sáu tay, mỗi đôi tay dùng để bịt hai mắt, hai tai và miệng. Theo đó, bức tượng được khắc nhằm để răn dạy mỗi người : không được nhìn bậy, không được nghe bậy và không được nói bậy.

Tư tưởng “ba không” theo các nhà tu Phật giáo đi qua Trung quốc không rõ vào thời kỳ nào. Sau đó vào thế kỷ thứ 9 đời nhà Đường (có tại liệu ghi năm 838), một thiền sư người Nhật trong chuyến Phật sự ở Trung quốc đã mang theo về Nhật tư tưởng này.

Tại Nhật, vùng Nikko (cách Tokyo chừng 140 cây số về hướng bắc) trong đền Toshogu hiện nay còn lưu giữ một bức điêu khắc cổ (tổng cộng 8 bức khác nhau) có tượng ba con khỉ tên là Mizaru, Kikazaru và Iwazaru : bịt mắt, bịt tai, bịt miệng bằng gỗ của nghệ nhân Hidari Jingoro rất nổi tiếng từ thế kỷ 17.

Vì từ ngữ “zaru” gần với “saru” nghĩa là con khỉ, nên người ta khắc hình ba con khỉ bịt mắt, bịt tai, bịt miệng với vẻ mặt ngộ nghĩnh để biểu thị cái triết lý “ba không” này . Con che mặt tên là Mizaru nghĩa là “tôi không nhìn thấy điều xấu”. Con bịt tai là Kikazaru nghĩa là "tôi không nghe những điều xấu". Con bịt miệng là Iwazaru nghĩ là "tôi không nói những điều tầm bậy".

Bức tượng này cũng mang đậm tư tưởng của Đức Khổng Tử trong sách Luận ngữ. Khi Nhan Uyên hỏi về đức nhân và những gì cần phải làm. Khổng Tử đáp: ”Phi lễ vật thị, phi lễ vật thính, phi lễ vật ngôn, phi lễ vật động”, nghĩa là không nhìn điều sai, không nghe tầm bậy, không nói điều trái, không làm điều quấy.

Người Nhật còn thêm ý sâu xa hơn nhiều, họ muốn
- Bịt mắt để dùng TÂM mà nhìn
- Bịt tai để dùng TÂM mà nghe
- Bịt miệng để dùng TÂM mà nói

Khi TÂM ở trạng thái tịnh không bị quấy rầy bởi những điều xấu, thì TÂM mới phát sinh ra những điều thiện.

Có thể hình điêu khắc ba con khỉ này chịu ảnh hưởng Thiền của Phật giáo. Khi đọc kinh Phật, thỉnh thoảng người ta gặp câu “Tâm viên ý mã”. Nhà Phật cho rằng “Tâm” và “Ý” của con người luôn luôn biến chuyển, nhảy nhót, chọt chẹt, phá phách không ngừng như con khỉ và con ngựa không bao giờ chịu đứng yên một chỗ, nếu không kềm chế chúng lại, nó suy nghĩ lung tung hết chuyện này đến chuyện khác thì sẽ sinh ra phiền não (theo Diệu Âm Minh Tâm).

Tìm hiểu sâu xa hơn một chút thì nhà Phật cho rằng lục căn là nhãn, nhĩ, tỳ, thiệt, thân và ý tiếp xúc với lục trần là sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp, rồi sinh ra lục thức. Nếu những thức này không bị ô nhiễm thì hành giả được tâm thanh tịnh mà đạt đến lục thông.

Còn nếu mắt ham nhìn cái đẹp, tai muốn nghe lời ngon ngọt, mũi thích ngửi mùi thơm tho, lưỡi ưa nếm vị thức ăn ngon, thân tiếp xúc với đồ dơ, và ý nghĩ điều bậy để tâm bị mê loạn thì lục thức sẽ biến thành lục tặc là 6 tên giặc phá hại sự thanh tịnh cho việc tu hành. Phật giáo không chỉ đề cập đến mắt, tai, miệng (lưỡi) mà còn thêm mũi, thân và ý nữa (theo Phan Ngọc Quyến, cdnth 6875. com).

III. TRIẾT LÝ “BA KHÔNG” VỚI CHÚNG TA

Triết lý “ba không” cũng không xa với tư tưởng của Kinh Thánh, vì trong Kinh Thánh cũng có những chuyện liên quan đến mắt, tai và miệng.

1. Với đôi mắt

Đôi mắt là tuyệt tác của thiên nhiên, một cơ năng rất cần thiết cho con người để biết thế giới bên ngoài. Đôi mắt, hay còn gọi là “cửa sổ của tâm hồn”, chính là phương tiện giúp ta quan sát và phán đoán thế giớichung quanh. Nhờ có đôi mắt mà cuộc sống của chúng ta đầy mầu sắc.

Chính Chúa Giêsu đã xác định tư tưởng này khi Ngài nói: ”Mắt là đèn của thân thể. Nếu mắt các con sáng thì toàn thân chúng con sẽ sáng” (Mt 6,22; Lc 11,34).

Nếu ai không thấy ánh sáng , không thấy hình ảnh, mầu sắc và vẻ đẹp thì người ấy có đôi mắt mù.

Tại sao lại bịt mắt ? Để đừng nhìn chỗ không nên nhìn, đừng nhìn đời bằng nửa con mắt, đừng thiển cận thành kiến dễ dẫn đến cái nhìn không đúng sự thật, vội vàng đánh giá sai vần đề.

Thói thường ở đời là “yêu nên tốt, ghét nên xấu”, thành ra khi người ta có thành kiến thì nhãn quan cá nhân cũng lệch chuẩn. Con khỉ che mắt có ý khuyên người ta chớ nên vội nhìn vào hiện tượng mà đánh giá bản chất sự việc, nên suy xét mọi việc bằng con mắt nhân văn, bằng sự suy ngẫm thấu đáo (theo Đỗ Hữu Bảng, Hạnh phúc gia đình).

Nhiều người có con mắt thể xác rất sáng nhưng lại có con mắt mù về tâm linh. Đúng như Kinh cám ơn rước lễ của giáo phận Bùi Chu có câu: ”Thấy mà xem chẳng thấy”, nghĩa là họ chỉ thấy cái thực tại thể chất mà không biết được thực tại thiêng liêng.

Chúa Giêsu đã kịch liệt đả kích thói giả hình của bọn Pharisêu khi Ngài nói: ”Họ là những người mù dắt người mù. Mù mà lại dắt mù cả hai sẽ lăn cù xuống hố” (Mt 15,14). Họ là những người tưởng là mình sáng mà lại hóa ra mù. Đúng là họ sáng về thể lý nhưng lại mù mắt về tâm linh.

Nhiều Thánh vịnh giúp ta nhìn cuộc đời và con người bằng con mắt tâm linh, bằng con mắt tin yêu, như thánh vịnh 104, các thánh vịnh Job 38-39. Tác giả thánh vịnh đã khôn khéo giúp ta cầu xin: ”Xin mở mắt cho con nhìn thấy luật pháp Ngài kỳ diệu biết bao!" (Tv 119,18).

Chúa Giêsu cũng chữa nhiều người mù lòa tâm hồn. Ngài mở mắt cho Giakêu thấy được sự nguy hiểm của tiền tài đối với phần rỗi (Lc 9,1-10). Ngài mở mắt cho người đàn bà ngoại tình, giúp chị từ bỏ quá khứ lỗi lầm (Lc 7,36-50). Ngài mở mắt cho người trộm lành nhận ra lòng Chúa thương xót (Lc 23,32-43)...

Chúa Giêsu vừa dạy vừa đe loi chúng ta phải dè chừng con mắt, phải hy sinh với bất cứ giá nào khi cần thiết: ”Nếu mắt con làm cớ cho con sa ngã thì hãy móc và ném đi” (Mt 5,29).

2. Với đôi tai

Tai là cơ quan của con người giúp âm thanh đi vào tâm trí để hiểu biết sự việc bên ngoài mình. Công dụng của tai là để nghe. Tai không nghe được tiếng nói âm thanh là tai điếc. Sao lại bịt tai? Chắc hẳn là người ta tránh nghe những chuyện tầm phào.

Theo sự khôn ngoan của nhà hiền triết Socrates, khi nghe người ta nói thì phải sàng lọc kỹ càng qua ba cái sàng, phải phân tích kỹ càng. Phải nghe bằng hai tai, nghe ý kiến nhiều người, nhưng phải khôn ngoan vì không phải bất cứ lời khuyên nào cũng là lời chân thật cả đâu.

Thông thường ai cũng thích nghe những lời ngọt ngào, những lời khen ngợi, kể cả nịnh hót, ít ai thích nghe những ý kiến phê bình, mặc dầu những lời phê bình ấy rất chân thực. Nhiều khi người ta đâu biết những ai có lời chê đúng thì đó chính là thầy của ta. Người khôn ngoan là người biết nghe những lời nói thẳng thắn vì người ta thường nói: “Trung ngôn nghịch nhĩ”: lời nói thật thì chói tai là như thế đấy.

Hình tượng con khỉ bịt tai là có ý khuyên người ta hãy đề cao cảnh giác với những lời đường mật vì người nịnh hót là kẻ thù của ta.

Chúa Giêsu đi rao giảng Tin mừng. Ngài muốn cho mọi người hãy nghe lời Ngài, ai không nghe cũng được nhưng Ngài đã nhiều lần cảnh cáo: ”Ai có tai thì nghe” (Mt 11,15; Mc 4,23. Lc 3,8; Kh 13,9).

Để sông theo tinh thần Tin mừng, điều cần thiết nhất là phải biết lắng nghe Lời Chúa. Có tai thì phải biết nghe, nghe rồi thì phải giữ chứ đừng nghe tai này lọt qua tai kia.

Kẻ nghe lời Chúa một cách hời hợt thì được Chúa ví họ như “hạt giống rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất” (Mt 13,4); hoặc như "hạt rơi trên sỏi đá, chỗ đất không nhiều, nó mọc ngay, vì đất không sâu, nhưng khi nắng lên nó liền bị cháy và vì thiếu rễ nên bị chết khô” (Mt 13,5). Còn người biết lắng nghe và biết gìn giữ trong tâm trí để suy nghĩ và đem ra thực hành thì họ được ví như “hạt gieo vào đất tốt, nên sinh hoa kết quả: hạt được gấp trăm, hạt được sáu mươi, hạt được ba mươi” (Mt 13,8).

Sang thời Tân ước, Đức Maria được ca ngợi là người luôn suy đi nghĩ lại Lời Chúa trong lòng (x. Lc 2,19-51). Vì thế, Chúa Giêsu đã khen mẹ Ngài trước mặt mọi người: ”Mẹ và anh em Ta chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành” (Lc 8,21), “...Lời ấy chính là Tin mừng đã được rao giảng cho anh em” (Pr 1,25; x. Is 4,8). Và Lời ấy cũng là chính Đức Kitô.

Lắng nghe cũng là điều cần thiết trong việc xã giao hằng ngày. Có khi nghe còn quan trọng hơn nói. Trong cuốn “Đắc nhân tâm”, bà Carnegie đã viết: ”Cách làm cho khách vui lòng nhất là lắng nghe khách nói, lắng nghe ước muốn, nguyện vọng, tâm tư của người khác. Như vậy, tỏ ra mình kính trọng, quan tâm đến người để hiểu biết, thông cảm, chia sẻ những tâm tình, những kiến thức, những yêu cầu thiết thực của người, quí hơn cả cơm ăn áo mặc”.
3. Với cái miệng

Trong kinh nhật tụng, khởi đầu kinh sáng chúng ta thấy có câu: ”Lạy Chúa Trời, xin mở miệng con, cho con cất tiếng ngợi khen Ngài”. Ngay từ sáng sớm, Giáo hội đã thúc giục chúng ta mở miệng ra mà cất tiếng ngợi khen Chúa. Nếu không có miệng thì chúng ta không thể cất tiếng lên vì miệng là cơ quan mới có thể phát ra âm thanh.

Như vậy, miệng là cơ quan phát ra lời nói để diễn tả tư tưởng cũng như tình cảm vui buồn của con người như người ta thường nói :

Người ta có miệng có môi,
Khi buồn thì khóc, khi vui thì cười.

Miệng để nói, đễ cười, để khóc tùy theo trường hợp. Nếu không nói được là câm.
Nhưng tại sao phải bịt miệng ? Người xưa có kinh nghiệm về cái miệng nên đã nói:”Khẩu thiệt giả họa chi môn, diệt thân chi phủ dã” : miệng lưỡi là cửa vào tai họa, là búa rìu diệt thân.

Ngoài ra, cổ nhân cũng có câu:”Thủ khẩu như thủ bình” : giữ miệng như bình, nghĩa là sự nói năng cẩn thận, giữ sự bí mật. Câu tục ngữ này cũng tương tự như câu: ”Phòng ý như thành”, giữ ý như giữ thành, giữ gìn ý tứ kín đáo như giữ thành trì, không dám sơ suất.

Lời nói của con người có thể có hậu quả rất lớn và rất phức tạp; có thể ích lợi hay tai hại, xây dựng hay phá đổ. Vì thế phải giữ gìn lời nói, vì khi lời nói chưa được nói ra thì ta làm chủ nó, khi đã nói ra thì không thể lấy lại được. Vì thể cổ nhân đã nói: “Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy”, một lời đã nói ra, bốn ngựa đuổi theo không kịp.

Thánh Giacôbê nói: ”Nếu ai không vấp phạm trong lời nói thì đó là người hoàn hảo” (Gc 3,2) và ngài giải thích thêm: ”Lưỡi tuy bé nhỏ, nó đã nói lên nhiều điều vĩ đại mà chính nó làm hoen ố cả con người chúng ta” (x.Gc 3,1-10). Vì thế ngài khuyên: ”Thưa anh em, anh em đừng nói xấu ai” (Gc 4,11).

Trong việc giao tiếp hằng ngày, chúng ta hãy luôn để ý đến lời nói vì nó là con dao hai lưỡi: có thể xây dựng, có thể phá đổ, có thể làm cho sống, có thể làm cho chết. Cho nên hãy hành động theo nguyên tắc:

Lời nói chẳng mất tiền mua,
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.


Với cái miệng cái lưỡi, chúng ta chúc tụng Chúa: “Lạy Chúa, xin mở miệng con, cho con cất tiếng ngợi khen Ngài”. Nhưng cũng với cái lưỡi chúng ta có thể chúc dữ con người đã được dựng nên giống hình ảnh Chúa: ”Bởi chính cái miệng, thốt ra vừa lời chúc tụng, vừa lời chúc dữ. Hỡi anh em, đừng để xẩy ra như thế” (Gc 3,3-10).

Một lần nữa, để làm quà cho ngày Tết Bính Thân sắp tới, chúng tôi xin thân tặng mọi người một BỨC TƯỢNG KHỈ BA KHÔNG, là một sản phẩm vừa mang tính nghệ thuật lại ẩn chứa nhiều ý nghĩa, để bản thân tự nhắc nhở mình luôn gìn giữ mắt tai miệng cho đúng phẩm hạnh cốt cách trong năm nay và cả đời sống.

Trông thấy bức tượng “khỉ ba không” chắc không có ai trong chúng ta suy nghĩ một các nông cạn là hãy sống an phận, mặc kệ những gì xẩy ra chung quanh như chủ trương: ”Sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”. Nhưng chúng ta phải có cái nhìn cao hơn, một suy nghĩ sâu sắc hơn về triết lý ba không đó, nghĩa là đừng nhìn, đừng nghe, đừng nói những điều trái lẽ, không thích hợp.

Ước mong Tết Bính Thân này với bức tượng”khỉ ba không”, cùng với ơn Chúa giúp, chúng ta sẽ có một cách hành xử đúng đắn trong cả cuộc sống, để xứng đáng là “nhân linh ư vạn vật”, nhất là xứng đáng là người con của Chúa.

Lm Giuse Đinh Lập Liễm
Giáo xứ Kim phát
Đà lạt