"Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài. Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống. Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh." (Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận)

Mùa Chay


Người Việt hiểu „ăn chay“ theo hai cách khác nhau. Theo truyền thống Phật Giáo thì „ăn chay“ khác với „ăn mặn“, nghĩa là khi ăn chay người ta không ăn động vật (và có khi cả những sản phẩm của thú vật như trứng, sữa…), mà chỉ ăn thực vật. Người Công Giáo hiểu „ăn chay“ là nhịn ăn hoặc bớt ăn, trong đó cũng có việc không ăn thịt. Giữ chay được hiểu là cách hãm mình, giảm thiểu những thèm muốn xuống mức tối đa.

Chúa Giêsu đã ăn chay 40 đêm ngày trước khi bắt đầu đi rao giảng (Lc 4: 1-2). Ông Môisen trước khi được Chúa trao cho Mười Điều Răn đã ở trên núi Sinai 40 đêm ngày (Xh: 24, 18). Vào thế kỷ thứ 4 Công Đồng Nicea đã quy định Mùa Chay kéo dài 40 ngày, từ Thứ Tư Lễ Tro đến Thứ Bảy Tuần Thánh. Sáu ngày Chúa Nhật không được tính vào Mùa Chay, vì ngày Chúa Nhật luôn là ngày Giáo Hội mừng Chúa Phục Sinh - cả trong Mùa Chay.

Năm 1969 Giáo Hội Công Giáo sửa đổi quy định về Năm Phụng Vụ. Qua đó, Mùa Chay kéo dài từ Thứ Tư Lễ Tro đến Thứ Năm Tuần Thánh. Tuy nhiên tín hữu vẫn ăn chay vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh.

Vào thời Trung Cổ việc giữ chay ở Âu Châu rất nghiêm ngặt: mỗi ngày người ta chỉ ăn ba mẩu bánh mì và uống ba ngụm nước. 40 ngày dài từ thứ Tư Lễ Tro các tín hữu không được uống rượu và ăn thịt, nhưng được phép ăn cá- Từ năm 1486 người ta được phép dùng các sản phẩm làm từ sữa.

Thứ Tư Lễ Tro là ngày khởi đầu của Mùa Chay. Gọi như thế vì trong ngày này tro của những lá dừa, lá cây dầu (theo tục lệ Do Thái, Việt Nam) hoặc lá Buchsbaum (theo tục lệ Âu Châu) của Chúa Nhật Lễ Lá năm trước (điều này đã do ĐGH Urban II quy định vào thế kỷ thứ 12) được làm phép và linh mục sẽ xức tro này lên trán hoặc lên đầu của tín hữu. Tro là biểu tượng của sự chóng qua, của sám hối ăn năn. Nghi thức Phụng Vụ vì thế nhắc nhở: „Hỡi người, hãy nhớ mình là bụi tro. Một mai người sẽ trở về bụi tro!“ (theo Tv 90, 3)

Ý nghĩa Mùa Chay thánh được Công Đồng Vaticanô II xác định như sau: „Hai đặc tính của Mùa Chay là việc sám hối và nhất là việc nhớ lại hoặc dọn mình chịu phép rửa tội, chuẩn bị các tín hữu cử hành mầu nhiệm phục sinh, bằng sự nhiệt thành nghe Lời Chúa và chuyên chăm cầu nguyện hơn. Hai đặc tính trên phải được trình bày rõ ràng hơn cả trong Phụng vụ lẫn giáo lý phụng vụ“. (Hiến chế phụng vụ số 109).


 JB Lê Văn Hồng