"Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài. Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống. Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh." (Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận)

Gia tài vĩnh cửu


(Gv 1,2; 2,21-23; Cl 3,1-5,9-11; Lc 12,13-21)

Đại văn hào Tolstoy kể lại câu chuyện về một người nông dân tên là Pakhom rất muốn có một ít đất đai. Ông ta dành dụm từng đồng và mua được bốn sào. Ông ta hết sức vui mừng. Tuy nhiên, ít lâu sau, ông ta cảm thấy còn chật chội, ông bèn bán bốn sào đất đó đi và mua tám sào ở một vùng khác. Nhưng điều đó không làm ông thoả mãn lâu, nên ông bắt đầu tìm kiếm ở chỗ khác.

Một buổi tối nọ, một người khách lạ đến. Pakhom đã nói về ước muốn của ông có thêm nhiều đất đai. Người khách lạ nói với ông rằng bên kia dãy núi nơi sinh sống của một bộ tộc. Những con người đơn sơ ở đây có rất nhiều đất đai muốn bán.

Ngày hôm sau, ông ra đi. Người tộc trưởng tiếp đón ông và nói: “Chỉ cần bỏ ra một ngàn rúp, ông sẽ có được một số đất đai mà ông rảo bước trong một ngày. Nhưng ông phải quay về điểm xuất phát cũng trong ngày hôm đó, nếu không kịp, ông phải chịu mất số tiền”.

Pakhom sung sướng rộn ràng. Suốt đêm đó ông không ngủ được mải nghĩ đến những đất đai sẽ thuộc về ông. Ngay khi mặt trời vừa ló dạng ở chân trời, người ta cắm một cái mốc trên đỉnh gò, và ông xuất phát. Có những người cỡi ngựa theo sau và đóng xuống đất những cọc để đánh dấu lộ trình mà ông đã đi qua.

Ông bước đi nhanh và mỗi lúc một nhanh hơn. Càng đi xa đất càng màu mỡ hơn. Trong lúc tham lam, ông đi một vòng thật lớn mà quên mất thời gian. Và rồi ông hoảng hốt khi thấy mặt trời bắt đầu xuống thấp. Ông quay đầu chạy về cái gò, nơi ông xuất phát thật nhanh. Khi ông vừa lên đến đỉnh gò thì mặt trời đã lặn. Tuy nhiên, ngay lúc đó ông đã ngã quỵ xuống, úp mặt trên đất.

“Tôi khen ngợi ông” người tộc trưởng nói “Ông đã có nhiều hơn bất cứ người nào mà tôi còn nhớ”. Nhưng Pakhom không đáp lại. Người ta lật ngửa ông lên. Ông đã chết. Chết không được gì…

Nhân vật Pakhom của câu chuyện trên gợi cho chúng ta hình ảnh người phú hộ giàu có mà Chúa Giêsu đã trình bày trong dụ ngôn người phú hộ làm giàu: Ông rất thành công về ngành nông nghiệp. Sự thành công này làm cho ông ta say sưa và suy tính tìm cho ra chỗ để tích trữ hoa màu của mình, vì kho cũ không đủ sức chứa nữa… Cuối cùng ông đã tìm ra giải pháp phá kho cũ và làm kho mới lớn hơn, rồi đưa tất cả hoa màu, của cải nhập kho, khóa lại cho thật kỹ, đề phòng kẻ trộm. Với những cái kho lớn đầy hoa màu và của cải, người phú hộ tha hồ vui chơi, ăn uống chè chén say sưa. Ông thấy mình có tất cả dư thừa vật chất nên chẳng sợ đói và cần nhờ vả đến ai, đến Chúa cũng chẳng cần và sợ nữa. Vì tất cả của cải trong kho bảo đảm cho ông sống hạnh phúc, không thiếu thốn cả đời, nơi đó ông đặt lòng mình (Lc 12,34).

Nhưng thật ra có bền vững không, trộm cắp, cướp bóc, bão lụt, hỏa hoạn… có thể làm tiêu tan những gia tài của ông. Dù ông có giữ được bên mình cái kho đầy rẫy của cải khỏi những phong ba cuộc đời, ông cũng đâu ngờ rằng cái chết sẽ làm cho ông ra đi trắng tay tất cả. Người phú hộ sống rong cảnh sống giầu có, sung túc này, ông ta vui chơi ăn uống thả dàn, không nghĩ đến Thiên Chúa, bỏ quên cả linh hồn của mình; nhưng ông ta không nghĩ rằng: “Đêm nay người ta sẽ đến đòi linh hồn ngươi” thì lúc đó :”Những của cải ngươi tích trữ sẽ để lại cho ai”?

Khi giải thích dụ ngôn này, thánh Athanasiô đưa ra lời khuyên: “Ai sống như phải chết mỗi ngày – vì biết rằng cuộc sống này tự nó là tạm bợ, không chắc chắn – sẽ không phạm tội, vì sợ hãi Chúa dập tắt một phần lớn lòng tham lam ; trái lại, ai nghĩ mình còn sống lâu sẽ dễ dàng để cho mình bị dục vọng cai trị”.

Dụ ngôn thật sâu sắc truyền cho chúng ta sứ điệp: lo lắng cho kho vật chất của mình là việc phải làm nhưng đó không phải là mục đích của sự hiện hữu con người trong cuộc sống. Còn một mối bận tâm khác là kho tàng trên trời như thánh Phaolô đã khai triển cụ thể: “Anh em hãy tìm những sự trên trời” (Cl 3,2), nghĩa là làm giàu trước mặt Thiên Chúa, vì có đầy của cải mà không lo đời sau thì cũng bằng không trước Thiên Chúa như Đức Giêsu khẳng định: “Vì kẻ tích trữ của cải cho mình mà không làm giàu trước mặt Chúa thì cũng vậy” tức là của cải đầy rẫy trong kho nhưng ra đi vẫn cứ hai bàn tay trắng trước mặt Thiên Chúa. Vâng, tất cả chỉ là: “Hư không trên các sự hư không, hư không trên các sự hư không, và mọi sự đều hư không” (Gv 1,2), lời Giảng Viên vang vọng.

Của cải vật chất, nếu là mối bận tâm duy nhất sẽ dẫn tới hậu quả: tay không, phù vân trước Thiên Chúa và ngay ở đời này, vì của cải anh em tranh giành lẫn nhau, tình huynh đệ bị tổn thương như người em và anh tranh chấp của thừa kế xin Chúa Giêsu phán xử. Tranh giành của cải vật chất mà tình nghĩa anh em rạn nứt, gia đình phân ly. Đó cũng là thực tế của ngày hôm nay ở khắp nơi: tình nghĩa anh em trở nên thù địch vì tranh chấp của cải vật chất.

Chăm chút cái kho để cho con cháu mai này, ôm mộng làm giàu để đảm bảo cuộc sống tương lai đều tốt. Vâng, thật ra của cải không xấu, xây kho cũng tốt thêm để bảo toàn cuộc sống tương lai, “Nhưng phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam” (Lc 12,15). 

Cái tham này chúng ta nhìn rõ nhất trong xã hội hôm nay, con người mơ tưởng giàu sang, từ mơ tưởng bắc cầu đến ham muốn mọi thứ không là của mình, tham cả trên mồ hôi nước mắt của anh em đồng loại. Lòng tham còn đưa con người ta bòn rút của công khi thi hành công vụ, đó chính là tham nhũng bất công, vì lợi ích cá nhân làm thâm thủng ngân quỹ. Cái tham này giống như là vơ vét của người khác để đưa vào kho cho chính mình, bề ngoài tưởng như không hại đến ai vì là “của công” mà, “cha chung đâu ai khóc”, nhưng cái tham lam này tổn hại đến cả một cộng đồng dân tộc, cho sự phát triển chung của đất nước. Cái tham đó như những con mọt gặm nhấm dần dần làm mục nát cả một nhân loại. 

Quê hương Việt Nam yêu dấu đang xuất hiện “hiện tượng tham này” và làm trì trệ phát triển của cả một dân tộc nó đã trở thành “quốc nạn”, chuyện “thường ngày ở huyện”, như một căn bệnh nan y bất trị.

Ngày hôm nay chúng ta luôn để tâm suy niệm và sống: tiền tài vật chất luôn là phương tiện của cuộc sống không phải là kho tàng. Chúa Giêsu đã loan báo kho tàng vĩnh cửu mà con người nên tìm kiếm: Đó là sự sống đời đời, sự sống có được dệt bằng tình yêu đối với Thiên Chúa và tình yêu đối với người thân cận (x. Lc 10,25-37). Thánh Phanxicô Asisi diễn giải: “Cho tức là nhận và khi chết đi là khi vui sống muôn đời”.

Nhận kho tàng mà Chúa Giêsu hứa ban cho người quảng đại….

Người giầu xây mộng như mây trôi
Hạnh phúc kho tàng mục nát thôi
Người dại linh hồn mình thiệt mất
Người khôn tích trữ của muôn đời
(Lm. Khuất Dũng sss)


Lm. Vinh Sơn SCJ
Sài Gòn 30/07/2016.