"Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài. Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống. Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh." (Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận)

Chân thật


Thật và giả như hai mặt của cuộc đời. Có người thì chọn sự thật và có người thì chọn sự giả dối. Con người cũng hoàn toàn tự do và quyết định chọn cho mình cách sống thật hay sống giả.

Với cuộc sống, với xã hội, với con người mà sự thật chiếm lĩnh, sự thật thống trị thì con người và con người sẽ dễ dàng để chọn sự thật mà sống. Ngược lại, cuộc sống mà sự gian xảo, sự giả trá chiếm lĩnh thì sống thật thật là khó.

Sự thật nó làm sao ấy trong cái cõi nhân gian này để rồi người ta nói: “Thuốc đắng dã tật – sự thật mất lòng”. Câu nói sao mà hay quá, sao mà thật quá !

Chẳng hiểu sao mà ngày hôm nay tìm người thật việc thật sao khó quá!

Mới đây, tôi hết sức ngạc nhiên khi nghe người quen cho biết chuyện là dạo này ở Sài Thành người ta mướn người nấu cơm, giúp việc trong gia đình thôi mà lương đến tận 4 triệu hoặc hơn nữa. Công nhân đi làm nhà máy, xí nghiệp quần quật cả ngày chỉ có thể kiếm được hơn triệu hoặc hơn chút nữa ấy vậy mà đi giúp việc lương cao hơn. Hỏi ra thì người quen nói rằng 4 triệu đó là bao gồm cả “tiền chân thật”. Chưa bao giờ nghe đến chuyện “tiền chân thật” cả và sau đó người quen mới giải thích cho thắc mắc của kẻ mọn này.

Người quen cho biết là nhu cầu tìm người giúp việc hiện nay ở Sài Thành quá lớn. Dẫu nhu cầu tìm người lớn đấy nhưng khả năng đáp ứng nhu cầu tương đối đầy đủ vì lượng người từ tỉnh lẻ lên cũng nhiều. Sau một thời gian giúp việc, chẳng hiểu sao người giúp việc nảy sinh lòng tham hay “phát sinh” tình cảm với cậu chủ hay ông chủ để rồi người đuổi việc, việc mất người. Vấn nạn nhiều nhất gặp phải nơi người giúp việc đó là lòng tham và thiếu chân thật. Có lẽ chân ướt chân ráo lên Sài Thành hoa lệ nên họ thấy gì cũng thích để rồi táy máy chân tay. Chính cái táy máy chân tay đó đã làm cho người giúp việc mất cái chân thật nơi thôn quê sẵn có của mình. Chuyện mất chân thật tưởng chừng chỉ có nơi một vài người nhưng chẳng hiểu sao nó nhiều đến độ nhiều chủ nhà bở hơi tai để đi tìm người chân thật.

Thật sự ra mà nói không chỉ người chủ nhà mong có người giúp việc chân thật nhưng mong cả nhà cùng sống chân thật. Trong một gia đình mà thiếu người chân thật cũng rõ khổ.

Cách đây vài hôm, cô học trò ngày xưa nhờ “sư phụ” tư vấn cho chuyện gia đình. Hỏi ra thì người chồng đã không còn chân thật như thuở trước. Cô đã đưa ra chứng cứ rành rành cho sự thất tín của chồng nhưng chồng cô cự cãi. Để thử lòng chung thuỷ của chồng, đây là lần thứ hai cô nhờ người khác phái đến để thử anh. Hai lần, lần nào cũng như thế, anh chồng của cô chấp nhận giải pháp ra đi sống chung với “người tình điện thoại” mà cô sắp xếp nhưng khi hỏi chuyện thì lại chối quanh. Đến hôm nay, cô đã chán ngán cho sự thiếu chân thật của người mà cả đời cô trao phận.

Và hôm qua, trong gia đình nọ tôi cũng khá thân đã xảy ra chuyện rạn nứt tình cảm. Người anh dường như bối rối cách cư xử của người em. Người em quá thẳng thắn trong khi người anh thì mềm dẻo. Lối hành xử nào nó cũng có mặt trái mặt phải, mặt tốt và mặt hạn chế của nó. Thẳng quá chưa hẳn là tốt và mềm quá cũng chưa hẳn là hay. Người anh luôn khẳng định lời nói và cách làm của người em là đúng nhưng người anh không chuyển tải cho bà con lối xóm của hai anh em để khi đụng chuyện người anh như muốn loại người em của mình. Cần lắm sự trao đổi thẳng thắn và chân thật nơi hai anh em nhưng không có. Người anh hành xử theo lối của người anh và người em đành chấp nhận. Chuyện anh em không hề trao đổi nhưng lại chạy đi đến người trên trong khi người trên không hiểu cũng như chẳng can thiệp được chuyện của đôi bên. Người ngoài biết được chuyện của hai anh thì họ nhận định : Hễ thiếu chân thành và thẳng thắn là gây xáo trộn !

Đúng như lời nhận định của người nào đó. Ở đời, bất cứ chuyện gì ta nên thẳng thắn với nhau. Hễ thiếu chân thật thì không sớm thì muộn sẽ gây xáo trộn trong gia đình, trong cộng đồng và trong xã hội. Bao kinh nghiệm chua xót của sự thiếu chân thật diễn ra trong đời sống thường nhật.

"Thật thà thẳng thắn thường thua thiệt – lọc lừa lươn lẹo lại lên lương!" Câu nói như đúc kết của phận người thẳng thắn.

Trong cuộc sống người ta có cảm giác rằng phần thua thiệt luôn luôn nghiêng về những con người chân thật.Tuy nhiên dẫu thua, dẫu thiệt nhưng hình như lòng của những người thua thiệt do chân thật vẫn an bình hơn người chiến thắng trong lươn lẹo.

Chân thật – lươn lẹo vì thế luôn mở ra sự chọn lựa cho con người.