"Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài. Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống. Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh." (Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận)

Công Đồng Vaticanô II và vấn đề giáo dục


Thoạt tiên xem ra đối với công đồng Vaticanô II đề tài “giáo dục” không quan trọng lắm. Trong số những chủ đề then chốt của công đồng, người ta thường vạch ra 6 điểm sau: vị trí quan trọng của Lời Chúa, đối thọai với các tôn giáo, xích lại với các anh em ly khai, thiện cảm đối với thế giới cận đại, nêu cao vai trò của các giáo dân, và sau cùng là sự hiệp thông giữa các giáo hội địa phương và tính tập đoàn của các giám mục. Đề tài giáo dục không có trong danh sách ấy.


Mỗi chủ đề vừa kể trên thường được lặp lại trong một hoặc nhiều văn kiện căn bản của công đồng. Chẳng hạn như Lời Chúa được nói đến trong mỗi số của hiến chế tín lý Dei Verbum; mối thiện cảm với thế giới là ý tưởng dệt nên hiến chế mục vụ Gaudium et spes. Ngược lại, chúng ta chỉ thấy hai bản văn ngắn ngủi đề cập đến giáo dục: Tuyên ngôn Gravissimum educationis momentum, về giáo dục Kitô giáo nói chung, và Sắc lệnh về việc đào tạo linh mục Optatam totius Ecclesiae renovationem, cả hai đều được đức thánh cha Phaolô VI ban hành ngày 28 tháng 10 năm 1965. Cần nói ngay là không ai coi đó hai văn kiện quan trọng hàng đầu của công đồng. Phải chăng điều này có nghĩa là các nghị phụ quan niệm việc giáo dục như là chuyện thứ yếu?

Thế nhưng những năm làm việc tại Bộ Giáo dục Công giáo đã cho tôi xác tín rằng mối quan tâm với giáo dục hiện diện trong mỗi văn kiện quan trọng, và nhìn cách tổng quát thì Vaticanô II có thể đáng mang danh là “công đồng về giáo dục”. Vì thế, bản văn ngắn ngủi Gravissimum educationis, dù được soạn thảo vội vàng và mang nhiều bất cập, nhưng đã dẫn chúng ta đến điều mà đức thánh cha Bênêđictô XVI gọi ra “sự khẩn trương của giáo dục”. Luôn tiện cũng nên ghi nhận là sự cần thiết phải xét lại toàn bộ hệ thống giáo dục, một ý tưởng thường được nhắc đến trong các Huấn quyền cận đại, bây giờ cũng được các nhà chính trị lưu tâm. Chỉ cần đưa ra một thí dụ: chính phủ đảng Xã hội mới lên cầm quyền tại Pháp đã đặt việc “tái lập nền giáo dục” liền sau vấn đề khủng hoảng kinh tế.

Trong bài này, tôi sẽ nói về năm điểm:
1. Một truyền thống lâu đời
2. Giáo dục con người
3. Các cộng đồng giáo dục
4. Những phát triển sau công đồng
5. Giáo dục cao đẳng

I. Một truyền thống lâu đời

Tuyên ngôn Gravissimum educationis không phải là một thiên thể lẻ loi trên bẩu trời của Giáo hội. Ngay từ lâu rồi, có lẽ ngày từ lúc khai nguyên, Giáo hội đã quan tâm đến việc đào tạo giới trẻ. Giáo hội đã ủy thác sứ mệnh này cho những tín hữu ưu tú nhất; một số đáng kể của những vị ấy đã được đặt lên bàn thờ. Chỉ cần kể ra vài tên tuổi quen biết: Jean Eudes và Gioan Bosco, Angela Merici và Petrus Canisius, hoặc Jean Baptiste de La Salle mà bản thân tôi mắc nợ rất nhiều đối với các môn đệ của ngài … Sau các thánh sáng lập dòng, các ngài là đội ngũ đáng khâm phục nhất trong Giáo hội. Làm như vậy, Giáo hội không chỉ đáp ứng một nhu cầu sinh tồn, Giáo hội không chỉ lo lắng cho tương lai của mình hoặc của nhân loại, tuy dù vào nhiều cơ hội, tựa như Đại Hội giới trẻ quốc tế, Giáo hội tha thiết kêu gọi các bạn trẻ hãy can đảm đương đầu với tương lai.

Không phải thế, Giáo hội làm chứng cho một chân lý quan yếu nhưng thường bị lãng quên đó là: giới trẻ luôn luôn là những vị thầy của chúng ta. Trong một gia đình, những thành phần cao niên phải thích nghi với những thành phần trẻ tuổi, chứ không phải ngược lại, mặc dầu bề ngoài xem ra trái ngược. Giới trẻ là thầy của chúng ta bởi vì họ trục xuất chúng ta ra khỏi chính chúng ta; họ giật sập những căn nhà mà chúng ta đã chất chứa những xác quyết của chúng ta, và kể cả sự chán chường của chúng ta. Nói tắt, giới trẻ bắt buộc chúng ta phải tiến tới và thay đổi không ngừng: cách thức mà chúng ta sẽ sống tuổi già hầu như luôn luôn tùy thuộc vào thái độ quan tâm mà suốt đời chúng ta đã dành cho các bạn trẻ. Về phương diện này, Giáo hội thật là Mater et Magistra (Mẹ và Thầy).

Thật vậy, Tuyên ngôn Gravissimum educationis đã trưng dẫn như là nguồn mạch gần, các văn kiện Huấn quyền đậm nét giáo dục: Pacem in terris (1963), Mater et Magistra (1961), các sứ điệp truyền thanh và các diễn từ của đức Piô XII dành cho giới trẻ và ngay cả thông điệp Divini Illius Magistri (1929) của đức Piô XI, là một nhà sư phạm bẩm sinh.

Một cách tương tự như vậy, chúng ta có thể nói được rằng Tuyên ngôn đã thu tích những tư tưởng cơ bản của công đồng; điều này đã cho phép tôi khẳng định rằng mặc dù chỉ có ít văn kiện bàn minh thị về vấn đề giáo dục, nhưng mối quan tâm đến giáo dục trải dài suốt các bản văn công đồng. Những bản văn đáng kể nhất là Gaudium et spes (Hiến chế Vui mừng và Hy vọng), Sacrosanctum Concilium (Hiến chế về phụng vụ), Christus Dominus (Sắc lệnh về nhiệm vụ mục tử của các giám mục), và Sắc lệnh Inter mirifica (về truyền thông xã hội).

Tôi xin nói đôi lời về nguồn gốc văn kiện. Trong giai đoạn chuẩn bị công đồng, ba lược đồ đã được soạn thảo: thứ nhất về các trường công giáo, thứ hai về các đại học công giáo, thứ ba về các môn học thánh khoa[2]. Ủy ban của công đồng đã mở rộng các nhãn giới, không chỉ bàn về các trường học công giáo mà thôi nhưng là về giáo dục công giáo. Dự thảo của tuyên ngôn được đệ trình cho các nghị phụ ngày 19 tháng 10 năm 1964. Người ta yêu cầu bổ túc thêm vài chỗ còn yếu. Lược đồ cuối cùng về giáo dục công giáo được chấp thuận ngày 28 tháng 10 năm 1965, với 2325 phiếu thuận và 35 phiếu chống, và được ban hành cùng ngày hôm đó.

II. Giáo dục con người

Bây giờ nếu đi vào nội dung, chúng ta thấy văn kiện chú ý đến phẩm giá. Trong nhập đề, Tuyên ngôn định nghĩa mục tiêu của mình là “trình bày vài nguyên tắc căn bản về giáo dục Kitô giáo, nhất là trong các trường học”. Những nguyên tắc ấy như thế nào?

1) Vài nguyên tắc tổng quát, có giá trị cho tất cả mọi người

Đó là hai nguyên tắc sau đây.

a- Nguyên tắc thứ nhất được gọi là quyền được giáo dục. “Tất cả mọi người, bất luận màu da, điều kiện và tuổi tác nào đi nữa, xét vì phẩm giá nhân vị của họ, cho nên có quyền lợi bất khả nhượng được hưởng một nền giáo dục đáp ứng với cứu cánh riêng của mình.” (§1). Chúng ta gặp thấy hai từ ngữ sẽ được phát triển trong những thập niên kế tiếp dưới khía cạnh triết học và kể cả chính trị: quyền lợi và phẩm giá của con người. Chúng ta dám nói là chúng gói ghém tất cả nền luân lý cận đại. Chúng ta cũng nên ghi nhận rằng chúng mang theo một vài điểm hàm hồ, nhất là vào thời đại chúng ta. Càng ngày người ta càng giải thích quyền lợi theo bối cảnh cá nhân chủ nghĩa, một đặc trưng của thời đại chúng ta: ước muốn của một cá nhân hoặc biểu lộ của ý chí đều được coi như là quyền lợi đòi hỏi xã hội phải đáp ứng. Chúng ta có thể lấy một thí dụ ở ngành luân lý sinh học thì rõ: ước muốn có con cái đặt ra cho xã hội nghĩa vụ phải huy động tất cả mọi phương tiện y khoa để phục vụ ước muốn đó. Về phẩm giá con người, đang khi Kitô giáo nhìn nhận nó bắt nguồn từ chỗ được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, thì các xã hội tục hóa ngày nay coi nó như là sự diễn tả một sự đồng thuận xã hội, sự đồng thuận này thay đổi tùy theo thời đại và những luồng tư tưởng hiện gây ảnh hưởng.

b- Nguyên tắc thứ hai được phát biểu ở đoạn hai: “Tuy nhiên sự giáo dục chân chính nhằm đào tạo con người hướng đến mục đích tối hậu và đến điều thiện của những xã hội khác nhau mà con người làm phần tử và một mai khi trưởng thành họ sẽ đảm nhận trách nhiệm”. Cần nhìn nhận rằng việc áp dụng nguyên tắc thứ hai này sẽ thay đổi rất nhiều tùy theo địa thế mà chúng ta quan sát, hoặc là trong một viễn ảnh Kitô giáo hoặc là trong một xã hội tục hóa.

2) Áp dụng vào Kitô giáo

– Gravissimum educationis quan niệm giáo dục theo cũng một tinh thần đã ghi dấu trên toàn thể công đồng, đó là tinh thần cởi mở đối với thế giới cận đại. Giáo hội biết rằng có nhiều sự khác biệt lớn lao giữa các quốc gia, các dân tộc và văn hóa, tuy vậy Giáo hội chủ trương rằng trong một bối cảnh đa phương như vậy vẫn có thể đạt được những giá trị giáo dục chung. Chúng ta thấy rằng Tuyên ngôn được nuôi dưỡng bởi cùng một tinh thần giống như hiến chế Gaudium et spes : “Khi công bố ơn gọi rất cao quý của con người và mầm giống thần linh mà con người mang trong mình, Công đồng cống hiến cho nhân loại sự hợp tác chân thành của Giáo hội vào việc đạt tới tình huynh đệ đại đồng đáp ứng lại ơn gọi ấy” (3§2). Nói cho cùng, mục tiêu của công đồng chẳng phải là đặt sự giáo dục trên nền tảng của một chủ nghĩa nhân bản mới[3], trong đó tất cả mọi người thiện chí đều được mời gọi cộng tác vì một thiện ích chung hay sao?

Chúng ta phải nhận rằng, 50 năm sau, bối cảnh xã hội đã thay đổi hoàn toàn. Trong một xã hội mà những quyết định chính trị đã loại trừ tư tưởng về sự siêu việt tôn giáo hay triết học, dù chỉ là giả thuyết, thì thử hỏi mục tiêu cao cả nhất của con người sẽ ra thế nào? Khi mà các tôn giáo càng ngày càng được coi như là những nhân tố gây chia rẽ, bạo lực, hoặc mê muội, và do đó nên đẩy chúng vào các lãnh vực lương tâm cá nhân chứ không được phát biểu công khai, thì liệu còn có thể nói đến sự “hợp tác chân thành của Giáo hội vào việc đạt tới tình huynh đệ đại đồng” nữa không?

– Tuyên ngôn Gravissimum educationis chủ trương một nền giáo dục con người toàn diện[4]. Đây là một khía cạnh triết lý then chốt của văn kiện: “Cần phải giúp đỡ các thanh thiếu niên, dựa theo những tiến bộ của khoa tâm lý, giáo dục, sư phạm, để họ được phát triển hài hòa các điều kiện thể lý, luân lý và trí dục, ngõ hầu họ thủ đắc cách tiệm tiến một ý nghĩa hoàn hảo hơn về trách nhiệm trong việc rèn luyện cuộc đời một cách có thứ tự và chủ động, cũng như trong việc tìm kiếm tự do đích thực” (§1). Cách đó không xa, bản văn nhấn mạnh rằng việc nhận biết và yêu mến Thiên Chúa là “một quyền lợi thánh thiêng” của nhân vị, và do đó chính quyền được mời gọi hãy canh phòng ngõ hầu quyền lợi này được tôn trọng khắp nơi. Xã hội cũng có lợi trong khía cạnh này: giáo dục Kitô giáo hệ tại trở về với những giá trị tự nhiên và kết hợp chúng trong viễn ảnh của con người được Đức Kitô cứu chuộc (§2). Vì thế giáo dục Kitô giáo góp phần vào việc xây dựng thiện ích của toàn thể xã hội.

Do đó giáo dục là một hoạt động rất nhân bản: nó không chỉ nhắm truyền thụ gia sản văn hóa, tuy rằng điều này rất thiết yếu cho sự tiến bộ xã hội (§5); nhưng nó còn nhằm khơi dậy trong mỗi người những tiềm năng của mình, khả năng nhận biết mình để lãnh trách nhiệm về chính mình, ngõ hầu kiến tạo bản thân cách hài hòa hơn, bất chấp những khiếm khuyết của tính tình và những vết thương của cuộc sống, ngõ hầu trở nên một chủ thể có tự do, nhận trách nhiệm về các hành động và tương lai của mình. Sau cùng, giáo dục còn muốn bảo đảm làm sao để các tiềm năng trở nên các đức hạnh[5].

Khi nhắc lại ý nghĩ sâu xa của mọi nền giáo dục, Giáo hội chống lại tất cả mọi khuynh hướng muốn làm hạ giá nhân cách: chính sách kỹ thuật muốn biến trường học thành thời kỳ thực tập kỹ thuật; chính sách thương mại muốn biến đổi trường học thành nơi chuẩn bị trực tiếp cho các định luật thị trường, chính sách độc tài được biểu lộ nơi chủ nghĩa duy vật, ý thức hệ và chủ nghĩa bảo căn tôn giáo. Điều này đã khiến cho Giáo hội gặp nhiều đối thủ, họ muốn giảm bớt ảnh hưởng của Giáo hội trong xã hội, thậm chí muốn bịt miệng Giáo hội. Năm mươi năm sau công đồng Vaticanô II, chúng ta phải nhìn nhận rằng trường học đã trở thành không những là nơi chống lại sự hòa nhập xã hội mà còn là nơi tranh chấp phản lại phẩm giá con người.

III. Các cộng đồng giáo dục

1) Gia đình

“Cần phải nhìn nhận cho cha mẹ… như là những nhà giáo dục tiên khởi và chính yếu” của con cái mình (§3). Chính tại gia đình mà con cái học biết khám phá Thiên Chúa;; “nhờ gia đình mà các con cái được dẫn dắt vào cộng đồng loài người”. Đối lại, Nhà Nước cần phải hỗ trợ trọng trách của gia đình và bảo đảm cho những quyền lợi tiên khởi của cha mẹ được tôn trọng khắp nơi, dựa theo nguyên tắc hỗ trợ [6].

Lời tuyên bố này đã có từ lâu đời. Giáo hội luôn chống lại độc quyền của Nhà Nước trong lãnh vực giáo dục (§6), trước đây dưới thời chủ nghĩa phát-xít, quốc xã, mác-xít; ngày nay khi chủ nghĩa tự do muốn biến trường học thành một chi nhánh của thị trường.

Tuyên ngôn giả thiết rằng các cha mẹ có ý muốn thi hành việc đào tạo tiên khởi. Nhưng nếu cha mẹ khước từ ý muốn đó thì sao? Ngày nay cha mẹ muốn tỏ ra là những người dễ tính và hết sức chiều chuộng con cái. Trong các cuộc viếng thăm khi còn làm giám mục Angers, tôi được các giáo viên các trường tiểu học cho biết rằng các trẻ em càng ngày càng tỏ ra hung hăng. Tại sao vậy? Bởi vì các cha mẹ đã quyết định rằng họ sẽ không làm trái ngược lại các em. Vì vậy trường học là nơi mà lần đầu tiên các em có cơ hội để đương đầu với tiếng “không được”, là một trụ cột của tất cả mọi nền giáo dục. Đòi hỏi trường học phải bổ túc cho những thiếu sót trong gia đình có phải là chuyện thường tình hay không? Các nhà giáo dục không nghĩ như vậy, và Gravissimum educationis cũng thế. “Vai trò giáo dục của gia đình thiết yếu đến nỗi, nếu thiếu, thì khó lòng bù đắp nổi” (§3).

2) Các giáo viên

Giáo dục không phải là công tác của một định chế, nhưng là của một cộng đồng giáo dục phục vụ con người. Chắc hẳn đây là một trong những tuyên bố quan trọng nhất của Tuyên ngôn. Trường học đúng nghĩa tiên vàn không phải là một định chế, nhưng là một “trung tâm sinh hoạt và tiến triển nhờ sự đóng góp của gia đình, các giáo viên, các hiệp hội cổ động đời sống văn hóa, công dân và tôn giáo, xã hội dân sự và toàn thể cộng đồng nhân loại” (§5). Trường học không phải là một môi trường đóng kín nơi đó duy các giáo viên nắm toàn quyền, mặc dù vẫn biết rằng họ đảm nhận một “thiên chức cao quý”. Điều này giả thiết rằng các gia đình chấp nhận một vai trò chủ động trong việc giáo dục các thiếu nhi, thế nhưng họ lại thường thoái thác bổn phận như chúng ta vừa nói trên đây. Điều này cũng giả thiết rằng các giáo viên hãy khước từ vai trò độc hữu, ra như chỉ có họ mới biết thế nào là giáo dục đích đáng.

3) Giáo hội

Giáo hội cũng là một cộng đồng giáo dục: “Giáo hội, như người mẹ, buộc phải cung cấp cho con cái mình một nền giáo dục, sao cho toàn thể đời sống của họ được thấm nhập tinh thần Chúa Kitô” (§3). Giáo hội thực hiện sự giáo dục ấy ở chỗ nào? Văn kiện nhắc đến hai chỗ: việc dạy giáo lý và trường học công giáo.

a- “Việc dạy giáo lý, nhằm soi sáng và kiện cường đức tin”, (§4) phải được cung cấp cho tất cả các thiếu nhi công giáo, ngay cả tại những nơi nào không có trường học công giáo. Điều này được thực hiện nhờ tác vụ của các linh mục và các giáo dân tại các “phòng tuyên úy” (từ ngữ này không được nói đến trong Tuyên ngôn) cần thiết lập tại các trường công lập (§7). Trước đây, sự hiện diện của các phòng tuyên úy công giáo được pháp luật công nhận[7] và không có vấn đề gì, tuy rằng các vị tuyên úy phải tranh đấu để sự hiện diện của họ được nhìn nhận. Ngày nay, một sự khó khăn mới được đặt lên do sự hiện diện càng ngày càng đông của các tín hữu Hồi giáo trong xã hội Tây phương. Các cha mẹ ước mong cho con cái mình được lãnh nhận việc đào tạo tôn giáo, vì thế những yêu cầu thiết lập những phòng tuyên úy Hồi giáo gia tăng. Vì thế để ngăn chặn phong trào này, các ban điều hành học đường có khuynh hướng muốn loại trừ tất cả mọi hình dạng tuyên úy tại các trường học, kể cả những phòng tuyên úy đã được pháp luật công nhận.

Ngay cả khi ở ngoài bối cảnh của việc đào tạo giáo lý, Gravissimum educationis cũng nêu bật vai trò chứng tá đời sống của các giáo viên và của các nhà hữu trách các trường học – và theo tôi đây là một điều chính xác – cũng như chứng tá tông đồ của các bạn hữu (§7). Đây là một đề tài rất thích thời: mỗi người được rửa tội là một thừa sai, dù mới chỉ là một thiếu nhi. Em là thừa sai trong gia đình: nhiều khi những câu hỏi tôn giáo do các em đặt ra đã chất vấn các bậc phụ huynh. Em là thừa sai đối với các bạn hữu: các bạn trẻ tìm đến các bạn trẻ.

b- Trường công giáo

Gravissimum educationis dành đoạn dài nhất (§8) của văn kiện cho các trường công giáo. Có ba điểm đáng nêu bật:

+ Khi mạnh mẽ nhắc đến quyền lợi được thiết lập và điều khiển các trường công giáo, Giáo hội hành động nhân danh tự do lương tâm. Vào lúc mà các trường học công lập mang những dấu vết của các ý thức hệ khác nhau, lắm khi trái ngược với đức tin Kitô giáo, các cha mẹ cần phải có khả năng chọn lựa cho con cái mình những trường nào mà đức tin được biểu lộ và truyền đạt. Đối với các cha mẹ, đây là một quyền lợi tiên khởi, một quyền tự nhiên.

+ Trường công giáo là một cơ hội thuận tiện cho Giáo hội. Khi tạo ra “những cộng đồng học hỏi được hun đúc bởi tinh thần tự do và yêu thương theo Phúc âm”, Giáo hội thực sự mang lại cho xã hội một sự phục vụ công ích và cần phải được công nhân (đặc biệt qua việc được trợ cấp). Điều này cần được khai triển thêm, và phản ứng lại một ý tưởng được quảng bá giữa hàng giáo sĩ vào những thập niên 60-70, theo đó các trường công giáo không mang tầm quan trọng về mục vụ. Ngày nay chúng ta thấy rõ rằng trong các xã hội tục hóa, những trường này đứng hàng đầu trong phạm vi truyền giáo: đối với nhiều bạn trẻ, đây là cơ hội đầu tiên, có khi là duy nhất, để họ gặp gỡ Giáo hội, điều mà các giáo xứ thường không làm được.

+ “Tài ba” của một trường công giáo không dựa trên các giáo trình cũng chẳng dựa trên ý định của các vị sáng lập, nhưng tiên vàn là dựa trên thái độ cư xử của các giáo viên. Công đồng tuyên bố: “Nhiệm vụ giảng dạy của họ là một việc tông đồ đúng nghĩa, được thích nghi hoàn toàn và vẫn còn cần thiết cho thời đại chúng ta; ngoài ra cũng là một việc phục vụ xã hội”. Từ đó sự quan trọng của việc đào tạo các giáo viên được đặt ra. 50 năm sau công đồng, những lời ấy vẫn còn giá trị. Không ít lần các giáo hội địa phương gặp khó khăn trong việc bảo đảm công cuộc đào tạo ấy. Các đại học công giáo có thể góp phần hữu ích cho công cuộc này.

IV. Những tiến triển tiếp theo bản văn công đồng

Được yêu cầu trình bày về tính cách thích thời của Tuyên ngôn Gravissimum educationis, tôi nghĩ rằng cách tốt nhất là duyệt qua những văn kiện do Bộ Giáo dục Công giáo từ sau công đồng. Trước đây, cơ quan này mang tên là Bộ các chủng viện và đại học. Tông hiến Regimini Ecclesiae do đức Phaolô Vi ban hành ngày 15 tháng 8 năm 1967, đã nới rộng thẩm quyền sang các trường học, và vì vậy được đổi danh xưng thành Bộ Giáo dục Công giáo. Bộ đã phát hành một số văn kiện định nghĩa căn tính và sứ mạng của trường công giáo:

– Trường công giáo (17 tháng 3 năm 1977). Những cuộc thay đổi xã hội đã đòi hỏi trường công giáo phải xác định căn tính của mình. Đức Kitô tượng trưng cho nền tảng của dự án giáo dục. Nhờ việc chiêm ngắm bản thân của Người và nhờ việc học hỏi sâu xa Lời của Người mà phát sinh những nguyên tắc sư phạm tạo nên nét độc đáo của trường học công giáo. Những nguyên tắc này cổ vũ sự đào tạo toàn diện con người.

– Người giáo dân công giáo, chứng nhân đức tin tại trường học (15 tháng 10 năm 1982). Văn kiện này phác họa những nét chính của nhà giáo Kitô hữu tại trường học công giáo cũng như tại trường công lập. Giáo viên không giới hạn vào việc truyền thụ kiến thức, nhưng còn muốn gợi lên nơi các học sinh lòng ham mộ chân lý. Vì thế đây là một trong những ơn gọi đẹp nhất.

– Trong việc đào tạo toàn diện con người, được Giáo hội nhấn mạnh, thì việc giáo dục tình cảm, và cụ thể hơn nữa, việc giáo dục phái tính giữ một chỗ vừa dứt khoát vừa tranh cãi. Thật vậy, từ khoảng ba mươi năm nay, các cơ quan chính quyền muốn đích thân đảm nhận việc giáo dục này, qua việc phát hành nhiều sách báo và gửi đến các trường học những người giả thiết là có khả năng. Thử hỏi: cha mẹ có quyền phản đối việc giáo dục phái tính tại các trường học không? Giáo hội nói gì về đề tài khá tế nhị này? Vì thế Bộ giáo dục công giáo phát hành một văn kiện mang tựa đề: Những đường hướng giáo dục về tình yêu con người (1 tháng 11 năm 1983).

– Từ khá lâu Bộ đã nghiên cứu vấn đề Chiều kích tôn giáo của việc giáo dục tại trường công giáo (7 tháng 4 năm 1988). Văn kiện này đương đầu hai vấn đề: việc loan báo đức tin vào Chúa Kitô tại trường học, và việc huấn luyện các giáo viên. Một đàng cần phải tôn trọng tự do lương tâm của mỗi học sinh: chỉ có thể đề nghị chứ không thể áp đặt đức tin. Đàng khác, nếu một trường công giáo không thể trình bày đức tin vào Chúa Kitô cho các học sinh thì còn gì là công giáo nữa? Câu hỏi này được đặt lên khắp nơi, nhưng nhất là tại các quốc gia Hồi giáo, nơi mà các trường công giáo nổi tiếng nhờ những công tác giảng dạy nhưng lại bị ngăn cấm không được nói về Đức Kitô và thậm chí cũng bị cấm ngay cả việc giới thiệu văn hóa Kitô giáo. Ngoài ra, người ta hy vọng rằng các giáo viên Kitô giáo tham dự cách chủ động vào việc giảng dạy chiều kích tôn giáo, và điều này giả thiết rằng họ đã lãnh nhận sự đào tạo cân xứng. Thế nhưng các giáo viên được đào tạo ở đâu và như thế nào?

– Trường công giáo trước thềm thiên niên kỷ thứ ba (28 tháng 12 năm 1997). Văn kiện nêu bật trường học công giáo làm thành phần của Giáo hội, vào lúc mà ý thức giáo hội đang sút giảm đáng kể.

– Con số những tu sĩ hoạt động trong các trường học có khuynh hướng sụt giảm trên khắp thế giới, vì thế các trách nhiệm được chuyển sang các giáo dân. Hai văn kiện trong thập niên đầu thiên niên kỷ mới chú trọng vào việc xác định lãnh vực chuyên biệt và sự bổ xung giữa đôi bên: Các tu sĩ và sứ mạng tại các trường học. Những suy tư và định hướng (28 tháng 10 năm 2002), Kề vai giáo dục tại trường công giáo. Chia sẻ sứ mạng giữa các tu sĩ và giáo dân (8 tháng 9 năm 2007).

V. Giáo dục cao đẳng

Tuyên ngôn Gravissimum educationis chủ yếu bàn về các trường học, và mãi cuối bản văn mới dành hai số 10 và 11 để nói đến các đại học, còn số cuối cùng (số 12) mời gọi tất cả các học hiệu công giáo, gồm cả các đại học, hãy duy trì những mối tương quan hợp tác.

Tuy nhiên tôi nghĩ rằng nên dừng lại đôi chút để suy nghĩ về giáo dục đại học vì hai lý do. Thứ nhất bởi vì đây là một lãnh vực đã phát triển đáng kể trong vòng 50 năm qua: tổng số các đại học công giáo lên gần tới 1.300 và những đơn xin thiết lập tiếp tục gia tăng. Hiện nay những vùng năng động nhất là châu Mỹ latinh, châu Phi và nước Ấn độ.

Lý do thứ hai không thể nói dài ở đây. Đối với Giáo hội, đại học công giáo là một phương thế đặc biệt để tham gia vào nền văn hóa của quốc gia, và ngoài ra còn trở thành một tác nhân chủ động chuyên nghiệp tại xứ sở. Quý vị thử tưởng tượng uy tín của Giáo hội sẽ như thế nào, nhất là tại các xã hội tục hóa không nhìn nhận cái gì khác bên trên chuyên môn nghề nghiệp, nếu các khoa học gia lỗi lạc nhất, những nhà kinh tế tài ba, những nhà kiến trúc nổi danh, đều xuất thân từ các đại học công giáo hoặc nếu các bác sĩ ưu tú nhất đều ủng hộ quan điểm Kitô giáo về tính dục. Theo các nghị phụ công đồng, các trường cao đẳng công giáo cần thể hiện “sự hiện diện công khai, bền bỉ và phổ quát của tư tưởng Kitô giáo trong nỗ lực cổ vũ văn hóa cao cấp, và làm sao cho các sinh viên theo học tại đây được đào tạo thành những người tài ba về học thuyết, được chuẩn bị để đảm đương những chức vụ quan trọng trong xã hội và những chứng nhân đức tin trong thế giới” [1].

Tôi thật hân hoan nhìn nhận rằng tại nhiều quốc gia châu Mỹ latinh, các đại học do Giáo hội điều khiển được coi là nổi tiếng hơn cả; tôi nghĩ cách riêng đến nước Chili và Colombia mà tôi vừa mới viếng thăm… Như đức thánh cha Gioan Phaolô II đã nói, đối với Giáo hội công giáo, thế giới giáo dục cao đẳng là một “cánh đồng đặc biệt của công cuộc loan báo Tin mừng và hiện diện trong lãnh vực văn hóa” [2]. Như quý vị đã biết, sinh hoạt đều đặn của các đại học vẫn là một đề tài mà đức Bênêđictô XVI đặc biệt quan tâm.

Tôi muốn nhắc đến sự phân biệt căn bản trong bộ giáo luật (điều 807-821), tuy ít người hiểu được, giữa hai loại đại học gắn liền với Giáo hội: một bên là các đại học và phân khoa Giáo hội (universitates et facultates ecclesiasticae), một bên là các đại học công giáo (universitates catholicae).

a- Loại thứ nhất nhằm cổ vũ việc nghiên cứu các môn “thuộc Giáo hội”, nghĩa là các môn học thánh (thần học, giáo luật, triết học, đó là ba khoa cổ điển; nhưng danh sách còn có thể kéo dài thêm, chẳng hạn: giáo sử, học thuyết xã hội của Giáo hội, truyền giáo, vv). Những học viện này do Tòa Thánh thiết lập, được điều hành bởi những quy luật của tông hiến Sapientia christiana ngày 15 tháng 4 năm 1979; cấp các văn bằng nhân danh và dưới uy tín của Tòa Thánh. Vào năm 2005, con số đã lên đến 258. Đại học mới nhất là San Dámaso, tại Madrid, được thiết lập vào tháng 7 năm 2011, chỉ vài tuần lễ sau Ngày Quốc tế bạn trẻ.

b- Loại thứ hai, các đại học công giáo, là những trung tâm cao đẳng gồm bởi nhiều phân khoa, viện hay trường, nơi dạy các môn học dân sự[8], nhưng đôi khi cũng có những môn “thuộc giáo hội”. Các đại học công giáo được điều hành bởi tông hiến Ex corde Ecclesiae ngày 15 tháng 8 năm 1990.

Trái ngược với sự giải thích lịch sử được lặp đi lặp lại dưới thời kỳ Ánh sáng (Illustration) và được thuyết mác-xít hồi sinh, các đại học thời Trung cổ không do các hiệp hội giáo dân thiết lập để chống lại sự đàn áp của hàng giáo sĩ hoặc một hạ tầng chống lại sự tha hóa mà quyền bính gây ra. Ngược lại, chính nhằm bảo đảm quyền tự do giảng dạy và nghiên cứu mà các đại học đầu tiên đã quay về với Rôma, để thoát ly khỏi cái ách của những định chế địa phương, địa phận và kể cả của chính quyền, là những định chế muốn huy động các sinh viên và giới trí thức để phục vụ quyền lợi của mình. Vì thế nguy cơ không phát xuất từ Rôma ở xa xôi, nhưng là từ các định chế gần gũi tại quê nhà. Chính vì thế mà hầu như vào lúc mở cửa một đại học, chúng ta gặp thấy một sắc chiếu của giáo hoàng cho phép thành lập hoặc ít là phê chuẩn. Có cũng là điều mà đức Gioan Phaolô II mong mỏi nơi tông hiến Ex corde Ecclesiae, với ba chữ Latinh rất có ý nghĩa (“được sinh ra từ trái tim của Giáo hội”) [3]. Tuy vẫn duy trì sự tự trị chính đáng do bản tính đòi hỏi, mỗi đại học công giáo được mời gọi hãy chu toàn một nhiệm vụ riêng biệt ngay từ giữa trái tim của đời sống Giáo hội.

Cái gì làm cho một trường cao đẳng trở thành “công giáo”? Đâu là những khác biệt giữa các đại học công giáo và các đại học khác?

Nhiều người thường trả lời rằng: đại học công giáo là một trung tâm học vấn mà đặc trưng là sự hiện diện của những người, được thúc đẩy bởi đức tin và trung thành với Huấn quyền, tìm cách đổi mới trật tự trần thế [4] trong môi trường cụ thể là giáo dục cao đẳng. Câu trả lời này đúng: quả vậy thật đáng mong ước rằng các giáo viên của một đại học công giáo là những tín hữu công giáo dấn thân; điều này lại càng đúng hơn nữa đối với những ai giữ một chức vụ có trách nhiệm, tựa như viện trưởng, khoa trưởng. Tuy nhiên, nguy cơ là các giáo viên, các nhân viên điều hành chỉ hành động với tư cách cá nhân: thiện chí, sự dấn thân và chứng tá mang tính cá nhân hơn là định chế. Thế nhưng, một đại học công giáo còn có gì hơn là một tập hợp các cá nhân. Chính là “xét như định chế” mà các đại học công giáo trình bày một “nền đạo đức chuyên biệt, một ý thức vẫn tồn tại kể cả khi nó bị phản bội bởi những cá nhân trong lòng định chế ấy” [5]. Hơn thế nữa, các học hiệu cao đẳng mang danh công giáo là những cách thức diễn tả sứ mạng Giáo hội ra thành cơ cấu; chúng tượng trưng cho những định chế được công khai nhìn nhận, những hoạt động khoa học căn bản, các lớp học và sự phục vụ “cần được gắn bó và hòa hợp với sứ mạng của Giáo hội là loan báo Tin mừng” [6]. Hiểu như vậy, các đại học công giáo chấp nhận những quyền lợi và nghĩa vụ phát sinh từ mối tương quan hữu hình với Giáo hội địa phương và hoàn vũ.

Vì thế, như đức thánh cha Gioan Phaolô II quả quyết, đại học công giáo cần biểu lộ “tinh thần Kitô giáo không những về phía mỗi thành phần mà cả về phía cộng đồng đại học nữa” [7]. Nói cách khác, đại học công giáo cần bảo đảm, một cách định chế chứ không chỉ là cá nhân, một sự hiện diện của Kitô giáo trong thế giới của giáo dục cao đẳng. Tông hiến Ex corder Ecclesiae (§13) giải thích như sau: “mục tiêu của một đại học công giáo là bảo đảm dưới hình thức định chế một sự hiện diện của Kitô giáo trong thế giới đại học khi đối diện với các\vấn đề lớn lao của xã hội và văn hóa. Xét như là công giáo, nó phải có những đặc trưng cơ bản sau đây:

1. một tinh thần Kitô giáo không những về phía mỗi phần tử mà còn cả về phía cộng đồng đại học;

2. một sự suy tư liên tục, dưới ánh sáng đức tin công giáo, về kho tàng trí thức nhân loại ngày càng gia tăng, và cống hiến sự đóng góp của mình bằng những cuộc nghiên cứu riêng;

3. trung thành với sứ điệp Kitô giáo như đã được Giáo hội trình bày;

4. dấn thân phục vụ dân Chúa và gia đình nhân loại trên hành trình hướng đến mục tiêu siêu việt mang lại ý nghĩa cho cuộc đời.”

Những nguyên tắc tổng quát này mang theo một số hệ luận thực tiễn về phương diện định chế. Ơn gọi của một đại học công giáo gồm tóm vào ba điểm: tìm kiếm chân lý; truyền thông chân lý cách vô vị lợi cho “những bạn trẻ và tất cả những ai học biết cách lý luận nghiêm chỉnh để hành động đúng đắn và phục vụ xã hội tốt hơn” [8]; phục vụ xã hội và Giáo hội.

Tìm kiếm chân lý, theo tông hiến, gồm bốn khía cạnh:

Kết hợp sự hiểu biết với một tổng hợp cao cấp hơn, điều rất cần vào thời nay khi mà kiến thức có khuynh hướng đi vào chuyên ngành và bị phân mảnh;

Đối thoại giữa đức tin và lý trí, tuy vẫn tôn trọng những lãnh vực và phương pháp chuyên môn, tìm cách “gặp gỡ trong một chân lý duy nhất” [9];

Quan tâm đến luân lý, bởi vì kiến thức nhắm phục vụ con người;

Viễn ảnh thần học, bởi vì thần học “giữ một vai trò quan trọng đặc biệt trong việc tìm một tổng hợp về mọi kiến thức”: vì thế đại học cần phải có “ít là một ghế giảng dạy thần học” [10].

********

Bộ Giáo dục sẽ phát hành vào những tuần lễ – hoặc những tháng – sắp đến một văn kiện mới về đặc trưng của giáo dục công giáo trong những xã hội càng ngày càng được đánh dấu với tính đa nguyên về văn hóa và tôn giáo. Nếu quý vị hỏi tôi: đâu là câu hỏi thường được đặt ra cho giáo dục công giáo trên toàn thế giới, thì tôi xin trả lời ngày rằng: đó là câu hỏi về căn tính hoặc đặc trưng. Công giáo có nghĩa là gì? Làm thế nào định nghĩa một trường học hay đại học là công giáo?

Mỗi khi các sinh viên có thắc mắc về ý nghĩa của một từ ngữ, tôi khuyên họ hãy truy tầm nguyên ngữ. Chúng ta cũng hãy làm như vậy để kết thúc. Từ catholica (công giáo) có hai nguồn gốc:

– Từ catholica bắt nguồn bởi tiếng Hy-lạp katholicos có nghĩa là phổ quát. Một trường công giáo làm một trường mở ra chiều phổ quát. Phổ quát của cái gì? Trước hết là phổ quát xét về kiến thức. Một trường công giáo là một trường mở rộng đến kiến thức của nhân loại. Nó muốn tìm hiểu tất cả những gì liên quan đến con người. Vì thế ơn gọi của nó rất nhân bản. Tôi vui mừng vì điều này đã được công nhận trên toàn thế giới. Thật vậy, Giáo hội hãnh diện về phẩm chất của các trường học và đại học của mình.

Chiều kích này thứ nhất của tính phổ quát cũng hàm ngụ rằng một trường học (hoặc đại học) được mở ra cho nhiều người, cho hết mọi người nếu có thể được. Một trường công giáo không chỉ đón nhận các học sinh công giáo. Như vậy ơn gọi nhân bản vừa nói trên lại càng được củng cố thêm.

Ý nghĩa đầu tiên của từ “công giáo” tuy cần thiết nhưng chưa đủ. Nếu đặc trưng của một trường học chỉ nằm ở chỗ là mở cửa cho hết mọi người thì sẽ rơi vào nguy cơ trở thành một hội chợ. Vì thế cần phải thêm một ý nghĩa thứ hai nữa: “công giáo” quy chiếu về một tôn giáo đặc thù, một đạo. Vì thế một trường công giáo là nơi mà người ta có thể học biết Kitô giáo là gì, giáo lý và luân lý của đạo ấy, nói tóm lại, cách thức tư duy và sống theo Kitô giáo.

Ta có thể rút ra hai hệ luận cụ thể. Thứ nhất, một trường công giáo là nơi trình bày đức tin công giáo, qua đường lối huấn giáo. Chúng ta chỉ trình bày giáo lý chứ không áp đặt, bởi vì nhà trường chủ trương tôn trọng tự do lương tâm và sự lựa chọn của mỗi người. Đối với học sinh không công giáo hoặc không muốn tham dự lớp giáo lý, thì nhà trường cần phải dự liệu, cách bắt buộc chứ không nhiệm ý, một lớp đào tạo về văn hóa Kitô giáo do những giáo viên của trường giảng dạy chứ không do người ngoài. Tuyên ngôn Gravissimum educationis không nói đến điều đó, bởi vì vào thời của công đồng, ảnh hưởng của Kitô giáo còn mạnh mẽ. Bây giờ tình hình không như thế nữa. Tôi biết rằng môn học hỏi văn hóa Kitô giáo còn mới và đòi hỏi nhiều sáng tạo. Dựa vào kinh nghiệm bản thân tôi có thể nói rằng đây là một việc rất hứng thú. Và cũng là một thách đố. Căn tính Kitô giáo đòi hỏi điều ấy.

Jean-Louis Bruguès OP
nguồn: http://www.catechesis.net

......................................................
[1] Công đồng Vaticanô II, Tuyên ngôn Gravissimum educationis, số 10.
[2] ĐGH Gioan Phaolô, Diễn từ dành cho Hội đồng Tòa thánh về văn hóa (15 tháng 1 năm 1988), số 5, Insegnamenti, 11/1 (1988), tr. 103.
[3] ĐGH Gioan Phaolô II, Tông hiến Ex corde Ecclesiae, 15 tháng 8 năm 1990, số 1.
[4] X. Công đồng Vaticanô II, Hiến chế Lumen gentuim, số 37.
[5] Francis George, «Catholic Higher Education and Ecclesial Communion », Origins, 28/35 (18-2-1999), p. 611 ; x. Donald Wuerl, «The Institutional Identity of a Catholic University », Origins, 29/15 (23-9-1999), p. 234.
[6] ĐGH Gioan Phaolô II, Tông hiến Ex corde Ecclesiae, số 49.
[7] Ex corde Ecclesiae, số 13.
[8] Ex corde Ecclesiae, số 2.
[9] Ibid., n. 17.
[10] Ibid., n. 19 ; cf. Code de Droit Canonique, can. 811.
[1] Đức cha Jean-Louis Bruguès O.P., giám mục Angers (2000-2007), tổng thư ký Bộ giáo dục công giáo (2007-2012), và hiện đang giữ chức vụ Quản thủ Văn khố và Thư viện của Tòa thánh. Tựa đề của bài thuyết trình theo nguyên bản tiếng Tây-ban-nha là “Giáo dục theo công đồng Vaticanô II” (La educacion segun el Vaticano II), đăng trên mạng internethttp://www.instituto-social-leonxiii.org/index.php?option=com_content&view=article&id=878:la-educacion-segun-el-concilio-vaticano-ii&catid=119:curso-2012
[2] Các “thánh khoa”, hoặc “những môn học thuộc Giáo hội” (studia ecclesiastica): thần học, giáo luật, triết học.
[3]“Chủ nghĩa nhân bản mới”: un nuevo humanismo. Cũng có thể dịch là “quan niệm mới về nhân sinh”.
[4]Nguyên bản: “giáo dục toàn diện con người” (educación integral de la persona humana).
[5]Một lối chơi chữ trong nguyên bản Tây ban nha: từ tiềm năng (virtualidad) đến nhân đức (virtud).
[6]Nguyên tắc hỗ trợ (hay bổ trợ): subsidiariedad. Cấp trên chỉ “hỗ trợ” cho cấp dưới, chứ không thay thế (trái với việc bao cấp).
[7]Tác giả nói đến tình hình trước đây ở các trường công lập bên Pháp, khi các linh mục được phép đến dạy giáo lý cho các học sinh công giáo tại “phòng tuyên úy” (aumônerie).
[8]Môn học “dân sự” (hoặc môn “đời”): disciplinas civiles or profanas, nghĩa là khác với các môn “đạo”, thuộc về “Giáo hội” đã nói trên đây.