"Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài. Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống. Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh." (Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận)

Khổ đau là hạnh phúc


Vừa bước chân vào nhà thờ tôi hơi khựng lại trước một hình ảnh lạ. Mấy bà sơ chưng một bình hoa kiểu “thác đổ” mà đỉnh cao là một cây thập giá ghép bằng hai cành trúc, một suối hoa hồng đung đưa từ đỉnh thập giá đó rồi uốn lượn đổ xuống thấp dần và nằm gọn trên những tán lá trầu ông cắt tỉa theo nhiều kiểu khác nhau. Vài cánh lá dừa lưa thưa đua ra theo nhiều hướng làm tăng vẻ hoang sơ, nhưng lại tạo ra hình ảnh gai góc trải dài mấy bậc tam cấp.

Suy tôn cây thánh giá! Biểu tượng của sự khổ đau nay lại là biểu tượng của vinh quang, của yêu thương, của hạnh phúc.

Lạ thật, người ta miệt mài đi tìm hạnh phúc, nhưng dường như khổ đau lại xuất hiện thật nhiều suốt hành trình tìm kiếm. Những cánh hồng tươi xinh kia đan quyện lấy nhau làm thành giòng suối thơm mát, nhưng nguồn suối lại khởi đầu từ đỉnh cao thập giá. Các ông triết gia ra sức chú giải, cắt nghiã chữ đau khổ trong kiếp người. Nào là đau khổ mang sắc thái tinh luyện để con người xứng đáng đón nhận một hồng phúc nào đó; nào là đau khổ thử thách niềm tin kiểu “lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Và nếu được tham gia, tôi cũng thêm ý kiến rằng: Đau khổ là một trò chơi lớn của Thiên Chúa!

Ngay từ những buổi đầu của cuộc tạo dựng, Thiên Chúa cho một vườn địa đàng đầy hoa thơm trái ngọt, chim hót líu lo và giòng suối an bình uốn khúc mang sức sống đến mọi cảnh vật tươi màu khoe sắc. Trong cái thanh cao và hạnh phúc chan tưới mọi sinh linh của vườn địa đàng, Thiên Chuá cũng cho biết có một cây “biết lành biết dữ”. Chính nó là cái cớ sinh ra bao oái oăm ngang trái, khiến lòng người chợt thấy hạnh phúc rã tan và đau khổ xuất hiện đem theo bao cảnh lầm than, bao nhiêu nước mắt nhục nhằn và xáo động tàn khốc đến mọi kiếp người.

Chưa biết manh tâm của quỷ dữ nó sâu độc đến mức nào, nhưng trước hết là do chính ‘con người’ cũng tự nhận thấy một bản ngã thấp hèn xuất hiện: „Con rắn lừa dối tôi“, „bà ấy đã bảo tôi ăn“, … nghĩa là cứ quanh quẩn đổ tội cho người khác. Hậu quả là những hoa thơm trái ngọt đã biến thành vũ khí giết người, đồng xanh êm dịu đã có gai nhọn cày sước làm da rướm máu. Những con chiên hiền hoà kia đã trở thành hiểm họa cho anh giết em trong sự thù hằn xung khắc.

Thế rồi cứ đau khổ này nối tiếp khổ đau khác, nhuộm đỏ máu tươi trong lịch sử loài người. Những giòng máu đau thương nhầy nhuộc cả xã hội vật chất, những vết thương bầm tím, thối rữa từng mảng tâm hồn vốn thần thiêng cao quý.

Từ trong vũng lầy của nước mắt ấy, khát vọng tìm hạnh phúc lại vươn mạnh, thấm thía hơn. Và trò chơi của Thiên Chuá lại chuyển sang một kế hoạch ‘trọn gói’, để con người thấy rằng Ngài vẫn ‘cao tay’ hơn những khát vọng của phàm nhân. Ngôi Vị Thiên Chúa đã hoá thân để cùng chia sẻ, cùng ngậm ngùi, cùng đau khổ và ôm hết mọi khổ đau của loài người mà treo lên khổ giá, rồi lấy máu vô tội mà tẩy sạch mọi oan khiên tội tình, đồng thời cũng sang trang luôn cho những đau khổ mà con người phải oằn vai gánh chịu.

“Hãy đến với tôi, tất cả những ai vất vả gánh vác nặng nề, tôi sẽ nâng đỡ, thêm sức cho”. Đau khổ không được cất đi, nhưng nó đã sang trang và mang một ý nghĩa mới, một giá trị cứu độ. Đau khổ không còn là nỗi sầu truyền kiếp nữa mà hóa ra ‘nỗi đau dịu dàng’ vì được sự ‘bảo hộ’ bởi nguồn tăng lực dồi dào sức sống. Đấng đã qua đau khổ để vào vinh quang (per crucem, ad glucem), cũng là để chứng minh rằng “những khổ đau đời này có sánh gì được với những niềm hạnh phúc mai hậu”.

Tuy nhiên, những luận chứng này không phải ai cũng thấu triệt. Thực tế của đời người hôm nay, đau khổ vẫn còn là cái nhức nhối gặm nhấm thân xác và tâm hồn. Nó tác động nhiều ít tới chủ thể nào lại tuỳ nhận thức, lương tri và giáo dục.

Đây nhé, ai bảo giàu có là sung sướng? Đúng, nhưng ‘người giàu cũng khóc’ hà rầm đấy thôi. Những cuộc thanh toán nhau đẫm máu, mất tình người cứ nằm trong ranh giới nhà giàu. Gần đây xã hội còn thêm một định lý nghịch nữa là ‘giá đất lên, tình người xuống’.

Ai bảo nghèo là khổ? Cũng đúng. Nghèo thường kết thân với khổ thành nghèo khổ mà. Nhưng kìa, mấy khi tôi có được một giấc ngủ ngon như bác phu xe dưới tán lá bên đường? Ai có được cái cảm giác ngây ngất của cậu học sinh mà ngày đến trường, sáng sớm đẩy xe rác giúp mẹ ra điểm tập trung rác thải sau một đêm thu gom, tối cặm cụi vá xe hẻm phố, hôm nay nhận bằng tốt nghiệp thủ khoa của trường Đại Học?

Chao ôi, cứ mở to mắt ra mà nhìn cuộc đời, cả nhìn mình nữa, sẽ thấy nhiều chuyện cũng nửa đùa nửa thật như thế lắm. Nhưng chuyện này là thật nhé: Thiên Chúa của tôi thích đau khổ! Kể ra thì không biết bao nhiêu cái dại của Ông Trời, khiến điên đầu cho ai đó muốn tìm hiểu về ‘con người viết hoa’ đó. Ai nào Thiên Chúa chỉ thích giao du với đám dân nghèo và khổ đau cùng mình. Tự dưng phải chuốc khổ vào mình làm chi, mà phải mang lấy kiếp người mà chịu khổ, chịu nhục, rồi còn bị lên án và lãnh án tử nữa! Ai mở cái bản gọi là Hiến Chương Nước Trời ra mà coi, bao nhiêu cái Phúc đều dành hết cho những công dân cùng đinh: đói rách, bị bắt bớ, nghèo chân lý khát yêu thương, khóc lóc đau khổ…

Chưa hết đâu, Vị Thiên Chúa ấy còn đứng về phe những kẻ bị coi là tội lỗi tày trời, đàng điếm, cùi hủi. Mặc dù không chấp nhận tội lỗi nên phải dùng máu của thập giá để khử trừ, nhưng kẻ có tội lại cứ thương yêu và nhẫn nại chờ đợi lòng sám hối muộn màng của nó. Rồi đây trong từng cuộc sống lầm than đau khổ hay an bình thanh thản, sự hiện diện của Ngài vẫn là động lực giúp thăng hoá mọi hoạt động của họ. Ngài rửa tội cho hết mọi khổ đau oan khiên để nó được mang một giá trị cứu độ chúng sinh. Đau khổ, tội lỗi qua cái chết và phục sinh của Ngài đã biến thành hồng phúc như lời kinh trong bài ca Exsultet đêm Phục Sinh.

Đau khổ của con người đã được chia sẻ, niềm tủi hờn đã được ủi an, nỗi cô đơn đã có bạn đồng hành, thậm chí đến sự chết cũng mang dấu yêu thương. Tuyệt vời nhất là nguồn ủi an, chia sẻ, đồng hành kia lại là chính Thiên Chúa, Đấng đã ‘nên mọi sự trong mọi người’ .

Hóa ra đau khổ lại trở thành hạnh phúc. Có hạnh phúc thì khổ đau không còn là gánh nặng. Cơn đau của bệnh tật mà được chia sẻ với nỗi đau thập giá Canvê thì cơn đau ấy sẽ dịu đi và mang giá trị cứu rỗi. Niềm tin sẽ mang lại hạnh phúc cho người biết đón nhận đau khổ…

Trò chơi của Thiên Chúa chưa kết thúc!

Bs. Trần Minh Trinh