"Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài. Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống. Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh." (Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận)

Luận về can đảm


Lời người dịch: 

Thông thường, can đảm nghĩa là có dũng khí để không sợ nguy hiểm, đau khổ, hoặc biết công khai nhận lỗi. Can là gan, đảm là mật, nên dân gian thường nói người can đảm có gan to mật lớn. Theo Tam quốc chí diễn nghĩa, Khương Duy (201-264) sau khi chết bị quân địch mổ bụng, thấy mật của ông “to như quả trứng gà”. Ngoài ra, can trường có nghĩa là gan và ruột (gan dạ). Vậy phải chăng, can đảm hoàn toàn có gốc thể lý, và như thế, có tính bẩm sinh?

Bài The Brave (Can đảm) dưới đây của V. Blaird, đăng trong tạp chí New Internationalist: People, ideas and action for global justice (Người quốc tế mới: Dân chúng, tư tưởng và hành động cho công lý toàn cầu) No. 500, March, 2017, tt.17-19 (newint.org). Tác giả là một nhà báo từng hoạt động khắp vùng Nam Mỹ. Từ 1986, làm đồng chủ bút tạp chí vừa kể, bà viết về các vấn đề từ di dân, tiền bạc, tôn giáo, sự bình đẳng tới hoạt động bản địa, khí hậu biến đổi, nữ quyền, quyền của LGBT trên thế giới. Sách của bà gồm có Sex, Love and Homophobia (2004), The Little Book of Big Ideas (2009), People First Economics (2010), The No-Nonsense Guide to World Population (2011), và mới đây biên tuyển Eye to Eye Women và The No-Nonsense Guide to Sexual Diversity. Bà được trao giải thưởng danh giá về truyền thông của Hội Nhân đạo Quốc tế (Amnesty International Human Rights Media) năm 2012.

Với The Brave, V. Blaird không đào sâu định nghĩa can đảm là gì, mà cố tìm giải đáp, về mặt tâm lý học, xã hội học, và khoa học, cho câu hỏi “cái gì làm người ta can đảm?” Đồng thời bà nhìn thoáng những phẩm tính của nó, vốn chưa được xem xét đúng mức trong khi nó có khả năng làm đổi thay thế giới.

Người chuyển ngữ tiểu luận này xin mạn phép riêng tặng bản tiếng Việt cho các bạn bất đồng chính kiến và tù nhân lương tâm, cả kinh lẫn thượng, những người đã và đang miệt mài đấu tranh cho nhân quyền, môi sinh và xây dựng xã hội dân sự ở Việt Nam. Thực tế, khi đối mặt với nhân viên công lực của cường quyền, dù chỉ một viên chức nhỏ, cũng là đương đầu với cả một lực lượng CACS và một quân lực của chế độ đầu sỏ hung hiểm. Từ hơn chục năm nay, sự có mặt tiên phong của hàng trăm tu sĩ, trí thức, sinh viên, học sinh và công nhân nông dân trên tuyến đầu của dân tộc quẩn bách, đang ngày càng tạo thêm những chấn động đưa tới đổi thay.

Quyện vào đó, vô số gian khổ, sỉ nhục, thương tật, v.v. mà họ chịu trong cuộc sống bị săn đuổi, bách hại hằng ngày, đủ mọi hình thức, và rồi đày đọa nơi tù ngục như chốn ống cống tối tăm thiếu thốn, đối xử tàn mạt, sau đó bệnh hoạn, thậm chí từ trần, v.v. Tất cả, nếu đem so với cái gọi là “phong trào” của vài chục sinh viên, trí thức “chống Mỹ cứu nước” loanh quanh trong khuôn viên vài trường đại học và vài khu phố ở Huế Sàigòn (thời thế hệ tôi 1965-75), thì nói thật, những “đàn áp dã man của ngụy quyền” mà hầu hết “chiến sĩ đởm lược” của “phong trào” đã cường điệu làm thành tích hưởng phước, chỉ là trò cút bắt của hướng đạo sinh, có khác đôi chút về mức độ căng thẳng, và trại giam họ chỉ là nơi tạm thời nghỉ ngơi, vỗ béo. Nguyễn Ước

oOo 

Ai cũng yêu thích câu chuyện về can đảm

Nền văn hóa nào, truyền thống nào và kỷ nguyên nào cũng xuất hiện nhiều câu chuyện về lòng can đảm. Từ câu chuyện cậu bé chăm cừu David đối mặt với người khổng lồ Goliah, từ Gilgamesh đánh bại quái vật Humbaba, tới Harry Potter và bằng hữu đương đầu sống chết với Chúa tể Voldemort.

Có điều gì đó kích hoạt cá nhân, khiến y nổi máu đấu tranh dù đang trong tình huống bất lợi, và y chỗi dậy, vượt lên trên cơn sợ hãi, đồng thời quan tâm rất ít tới sự bảo tồn bản thân.

Khi cuộc đời thật cung cấp cho chúng ta những gương mẫu về các giá trị, chúng ta được nâng cao trong đức tin của mình vào bản tính của con người và tính khả thi của đức hạnh. Thí dụ trên chuyến xe lửa ở Pháp năm 2015, các hành khách chận đứng và tước khẩu súng AK 47 trong tay tên khủng bố, cứu được không biết bao nhiêu sinh mạng. Hoặc vào tháng 5 năm 2013, Ingrid Loyan Kennett, một phụ nữ bình thường – nhưng khác thường – đang đi trên chuyến xe buýt số 53, thấy cậu lính trẻ Lee Rigby bị đốn gục trên đường phố Luân Đôn, Anh. Lập tức, bà nhảy xuống xe, ra sức cứu mạng Rigdy nhưng vô ích; đầu của cậu bị thương quá nặng. Bà liền đi thẳng tới trước mặt hai gã tấn công vẫn cầm trong tay mã tấu, súng lục và dao phay, nói với chúng lâu tới 12 phút, cho tới khi người trợ giúp tới.

Về sau, bà kể lại rằng mục đích của mình lúc đó là đánh lạc hướng hung thủ để chúng không tiếp tục tấn công người khác, trong đó có đàn bà trẻ em đang tụ tập gần đó. Trong cuộc phỏng vấn sau đó, bà nói bà không thấy hành động ấy của mình là anh hùng; bà chỉ làm công việc đó “như một con người.”

Vậy can đảm là gì?

Theo Aristotle, can đảm là một đức hạnh, một phẩm tính lớn lao nhất của tâm trí. Đối với Richard Avramenko, giáo sư môn khoa học chính trị của Đại học Wiscousin, can đảm là phương thế hàng đầu, qua đó, loài người nâng mình vượt lên trên cuộc hiện sinh cô lập, cá nhân chủ nghĩa và vật chất chủ nghĩa.

Ông viết: “…Can đảm là nguyện đánh liều mạng sống của mình cho điều gì đó. Nói cách khác, can đảm vén lộ cho chúng ta thấy cái chúng ta quan tâm tới… Nó vén lộ cái tạo niềm hứng khởi cho chúng ta để chế ngự bản thân. Chính đặc điểm tự chế ngự của can đảm khiến nó mang tính buốt nhói. Khi chứng kiến hành động can đảm thật sự, chúng ta biết ngay rằng đối với người có hành động can đảm, cái quan trọng cơ bản nhất không phải tự thân nó, cũng không phải vì phúc lợi vật thể của nó.”[1]

Can đảm thể lý lôi cuốn sự chú ý nhất của người khác, và nó sở đắc lời ca ngợi cùng tưởng thưởng. Tuy thế, can đảm mang nhiều hình thức: đạo đức hoặc trí tuệ hay tâm lý, tình cảm, chính trị, xã hội, tinh thần, tài chính, v.v. Thí dụ, bạn phải lấy hết can đảm của mình để trình bày một hay nhiều ý tưởng không là ý kiến của đa số, và vì thế, đi kèm với nó là bạn luôn luôn đối mặt với sự thù nghịch hay chế diễu phát sinh từ các chuẩn mực xã hội.

Can đảm không phải là không sợ

Chúng ta thường gọi người can đảm là người “không biết sợ”. Nhưng về mặt khoa học, can đảm không phải là không sợ hãi. Nelson Mandella nhớ lại: “Tôi học được rằng… người can đảm không phải là người không cảm thấy sợ, mà là kẻ chinh phục được cơn sợ hãi.”

Nếu không bắt đầu với sợ hãi thì không cần tới can đảm.

Việc thừa nhận mình có sợ hãi có thể khiến chúng ta cảm thấy mình nhỏ bé. Nhưng thông thường, bước đầu tiên đưa mình tới can đảm là mình cảm thấy sợ – rồi thì ra tay hành động, như được diễn tả trong tác phẩm kinh điển của Sheila Jeffers về sự tự cứu lấy mình.[2]

Ngay cả những người không cảm thấy sợ trong lúc thể hiện hành động anh hùng, cũng cảm thấy hội chứng sợ hãi túm lấy họ về sau – như trường hợp Loyan Kennett, sau biến cố kể trên, bà trở nên trầm cảm suốt mấy tháng trời.

Trong khi ca ngợi sự không sợ hãi, có thể chúng ta đang tạo ra một thứ đức hạnh khuyết điểm. Quả thật có một tình huống y học hiếm có gọi là bệnh Urbach Wiehte, nó hủy hoại cái gọi là amygdale (thành phần của não tiến hành cơn sợ hãi), và như thế, có thể đưa tới chứng hoàn toàn không biết sợ.

Với Jeff Wise, một tác giả khoa học, thì: “Theo thuật ngữ sinh học, can đảm xuất hiện từ sự phấn đấu ban đầu giữa trung tâm lập quyết định của não, vỏ não đằng trước và điểm amygdale, nơi tập trung cơn sợ hãi. Khi chúng ta thấy mình đột ngột lâm vào tình huống nguy hiểm, amyddala gửi tín hiệu tới vỏ não đằng trước để với năng lực của chúng ta, xử lý bằng lập luận rõ ràng.”[3]

Và đó có thể là sự cứng người (tê liệt).

Người hành động dũng cảm hình như không chịu thua cơn sợ hãi. Đôi khi họ bình tĩnh, nhưng phản ứng thực tế mà họ có được là nhờ sự chuẩn bị rốt ráo. Nhân viên cứu hỏa, nhân viên phi hành đoàn, người cấp cứu, binh sĩ, và đại loại như thế, đều được huấn luyện để ứng phó với tình huống nguy hiểm bất ngờ. Phản ứng của họ có vẻ giống “phản xạ có điều kiện hay ký ức của cơ bắp”.

Deane Aikim, nhà tâm lý học của Đại học Yale, trong nghiên cứu năm 2001, lấy binh sĩ làm đối tượng với các tình huống căng thẳng cực độ, để thấy điều gì xảy ra trong cơ thể họ về mặt hóa học. Ông tìm thấy đối với những đối tượng vẫn giữ được bình tĩnh thì cơ thể của họ tiết ra ít chất “hormone cortisol “căng thẳng”. Chúng đồng thời cũng tiết ra chất neuropeptide Y, một hợp chất phản ứng chống lại hiệu ứng của hormome cortisol. Công trình của ông gợi cho thấy rằng bằng cách đo lường cấp độ hormone, người ta có thể dự báo kẻ nào giữ được và kẻ nào không giữ được bình tĩnh dưới sức ép[4]. Gần đây hơn, các nhà thần kinh học nhận ra một vùng não, được gọi là vỏ não đằng trước (viết tắt là ACC – anterior cingulate cortex), là phần kích hoạt khi có hành động can đảm.[5]

Đam mê và từ bi

Tuy nhiên, đối với nhiều nhà phân tích, sự trau dồi lòng can đảm liên quan rất nhiều tới cảm xúc. “Hãy đi theo con tim”, đó là cách mà nhà tâm lý trị liệu Melanie Greenberg diễn tả nó trong bài phân tích hữu ích của bà về bốn thuộc tính chính của lòng can đảm, được tôi dùng làm khung sườn cho bài này. Bà trích dẫn Midori Komatsu, nhà hoạt động tiên phong người Nhật thế kỷ 20: “Đam mê làm ta ra điên rồ, khiến ta làm điều phi thường nhằm khám phá, nhằm thách thức bản thân ta. Đam mê nên là cốt lõi tâm điểm của can đảm.”

Và cũng nên xem từ bi có địa vị ngang hàng đam mê.

Trong bài này, tôi có nhắc tới năm bảy người can đảm, những kẻ mà hành động của họ được đặc biệt chế ngự bởi từ bi cũng như đam mê. Tại Cộng hòa Trung Phi, Tatiana Vivienne hằng ngày gan dạ đương đầu với bạo động, để giao tiếp với các thiếu nữ và thiếu phụ dễ bị tổn hại nhất. Tại Ecuador, bất chấp mọi cấp chính quyền, Alicia Cawija bảo vệ dân chúng cùng môi trường khỏi bị các công ty dầu hỏa tàn phá. Tại Honduras, bất chấp vô số nỗ lực sách nhiễu cuộc sống mình, Jlo Córdoba tiếp tục thách đố sự miễn truy tố dành cho những kẻ giết chết hay bách hại người chuyển giống, vì bà “yêu thương” cộng đồng của mình.

Như Lão Tử đã nói vào thế kỷ 6 TCN, sự được yêu thương thắm thiết cho bạn sức mạnh nhưng việc yêu thương thắm thiết khiến bạn can đảm. Ông cũng nói: “Từ cố năng dũng: từ bi mới có dũng cảm.” [Và “Phù từ dĩ chiến tắc thắng: lấy từ bi mà tranh đấu thì chắc thắng” Cả hai câu vừa trích đều ở Chương 67, Đạo đức kinh – Người dịch].

Có lẽ Abdullah al Khareeb có chung quan điểm ấy. Ông cũng là người được nêu ra trong bài này mà những hoạt động phục vụ người tị nạn biến ông thành mục tiêu của cả hai phe trong cuộc chiến Syria hiện nay. Ông nói: “Khi bạn chăm lo cho dân chúng, bạn chỉ còn biết tới trách nhiệm của mình thôi.”

.Đứng lên vì cái đúng

Người can đảm thường là người có lập trường đạo đức và có ý nghĩa minh bạch về mục đích.

Giống như những người đã được tôi phỏng vấn, nhà hoạt động môi sinh S Mugilan không để ý việc mình bị dọa giết, khi đương đầu với các doanh nghiệp hùng mạnh có nhiều lợi lộc và thuê muớn các băng đảng xã hội đen để “lừa đảo và hủy hoại” tiểu bang Tamil Nada. Ông dựa vào lòng can đảm của mình để là “loại người quyết liệt làm biến đổi cuộc thao tác của sự việc.”

Ngày nay, một số người can đảm nhất thế giới là những người bênh vực cho nhân quyền. Lynn Maalouf, người của Hội Nhân đạo Quốc tế (Amnesty International) nói: “Các nhà hoạt động cho quyền con người tại Saudi Arabia là chủng loại đang lâm nguy. Hết người này tới người nọ, họ lần lượt biến mất: sách nhiễu, bỏ tù, hăm dọa cho câm nín, hoặc cưỡng bách sống lưu vong – cho thấy việc nhà cầm quyền hoàn toàn không khoan nhượng quyền tự do diễn đạt.”

Người tuýt còi cũng bị trả giá nặng nề cho nỗ lực của họ. Thông thường họ không chỉ bị mất công ăn việc làm mà còn mất nhiều bạn hữu, thân nhân, nhà cửa và sự tự do của chính mình. Chelsea Mannings, Edward Snowden, và mới đây, Barrett Brawn, đều cảm thấy sức nặng trả hận của chính quyền Mỹ.[6]

Trong tất cả các trường hợp đó, tính chất đoàn kết trong cuộc hiện sinh của dân chúng tại những nơi đó nhằm ủng hộ hành động của người tuýt còi, có ý nghĩa quan trọng.

Bền bỉ trong khốn quẩn

Thi sĩ Mỹ Ralph Waldo Emerson [1803–82] từng viết: “Người anh hùng không can đảm hơn người bình thường, mà chỉ can đảm lâu hơn năm phút.”

Giữ sức mạnh dài lâu trong tình thế sôi bỏng là đặc tính của người can đảm dấn thân vào cuộc đấu tranh lâu dài cho công bằng xã hội. Lấy thí dụ luật sư và cựu chủ bút người Thổ Nhĩ Kỳ Eren Keskin. Bà bị điệu ra tòa hơn trăm lần bởi những chỉ trích chính quyền, đặc biệt sự đối xử của chính quyền dành cho dân thiểu số người Kurd. Suốt nhiều năm, bà lãnh án tù nhiều lần. Tiếp liền cuộc đảo chính thất bại Tháng Bảy năm 2016, sổ thông hành của bà bị tịch thu. Bà đang phải ra toà nên không thể trả lời cuộc phỏng vấn dự trù cho số báo này.

Như nữ họa sĩ và nhà văn Mary Anne Radmacher diễn tả: “Can đảm không phải luôn luôn là tiếng thét. Đôi khi can đảm giống như tiếng nói nhỏ nhẹ cuối ngày, rằng ngày mai tôi sẽ lại cố gắng.”

Mở rộng chân trời

Trong văn bản nghiên cứu mang tính hạt giống The Hero with Thousand Faces (Anh hùng với ngàn bộ mặt), nhà huyền thoại học Joseph Campbell nhận dạng các thành phần chủ yếu làm nên cuộc hành trình tổng kiểu mẫu của một anh hùng.

Người đó rời môi trường thân thuộc của mình, đi vào một thế giới đặc biệt, ở đó y phải đương đầu với quỉ dữ, đối mặt với gian nan thử thách, gặp gỡ những cơn sợ hãi tồi tệ của chính mình. Y cần phải chế ngự những cơn sợ hãi đó, và tối hậu, y có được “kho báu” hoặc phần thưởng. Lúc đó y quay về quê nhà với thế giới thân thuộc, nhưng bản thân y cũng đã biến đổi.

Những người tôi đề cập trong bài này đã theo rất nhiều cách thức khác nhau, rời môi trường thân thuộc của mình, cất bước chân đi và tăng trưởng. Đối với Luaty Beirão, ca sĩ nhạc ráp người Angola, cuộc hành trình ấy đúng theo nghĩa đen, cả chính trị lẫn riêng tư. Trong khi ở tù vì lớn tiếng chống nhà nước áp bức, ông ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn. Ông nghĩ: “Ta sẽ không chấp nhận những đe dọa của các ngươi. Nếu các ngươi muốn giết ta, cứ ra tay. Với mỗi bước đi ta đã tìm thấy, ta có thế tiến tới thêm bước nữa. Ta thấy ta có sự gan góc đối với mọi sự, mà trước đây ta không tưởng tượng nổi.”

Đối với mọi thiếu thốn vật thể mà những người can đảm trong bài này đã chịu đựng, hành động của họ khiến cho họ có thêm khả năng chế ngự sự sợ hãi, để tăng trưởng và để có được “kho báu”, hiểu theo ý nghĩa đạo đức.

Can đảm tối hậu

Cuối cùng, có cái được một số người gọi là can đảm tinh thần, hay sức mạnh tâm linh. Cái đó bao gồm sự can đảm có thể được ta biểu lộ khi phải chịu đựng cơn đau khổ kéo dài, và rồi tối hậu, đối mặt với cái chết. Trong tận cùng sâu thẳm, nó là cái ta sợ hãi nhất. Tôi từng tận mắt thấy người mình yêu thương đang đào bới rất sâu vào lòng can đảm dự trữ khi họ trải nghiệm cơn bạo bệnh đang từng ngày kết liễu đời mình. Tôi cũng từng chứng kiến sự can đảm của họ khích lệ những người chung quanh họ có lòng can đảm. Can đảm làm được điều đó. Nó khích lệ, nó lây lan một cách tích cực, ngay cả trong tình huống có vẻ tệ hại nhất, vô vọng nhất.

Can đảm tốt và can đảm xấu

Trong khi các nghiên cứu khoa học về can đảm đang kích thích óc tò mò của người hiếu kỳ thì có một nghiên cứu của Israel chuồi đối tượng nghiên cứu vào nằm trong vòm chiếc máy xét nghiệm MRI, rồi hiển thị cho y đối mặt với bầy rắn, để xét nghiệm phản ứng âu lo của y.

Thí nghiệm ấy đặt thành vấn đề một cách sâu xa, nếu không muốn nói là phi đạo đức, và giả định việc nghiên cứu ấy dẫn tới sự phát triển một loại “viên thuốc can đảm” có khả năng biến người lính trở thành “chiến binh toàn hảo”, không chút sợ hãi.

Cơn sợ hãi có thể ngăn chúng ta có hành động cần thiết, nhưng nó cũng có thể cho chúng ta một khoảnh khắc ngưng đọng để suy nghĩ. Bí quyết là đừng để nó kềm hãm chúng ta, mà là để cho chúng ta có khả năng vượt lên trên nó khi cần phải hành động. Nhà tâm lý học Noam Shpancer phát biểu rằng: “Đối với sợ hãi, không chỉ là con đường một chiều mà còn là con đường đi xuyên qua nó. Nó là một quá trình năng động, tiếp diễn, không bao giờ hoàn tất, và nó mang tính thiết yếu để làm xảy ra sự biến đổi trong cá nhân và trên thế giới.”

Dĩ nhiên không phải can đảm luôn luôn liên can tới hành động đoan chính. Nó có thể mang tính bạo động, quân sự, hung hăng, bộ lạc, v.v. Theo Avramenko thì: “Đó là tính nghịch lý của can đảm. Ở mặt này, nó liên can tới sự tự chế ngự và sự dấn thân cho tha nhân. Ở mặt khác… nó có tính dành riêng và bạo động.”

Ông thấy có sự chuyển đổi hẳn từ khái niệm về can đảm thời cổ có tính quân sự tới can đảm chính trị thời nay, đặt cơ sở trên công lý như một cách xuyên suốt một vấn đề rắc rối thuần lý thuyết. Loại can đảm mà bài này lấy làm trọng tâm, có tính đa dạng, đặt cơ sở trên công lý. Nó quan tâm tới cộng đồng và sự đồng cảm, hướng tới mục đích đề kháng và hạn chế sự thiệt hại.

Tất cả những câu chuyện về can đảm vừa kể ở trên đều có chung chủ đề là hành động quan tâm chăm lo và tình “chiến hữu ” mà lòng can đảm cỗ vũ cùng nuôi dưỡng khi nó tạo ra một nhóm người đồng tâm đồng chí vừa dũng cảm vừa có tiết hạnh. Nhiều người trong khi được tôi phỏng vấn đã đưa tay chỉ tới những người khác với những hy sinh họ đã chịu, làm thành nguồn gây hứng khởi cho biết bao người.

Can đảm như thế là nhân tố quyết định của một cá nhân lành mạnh và một xã hội lành mạnh. Nó là cái tạo sự biến đổi có mục đích và có ý nghĩa, thách đố thái độ yếm thế đang biểu hiệu cho tinh thần khôn lanh, thời thượng, vô bổ của từ ngữ “can đảm” với “ngu dại”.

Nó tạo hứng khởi và thôi thúc tinh thần con người hướng tới việc xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.

Nguyên tác: Vanessa Blaird 
Chuyển ngữ: Nguyễn Ước 

Nguồn: Đàn Chim Việt
.................................
Chú thích:
[1] Richard Avramenko, Courage: the Politics of Life and Limb, University of Notre Dame Press, 2011. (https://Avramenko-courages>nin,tl/Avramenko-courage)
[2] Shella Jeffers, Feel the fear and do it anyway, Vermillion, 2012 (xuất bản lần đầu 1987)
[3] Jeff Wise, What makes people brave, Reader Digest, 2013, (https://nin.tlmka-brave)
[4] Ian Sample, ‘Natural born heroes’, The Guardian, 2009 (https://nin.tl/stress-coping>ninstress-coping)
[5] Daniela Schiller, ‘Snakes in the MRI Machine’, Scientific American, 2010 (https: nin.tl/fear-studies)
[6] The Courage Foundation (https://nin.tl/barrett-Brown)