"Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài. Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống. Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh." (Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận)

Ngôn ngữ không lời



Trong mối tương quan đời thường, ngôn ngữ là phương tiện chuyển tải và diễn đạt ý tưởng của con người. Nhờ ngôn ngữ mà những nhịp cầu huynh đệ cảm thông được kết nối để giúp mọi người đến với nhau.

Ngôn ngữ được định nghĩa là “Hệ thống những từ dùng làm phương tiện giao tiếp” (Từ điển Từ và Ngữ Việt Nam). Theo định nghĩa này, ngôn ngữ trước hết được hiểu là lời nói. Tuy vậy, có những ngôn ngữ không có âm thanh mà vẫn diễn tả được những thực tại  phong phú, xin được gọi đó là “ngôn ngữ không lời”. 

Trong nhiều trường hợp, ngôn ngữ không lời xem ra lại tạo ấn tượng mạnh mẽ hơn ngôn ngữ mang âm thanh bằng lời. Chúng ta hãy cùng lắng nghe và học hỏi ngôn ngữ đặc biệt này.

1- Ngôn ngữ không lời nói với chúng ta về Thiên Chúa

“Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa
Không trung loan báo việc tay Người làm
Ngày này nhắc nhở cho ngày khác
Đêm này truyền tụng cho đêm kia.
Chẳng một lời một lẽ, chẳng nghe thấy âm thanh
Mà tiếng vang đã dội khắp hoàn cầu
Và thông điệp loan đi tới chân trời góc biển”  (Tv 19,2-5).

Tác giả Thánh vịnh đã “nghe thấy” những âm thanh được phát biểu không phải bằng lời. Trời xanh, không trung, ngày, đêm là những hiện tượng tự nhiên rất đỗi bình thường mà lại mang một ngôn ngữ đặc biệt để nói với chúng ta về Thiên Chúa và về quyền năng của Ngài.

Hàn Mạc Tử, một thi sĩ công giáo, đã “nghe” được ngôn ngữ không lời qua những điều bình dị của cuộc sống xung quanh. Dưới cái nhìn của thi sĩ, tiếng nước reo hò và nhịp rung của tơ liễu lại nói với chúng ta về tình yêu của Trời:

“Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều,
Để nghe dưới đáy nước hò reo,
Để nghe tơ liễu rung trong gió,
Và để xem trời giải nghĩa yêu”
(Trích từ bài “Đà Lạt trăng mờ”).

Vũ trụ thiên nhiên là một cuốn sách nói với chúng ta về Thiên Chúa. Nơi đó, người tín hữu nhận ra sự hiện hữu của Ngài qua sự xoay vần của vũ trụ và vẻ đẹp của thiên nhiên. Họ “nghe thấy” âm thanh của “dàn đồng ca vũ trụ” đang ca ngợi và tôn vinh Chúa. Vì vẻ đẹp của vũ trụ là một ngôn ngữ không lời, nên mỗi người có thể đón nhận một cách khác nhau, tùy theo “tần số” của trái tim và khả năng của trí óc. Nhờ việc đón nhận sứ điệp từ ngôn ngữ không lời này, mà người ta trở thành thi sĩ, họa sĩ, văn sĩ hay nghệ sĩ. Được gợi hứng từ vẻ đẹp huyền bí của thiên nhiên, mà người ta trở thành nhà chiêm niệm huyền bí hay nhà giảng thuyết lỗi lạc. Tất cả đều được lắng nghe ngôn ngữ không lời của vũ trụ để rồi đến lượt họ ra đi loan báo những kỳ công của Chúa.

2- Ngôn ngữ không lời của Chúa nói với chúng ta            
                                
Trong suốt bề dày của lịch sử, Thiên Chúa  luôn ngỏ lời với con người. “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ, nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử” (Dt 1,1-2a). Đức Giêsu Kitô là Lời của Thiên Chúa đã thành xác phàm để đến gặp gỡ con người. Nơi Đức Giêsu, Thiên Chúa đã trao gửi tất cả những gì Ngài muốn nói với chúng ta. Ngôi Lời nhập thể đã đến gặp gỡ con người. Người nói với con người bằng ngôn ngữ của họ, để họ có thể lĩnh hội được giáo huấn mà Người muốn truyền đạt. Thiên Chúa ngỏ lời với con người bằng ngôn ngữ mang âm thanh của đời thường, đồng thời Ngài cũng đang nói với họ bằng ngôn ngữ không lời.

Trước hết, chúng ta “lắng nghe” ngôn ngữ không lời của Chúa qua mầu nhiệm thập giá. Vâng, Đức Giêsu bị treo trên cây gỗ. Người thinh lặng trước lời thách thức của người Do Thái: “Hỡi ông Kitô vua Israel, cứ xuống khỏi thập giá ngay bây giờ đi, để chúng ta thấy và tin” (Mc 15,32). Người đã im lặng trước những câu hỏi tò mò của Hêrôđê cũng như trước lời thẩm vấn vô nghĩa của Philatô: “Sự thật là gì?” (Ga 18,38). 

Đã hơn hai ngàn năm, biết bao người đến với cây thập giá để suy tư cầu nguyện. Và, cây thập giá đang nói với chúng ta bằng ngôn ngữ không lời. Phải chăng Thiên Chúa vô cảm trước nỗi đau đang xâu xé cuộc đời con người? Không! Sự thinh lặng của cây thập giá nhắc chúng ta dừng lại để suy tư về trách nhiệm của ta đối với Chúa và tha nhân, để tìm ra nguyên cớ của đau khổ, cội nguồn của những bất hạnh chính là tội lỗi và sự ích kỷ của con người. Thập giá cũng thinh lặng mời gọi chúng ta hãy chiêm ngắm một Thiên Chúa đã yêu cho đến cùng (x. Ga 13,1). 

Đức Thánh Cha Bênêđictô đã nói về sự thinh lặng của Chúa Giêsu trên thập giá: “Ngôi Lời im tiếng trở thành cái thinh lặng của sự chết, vì Người “đã được nói” cho tới nín lặng, và không giữ lại gì cả từ những gì Người phải thông truyền cho chúng ta” (Bài huấn từ trong buổi tiếp kiến chung hôm 7-3-2012). Khi thinh lặng nguyện cầu bên cây thập giá, chúng ta tìm lại được sức mạnh siêu nhiên. “Hãy đến với Ta hỡi những ai vất vả và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho” (Mt 11, 28).

Ngôn ngữ không lời của Chúa còn được ngỏ với chúng ta nơi bí tích Thánh Thể. Đức Giêsu đang hiện diện nơi đây, trong sự thinh lặng hoàn toàn. Những ai đến với Chúa Giêsu Thánh Thể mà trong lòng còn ngổn ngang những mưu toan, mánh lới thì sẽ không bao giờ được gặp Chúa. Người nào đến tôn thờ Chúa mà lòng đầy những dục vọng trần tục, sẽ không được nghe tiếng nói của Người. Thánh Thể là bài học dạy chúng ta về sự thinh lặng. Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể đang nói với chúng ta bằng ngôn ngữ không lời.

3- Ngôn ngữ không lời nơi cuộc đời người tín hữu

Trong một xã hội quá ồn ào bởi những âm thanh hỗn tạp, chúng ta được mời gọi sống tinh thần sa mạc để khám phá sự hiện diện của Chúa. Giữa một “chợ đời” điên đảo quay cuồng, tiếng nói của chân lý có nguy cơ bị lấn át. Trong một thế giới xô bồ hối hả, những cố gắng nên thánh dễ dàng bị bóp nghẹt. Vì thế, chúng ta cần được gặp gỡ Chúa để được Ngài dẫn dắt soi đường.

Muốn gặp gỡ Chúa, chúng ta phải quy hướng về đời sống thinh lặng nội tâm. Trong bối cảnh xã hội “trăm hoa đua nở” hôm nay, một nguy hiểm trong đời sống đức tin là người ta chỉ dừng lại nơi những hoạt động bề ngoài rất rầm rộ, mà ít để ý đến đời sống thiêng liêng. Những cuộc rước, những buổi cử hành, những công trình xây cất là cần thiết, nhưng chúng phải giúp người tín hữu tăng trưởng đời sống đức tin, dẫn đưa họ đến gần Chúa. Thiếu đời sống nội tâm, những công trình và hoạt động ấy sẽ giống như tiếng thanh la não bạt vô hồn. Nhờ thinh lặng, chúng ta lắng nghe Lời Chúa và giãi bày tâm tư với Ngài, lòng kề lòng như tâm sự bất tận của những bạn trẻ đang yêu nhau. Tiếng nói của Chúa sẽ đến từ nơi sâu thẳm của tâm hồn, ấm áp yêu thương đem lại cho chúng ta bình an và hạnh phúc.

Truyền thống Giáo Hội tôn vinh Thánh Giuse trong tháng ba dương lịch. Với cuộc sống âm thầm hy sinh, trong thinh lặng tín thác, Thánh Giuse đã được gặp Chúa. Ngài ý thức mình luôn sống dưới ánh mắt yêu thương của Chúa. Bên cạnh Ngài luôn có Đức Trinh nữ Maria và Hài Nhi Giêsu. Trong đời Ngài luôn có Chúa hiện diện. Hạnh phúc và niềm vui dâng tràn. Thiên đàng hiện hữu ngay giữa trần gian. Thánh nhân là mẫu gương cho chúng ta về sự thinh lặng, tâm tình phó thác và cậy trông.

Nhận ra sự hiện diện của Chúa nơi cuộc đời, chúng ta cũng được mời gọi nhận ra Ngài nơi tha nhân. “Máu của em ngươi kêu thấu đến Ta!” (x St 4,10). Cain được Chúa nhắc cho biết trách nhiệm của ông đối với em mình là Aben. Sự ghen tương đã làm cho Cain mù tối, quên tình huyết nhục. Ông đã giết chết chính người em cùng dòng máu với mình. Khi tôi gặp gỡ người anh em tôi, tôi được gợi nhớ nơi họ hình ảnh Thiên Chúa. Sự hiện diện của anh em tôi nhắc bảo tôi phải có trách nhiệm đối với họ. Tình liên đới ấy được ghi khắc trong tâm hồn tôi, luôn nhắc tôi tôn trọng yêu thương, vì họ với tôi có cùng một Cha trên trời.

Mùa Chay chính là thời điểm để chúng ta lắng đọng tâm hồn, thinh lặng đón nhận Lời Chúa rồi đem ra thực hành. “Ai nghe những lời Thày nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá. Dù mưa sa nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên đá” (Mt 7,24). Đức Thánh Cha Bênêđictô đã viết trong Tông huấn Verbum Domini: “Tái khám phá Lời Chúa trong cuộc sống Giáo Hội cũng có nghĩa là tái khám phá ý nghĩa sự cầm trí và thinh lặng nội tâm. Truyền thống giáo phụ dạy chúng ta rằng các mầu nhiệm của Chúa Kitô gắn liền với sự thinh lặng, và chỉ trong thinh lặng Ngôi Lời mới có thể tìm ra chỗ ở trong chúng ta, như đã xảy ra với Đức Mẹ Maria, người phụ nữ của Ngôi Lời và sự thinh lặng không thể tách rời nhau” (số 66). 

Một khi đón nhận Lời Chúa, chúng ta cũng có sứ mạng loan báo Lời ấy cho tha nhân. Lời loan báo của tôi không phải chỉ là âm thanh trên môi miệng, nhưng còn là ngôn ngữ không lời, thể hiện qua những chứng từ cụ thể, mang tính thuyết phục nơi những anh em mà tôi gặp gỡ.

Hải Phòng, ngày 18-3-2012

GM Giuse Vũ Văn Thiên