"Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài. Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống. Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh." (Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận)

Thánh cả Giuse và giá trị của sự thinh lặng


Như nhiều người đã nhận xét, dấu ấn của Đức Bênêđictô XVI trên các Đại hội Giới trẻ thế giới là sự tĩnh lặng. Ngài mời gọi cả triệu người trẻ sống thinh lặng trước Thánh Thể. Mới đây, ngài lại gây ngạc nhiên cho mọi người khi đề nghị chủ đề cho Sứ điệp Ngày Truyền thông Thế giới 2012 là Truyền thông và Thinh lặng. Sinh hoạt giới trẻ mà lại đề nghị thinh lặng. Nói đến truyền thông cũng lại đề nghị thinh lặng. Đúng là ngược đời! Nhưng chính bằng cách ấy, Đức Bênêđictô XVI đề cao giá trị của sự thinh lặng, và chiêm ngắm Thánh Giuse là cách thế rất tốt để tìm lại ý nghĩa và giá trị này.

Thánh Giuse phải đối diện với một vấn đề nan giải: “Sau đây là gốc tích Đức Giêsu Kitô: bà Maria, mẹ Người, đã đính hôn với ông Giuse. Trước khi hai ông bà chung sống với nhau, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần.” Và thánh Matthêu ghi nhận: Ông Giuse, chồng bà, là người công chính, nên không muốn tố giác bà và định tâm bỏ bà cách kín đáo”.

Từ then chốt ở đây là “công chính”. Theo Raymond E. Brown, có ba cách hiểu về từ “công chính”.

Trước hết, công chính được hiểu là thương xót. Cách hiểu này dựa vào Thánh vịnh 112, 4: “Giữa tối tăm bừng lên một ánh sáng chiếu rọi kẻ ngay lành: đó là người từ bi nhân hậu và công chính”. Ở đây, công chính được nối kết với từ bi nhân hậu, còn Thánh vịnh 37, 21 viết: “Người công chính thông cảm và cho không”. Tuy nhiên, khó khăn ở đây là phải chăng công chính được đồng hóa hoàn toàn với thương xót, hay thương xót chỉ là một trong những đặc tính của người công chính? Nếu công chính đồng nghĩa hoàn toàn với thương xót, thì tại sao thánh Giuse không đón Đức Maria về nhà ngay đi mà lại còn “định tâm bỏ bà”, dù là cách kín đáo?

Kế đến, công chính được giải thích là kính sợ Chúa. Theo cách hiểu này, thánh Giuse là người công chính vì ngài biết rõ việc Đức Maria mang thai là do quyền năng Thiên Chúa và nằm trong chương trình cứu độ của Chúa. Thánh nhân không dám đón Đức Maria về làm vợ vì người phụ nữ ấy đã được Thiên Chúa tuyển chọn cách đặc biệt. Cách giải thích này vướng phải vấn nạn là làm sao thánh Giuse biết chắc rằng Đức Maria thụ thai là do quyền năng của Thiên Chúa? Nếu đã biết chắc như vậy, tại sao lại còn cần đến lời giải thích và trấn an của sứ thần: “Đừng ngại nhận Maria về làm vợ”.

Cuối cùng, công chính được hiểu là tuân giữ Lề Luật. Đây là ý nghĩa cụ thể được trình bày trong Luca 1,6: “Cả hai ông bà đều là người công chính trước mặt Thiên Chúa, sống đúng theo mọi điều răn và mệnh lệnh của Chúa, không ai chê trách được điều gì”. Trong trường hợp của thánh Giuse, tuân giữ Lề Luật là tuân giữ quy định được ghi lại trong sách Đnl 22,20-21: “Nếu người ta không tìm thấy nơi cô gái những dấu chứng tỏ cô còn trinh, thì họ sẽ lôi cô gái ra cửa nhà cha nàng; người trong thành sẽ ném đá nàng cho chết và nàng sẽ phải chết, vì nàng đã làm điều đồi bại trong Israel”. Ngoài hình phạt ném đá, Lề Luật cũng dự trù một hình thức khác để “khử trừ sự gian ác” là ly dị. Theo đó, thánh Giuse đã chọn giải pháp của người công chính: một đàng, ngài vẫn tuân giữ Lề Luật nên “định tâm bỏ bà Maria”; đàng khác, ngài lại làm cách kín đáo chứ không muốn tố giác Đức Maria. Như thế, ngài vừa là người tuân giữ Lề Luật vừa là người có lòng thương xót. Đây là cách giải thích được coi là thỏa đáng nhất.

Trình thuật tiếp tục nói đến việc thiên thần hiện đến với Giuse trong giấc mơ. Trong Cựu Ước, khi nói đến thiên thần, hầu như người ta chưa hiểu về một hữu thể thiêng liêng, cá vị, làm trung gian giữa Thiên Chúa và loài người, nhưng hiểu như cách diễn tả của Kinh Thánh để nói đến sự hiện diện của Thiên Chúa giữa loài người. Đến sau thời lưu đầy, tư tưởng Do Thái mới hiểu về các thiên thần như những hữu thể trung gian, với tên gọi và sứ mạng riêng. Ở đây, có thể hiểu là thánh Giuse đã đi vào cuộc gặp gỡ Thiên Chúa và khám phá thánh ý của Ngài: “Đừng sợ nhận Maria về nhà làm vợ vì bà mang thai là do quyền năng Thánh Thần”. Và thánh Giuse chỉ có thể khám phá điều này nhờ chìm đắm trong tĩnh lặng và cầu nguyện. Dù ngài là người công chính và có lòng thương xót nhưng ở đây, ngài đi xa hơn lề luật một bước và là bước quan trọng trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

Tấm gương sống tĩnh lặng của thánh Giuse thật cần thiết cho mọi Kitô hữu, cách riêng các linh mục là những người lãnh trách nhiệm giảng Lời Chúa, cử hành bí tích, và lãnh đạo cộng đoàn trong Giáo Hội. Linh mục không rao giảng ý kiến cá nhân mình hoặc một hệ tư tưởng nào khác nhưng phải rao giảng Lời Chúa. Làm thế nào để có thể trung thành với sứ mạng này? Là người lãnh đạo, linh mục cần đưa ra những quyết định. Làm sao để những quyết định ấy không chỉ là hoa trái của sự khôn ngoan nhân loại, nhưng là quyết định phù hợp với thánh ý Thiên Chúa?

Thánh Giuse dạy chúng ta bài học tĩnh lặng. Để có thể lắng nghe Lời Chúa trong một thế giới ồn ào và tràn ngập lời lẽ của con người. Để có thể sống thật với chính mình hơn khi đối diện với Thiên Chúa. Để lời rao giảng thực sự là chuyển tải Lời Chúa, cho dù phải chấp nhận đi ngược lại những gì người đời mong đợi.

Sẽ không phải là vô ích để đọc lại những suy tư của một nhà thơ, cũng là một tu sĩ sống đời chiêm niệm: “Nếu đời ta cứ tuôn ra toàn những lời vô ích, sẽ chẳng bao giờ ta nghe được bất cứ cái gì, sẽ chẳng bao giờ ta trở thành bất cứ cái gì, và cuối cùng, vì ta toàn nói trước khi có cái gì để nói, ta sẽ trở thành người không biết nói” (Thomas Merton).

HTT