"Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài. Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống. Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh." (Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận)

Cả dân tộc đang bị đầu độc bởi hóa chất


"Mực bẩn" được chế biến tại chợ đầu mối Long Biên, Hà Nội

Trong khi tại các quốc gia Âu Mỹ, người dân được bảo vệ tối đa trước các thực phẩm độc hại, thì tại Việt Nam người dân phải tự bảo vệ mình là chính. Nhưng bảo vệ thế nào được khi mà hầu như tất cả các đồ ăn thức uống, thậm chí đồ may mặc cũng tràn ngập hóa chất độc hại. Báo chí đã nêu danh nhiều, đã lên tiếng nhiều, sau khi đã chứng minh hẳn hoi. Nào là nước tương chứa chất 3-MCPD gây ung thư, sữa nhiễm Mêlamine, phở ướp phoocmôn; nào là heo siêu nạc chứa chất độc clenbuterol, nào là gà vịt bị tẩm hoá chất tạo màu bắt mắt, v,v...  và gần đây nhất là vụ cá diêu hồng được nuôi bằng thực phẩm có chứa chất cực độc. Tuy nhiên còn bao nhiêu thứ thực phẩm bị nhiễm độc khác chưa được phanh phui thì sao?

Người dân Việt Nam vẫn thường được khuyến khích hãy trở thành những người tiêu dùng thông minh. Nhưng thông minh thế nào đây khi mà hầu như tất cả đồ ăn thức uống đều bị đầu độc. Được bao nhiêu người thông minh giữa một đất nước đa phần là những người nông dân chân lấm tay bùn, ít học. Vả lại thông minh quá chắc là không còn biết ăn uống gì nữa, trừ khi tự mình cung cấp mọi thứ. Đã từng có một cựu Tổng bí thư khuyên người dân không nên mua rau ngoài chợ. Nhiều người nghèo nghe mà cảm thấy tủi thân. Họ tự hỏi vậy thì mua rau ở đâu? Lên cung trăng mà mua ạ!

Ngay cả những mặt hàng được kiểm định chất lượng VSATTP cũng không đáng tin là an toàn. Bởi vì rất thường người ta chỉ kiểm định lấy có, kiểm định chiếu lệ. Những con dấu kiểm định được đóng lên thực phẩm hay đồ dùng mà không phải nhọc công kiểm định hoặc kiểm định một cách qua loa vô trách nhiệm. Một phần cũng vì khâu nhân sự dành cho lĩnh vực kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm tại Việt Nam dường như bị bỏ ngỏ: vừa thiếu vừa yếu. Có những nơi thiếu trầm trọng. Đây cũng là hậu quả của chương trình đào tạo nguồn nhân lực hiện nay quá bất cập.

Nguyên nhân để cho cả một thị trường bị tràn ngập hóa chất độc hại đã rõ.Trước hết là do lòng tham của con người: để có tiền người ta làm đủ mọi cách kể cả việc đầu độc người khác. Thứ đến là do quản lí quá lỏng lẻo, thậm chí nhiều khâu, nhiều công đoạn trong sản xuất, nhập khẩu, lưu hành, tiêu thụ bị thả nổi. Sau nữa là do xử lí không nghiêm minh: theo kiểu đánh trống bỏ dùi, hoặc theo phong trào rồi sau đó đâu lại vào đấy.

Nhưng sâu xa hơn là lương tâm người ta đã bị cơ chế làm cho không còn nhận ra đâu là tội, đâu là lỗi. Hay nói một cách hình tượng là lương tâm đã bị rụng hết răng rồi nên không còn cắn rứt khi làm điều ác, điều hại với đồng loại. Chính vì thế dù làm những điều ác với đồng loại, người ta vẫn cứ ăn ngon ngủ ngon.

Bao nhiêu thứ mặt hàng của Trung Quốc bị cấm nhập khẩu vào thị trường Châu Âu, Châu Mỹ… vẫn được tuồn vào Việt Nam một cách vô tư sau khi đã cho thay đổi nhãn mác. Chính tâm lí ham của rẻ, của lạ cũng là một trong những yếu tố tạo điều kiện cho những kẻ làm hàng nhái, hàng dỏm, hàng kém chất lượng, hàng độc hại sống phây phây.

Chỉ với một lượng hóa chất nhỏ, thịt thiu, ươn sẽ biến thành thịt "ngon"

Hậu quả là gì? Hậu quả là hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm với quy mô tập thể, có những vụ ngộ độc lên tới hàng ngàn người (đặc biệt là tại các khu công nghiệp). Ngày 27.4, chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh KFC bị một tòa án Úc ra lệnh bồi thường 8,3 triệu USD cho gia đình một bé gái bị tổn thương não nặng và phải ngồi xe lăn, sau khi ngộ độc vì ăn thịt gà của hãng này. Đọc tin tức này thấy thương cho người dân Việt Nam! Bị ngộ độc phải cấp cứu mà không được bồi thường một đồng cắc nào? Các nhà hàng, quán ăn gây nên ngộ độc, chỉ cười trừ. Huề cả làng. Buồn!

Hậu quả là gì nữa? Hậu quả là bệnh tật ngấm ngầm ngày càng nhiều. Dòng giống người Việt bị thoái hóa trầm trọng. Rất nhiều trường hợp vô sinh cũng có nguyên nhân từ việc ăn uống những thứ có nhiều hóa chất độc hại mà các bác sĩ đã chỉ rõ. Rất nhiều trẻ em sinh ra bị dị tật cũng vì cha mẹ bị phơi nhiễm quá nhiều các hóa chất độc hại từ các đồ ăn thức uống kém chất lượng. Nghiêm trọng nhất đó là chưa bao giờ người Việt Nam lại phải đối mặt với đại nạn ung thư lan tràn như ngày hôm nay. Chắc chắn trong tương lai người ta còn phải xây dựng nhiều bệnh viện, nhiều trung tâm ung bướu nữa, nếu tình trạng an toàn vệ sinh thực phẩm không được cải thiện.

Người ta vẫn thường rêu rao đất nước Việt Nam yên bình vì không có chiến tranh, không có những xáo trộn về chính trị… Nhưng thực tế thì lòng người xáo trộn và bất an hơn bao giờ hết. Ra đường thì nơm nớp lo sợ tai nạn giao thông, xuống phố thì thấp thỏm sợ lo bị trộm cắp. Vào bếp thì canh cánh lo sợ nổ bình ga, vào bàn ăn thì áy náy sợ lo không biết đồ ăn thức uống có đảm bảo an toàn không đây? Bao nhiêu thứ hoá chất đang rình rập bủa vây? Nhất là những thứ thực phẩm có nguồn gốc từ Trung Cộng!

Một người lạc quan lắm đọc báo hằng ngày cũng không thể lạc quan nổi. Người ta vẫn kể cho nhau nghe một câu chuyện khôi hài cười ra nước mắt, câu chuyện “Ăn gì không sợ chết?”

Trong lớp Giáo Lý, một ma-sơ có sáng kiến: “Mùa Chay gần tới rồi. Hôm nay sơ muốn các em thảo luận về đề tài "lợi ích của việc ăn chay", vì bây giờ thực phẩm độc hại nhiều quá!”

- Tèo: “Thưa Sơ, ăn chay ta chỉ ăn cơm với cá thôi là tốt nhất! Vì heo thì bị thúc ‘thần dược siêu nạc’, gà vịt thì bị tẩm hoá chất tạo màu bắt mắt, lại thêm mấy bệnh dịch đe doạ: tai xanh tai đỏ, lở mồm long móng, H5N1...”

- Tí: “Không được đâu! Cá biển thì bị ướp phân u rê, hàn the; cá đồng thì cho ăn thức ăn tăng trọng chứa hoá chất cực độc! Vì vậy, ăn chay ta nên ăn rau chấm nước tương là tốt nhất.”

- Tèo: “Ăn rau cũng chết, vì rau xịt quá lượng thuốc trừ sâu, nước tương thì chứa 3-MCPD gây ung thư...”

- Sơ thở dài: “Ăn gì cũng... ung thư, cũng chết! Biết ăn chay cái gì đây?”

- Tí bỗng giơ tay: “Thưa Sơ, con nghĩ ra rồi, ăn gì cũng chết chỉ có ... 'ăn hối lộ' là không chết! Con thấy cán bộ chỉ bị ... 'tự kiểm điểm hay phê bình' mà thôi!”

Ăn uống là một nhu cầu sinh tồn của con người. Người ta không thể tồn tại nếu không ăn không uống. Ăn sạch uống sạch thì mới khỏe mạnh, nhưng ăn uống bây giờ là đồng nghĩa với việc tích lũy mầm bệnh. Câu tục ngữ: “Bệnh từ miệng vào” quả đã trở thành câu tục ngữ mang tính thời sự hơn lúc nào hết. Bao nhiêu thứ hóa chất độc hại mà người dân Việt Nam đang vô tình rước vào thân sẽ còn xuất hiện dài dài trên bản danh sách liệt kê của các tờ báo đây?

Biết đến bao giờ người dân Việt Nam mới có thể an toàn ngồi vào bàn ăn, mà không còn lo cái nỗi lo ăn phải thức ăn gì nguy hại đây? Biết đến bao giờ các bà nội trợ mới hết phải đắn đo suy nghĩ chọn lựa thức ăn nào là an toàn và thức ăn nào là không an toàn đây? Biết đến bao giờ các y bác sĩ Việt Nam mới có thể ngồi rung đùi uống cà phê giữa các ca trực mà không còn phải ưu tư nhiều vì phận người sao lắm bệnh tật khổ đau?

Đau khổ vì nghèo đói đã là thứ đau khổ hạ thấp phẩm giá con người; đau khổ vì bệnh tật, mà bệnh tật do bị đầu độc bởi các hóa chất phải chăng là thứ đau khổ làm cho người ta uất hận hơn hết?

Lm. Giuse Nguyễn Thành Long


Nguồn:Công Giáo Việt Nam