"Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài. Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống. Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh." (Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận)

Các Tín Điều và các phép lạ



TÍN ĐIỀU

Seewald: Liên quan tới Maria, nhiều người tỏ ra chống đối và sợ hãi, cái sợ hãi nhiều khi khoác áo diễu cợt. Hãy nhìn lại vài tín điều để hiểu thêm Maria. Ta bắt đầu với tín điều khó hiểu, khiêu khích nhất, đó là tín điều đồng trinh, hình thành năm 553. Đó là một câu chuyện sinh học? Hay phải hiểu nó như thế nào?

Ratzinger: Về chuyện anh chị em của đức Giê-su, Tin Mừng cho biết đức Ki-tô không có anh chị em ruột nào cả, và mẹ Maria cũng chẳng sinh ai thêm. Trái lại, Ngài có một tương quan đặc thù và duy nhất với mẹ Maria quá rõ, đến nỗi người ta chỉ có thể hiểu là anh chị em họ mà thôi, chứ không phải anh chị em ruột. Maria là của Giê-su mà thôi chứ không là của ai khác nữa.

Tại sao không?

Là bởi việc sinh ra này không do liên hệ với một người đàn ông, mà do chính sự can thiệp của Chúa. Ngày nay có người bảo: không, việc Chúa sinh ra không thể dính dáng tới sinh học được, vì đó là chuyện bất xứng đối với Thiên Chúa, và rồi gạt nó qua một bên. Quan niệm như thế là họ đang ngã theo thuyết Ma-ni-kê, chối bỏ nhân tính của đức Ki-tô.Con người cũng là sinh học. Và khi ta không nhìn nhận mặt thân xác, mặt sinh học nơi con người, thì một cách nào đó, vật chất sẽ bị khinh miệt và bị đẩy ra ngoài, và rồi như thế rốt cuộc ta cũng sẽ coi việc nhập thể là chuyện giả tạo. Vì vậy tôi chống lại lối lập luận trên. 

Đây là một con người thật, toàn diện - Câu trả lời cho vấn nạn trên là đó. Thiên Chúa cũng đã nắm lấy sự sống – cả sự sống thể lí, sinh lí lẫn vật chất – và đặt để vào đó một dấu chỉ.Về sự kiện này, tôi cho rằng các giáo phụ đã tìm ra được một hình ảnh đẹp. Tiên tri Ê-sê-ki-en, chương 40, viễn kiến về một đền thờ mới, trong đó có một “cánh cửa phía đông” chỉ dành cho nhà vua bước vào mà thôi. Các giáo phụ coi đó là một biểu tượng. Trước hết các ngài xem đó là một đền thờ sống động: Giáo hội sống động. Cánh cửa, qua đó không ai ngoài đức Giê-su đi vào, nếu không phải là mẹ Maria thì còn ai hay cái gì vào đó? Vì thế, không thể kéo Mẹ, người sinh ra Thiên Chúa, xuống hạng tầm thường được. Ngài là cánh cửa dành riêng cho nhà vua. Và như vậy chính ngài trở thành cánh cửa thật của lịch sử, qua đó vị mà cả nhân loại trông đợi bước vào.

Nghĩa là trước sau vẫn là: Sinh con mà vẫn đồng trinh?

Vâng.

Tín điều vô nhiễm nguyên tội năm 1854 muốn nói lên điều gì?

Hậu cảnh của tín điều đó là giáo huấn về tội tổ tông. Giáo huấn này dạy rằng, mỗi chúng ta thoạt tiên sinh ra từ một liên hệ tội lỗi – chúng ta gọi đó là “rối loạn tương quan” -, và do rối loạn này mà ngay từ đầu tương quan giữa ta với Chúa đã bị sứt mẻ. Trong quá trình phát triển giáo huấn đó dần dần đã nẩy ra một suy nghĩ trong thế giới ki-tô giáo, là Maria không thể rơi vào tương quan sứt mẻ đó được, vì ngay từ đầu ngài là cánh cửa của Thiên Chúa, cánh cửa đã được đặc biệt tạo ra để Chúa bước vào.

Về điểm này, đã có một cuộc tranh cãi lớn trong thời trung cổ. Một bên là các tu sĩ đa-minh. Họ bảo rằng Maria là một con người bình thường như những người khác, nghĩa là ngài cũng mắc tội tổ tông. Phía bên kia là các tu sĩ phan-sinh, lí luận ngược lại. Tóm lại, qua cuộc tranh cãi dai dẳng đó, lần hồi một quan điểm đã kết tinh, bảo rằng sự lệ thuộc của Maria vào đức Ki-tô mạnh hơn sự lệ thuộc của ngài vào Adam. Và quan điểm đó cũng bảo rằng Maria đã được Thiên Chúa chuẩn bị cho đức Ki-tô từ trước rồi, và chính đó là đặc điểm của đời ngài. Vì Maria là nguồn của một khởi đầu mới, nên ngài không thể thuộc vào tương quan tội lỗi kia được: Tương quan giữa ngài và Chúa không bị sứt mẻ, ngay từ đầu ngài đã được Chúa bảo bọc một cách đặc biệt, Chúa đã “đoái xem” ngài (Magnificat) và đã để ngài hướng lên với Chúa.

Hơn nữa, vì Maria thuộc về đức Ki-tô một cách đặc biệt, nên tương quan này đã đặt ngài hoàn toàn trong tình trạng đầy ơn phúc Thiên Chúa. Lời chào thoạt tiên xem ra đơn giản của thiên thần “Cô đầy ơn phước” như vậy có thể hiểu là ơn phước đó bao trùm cả cuộc đời của Maria. Đây rốt cuộc không hẳn đơn giản chỉ là một đặc ân của Maria, mà còn là một hi vọng cho tất cả chúng ta.

Vấn đề càng khiêu khích hơn: Mẹ hồn xác lên trời. Tín điều này muốn nói gì? Nó được hình thành khá trễ, vào năm 1950. Chuyện quái lạ, là ngay từ đầu, chúng ta chẳng thấy một vết tích gì về Maria được để lại, chẳng có mồ mà cũng chẳng còn hạnh tích nào.

Hẳn nhiên tìn điều này thật khó hiểu đối với tất cả chúng ta, bởi vì ta không mường tượng được trời là gì. Lại càng khó hiểu khi mường tượng cả một thân xác được đưa lên. Xem thế, tín điều này đặt ra cho trí óc ta một bài toán lớn, đó là phải hiểu trời và xác như thế nào, phải hiểu về chính con người và tương lai của nó ra sao…

Và cá nhân Ngài đã giải bài toán đó như thế nào?

Tôi đã nhờ thần học về phép rửa của thánh Phao-lô để hiểu, khi thánh nhân nói: “Thiên Chúa đã cho ta sống lại với đức Giê-su và cho ta cùng ngồi trên nước trời trong đức Ki-tô Giê-su” (Ê-phê-sô 2,6). Có nghĩa là, khi lãnh phép rửa, tương lai của chúng ta đã được báo trước rồi.

Như vậy, tín điều chỉ nói lên điều này, là hệ quả của phép rửa : - được ở (“ngồi”) bên Chúa (Chúa là nước trời!)- đã ứng nghiệm đầy đủ nơi Maria. Phép rửa (cùng ngồi với đức Ki-tô) đã đạt được đầy đủ hiệu năng cuả nó. Nơi chúng ta, việc cùng ngồi với đức Ki-tô, việc được sống lại với Ngài còn bất cập, còn rất mong manh. Nhưng nơi Maria thì khác. Ngài không thiếu gì nữa. Ngài đã bước vào cộng đoàn toàn đầy với đức Ki-tô. Và một khi ở trong cộng đoàn này thì ngài cũng có một cuộc sống thân xác mới, mà chúng ta không thể mường tượng được nó như thế nào.

Tóm lại, căn bản của tín điều là Maria đã hoàn toàn ở bên Chúa, hoàn toàn bên đức Ki-tô, hoàn toàn là một “tín hữu ki-tô”.

Hiện nay hơn một triệu tín hữu đòi Giáo hội công giáo nâng Maria lên thành “đấng cùng cứu độ”. Yêu cầu đó sẽ được thoả mãn – hay đó là một lạc tín?

Không phải một, mà hiện có nhiều triệu người yêu cầu điều đó. Nhưng tôi tin đòi hỏi này sẽ không được đáp ứng trong tương lai gần. Câu trả lời của Bộ giáo lý đức tin: vai trò cùng cứu độ đó đã thể hiện khá rõ ràng trong các tước hiệu khác của mẹ Maria rồi, còn danh hiệu “đấng cùng cứu độ” đi quá xa Kinh Thánh và các giáo phụ, nên sẽ gây ra hiểu lầm.

Đâu là cái đúng trong đó? Đúng, là đức Ki-tô không đứng ngoài hay bên cạnh chúng ta, mà Ngài cùng với chúng ta xây dựng một cộng đoàn mới và thiết thân. Những gì của Ngài là của ta và những gì của ta Ngài đều nhận vào mình, để trở thành của Ngài: Sự trao đổi lớn lao đó là nội dung của cứu độ, là sự mở toang cái tôi và bước vào cộng đoàn với Chúa. Vì Maria đã thể hiện Giáo hội đích thực nơi mình, có thể nói ngài là Giáo hội bằng xương thịt, nên sự “đồng cứu độ” đó đã được thể hiện một cách mẫu mực. Nhưng trên cái “đồng” đó ta không được quên cái “trước tiên” của đức Ki-tô: Mọi sự đều đến từ Ngài, như đã được đề cập một cách đặc biệt trong thư gởi giáo đoàn Ê-phê-sô và Kô-lô-xê; và tất cả những gì nơi Maria đều cũng đến từ đức Ki-tô.

Chữ “đấng cùng cứu độ” có thể sẽ làm lu mờ cái nguồn cội đó. Một ý hướng đúng được diễn tả bằng một từ ngữ sai. Chính trong vấn đề đức tin ta không được đứt đoạn với ngôn ngữ Kinh Thánh và của các giáo phụ; không được chế biến ngôn ngữ đó một cách tuỳ hứng.

CÁC PHÉP LẠ

Không ai trong Giáo hội được tôn kính như Mẹ Thiên Chúa, với vô số nhà thờ, bàn thánh, với bao nhiêu bài hát, kinh cầu, lễ kính và cuộc hành hương. Hàng ngàn địa điểm hành hương đức Mẹ trở thành như một mạng lưới tế bào thần kinh toả khắp thế giới.
Và xem ra không ai làm nhiều phép lạ như Mẹ. Những nơi hiện ra treo đầy chứng tích và tài liệu về những biến cố không giải thích được. Bernard ở Clairveaux*, chẳng hạn, gán cho đức Mẹ một năng lực khó tin: “Cứ cầu Mẹ, và anh / chị chẳng bao giờ mất hi vọng”. Thưa hồng y, tất cả đều là phép lạ thật?

Không thể kiểm chứng được hết mọi biến cố. Thường đó là những chuyện xẩy ra lạ lùng, nhưng có lẽ không nên coi tất cả là phép lạ theo nghĩa hẹp. Tuy nhiên, tất cả những cái đó nói lên lòng tín thác đặc biệt của con người nơi Maria. Qua Mẹ, họ nhìn ra khuôn mặt của Chúa và đức Ki-tô, và nhờ đó mà họ có thể hiểu được Thiên Chúa.

Những dữ kiện mà anh vừa kể, một lần nữa cho thấy là qua Mẹ, con người hiểu được một cách đặc biệt những bí ẩn của Con Chúa và của Thiên Chúa. Đó là lí do nói lên lòng tin sâu xa của con người đối với Mẹ.

Maria là cánh cửa mở đưa tới Thiên Chúa. Người ta có thể nói với Mẹ một cách thoải mái, có thể cầu khẩn ngài với ngôn ngữ và lòng tin con trẻ, những chuyện mà ta thường ngại làm trước mặt đức Ki-tô. Đó là ngôn ngữ của trái tim. Ngôn ngữ đó, hiện diện ở khắp các địa điểm hành hương, càng cho thấy việc Mẹ đã đánh động sâu xa trái tim con người như thế nào. Đó là thứ đức tin mà đức Ki-tô bảo là có thể dời non chuyển núi.

Phải chăng các phép lạ thật sự đã xẩy ra, lại là một chuyện khác. Quan trọng là người ta có lòng tín thác sâu xa, và lòng tín thác đó cũng đã được đáp trả. Qua sự tín thác đó đức tin trở nên thật sống động, đến nỗi nó có thể thấm vào được trong cái vật lí, vào được trong cái hàng ngày, và qua đó ta nhận ra được bàn tay nhân lành của Chúa qua sức mạnh từ ái của Mẹ.


Lấy thí dụ Fatima: Ngày 13.05.2000 giáo chủ Gio-an Phao-lô II phong ba trẻ đã nhìn thấy Mẹ lên hàng chân phước. Chính ngài bảo, ngài thoát chết trong cuộc ám sát ngày 13.05.1981 là do ơn lạ của Mẹ. Và ngài còn nói, biến cố phép lạ đó đã ấn dấu sâu đậm lên toàn bộ nhiệm kì giáo chủ của ngài.
Việc gì đã xẩy ra? Gần giữa trưa ngày 13.05.1917 ba em chăn thú tại một miền quê hẻo lánh Bồ-đào-nha là Lucia (10) cùng hai anh em Jacinta (7) và Francisco (9) đã có một thị kiến lạ lùng. Các em kể, một lằn sáng chói chang xuất hiện trên gốc sồi đá chiếu toả vào “một bà tuyệt đẹp”. Bà ấy bảo “Các con đừng sợ”, và bà nói rằng, bà mang đến một sứ điệp hoà bình cho con người. Thoạt tiên câu chuyện đã là trò cười và diễu cợt cho mọi người. Nhưng vào ngày 13.10 năm đó có khoảng 70 ngàn người đã tuôn về để được chứng kiến tận mắt cảnh tượng.
Người ta kể, sự lạ xuất hiện vào khoảng giữa trưa. Trời bỗng dưng ngừng hẳn mưa. Màn mây xé ra và mặt trời bắt đầu xoay tít quanh nó như một bánh xe quay. Cây cối và con người bổng như chìm vào trong ánh sáng huyền diệu đó. Đám đông la thét, vì tưởng như sắp bị mặt trời sa xuống đè bẹp.

Chuyện gì thuần khoa học tự nhiên đã xẩy ra hoặc không xẩy ra ngày 13 tháng 10, ta không thể kiểm chứng. Quan trọng là con người đã bị đánh động bởi biến cố có một không hai lúc đó. Họ đã có thể cảm nhận có một chuyện gì xẩy ra. Và một cách nào đó, mặt trời đối với họ đã trở thành dấu chỉ ẩn chứa một bí mật nào đó.

Sách Khải-huyền nói về một bà bận áo mặt trời chân đạp mặt trăng. Thoạt tiên, điều đó muốn ám chỉ dân Thiên Chúa trong toàn bộ giao ước cũ và mới, nhưng nó cũng ám chỉ đặc biệt Maria. Áo mặt trời của bà ám chỉ đức Ki-tô là ánh sáng thật cho thế gian. Hình ảnh đó như vậy nói lên sự gắn bó cội rễ với đức Ki-tô. Mặt trăng – hình ảnh của sự chóng qua – bị bà dẫm dưới chân. Hình ảnh dẫm đạp đó một mặt nói lên chiều kích lớn lao có thể làm ta khiếp sợ, nhưng mặt khác cũng cho thấy đó là một sức mạnh ủi an. Và những ai tới Fatima, Lộ-đức hay Guadeloupe đều cảm thấy cái lớn lao cũng như lực ủi an và cứu độ đó.

Nói tới Fatima tất phải nói tới những “bí mật Fatima”. Đó là những sứ điệp mà ba em đã nhận được vào năm 1917. “Bí mật” thứ nhất cho thấy hoả ngục (Các con đã thấy hoả ngục, nơi những người tội lỗi đáng thương đang sa chân vào). Bí mật thứ hai tiên báo việc chấm dứt thế chiến thứ nhất, nhưng (“Nếu người ta cứ tiếp tục thoá mạ Thiên Chúa”) một cuộc chiến “khốc liệt hơn nữa” sẽ xẩy ra. Bí mật đó cũng báo trước về cuộc trở lại của Nga-sô. Nhưng chuyện này chỉ xẩy ra sau khi Gio-an Phao-lô II dâng nước Nga cho đức Mẹ; và một năm sau ngày dâng đó, Gorbachow đã mở ra chương trình tái tổ chức và bức màn sắt đã sập đổ sau đó mười năm.
Về bí mật thứ ba, đã có nhiều phỏng đoán từ nhiều chục năm nay, đặc biệt phỏng đoán về cuộc tận thế hay ít ra là một cuộc sụp đổ của Giáo hội. Người ta bảo, bí mật này chỉ liên quan tới cá nhân giáo chủ Rô-ma mà thôi, nên không được công bố. Trong kì viếng Fatima lần thứ ba, chính Giáo chủ đã hé lộ cho thiên hạ biết về bí mật đó. Hồng y Sodano đã được uỷ thác thông báo tóm tắt nội dung sứ điệp, ngài cho hay ba trẻ đã có thị kiến về “một giám mục mặc áo trắng” đã bị trúng đạn và ngã chết dưới đất”, và theo hồng y, sứ điệp này là một tiên đoán về vụ mưu sát giáo chủ Gio-an Phao-lô II. 
Về cơ bản, sứ điệp Fatima không phức tạp lắm, mà trái lại. Ba trẻ đã diễn tả sứ điệp đó như vầy:“Ta là bà dịu hiền của chuỗi mân côi. Ta đến để con người được tốt hơn. Con người hãy chấm dứt việc thoá mạ Thiên Chúa”.

Thực tế thì sứ điệp rất đơn giản. Và chị Lucia, người duy nhất còn sống (năm 2000), vẫn luôn coi trọng sự giản đơn đó, và chị nói, đừng để ý đến những chuyện gì khác mà người ta đã tường thuật, tất cả chung quy lại chỉ là đức tin, hi vọng và tình yêu. Tôi cũng đã được nói chuyện vắn tắt với chị. Chị nhấn mạnh với tôi là hãy kể tiếp chuyện này cho mọi người nghe.

Chị nói: Thoạt tiên thiên thần hiện ra với chúng con, các ngài dạy cho chúng con tin, cậy, mến; và nội dung của toàn bộ sứ điệp kia là chúng ta hãy học lấy những nhân đức đó. Đó là những gì Mẹ Thiên Chúa tập cho ta, và nhờ đó giúp ta tinh luyện và trở về với Chúa. Sám hối chính là sự thay đổi cuộc sống, là việc bước ra khỏi khuynh hướng thời thượng, một khuynh hướng đẩy ta rời xa Thiên Chúa và chỉ biết nghĩ tới mình mà thôi. Sám hối là quay về, là đi ra khỏi mình, là cho mình đi; cho mình đi tức là tình yêu, và rồi tình yêu đòi buộc phải có đức tin như là điều kiện, và tình yêu làm nẩy mầm hi vọng.

Tôi tin rằng, tất cả những cuộc hiện ra đó, nếu quả có thật, không phải là một cái gì bên lề Tin Mừng. Đó không phải là những thoả mãn cho tính hiếu kì và thích chuyện giật gân của ta, nhưng chúng đưa ta trở về với cái giản đơn và cơ bản, mà ta thường rất ít để í đến. Chính ngày hôm nay, với bao phức tạp của cuộc sống, đạo của chúng ta lại thường trở nên quá rắc rối, khiến ta nhiều khi chỉ thấy cây mà chẳng còn nhận ra rừng. Vấn đề lúc này là quay trở về cái tâm điểm đơn giản, chẳng phải đi đâu khác, mà là trở về với tin, cậy và mến.

Bộ Giáo Lý Đức Tin đã tổ chức một cuộc họp báo ngày 26.06.2000 để trình bày với báo giới toàn bộ bản văn liên quan tới cái gọi là bí mật thứ ba của Fatima. Song song Bộ cũng ra một tài liệu bằng nhiều thứ tiếng, trong đó có chụp lại bản văn viết tay của chị Lucia về bí mật trên, để người ta hết phải bàn tán về sự trung thực và đầy đủ của bản văn. Tài liệu trình bày cẩn thận diễn tiến các thị kiến, các trình thuật bằng văn bản của chị Lucia cũng như biên bản về bí mật thứ ba. Cả cái thông báo của hồng y Sodano cũng được in lại trong đó; chính tôi trong đó cũng có viết một bài thử phân tích các bản văn. Vì cuốn sách được phổ biến rộng rãi, nên tôi xin được tóm tắt đôi dòng về nội dung.

Thị kiến cho thấy con đường gian nan của một giám mục bận áo trắng (mà chính ba trẻ nhận ra là giáo chủ Rô-ma) đang khó nhọc leo lên một ngọn núi có dựng một cây thánh giá; con đường dẫn xuyên qua một thành phố nửa đổ nát. Các giám mục, linh mục, giáo dân và cuối cùng cả giáo chủ cũng bị giết. Nhưng máu của những nạn nhân đã được thiên thần hứng lấy, và máu đó đã làm cho thế giới sinh hoa kết quả. Ta có thể xem đó là hình ảnh biểu trưng cho Giáo hội tử đạo trong thế kỉ 20; giáo sư Riccardo (chủ tịch cộng đoàn Thánh Egidio) mới đây vừa cho ra một cuốn sách về các vị tử đạo dưới các chế độ độc tài trong thế kỉ chúng ta, cuốn sách đã cụ thể hoá một cách hùng hồn những hình ảnh thị kiến. Đọc qua ba phần của bí mật, ta thấy rõ tâm điểm của sứ điệp là lời kêu gọi sám hối, đồng thời sứ điệp còn nói lên tính tự do của lịch sử, nghĩa là lịch sử không hoàn toàn bất biến theo tiền định, mà có thể thay đổi đường đi nhờ vào việc sám hối.

Toàn bộ bí mật là lời thảm thiết kêu gọi tự do con người hãy sửa mình, và nhờ đó sửa lại vận hội thế giới; nội dung bản văn cũng giống như sách Khải-huyền. Sự kiện Giáo chủ thoát chết có thể được hiểu như là một dấu chỉ cho thấy lịch sử có thể diễn tiến khác đi nhờ lời cầu nguyện.


Giờ chúng ta hãy ghé viếng Lộ-đức. Đây là điểm hành hương lớn nhất thế giới, còn lớn hơn cả Mec-ca (nơi hành hương của người Hồi Giáo) nữa, nằm ẩn khuất trong dãy Pyrenée nước Pháp. Người ta bảo nơi đây từ tháng hai tới tháng bảy năm 1858 Mẹ đã hiện ra tất cả 18 lần với Bernadette, và càng ngày càng có đông người hơn được cùng cô gái xay bột chiêm ngưỡng sự biến hình của Mẹ. Bernadette thuật lại: “Bà bận áo trắng, đội khăn trắng, thắt giải khăn xanh và dưới chân có một bông hồng vàng”. Và theo lệnh Bà, Bernadette đã lấy tay moi đất và một mạch nước thiêng từ đó phun lên, hiện nay mỗi ngày phun tới 122 ngàn lít nước.
Nhà văn Do-thái Franz Werfel, khi còn nằm trong tù Quốc-xã, đã hứa nếu sống sót, sẽ viết về Bernadette, và ông đã thực hiện điều đó. Lúc này đây người ta chẳng còn nhắc gì tới Bernadette nữa. Trước khi mất, chị nói: “Hẳn quý vị cũng thấy là lịch sử của tôi rất đơn giản. Đức trinh nữ đã dùng đời tôi cho ngài. Xong việc thì người ta đẩy tôi vào một góc. Đó là chỗ của tôi, nơi tôi trú ngụ đầy hạnh phúc”.

Câu chuyện Lộ-đức, đối với cá nhân tôi, quả thật cảm động. Và cũng như nhiều người khác, nhờ cuốn sách của Werfel mà tôi hiểu được thêm sự kiện. Qua cuốn sách, tôi thấy tâm ông Werfel rất gần gũi với Bernadette. Vì muốn liên đới với dân tộc do-thái, ông đã không vào công giáo, nhưng dù vậy tâm ông đã cùng với Bernadette nhìn thấy đức Mẹ thật, đã tin và đã tín thác vào ngài.

Có lẽ ta chẳng phải dài dòng luận bàn về câu chuyện. Cô gái đơn sơ kia, chẳng có gì ngoài một tâm hồn tinh khiết lớn lao, đã có thể mang bộ mặt Mẹ Chúa Trời – cho dù ngay bước đầu đã gặp phải sự ngờ vực hữu lí của giáo quyền - vào một thế giới lạnh lùng và có xu hướng đông lạnh tinh thần trong thế kỉ của chủ nghĩa duy lí này, một thứ duy lí thô lỗ và cả nhuốm màu chống giáo sĩ. Và với mạch nước ban sự sống và cứu độ ở Lộ-đức, Bernadette đồng thời đã minh chứng nơi Mẹ có lực cứu độ của tạo dựng, tạo dựng được Mẹ cho sống lại một cách mới.

Quả là một dấu chỉ đầy ý nghĩa, khi chính trong khung cảnh duy lí này mà một tâm hồn đơn sơ –đơn sơ nên mới có thể nhìn thấy - đã giúp con người tái nhận ra được Ki-tô giáo là một tôn giáo của tâm hồn và là một thực tại có lực cứu rỗi. Và vì vậy ở Lộ-đức con người thường dễ dàng nhìn ra được nét bí ẩn nơi đức Ki-tô. Và đấy là một điểm khá tích cực. Mạch nước cứu độ ở Lộ-đức nhắc nhở con người về nước rửa tội, đây mới thật là nguồn nước mới đức Ki-tô đã ban tặng cho ta.

………………………..
Trích từ: Joseph Ratzinger - Biển-đức XVI., „Thiên Chúa và Trần Thế - Tin và Sống trong thời đại ngày nay. Trao đổi với Peter Seewald“. Phạm Hồng-Lam chuyển ra Việt Ngữ. Nguyên tác Đức Ngữ: „Gott und die Welt – Glauben und Leben in unserer Zeit“

*) Bernard ở Clairvaux (1091 – 1153): Thánh, người Pháp, tu viện trưởng và thầy (tiến sĩ) Giáo hội. Sáng lập nhánh Xi-tô ở Clairvaux và đã đưa dòng này lên đỉnh cao phát triển. Người vận động chính cho cuộc thánh chiến thứ hai (1147/49). Có ảnh hưởng lớn trên thần học và cuộc sống tinh thần đương thời.