"Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài. Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống. Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh." (Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận)

Đức Giám mục Nguyễn Văn Long: “Đồng hành cùng dân tộc không thể là đồng hành cùng chế độ”



“Tranh đấu cho công lý và sự thật, tự do và nhân phẩm là con đường tất yếu của những ai theo Đấng là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Bằng chiêu bài đồng hóa đảng với dân tộc họ biến lòng yêu nước thành yêu đảng và chống đảng là chống lại dân tộc. Điều đáng buồn là liều thuốc an thần này đang làm ru ngủ và làm vô cảm lương tri của nhiều người Việt Nam, kể cả người tín hữu. Đồng hành cùng dân tộc không thể là đồng hành cùng chế độ, nhất là khi chế độ đó đang đưa dân tộc vào chỗ diệt vong. (ĐGM Vincent Nguyễn Văn Long)
……………..


Mẹ Lavang với dân tộc Việt Nam

Kính thưa quý ông bà anh chị em,
Hôm nay, tôi rất hân hạnh được đến Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn để tham dự cuộc Hành Hương kính Đức Mẹ La Vang do Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ tổ chức. Lời đầu tiên, tôi xin được gởi đến toàn thể quý vị đó là lời chúc sức khoẻ, tình yêu và ân sủng của Thiên Chúa. Xin Ngài kiện toàn thánh ý nhiệm mầu của Ngài nơi chúng ta, những chứng nhân của tự do, công lý và nhân bản. Tôi cũng xin được chuyển lời chào thân thương của đồng bào chúng ta tại Úc Đại Lợi luôn hướng về khối người Việt tại Hoa Kỳ như là con chim đầu đàn của đàn chim Việt đang tản mác khắp bốn phương trời. Dù ở đâu, người Việt Nam chúng ta cũng cố gắng để làm rạng danh ‘con Rồng cháu Tiên’ và cùng tranh đấu cho một tương lai tươi sáng của quê hương dân tộc.

Chủ đề mà Ban Tổ Chức đã mời tôi đến để chia sẻ với quý vị tối nay là “Mẹ La Vang với dân tộc Việt Nam.” Tôi phải thú thật là khi nhìn vào một chủ đề như thế, tôi không biết phải nói gì để khỏi phụ lòng mong đợi của quý vị. Nhiều người nghĩ rằng, giám mục thì có thể nói về bất cứ vấn đề gì. Thực tế thì không như thế. Ở lứa tuổi 50 và sống hai phần ba đời mình ở Úc, tôi cũng chỉ có một kiến thức giới hạn – nhất là về những vấn đề liên quan đến Việt Nam. Tôi không thể ‘xuất khẩu thành thơ’ và càng không thể ‘múa rìu qua mắt thợ’ trước một cử tọa ở cái nôi chính trị và văn hóa của Hiệp Chủng Quốc này. Ước mong của tôi là được chia sẻ và học hỏi hơn là được ‘thuyết giảng’ về mối liên quan giữa tôn giáo và dân tộc – nhất là trong hoàn cảnh đất nước chúng ta hôm nay. Tôi cũng đại diện cho một thế hệ trẻ được hấp thụ hai nền văn hoá khác nhau. Vì thế, ước mơ của tôi là làm một nhịp cầu giữa hai thế hệ, ngõ hầu ngọn đuốc của tự do và công lý được chuyển tiếp cho đến ngày quê hương mến yêu được phục hưng.

Đức Mẹ Việt Nam và Đức Mẹ Ba Lan

Để tìm hiểu về sự tương quan của “Mẹ La Vang với dân tộc Việt Nam,” chúng ta có thể nhìn vào một dân tộc mà lịch sử của họ cũng có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam chúng ta, đó là Ba Lan, quê hương của Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolo II. Ba Lan, một quốc gia bị ngoại bang xâm chiếm nhiều lần và trong lịch sử cận đại đã chịu nhiều tang tóc hơn các dân tộc khác, với hơn sáu triệu người chết trong Đệ Nhị Thế Chiến. Hơn thế nữa, Ba Lan đã sống dưới bóng của tên khổng lồ không mấy tử tế là Liên Bang Xô Viết và chế độ Cộng Sản hơn bốn thập niên. Trong suốt những năm dài tăm tối đó, người dân Ba Lan đã hướng về một thánh địa tượng trưng cho tinh thần dân tộc và ý chí bất khuất của họ, đó là Jasna Gora – một địa danh có nghĩa là Núi Sáng (Luminous Mount) hoặc có thể tạm dịch là Minh Sơn. Nơi đây, Đức Trinh Nữ Maria dưới danh hiệu Đức Mẹ Czestochowa được sùng kính như là Đấng Bảo Vệ cho dân tộc Ba Lan qua bao thăng trầm của lịch sử.

Đức Mẹ Czestochowa có nghĩa là ‘Đức Mẹ Đồng Đen’ Tục truyền rằng, vào năm 1655, khi quân Thụy Điển chuẩn bị xâm chiếm Ba Lan, những người lính trên đồi Jasna Gora đã cầu nguyện với ảnh Đức Mẹ Đồng Đen và họ dù yếu thế hơn đã đẩy lui được quân Thụy Điển. Từ đó, Đức Mẹ Czestochowa được mệnh danh là Nữ Vương nước Ba Lan và đồi Jasna Gora được coi như thánh đô của họ. Vào năm 1920, khi Hồng Quân Liên Xô ồ ạt đánh vào Warsava, một lần nữa người dân Ba Lan lại chạy đến với Đức Mẹ Czestochowa. Không ai có thể giải thích nổi, với một đạo quân hùng mạnh nhất Âu Châu thời đó, Hồng Quân Liên Xô đã bị đánh bại ở dòng sông Vistula – một chiến thắng không ngờ, như Ngô Quyền đánh bại quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm xưa (năm 938).

Với lịch sử dân tộc gắn liền với đức tin Công Giáo và đặc biệt là lòng sùng kính Đức Mẹ, chúng ta không ngạc nhiên khi Jasna Gora trở thành một biểu tượng không thuần túy về tôn giáo mà là một biểu tượng cho tinh thần quốc gia và niềm tự hào dân tộc. Mỗi khi quốc gia bị mất chủ quyền và dân tộc bị đàn áp, người dân Ba Lan đã tìm đến Jasna Gora không phải chỉ nguyện xin mà còn tìm một lối thoát cho quốc gia và một tương lai mới cho dân tộc. Chính vì thế, trong những năm gọi là ‘chiến tranh lạnh,’ khi bạo quyền Cộng Sản Ba Lan, được sự chỉ đạo của Điện Cẩm Linh, dập tắt tất cả các ngọn lửa đấu tranh cho nhân quyền, Jasna Gora đã trở nên thành lũy đối kháng và linh hồn của phong trào chống cộng.

Vào ngày 26 tháng 8 năm 1982, tức ngày Lễ Kính Đức Mẹ Czestochowa, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II đã nói những lời tâm huyết với đồng bào mình còn đang sống sau cái gọi là ‘bức màn sắt’ và đang tranh đấu cho tự do. Ngài nói như sau:

“Đồng bào thân mến. Dù đời sống của người Ba Lan khó khăn thế nào, xin cho chúng ta thâm tín rằng cuộc đời của chúng ta đã thuộc về Trái Tim Mẹ. Như Mẹ đã toàn thắng nơi Thánh Maximiliano Kolbe, người Hiệp sĩ của Đấng Khiết Trinh, xin Mẹ cũng toàn thắng nơi chúng ta. Xin Mẹ Jasna Gora toàn thắng nơi chúng ta và qua chúng ta. Xin Mẹ toàn thắng ngay cả qua những đau khổ và thất bại của chúng ta. Xin Mẹ cho chúng ta đừng nản lòng tranh đấu cho công lý và sự thật, cho tự do và nhân phẩm của con người. Chẳng phải lời của Mẹ ở tiệc cưới Cana ‘Hãy làm theo mệnh lệnh của Ngài’ có nghĩa như vậy sao? Anh chị em hãy nhớ rằng, sức mạnh được thể hiện qua sự yếu đuối. Tôi ở gần anh chị em. Tôi luôn nhớ tới anh chị em.”

Tôn giáo và chính trị

Đọc những lời của Đức Thánh Cha, tôi không có cảm tưởng là tôn giáo và chính trị là hai thái cực mà người tín hữu không được lẫn lộn. Ngược lại, sự nhập thể của Thiên Chúa vào đời sống của con người đòi buộc chúng ta cũng phải ‘nhập thể’ dưới ánh sáng Tin Mừng. Như lời mở đầu Hiến chế Gaudium et Spes (Vui mừng và Hy vọng) của Công Đồng Vaticano II đã khẳng định “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô,” Chân phước Gioan Phaolô II đã cho chúng ta thấy rằng, tranh đấu cho công lý và sự thật, cho tự do và nhân phẩm không phải là việc làm của những kẻ muốn chính trị hóa tôn giáo mà là bổn phận ‘nhập thể hóa’ Tin Mừng và ‘Kitô hóa’ môi trường của chúng ta. Nếu chúng ta chỉ giữ đạo trong nhà thờ, nếu chúng ta chỉ đóng khung tôn giáo trong những vấn đề siêu nhiên mà hoàn toàn vô cảm với những vui mừng và hy vọng, những sợ hãi và lo âu của đồng loại, thì phải chăng tôn giáo chỉ là thứ thuốc phiện ru ngủ chúng ta như lời Karl Marx? Đây cũng là chiêu bài của cộng sản. Họ muốn tôn giáo chỉ là thứ thuốc phiện ru ngủ dân chúng. Họ muốn biến tôn giáo trở thành một công cụ của chế độ.

Cách đây không lâu, tôi có nghe một câu nói rất hùng hồn: “Nếu ai không thích cộng sản, người ấy không nên yêu cầu chúng tôi khích bác họ.” Đằng sau câu nói này là một khó khăn thực tế cho những ai phải sống dưới chế độ cộng sản. Trong bối cảnh đất nước và giáo hội Việt Nam hôm nay, sự liên quan giữa chính trị và tôn giáo quả thật là một đề tài hết sức tế nhị cho người tín hữu, nhất là các vị lãnh đạo. Làm sao để giữ được một lợi thế thực dụng cho giáo hội mà không thỏa hiệp các giá trị cơ bản của Phúc Âm? Làm sao thăng tiến đời sống đạo và lo cho các nhu cầu của các giáo xứ, các dòng tu, các chủng viện v.v… và đồng thời làm trách nhiệm ngôn sứ trong một xã hội độc tài đảng trị? Đó là một số những mệnh đề nan giải mà những ai sống với cộng sản mới biết những phức tạp của nó. Ở đây, tôi không có ý phê bình câu nói hùng hồn trên kia hay một thái độ nào đó của các vị lãnh đạo giáo hội trước tình hình chính trị của đất nước. Tuy nhiên, như Đức Cố Giáo Hoàng Phaolo II đã quảng diễn qua lời giảng dạy, thái độ và đời sống của ngài, Kitô hóa môi trường theo tôn chỉ Phúc Âm là nhiệm vụ của mọi tín hữu. Tranh đấu cho công lý và sự thật, tự do và nhân phẩm là con đường tất yếu của những ai theo Đấng là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống.

Vì thế, vấn đề ở đây không phải là chúng ta ‘không thích cộng sản’ hay ‘khích bác họ.’ Vấn đề ở đây là chọn lựa của chúng ta giữa hai thế lực tương phản: sự thật và sự giả dối, sự thánh thiện và sự gian ác, ánh sáng và bóng tối. Vâng, người tín hữu phải yêu thương cả kẻ thù, kể cả người cộng sản. Nhưng chúng ta không thể đồng lõa và vô cảm với sự giả dối, gian ác và phi nhân của họ. Chính tình yêu đối với Thiên Chúa và nhiệt tâm cho Vương Quốc của Ngài đòi hỏi thôi thúc chúng ta trong cuộc chiến cho công lý và sự thật, ánh sáng và sự sống – cuộc chiến mà chính Đức Kitô đã tranh đấu và khải hoàn qua sự chết và phục sinh của Ngài.

Vai trò của giáo hội với dân tộc

Quý vị thân mến,
Nếu người dân Ba Lan đã coi Đức Mẹ Czestochowa như là biểu tượng niềm tin của họ, thì người Việt Nam chúng ta có thể coi Đức Mẹ La Vang như là biểu tượng niềm tin của chúng ta hay không? Hơn thế nữa, nếu Jasna Gora đã hun đúc tinh thần đấu tranh cho quê hương và cho giáo hội Ba Lan trong những chặng đường cam go nhất của lịch sử dân tộc Ba Lan, người Việt Nam Công Giáo chúng ta có thể đến với Mẹ La Vang trong nỗ lực tìm kiếm một tương lai tươi sáng cho đất nước và giáo hội hay không? Đối với tôi, những câu hỏi này thật thiết thực với bối cảnh của quê hương chúng ta hôm nay. Đối với tôi, đây không phải là ‘chính trị hóa’ La Vang mà là đem Phúc Âm vào lòng dân tộc và là thực thi vai trò ngôn sứ của chúng ta trong một xã hội đang mất căn tính nhân bản. Nói một cách khác, nếu người tín hữu chúng ta phải như ‘thành phố xây trên núi’ hay như ‘muối men cho đời,’ thì vai trò phục hồi cho xã hội một căn tính nhân bản trên những giá trị Phúc Âm là vai trò thiết yếu của chúng ta. Câu Kinh Đức Mẹ La Vang “Xin cho chúng con tấm lòng từ bi nhân hậu, đại lượng bao dung, cùng nhau bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống” sẽ không có ý nghĩa khi người tín hữu chúng ta vô cảm trước hiện tình một xã hội băng hoại toàn diện đang diễn ra trên quê hương chúng ta.

Như quý vị đã biết, trong những ngày gần đây, giáo hội tại Hoa Kỳ đang tranh đấu cho quyền tự do tôn giáo qua những cuộc biểu tình rầm rộ, những kháng cáo trước tòa án cũng như qua các phương tiện truyền thông. Lý do là gi? Đó là việc chính phủ của Tổng thống Obama đã đề xướng ra một đạo luật về y tế mà theo đó, tất cả các tổ chức kể cả tổ chức Công Giáo phải cung cấp bảo hiểm phổ quát bao gồm ngừa thai cho các nhân viên của mình. Các giám mục Hoa Kỳ đã không ngần ngại đương đầu với chính sách ‘Obamacare’ mà họ cho rằng đi ngược lại với luân lý Công Giáo và hơn thế nữa giới hạn quyền tự do của giáo hội trong việc hành xử theo giáo luật. Giáo hội không thể làm ngược lại tôn chỉ của Phúc Âm nếu bị bắt buộc phải cung cấp dịch vụ phá thai hay ngừa thai – dù chỉ là gián tiếp – trong các bệnh viện của mình hay tài trợ các dịch vụ này cho các nhân viên của mình như tại trường học, giáo xứ, cơ sở xã hội v.v…

Chính vì thế, các giám muc Hoa Kỳ đã không ngần ngại đứng lên bảo vệ những giá trị mà họ cho là không thể nhượng bộ dù là trong một xã hội đa nguyên. Nhiều giáo dân và ngay cả một số giáo sĩ Hoa Kỳ không đồng quan điểm với Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ. Nhưng ít ra, không ai có thể chỉ trích là họ đã can thiệp vào chính sách của nhà nước hay là họ đã vượt qua giới hạn tôn giáo thuần túy. Phúc Âm và đời sống không thể tách lìa nhau; tôn giáo và chính trị không thể không liên hệ với nhau. Vai trò ngôn sứ của Giáo hội đòi buộc người tín hữu ở mỗi bậc và mỗi hoàn cảnh phải tranh đấu cho một xã hội phản ảnh Vương Quốc của Thiên Chúa, hay như Kinh Đức Mẹ La Vang, là xây dựng một ‘nền văn minh tình thương và sự sống.’

Thực thế, truyền thống công lý xã hội trong Kinh Thánh là bằng chứng hùng hồn về sự nhập thế của các giá trị siêu nhiên vào đời sống tự nhiên của con người. Ơn cứu độ không chỉ có nghĩa là một sự giải thoát của linh hồn và đời sống vĩnh hằng trên Thiên Quốc mà là sự giải thoát con người toàn diện. Ngay trên cõi đời này và ngay trong xã hội này, con người được mời gọi để sống cuộc sống sung mãn với Thiên Chúa và tha nhân. Do đó, sống đức tin và sống thánh thiện không chỉ có một chiều dọc, tức là thờ phượng kính mến Chúa được quảng diễn qua xây nhà thờ, tu viện, trung tâm, lễ nghi, kinh kệ, rước sách, đình đám, hành hương, ăn chay hãm minh v.v…

Sống đức tin và sống thánh thiện không thể tách lìa khỏi tiến trình công lý hóa xã hội và phong phú hóa đời sống con người. Tiên tri Isaiah đã định nghĩa cho chúng ta thế nào là giữ đạo, đó là “phá vỡ xiềng xích của bọn ác nhân, cất đi gánh nặng của kẻ lầm than, giải thoát cho kẻ bị áp bức và phá tan mọi gông xiềng” (Isaiah 58:6). Đức Kitô cũng đã đúc kết sứ mạng của Ngài trong câu nói đầy ý nghĩa và súc tích: “Ta đến để mọi người được sự sống và sự sống viên mãn” (Gioan 10:10). Sự sống viên mãn không phải chỉ là ở đời sau. Nó là sự sống toàn thể trọn vẹn. Nó là sự sống trong yêu thương, trong công lý, trong tình người từ bây giờ và mãi mãi.

Ở bên Úc, có rất nhiều người hỏi tôi là họ phải làm gì khi nhận những lá thư hay những lời kêu gọi giúp đỡ giáo hội quê nhà. Nào là xây nhà thờ, sửa tu viện, tu bổ trung tâm hành hương, nâng cấp địa điểm truyền giáo…. rồi nào là giúp cô nhi, người tàn tật, kẻ neo đơn. .v.v… Có nhiều người còn nói là họ rất sợ vô đoàn thể vì đó là những nơi bị xin tiền! Tôi trả lời với họ rằng chúng ta không nên vô cảm nhưng cũng không nên tạo một gánh nặng cho mình hay cho người khác. Tôi cũng nói thêm là trên hết mọi sự giúp đỡ, anh chị em hãy tham dự vào tiến trình công lý hóa cho dân tộc. Vì sao? Vì căn nguyên của sự nghèo đói và của những nỗi nhục quốc thể ở trong nước cũng như ở ngoài nước là hệ thống chính trị lỗi thời, là chế độ cộng sản tham nhũng, bất công và phi nhân. Tôi sẽ không bao giờ ngần ngại để nói lên sự thật phũ phàng đó. Tôi sẽ không bao giờ tách lìa lý tưởng một Việt Nam phi cộng sản và một Việt Nam nhân bản ra khỏi sứ mạng giám mục của tôi.

Nhiều người Công Giáo quan niệm rằng, đạo và đời là hai thực thể riêng biệt. Chính vì thế, câu nói “người Công Giáo không làm chính trị” đối với họ đã trở thành sự biện minh cho thái độ vô cảm hay chủ trương không tham dự vào những vấn đề xã hội và đất nước. Một số quý vị lớn tuổi ở đây chắc đã từng trải qua thời kỳ Việt Minh vào những năm sau Đệ Nhị Thế Chiến. Ở Bắc Việt, Đức Giám Mục Lê Hữu Từ, là một vị tiền nhiệm của Đức Giám Mục Nguyễn Năng hiện nay, đã có thời lập ra khu Bùi Chu – Phát Diệm tự trị với cả những đội vũ trang Tự vệ Công giáo, chống lại chính quyền Việt Minh do ông Hồ Chí Minh lãnh đạo. Đối với ngài cũng như rất nhiều giám mục miền Bắc trong thời kỳ đó đã không ngần ngại dấn thân cho quê hương và có thể nói vượt qua cái ranh giới thông thường của đạo và đời, tôn giáo và chính trị. Hôm nay, tôi không có ý hoài niệm về một quá khứ mà nhiều người trong thế hệ cha anh rất tự hào về giáo hội Việt Nam; tôi càng không có ý cổ võ một con đường chống đối bạo động dù đối với chế độ vong bản phi nhân. Tuy nhiên, khi lấy cuộc sống sung mãn làm mục đích, chúng ta không thể mặc nhiên để sự ác hoành hành khống chế xã hội. Sự ác này không những thể hiện nơi cá nhân hay đoàn thể. Tôi cho rằng sự ác lớn nhất đang hoành hành trên đất nước chúng ta hôm nay chính là tà quyền và hệ thống chính trị đưa con người vào chỗ bế tắc.

Giáo hội là lương tri của xã h̉ội hay là công cụ của chế độ?

Có nhiều người sẽ không đồng thuận với nhận xét và quan điểm ở trên của tôi. Họ dẫn chứng rằng: Việt Nam đã có ít nhiều tự do tôn giáo. Nhà thờ, dòng tu, chủng viện v.v… được xây cất tu bổ một cách rầm rộ. Giáo dân đi lễ không còn chỗ ngồi. Ơn gọi không còn chỗ chứa. Bây giờ, cái khó không phải là do chính phủ hay công cụ của họ như công an cảnh sát cơ động gây nên. Cái khó là do đời sống luân lý đạo đức suy đồi của người dân, đặc biệt là giới trẻ…

Tôi không phủ nhận những thử thách đến từ sự mất hướng đi, lối sống buông thả và hưởng thụ vô trách nhiệm của thế hệ hôm nay cũng như đã xảy ra cho thế hệ hôm qua. Nhưng tôi cho rằng những thử thách về đời sống luân lý vẫn ở mãi với chúng ta từ đời này qua đời khác. Cái khác là trong một xã hội bị cai trị bởi một tà quyền và hệ thống chính trị gian dối ác độc, những thử thách ấy mang một sắc thái tiêu cực và bi đát hơn.

Khi một chế độ không cho giới trẻ một tương lai, không tạo cho họ một niềm tự hào, không cho họ cơ hội phát huy tài năng; khi một chế độ chỉ cho họ tiến thân qua thẻ đảng, khi chỉ có ‘còn đảng mới còn ta’ thì làm sao tránh được sự tuyệt vọng, sự mất hướng đi và sự bất cần của giới trẻ. Hãy cứ hỏi những cô dâu đi lấy chồng Đài Loan, Nam Hàn, những người lao động hợp tác ở Mã Lai, ở Arab Saudi và thậm chí ở cả Phi Châu, những người di dân bất hợp pháp ở Đông Âu, những em bị bán làm nô lệ tình dục ở Thái Lan, những người dân oan bị cướp đất, các công nhân bị bóc lột ở các hãng xưởng, những người trẻ trong các ‘chat-room’ v.v…

Có lần đi Macau, tôi gặp một số bạn trẻ Việt Nam lao động bất hợp pháp. Họ bị đối xử tàn tệ mà tòa đại sứ Việt Nam hoàn toàn không can thiệp và thậm chí còng đồng lõa với những đối tượng bất chính. Tôi không nghĩ là trong các nước không cộng sản không có những vấn nạn xã hội của họ – ngay cả trên đất nước Hoa Kỳ này.

Nhưng một điều không thể chối cãi được là trong nước ta hôm nay, nhiều những hiện tượng tôi đan cử trên là vô tiền khoáng hậu trong lịch sử oai hùng của nước ta và là những nỗi nhục quốc thể cho những ai mang dòng máu Việt. Những hiện tượng này là triệu chứng của một cơn bệnh trầm kha: một thể chế hoàn toàn băng hoại và dẫn cả dân tộc vào chỗ bế tắc.

Đức Giáo Hoàng Benedictô XVI có nhắc nhở cho người Công Giáo là “Giáo Hội không làm chính trị nhưng cũng không đứng bên lề xã hội.” Lịch sử Việt Nam qua nhiều thời đại đã minh chứng được sự dấn thân của người tín hữu thuộc mọi thành phần giáo hội vào sự nghiệp bảo vệ và phát triển đất nước. Thế nhưng trong những năm gần đây, sự ru ngủ lương tri của giáo hội đã trở thành một hiện tượng phổ biến nằm trong chính sách công cụ hóa tôn giáo của chính quyền cộng sản. Các cụm từ như ‘tôn giáo và dân tộc,’ ‘tốt đời đẹp đạo,’ ‘giáo dân tốt công dân tốt,’ ‘kính Chúa yêu nước’ và ‘đồng hành cùng dân tộc’ đã trở thành những viên thuốc an thần để ru ngủ lương tri và vô hiệu hóa vai trò ngôn sứ của giáo hội.

Khi “đồng chí” Lê Hồng Anh, thường trực Ban Bí Thư, đi thăm Đức Cha Bùi Tuần nhân dịp Giáng sinh 2011, “ông bày tỏ tin tưởng đồng bào có đạo tiếp tục phát huy truyền thống kính Chúa yêu nước” (nguyên văn của báo Sàigòn Giải Phóng). Rồi sống sượng hơn nữa, “đồng chí” Nguyễn Thiện Nhân, Phó Thủ Tướng, tại La Vang năm 2010 đã ban huấn từ cho cả các giám mục Việt Nam về việc mà ông gọi là “đồng hành cùng dân tộc.” Cái điều mà người Tây phương gọi là ‘elephant in the room’ tức là điều ai cũng nhận ra là đảng đã tự tôn mình ngang hàng với dân tộc thay vì là ‘đầy tớ của nhân dân’ như họ vẫn rêu rao.

Bằng chiêu bài đồng hóa đảng với dân tộc họ biến lòng yêu nước thành yêu đảng và chống đảng là chống lại dân tộc. Điều đáng buồn là liều thuốc an thần này đang làm ru ngủ và làm vô cảm lương tri của nhiều người Việt Nam, kể cả người tín hữu. Đồng hành cùng dân tộc không thể là đồng hành cùng chế độ, nhất là khi chế độ đó đang đưa dân tộc vào chỗ diệt vong.

Maria là nữ tì của triều đại chính trực

Quý vị thân mến,
Trở lại câu hỏi là chúng ta có thể đến với Mẹ La Vang trong nỗ lực tìm kiếm một tương lai tươi sáng cho đất nước và giáo hội hay không, niềm xác tín của tôi là đây là bổn phận của người tín hữu. Như người Công Giáo Ba Lan, cũng như ở khắp mọi nơi, chúng ta người tín hữu Việt Nam cũng cùng Mẹ để hành trình tiến về sự sống sung mãn cho đất nước và cho dân tộc. Ở trên, tôi đã chứng minh là đây là sự nhập thể hóa đức tin và là bổn phận Phúc Âm hóa môi trường xã hội của người môn đệ Chúa Giêsu. Bây giờ, tôi xin được hướng về chính Đức Trinh Nữ Maria như là một ‘mẫu người lữ hành trong đức tin’ và là một ‘đầy tớ can trường của công lý.’

Có lẽ đối với nhiều người Công Giáo Việt Nam, họ ít khi nào dùng hai cụm từ này để diễn tả hay suy niệm về Đức Mẹ. Trong gần 20 năm ở trong nước, kể cả những năm ở tiểu chủng viện Phaolô Xuân Lộc, tôi chưa một lần nghe các cha giảng về Đức Mẹ dưới hai danh hiệu nói trên. Thế nhưng tôi cho rằng đây là một kho tàng về Thánh Mẫu học mà chúng ta cần khai phá, nhất là cho những tín hữu Việt Nam trong bối cảnh của đất nước chúng ta hôm nay.

Phúc Âm thánh Luca đã mô tả là khi Maria bước vào nhà mình, bà Elisabeth được đầy ơn Chúa Thánh Thần đã thốt lên: “Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến thăm tôi… Phúc cho em là kẻ đã tin lời Chúa phán cùng em sẽ được thực hiện” (Luca 1:43,45). Maria được đầy ơn phúc không những vì là người được những đặc ân Thiên Chúa ban tặng. Bà là một người đã tín thác tuyệt đối. Bà là mẫu người lữ hành trong đức tin vượt trội hơn mọi người lữ hành khác. Abraham đã tin vào lời Chúa hứa khi ông bỏ tất cả để tiến về vùng đất hứa. Ông đã tin dù chẳng được thấy bằng chứng của lời hứa ấy. Abraham chẳng hề nhìn thấy con đàn cháu đống và cũng chẳng hề được bước chân vào vùng đất đầy sữa và mật ong. Ông tin khi không còn gì để tin và hy vọng khi không còn gì để hy vọng. Maria cũng thế. Bà cũng tin khi không còn gì để tin và hy vọng khi không còn gì để hy vọng. Ít ra ông Abraham khi phải chịu thử thách là đem con đi sát tế, Chúa đã nhận lòng tin và cứu con ông khỏi chết. Còn lòng tin của Maria thì bị thúc đẩy đến đường cùng. Bà phải chứng kiến con một mình bị sát tế trên bàn thờ thập giá. Đức tin của bà được chứng minh một cách tuyệt đối. Maria trên Núi Sọ đã trở thành một người lữ hành trọn hảo trong đức tin. Bà cũng là môn đệ trọn hảo vì đã bước theo con đường chân thiện mỹ của Đức Kitô cho đến cùng.

Còn Maria là ‘đầy tớ can trường của công lý’ như thế nào? Kinh Magnificat (Luca 1:46-55) cho chúng ta câu trả lời khi Maria ca ngợi Đấng đoái thương tới người nữ tì hèn mọn như Ngài đã luôn chúc phúc cho những kẻ khiêm nhường và đói nghèo nhưng luôn kính sợ Ngài. Những lời nói này đối với những người không hiểu lịch sử cứu độ thì có vẻ tổng quát và mơ hồ. Kẻ khiêm nhường và người nghèo đói theo truyền thống Kinh Thánh là những người trung tín với giao ước bất chấp những thử thách. Họ không chỉ là những người mà nói theo tục ngữ Việt Nam là “ở hiền gặp lành”mà là kiên cường trong sự lành dù chỉ gặp toàn sự dữ.
Khi người Do Thái bị lưu đày hơn 60 năm ở Babylon, rất nhiều tín hữu mất niềm tin trong tâm trạng tuyệt vọng hoàn toàn. Họ mất quê hương, mất đền thánh Jerusalem, mất hòm bia, mất chính quyền, mất quân đội và mất tất cả. Họ bỏ giao ước vì nghĩ rằng chính Thiên Chúa đã bỏ họ. Chỉ có một thiểu số giữ vững niềm tin và tiếp tục duy trì giao ước. Trong Kinh Thánh họ được gọi là ‘Anawim’ mà có thể gọi nôm na là ‘tàn dư còn sống sót’.

Chính từ những ‘tàn dư’ này hay hình ảnh ‘gốc chồi Jesse’ mà Thiên Chúa đã tái tạo một Do Thái mới sau khi họ trở về đất hứa. Họ là những người sống theo sự công chính của giao ước. Họ là những người trung tín với đường lối Thiên Chúa ngay cả khi lộ trình này tưởng như chỉ dẫn đến sự thất bại, tủi nhục và tuyệt vọng.

Maria là nữ tì hèn mọn theo bước chân của những ‘tàn dư’ trung tín. Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II đã viết là “Anawim không phải một giai cấp xã hội mà là một sự chọn lựa của kẻ công chính.” Họ chọn con đường công lý và sự thật mặc dù bị thiệt thòi và bắt bớ. Họ trung kiên theo giao ước dù bị kẻ có quyền bính ức hiếp. Như thế kẻ ‘tàn dư’ trung tín cũng là những ai sống tám mối phúc thật. Maria đầy ơn phúc vì Ngài là người nghèo khó, người hiền lành, người có lòng thương xót, người khóc lóc và khao khát chân lý… Maria đầy ơn phúc vì Bà trung kiên bước theo con đường của người Tôi Tớ Đau Khổ của Thiên Chúa. Đức Gioan Phaolô II kết luận là “Bài ngợi ca Magnificat đã nói lên vai trò của Mẹ trong cuộc chiến chống lại sự dữ và tà quyền.” Mẹ là người đồng hành và liên đới với tất cả những ai đứng về phía công lý và sự thật.

Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh,
dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.
Chúa hạ bệ những ai quyền thế,
Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.
Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,
người giàu có, lại đuổi về tay trắng. (Lc 1:51-53)

Những lời này cho chúng ta thấy Thiên Chúa luôn đứng về phía ‘anawim’ của Ngài, tức là những người dù thiểu số và yếu hèn nhưng luôn kiên cường trong công lý và sự thật. Ngài sẽ chiến thắng trên những kẻ gian tà và phục hồi danh dự những ‘anawim’ của Ngài. Thiên Chúa đã thực hiện chiến thắng này nơi Đức Kitô, “phiến đá mà người thợ xây loại bỏ đã trở nên tảng đá góc tường”. Ngài đã thực hiện nơi Maria nữ tì hèn mọn cũng như tất cả những ‘anawim’ trung tín của Ngài.

Lời kết: Giáo hội là tiếng kêu trong hoang điạ hay chỉ là tiếng chũm chẹo kêu inh ỏi?

Quý vị thân mến,
Đức Mẹ La Vang đã đi vào tâm hồn của người Công Giáo Việt Nam và Ngài cũng đã đi vào lòng dân tộc chúng ta. Dù không phải như là người Ba Lan đã gắn bó với thánh địa Minh Sơn như là linh hồn của cả dân tộc, người Việt Công Giáo ở khắp mọi nơi hướng về Mẹ La Vang như là người đồng hành trong thăng trầm của lịch sử và là đấng phù hộ trong cơn thử thách. Lòng sùng kính Đức Mẹ không chỉ đưa chúng ta tới những hành động thuần túy tôn giáo và lễ nghi như đi hành hương, dâng hoa, rước kiệu, cung nghinh v.v… Với bổn phận ‘nhập thể hóa’ Tin Mừng và ‘Kitô hóa’ môi trường, lòng sùng kính Đức Mẹ cũng như lòng yêu mến Chúa thôi thúc chúng ta tìm cuộc sống sung mãn cho tha nhân. Chính vì thế, chúng ta không thể chỉ đến với Mẹ qua những hành động thuần túy tôn giáo mà không noi gương đấng là ‘anawim’ của Thiên Chúa. Maria là người lữ hành trong đức tin và là nữ tì trung tín của triều đại chính trực. Lòng sùng kính Mẹ thách thức chúng ta cũng phải làm đầy tớ và là chiến sĩ của công lý và sự thật trong cuộc chiến muôn thưở chống lại sự dữ và tà quyền.

Vào ngày 15 tháng 8 tới đây, theo như tin tức của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam thì sẽ có nghi lễ đặt viên đá đầu tiên để xây Vương Cung Thánh Đường tại La Vang. Đây là một biến cố quan trọng thể hiện lòng sùng kính Mẹ và là một biểu hiện đặc thù của đức tin Công Giáo Việt Nam. Nhưng tôi nghĩ rằng chúng ta không dừng lại ở một hình thức bên ngoài và nhất là tạo nên một biến cố để trang điểm cho chế độ. Nếu Kitô giáo mà mất vai trò ngôn sứ thì nó bị thuần hóa và trở thành công cụ của chế độ. Lúc đó, chúng ta không còn là tiếng kêu trong hoang địa nữa mà sẽ là tiếng chũm chọe kêu inh ỏi (1Cor 13:1); lúc đó chúng ta sẽ như muối không còn mặn nữa mà chỉ còn chờ ném ra ngoài đường cho người ta đạp lên nó (Mat 5:13).
Nói tóm lại, lòng sùng kính Đức Mẹ La Vang không thể tách lìa với bổn phận xây dựng một xã hội theo giá trị của Phúc Âm. Sứ mạng của Đức Kitô là đem sự sống sung mãn cho con người. Người Kitô hữu chúng ta không thể chỉ dừng lại trong những hành động tôn giáo mà không kiếm tìm sự sung mãn của đồng loại và nhất là của đồng bào. Như Mẹ Maria là nữ tì trung tín, xin cho mọi người Công Giáo Việt Nam trong và ngoài nước cũng trở nên đầy tớ của Tin Mừng, của công lý, của sự thật trong cuộc chiến chống lại sự dữ và tà quyền. Tôi xin phỏng theo lời của Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolo II để kết thúc bài chia sẻ:

Xin Mẹ La Vang toàn thắng nơi quê hương chúng ta.
Xin Mẹ toàn thắng ngay cả qua những đau khổ và thất bại của chúng ta.
Xin Mẹ cho chúng ta đừng nản lòng tranh đấu cho công lý và sự thật,
cho tự do và nhân phẩm của con người.
Xin Mẹ đem lại chiến thắng của ánh sáng trên tối tăm, sự lành trên sự dữ,
chí nhân trên cường bạo và đại nghĩa trên hung tàn.

Cùng Mẹ La Vang, chúng ta hãy tiến bước về tương lai tươi sáng cho dân tộc và cho đất nước.

+ GM Vinh sơn Nguyễn văn Long OFM Conv.
Giám mục Hiệu tòa Tala và Giám mục Phụ tá TGP Melbourne, Australia.
Washington DC, USA, ngày 16 tháng 6 năm 2012.

....................................

Trên đây là bài chia sẻ của Đức Cha Giuse Nguyễn Văn Long, giám mục phụ tá Tổng Giáo Phận Melbourne, Úc, với chủ đề: “Mẹ Lavang và Dân tộc Việt Nam” tại cuộc Hành Hương Mẹ La Vang 2012 trong các ngày 14-16/6/2012 vừa qua do Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ tổ chức.