"Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài. Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống. Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh." (Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận)

"Sản phẩm 98,97%"



Ngày thứ ba 19.6.2012, Bộ Giáo Dục – Đào Tạo đã công bố tỷ lệ tốt nghiệp Trung Học Phổ Thông của cả nước là 98,97%, một con số gây ngỡ ngàng cho tất cả mọi người, những người còn lương tri. Ngỡ ngàng rồi chua xót!

Báo "Tuổi Trẻ" số ra ngày thứ tư ngay sau đó đã đăng trên trang nhất một tấm hình đầy tính mỉa mai, một tấm hình được lắp ghép bởi ba hình ảnh: cảnh quay cóp nhau ở Đồi Ngô, tỉnh Bắc Giang, biểu đồ tỷ lệ tốt nghiệp những năm gần đây và cảnh thí sinh đi xem kết quả thi tốt nghiệp. Biểu đồ tỷ lệ tốt nghiệp cho thấy, năm 2006: 92%, năm 2007 66,72% (năm này ông bộ trưởng tuyên bố „hai không“ trong giáo dục: không gian lận, không thành tích), năm 2008: 75,96%, năm 2009: 83,80%, năm 2010: 92,57%, năm 2011: 95,72%, năm 2012: 98,97%. Con số 98,97% ngay bên cạnh hình ảnh quay cóp!

Con số tỷ lệ 98,97% tốt nghiệp sau một kỳ thi quốc gia đã là một tiếng chuông báo động về sự phá sản tan tành về giáo dục, con số này là chữ ký cuối cùng trong hồ sơ bệnh án của một thân thể thoi thóp rồi mất sức sống, là giấy chứng tử của nhân viên hộ tịch kết luận về một sự sống không còn.

Trong một cơ chế xã hội, giáo dục đào tạo là yếu tố quan trọng nhất, nó quyết định tương lai của một dân tộc, là sự sống còn của dân tộc đó. Người Nhật trên đống đổ nát sau thế chiến thứ hai, họ đã xây dựng trở thành một quốc gia hùng mạnh bắt đầu từ sự chú trọng vào giáo dục. Ở các quốc gia tiên tiến khác trên thế giới, người ta thành công trên nhiều phương diện chính vì đã sở hữu một nền giáo dục hoàn chỉnh. Con người là chính, con người làm ra của cải, phát triển kiến thức và xây dựng xã hội, vì thế nếu không chú ý đến con người, không giáo dục con người cho xứng đáng thì con người không thể cất đầu đi lên được.

Báo Tuổi trẻ số ra ngày thứ bảy 23.6.2012, loan tin nơi trang 13, bài “Thêm trẻ sơ sinh tử vong khi sinh mổ”. Bài báo cho biết: “Đây là ca tử vong trẻ sơ sinh thứ 20 tại khoa sản Bệnh Viện Đa Khoa Quảng Ngãi kể từ đầu năm đến nay”. Chắc chắn đây là sản phẩm của những con người mang bằng tốt nghiệp phổ thông tỷ lệ cỡ 98,97% ! Đây chỉ là một trong vô vàn những sản phẩm khác mang nhãn hiệu 98,97%.

Trong một loạt các bài báo tham gia nhận định về con số này, người ta đọc thấy những câu chuyện của một số trường thông báo với thí sinh rằng hãy đi mà “xem kết quả ở bảng không tốt nghiệp”! Hoặc táo tợn hơn có trường thông báo “không cần xem vì tỷ lệ tốt nghiệp 100%”! Ngay Bộ Giáo Dục-Đào Tạo dám công bố tỷ lệ này thì cũng đã là một hành vi táo tợn và không còn… liêm sỉ! Chúng ta sẽ không lấy làm lạ vì con số 98,97% khi có những “người thầy” như vậy. “Chuyện bây giờ mới kể” nhưng đã triền miên diễn ra từ rất nhiều năm.

Năm 1999, hai mươi bốn năm sau cuộc biến động 1975, tôi có dịp đi nước ngoài. Ngày đầu tiên khi được đón về nhà, anh em bạn bè thăm viếng chào hỏi. Khi trời buông màn tối, tôi giật mình nhắc chủ nhà dẫn tôi ra đăng ký tạm trú, mọi người lăn ra cười vì trên đất nước họ sinh sống làm gì có chuyện phải đăng ký tạm trú tạm vắng! Một khi anh được chấp nhận vào quốc gia họ, anh có quyền đi đến bất cứ nơi nào người ta không cấm mà không phải trình báo với ai cả.

Tôi sống trong miền Nam suốt hai mươi hai năm không hề có việc đăng ký tạm trú tạm vắng, thế mà chỉ hai mươi bốn năm sau cái năm 75 ấy, nỗi sợ hãi phải đi đăng ký tạm trú tạm vắng ăn sâu vào máu huyết đến nỗi trở thành một thứ phản xạ tự nhiên. Tương tự như vậy, tôi muốn nói, những con người xuất thân từ “98,97%” nêu trên, không ít thì nhiều, dù hoàn toàn không hề muốn đi nữa, đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi “con số” quái dị này.
Chúng ta còn phải chấp nhận thực tế bi đát khác, ấy là một số những người trẻ đi ra từ “con số 98,97%” đã, đang và sẽ là ứng sinh cho các Đại Chủng Viện và các Dòng Tu, chắc chắn trong một ngày không xa họ sẽ trở nên các “nhà lãnh đạo tinh thần”.

Chúa có cách làm của Chúa để dẫn dắt Dân của Người, chẳng nên dại dột muốn làm thay Chúa, chúng ta cần phải tin vào Chúa Thánh Thần và tin vào khả năng thay đổi của con người. Nhưng Chúa lại ban cho chúng ta khối óc, đôi bàn tay và con tim để làm dụng cụ của Chúa, trách nhiệm của chúng ta là phải làm những gì đây, trên những sản phẩm từ “con số 98,97%” này?

Đặt câu hỏi về “sản phẩm 98,97%” nhưng cũng là đặt câu hỏi cho những người “làm thầy” của sản phẩm đó trong Giáo Hội.

Lm. Vĩnh Sang, DCCT, 24.6.2012, (Ephata 515)