"Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài. Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống. Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh." (Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận)

"Thánh lễ đặc biệt" trong phụng vụ của Giáo Hội?



Hỏi: Ở một nhà Dòng kia có xây một vườn gọi là “Vườn Cầu Nguyện”. Ai muốn dựng bảng (bia) xin cầu nguyện có thể lựa chọn nhiều cỡ bảng khác nhau với giá tiền dâng cúng và hứa hẹn ân huệ thiềng liêng khác nhau. Thí dụ, bảng loại thường thì được hưởng một “Lễ thường” còn bảng đặc biệt thì được hưởng một lễ “đặc biệt”. Dĩ nhiên phải dâng cúng số tiền “đặc biệt”. Xin cha cho biết trong Giáo Hội có loại “Lễ Đặc Biệt” này không?

Trả lời: Trước khi trả lời câu hỏi trên, tôi xin được nhắc lại điều tôi đã viết trong một bài trước đây về  tội “mại thánh= Simonia” và việc ghi công đức  của những ân nhân giúp xây Nhà Dòng, Nhà Thờ, Tu Viện, Trường học, Nhà nuôi trẻ mồ côi hay khuyết tật…

Dĩ nhiên các việc từ thiện nói trên, khách quan mà nói, thì  đều đáng khen ngượi,  vì giá trị bác ái đáng khuyến khích và đề cao của nó.

Tuy nhiên, cần phân biệt rõ điều này là : làm việc bác ái thực sự vì lòng mến Chúa, yêu người và yêu  mến Giáo Hội thì khác xa với việc mua danh tiếng hư hão qua những việc xem ra “có vẻ bác ái” nhưng thực chất chỉ là khoa trương về việc làm của mình cho nhiều người biết. Liên quan đến  điều này, chúng ta hãy đọc lại Chúa Giêsu đã căn dặn các Tông Đồ xưa như sau: “Khi làm việc lành phúc đức, anh  em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh  em sẽ chẳng được Cha của anh  em, Đấng ngự trên trời ban thưởng... Khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc bố thí của anh  em được kín đáo. Và Cha của anh  em Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh  em.” (Mt 6: 1, 3-4)

Như thế,  người tín hữu Chúa Kitô cũng không nên đặt nặng việc xin được ghi tên trên những bảng ghi công đức đã ủng hộ tiền bạc hay công sức giúp cho một cơ sở tôn giáo hay từ thiện nào như Nhà Thờ, Nhà Dòng, Nhà Hưu Dưỡng, Nhà nuôi trẻ mồi côi, v.v… Những bảng ghi công đức đó chỉ có giá trị trần thế trước mặt người đời mà thôi, chứ không bảo đảm ơn ích thiêng liêng trước mặt Chúa là Đấng đã nhìn thấu suốt tâm trí con người và sẽ trả công xứng đáng cho những việc bác ái thực sự của những người đã có lòng hảo tâm dù  không  được công khai biết đến.

Nói đến việc trả công của Chúa, chúng ta nên biết  rằng, Chúa ban ơn thánh của Người hay trả công cho ai thì hoàn toàn không lệ thuộc vào số tiền to hay nhỏ của người đó bỏ ra dâng cúng, xin lễ hay xin cầu nguyện. Nghĩa là đừng ai lầm tưởng rằng bỏ nhiều tiền ra để xin lễ hay ghi bảng xin cầu nguyện là chắc sẽ được nhiều ơn ích thiêng liêng hơn người không chi đồng nào khi  xin cầu nguyện. Chúa  ban ơn vì lòng quảng đại vô biên của Người dành cho những người thực tâm yêu mến Chúa, yêu mến tha nhân, và sống theo đường lối của Người.

Ngược lại, những ai thờ ơ, không tha thiết gì đến thực hành đức tin là yêu mến Chúa, yêu người và  sống lành thánh  như Chúa đòi hỏi, thì cho dù có bỏ ra hàng triệu đồng để xin lề đời đời, và “mua hậu” để “bảo hiểm” cho đời sau của các nơi “buôn thần bán thánh”, thì cũng uổng tiền vô ích mà thôi, vì ơn Chúa và nhất là phần rỗi đời đời không bao giờ có thể mua được bằng tiền bạc, hay bất cứ phương tiện vật chất nào có trên đời này. Chắc chắn như vậy.

Nói khác đi, nếu một người đã thực tâm yêu mến Chúa và sống ngay thẳng, công bình và  bác ái  suốt cả đời mình thì đây mới là bảo đảm cho phần rỗi để được vui hưởng hạnh phúc với Chúa trên Nước Trời mai sau. Ngược lại, nếu ai không có quyết tâm sống cho Chúa ngay từ bây giờ,  mà chỉ giữ Đạo cho có tên, nhưng thực tế  vẫn buông mình chạy theo những quyến rũ của “văn hóa sự chết” để ăn gian, dối trá, lừa đảo, gian ác, dâm ô, thay vợ  đổi chồng, cờ bạc, vui chơi sa đọa… thì dù có mua hàng trăm ngàn cái bảng ghi công đức (bỏ nhiều tiền ra mua) hoặc xin cả ngàn lễ đời đời  hay bỏ ra cả bạc triệu để  “mua hậu” của những nơi “buôn thần bán thánh” thì cũng chẳng có giá trị gì trước mặt Chúa là Đấng hoàn toàn không phán xét và thưởng  phạt con người  theo tiêu chuẩn tiền bạc và danh tiếng hư hão trên trần thế này. Vì thế, một lần nữa,  đừng ai lầm tưởng rằng cứ bỏ ra nhiều tiền xin lễ, xin cầu nguyện thì sẽ được nhiều ơn ích thiêng liêng hơn người không có tiền xin lễ, xin cầu nguyện. Cần thiết là chính mình cầu nguyện cho mình và sống đức tin, đức cậy và đức mến cách sâu đậm, thì đó mới chính là những gia tài tự sắm lấy cho mình và  ký thác trước vào ngân hàng trên trời, “nơi trộm cắp không bén bảng, mối mọt cũng  không đục phá” như Chúa Giêsu  đã phán dạy. (Lc  12: 33).

Như thế, nơi nào nhận xin khấn, xin cầu nguyện hay linh mục nào nhận dâng Thánh lễ cho ai thì  không được gây cho người xin khấn, xin lễ hiểu lầm là bỏ ra nhiều tiền thì được nhiều ơn thánh hơn là bỏ ít tiền hoặc không có tiền để xin cầu nguyện, xin lễ. Nếu gây cho người khác hiểu lầm như vậy để lấy nhiều tiền của người ta là phạm tội “mại thánh” tức muốn bán những ơn ích thiêng liêng để lấy tiền cho mình.

Liên quan đến câu hỏi đặt ra về việc xin gắn bảng ở Vườn Cầu nguyện nào đó, với giá tiền khác nhau và ơn ích thiêng liêng khác nhau thì rõ ràng đây là một hình thức “buôn thần bán thánh” (mại thánh = Simonia) mà Giáo lý và Luật của Giáo Hội nghiêm cấm như sau:

“Tội buôn thần bán thánh là mua hoặc bán các thực tại thiêng liêng… Không thể chiếm lấy các lợi ích thiêng liêng làm của riêng mình và tùy ý sử dụng như kiểu một người sở hữu chủ hoặc một ông chủ, bởi vì các ơn ích thiêng liêng này bắt nguồn từ nơi Thiên Chúa. Chúng ta chỉ có thể nhận được từ nơi Thiên Chúa, cách nhưng không.” (SGLGHCG, số 2121)

Nói rõ hơn, không ai được phép coi  những ơn ích thiêng liêng như tài sản của riêng mình để tự do buôn bán kiếm tiền, lừa dối người khác  như hứa dâng lễ thường với giá bao nhiêu và “lễ đặc biệt” với giá bao nhiêu. Điều này vi phạm giáo luật sau đây:

“Trong vấn đề bổng lễ, (hay xin cầu nguyện) phải xa tránh hoàn toàn  mọi hình thức buôn bán hay thương mại” ( can. No. 947)

Mại thánh vì ơn Chúa ban qua  lời cầu nguyện của cá nhân hay tập thể, nhất là qua Thánh lễ là nhưng không (gratuitous) nghĩa là không thể bỏ tiền ra mua được. Tiền xin lễ, xin khấn theo Giáo Quyền qui định ở mỗi địa phương, chỉ để giúp cho người cầu nguyện thay cho mình, theo tinh thần “người phục vụ Bàn thờ thì được chia phần của Bàn thờ” như Thánh Phaolô đã dạy. (1 Cor  9: 13)

Như vậy, đặt thể lệ gắn bảng xin cầu nguyện với giá tiền khác nhau kèm với lợi ích thiêng liêng hứa hẹn khác nhau chắc chắn là một hình thức “mãi thánh” mà Giáo Hội nghiêm cấm.
Bảng to, bảng nhỏ, tiền ít tiền nhiều không dính dáng gì đến ơn Chúa ban qua lời cầu nguyện của cá nhân hay cộng đoàn cho ai.

Lại nữa, liên quan đến Thánh lễ,  không hề có lễ nào gọi là “lễ đặc biệt” trong Phụng vụ thánh của Giáo Hội từ xưa đến nay.

Thật vậy, mọi thánh lễ đều diễn lại hay làm sống lại cách bí tích Hy Tế Thập giá mà Chúa Kitô một lần đã dâng lên Chúa Cha  trên tập giá  năm xưa để xin ơn tha tội cho nhân loại đáng phải phạt vì tội  lỗi. Hy tế đó cùng với Bữa tiệc ly  mà Chúa Kitô ăn lần cuối cùng với 12 Môn Đệ đang  được Giáo Hội tiếp tục cử hành trên bàn thờ ngày nay cho đến ngày mãn thời gian.
Nhưng vì mục đích muốn cho giáo dân chú ý đặc biệt  đến sự kiện và  ý nghĩa trong một số  dịp cử hành phụng vụ thánh, mà Giáo Hội phân chia Thánh Lễ Tạ Ơn ( Eucharist) ra làm ba bậc lễ như sau:

1. Lễ Nhớ (Memorial)
2. Lễ Kính (Feast)
3. Lễ Trọng (Solemnity)  

Lễ Trọng là lễ được cử hành để ghi nhớ những mầu nhiệm đức tin hay cứu độ quan trọng như Lễ Chúa Giáng Sinh, Lễ Phục Sinh, Lễ Thăng Thiên, Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, Lễ Chúa Ba Ngôi, Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, hay các Lễ kinh riêng Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa (01.01.), Lề Truyền Tin  Đức Mẹ (26.03.), Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Thai (08.12.), Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời (15.08.), Lễ Thánh Cả Giuse (19.03.), Lễ Thánh Goan Tiền Hô (24.06.), Lễ hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô (29.06.), Lễ Các Thánh (01.11.).

Các lễ Trọng trên đây – trừ các  lễ kính Thánh Cả Giuse, Thánh Gioan Tiền Hô, Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, Lễ kính hai Thánh Phêrô và Phaolô, Lễ Truyền Tin - còn lại  đều là các  Lễ buộc (Day of Obligation) giáo dân phải tham dự như Lễ ngày Chúa Nhật.

Về mặt phụng vụ, Lễ Trọng phải đọc kinh Sáng danh, Kinh Tin kính, với 3 bài đọc (2 Thánh Thư và Phúc Âm). Lễ trọng có  lời nguyện  mở đầu và kết lễ  với Kinh Thiền Tụng (Preface) riêng.

Lễ Kính (Feast)  nhằm  kính các Thánh Tông Đồ và một số thánh nam nữ khác như Lễ kính thánh Phaolô trở lại (25.01.), Lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa, Lễ Đức Mẹ dâng Con vào Đền Thờ, Lễ kính Thánh Laurensô phó tế tử đạo (10.08.), Lễ Sinh Nhật Đức Mẹ (08.09.), Lễ Tôn vinh Thánh Giá (14.09.) …

Lễ Kính chỉ đọc kinh Sáng Danh, không đọc kinh Tin Kính và có bai bài đọc (Thánh Thư và Phúc Âm). Không có Kinh Tiền Tụng riêng, trừ lễ kính các Thánh Tông Đồ có kinh Tiền Tụng chung về các Thánh Tông Đồ, và các lễ kinh Đức Mẹ cũng có Kinh Tiền Tụng chung  về Đức Mẹ.

Còn lại là tất cả là Lễ Nhớ (Memorial) chỉ có lời nguyện mở đầu và kết lễ với hai bài đọc (Thánh Thư và Phúc Âm). Không có Kinh Tiền Tụng riêng.

Nhưng dù là Lễ Nhớ, Lễ Kính hay Lễ Trọng thì tất cả đều là cử hành Hy Tế thập giá của Chúa Kitô cách mầu nhiệm hay bí tích qua tác vụ của Giáo Hội (của hàng tư tế thừa tác = ministerial sacerdoce, là Linh mục và Giám Mục) trên bàn thờ ở khắp nơi trong Giáo Hội ngày nay. Nghĩa là, không hề có sự phân biệt nào về lợi ích thiêng liêng giữa ba bậc lễ nói trên và nhất là không có “giá tiền”  nào có thể mua được các ơn ích thiêng liêng cho ai  nhờ cử hành các Lễ trên. Vả lại, giáo dân không thể xin “lễ Trọng” để cầu cho người sống hoặc các linh hồn đã ly trần.Và không linh mục nào được phép tự ý dâng lễ Trọng hay lễ kính  để cầu riêng cho ai  và lấy nhiều tiền của người xin.

Vậy “lễ đặc biệt” mà người ta hứa là loại lễ nào?

Chắc chắn không có Lễ Mísa, hay Tạ Ơn  nào gọi  là “Lễ đặc biệt” trong Phụng vụ Thánh của Giáo Hội từ xưa đến nay! Cũng cần nói thêm một chi tiết quan trọng nữa là Thánh Lễ, dù do một linh mục tầm thường dưới mắt người đời cử hành hay do một Giám Mục và ngay cả do Đức Thánh Cha  dâng,  thì cũng không hề có sự khác biệt nào về giá trị thiêng liêng và mục đích của thánh lễ, vì các thừa tác viên con người (linh mục, giám mục, hồng y, giáo hoàng) chỉ dâng thánh lễ nhân danh Chúa Kitô mà thôi (in persona Christi) chứ không hề nhân danh chính mình bao giờ. Nghĩa là chính Chúa Kitô dâng lại Hy Tế của Người qua tay các Thừa tác viên con người, và “mỗi lần hy tế thập giá được cử hành trên bàn thờ, nhờ đó Chúa Kitô “Chiên vượt qua” của chúng ta chịu hiến tế (1 Cor 5,7) thì công trình cứu chuộc chúng ta được thực hiện.” (Lumen Gentium, số 3).

Nghĩa là Thánh Lễ bậc nào - lễ kinh, lễ nhớ hay lễ trọng -  thì cũng chỉ là cử hành Hy tế thập giá của Chúa Kitô cách mầu nhiệm qua tay các thừa tác viên con người để tạ ơn Thiên Chúa, xin ơn cứu độ và mọi ơn lành hồn xác cho người còn sống hay đã qua đời  cùng thể thức mà Hy Tế này được chính Chúa Kitô dâng trên thập giá năm xưa.

Như vậy, ai bày ra “lễ đặc biệt” để lấy tiền đặc biệt là mắc tội  “mại thánh=Simonia” cần phải sửa sai và chấm dứt để không vi phạm kỷ luật bí tích của Giáo Hội và mê hoặc giáo dân về ơn ích thiêng liêng của Thánh Lễ.

LM Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Nguồn: Công Giáo Việt Nam