"Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài. Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống. Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh." (Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận)

Chuyển giao sứ vụ


Bài giảng của Đức giám mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm trong Thánh lễ tạ ơn và chuyển giao sứ vụ giám mục tại giáo phận Phú Cường ngày 25.08.2012. Các bài đọc: Công vụ Tông đồ 6,1-7; 1 Timôthê 6,11-14; Gioan 20,19-23

Thánh lễ hôm nay tràn ngập niềm vui, thể hiện qua sự hiện diện đông đảo của mọi thành phần Dân Chúa trong giáo phận Phú Cường, hơn nữa còn có sự hiện diện của Đức hồng y, các giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân từ các giáo phận khác. Tuy nhiên niềm vui này không chỉ đơn thuần là niềm vui lễ hội nhưng mang một sắc thái rất đặc biệt. Có thể gọi là niềm vui sứ vụ.

1. “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,20)

Khi Chúa Kitô Phục sinh hiện đến với các môn đệ, Người nói với các ông: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,20). Như thế, chỉ có một sứ vụ duy nhất được khơi nguồn từ Chúa Cha giàu lòng thương xót, được trao cho Người Con chí ái của Ngài là Chúa Giêsu, và được truyền lại cho Hội Thánh, một Hội Thánh được xây dựng trên nền tảng các tông đồ. Cho nên nền tảng và cội nguồn của sứ vụ là chính Thiên Chúa chứ không phải là kế hoạch của loài người, và Hội Thánh thi hành sứ vụ ấy trong sự hướng dẫn và quyền năng của Chúa Thánh Thần chứ không dựa vào quyền lực nhân loại. Chính vì thế, cùng với mệnh lệnh sai đi, Chúa Giêsu thổi hơi trên các môn đệ và nói: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”.

Các tông đồ đã lãnh nhận sứ vụ ấy từ Chúa Giêsu, rồi các ngài lại truyền cho những người kế vị là các giám mục theo sự tiếp nối liên tục trong lịch sử, điều mà chúng ta gọi là sự kế nhiệm tông đồ. Nội dung ấy cách nào đó đang được thể hiện trong ngày lễ hôm nay. Còn nhớ trong ngày phong chức giám mục cho Đức cha Giuse Nguyễn Tấn Tước, khi ngỏ lời với cộng đoàn, Đức Tổng giám mục Leopoldo Girelli - Đại diện không thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam – đã nói cách dí dỏm rằng: Hai từ Tứ và Tước rất gần nhau! Mọi người đều lấy làm thích thú về nhận xét đó. Sau Thánh lễ, tôi thưa với ngài rằng Đức cha mới đến Việt Nam mà đã nói được như thế, thật là tinh tế. Rồi tôi giải thích thêm cho ngài trong tiếng Việt, tên của Đức cha Tước gồm từ “Tứ” cộng với từ “Ước”. Cho nên Đức cha Tước là người Đức cha Tứ ước mong.

Niềm vui của Đức cha Phêrô Trần Đình Tứ, nguyên giám mục chính tòa giáo phận Phú Cường, là ở đây. Đó là niềm vui của vị mục tử cảm thấy mãn nguyện vì đã chu toàn nhiệm vụ cao quý mà Chúa và Hội Thánh trao phó. Lại càng mãn nguyện hơn nữa vì đã có người tiếp nối nhiệm vụ của mình để chăm sóc cộng đoàn Dân Chúa trong giáo phận này, để sứ vụ tông đồ không bị gián đoạn nhưng được tiếp nối cách liên tục và tốt đẹp.

2. “Chúng tôi sẽ chuyên lo cầu nguyện và phục vụ Lời Chúa” (Cv 6,4)

Sứ vụ được chuyển giao ấy là sứ vụ loan báo Tin Mừng. Sách Công Vụ (6,1-4) kể lại các thánh tông đồ nói với cộng đoàn Kitô hữu sơ khai rằng: “Chúng tôi mà bỏ việc rao giảng Lời Thiên Chúa để lo việc ăn uống là điều không phải”. Rồi các ngài đề nghị tìm bảy người tốt lành trong cộng đoàn để lo công việc đó, còn các ngài “chuyên lo cầu nguyện và phục vụ Lời Thiên Chúa”. Lo lắng, chăm sóc nhu cầu vật chất cho cộng đoàn, nhất là những người nghèo trong cộng đoàn, là điều tốt. Thế nhưng nhiệm vụ chủ yếu của các tông đồ vẫn là rao giảng Lời Chúa và loan báo Tin Mừng.

Hội Thánh ý thức rất rõ điều này nên trong nghi lễ phong chức giám mục, ngay sau khi đọc lời nguyện phong chức, vị giám mục chủ phong lấy sách Phúc Âm đặt trên đầu vị tân giám mục. Nghi thức ấy muốn nói lên rằng sứ vụ quan trọng nhất của giám mục là rao giảng Lời Chúa, loan báo Tin Mừng. Trong cuốn sách chia sẻ với hàng giám mục về sứ vụ này, Đức Chân phước Gioan Phaolô II đã không ngần ngại nhắc đến một tấm gương cụ thể để các giám mục noi theo, là Đức hồng y Carlo Martini, Tổng giám mục Milano, vị giám mục hằng tuần đến Nhà thờ chính tòa để giảng Lời Chúa cho giáo dân. Chính Lời Chúa được rao giảng sẽ dẫn con người đến chỗ hoán cải và tin vào Tin Mừng; nhờ đó đón nhận ơn tha tội, nghĩa là được giải thoát khỏi ách nô lệ sâu xa nhất là tội lỗi chứ không chỉ là giải thoát khỏi một tình trạng xã hội nào.

Thực ra, sứ vụ loan báo Tin Mừng là sứ vụ chung của cả cộng đoàn giáo phận. Các linh mục rao giảng Lời Chúa hằng ngày cho giáo dân trong giáo xứ. Các tu sĩ, giáo lý viên và mọi giáo dân cũng rao giảng Lời Chúa theo chức năng và bổn phận của mình. Nhưng vị giám mục phải chịu trách nhiệm lớn nhất trong tư cách là người giám sát, người canh giữ.

Đây chính là ý nghĩa của từ “giám mục” mà chúng ta dịch từ “episcopos” trong tiếng Hi Lạp. Thư 1 Phêrô 2,25 viết rằng: “Trước kia anh em chẳng khác nào những con chiên lạc, nhưng nay đã quay về với vị Mục tử, Đấng canh giữ linh hồn anh em”. Dịch sát sẽ là “quay về với vị Mục tử và Giám mục (episcopos) của linh hồn anh em”. Ở đây, Chúa Giêsu được gọi là Mục Tử, Giám Mục đầu tiên, rồi đến các tông đồ và những người kế vị các ngài cũng được gọi là giám mục. Và giám mục là người canh giữ đời sống đức tin của Dân Chúa. Người canh gác đứng trên cao nhìn xuống (overseer) để thấy rõ những gì đang diễn ra trong đời sống giáo phận, cảnh giác trước những đe dọa đối với Dân Chúa, bảo vệ sự sống đức tin tinh tuyền của Dân Chúa.

Tầm nhìn từ trên cao này chủ yếu không phát xuất từ sự khôn ngoan thông thái của cá nhân vị giám mục, nhưng là từ giáo huấn của Chúa và truyền thống tông đồ. Cho nên vị giám mục không rao giảng tư tưởng của cá nhân mình hoặc của bất cứ phe phái nào, nhưng phải trình bày giáo huấn tông đồ trong sự hiệp thông với người kế vị thánh Phêrô, như thánh Phaolô nhắn nhủ Timôthê và cũng nhắn nhủ các giám mục: “Anh Timôthê, hãy bảo toàn giáo lý đã được trao phó cho anh, hãy tránh những chuyện nhảm nhí, trống rỗng, và những sự chống đối của thứ tri thức giả hiệu. Có những kẻ vì chủ trương thứ tri thức đó nên đã lạc mất đức tin” (1Tm 6,20).

Chính vì thế, để có thể chu toàn sứ vụ loan báo Tin Mừng, bản thân vị giám mục phải là người lắng nghe Lời Chúa và dồn hết năng lực cho điều duy nhất cần thiết này (x. Lc 10,42). Sẽ thật hữu ích để nhắc lại tâm tình của Đức Chân phước Gioan Phaolô II: “Tôi luôn xác tín rằng nếu tôi muốn làm thỏa mãn cơn đói nội tâm nơi người khác, thì trước hết tôi phải theo gương của Đức Maria là lắng nghe Lời Chúa và suy đi nghĩ lại trong lòng (Lc 2,19). Đồng thời càng ngày tôi càng hiểu rõ hơn rằng vị giám mục cũng phải lắng nghe những người mà mình muốn loan báo Tin Mừng cho họ. Đối diện với cơn thác lũ của lời nói, âm thanh và hình ảnh ngày nay, điều quan trọng là vị giám mục đừng để cho mình bị nhận chìm. Phải sẵn sàng lắng nghe tiếng Chúa và những người đối thoại, với xác tín rằng tất cả chúng ta đều được kết hợp trong cùng một huyền nhiệm, là huyền nhiệm Lời Chúa nói về ơn cứu độ” (Levez-vous! Allons! trg 47).

Kết luận

Hôm nay, cộng đoàn họp nhau đây trong niềm vui sứ vụ. Trong niềm vui ấy, cùng với Đức cha Phêrô Trần Đình Tứ, chúng ta dâng lời tạ ơn Chúa vì đã cho ngài hoàn tất nhiệm vụ cách tốt đẹp, và trong 13 năm ngài thi hành sứ vụ mục tử, Chúa đã ban biết bao hồng ân cho giáo phận. Đồng thời chúng ta dâng lời cầu nguyện cho Đức cha Giuse Nguyễn Tấn Tước trong trách nhiệm mới, một trách nhiệm cao đẹp nhưng không ít khó khăn và thử thách. Nghe trong niềm vui sứ vụ hôm nay như có lời nhắn nhủ của Đức cha Phêrô dành cho Đức cha Giuse, cũng là lời nhắn nhủ của thánh Phaolô dành cho Timôthê, người môn đệ yêu quý của ngài: “Hỡi người của Thiên Chúa, hãy gắng trở nên người công chính, đạo đức, giàu lòng tin và lòng mến, hãy gắng sống nhẫn nại và hiền hòa. Hãy thi đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp vì đức tin, giành cho được sự sống đời đời; chính vì sự sống ấy, anh đã được Thiên Chúa kêu gọi, và anh đã nói lên lời tuyên xưng cao đẹp trước mặt nhiều nhân chứng… Hãy tuân giữ điều răn của Chúa mà sống cho tinh tuyền, không chi đáng trách, cho đến ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, ngự đến” (1Tm 6,11.14). Xin lấy lời nhắn nhủ ấy làm nội dung cầu nguyện cho vị tân giám mục chính tòa giáo phận Phú Cường hôm nay. Amen.

Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm

Nguồn: Hội Đồng Giám Mục Việt Nam