Cảnh ‘trại nô lệ’ người Việt ở Moscow. Ảnh: BBC
Trong thời gian gần đây, Liên Minh CAMSA liên tiếp nhận được
đơn kêu cứu khẩn cấp về các nạn nhân Việt Nam tại các xưởng may và công ty xây
cất do người Việt làm chủ tại Nga. Các lời kêu cứu đến từ nạn nhân và từ các
thân nhân của họ tại Việt Nam. Qua quá trình điều tra và nghiên cứu, chúng tôi
nhận thấy công nhân đã bị lừa trực tiếp ngay tại Việt Nam và khi sang Nga thì bị
bóc lột, để rồi trở thành nô lệ nơi đất người và di hại nặng nề khi đã được về
nước. Những kẻ buôn người là chủ sử dụng lao động người Việt đã chiêu mộ các
công nhân sang Nga làm việc qua các môi giới tại Việt Nam. Trước tình trạng
việc buôn lao động với hình thức này đang thịnh hành, Liên Minh CAMSA gióng lên
một tiếng chuông báo động về tình trạng buôn người Việt sang Nga.
Các nạn nhân Việt Nam đều có chung cảnh ngộ là điều kiện
kinh tế gia đình khó khăn nên đã sang Nga làm việc cho các chủ sử dụng lao động
người Việt qua một số cá nhân và công ty môi giới tại Việt Nam.
Tất cả các công nhân trước khi sang Nga đều nhận được sự cam
kết cũng như đã ký vào một bản hợp đồng với môi giới tại Việt Nam với lương
cơ bản là 500USD/tháng và thời gian làm việc là từ 8-10 tiếng/ngày. Tuy nhiên
khi sang Nga làm việc thì chủ sử dụng lao động bắt buộc các công nhân phải ký
vào một bản hợp đồng với một nội dung ép buộc, khác với những gì họ đã ký với bản
hợp đồng trong nước. Nếu các công nhân không ký thì phải chịu trả một khoản phí
là 4.500 USD để về Việt Nam. Các công nhân đã phải ở lại làm việc với sự bóc lột
sức lao động từ 18-20 tiếng/ngày và làm việc 30 ngày/tháng mà không nhận được bất
kỳ đồng lương nào vì tiền lương đã bị chủ trừ tiền ăn, ở, điện, nước và trả tiền
cho bảo vệ. Như vậy, các công ty bóc lột tiền lương của công nhân ít nhất là
1200USD/tháng.
Các công nhân bị chủ sử dụng lao động tịch thu tất cả giấy tờ
tuỳ thân và bị giam giữ trong phạm vi công ty với điều kiện sống hết sức tồi
tàn, thiếu ánh sáng và luôn có người canh gác. Các công nhân này nhiều hôm phải
ăn những thức ăn đông lạnh đã bốc mùi, nước uống thì mất vệ sinh, thời tiết tại
Nga rất lạnh nhưng lại không có máy sưới ấm và phải tắm bằng nước lạnh. Khi bị
dồn vào đường cùng, các công nhân ngưng làm việc thì bị chủ đánh đập, bỏ đói và
tiếp tục ép buộc ký vào bản cam kết ở lại làm việc cho đến khi kết thúc hợp đồng.
Trước khi sang Nga, các công nhận đã bị bóc lột với số tiền
phí dịch vụ môi giới từ 2700-5000 USD và khi đến Nga thì tiếp tục phải đóng
1000 USD cho chủ sử dụng lao động. Đây là số tiền quá với mức cho phép mà
luật Việt Nam đã ban hành: công ty môi giới chỉ được phép thu không quá một
tháng lương theo hợp đồng cho một năm làm việc. Một tháng lương trên hợp đồng của
các công nhân đi Nga chỉ là 220-500 USD.
Các công nhân phải chuyển qua tay một số môi giới tại Việt
Nam và khi sang Nga làm việc thì bị mua và bán tới các chủ khác nhau như một
món hàng trao tay.
Với những hành vi lừa đảo, chuyển nhượng và bóc lột các công
nhân, môt số công ty của người Việt ở Nga đã có hành vi buôn người, tiếp tay là
các công ty môi giới tại Việt Nam.
Hiện nay, trên nước Nga ước lượng có khoảng 200 công ty
chiêu mộ người lao động từ Việt Nam sang làm việc tại hàng nghìn xưởng may và
công ty xây dựng.
Những điều cần biết khi sang Nga làm việc và thông điệp của
Liên Minh CAMSA
Để không bị trở thành nạn nhân, Quý Vị có thể thực hiện các
biện pháp đề phòng sau đây:
(1) Tuyệt nhiên không đi qua môi giới tư nhân;
(2) Tuyệt nhiên không đi lao động với chiếu khán (visa) du lịch;
(3) Nếu đi qua công ty xuất khẩu lao động, tuyệt nhiên không
đóng tiền phí dịch vụ nếu không được cấp bản hợp đồng để cầm về nhà đọc trước
và tham khảo những người rành luật;
(4) Nếu đi qua công ty xuất khẩu lao động, tuyệt nhiên không
đóng bất kỳ tiền phí nào nếu không nhận được biên nhận đúng với số tiền phải nộp;
(5) Liên lạc với chúng tôi qua số điện thoại: +60377268497
hoặc email: camsa@bpsos.org,
để phối kiểm nơi làm việc ở Nga trước khi lên đường.
Chúng tôi kêu gọi đồng bào trong và ngoài nước chung tay
giúp phổ biến thông tin này nhằm bài trừ nạn buôn người Việt sang Nga ngày càng
lan rộng.
Liên Minh CAMSA