"Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài. Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống. Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh." (Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận)

Nữ Vương Thiên Đàng


Nữ Vương Mẹ Chúa thiên đàng
Nữ Vương quyền phép cao sang thiên đình
Nữ Vương các thánh đồng trinh
Nữ Vương các thánh hiến mình đạo ngay

Nữ Vương các thánh Thiên Thần
Nữ Vương các thánh xa gần hiển tu
Nữ Vương chiến thắng ba thù
Nữ Vương các thánh khiêm nhu tông đồ

Nữ Vương các thánh tổ tông
Nữ Vương cứu chuộc đồng công con người
Nữ vương hồn xác lên trời
Nữ Vương cao nhất Chúa Trời thưởng ban

Nữ vương thần thánh trần hoàn
Nữ Vương tuyệt diệu diễm toàn trinh trong
Nữ Vương hiền dịu đầy lòng
Nữ Vương Vô Nhiễm tổ tông tội đời

Nư Vương Mẹ Chúa Ngôi Lời
Nữ Vương danh thánh sáng ngời khôn nguôi
Nữ Vương truyền phép "Mân Côi"
Nữ Vương đệ nhất hoa khôi thiên đàng

(Thanh Sơn)

1. Lịch sử ngày lễ kính Nữ Vương Thiên Đàng


- Thế kỷ 4, giáo hội Đông phương đã tôn kính Đức Mẹ là Nữ vương trong kinh cầu nguyện, nhưng chưa có lễ kính.
- Thế kỷ 11, Giáo hội Tây phương mới có các kinh cầu xin cùng Mẹ Nữ Vương.
- Năm 1900, nhiều đơn từ khắp Giáo hội gửi về Rôma tâu xin Đức Thánh Cha thiết lập Lễ Đức Mẹ Nữ Vương cho toàn thể Giáo hội,
- Năm 1925, Đức Piô 11 lập lễ Chúa Kitô Vua, phong trào vận động thiết lập lễ Mẹ Nữ Vương ngày càng lớn mạnh.
- Năm 1933, một đền thờ lớn tại Port-Said gần cửa kênh Suez, Ai Cập, đã được cung hiến Đức Maria, Nữ Vương thế giới.
- Năm 1954, Đức Piô 12 ban hành Thông điệp Ad Coeli Reginam và thành lập Lễ Đức Mẹ Nữ Vương cho toàn thể Giáo hội và mừng vào ngày 31 tháng Năm.
- Năm 1969, theo chiều hướng canh tân Phụng vụ, Đức Phaolô 6 đã đổi lễ Nữ vương sang ngày 22 tháng Tám sau lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời ngày 15 tháng Tám.

Giáo hội Đông phương quan niệm rằng, Đức Maria mới thực là Nữ Vương trời đất, nhưng là "Nữ Vương tình yêu xinh đẹp" (Hc 24:18). Thánh Ephrem viết những kinh mô tả Đức Mẹ là Bà Chúa, là Nữ Vương lộng lẫy hơn các thần Cherubim và vinh quang hơn các thần Seraphim, là Mẹ, là Đấng Trung gian. Bên Giáo Hội Đông phương và Giáo hội Tây phương có kinh Salve Regina (Lạy Nữ Vương), kinh Regina coeli (Lạy Nữ Vương Thiên đàng), kinh Ave Regina coelorum (Lạy Nữ Vương trên trời).

2. Ca tụng Đức Nữ vương trong kinh cầu Đức Bà

- Đức giáo hoàng Piô 6 năm 1814, thêm vào kinh Cầu Đức Bà 8 câu tôn vinh Nữ vương:"Nữ Vương các thánh thiên thần" cho đến câu "Nữ Vương các thánh nam cùng các thánh nữ".

Nữ vương các thánh thiên thần.
Nữ vương các thánh Tổ tông.
Nữ vương các thánh Tiên tri.
Nữ vương các thánh Tông đồ.
Nữ vương các thánh Tử vì đạo.
Nữ vương các thánh Hiển tu.
Nữ vương các thánh Ðồng trinh.
Nữ vương các thánh Nam cùng các thánh Nữ.

- Đức Leô 13, năm 1833 thêm:
Nữ Vương truyền phép Rất Thánh Mân côi. 
  
- Đức Piô 9, năm 1854 thêm:
Nữ vương chẳng hề mắc tội tổ tông.   

- Đức Bênêđictô 15, năm 1915 thêm:
Nữ vương ban sự bằng yên.   

- Đức Piô 12, năm 1950 thêm:
Nữ vương linh hồn và xác lên trời.

- Đức Gioan Phaolô 2, năm 1995 thêm:
Nữ vương các gia đình    
"để cầu cho các gia đình đang gặp nhiều khó khăn giữa thế giới hôm nay“.


3. Ta hãy năng đọc kinh Lạy Nữ vương để được Mẹ ban ơn lành

Sau khi đọc chuỗi Kinh Mân Côi, thường đọc kinh "Lạy Nữ Vương"  
Lạy Nữ Vương, Mẹ nhân lành, làm cho chúng con được sống, được vui, được cậy, thân lạy Mẹ. Chúng con con cháu Evà, ở chốn khách đầy, kêu đến cùng Bà; chúng con ở nơi khóc lóc than thở kêu khẩn Bà thương. Hỡi ơi! Bà là Chúa bầu chúng con, xin ghé mặt thương xem chúng con, đến sau cõi đầy/đời, xin cho chúng con được thấy Ðức Chúa Giêsu Con lòng Bà gồm phúc lạ. Ôi khoan thay! Nhân thay! Dịu thay! Thánh Maria trọn đời đồng trinh. Amen.

TS.