Mọi biến cố xảy ra trong đời sống đều để lại những dấu tích trong lịch
sử văn hóa đời sống xã hội con người. Công Đồng Vatican II năm 1962 của Giáo Hội Công Giáo đã mang lại những dấu tích
thay đổi căn bản rất quan trọng trong đời sống Giáo Hội. Những văn bản giáo
huấn của Công đồng như làn gió mới thổi vào làm thay đổi hầu như toàn diện bộ
mặt đời sống đức tin của Giáo Hội từ ngày đó. Và năm nay 2012 cũng là năm mừng kỷ niệm 50 năm, hay còn gọi là mừng kỷ niệm
kim khánh Công đồng Vatican II.
Nhưng những nghị quyết, giáo huấn của Công đồng mới là điểm quan trọng, là chính yếu cho nếp sống đức tin trong Giáo Hội giữa thời đại đời sống xã hội trong thời đại ngày hôm nay.
1. Giai đoạn chuẩn bị Công đồng Vatican II
Ngày 25.01.1959: sau Thánh lễ đại trào ở đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành Roma, Đức thánh Cha Gioan XXIII trước sự ngạc nhiên bỡ ngỡ của các Đức Hồng Y và toàn thể Giáo Hội đã loan báo muốn triệu tập một Công đồng chung đại kết cho cả Giáo Hội. Ngài nói câu thời danh Aggiormamento: „Hãy mở những cánh cửa sổ ra. Hãy tìm hiểu nhìn xem những dấu chỉ thời đại. Hãy lắng nghe con người và tìm hiểu những suy nghĩ thắc mắc của họ“.
Ngày 17.05.1959: Ủy ban thứ nhất chuẩn bị Công đồng được thành lập dưới quyền điều khiển chủ tọa của Đức Hồng Y Tardinis.
Ngày 29.06.1959: Tông huấn Ad Cathedram nêu ra đường hướng chỉ đạo mục tiêu của Công đồng|: Giáo Hội tự bản thân mình trong tinh thần là dấu chỉ của hợp nhất, thánh thiện, phổ quát bao trùm khắp thế giới , và sự trung thành với giáo huấn từ các Thánh Tông đồ truyền lại.
Ngày 0.06.1960: Thành lập các Ủy Ban và các Ban Thư Ký cho việc chuẩn bị Công đồng.
Ngày 12.06.1961: Khóa họp thứ nhất của Ủy Ban trung ương.
Ngày 10.12.1961: Tông huấn Aeterna Dei nhấn mạnh đến tính chất hiệp nhất của các Tôn giáo Kytô giáo.
Ngàz 25.12.1961: Tông huấn Humanae salutis loan báo chính thức họp Công đồng chung Vatican II., và ngày 02.02.1962 chính thức bắt đầu khai mạc. Nhưng Công đồng họp từ ngày 11.10.1962 tới ngày 08.12.1965.
Ngày 21.06.1962: sau 07 lần hội nghị Ủy Ban trung ương đã đúc kết hơn 70 đề án dầy hơn 2000 trang sách.
Ngày 01.07.1962: Tông huấn Poenitentiam agere kêu gọi toàn thể Giáo Hội ăn chay cầu nguyện cho Công đồng chung Vaticano của Giáo Hội.
Ngày 10.07.1962: thư mời tham dự Công đồng gửi đến các Giáo Hội, các Cộng đồng Tôn giáo, các Quan sát viên thế giới và các Phái đoàn dự thính.
Ngày 05.09.1962: lịch trình thứ tự cho các buổi họp Công đồng được công bố.
Ngày 11.09.1962: qua hệ thống truyền thanh, Đức giáo hoàng tha thiết kêu gọi toàn thể thế giới cầu nguyện cho Công Đồng.
2. Khoá họp khoáng đại lần thứ nhất: 11.10.1962
Công đồng chung Vatican II được chính thức khai mạc ở đền Thánh Phêrô bên Vatican trong một nghi lễ long trọng có sự hiện diện của 2.540 Giám Mục trên thế giới về tham dự. Ngay cả các vị Giám mục thuộc các nước Đông Âu dưới chế độ Cộng sản cũng được phép đến tham dự.
Đức Giáo hoàng trên ngai kiệu tiến vào đi qua chào đón các Nghị Phụ Giám mục anh em. Đức Hồng Y niên trưởng Hồng Y đoàn chủ sự Thánh lễ khai mạc. Sau Thánh lễ các Nghị phụ Công đồng tuyên thệ trung thành vâng lời trước Đức thánh Cha. Đức giáo hoàng Gioan XXIII nồng nhiệt chào đón anh em Giám mục trong tình huynh đệ rất thân ái qua cung cách cử chỉ hôn nhẫn ôm hôn.
Đức giáo hoàng và vị Thư ký Công đồng đại diện các Nghị Phụ Công đồng đọc lời tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa Ba ngôi.
Tiếp theo là lời cầu nguyện khai mạc, một phần trích từ Tin mừng theo Thánh Matthêo. Đức Giáo hoàng đọc diễn văn khai mạc Công đồng chung Vaticano II. Ngài ngỏ lời chào mừng các Vị khách quan sát viên, ngài gửi sứ điệp đến người Do Thái qua Vị Trưởng giáo ở thành Roma.
79 quốc gia và đại diện các Cơ quan Quốc tế gửi Đại diện tới cùng tham dự nghi lễ khai mạc. Tổng Thống Hoa Kỳ Kennedy, Thủ Tướng nước Đức Adenauer gửi thông điệp chào mừng Công đồng. Đức giáo hoàng Gioan XXIII ngỏ lời chào mừng các Vị Đại diện các dân tộc trên thế giới và 1000 Ký giả phóng viên hiện diện trong buổi lễ khai mạc Công đồng.
Trong những phiên họp Công đồng tiếp theo sau đó, Công đồng đã vướng phải những khó khăn về các đền án đem ra thảo luận. Nhưng sau một tháng đã đạt được thỏa thuận trước hết ba trong tám chương đầu, không phải một lần cả 70 đề nghị trong khóa họp lần thứ nhất, được đem ra bàn thảo dự án về Phụng vụ ̣.
Trong phiên họp các Nghị phụ bàn cãi sôi nổi về việc dùng ngôn ngữ tiếng mẹ trong nghi lễ Phụng vụ. Và đề án này bị tắc nghẽn không đi đến quyết định được. Ngày 21.11. 1962 Đức giáo hoàng quyết định rút lại đền án này và yêu cầu sửa đổi lại trước khi đem ra cho các Nghị Phụ thảo luận.
Trước những khó khăn của Công đồng đang nhóm họp, Đức giáo hoàng đã phải can thiệp nhiều lần, nhất là qua những cuộc gặp gỡ riêng từng phái đoàn Giám mục mỗi quốc gia, để khóa họp thứ nhất của Công đồng đạt được kết qủa.
Ngày 06.01.1963: Đức giáo hoàng viết công bố thông điệp Mirabilis Ille.
Ngày 03.06.1963: Đức giáo Hoàng Gioan XXIII qua đời
Ngày 21.06.1963: Đức Hồng Y Montini được bầu là giáo hoàng mới với danh hiệu Phaolo VI kế vị Đức giáo hoàng Gioan 23. vừa tạ thế.
Đức giáo hoàng mới Phaolô VI công bố tiếp tục Công đồng chung Vatican II còn đang dở dang
3. Khóa họp khoáng đại lần thứ hai: từ ngày 29.09. đến 04.12.1963
Đức thánh cha mới Phaolô VI. khai mạc tiếp tục khóa họp Công đồng Vatican II còn đang dang dở do vị tiền nhiệm đức cố thánh cha Gioan XXIII đã khởi xướng.
Đức thánh cha Phaolô VI đọc diễn văn khai mạc dài một tiếng đồng hồ. Bài diễn văn này cũng là bài diễn văn khởi đầu sứ vụ mục tử của. Ngài ca ngợi Đức giáo hoàng Gioan XXIII., vị tiền nhiệm, ngài khẳng định Chúa Giêsu Kitô là đầu Giáo Hội, đào sâu về ý nghĩa bản chất của Giáo Hội, sự canh tân đổi mới Giáo Hội, Công đồng và sự hiệp nhất các Kitô Hữu với lời cầu xin sự tha thứ làm hòa gửi tới các anh em vì các lỗi lầm đưa đến sự phân ly chia rẽ, nối bắc nhịp cầu vươn ra với thế giới bên ngoài.
Sau cùng đức giáo hoàng bằng tiến Hy Lạp đã gửi lời chào mừng tới Giáo Hội theo truyền thống Đông Phương, và bằng tiếng Nga chào mừng các dân tộc theo nền văn hóa Slawe phía bên vùng Đông Âu châu.
Do sự quen biết nhau gần gũi nhau giữa các Nghị Phụ trong khóa họp thứ nhất năm 1962 , nên Công đồng đã đạt được đa số rõ ràng trong các buổi biểu quyết và đem lại kết qủa cụ thể.
Ngày 03.121963: Công đồng dành phiên họp tưởng nhớ tới Công đồng Trientino (1545-1563). Đức giáo hoàng công bố bức thư trao toàn năng quyền cho các Đức Giám mục.
Ngày 04.12.1963: trong nghi lễ bế mạc khóa họp thứ hai, hai văn kiện Công đồng đã bàn cãi biểu quyết được công bố và có hiệu lực thi hành từ Chúa nhật thứ nhất mùa chay 1965.: Hiến chế về Phụng Vụ và Sắc lệnh về phương tiện truyền thông.
Đức giáo hoàng Phaolô VI loan báo trước sự ngạc nhiên của mọi người, ngài sẽ hành hương sang đất thánh Do Thái từ ngày 04. đến 06. tháng Giêng 1964, và sẽ gặp gỡ Đức Thượng phụ Chính thống giáo Athenagoras I. của thành Konstantinopel.
Ngày 04.08.1964: Tông huấn Ecclesiam suam
4. Khóa họp lần thứ ba từ ngày 14.09 đến ngày 21.11.1964
Trong Thánh lễ khai mạc khóa họp lần thứ ba của Công đồng Vatican II., Đức giáo hoàng đã cùng với 24 Nghị Phụ Công đồng cùng đồng tế chung quanh bàn thờ. Điều này diễn tả sâu xa rõ nét chức linh mục một Chúa Giêsu Kitô và sự hợp nhất tình huynh đệ các Giám mục cùng các Linh mục, diễn từ khai mạc khóa họp của Đức giáo hoàng nhấn mạnh đến tình liên đới huynh đệ. Nghi lễ khai mạc được đơn giản hóa rất nhiều: không có cuộc rước kiệu lúc khởi đầu, không có nghi thức nói lên sự vâng phục quyền bính.
Điều mới trong khóa họp lần này có sự tham dự của những thính gỉa giới phụ nữ.
Các Nghị phụ bàn cãi sôi nổi dự thảo về những tôn giáo không phải là Kyto giáo. Bản dự thảo dưới áp lực chính trị phải sửa đổi lại cho hoàn chỉnh.
Các Nghị phụ bàn thảo sôi nổi về tự do, về Giáo Hội trong thế giới hôm nay, về việc truyền giáo của Giáo hội.
Ngày 13.11.1963: Đức giáo hoàng tuyên bố không đội vương miện Tiara „ mũ cao ba tầng“ nữa, nhưng đem tặng cho người nghèo ̣
24 Giám mục chánh tòa của những Giáo phận có đền thánh kính Đức Mẹ Maria, đã cùng đồng tế lễ kết thúc khóa họp Công đồng.
Ngày 21.11.1964: công bố văn kiện tín điều về Giáo Hội, văn kiện về đại kết, văn kiện về những Giáo Hội công giáo Đông phương.
Ngày 03.09.1965: Đức giáo hoàng ban bố tông huấn Mysterium Fidei.
5. Khóa họp lần thứ tư: từ 15.09. đến 08.12.1965
Ngày 04.10.1965: Đức giáo hoàng Phaolo VI. nhân danh các Nghi phụ Công đồng đã sang trụ sở Liên hiệp quốc ở New York, Hoa Kỳ, đọc diễn văn trước đại hội đồng UNO nói về hòa bình trên thế giới.
Ngày 18.10.1965: lần đầu tiên một người giáo dân thuyết trình trước các Nghị phụ Công đồng.
Ngày 18.11.1965: Đức giáo hoàng thực hiện tiến trình cải cách Giáo triều Roma, Ngài cho mở dự án phong Á thánh cho các vị tiền nhiệm của mình: Đức cố giáo hoàng Pio XII. và đức cố giáo hoàng Gioan XXIII.
Ngày 05.12.1965: lễ phong Á thánh cho Thầy dòng Antonius người Libano thuộc dòng của Giáo hội Maronit. Cử chỉ này nói lên chiều kích ý nghĩa của Đại kết.
Ngày 07.12.1965: Đức giáo hoàng ban huấn từ nói lên Công đồng Vatican II. muốn gửi tới thế giới sự tin tưởng. Cao điểm là những lời công bố của Đức giáo hoàng Phaolo VI. Roma và cùng lúc đó Đức thượng phụ chính thống Athenagora I. thành Constantinopel, sau 900 năm lên án vạ tuyệt thông giữa hai bên Roma và Constantinopel cho nhau, đã cùng xóa bỏ án vạ tuyệt thông đó cho nhau. Sự vui mừng nồng nhiệt cùng với tiếng hoan hô vỗ tay vang dậy, khi Đức giáo hoàng Phaolo VI. tiến đến ôm hôn vị Sứ Gỉa đại diện Đức Thượng phụ Athenagoras I. đang có mặt tại khóa họp Công đồng bên Vatican.
Ngày 08.12.1965: Ngày lễ Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội, Công đồng Chung Vaticano II. bế mạc trong một buổi lễ long trọng . 2400 Nghị Phụ Công đồng tiến vào đền thờ Thánh Phero dâng Thánh lễ bế mạc tạ ơn Chúa, cùng với 80 Phái đoàn các chính phủ quốc gia tham dự lễ bế mạc.
Sau thánh lễ đại trào, bảy vị Hồng Y đọc những sứ điệp của Công đồng: gửi các nhà lãnh đạo các quốc gia, gửi những nhà trí thức, gửi những nhà nghệ thuật, gửi các người phụ nữ, gửi các người lao động, gửi những người bệnh đau yếu nghèo túng, và gửi tới các người trẻ.
Sau cùng là văn kiện kết thúc Công đồng chung Vatican II.
Ngày 28.10. 1965: văn kiện về sứ vụ mục tử của các Giám mục trong Giáo Hội Công giáo.
Bản văn công bố về mối tương quan của Giáo hội Công giáo với những Tôn giáo không phải là Kyto giáo.Văn kiện về đổi mới đời sống thánh hiến của các Dòng Tu.Bản văn về việc giáo dục Kyto giáo. Văn kiện về việc đào tạo các Linh mục.
Ngày 18.11.1965: Giáo huấn về sự mạc khải của Thiên Chúa, Văn kiện về tông đồ giáo dân.
Ngày 7.12.1965: Bản văn về tự do tôn giáo, văn kiện vế việc truyền giáo trong Giáo hội, văn kiện về công việc và đời sống của Linh mục, văn kiện mục vụ về Giáo hội trong thế giới ngày hôm nay. Tông thư Mirificus eventus.
6. Nhìn lại sau 50 năm
Công đồng chung Vatican II, còn được gọi theo đúng ý nghĩa là Công đồng đại kết. Vì Công đồng Vatican II không chỉ chú trọng quan tâm đến đời sống nội bộ trong Giáo hội Công giáo, mà còn chú trọng mối tương quan cùng đối thoại với các Giáo hội Kyto giáo anh em như Chính thống giáo, Tin Lành cùng các Tôn giáo ngoài Kyto giáo, và đời sống con người trong xã hội thời đại.
Đức Hồng Y Roger Etchegaray đã nói cảm nghĩ của ngài về Công đồng Vatican II sau 50 năm như sau: „Trong thời Công Đồng tôi đã có ấn tượng rất mạnh bởi sự điềm tĩnh của Đức giáo hoàng Gioan XXIII, ngài và thái độ tín thác tương lai cho Chúa Thánh Thần. Khi một nhà báo hỏi ngài là ngài chờ đợi gì nơi Công Đồng Chung Vatican II, thì ngài trả lời ”Tôi không biết rõ”, rồi ngài dẫn nhà báo tới cửa sổ, mở cửa sổ ra và nói: ”Ít nhất là một ít khí trời mát mẻ!”. Trong hình ảnh ấy có lẽ có một sức mạnh ngôn sứ của một vị Giáo Hoàng cao niên, cương quyết làm cho Giáo hội được trẻ trung hơn và cập nhật hóa Giáo Hội với thời đại mới và các vấn đề mới.
Khi được hỏi sau 50 năm khai mở Công Đồng, Công Đồng Chung Vaticăng II đã truyền lại cho giới giới trẻ gia tài nào?
Ngài trả lời: Tôi tin rằng đường hướng giải thích giúp hiểu sức nặng và giá trị của Công Đồng Chung Vatican II, cả ngày nay nữa, có thể tìm thấy nơi các lời của Đức Gioan Phaolô II và của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, khẳng định rằng: ”Công Đồng Chung Vatican II là một địa bàn chắc chắn cho ngàn năm thứ ba”. Dĩ nhiên, có thể xem ra là Công Đồng Chung Vatican II xa rời chân trời của chúng ta, mà nói thật ra là nó không còn là cùng một chân trời đó nữa. Nhưng kiểm thực việc tiếp nhận Công Đồng khởi hành từ trực giác và từ tinh thần của nó dẫn đưa Giáo Hội một cách đồng thời trên một lằn tới và một lằn khởi hành. Thời gian ngăn cách chúng ta với các biến cố và các giao động thời hậu công đồng cho phép chúng ta còn nhận ra hơn nữa, nhưng chăc chắn là một cách khác, ơn thánh mà Công Đồng đã làm nảy sinh ra. Công Đồng Chung Vatican II đang ở trong tay các con cái của nó hơn là trong tay các Nghị Phụ hầu như đã qua đời cả rồi. (Vietcatholic 29.08.2012, Một vài kỷ niệm về Công đồng chung Vatican II).
Công đồng Vatican II đã mang đến, như làn gió mới, những thay đổi quan trọng trong nếp sống Giáo Hội. Những thay đổi đó lẽ dĩ nhiên có chiều hướng tích cực và cũng có nét tiêu cực, những phấn khởi đón nhận và những ý kiến hoài nghi đến mức chối bỏ khước từ, như nhóm bảo thủ Huynh Đoàn Pius X của Giám mục Lefevre bên Thụy Sĩ một mực chối bỏ những nghị quyết của Công đồng Vatican II.
Dẫu vậy những thay đổi do Công đồng Vatican II ấn định đã ăn sâu vào đời sống Giáo Hội, như việc dùng ngôn ngữ địa phương tiếng mẹ đẻ trong Phụng vụ, việc người giáo dân được tham gia tích cực vào việc mục vụ cùng phụng vụ... đã đang nâng đỡ cùng giúp tâm tình đời sống đức tin sống động rất nhiều. Tất nhiên cũng có những bất trắc làm nảy sinh hoài nghi dao động, bất bình lúc ban đầu và cả những lạm dụng nữa.
Công đồng chung Vatican II. đã đặt nền tảng cho đời sống thực hành đức tin trong Giáo Hội từ 50 năm nay. Những giáo huấn, văn kiện chỉ thị của Công đồng Vatican II. là những chỉ dẫn căn bản cùng kỷ luật trong Giáo Hội cho đời sống thực hành cũng như những thay đổi trong dòng thời gian.
„Hãy mở những cánh cửa sổ ra. Hãy tìm hiểu nhìn xem những dấu chỉ thời đại. Hãy lắng nghe con người và tìm hiểu những suy nghĩ thắc mắc của họ“. (Á Thánh giáo hoàng Gioan XXIII)
Kỷ niệm kim khánh Công đồng chung Vatican II (11.10.1962 - 11.10.2012)
Năm Đức tin 2012/2013
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long