I. HOẠT ĐỘNG GIẢI PHÓNG CỦA THIÊN CHÚA TRONG LỊCH SỬ DÂN ISRAEL
a. Sự hiện diện vô điều kiện của Thiên Chúa
20. Trong mọi truyền thống văn hoá, bất cứ kinh nghiệm tôn giáo
chân chính nào cũng đều dẫn người ta tới chỗ linh cảm một huyền nhiệm nào đó,
và huyền nhiệm này thường giúp chúng ta nhận ra một vài nét trong dung mạo
Thiên Chúa. Một đàng, Thiên Chúa được coi là nguồn gốc của mọi sự đang
hiện hữu, là sự hiện diện bảo đảm cho con người có được những điều kiện
sống căn bản để tổ chức thành một xã hội, trao vào tay con người những phương
thế cần thiết. Đàng khác, Thiên Chúa xuất hiện như chuẩn mực cho biết mọi sự
phải thế nào, như sự hiện diện luôn thách thức các hoạt động của con người
– cả trên bình diện cá nhân lẫn xã hội – liên quan đến việc sử dụng các phương
thế ấy trong mối tương quan với người khác.
Thế nên, trong bất cứ kinh nghiệm
tôn giáo nào, người ta cũng phải hết sức chú ý tới chiều hướng ban tặng và
cho không, được coi là yếu tố nằm bên dưới mọi kinh nghiệm con người có về
cuộc sống của mình cùng với người khác trong thế giới, cũng như phải hết sức
chú ý tới những âm hưởng của chiều hướng này trên lương tâm con người, khiến
con người cảm thấy mình được kêu gọi để quản lý quà tặng đã nhận được với
tinh thần trách nhiệm và cùng với người khác. Bằng chứng cho sự kiện này là
ai ai cũng nhận ra một quy luật vàng, cho biết đâu là điều Đấng Huyền
Nhiệm muốn dạy con người trong quan hệ với nhau: “Bất cứ điều gì anh em muốn
người khác làm cho mình thì chính anh em hãy làm cho họ” (Mt 7,12)23.
21. Trên kinh nghiệm tôn giáo phổ quát nền tảng ấy, được mỗi người
cảm nhận mỗi khác, chúng ta thấy nổi rõ sự mạc khải tiệm tiến của Thiên Chúa về
bản thân mình cho dân Israel. Mạc khải này đáp ứng nỗi khao khát của con người
đi tìm kiếm Chúa, và đáp ứng một cách hết sức bất ngờ theo cung cách của lịch
sử – tức là vừa gây ấn tượng vừa thâm nhập sâu xa – qua đó Thiên Chúa cho con
người thấy tình thương của Ngài cách cụ thể. Theo sách Xuất Hành,
Thiên Chúa nói với Môsê như sau: “Ta đã thấy nỗi khốn khổ của dân Ta bên Ai
Cập, Ta đã nghe thấy tiếng kêu la của chúng vì các tay đốc công; Ta biết những
đau khổ của chúng, và Ta sẽ xuống để giải thoát chúng khỏi tay những người Ai
Cập, đưa chúng ra khỏi đất ấy để tới miền đất tốt tươi và rộng rãi, miền đất
chảy sữa và mật ong” (Xh 3,7-8). Sự hiện diện hoàn toàn vô vị lợi của Thiên
Chúa – một điều được ám chỉ qua cái tên của Ngài như Ngài đã mạc khải cho Môsê,
“Ta là Đấng Hiện Hữu” (Xh 3,14) – được biểu lộ qua việc Ngài giải phóng
họ khỏi ách nô lệ và qua những lời Ngài hứa. Những việc này đã trở thành những
hành động lịch sử, là nguyên nhân đưa tới cách thế mà dân Chúa tự xác định
mình, khi nhận được sự tự do và miền đất Chúa ban tặng.
22. Hành động tặng không mà Thiên Chúa đã thực hiện hết sức hiệu
quả trong lịch sử ấy luôn có kèm theo việc cam kết thực thi giao ước, do Thiên
Chúa đề nghị và được dân Israel chấp nhận. Trên núi Sinai, sáng kiến của
Thiên Chúa đã trở thành cụ thể qua giao ước của Ngài với dân Ngài, và kèm theo
đó là Mười Điều Răn do Chúa mạc khải (x. Xh 19-24). “Mười Điều Răn” ấy
(Xh 34,28; x. Đnl 4,13; 10,4) “diễn tả nội dung bao hàm những việc thuộc về
Chúa khi ký kết giao ước. Sống có luân lý chính là một cách đáp trả sáng kiến
yêu thương của Thiên Chúa. Đó chính là sự tri ân và tôn kính dành cho Thiên
Chúa, đồng thời là sự thờ phượng trong tâm tình biết ơn. Đó cũng là cộng tác
vào kế hoạch mà Thiên Chúa đang theo đuổi trong dòng lịch sử”24.
Mười Điều Răn tạo nên một con đường sống đặc biệt và an toàn nhất để được
tự do khỏi bị nô lệ tội lỗi - cũng là một cách diễn đạt đặc biệt của luật tự
nhiên. Mười Điều Răn “dạy chúng ta biết thế nào là làm người thật sự. Chúng
chỉ cho chúng ta thấy những nghĩa vụ thiết yếu, và do đó, một cách gián tiếp,
chúng cho chúng ta thấy những quyền căn bản nằm trong bản tính con người”25.
Chúng mô tả cho chúng ta biết luân lý chung của con người là gì. Trong Tin
Mừng, chính Đức Giêsu đã nhắc nhở chàng thanh niên giàu có rằng Mười Điều Răn
(x. Mt 19,18) “chính là những quy luật thiết yếu cho mọi đời sống xã hội”26.
23. Từ Mười Điều Răn ấy, chúng ta thấy mình phải cam kết không
những trung thành với một Thiên Chúa chân thật duy nhất, mà còn phải có những
mối quan hệ xã hội thế nào giữa dân giao ước với nhau. Đặc biệt những mối
quan hệ này được quy định bởi điều được gọi là quyền của người nghèo:
“Nếu người nào trong các ngươi nghèo, một người trong anh chị em các ngươi…,
các ngươi không được đóng lòng hay khoá tay lại, mà phải mở rộng tay với người
ấy và cho người ấy vay đủ cái người ấy cần” (Đnl 15,7-8). Những điều này cũng
áp dụng cho cả người ngoại quốc: “Khi có người ngoại quốc cư ngụ với các ngươi
trên đất các ngươi, các ngươi không được làm hại người ấy. Người ngoại quốc cư
ngụ với các ngươi cũng được coi như người bản xứ như các ngươi, các ngươi sẽ
yêu thương người ấy như chính mình; vì các ngươi cũng đã từng là người ngoại
quốc trên đất Ai Cập. Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi” (Lv 19,33-34).
Như thế, việc ban tự do và Đất Hứa, ban Giao Ước trên núi Sinai và Mười Điều
Răn, tất cả những ân huệ ấy đều được gắn liền với những bổn phận sẽ chi phối
quá trình phát triển xã hội Israel, trong công bằng và liên đới.
24. Trong số nhiều chuẩn mực diễn tả cách cụ thể sự cho không của
Thiên Chúa và việc chia sẻ sự công bằng như Chúa đã thôi thúc, luật Năm Sabat (cứ
bảy năm một lần) và luật Năm Toàn Xá (cứ năm mươi năm một lần)27
được coi là những chỉ dẫn quan trọng cho đời sống xã hội và kinh tế của dân Israel
– dù rất tiếc chúng không bao giờ được thực hiện cách hoàn toàn hữu hiệu trong
lịch sử. Không kể việc yêu cầu để ruộng đồng nghỉ ngơi, luật còn đòi người
Israel xoá hết nợ nần và tha bổng cho cả người lẫn của cải: ai nấy được tự do
trở về nguyên quán của mình và lấy lại những tài sản đã được thừa kế một cách
tự nhiên.
Luật này nhằm bảo đảm cho thấy biến cố cứu độ Xuất Hành khỏi Ai Cập và
việc trung thành với Giao Ước không chỉ là nguyên tắc làm nền cho đời sống xã
hội, chính trị và kinh tế, mà còn là nguyên tắc hướng dẫn giải quyết các vấn đề
liên quan tới sự nghèo đói về kinh tế và các bất công xã hội. Nguyên tắc
này thường được viện đến mỗi khi người ta muốn canh tân đời sống của dân Giao
Ước, từ bên trong và liên tục, hầu làm cho đời sống của họ phù hợp với kế hoạch
của Thiên Chúa. Để loại trừ sự kỳ thị và những bất bình đẳng về kinh tế do
những sự thay đổi trong kinh tế và xã hội gây ra, cứ bảy năm, người ta nhớ lại
biến cố Xuất Hành và Giao Ước bằng những hành vi xã hội và pháp lý, nhằm trả lại
ý nghĩa sâu xa nhất cho những khái niệm về nghèo đói, nợ nần, vay mượn và của
cải.
25. Các luật cử hành Năm Sabat và Năm Toàn Xá chính là một hình
thức “học thuyết xã hội” thu nhỏ28. Chúng cho thấy các nguyên
tắc của công lý và liên đới xã hội đã được cảm hứng thế nào từ hành vi cứu độ
vô vị lợi của Thiên Chúa. Chúng không chỉ có giá trị sửa chữa những tập tục bị
chi phối bởi các quyền lợi và mục tiêu ích kỷ, mà còn như một lời tiên tri cho
tương lai, chúng đã trở thành những điểm tham khảo mang tính quy phạm mà mỗi
thế hệ Israel phải tuân thủ nếu muốn trung thành với Thiên Chúa của mình.
Những nguyên tắc này cũng trở thành tiêu điểm cho các ngôn sứ nhắm tới
khi giảng dạy, bằng cách giúp người ta đưa chúng vào nội tâm. Theo lời dạy
của các ngôn sứ, Thần Khí Thiên Chúa, được đổ vào tâm hồn con người, sẽ làm cho
những tình cảm về công lý và liên đới ấy, từng hiện diện trong tâm hồn Đức
Chúa, bám rễ trong lòng mọi người (x. Gr 31,33 và Ez 36,26-27). Lúc ấy, ý muốn
của Thiên Chúa – được diễn tả trong Mười Điều Răn mà Ngài đã ban cho họ
trên núi Sinai – sẽ bám rễ trong nơi sâu xa nhất của con người. Nhờ tiến
trình nội tâm hoá này mà các hành vi xã hội của con người có được chiều sâu
và được hiện thực nhiều hơn, có thể làm cho các thái độ đối với công lý và
liên đới dần dần trở thành những thái độ phổ quát, mà dân Giao Ước được mời
gọi thi hành đối với hết mọi người trong mọi quốc gia và dân tộc.
b. Nguyên tắc sáng tạo và hành động tặng không của Thiên Chúa
26. Suy tư của các Tiên Tri và suy tư trong Văn Chương Khôn ngoan,
để đi tới nguyên tắc mọi sự đều do Thiên Chúa tạo thành, đã đề cập đến lần đầu
tiên việc Thiên Chúa bày tỏ kế hoạch của Ngài đối với toàn thể nhân loại và
nguyên tắc này cũng trở thành nguồn cội cho toàn thể kế hoạch dành cho con
người. Trong cách tuyên xưng niềm tin của người Israel, xác tín rằng Thiên
Chúa là Đấng Tạo Hoá, điều này không có nghĩa chỉ là bày tỏ một niềm tin lý
thuyết, mà còn nắm bắt được tầm mức rộng lớn của hành vi tặng không mà Thiên
Chúa nhân hậu đã làm cho con người. Thật vậy, Thiên Chúa hoàn toàn tự do khi
trao ban sự hiện hữu và sự sống cho tất cả mọi sự đang có. Chính vì lý do đó,
người nam cũng như người nữ, đã được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa và giống
Thiên Chúa (x. St 1,26-27), được mời gọi hãy trở thành dấu chỉ hữu hình và dụng
cụ hữu hiệu để tỏ lộ hành vi tặng không của Thiên Chúa khi đặt họ vào vườn để
canh tác và trông coi các công trình sáng tạo.
27. Chỉ trong hành vi tự do của Thiên Chúa Tạo Hoá, chúng ta mới tìm
được ý nghĩa chính xác của việc tạo dựng, dù rằng công trình tạo dựng này đã bị
tội lỗi làm biến dạng. Thật vậy, trình thuật về cái tội đầu tiên (x. St 3,1-24)
cho thấy nhân loại bị cám dỗ liên tục và sống trong tình cảnh xáo trộn sau khi
tổ tiên mình sa ngã. Bất tùng phục Thiên Chúa tức là né tránh sự chăm sóc yêu
thương của Ngài và đòi kiểm soát cuộc đời và hành vi của mình trong thế giới.
Cắt đứt mối quan hệ hiệp thông với Thiên Chúa là gây ra đổ vỡ trong chính sự
thống nhất nội tâm của con người, trong những mối quan hệ giữa người nam và
người nữ, cũng như trong những mối quan hệ hài hoà giữa loài người và các thụ
tạo khác29. Muốn tìm gốc rễ sâu xa nhất của mọi tệ đoan đang ảnh
hưởng tới các mối quan hệ xã hội giữa con người với nhau, của tất cả những tình
huống trong đời sống kinh tế và chính trị đang tấn công phẩm giá con người,
đang hãm hại công lý và tình liên đới, thì phải tìm trong lần xa cách chia lìa
đầu tiên ấy.
Trích từ: "Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội Công Giáo“
Nguồn: vatican.va