"Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài. Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống. Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh." (Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận)

Israel và Palestine


Ngày 29.11.2012, khi Đại Hội Đồng LHQ biểu quyết chấp thuận cho Palestine được hưởng “quy chế quan sát viên không phải là quốc gia” tại LHQ, Thủ Tướng Mahmoud Abbas của chính quyền Palestine khu West Bank tuyên bố: "Sáu mươi lăm năm trước đây vào ngày này, Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua nghị quyết 181, phân vùng đất của lịch sử Palestine thành hai quốc gia và nó đã trở thành giấy khai sinh của Israel. Đại hội đồng được triệu tập họp ngày hôm nay để cho ra một giấy khai sinh của Nhà nước Palestine, vốn đã tồn tại trên thực tế,"

Nhưng phe Hamas lại có cái nhìn khác. Salah al-Bardaweel, phát ngôn viên của chính quyền thuộc phe Hamas ở dãi Gaza nói với phóng viên của báo New York Times: “Chúng tôi không công nhận Israel cũng như việc phân chia Palestine, và Israel không có quyền gì ở Palestine. Công nhận tư cách hội viên của chúng tôi trong cơ chế LHQ là quyền của chúng tôi, nhưng chúng tôi không bỏ một tấc đất nào của Palestine.”

Thủ Tướng Benjamin Netanyahu của Israel nói: “Ai đó muốn hoà bình đừng nói như vậy” (Someone who wants peace does not talk in such a manner.)
 
Cuộc đấu khẩu qua lại nói trên cho thấy vấn đề vẫn chưa ngã ngũ, mặc dầu lúc này lực lượng của khối A-Rập hậu thuẩn cho Palestine đang bị “cách mạng hoa lài” xé nát. Các diễn biến cho thấy “cuộc cách mạng” này không đưa tới mục tiêu mà nhiều người hay lầm tưởng. Nó được thực hiện theo một mục tiêu chiến lược hoàn toàn khác hẵn.

Mùa Giáng Sinh lại đến nhắc cho mọi người nhớ đến Bethlehem nơi Chúa Jesus sinh ra cách đây 2012 năm. Lúc đó Bethlehem là một làng nhỏ bé của Do Thái nằm cách Jerusalem khoảng 5 dặm về hướng nam, đặt dưới quyền cai trị của đế quốc La Mã. Ngày nay Bethlehem là một thành phố nằm trên lãnh thổ của Palestine, có diện tích 575 km2 với khoảng 180.000 dân.

Nhân dịp này, chúng tôi xin trình bày thêm về tổ phụ của hai dòng tộc Israel và Palestine, và những diễn biến lớn liên quan đến cuộc tranh chấp giữa Israel và Palestine. Nó có thể giúp chúng ta thấy rõ hơn các biến cố đang diễn ra ở Trung Đông và Biển Đông.

LÀM SÁNG TỎ NGUỒN GỐC

Theo sách Sáng Thế (Genesis), sau khi ông Noah và gia đình thoát khỏi cơn Đại Hồng Thủy, Thiên Chúa đã chúc lành cho ông và con cháu ông: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều cho đầy mặt đất. Mọi dã thú, mọi chim trời, mọi giống vật bò dưới đất và mọi cá biển sẽ phải kinh sợ các người: chúng được trao cho các ngươi...”

Ông Noah có ba người con là HAM, SHEM và JAPHETH. Mỗi người con sinh một dòng tộc khác nhau. Ham là tổ phụ của dòng tộc Hamitic ở hướng nam. Shem là tổ phụ của dòng tộc Semitic ở vùng trung, còn Japheth là tổ phụ của dòng tộc Japhetic ở hướng bắc.

Vậy người Do Thái và người Palestine thuộc dòng tộc nào? Kinh Thánh cho biết:

HAM là cha của 4 người con là Cush, Mizraim, Phut và Canaan. Palestine thuộc dòng tộc của Mizrain.

SHAM có 5 người con là Elam, Asshur, Arpachshad, Lud và Aram. Abraham là một trong những con cháu của Arpachshad và là tổ phụ của người Do Thái và người A-rập.

Tất cả đã phát xuất từ vùng Mesopotami, tức vùng nằm giữa hai con sông Tigres và Euphrates ở Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là vùng nổi tiếng phì nhiêu. Nhưng con cháu của Noah càng ngày càng đông nên họ phải tản mác đi bốn phương để tìm đất sinh sống.

1.- Dòng tộc Do Thái: Theo lệnh của Thiên Chúa, vào khoảng năm 1800 (có tài liệu nói năm 2100) trước CN, ông Abraham đã dẫn dòng tộc Do Thái từ thành Ur ở phía nam (ngày nay thuộc Iraq), đi theo bờ tây sông Euphrates lên đến Haran. Thân phụ của ông là Terah đã qua đời tại đây lúc 205 tuổi. Sau đó Abraham dẫn đoàn lữ hành đi về hướng tây, vòng lên trên sa mạc Syria để tới Chechem. Con đường này dài khoảng 1600 km. Chechem hay Sichem là một thành phố của người Canaan nằm giữa sông Jordan và bờ đông Địa Trung Hải. Thành phố này đã trở thành thủ đô đầu tiên của vương quốc Israel. Ngày nay nó nằm ở Bờ Tây (West Bank) sông Jordan, trong vùng Balata al-Balad.

2.- Dòng tộc Palestine: Vấn đề này khá rắc rối. Thánh Kinh cho biết người con thứ ba của Ham là Mizraim đã sinh ra 7 người con là Ludim, Anamim, Lehabim, Naphtuhim, Pathrusim, Casluhim và Caphtorim. Casluhim, người con thứ 6 của Mizraim được nói là tổ phụ của người Palestine. Nhưng tài liệu không cho biết ông Casluhim đã dẫn người Palestine đến Địa Trung Hải lúc nào. Sách chỉ nói người Palestine bị đánh đuổi khỏi Caphtor hay Crete, nên năm 1175 trước CN họ phải bỏ nơi này đến sinh sống ở dãi Gaza. Chúng ta biết Crete là một hòn đảo lớn ở phía nam của biển Aegean trong Địa Trung Hải, nhưng không biết Caphtor ở đâu. Vì họ từ vùng biển đến nên được gọi là “sea people” (người vùng biển).

Như vậy, người Do Thái đã đến đất Canaan trước người Palestine. Nhưng qua nhiều biến cố lịch sử, chủ quyền của mãnh đất này cũng đã biến đổi. Hoa Kỳ và các cường quốc Tây Phương tiên đoán sự vùng dậy của người A-Rập theo Hồi Giáo trong một giai đoạn lịch sử sắp đến, nên đã phục hồi nước Do Thái như một tiền đồn để chế ngự. Các diễn biến này khá phức tạp, nhưng chúng tôi cố gắng tóm lược và trình bày những nét chính.

SỰ PHÂN CHIA CỦA ANH QUỐC

Năm 638, khi người Hồi Giáo chiếm trọn vùng Canaan và ra lệnh cho người Do Thái “Hoặc theo Hồi Giáo và nộp cống hay là chết”, người Do Thái đành phải ra đi để bảo vệ tôn giáo và truyền thống của mình, phần đất Canaan trở thành lãnh thổ của người A-Rập Hồi Giáo. Chỉ một số nhỏ người Do Thái ở lại. Đa số người Do Thái lang thang trên khắp thế giới, bị kỳ thị, bị ghét bỏ, bị đày đọa, bị thanh toán đẩm máu... nhưng lúc nào họ cũng quyết tâm trở về lại đất hứa của mình.

Sau thế chiến thứ nhất (1914 - 1918), nước Anh đánh bại đế quốc Ottomans, đuổi Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi vùng A-Rập và đặt vùng này dưới quyền đô hộ của Anh. Qua nhiều cuộc vận động ráo riết của người Do Thái lang thang, ngày 2.11.1917 Ngoại Trưởng Anh là Arthur James Balfour tuyên bố lập trên đất Palestine một quốc gia cho người Do Thái (the establishment in Palestine of a national home for the Jewish people).

Ngày 24.7.1922, Hội Quốc Liên (League of Nations) đã trao trao quyền ủy trị (mandate) vùng đất của người A-Rập cho Anh. Chính phủ Anh đã chia vùng đất mà người A-Rập và người Do Thái đang cư ngụ ở bờ phía đông Đại Trung Hải và hai bên bờ sông Jordan ra làm 2 vùng:

(1) Vùng phía tây sông Jordan (West Bank) kéo ngang qua tới Địa Trung Hải được giao cho người Do Thái.

(2) Vùng phía đông sông Jordan (East Bank), được trao cho người A-rập để thành lập một quốc gia lấy tên là Transjordan. Đó là phần đất dành cho người Palestine, được gọi là nước Palestine-A-Rập. Sau đó, người Anh đưa Abhulah lên làm lãnh tụ người A-Rập, cai quản vùng này.

Người A-Rập không chấp nhận sự phân chia này. Họ đòi mở “Jihad”, tức thánh chiến, để đuổi người Do Thái ra khỏi vùng Canaan.

SỰ PHÂN CHIA CỦA LHQ

Không giải quyết được sự tranh chấp giữa A-Rập và Do Thái, Anh đưa nội vụ ra Đại Hội Đồng LHQ xin giải quyết. Ngày 29.11.1947, Đại Hội Đồng LHQ đã họp và biểu quyết nghị quyết số 181, phân chia lại lãnh thổ của người Do Thái và người Palestine như sau:

(1) Quốc Gia A Rập (The Arap State): Gồm những phần lãnh thổ sau đây:
- Vùng Judea và Samaria nằm ở trung nguyên, sát với bờ tây sông Jordan, tức West Bank.
- Một dãi đất nằm trên chóp phía bắc của West Bank, trên thành phố Jenin.
- Dãi Gaza nằm phía tây nam, sát Địa Trung Hải, giáp với bán đảo Sinai của Ai Cập.

(2) Quốc Gia Do Thái (The Jewish State): Gồm những phần đất còn lại nằm giữa bờ đông Địa Trung Hải và bờ tây sông Jordan. Tính lại lãnh thổ của Do Thái được LHQ cấp chỉ bằng khoảng 22% phần lãnh thổ mà Anh đã chia cho trước đây.

Riêng thành phố Jerusalem, Liên Hiệp Quốc đặt dưới một quy chế đặc biệt (special regime) và do Liên Hiệp Quốc quản trị.

LHQ đã gởi quân đến vùng này để giám sát việc phân chia và gìn giữ hòa bình.

Lãnh thổ Israel (vàng) và Palestine (tím) do LHQ phân chia năm 1947

Nhìn lên bản đồ, chúng ta thấy đây là lối phân chia theo kiểu “vùng xôi đậu”, đất của Palestine và Do Thái nằm xen lẫn nhau. Vì thế, việc gìn giữ an ninh và di chuyển từ vùng này qua vùng kia gặp rất nhiều khó khăn.

CHIẾN TRANH PHẢI XẨY RA

Có tất cả 5 nước bao quanh lãnh thổ của Do Thái, đó là Libanon ở phía bắc, Syria và Jordan ở phía đông, Saudi Arabia ở phía nam, và Ai Cập ở phía tây nam. Phía tây là Địa Trung Hải. Trong 5 quốc gia này, có 3 quốc gia cương quyết ăn thua đủ với Do Thái, đó là Ai Cập, Jordan và Syria. Ngày 23.6.1956, Tướng Gamal Abdel Nasser chính thức lên làm Tổng Thống Ai Cập. Ông quyết tâm đánh bại Do Thái. Năm 1964, ông thành lập Phong Trào Giải Phóng Palestine (PLO) và đưa Caoukeiri làm lãnh tụ đầu tiên với mục tiêu dùng đoàn quân này để quấy rối Do Thái. Chỉ trong 2 năm, Phong trào này đã tuyển mộ được 16.000 dân quân.

Đầu tháng 5 năm 1967, Ai Cập yêu cầu quân LHQ rút khỏi vùng biên giới giữa dãi Gaza và bán đảo Sinai. Do Thái và Hoa Kỳ hiểu rằng Tướng Nasser đang chuẩn bị khai chiến nên Do Thái ra tay trước.

Khoảng 8 giờ sáng ngày 5.6.1967, Do Thái bất thần mở cuộc tấn công vào bán đảo Sinai của Ai Cập ở phía tây nam và các vùng đóng quân của Jordan và Syria ở phía đông và đông bắc. Ở phía nam, chỉ trong 80 phút đầu, phi cơ Do Thái đã phá tan hết các phi cơ chiến đấu và chuyên chở của Ai Cập trên bán đảo Sinai. Với ưu thế tuyệt đối về tình báo, không quân và hoả lực, trong 6 ngày Israel đã phá huỷ 340 máy bay của đối phương và gây thương vong cho hơn 10.000 lính A-Rập.

Nghị quyết số 233 ngày 6.6.1967 của HĐBA/LHQ đã cứu khối A-Rập. Nhưng Do Thái đã lấy lại được cả vùng đất mà ngày xưa Anh đã phân chia cho Do Thái, trong đó có thành phố Jerusalem và toàn vùng đất phía tây sông Jordan (West Bank), Ngoài ra, Do Thái còn chiếm thêm Đồi Golan của Syria, bán đảo Sinai của Ai Cập và làm chủ vùng kinh đào Suez.

Ngày 22.11.1967 HĐBA/LHQ lại ra nghị quyết số 242 kêu gọi Israel rút ra khỏi các vùng chiếm đóng và các bên chấm dứt tình trạng hiếu chiến.

TRẢ THÙ BỊ THẢM BẠI

Ngày 19.6.1967, Chính phủ Israel đã họp và bỏ phiếu kín đồng ý hoàn trả Sinai cho Ai Cập và Cao nguyên Golan cho Syria để đổi hòa bình. Quyết định này được Israel nhờ chính phủ Hoa Kỳ chuyển đến cho các quốc gia A-Rập. Nhưng không hiểu tại sao Hoa Kỳ không chuyển.

Một Liên Minh A Rập được thành lập gồm Ai Cập, Syria, Iraq và Jordan. Ai Cập và Syria đóng vài trò chính. Họ tổ chức lại quân đội, trang bị vũ khí đầy đủ để phục thù.

Họ chọn Ngày Yom Kippur, tức Ngày Thống Hối của người Do Thái để tấn công, vì Sách Levi dạy trong ngày đó mọi người phải ăn chay hãm mình và không được làm việc gì (Leviticus 16:29). (*) 

Ngày 6.10.1973, quân Ai Cập và Syria vượt tuyến ngưng bắn, tấn công vào bán đảo Sinai và Cao nguyên Golan. Trong 48 tiếng đầu, quân Liên Minh Ả-Rập chiến thắng. Nhưng vì quân của Liên Minh yếu kém về cả chỉ huy lẫn tác chiến nên sau đó quân Israel phản công lại, đánh bật quân Syria ra khỏi Cao nguyên Golan, đồng thời vượt kinh đào Suez cắt đứt quân đoàn 3 của Ai Cập. Liên Minh thảm bại. Quân Ai Cập bị 12.000 người chết, 35.000 bị thương, 8.400 bị bắt; mất 1.000 xe tăng, 235 máy bay và 42 trực thăng. Syria có 3.100 chết, 6.000 bị thương và mất 1.150 xe tăng.

Israel (trắng) và Palestine (xanh lá cây) ngày nay

Ngày 22.10.1973 HĐBA/LHQ ra nghị quyết số 338 kêu gọi các bên ngưng chiến trong vòng 12 tiếng đồng hồ và thi hành nghị quyết 242 năn 1967, thương thuyết để thiết lập một nền hòa bình công chính và lâu dài tại Trung Đông.

CHIẾN LƯỢC CỦA HOA KỲ

Sau trận đại bại nói trên, Liên Minh A Rập tan rã. Palestine quay về dùng du kích chiến và khủng bố để quậy phá Israel, nhưng nội bộ có nhiều bất hòa và xung đột. Israel gia tăng các hoạt động định cư tại Bờ Tây và Dải Gaza để chống lại.

Chính sách của Hoa Kỳ và các quốc gia Tây phương là triệt hạ dần các nhà lãnh đạo các quốc gia Hồi Giáo ủng hộ Palestine, khiến các thành phần hiếu chiến Palestine không còn nơi nương tựa, phải chấp nhận nghị quyết của Đại Nội Đồng LHQ năm 1947. Nhóm Fatal đang chọn con đường này, nhưng nhóm Hamas vẫn còn kháng cự. Con chồn đang bị lùa vào hang.

Khi Palestine không còn vấn đề nữa, Do Thái sẽ trở thành một tiền đồn vững chắc của Hoa Kỳ và các quốc gia Tây phương tại vùng Trung Đông để đối phó với sự vùng dậy của các quốc gia Hồi Giáo.

Ngày 13.12.2012
Lữ Giang

...................
(*) Điểm này khiến ta liên tưởng đến cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968. Quân Cộng Sản Bắc Việt đã lợi dụng ngày Tết dân tộc để mở cuộc tổng tấn công đẫm máu. Nhưng cuối cùng, cũng cùng số phận như Liên Minh Ả Rập, họ đã thảm bại với số lượng tử vong khủng khiếp. (Chú thích của CĐCGHH).