"Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài. Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống. Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh." (Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận)

Đức Giêsu Kitô, sự hoàn thành kế hoạch yêu thương của Chúa Cha


a. Nơi Đức Giêsu Kitô, biến cố mang tính quyết định trong lịch sử quan hệ của Thiên Chúa với loài người được thực hiện
 
28. Lòng nhân từ và thương xót của Thiên Chúa đã thúc đẩy Ngài hành động, đồng thời đã cho chúng ta chìa khoá để hiểu các hành động ấy, nay trở nên gần gũi con người đến nỗi chúng mang dáng dấp của một con người, tên là Giêsu, tức là Ngôi Lời đã thành xương thành thịt. Trong Tin Mừng thánh Luca, Đức Giêsu mô tả tác vụ cứu thế của mình bằng những lời lẽ của Isaia, cho chúng ta biết ý nghĩa tiên tri của năm toàn xá: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài đã xức dầu tấn phong tôi, sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho người nghèo khó, công bố ơn giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù sáng mắt, giải phóng những ai bị áp bức, công bố năm hồng ân của Chúa” (Lc 4,18-19; x. Is 61,1-2).

Như thế, Đức Giêsu đã tự xếp mình vào hàng ngũ những người hoàn tất, không phải chỉ vì Người đã thực hiện những gì Thiên Chúa đã hứa và những gì dân Isarel chờ đợi, mà sâu xa hơn còn vì, biến cố mang tính quyết định trong lịch sử, quan hệ của Thiên Chúa với con người đã được thực hiện nơi Đức Giêsu. Vì thế, Người mới dám tuyên bố: “Ai thấy Ta là đã thấy Cha” (Ga 14,9). Nói cách khác, Đức Giêsu chính là bằng chứng để chúng ta thấy tận mắt Thiên Chúa đã hành động quả quyết thế nào đối với con người.

29. Tình yêu thôi thúc Đức Giêsu thi hành sứ vụ giữa loài người chính là tình yêu Người đã nghiệm thấy khi kết hợp mật thiết với Chúa Cha. Tân Ước giúp chúng ta đi sâu hơn trong kinh nghiệm mà Đức Giêsu đã từng sống và truyền đạt cho chúng ta, kinh nghiệm về tình yêu của Chúa Cha, mà Người gọi là “Abba, Cha ơi!”, và từ đó, giúp chúng ta đi vào chính trung tâm đời sống Thiên Chúa. Đức Giêsu loan báo tình thương giải phóng của Thiên Chúa cho những ai Người gặp trên đường của mình, trước hết là những người nghèo, những người bị gạt ra bên lề, những người tội lỗi. Người mời gọi tất cả mọi người đi theo Người vì Người là người đầu tiên tùng phục kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa, và Người làm việc này một cách hết sức đặc biệt như người sứ giả được Thiên Chúa sai đến thế gian.

Việc Đức Giêsu ý thức mình là Con là một biểu hiện của kinh nghiệm ưu tiên đó. Con được Cha ban cho mọi thứ và được ban cho một cách hoàn toàn tự do: “Mọi sự của Cha đều là của Thầy” (Ga 16,15). Đến lượt mình, sứ mạng của Người là làm cho mọi người chia sẻ hồng ân ấy và chia sẻ quan hệ con cái ấy: “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa vì tôi tớ không biết việc chủ làm; nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu vì tất cả những gì Thầy nghe thấy nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết” (Ga 15,15).

Đối với Đức Giêsu, nhận ra tình yêu của Chúa Cha có nghĩa là phải uốn nắn các hành vi của mình theo lòng thương xót và vô vị lợi của Thiên Chúa; chính những điều này làm cho sự sống mới được khai sinh. Hay có nghĩa là trở nên tấm gương và khuôn mẫu cho các môn đệ từ chính sự hiện hữu của mình. Những ai đi theo Đức Kitô được kêu gọi hãy sống như Người, và sau khi Người vượt qua cái chết và sống lại, còn phải sống trong Người và nhờ Người, dựa vào một hồng ân hết sức phong phú là Chúa Thánh Thần, còn gọi là Đấng An Ủi, Ngài sẽ tìm cách đưa nếp sống riêng của Đức Kitô vào trong tâm hồn con người.

b. Mạc khải tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi 

30. Trước sự ngạc nhiên không ngừng của những người đã từng cảm nghiệm tình yêu khôn tả của Thiên Chúa (x. Rm 8,26), Tân Ước dựa vào mạc khải đầy đủ về tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi, được bày tỏ trong cuộc Vượt Qua của Đức Giêsu Kitô, để cho chúng ta hiểu đâu là ý nghĩa cuối cùng của mầu nhiệm Chúa Con Nhập thể và sứ mạng của Người giữa muôn người. Thánh Phaolô viết: “Nếu Thiên Chúa đã bênh vực chúng ta, ai dám chống lại chúng ta? Thiên Chúa đã không tha chính Con mình mà đã trao nộp Người vì tất cả chúng ta, chẳng lẽ Thiên Chúa sẽ không trao cho chúng ta mọi sự cùng với Người Con ấy?” (Rm 8,31-32). Thánh Gioan cũng nói tương tự như thế: “Tình yêu cốt ở điều này, là không phải chúng ta yêu Thiên Chúa nhưng chính Ngài yêu thương chúng ta trước và đã gửi Con mình đến đền tội thay cho chúng ta” (1 Ga 4,10).

31. Dung mạo Thiên Chúa, dần dần được tỏ lộ trong lịch sử cứu độ, chiếu sáng trong tất cả đường nét của mình nơi dung mạo Đức Giêsu Kitô, Đấng đã bị đóng đinh và đã sống lại từ cõi chết. Thiên Chúa ấy là Thiên Chúa Ba Ngôi: Cha, Con và Thánh Thần; thật sự riêng biệt và thật sự là một, vì Thiên Chúa là sự hiệp thông vô tận của yêu thương.

Tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa dành cho nhân loại được mạc khải trước tiên như một tình yêu xuất phát từ Cha – từ đó mọi sự được khơi nguồn; rồi như một tình yêu được truyền thông tự do cho Con, và đến lượt mình, Con cũng hiến thân cho Cha và cho loài người; cuối cùng như một thành quả luôn mới mẻ của tình yêu Thiên Chúa mà Thánh Thần sẽ đổ vào lòng con người (x. Rm 5,5).

Bằng lời nói và việc làm, cũng như một cách trọn vẹn và dứt khoát, bằng cái chết và sự sống lại của mình30, Đức Giêsu đã mạc khải cho nhân loại thấy Thiên Chúa là Cha và tất cả chúng ta đều được mời gọi trở nên con cái Ngài trong Thánh Thần (x. Rm 8,15; Gl 4,6), và từ đó trở nên anh chị em với nhau. Chính vì lý do này mà Giáo Hội tin chắc rằng “bí quyết, trung tâm và mục tiêu của toàn bộ lịch sử nhân loại đều ở nơi Đức Giêsu Kitô, là Chúa và là Thầy của mình”31.

32. Khi suy niệm về món quà tặng không rất dồi dào là Chúa Con mà Thiên Chúa Cha đã ban, một điều mà Đức Giêsu đã giảng dạy và đã làm chứng bằng cách xả thân vì chúng ta, tông đồ Gioan đã khám phá ra ý nghĩa sâu xa nhất và hiệu quả hợp lý nhất của món quà ấy. “Hỡi các con yêu dấu, nếu Thiên Chúa yêu chúng ta như thế, chúng ta cũng phải yêu thương nhau. Không ai thấy Thiên Chúa bao giờ; nếu chúng ta yêu thương nhau, Thiên Chúa sẽ ở trong chúng ta và tình yêu của Ngài đã trở nên tuyệt hảo nơi chúng ta” (1 Ga 4,11-12). Sự trao đổi trong tình yêu là điều được yêu cầu trong lệnh truyền mà Đức Giêsu gọi là “điều răn mới” và cũng là “điều răn của Người”: “đó là anh em hãy yêu thương nhau; như Thầy đã yêu thương anh em, anh em cũng phải yêu thương nhau” (Ga 13,34). Yêu thương nhau chính là cách để chúng ta sống đời sống của Thiên Chúa Ba Ngôi trong Giáo Hội, Nhiệm Thể của Đức Kitô, và là cách để chúng ta làm thay đổi lịch sử cho tới khi lịch sử ấy hoàn thành mỹ mãn trong Giêrusalem thiên quốc.

33. Điều răn yêu thương nhau, tượng trưng cho luật sống của dân Chúa32, phải là nguồn cảm hứng, nguồn thanh lọc và nâng cao mọi quan hệ nhân loại trong xã hội và trong chính trị. “Làm người có nghĩa là được mời gọi hiệp thông giữa người với người”33, vì được làm hình ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi và giống Thiên Chúa Ba Ngôi, đó chính là nền tảng cho toàn bộ “đạo đức học của con người”, đạo đức học này đạt tới cao điểm trong điều răn yêu thương”34. Hiện tượng lệ thuộc nhau về văn hoá, xã hội, kinh tế và chính trị trong thế giới hiện nay làm tăng cường và làm rõ hơn mối dây thống nhất gia đình nhân loại, một lần nữa lại làm nổi bật trong ánh sáng của mạc khải “một mô hình mới của sự hợp nhất nhân loại, mô hình này hẳn phải tạo cảm hứng cho chúng ta liên đới với nhau. Mô hình hợp nhất ấy, phản ánh sự sống thân mật của Thiên Chúa – một Thiên Chúa duy nhất trong Ba Ngôi, đó chính là điều mà các Kitô hữu muốn diễn tả khi nói tới “hiệp thông”35.

Trích từ: "Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội Công Giáo“
Nguồn: vatican.va