Ai gặp đau khổ cũng muốn trốn tránh cho bằng được. Nhưng chúng
ta thử phản ứng có vẻ ngược đời xem sự thể ra sao. Ở trên trần gian này ai mà
chẳng muốn vui tươi, nhưng niềm vui chẳng dạy ta điều gì cả. Trong khi nỗi khổ
bao giờ cũng hàm chứa một bài học thú vị như một ngụm trà đắng với dư hương
thơm thơm nhè nhẹ khó tả.
Việc được tiếp đón, khen ngợi sẽ gieo mầm tự mãn, trong khi
tình cảnh bị khước từ sẽ mang lại ánh sáng giúp cho chúng ta nhận ra con người
đích thực của mình. Vị linh sư chân chính thường gây cho chúng ta khó chịu khi
thẳng thắn phơi bày cho chúng ta những vấn đề, những trục trặc của mình. Và gợi
ý cho chúng ta biết nhận ra khuôn mặt của tên ném đá giấu tay khiên suốt cuộc
đời ta phải bất hạnh lao đao .
Phản ứng tiêu cực
Có người oán trách thiên hạ.
Có người oán trách đối thủ.
Có người oán trách xã hội.
Có người oán trách cả Thiên Chúa.
Rồi từ đó chui vào cái vỏ tủi thân, cay đắng, buông xuôi và
chán đời.
Để tìm cách nhận chìm nỗi khổ, có người lao đầu vào những
hoạt động mang dáng vẻ đạo đức như tham gia một hội đoàn nào đó; dấn thân ra
khơi loan báo tin mừng trong khi lòng mình chứa một bể nỗi sầu!
Hậu quả là tình trạng đau khổ vẫn âm ỉ thiêu đốt cả lòng ta.
Phản ứng tích cực
Chúng ta coi như đây là một cơ hội bằng vàng để nhận ra thực
tại gây cho mình đau khổ.Đứng trước nỗi khổ chúng ta đừng trốn tránh nó, đừng
bực mình với nó. Chúng ta đối diện với nó, quan sát nó, hiểu biết nó và bắt tay
làm hoà với nó.
Linh mục Anthony đã phân tích về tình trạng khổ sở vì mất
ngủ của linh mục Carlos như sau:
Ông ganh tị với những người vừa đặt lưng xuống đã ngáy o o.
Ông nổi loạn chống lại tình trạng bất công mà ông đang phải
chịu.
Ông lo lắng việc thiếu ngủ này sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ và
khả năng làm việc ngày mai.
Ông sẽ cảm thấy xấu hổ vì sẽ phải ngáp vặt trước mặt người
khác thì còn thể thống gì của một bề trên nhà dòng!
Ông bực dọc, tức tối vì đã không bắt tâm trí và thân xác
mình phục tùng kỷ luật nghiêm minh – như chính ông tuân hành đã ra lệnh cho các
thày phục tùng kỷ luật nghiêm minh của nhà dòng. Tình trạng này khiến ông không
sao chịu nổi và ông đã dùng hết sức bình sinh để chống lại nó.
Ông cố gắng biến “khoảng thời gian hoang phí” bằng cách đọc
sách hay hoạch định chương trình sắp tiến hành. Đây là một điều tốt, nhưng nếu
để chống lại tình trạng mất ngủ thì chỉ làm cho nó tồi tệ thêm. Có nghĩa là ông
sẽ lãnh đủ những đêm thức trắng và ngày hôm sau ông tha hồ ngáp vặt, tha hồ khó
chịu, càng dễ sinh ra bẳn gắt....
Thay vì phản kháng trong tuyệt vọng, ông nên bắt tay làm hoà
với nó. chấp nhận nó. Đêm có ra sao, kệ! Ngày có như thế nào đi nữa, mặc! Ông đừng
nôn nóng muốn giải quyết ngay lập tức. Bởi vì, dù không ngủ được, ông vẫn có
thể hạnh phúc cơ mà. thế thì còn chuyện gì phải lo, phải buồn nữa đâu? Rồi một
khi lòng ông thoải mái, giấc ngủ sẽ tự động tìm đến ông và sẽ nhè nhẹ đưa ông
và giấc ngủ bình an chỉ vì lòng ông đã thanh thản như bầu trời của một vùng
thảo nguyên bát ngát tận chân trời...
Một câu chuyện thú vị
khác
Một anh chàng khổ sở vì tật nói lắp của mình. Càng đông
người, anh ta càng nói lắp dữ dội hơn, mãi mới được một câu. Một lần kia, anh
đi xe lửa lậu. Khi người kiểm soát vé tới gần, anh càng quýnh lên. May quá anh
nhớ tới tật nói lắp của mình. Anh sẽ phải giả bộ nói lắp gấp chục lần, hy vọng
ông kiểm soát vé tội nghiệp mà tha cho. Anh cúi mặt xuống, ra vẻ khuôn mắt đưa
đám thảm não chờ đợi và nhẩm nhẩm trong miệng sao cho việc nói lắp vượt quá
tiêu chẩn bình thường. Ngay khi ông kiểm soát vé tới, anh buột miệng nói. Thật không
ngờ, anh nói trôi chảy một mạch như chưa từng nói lắp lần nào. Tất nhiên là anh
bị phạt đích đáng cái tôi đi vé lậu.
Thì ra một khi anh ta chấp nhận tật nói lắp của mình một
cách thoải mái, trọn vẹn, không còn sợ ai chê cười về tật khốn khổ của mình,
thì tự nhiên tật nói lắp biến mất một cách không ngờ.
Một câu chuyện thực
tế đời thường
Nhà bên cạnh đập ra xây lại, lập tức cả chục thứ tiếng động
khó chịu vang lên suốt ngày: búa đập inh tai , máy trộn hồ ầm ầm, máy cưa đá
xèo xoẹt, hệ thống ròng rọc kẽo kẹt... tra tấn lỗ tai trong khi ta cần yên tĩnh
đễ làm việc, nghỉ trưa... Nếu ta khó chịu và chống đối nó thì ta sẽ bị bực mình
ngày càng tăng suốt hai ba tháng xây nhà. Nhưng nếu ta mặc kệ nó, không tức, không
bực. Việc ta, ta làm thì dần dần ta bị hút vào công việc của mình và quên béng
tiếng ồn quái ác kia dù nó vẫn ầm ầm bên tai ...
Ngay cả việc đạo đức
cũng bị khốn đốn
Chuyện kể rằng: Một tối kia, thầy Bruno bực mình vì những tiếng
ồm ộp của lũ ễnh ương khiến thày chia trí khi cầu nguyện. Thày cố sức chống lại
nhưng càng muốn xua duổi thì âm thanh ồm ộp càng vang vang trong đầu. Thày thò
đầu ra cửa sổ quát: Này chúng mày hãy câm mồm đi! Tao đang cầu nguyện đây. Thày
Bruno là bậc thánh, vì thế lệnh của thày có hiệu lực ngay lập tức. Tất cả các
sinh vật im thin thít. Bầu khí bỗng nhiên vắng lặng, tha hồ cầu nguyện.
Nhưng
một âm thanh khác nổi lên quấy rầy việc cầu nguyện của thày: Biết đâu tiếng kêu
của lũ ễnh ương kia cũng làm vui lòng Chúa không kém chi các bài thánh vịnh của
mình đấy chứ? Thày lại thò đầu ra cửa sổ và ra lệnh: Hãy hát lên đi! Cả một dàn
đồng ca tấu lên, cóc nhái chung quang cũng nổi lên phụ hoạ! Thật lạ, khi thày
chăm chú lắng nghe giàn giao hưởng kỳ diệu ấy, nó không còn quấy rầy nữa. Và
thày nhận ra rằng nếu thày không phản kháng chúng, lòng thày bỗng hoà nhập với
vũ trụ. Chưa bao giờ thầy thấu hiểu ý nghĩa của cầu nguyện bằng tối hôm đó.
Tóm lại, khi nỗi khổ xảy đến, thay vì phản kháng nó, ta đón
nhận nó. Nói như vậy không có nghĩa là thúc giục chúng ta đi tìm đau khổ hay
tạo ra nỗi khốn khó. Trên đời này đã quá đủ nỗi khổ cho chúng ta rồi. Tuy
nhiên, khi nỗi khổ xuất hiện, ta tận dụng cơ hội bằng vàng để nhận diện nó, rồi
bắt tay với nó hoặc mặc kệ nó. Ễnh ương cứ việc kêu, búa cứ việc đập.. Đó cũng
là cách nhìn thực tại cuộc sống bằng ánh mắt tâm linh. Linh mục Anthony De
Mello nhắc nhở chúng ta: “Hạnh phúc làm
cho cuộc sống hứng thú. Nnhưng nỗi khổ dẫn đến sự thăng tiến.”
Khổng Nhuận