"Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài. Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống. Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh." (Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận)

“Mác-ta! Mác-ta! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá!... "

“Mác-ta! Mác-ta! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi” (Lc 10, 41-42)
 
 
Biết bao trìu mến khi tên Mác-ta, Mác-ta được lặp lại hai lần. Nhà Be-ta-ni-a, nằm ở cửa thành Giê-ru-sa-lem, là nơi Đức Giêsu thường dừng lại với các môn đệ của mình. Bên ngoài, ở phố, Người phải tranh luận, gặp phản đối và khước từ, trái lại ở đây có an bình và đón tiếp.
 
Mác-ta là người đảm đang và hoạt động. Chị cũng cho thấy điều đó cả trong cái chết của người em, khi chị tranh luận với Đức Giêsu, khẩn khoản kêu cầu Người. Chị là một phụ nữ cứng rắn, tỏ ra một đức tin vững vàng. Khi được hỏi: “Chị có tin Thầy là sự sống lại và sự sống không?” chị không ngần ngại trả lời: “Vâng, thưa Thầy, con tin” (cf. Ga 11, 25-27).

Lúc này chị cũng bận bịu chuẩn bị cuộc tiếp đón xứng với vị Thầy và những môn đệ của Người. Chị là chủ nhà (như chính tên Mác-ta có nghĩa là “bà chủ nhà”) và như vậy chị cảm thấy mình có trách nhiệm. Có lẽ chị đang chuẩn bị bữa tối cho vị khách quan trọng. Maria, người em, đã để chị một mình lo công việc. Trái với thói thường ở phương Đông, thay vì ở dưới bếp, Maria ở lại với các ông, ngồi dưới chân Đức Giêsu, để nghe Người, đúng như một môn đệ đích thực. Vì vậy, chị Mác-ta đã phàn nàn can thiệp: “Em con để mình con phục vụ mà Thầy không để ý đến sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay!” (Lc 10, 40). Và đây là câu trả lời đầy yêu thương và cùng một trật thẳng thắn của Đức Giêsu:

“Mác-ta! Mác-ta! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá, chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi”

Có phải Đức Giêsu không hài lòng về sự đảm đang và phục vụ quảng đại của Mác-ta không? Người không thích sự tiếp đón cụ thể và không thích nếm những thức ăn mà chị đang chuẩn bị sao? Ngay sau câu chuyện này, trong các dụ ngôn Đức Giêsu ca tụng những người quản lý, những nhà kinh doanh và những đầy tớ biết dùng những nén bạc sinh lời và buôn bán (cf Lc 12, 42; 19, 12-26). Người ca tụng cả sự bất lương của họ (Lc 16, 1-8). Vậy Người không thể không vui mừng khi thấy một phụ nữ đầy sáng kiến như thế và có khả năng đón tiếp cách cụ thể và quảng đại.

Điều mà Người trách chị Mác-ta là sự bận rộn và lo lắng trong công việc. Bồn chồn, bị “nhiều công việc phục vụ chi phối” (Lc 10, 40), chị đã mất niềm an bình. Chị không còn phải là người điều khiển công việc, mà chính công việc đã mạnh thế và lèo lái. Chị không còn thoải mái, đã trở nên nô lệ cho công việc làm.

Đối với chúng ta, đôi khi cũng không xẩy ra là ta bị phân tán bởi hàng ngàn chuyện phải làm đó sao? Chúng ta bị chi phối và làm sao lãng bởi hệ thống mạng máy tính (internet), nói chuyện trên mạng (chat), bởi những tin nhắn (sms) vô ích. Cả khi đó là những dấn thân nghiêm chỉnh phải lo, chúng cũng có thể làm ta không chú ý đến người khác, quên lắng nghe những người bên cạnh. Cái nguy trên hết là ta không nhìn thấy lý do tại sao và cho ai mà ta làm việc ấy. Việc làm và những chuyện khác tự chúng trở thành mục đích.

Hoặc là chúng ta bị chi phối bởi nỗi lo âu và khích động trước những tình cảnh và vấn đề khó khăn về gia đình, kinh tế, công danh, học hành, tương lai của mình, của con cái, đến độ ta quên những lời của Đức Giêsu: “Vì thế anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây? Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm; Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó” (Mt 6, 31-32). Chúng ta cũng đáng bị những lời khiển trách của Đức Giêsu:

“Mác-ta! Mác-ta! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá, chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi”

Đâu là điều duy nhất cần thiết? Đó là lắng nghe và sống lời Đức Giêsu dạy. Trước những lời đó – như chính Người nói – tuyệt đối không thể đặt gì khác. Cách thế đích thực để tiếp đón Chúa, để Người cư ngụ là đón nhận điều Người dạy ta. Cũng đúng như chị Maria đã làm, là quên đi mọi sự, ngồi dưới chân Người và không để mất một lời nào của Người. Chúng ta sẽ không bị lèo lái bởi ao ước đưa mình lên hay đứng đầu, mà làm vui lòng Người, phục vụ Nước của Người.

Như chị Mác-ta, chúng ta cũng được mời gọi làm “nhiều chuyện” vì lợi ích cho người khác. Đức Giêsu đã dạy chúng ta rằng Chúa Cha vui lòng khi chúng ta mang lại “nhiều hoa trái” (cf Ga 15, 8) và còn làm được những việc lớn hơn Người làm nữa (cf Ga 14, 12). Vậy Người chờ đợi nơi chúng ta thái độ chuyên cần, lòng hăng say trong công việc trao cho ta thực hiện, óc sáng kiến, sự táo bạo, tinh thần sáng tạo. Nhưng không lo lắng và khích động, với niềm an bình đến từ việc biết rằng ta đang chu toàn ý Chúa muốn.

Vậy điều duy nhất quan trọng là trở thành môn đệ của Đức Giêsu, để cho Người sống trong ta, chú ý đến những gì Người đề ra, đến tiếng nói nhỏ nhẹ của Người, tiếng hướng dẫn ta từng giây từng phút. Như thế chính Người sẽ hướng dẫn ta trong mọi hành động.

Khi chu toàn “nhiều chuyện” chúng ta sẽ không sao lãng và bị phân tán, bởi vì, khi theo những lời Đức Giêsu dạy, ta sẽ được tình yêu thúc đẩy. Trong tất cả mọi công việc chúng ta sẽ luôn làm một việc duy nhất là yêu thương.
                                                                                                                                                                               Fabio Ciardi
("Lời sống" - tháng sáu 2015, Nhóm Hy Vọng)