"Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài. Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống. Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh." (Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận)

Cộng Đoàn: học đường yêu thương


Học và hành luôn đi đôi với nhau, đó là chìa khoá cho sự thành công, có một số người trời phú cho sự thông minh học đâu thuộc đó, nhưng để sử dụng cái máy tính nhân chia số thập phân thì chẳng biết bấm nút nào cho nó đúng! Cũng có người lái xe mô tô, chạy xe hơi ào ào, nhưng khi xe không khởi động máy thì chẳng biết đường nào mà rờ, đem tới thợ coi ra sao, té ra là đã khoá…xăng! Anh ta chưa hiểu lý thuyết vận hành của xe cộ!

Có một vài giáo dân thuộc làu làu mười điều răn Đức Chúa Trời và sáu điều luật Hội thánh; khi dự thánh lễ cha chưa giảng thì đã hiểu nội dung của bài Phúc Âm. Nhưng trong cuộc sống đời thường thì họ sống y như là người chưa biết chút gì về Lời Chúa: chửi thề, phóng túng, rượu chè, cờ bạc.v.v…họ chưa thực hành Lời Chúa, và họ bị người ta cho là “đồ vô đạo”.

Không có môi trường nào để học và thực hành đức ái tốt cho bằng trong cộng đoàn, bởi vì cộng đoàn là nơi để chúng ta học tập yêu thương, thực hành yêu thương và nuôi dưỡng yêu thương.

1. Học tập yêu thương

Cộng đoàn giáo xứ, cộng đoàn dòng tu hay một cộng đoàn tu hội đời, là một gia đình mà các thành viên trong cộng đoàn “không liên hệ huyết thống” gì với nhau như gia đình thân bằng quyến thuộc của mỗi người, cho nên, khi gia nhập cộng đoàn là chúng ta tách mình ra khỏi tình cảm huyết nhục cha mẹ, anh em, chị em, để chúng ta sát nhập vào một gia đình mới, không phải cùng huyết thống, mà là liên hệ trong đức tin, đó chính là làm con cái của tổ phụ A-bra-ham.

Ở trong cộng đoàn mới nầy, chúng ta phải học tập yêu thương những người mà trước đây mình không quen biết, thương yêu để nhẫn nhục vì tính kiêu ngạo, khó chịu của chị em, anh em; học tập yêu thương để yêu thương những khuôn mặt cay cú quạu vọ của người anh em, chị em trong cộng đoàn của mình.

Bởi vì không ai tin chúng ta khi chúng ta dạy người khác phải yêu thương nhau, mà chính chúng ta lại chưa biết yêu thương người anh em, chị em trong cộng đoàn của mình.

2/ Thực hành yêu thương

Linh mục Vincent Lebbe, người sáng lập bốn tu hội, cộng đoàn đã nói: “Thật yêu người tức là luôn luôn làm cho người ta trước, sau đó đến mình, khiến cho người ta tự mình được an ủi thật sự và ích lợi thật sự” .

Để trở thành một Ki-tô hữu chân chính, thì không những phải học yêu thương mà còn là phải thực hành yêu thương. Học tức là suy tư, biện luận, phản bác, có nghĩa là dùng lý trí để suy xét, nhưng học yêu thương thì không phản bác, không biện luận, không xét nét gì cả, mà chỉ có dùng trí khôn ngoan để tìm cách thi hành đức ái sao cho hoàn hảo nhất mà thôi.

Đức Chúa Giê-su chết trên thập giá vì yêu nhân loại tội lỗi, Ngài đã không phản bác, không biện luận, không xét nét, nhưng đã chọn cái chết khốc liệt nhất để yêu và cứu chuộc nhân loại. Cũng có nghĩa là Ngài đã làm cho nhân loại trước là được cứu chuộc; sau đó đến mình là hoàn tất công trình cứu chuộc nhân loại bằng sự phục sinh vinh hiển. Ngài đã thực hành yêu thương.

Nơi lý tưởng nhất để thực hành yêu thương chính là trong cộng đoàn của chúng ta.

3/ Nuôi dưỡng yêu thương

Đi truyền giáo tức là đi đến nơi mà chúng ta chưa biết chưa quen, ở với một dân tộc hoặc một địa phương mà phải mất nhiều năm chúng ta mới thích nghi được với đời sống của họ. Tóm lại là vô cùng khó khăn, nhưng khó khăn và cảm thấy bị bỏ rơi nhất chính là khi chúng ta bị nỗi đơn dày vò, chính vì vậy mà có rất nhiều anh em, chị em đã ra đi không trở lại.

Cộng đoàn chính là nơi nuôi dưỡng yêu thương, để khi chúng ta ra đi gặt hái trên cánh đồng truyền giáo, gặp những khó khăn, đau khổ, chúng ta lại được bồi dưỡng tinh thần, giải toả những khó khăn, tìm lại được giây phút yêu thương đầm ấm ngay trong chính cộng đoàn của mình. Vì hiểu được điều ấy, mà có một số dòng tu có một nội quy rất dễ thương: các thành viên sau ba năm phục vụ ở ngoài xã hội, thì trở về nhà dòng mẹ từ ba đến bốn tháng để nghỉ ngơi, bồi dưỡng tinh thần cũng như sức khoẻ…

Tổng thống Mỹ John F. Kennedy nói: “Đừng hỏi tổ quốc đã làm gì cho tôi, nhưng hãy hỏi tôi đã làm gì cho tổ quốc”. Nếu chúng ta chưa tìm được nơi cộng đoàn sự yêu thương, thì nên tự hỏi mình: tôi đã làm gì cho cộng đoàn của tôi để đức ái được phát triển?

Học tập yêu thương và thực hành yêu thương, chính là dấu hiệu của người môn đệ của Đức Chúa Giê-su trong thế kỷ 21 nầy vậy !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.