Trong lời này chứa đựng tất cả luân lý Kitô giáo. Hành động của con người, nếu muốn được như Thiên Chúa nghĩ khi Người tạo dựng nên ta, và như vậy đích thực là hành động của con người, thì phải được tình yêu làm sinh động. Cuộc hành trình – ám chỉ về cuộc sống – để đạt đến mục đích thì phải được hướng dẫn bởi tình yêu, là điều tóm tắt toàn thể lề luật.
Thánh Phao-lô tông đồ đưa ra lời nhắn nhủ này với các tín hữu Kitô ở Ê-phê-xô, như lời kết thúc và tóm lược những gì thánh nhân vừa viết cho họ về cách sống Kitô: đó là đi từ con người cũ sang con người mới, sống chân thực và thành thực với nhau, không trộm cắp, biết tha thứ, làm điều tốt…, tắt một lời là “bước đi trong tình bác ái”.
Nên đọc tất cả câu từ đó trích ra lời quyết định, lời sẽ đồng hành với chúng ta suốt cả tháng: “Anh em hãy bắt chước Thiên Chúa, vì anh em là con cái Người yêu thương, và hãy sống trong tình bác ái, như Đức Ki-tô đã yêu thương chúng ta, và vì chúng ta, Người đã tự nộp mình làm hiến lễ, làm hy lễ dâng lên Thiên Chúa tựa hương thơm ngào ngạt“.
Thánh Phao-lô xác tín rằng mỗi thái độ của chúng ta đều phải lấy thái độ của Thiên Chúa làm gương mẫu. Nếu tình yêu là dấu chỉ đặc biệt của Thiên Chúa, thì đó cũng phải là dấu chỉ đặc biệt của các con cái Người: họ phải bắt chước Thiên Chúa về điều đó.
Nhưng làm thế nào chúng ta có thể biết được tình yêu của Thiên Chúa? Đối với thánh Phao-lô điều đó rất rõ rệt: tình yêu được tỏ hiện nơi Đức Giêsu, Người cho thấy Thiên Chúa yêu thương thế nào và bao nhiêu. Chính thánh Tông đồ đã trải nghiệm điều đó: “Người đã yêu thương tôi và đã hiến mạng vì tôi” (Gl 2, 20), và bây giờ thánh nhân tỏ lộ điều đó cho tất cả mọi người, để nó trở thành kinh nghiệm của toàn thể cộng đoàn.
“Anh em hãy bước đi trong tình bác ái”
Đâu là mức độ tình yêu thương của Đức Giêsu mà tình yêu thương của chúng ta phải lấy làm mẫu mực? Chúng ta biết, tình yêu thương ấy không có giới hạn, không loại trừ hay ưa chuộng người nào hơn. Đức Giêsu đã chết cho mọi người, cả cho những kẻ thù ghét Người, cho kẻ đóng đinh Người, đúng như Chúa Cha, trong tình thương phổ quát của Người, cho mặt trời mọc lên và mưa xuống trên tất cả mọi người, tốt cũng như xấu, tội lỗi cũng như chính trực. Nhất là Người biết lo cho kẻ bé mọn và nghèo khổ, cho người bệnh tật và những người bị loại ra ngoài; Người đã yêu thương bạn hữu cách nồng nhiệt; đặc biệt Người gần gũi với các môn đệ. Lòng yêu thương của Người không chừa điều gì, nó đạt đến cực độ là hiến mạng sống mình.
Và bây giờ Người mời gọi tất cả mọi người chia sẻ chính lòng yêu thương của Người, là yêu thương như Người đã thương yêu. Lời mời gọi này có thể làm ta sợ hãi, vì nó quá đòi hỏi. Làm thế nào ta có thể là những người bắt chước Thiên Chúa, Đấng yêu thương mọi người, yêu thương luôn luôn, yêu thương trước? Làm thế nào yêu thương được với mức độ tình thương của Đức Giêsu? Làm thế nào sống “trong tình bác ái”, như Lời Sống đòi ta?
Điều này chỉ có thể được, nếu trước đó chính ta đã trải nghiệm mình được yêu thương. Trong câu “anh em hãy bước đi trong tình bác ái, như Đức Kitô đã yêu thương chúng ta”, từ như cũng có thể dịch là bởi vì.
“Anh em hãy bước đi trong tình bác ái”
Bước đi ở đây đồng nghĩa với hành động, đối xử, để nói là mỗi hành động của chúng ta đều phải được linh ứng và thúc đẩy bởi tình thương. Nhưng có lẽ không phải tình cờ mà thánh Phao-lô dùng từ sinh động này để nhắc nhở chúng ta là yêu thương thì phải học biết, là có cả một con đường phải đi để đạt đến cõi lòng rộng rãi của Thiên Chúa. Thánh nhân cũng dùng những hình ảnh khác để chỉ việc cần phải liên tục tiến triển, như sự lớn lên từ khi mới sinh đến tuổi trưởng thành (cf 1 Cr 3, 1-2), việc phát triển một vườn cây, việc xây dựng một tòa nhà, cuộc chạy đua trong sân vận động để dành được giải thưởng (cf 1 Cr 9, 24).
Chúng ta không bao giờ là những người đã đến nơi. Cần phải có thời gian và lòng trung kiên để đạt đích mà không đầu hàng trước những khó khăn, mà không bao giờ để mình thất vọng vì những thất bại và những sai lầm, luôn sẵn sàng bắt đầu lại, mà không phó mặc cho sự tầm thường.
Thánh Au-gu-ti-nô người Hi-pô-na, có lẽ khi nghĩ đến cuộc hành trình đau thương của mình, đã viết về điều đó như sau: “Nếu Bạn muốn đạt đến điều bạn chưa có, thì Bạn cảm thấy không luôn luôn hài lòng về chính mình. Thực vậy ở đâu bạn cảm thấy mình hài lòng, thì bạn dừng lại; và còn nói: “Như thế đủ rồi”, và như thế bạn qụy xuống. Hãy liên tục thêm vào, hãy luôn luôn bước đi, liên tục tiến lên: đừng dừng lại dọc đường, đừng quay mặt lại, đừng rẽ ngang. Người nào không tiến lên thì lùi lại” (Sermo 169, 18: PL 38, 296)
“Anh em hãy bước đi trong tình bác ái”
Làm thế nào ta bước đi nhanh hơn trên con đường thương yêu? Bởi vì lời mời gọi ngỏ với toàn thể cộng đoàn – “anh em hãy bước đi” - , thì giúp đỡ lẫn nhau là điều ích lợi. Thực vậy thật buồn rầu và khó khăn khi ta một mình thực hiện cuộc hành trình.
Chúng ta có thể bắt đầu bằng cách tìm dịp để lặp lại với nhau một lần nữa - với bạn bè, với người trong gia đình, với những thành phần của cùng một cộng đoàn Kitô … - ý muốn cùng nhau bước đi. Chúng ta có thể chia sẻ những kinh nghiệm tích cực về việc đã yêu thương thế nào, để học hỏi lẫn nhau. Chúng ta có thể tâm sự, với người có thể hiểu được, những sai lầm đã phạm và những lúc đi trệch đường, để sửa đổi. Việc cùng nhau cầu nguyện cũng có thể đem lại cho ta ánh sáng và sức mạnh để tiến tới.
Hiệp nhất với nhau và với Đức Giêsu ở giữa chúng ta – Đấng là đường! – thì ta sẽ đi đến cùng cuộc “hành trình nên thánh” của ta: ta sẽ gieo rắc lòng yêu thương chung quanh mình và đạt tới đích là Tình yêu!
Fabio Ciardi
"Lời sống" - tháng 8 năm 2015