"Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài. Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống. Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh." (Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận)

Tượng Đức Mẹ Fatima được rước sang Syria


Tính đến đầu tháng 8 năm nay, quân khủng bố Hồi Giáo IS đã chiếm được toàn bộ phần phía Đông của Syria, tức là hơn một nửa nước Syria và tiếp tục giành được những chiến thắng vang dội. Quân khủng bố Hồi Giáo IS giờ đây kiểm soát toàn bộ đường biên giới giữa Syria và Iraq.

Trước tình cảnh điêu linh của người dân Syria với 4 triệu người phải di tản ra nước ngoài, 7,600,000 người phải tản cư bên trong Syria, hầu hết các thành phố đều bị tàn phá nặng nề, Đức Giám Mục giáo phận Leiria-Fátima, Bồ Đào Nha, phối hợp với phong trào Blue Army, hay còn gọi là Đạo Binh Xanh, quyết định đưa thánh tượng Đức Mẹ Fatima từ Đền Thánh Fatima ở Bồ Đào Nha sang thủ đô Damascus của Syria.

Bộ ngoại giao Syria hoan nghênh quyết định thể hiện tình liên đới này và cho biết thánh tượng Đức Mẹ Fatima sẽ đến thủ đô Damascus vào ngày 7 tháng Chín tới đây.

Trong thông báo về diễn biến này, Đức Cha António Augusto dos Santos Marto của giáo phận Leiria-Fátima thúc giục Liên Hiệp Quốc và Liên Hiệp Âu Châu “đừng bỏ rơi các nạn nhân của bất khoan dung và chủ nghĩa cực đoan tôn giáo”.

Đức Cha António nói thêm rằng quyết định của ngài là để đáp lại lời mời gọi của các Giám Mục Trung Đông là những người đang phải đau lòng chứng kiến sự tận diệt Kitô Giáo trong vùng.

Cách đây gần 2 năm, theo lời yêu cầu của Đức Thánh Cha Phanxicô, thánh tượng Đức Mẹ Fatima đã được đưa ra khỏi Đền Thánh Fatima và đưa về Roma hôm 12 tháng 10 năm 2013 trong nghi thức tái thánh hiến thế giới cho Trái Tim Đức Mẹ được tổ chức vào chiều ngày thứ Bẩy 12 và sáng Chúa Nhật 13 tháng 10 tại quảng trường Thánh Phêrô. Dịp Đại Năm Thánh 2000, thánh tượng Đức Mẹ Fatima cũng đã được đưa về Rôma khi Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 cử hành nghi thức phó thác thế giới và Giáo Hội cho Đức Mẹ, vào ngày 8 tháng 10 năm 2000 tại Quảng trường Thánh Phêrô, trước sự hiện diện của 1,500 Giám Mục thế giới.

Nguồn: VietCatholic

Nhóm khủng bố IS tàn phá tu viện cổ kính Siria

Roma (Vat. 22-08-2015) - Tu viện Mar Elian cổ xưa có từ thế kỷ thứ V sau tây lịch tọa lạc tại thành phố Qaryatayn bên Siria, vừa bị lực lượng gọi là nhà nước Hồi giáo IS triệt phá thành bình địa.

Từ khi nhà nước hồi giáo IS chiếm Qaryatayn hồi tháng 5 năm 2015, họ đã bắt cóc cha Jacques Mourad, viện trưởng tu viện Mar Elian dẫn đi biệt tích cho đến nay. Toàn thể nhân sự của tu viện đã phải chuyển dời sang Deir Mar Musa, một tu viện khác trong vùng. Trong một cuộc phỏng vấn do phái viên Gabriella Ceraso của đài Vatican thực hiện mới đây, cha Youssef Jihad thuộc tu viện Deir Mar Musa khẳng định rằng kể từ ngày 04 tháng 08 năm 2015, khi quân đội mệnh danh là nhà nước Hồi giáo chiếm thị trấn Qaryatayn, không ai có tin tức thẳng từ tu viện Mar Elian nữa. Chỉ biết rằng trước đây, tại tu viện có một nhóm nhân viên đời, vừa tín hữu hồi vừa người Kytô làm việc chung, nhưng khi quân IS đến nơi, họ ra lệnh tất cả phải rời bỏ nơi này trong vòng 1 tiếng đồng hồ, nếu không sẽ bị giết. Tất cả mọi người đã phải bỏ trốn ngay lập tức. 

Sau đó, nhiều hình ảnh tung lên mạng cho thấy cảnh tàn phá tu viện, từ tháp chuông đến thánh giá và khu vực khảo cổ. Bọn IS, tự mệnh danh là nhà nước hồi giáo nhưng thực ra không biết gì về hồi giáo cả. Tất cả những gì họ muốn là loại bỏ lịch sử quốc gia, là tàn phá tất cả những gì tốt lành và có ý nghĩa tại đây. Họ có thể tàn phá các tu viện, thánh giá, bóp méo khuôn mặt chân chính của hồi giáo mà chúng tôi thân thương và kính trọng, nhưng không thể nào loại bỏ Ðức Tin của chúng tôi, không thể nào giết chết hy vọng của chúng tôi. Trong lúc này, lời xác tín của chúng tôi xem ra không thể hiện thực được, nhưng chúng tôi đã vững tin vào Chúa Phục Sinh.

Theo cha Jihad, tu viện Mar Elian bị tàn phá là một ốc đảo an bình đối với người dân trong vùng, nhất là người hồi giáo, và là một dấu chỉ hy vọng. Trước đây có khoảng 47, 48 gia đình kytô sống trong vùng này, với hơn 100 trẻ em. Cộng đoàn tu viện Deir Mar Musa hiện nay có 4 nam tu sĩ và 2 nữ tu, sống trong hy vọng và chờ đợi ngày về của hai linh mục bị bắt cóc mất tích là cha Paolo Dall'Oglio, dòng Tên và cha Jacques Mourad. Cha Jihad nói thêm là tuy có lo âu, nhưng toàn cộng đoàn đều cầu xin Thiên Chúa củng cố lòng Tin và cuộc sống chung hòa bình cho vùng này. Nhưng nếu tình hình tiếp tục trầm trọng thêm, vùng Trung Ðông có thể sẽ không còn bóng dáng ky tô hữu nữa.

Trong những ngày qua, Hoa Kỳ cho biết là có những bằng chứng cho thấy cái gọi là nhà nước Hồi giáo đã dùng vũ khí hóa học chống lại nhóm dân quân Peshmerga người Kurde hôm 11 tháng 08 năm 2015. Tình hình Siria ngày càng trầm trọng thêm. Tại biên giới phía Nam, giáp với Israel, những vụ chạm súng gần đây làm ít nhất 5 người chết và hàng chục người khác bị thương, vừa quân nhân vừa dân lành. Tại mạn Trung, quanh thành phố Homs, quân đội nhà nước hồi giáo tiếp tục tàn phá các địa điểm ky tô, trong đó có nhiều nơi được llieejt vào hàng gia sản văn hóa thế giới.

Mai Anh
(Radio Vatican)