"Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài. Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống. Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh." (Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận)

Yêu người thân cận


“Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình”
(Mc 12, 31)

Đây là một trong những lời của Tin Mừng đòi ta phải đem sống ngay lập tức, một cách trực tiếp. Nó thật rõ ràng, trong sáng – và đòi hỏi – mà nhiều điều răn khác không như thế. Để nhận ra sức mạnh chứa đựng ở đó thì có thể ta nên đặt lời này vào mạch văn. Đức Giêsu đang trả lời cho câu hỏi của một kinh sư - một trong những nhà thông Kinh thánh -, ông hỏi Người đâu là điều răn cao trọng nhất. Đó là một câu hỏi bỏ ngõ, nhất là từ khi trong Kinh thánh người ta đã tìm ra 613 giới luật phải giữ.

Một trong những bậc thầy nổi tiếng sống mấy năm trước, Ráp-bi Shammaj đã từ chối không cho biết điều răn cao trọng nhất. Trái lại những người khác, như sau đó Đức Giêsu sẽ làm, đã nhắm đến tình yêu là trung tâm điểm. Ráp-bi Hillel, chẳng hạn khẳng định rằng: “Đừng làm cho người thân cận những gì đối với bạn là đáng ghét, đó là toàn thể lề luật. Những gì sau đó chỉ là giải thích mà thôi” (TB, Shab. 31a).

Đức Giêsu không chỉ lấy lại giáo huấn vể tình yêu là trung tâm điểm, mà đặt chung vào như một điều răn duy nhất, tình yêu đối với Thiên Chúa (cf Đnl 6, 4) và tình yêu đối với người thân cận (cf Lv 19, 18). Câu trả lời Người đáp lại vị kinh sư hỏi Người thực sự là: “Điều răn đứng đầu là: Nghe đây, hỡi Ít-ra-en, Thiên Chúa chúng ta là Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Người, Thiên Chúa của người, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó”.

“Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình”

Phần thứ hai của cùng một điều răn diễn tả phần thứ nhất, là lòng yêu mến Thiên Chúa. Thiên Chúa thật thương yêu tạo vật của mình đến độ để ban cho tạo vật niềm vui, để tỏ ra cho chúng bằng hành động tình yêu mà chúng ta có đối với Người, thì không có một cách nào tốt hơn là trở nên diễn tả tình yêu của Người đối với mọi người. Như những cha mẹ hài lòng khi thấy con cái mình hoà thuận với nhau, giúp đỡ lẫn nhau, hiệp nhất với nhau, thì Thiên Chúa cũng vậy - đối với chúng ta Người giống như một người cha và người mẹ -, Người hài lòng khi thấy chúng ta yêu thương người thân cận như chính mình, như vậy góp phần vào sự hiệp nhất của gia đình nhân loại.

Từ hàng thế kỷ các vị Tiên tri đã giải thích cho dân Ít-ra-en rằng Thiên Chúa muốn tình yêu chứ không cần hy lễ và lễ vật toàn thiêu (cf Hose 6, 6). Chính Đức Giêsu cũng lấy lại giáo huấn của các tiên tri, khi Người khẳng đinh: “Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: Ta muốn lòng nhân từ, chứ đâu cần lễ tế” (Mt 9, 13). "Thực vậy làm thế nào có thể yêu mến Thiên Chúa mà ta không thấy, nếu ta không yêu mến người anh em ta trông thấy?” (cf 1Ga 4, 20). Ta yêu mến Người, ta phục vụ Người, ta tôn kính Người, theo mức độ chúng ta mến yêu, phục vụ mỗi người, bạn hữu hay xa lạ, thuộc dân tộc mình hay những dân tộc khác, nhất là những người “bé mọn”, những người thiếu thốn nhất.

Đó là lời mời gọi các Kitô hữu thuộc mọi thời đại, phải biến đổi việc thờ phượng nên sự sống, phải đi ra ngoài nhà thờ, nơi họ thờ lạy, mến yêu, ca tụng Thiên Chúa, để đi gặp người khác, để thể hiện những gì họ đã học được trong lời cầu nguyện và trong sự hiệp thông với Thiên Chúa.

“Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình”

Vậy làm thế nào ta sống được điều răn này của Chúa? Trước hết chúng ta nhớ rằng điều răn này thuộc về một câu nói không thể tách rời để hiểu về tình yêu Thiên Chúa. Cần phải có thời giờ để biết tình yêu là gì và yêu mến thế nào, và như thế cần phải dành chỗ cho những giây phút cầu nguyện, “chiêm niệm”, chuyện vãn với Chúa: ta học điều đó nơi Thiên Chúa, Đấng là Tình yêu. Khi ta ở với Thiên Chúa, ta không cướp mất thời gian của người bên cạnh, hơn thế ta chuẩn bị để mến yêu theo cách thức càng ngày càng quảng đại hơn và thích hợp hơn. Cùng một trật, khi ta trở lại với Thiên Chúa sau khi đã yêu thương người khác, thì lời cầu nguyện của ta sẽ đích thực hơn, cụ thể hơn, và cùng với tất cả những người ta đã gặp mà ta đưa đến với Chúa.

Để mến yêu người thân cận như chính mình thì cần phải hiểu biết người ấy như hiểu biết chính mình. Ta phải đạt đến chỗ mến yêu như người khác muốn được thương yêu và không như ta thích mến yêu người đó. Bây giờ xã hội chúng ta càng ngày càng trở nên đa văn hóa, với sự hiện diện của những người đến từ những thế giới rất khác biệt, thì thách đố còn lớn hơn nữa. Người nào đến một nước mới thì phải biết những truyền thống, những giá trị của nước đó; chỉ như vậy người đó mới có thể hiểu và mến yêu những công dân của mình. Cũng thế đối với người tiếp đón những người di dân mới, họ thường lạc lõng, vì tiếng nói mới, với những vấn đề hội nhập.

Những khác biệt đều có ở ngay bên trong cùng một gia đình, hoặc trong những môi trường làm việc và hàng xóm, cả khi chúng được tạo thành bởi những người cùng một văn hóa. Đối với chúng ta, có phải ta thích gặp người nào sẵn sàng dành thời giờ để lắng nghe ta, người nào giúp đỡ ta chuẩn bị bài thi, để tìm ra chỗ làm việc, để xếp đặt lại nhà cửa phải không? Có lẽ người khác cũng có những đòi hỏi giống như vậy. Chúng ta phải biết đoán ra, bằng cách để ý đến người đó, đặt mình lắng nghe thực sự, đặt mình vào chính hoàn cảnh của người đó.

Cũng nên để ý đến phẩm chất của tình yêu. Tông đồ Phao-lô, trong bài ca nổi tiếng về đức ái, kể ra một số những đặc điểm mà nhắc lại thì không phải là điều vô ích: đức ái thì nhẫn nhục, muốn điều tốt cho người khác, không ghen tị, không vênh vang, coi người khác quan trọng hơn mình, không thiếu lòng kính trọng, không tìm tư lợi, không nóng giận, không để ý đến điều ác đã chịu, mà che phủ mọi sự, tin tưởng tất cả, hi vọng tất cả, chịu đựng tất cả (cf 1Cr 13, 4, 7). Như vậy biết bao nhiêu dịp và bao nhiêu cách thế khác nhau để sống lời:

“Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình”

Cuối cùng ta có thể nhớ lại rằng quy luật của cuộc sống nhân loại này làm nền tảng cho “khuôn vàng thước ngọc” mà ta gặp nơi tất cả các tôn giáo và nơi các vị thầy danh tiếng của chính nền văn hóa “trần tục”. Ta có thể tìm ra, tại nguồn gốc của chính truyền thống văn hóa hay niềm tin tôn giáo, những lời mời gọi tương tự để mến yêu người thân cận và giúp ta cùng nhau sống, người Ấn giáo và Hồi giáo, người Phật tử và những người theo các tôn giáo truyền thống, người Kitô và những người thiện chí.

Chúng ta phải cùng nhau làm việc để tạo nên một tâm thức mới đem lại giá trị cho người khác, điều ghi khắc sự tôn trọng con người, bảo vệ những dân thiểu số, chú ý đến những người yếu thế hơn, điều đưa ra ta khỏi những lợi ích của riêng mình để đặt những lợi ích của người khác vào chỗ nhất.

Nếu tất cả chúng ta thật sự ý thức là phải yêu mến người thân cận như chính mình, đến chỗ không làm cho người khác điều ta không muốn làm cho mình và ta phải làm cho người khác điều ta muốn người khác làm cho ta, thì chiến tranh sẽ chấm dứt, tham nhũng sẽ biến mất, tình huynh đệ đại đồng sẽ không còn phải là điều không tưởng, nền văn minh tình thương sẽ chóng trở thành thực tại.

Fabio Ciardi
("Lời sống" . tháng 9-2015)