"Mọi người đều mong mỏi Quốc Hội Hoa Kỳ ngưng chống đối nhau và bắt đầu chung sức hoạt động cho công ích, và ngay cả Đức Thánh Cha Phanxicô cũng thế" là lời cuả vị niên trưởng của nhóm 9 vị cố vấn đặc biệt (8 Hồng Y và 1 TGM) về việc cải tổ các cơ cấu của Tòa Thánh.
ĐTC Phanxicô sẽ là vị giáo hoàng đầu tiên đọc một thông điệp trước lưỡng viện quốc hội cuả Hoa Kỳ tại điện Capitol. Bản thông điệp này đang được đồn đoán một cách đặc biệt hơn hết các bản thông điệp khác ở New York (trước đại hội đồng Liên Hiệp Quốc) và ở Philadelphia (trước Đại Hội Quốc Tế về Gia Đình). Sở dĩ như vậy là vì quốc hội Hoa Kỳ đang ở giữa mùa tranh cử và bầu khí đấu tranh chính trị đang nóng lên dữ dội.
"Ngài sẽ đến một cách khiêm tốn nhưng sẽ nói một cách rất rõ ràng," theo lời cuả ĐHY Oscar Rodriguez Maradiaga của Honduras trước một cử tọa gồm nhiều giáo sư và sinh viên cuả viện ĐH Công Giáo Georgetown University ở Washington DC vào ngày 29.04.2015.
ĐTC Phanxicô đã không ngại ngùng trong việc cổ võ những giáo huấn cuả Giáo Hội về công bằng kinh tế, biến đổi khí hậu và di dân, dù đó là những vấn đề nóng bỏng còn trong vòng tranh cãi chính trị. Và vì thế mà nhiều người trong giới chính trị bảo thủ cuả Hoa Kỳ đã cảm thấy bồn chồn.
Nhưng có vẻ như "ĐTC sẽ không thay đổi cung điệu", theo lời của ĐHY Maradiaga khi mô tả 4 chủ đề mà ĐGH có thể sẽ đề cập tới trong cuộc Tông Du Hoa Kỳ vào tháng 9 tới:
1. Hãy đón nhận người di cư
ĐHY Maradiaga nhắc lại việc ĐTC Phanxicô đã mong muốn đi vào Hoa Kỳ qua lối biên giới với Mễ Tây Cơ để tỏ ra một cử chỉ nhấn mạnh đến nhu cầu phải 'xây cầu' tiếp đón những ngưòi di dân, chứ không nên 'dựng tường' để loại trừ nhau. Nhưng chương trình Tông Du khít khao không cho phép Ngài làm như thế, cho nên hầu như chắc chắn ĐTC sẽ đề cập đến vấn đề đó tại điện Capitol.
"Vùng xa mạc của Mỹ Châu không nên để trở thành một mồ chôn hay một nghĩa địa," ĐHY Maradiaga ám chỉ đến những người di dân xấu số đã bỏ mình trong những bãi cát nóng bỏng ở vùng biên giới Arizona và Texas.
Đây là một chủ đề đang gây chia rẽ lớn lao tại Hoa Kỳ. Tuy rằng mọi người đều đồng ý cần phải cải tổ luật lệ để giải quyết nạn di dân bất hợp pháp, tuy nhiên không ai có thể đồng ý với ai là luất ấy sẽ phải ra sao, ưu tiên ở điểm nào.
Những lời kêu gọi liên lỉ cuả ĐTC hình như đã có chút tác động trên cử tri Mỹ, mới đây (03.08.2015) một cuộc thăm dò của Quinnipiac University National Poll cho thấy rằng có đến 55% cử tri Mỹ đồng ý những người di dân bất hợp pháp nên được ở lại Hoa Kỳ và nhập quốc tịch. Nếu chỉ cho phép ở lại mà thôi thì con số ủng hộ thêm lên được 9% nữa là 64%, chỉ có 32% đòi hỏi họ phải trở về nguyên quán. 76% người theo đảng Dân Chủ đồng ý cho phép những người di dân bất hợp pháp ở lại, còn 49% Cộng Hoà thì đòi họ phải ra đi.
2. Hãy xóa bỏ những bất công kinh tế
"Chủ nghĩa tư bản không phải là một vị thần thánh. Cũng không từ Thiên Chúa. Nó cũng không phải là một hệ thống hoàn thiện mà không cải tiến hơn lên được," ĐHY Maradiaga nói. "Hệ thống này đã tạo ra một mức chênh lệch giàu nghèo quá lớn."
Một hệ thống kinh tế công chính là một hệ thống có thể làm cột trụ cho các gia đình. ĐHY Maradiaga cho biết thông điệp của ĐTC sẽ tập trung vào việc nâng đỡ tầng lớp trung lưu đang phải chật vật để củng cố mái ấm gia đình cuả mình.
"Nền kinh tế thị trường tự do không hoàn hảo. Chúng ta cần một nền kinh tế thị trường hướng về công ích. Đây là sự đóng góp của nền xã hội học Công Giáo - là một cố gắng đưa yếu tố xã hội vào nền kinh tế tự do để cho nó được công bình hơn," ĐHY nói. "Thật là bất công khi một hệ thống kinh tế có thể tạo ra nhiều sự giầu sang đến như thế mà lại song song tạo ra nhiều sự nghèo khổ đến như thế."
3. Hãy bảo vệ môi trường sống
ĐTC Phanxicô đã phát hành một tông huấn về môi trường và kêu gọi phải có hành động để hoá giải những nguy cơ: "ĐTC muốn đi thẳng vào trách nhiệm cuả những người đã được rửa tội, là trách nhiệm đối với sự tạo thành vũ trụ." ĐHY Maradiaga nói.
"Chúng ta không thể tiếp tục đùa giỡn với con tạo bằng những việc làm ô nhiễm."
Đây là một điểm đang gây phẫn nộ cho giới bảo thủ, phần đông theo đảng Cộng Hoà, là giới có nhiều quyền lợi gắn bó với nền kỹ nghệ năng lượng.
Nhưng họ sẽ gây ồn ào bao nhiêu hay sẽ nín lặng hoàn toàn thì còn tùy thuộc vào việc bắt mạch thái độ cuả quần chúng. Cuộc thăm dò cuả Quinnipiac University National Poll đã nói ở trên cho thấy rằng thông điệp về môi sinh cuả ĐTC được ủng hộ một cách mạnh mẽ (huge). Cử tri Mỹ đồng ý với ĐGH là 65./.27 (65% đồng ý so với 27% không đồng ý), trong đó tỷ số cuả những người theo phe Dân Chủ là 89./.9, những người độc lập là 67./.27 và ngay trong nội bộ đảng Cộng Hòa tuy số chống cao hơn nhưng tỷ số không chênh lệch là bao nhiêu, chỉ hơn 8 điểm và vẫn là ở trong vòng sai biệt (48./.40).
4. Hãy cưỡng lại tinh thần bè phái, phát huy đối thoại chứ đừng phát huy chủ nghĩa
"Đã xảy ra cho nhiều người Công Giáo, bắt đầu là việc tranh cãi về chính trị, rồi lây lan ra tranh cãi về Giáo Hội," ĐHY Maradiaga cho biết.
"Tôi đã thấy có nhiều giáo dân nghĩ rằng trước tiên họ phải là những đảng viên Dân Chủ hoặc Cộng Hoà, rồi sau đó mới là người Công Giáo. Đây là một vấn đề rất lớn. Bởi vì chúng ta phải đặt ưu tiên cho đúng chỗ. Thiên Chúa lúc nào cũng phải ở trên hết, rồi sau đó mới kể đến các định chế cuả con người."
Để giải quyết tranh cãi thì cần phải phát huy đối thoại, "mà trước khi đối thoại thì phải lắng nghe. Ngay cả những dân biểu nghị sĩ cũng phải lắng nghe, ít ra là từ các cố vấn cuả họ. Lắng nghe là một thái độ mà chúng ta cần học hỏi và tập tành. Những người nghe được nhiều lời khuyên thì ít phạm phải lỗi lầm. Vì thế mà tôi nghĩ rằng Quốc Hội Hoa Kỳ nên lắng nghe ĐTC, dù cho có nhiều điều sẽ không thoải mái cho họ," Hồng Y nói tiếp.
"Một trong những điều căn bản cho một cuộc đối thoại thẳng thắn là phải giữ bình an trong tâm hồn, bình an trong thái độ và nhân cách, và là một người muốn mang lại sự bình an. Đừng đào thêm hào lũy. Khi bạn chiến đấu dưới giao thông hào, khi bạn thủ thế để bảo vệ cho một chủ nghĩa, thì bạn không còn khả năng đối thoại nữa."
Nguồn:VietCatholic