"Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài. Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống. Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh." (Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận)

Tương quan sự sống đời đời


Người ta thường nói ngủ là hình bóng của sự chết, nhưng khi sang viếng Đất Thánh, đến viếng Nhà Đức Mẹ Ngủ thì chúng tôi lại có một ý niệm ngược lại, không phải ngủ là hình bóng của sự chết, mà chết chỉ là một giấc ngủ.

Điều này chính Chúa Giê-su đã nói với các tông đồ: “La-da-rô, bạn Ta đang ngủ, Ta hãy đánh thức anh ấy dậy” (Ga 11,11). Các tông đồ đơn sơ thưa với Chúa: “Anh ấy ngủ thì anh ấy dậy, việc gì ta phải đi đánh thức” (Ga 11,12). Lúc ấy Chúa Giê-su mới nói rõ: “La-da-rô bạn ta chết rồi” (Ga 11,14). Như vậy, đối với mỗi người chúng ta sự chết là một quan niệm quá nặng nề. Quan niệm ấy cho rằng chết là một sự phũ phàng. Người chết là người xấu số vì cái chết là một sự kinh hoàng, đột nhập và phá đi tất cả những gì người ta đang lên kế hoạch, đang thực hiện ở đời này và cảm giác như sự chết phá hoại cả hạnh phúc gia đình, phá hoại cả công danh, sự nghiệp của cá nhân... Rất nhiều những quan niệm nặng nề, và càng suy thì càng thấy sợ. Vì thế, người ta muốn tránh xa sự chết, càng xa càng tốt; người ta chúc nhau mạnh khỏe, sống lâu trăm tuổi; người ta cố gắng kéo dài sự chết đến mức nếu có thể được thì người ta cũng dám kéo dài tới tận trường sinh bất tử.

Sách Khôn Ngoan mà chúng ta thường nghe đọc trong các lễ cầu hồn đã trả lời thay cho chúng ta tất cả những điều đó: “Đối với con mắt của những người không hiểu biết thì như các ngài đi vào cõi tiêu diệt, nhưng thật ra các ngài sống trong bình an” (Kn 4,14). Đó chính là câu trả lời chính xác nhất. Vì người ta coi chết là đi vào cõi tiêu diệt, nên người ta thêu dệt xung quanh sự chết với bao nhiêu là sợ hãi. Còn nếu nhìn rõ “các ngài đi vào sự bình an” thì có gì đâu mà lo lắng. Bởi vậy, ai đến ngôi nhà thờ được đặt tên là Nhà Đức Mẹ Ngủ, đều có lối nhìn thay đổi về sự chết. Ở vị trí trung tâm Ngôi nhà thờ này, là pho tượng Đức Mẹ ngủ. Mặc dầu đã có chấn song chắn bên ngoài, nhưng ai cũng cố gắng với tay để chạm vào gấu áo của Mẹ, chạm vào chân của Mẹ, và hầu hết là chạm vào đầu của Mẹ. Đức Mẹ ngủ ở đây nghĩa là Đức Mẹ chết! Quan niệm về sự ngủ này thật nhẹ nhàng biết bao! Và vì thế, Ngôi Nhà Đức Mẹ Ngủ chính là nơi mà chúng ta gọi là Đức Mẹ Hồn Xác Về Trời thay cho quan niệm nặng nề của chúng ta là chết.

Trong ba điều trên, ta nhận điều nào? Chết nặng nề hay là ngủ? hay là Hồn Xác Về Trời? Chúng ta có cả ba. Khi chưa thoát được quan niệm thông thường thì chúng ta vẫn mãi ở trong bóng đen của sự chết: sợ hãi, lo âu, và coi cái chết là sự xấu số, nhất là những người bị tai nạn. Nhưng khi chúng ta thoát ra khỏi quan niệm nặng nề ấy, thì chết chỉ là một giấc ngủ. Có nhiều người chết lành, người ta bảo “chết như người đi ngủ vậy”. Thật ra, khi nhắm mắt lại, hay khi không làm việc nữa, người ta gọi “ngủ là hình bóng sự chết” xem ra cũng đúng. Và suy cho cùng thì chết cũng chính là một giấc ngủ ngàn thu. Bởi vì chỉ có khi ngủ thì người ta mới khỏi phải lo âu, sợ hãi. Mở mắt ra là bắt đầu lo âu. Có người không ngủ được, đêm vắt tay lên trán suy nghĩ bao nhiêu chuyện, bao nhiêu dấu hỏi, bao nhiêu tính toán đến nỗi không ngủ được, phải uống thuốc ngủ. Lúc ấy, ngủ là một liều thuốc bổ, và mong cho mình ngủ được. Không ngủ được thì sao? Thì chết, lúc ấy mới thật là chết!

Vậy nên, khi đi vào giấc ngủ ngàn thu, chúng ta gọi đó là thanh nhàn, vui vẻ, là nơi an nghỉ cuối cùng. Còn giấc ngủ bình thường thì ngày nào cũng phải dậy. Chỉ có chết mới đưa chúng ta vào giấc ngủ ngàn thu, vào nơi an nghỉ cuối cùng. Tín điều Đức Mẹ hồn xác về trời thì chỉ dành cho duy một Đức Mẹ. Nhưng nếu chúng ta sống tốt, thì đã có lời Chúa nói với chúng ta: “Ai tin Ta dù chết cũng sẽ được sống và kẻ nào sống mà tin Ta thì sẽ không chết bao giờ” (Ga 11,25-26). Chúa Giê-su nói điều đó là một chân lý khẳng định. Vì thế, nếu chúng ta sống và tin vào Chúa thì cái chết kia cũng nhẹ nhàng, và khi chúng ta được thanh luyện hết tội lỗi, sẽ được vào Nước Chúa. Sự sống ấy mới đúng là sự sống thật.

- Đặt ra trước mắt chúng ta ba quan niệm về sự chết thì cũng có ba lời khuyên sống thật đối với người tin Chúa, đó là:

- Người Ki-tô hữu đừng dại gì mà luẩn quẩn trong bóng đen sợ hãi của sự chết;

- Người Ki-tô hữu cũng nên luôn luôn tỉnh thức để nghĩ về ngày mà mình được Chúa cho nghỉ ngơi;

- Người Ki-tô hữu nên tràn đầy hy vọng vào sự sống đời đời để sống lạc quan, sống tỉnh thức để khi ngày giờ Chúa gọi, bất kỳ lúc nào, người đó đang ở trong trạng thái tỉnh thức.

Khi một người thân yêu của chúng ta được Chúa thương gọi về, chúng ta tin rằng cuộc đời của người tín hữu đó trở thành một của lễ và của lễ ấy là một sự giải thoát để từ đây, họ được đi vào một tương quan mới, tương quan của sự sống đời đời.

Lạy Chúa Giê-su,
Chúa đã hứa:
“Những ai tin Chúa thì sẽ không chết bao giờ.
Còn những ai đã chết thì cũng sẽ được sống”.
Xin cho tất cả chúng con,
người đã chết được sống
và người sống được tin vào Chúa
để không bao giờ sợ chết,
nhưng được sống đời đời. Amen.


Linh mục Phêrô Nguyễn Hồng Phúc