"Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài. Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống. Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh." (Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận)

Để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt: Cách bỏ dấu chuẩn


Mới đây, trong nước có vị PGS.TS Bùi Hiền đề nghị cải tiến tiếng Việt theo cách viết «mới», dễ thông dụng, tiện bề sổ sách, in ấn, ít hao giấy mực… Ở đây, người viết xin được miễn bàn sâu vào đề nghị này, mà chỉ nhân đó xin góp chút ý kiến về cách «bỏ dấu» chữ viết sao cho đúng với tiếng nói truyền thống của dân Nam trên cả nước. Đây là điều rất quan trọng ngay từ lúc hình thành tiếng Việt và là điểm then chốt để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Rất tiếc là trong khi chưa có hàn lâm viện, có không ít người viết đã bỏ dấu một cách khá tùy tiện.

Để bỏ dấu cho đúng với tiếng nói, ta cần xác định lại những đặc tính cơ bản của tiếng Việt là một ngôn ngữ có âm tiết, có dồi dào nguyên âm, có các phụ âm và nhất là có thêm rất nhiều phụ-âm-ghép; tất cả là để «ghi âm» (phiên âm) cho đúng với cách phát âm tiếng Việt. Chẳng hạn, tiếng Việt có phụ-âm-ghép /ng/ là một ký tự rất đặc thù của tiếng Việt mà ít có một tiếng nào trên thế giới dùng đến nó để phát âm đúng như người Việt. Người Pháp, chẳng hạn, khi đọc chữ Nguyễn thì phát ngọng với phụ âm ghép /ng/.

Cùng với «dấu nhấn» biểu thị cho thanh sắc, các đặc tính này đã giúp định hình một cách tuyệt vời chữ viết tiếng Việt. Bởi thế, ta không nên giản lược một cách quá dễ dãi cách viết tiếng Việt, nhất là phủ nhận các phụ âm ghép trong tiếng Việt. Chẳng hạn như muốn bỏ /ng/ và thay vào đó bằng /q/ khi đề nghị viết tiếng «đồng» bằng tiếng «dồq». Ngoài ra, ta không thể bỏ ký tự /d/ rất đặc thù của tiếng Việt để thay vào đó bằng ký tự /z/ và dùng /d/ thay cho ký tự rất đặc thù của tiếng Việt là /đ/.

TIẾNG NÓI VÀ CHỮ VIẾT

Ngôn ngữ là một phần cốt lõi của hồn dân tộc. Ngôn ngữ đã có từ lúc sơ khai của một sắc dân và nó tiến hóa theo nhịp phát triển của sắc dân đó. Nó là một yếu tố chính trong những yếu tố làm thuần nhất hồn dân tộc và từ đó đồng hóa (hay hội nhập) các sắc dân yếu kém hơn trong cùng một dân tộc. Hơn nữa, nó giữ gìn cái gốc văn hóa của dân tộc đó.

Ngôn ngữ gồm hai vế: tiếng nói và chữ viết


Tiếng nói đã có ngay từ lúc xuất hiện một bộ lạc (hay một dân tộc) và đến một lúc nào sau đó mới phát hiện ra cách ghi âm lại tiếng nói thành chữ viết. Bởi thế, có thể nói chữ viết của tiếng Việt ngày nay là ký-tự “tượng âm” tốt nhất của tiếng nói người Việt trên cả nước, và ngược lại tiếng nói người Việt trên cả nước được “tượng hình” rất chuẩn nhờ chữ viết để giữ gìn cho ngôn ngữ được định hình bền vững và luôn trong sáng.

Hình thành và kiện toàn chữ viết

Chữ viết tiếng Việt ngày nay được hình thành cách đây bốn (4) thế kỷ, kể từ thời các giáo sĩ Dòng Tên người Bồ Đào Nha trở lại Việt Nam năm 1618 với linh mục Francisco de Pina. Họ đã kiên nhẫn lắng nghe người Việt phát âm rồi dùng mẫu tự La-tinh để ghi ra thành âm tiết Việt. Cùng với các thầy giảng và giáo dân Việt Nam, họ đã cố dịch Kinh Lạy Cha và các Kinh căn bản khác sang tiếng Việt viết theo mẫu tự La-tinh. Vô hình chung, họ đã khởi đầu cho việc soạn thảo chữ Quốc ngữ cùng với người Việt.

Từ năm 1622, chữ viết do Francesco de Pina đề xướng đã được nhiều giáo sĩ người Bồ khác điều chỉnh mãi đến năm 1632 thì đạt được bước đầu khá hoàn chỉnh với cách phiên âm có phương pháp của giáo sĩ Gasparo d’Amiral. Sau đó, giáo sĩ người Pháp Alexandre de Rhodes đưa chữ viết này vào Tự Điển Việt-Bồ-Latinh và “Bài giảng giáo lý Tám ngày” xuất bản năm 1651 tại nhà in Vatican ở Roma.

Từ lúc xuất hiện chính thức đó, chữ viết được cải tiến từng bước qua nhiều thời kỳ. Nhất là từ thời kỳ Pétrus Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Trương Minh Ký là những người có công trong việc viết sách báo bằng chữ quốc ngữ đầu tiên ở Việt Nam, như Pétrus Ký đã thành lập năm 1865 tờ Gia Định Báo và viết cho tờ báo đầu tiên của người Việt Nam này. Dưới thời Pháp thuộc, các ông Diệp Văn Cương, Nguyễn Hữu Bài, Ngô Ðình Khả, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh đã giúp định hình hoàn chỉnh cách viết tiếng Việt. Người Việt ngày nay nên tôn trọng quá trình hình thành và kiện toàn chữ «quốc ngữ» rất công phu này.

NHỮNG ĐẶC TÍNH CỦA TIẾNG VIỆT

Là một ngôn ngữ có âm tiết

Tiếng Việt là tiếng nói thuộc loại có âm tiết (tonal language), nghĩa là không có «cụm âm» (quần-thể-âm) nào mà không có thanh sắc và thanh điệu gắn bó liền với bản thân của nó. Bởi, toàn thể «cụm âm» đều được biến hóa theo thanh sắc của «dấu nhấn» đặt trên một âm của nó. Nói nôm na cho dễ hiểu, những câu nói của người Việt phát lên nghe như một bài hát, bởi tất cả âm thanh phát ra đều mang dấu nhấn trầm bổng và thanh điệu khác nhau để kết thành… như một bài hát; dĩ nhiên là khác nhau theo tầng số của mỗi địa phương (phương ngữ).

Nói rõ hơn nữa, mỗi quần-thể-âm được gom lại và phát ra nhuần nhuyễn như một âm vị duy nhất, nhờ có yếu tố «dấu nhấn» làm trục chuyển hóa ra âm tiết. Ta coi đó là một «âm vị cơ bản», một «âm tiết», hay còn có thể gọi được là một «vần» (syllable), để trở thành một từ ngữ của tiếng Việt. Cứ thế, ta có thể nói rằng tiếng Việt là tiếng nói «độc vần» hay «đơn âm» với thanh sắc trầm bổng. Vì thế, cách bỏ dấu đúng trên một âm trong «độc vần» này rất là quan trọng. Nó quyết định căn tính (hay ý nghĩa) của độc-vần ấy.

Tiếng Việt có sáu dấu (thanh sắc)

So với những ngôn ngữ có âm tiết (tonal language), thì tiếng Việt chỉ có 6 dấu (dấu nhấn), biểu thị cho 6 thanh sắc, dùng để phân định và biểu nghĩa (diễn đạt ý nghĩa) rõ ràng cho từng quần-thể-âm trong một câu nói. Đó là các dấu: sắc, huyền, nặng, hỏi, ngã và bình (=không dấu). Các dấu này chỉ được đánh trên một nguyên âm, (vì phụ âm không thể tự mình phát ra được âm), để có thể cùng các âm khác phát lên được thành một âm vị. Ví dụ: /Ảnh biết chuyện này /.

Hệ chữ cái đặc thù cho mọi âm tiết Việt

Là một ngôn ngữ có âm tiết rất phong phú với hệ chữ cái rất đặc thù, tiếng Việt được hình thành với những từ ngữ có cách cấu trúc riêng của nó. Hơn nữa, cách bỏ dấu tùy thuộc tuyệt đối ở cấu trúc của mỗi từ ngữ. Ví dụ: chữ quán xuyến được cấu kết bởi /qu-án/ và /xu-yến/, nên dấu sắc không thể nằm ở chỗ nào khác hơn.

Để giữ gìn cho cách phát âm ba miền đất nước được vẹn toàn và trong sáng, người viết đề nghị nên xác định lại hệ chữ cái tiếng Việt. Xưa nay, tiếng Việt được mặc nhiên chấp nhận gồm có 29 chữ cái: a, ă, â, b, c, d, đ, e, ê, g, h, i, k l, m, n, o, ô, ơ, p, q, r, s, t, u, ư, v, x, y (i dài). Nhưng thực ra, tiếng Việt ngày nay được kiện toàn với 40 chữ cái, gồm có: 12 nguyên âm, với 17 phụ âm và còn có thêm 11 phụ-âm-ghép, như trình bày dưới đây.

1- Tiếng Việt có 12 nguyên âm rất đặc thù (a, ă, â, e, ê, i, y (i dài), o, ô, ơ, u, ư).

2- Có 17 phụ âm (b, c, d, đ, g, h, k, l, m, n, p, q, r, s, t, v, x.) NB: trong số này, có hai phụ âm p vàq được dùng để làm phụ-âm-ghép ph và qu. Ngoài ra, có 4 phụ âm trong hệ chữ cái gốc la-tinh là f, j, w, z chỉ được dùng để viết tiếng nước ngoài, nên không kể vào hệ mẫu tự Việt Nam.

3- Và còn có thêm 11 phụ-âm-ghép rất đặc trưng (ch, gh, gi, kh, ng, ngh, nh, ph, qu, th, tr.) NB: sở dĩ nhất thiết phải có các phụ âm ghép này là vì chúng «tượng âm» đúng theo tiếng nói truyền thống ba miền Việt Nam, mà vì vậy cho nên ta cũng không được giản lược nhập nhằng, chẳng hạn /tr/ với /ch/, hoặc /gi/ với /d/.

CÁCH BỎ DẤU TRONG CHỮ VIẾT

Như đã nói, tiếng Việt là tiếng nói thuộc loại có âm tiết (tonal language), mà âm tiết thì chỉ phát ra từ nguyên âm (không thể từ phụ âm), nên khi bỏ dấu ta chỉ có thể đánh dấu nhấn trên nguyên âm trong quần-thể-âm mà thôi. Vả lại, khi quần thể âm gồm nhiều nguyên âm, thì phải đánh dấu trên một nguyên âm căn bản (sẽ nói đến sau). Dù chỉ đánh dấu trên một âm, nhưng “âm hưởng” của nó thấm thấu và nối kết toàn quần thể âm, khiến cho quần thể âm đó chuyển thành một âm tiết mà thôi.

Quy tắc bỏ dấu căn cứ trên cách phát âm

Khi một quần-thể-âm chỉ có một nguyên âm (nguyên-âm-đơn), thì đương nhiên ta chỉ bỏ dấu trên nguyên âm đó và dĩ nhiên âm tiết được phát ra nguyên vẹn như trong tiếng nói: má, mà, mạ, mả, mã, ma.

Và cũng vậy, kể cả trường hợp nguyên-âm-đơn có kèm theo phụ âm cuối: máng (cỏ), màng (tai), mạng (lưới), mảng (vui), mãng (cầu), mang (cá).

Nhưng khi một quần thể âm có nhiều nguyên âm (nguyên-âm-đôi, nguyên-âm-ba), ta cần bỏ dấu thật chuẩn trên nguyên âm căn bản để giữ nguyên vẹn cách phát âm đúng của người Việt ba miền.

Ví dụ 1: ủi (đúng), uỉ (sai); úy (đúng), uý (sai); thủy (đúng), thuỷ (sai); thúi (đúng), thuí (sai); thúy (đúng), thuý (sai). xủi (đúng), xuỉ (sai) ; xỉu (đúng), xiủ (sai); nghĩa (đúng), nghiã (sai).

Ví dụ 2 : thoáng (đúng), thóang (sai) ; uýnh (đúng), úynh (sai); Huế (đúng), Húê (sai); thuế(đúng), thúê (sai).

Ví dụ 3: chuyến (đúng), chuýên (sai); hoài (đúng), hòai (sai); khuấy (đúng), khúây (sai)…

Quy tắc: cách phát âm định đoạt dấu nhấn

Những ví dụ trên cho phép ta xác định qui tắc bỏ dấu tiếng Việt: chính cách phát âm sẽ địnhđoạt dấu nhấn.

1- Khi chỉ có một mình nguyên-âm-đôi ở cuối quần-thể-âm, thì cách phát âm thường nhấn mạnh trên nguyên âm trước. Ví dụ: ái, chái; cháy; táo tàu; tàu hỏa; tẩu hỏa; ấy, chấy; đẻo; đểu; xỉa; xỉu; lòe; hỏi tội; hỡi ôi; của; thua; thủa; củi lửa; cổ xúy; ủy ban; ngụy; thúy; thúi; sữu. Luật trừ: Huế, thuế, ô uế, bởi vì âm /u/ bị qua mặt bởi âm /ê/ được nhấn quá mạnh.

NB: gi-ó, qu-ý không thuộc luật trừ này, vì là nguyên-âm-đơn o, y đứng sau phụ-âm-ghép gi vàqu. Nhưng ở đây lại có luật trừ: cứ sự thường thì /gi-ạ/ (giạ lúa) được hình thành bằng phụ-âm-ghép là /gi/ với /ạ/; nhưng cách phát âm chữ /gị-a/ lại được nhấn trên nguyên âm /i/ (trong giặt gịa), cũng như /gìn/ (trong giữ gìn) và “gin” (một từ ngoại nhập).

2- Ấy mà khi nguyên-âm-đôi có phụ âm ở cuối quần-thể-âm, thì bị phụ âm này ảnh hưởng quyết định, nên cách phát âm nhấn mạnh trên nguyên âm thứ hai: Ví dụ: tiến; niềm; tiếng; xoắn; hoán; khuất; truân chiên; cuốc; muỗng; thường…

3- Khi nguyên-âm-ba ở cuối quần-thể-âm, thì cách phát âm nhất thiết phải nhấn mạnh trên nguyên âm giữa, Ví dụ: thiếu; khoái; khuấy; khuya; ruồi, cười, cuối, hí hoáy.

4- Và khi nguyên-âm-ba có phụ âm theo ở cuối, thì cách phát âm phải nhấn ở nguyên âm cuối.Ví dụ: nguyện; chuyện; huyên thuyên; nguyện.

Tóm lại, dấu nhấn không được tùy tiện đánh trên bất luận nguyên âm nào trong quần-thể-âm, mà chỉ được đánh trên một nguyên âm nhất định của nó để phát ra đúng như âm tiết trong tiếng nói.

Thứ nhất, để định vị cho âm tiết của quần thể âm đó (ví dụ: bắc cầu, tội lỗi, mỉa mai…).

Thứ hai, để bảo toàn cách phát âm chuẩn xác của nó theo đúng như tiếng nói trên cả nước (ví dụ: quả quyết, nước ngoài, trắc nghiệm, thoang thoảng, hòa thượng, chểnh mảng, thách thức).

Thứ ba, để biểu nghĩa chính xác với lời nói. Ví dụ 1: Huế khác với huề; trưởng khác với trường;bố tôi cho má tôi bài kinh khác với bồ tôi chó má tồi bại kinh. Ví dụ 2: chái khác với cháy; thúi khác với thúy (úi và úy là nguyên-âm-đôi nên dấu nhấn vẫn như vậy, nhưng đọc /thúy/ lên ta vẫn phải kéo dài y (i dài) ra để giữ đúng nghĩa và không trùng lập với thúi). Ví dụ 3: cuốc và quốc (rõ ràng chữ viết phân biệt c-uốc và qu-ốc, để thấy cách phát âm qu-ốc phải nhấn trên ốcvà biểu nghĩa hoàn toàn khác với c-uốc). Người Miền Bắc có xu hướng kéo dài âm /u/ trong q-uốc, nên vô hình chung nhập làm một cả hai cách phát âm lẽ ra phải khác nhau: c-uốc khác qu-ốc.

Ngày nay, để hình dung cố gắng quảng bá chữ quốc ngữ trước kia trong quần chúng, ta cũng nên vui vẻ đọc lại cách đánh vần i tờ của học giả Hoàng Xuân Hãn trong Hội Truyền Bá Quốc Ngữ lúc bấy giờ:

I tờ có móc cả hai
I ngắn có chấm, Tờ dài có ngang
O tròn như quả trứng gà
Ô thì đội mũ, Ơ già thêm râu
Huyền ngang, Sắc dọc, Nặng tròn
Hỏi lom khom đứng
Ngã buồn nằm ngang

Ngoài ra, cũng xin ghi chú thêm rằng:

1- Tiếng Việt là tiếng đơn âm, nên ta đã mặc nhiên thỏa thuận chấp nhận thuật ghép chữ để làm giàu thêm tiếng Việt. Ví dụ: âm, nguyên âm, phụ âm, phụ âm ghép; nguyên âm đơn, nguyên âm đôi, nguyên âm ba (dù có dùng gạch nối giữa chúng hay không).

2- Ca dao, tục ngữ được hình thành trong ngôn ngữ dân gian tùy vùng miền, nhưng được truyền tụng rộng rãi khắp nước mãi đến ngày nay. Đó cũng là phần nào nhờ có chữ viết “ghi âm” lại.

Sự đời nghĩ cũng nực cười,
Một con cá lội mấy người buông câu.
(ca dao)

Nhờ có chữ nôm trước đây và chữ viết rất chuẩn sau đó, ta đã chuyển được dần từ một nền văn-hóa truyền-khẩu sang nền văn-hóa ký-tự (viết), như được biểu hiện nơi các tác phẩm Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm, v.v.; đó là một bước tiến ngoạn mục và cần thiết cho đất nước.

Fribourg 09.12.2017
Trần Ngọc Báu