"Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài. Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống. Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh." (Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận)

Ý nghĩa của Đức Tin: Đúng và sai


Nhà thần học Tin Lành Paul Tillich có lần đã nói rằng “đức tin” là từ bị hiểu sai nhiều nhất trong từ vựng tôn giáo. Về điểm này, càng ngày tôi càng tin rằng ông ấy đúng. Sở dĩ tôi tin chắc như thế là vì rất thường xuyên gặp thấy trên diễn đàn internet của tôi những lời châm biếm về đức tin của các tín hữu nghiêm túc.

Những người đối thoại chủ trương tục hóa, vô thần, bất khả tri thường nói với tôi rằng đức tin là nhẹ dạ, ngây thơ, mê tín, tin những điều phi lý, chấp nhận những khẳng định không có bằng chứng, vân vân và vân vân …. Rồi họ hồ hởi vạch một đường ranh giữa đức tin và khoa học hiện đại mà họ cho rằng đã được kiểm chứng thực nghiệm, vượt qua được những hoài nghi nghiêm túc, có phương pháp đáng tin cậy và được kiểm tra thường xuyên, và có khả năng tự hiệu chỉnh. Họ kết luận rằng thật may mắn đầu óc Phương Tây cuối cùng cũng đã thoát được những ràng buộc của đức tin để đi đến không gian rộng mở sáng sủa của lý trí khoa học. Và thật là buồn khi đức tin như một bóng ma hiện về từ thời đại xa xăm nào đó tiếp tục ám ảnh những đầu óc hiện đại của thế kỷ XXI và kìm hãm sự tiến bộ.

Tôi bắt đầu bằng một phép so sánh loại suy. Nếu bạn muốn tìm hiểu một cô bạn gái và bạn thuộc dạng người tương đối cảnh giác, thì óc suy luận của bạn hoàn toàn tham gia vào tiến trình tìm hiểu đó. Bạn sẽ xem xét cô ấy, xem cô ấy mặc gì và cư xử thế nào, bạn sẽ đoán mối quan hệ của cô ấy với người khác như thế nào, bạn sẽ “Google” cô ấy, tìm xem cô ta xuất thân từ trường nào và làm việc ra sao, hỏi bạn bè về cô ấy, vân vân …. Cuộc điều tra toàn diện này có thể xảy ra trước khi bạn có cơ hội gặp được cô ấy. Cuối cùng, khi bạn đã quen biết được cô ta, cứ mỗi lần gặp gỡ là bạn mang đến tất cả những hiểu biết của mình về cô ấy và chắc chắn bạn sẽ cố xác minh tất cả những gì mà chính bạn đã khám phá về cô ấy ở cự ly gần hơn.

Nhưng rồi một điều gì đó bất thường sẽ xảy ra, một điều gì đó mà bạn thật sự không kiểm soát được, một điều gì đó chắc chắn sẽ cho bạn biết những điều mà bạn không bao giờ biết được: cô ấy sẽ nói ra. Khi nói ra, tự ý nói ra, cô ấy sẽ bộc lộ tâm trí, tâm hồn, cảm xúc của cô ấy với bạn. Một vài điều cô ấy nói sẽ trùng khớp với những gì bạn đã tìm hiểu về cô ta, nhưng phần lớn những điều ấy cô ấy nói – đặc biệt là khi mối quan hệ của bạn đã trở nên sâu đậm và cuộc chuyện trò đã trở nên thân mật hơn – sẽ là những điều mới mẻ, kỳ diệu, khác xa với những gì mà chính bạn đã khám phá.

Nhưng khi cô ấy nói và bạn lắng nghe, bạn sẽ đối mặt với một lựa chọn: tin hay không tin cô ta đây nhỉ? Một lần nữa, vài điều cô ấy nói bạn sẽ có thể kiểm chứng được qua cuộc điều tra của bạn trước đây, nhưng khi cô ấy nói về những cảm xúc, những ý định, những mong ước, những nỗi sợ hãi thường hằng của mình thì khi ấy bạn biết rằng mình đang tiến vào một miền đất mà mình hoàn toàn mất khả năng kiểm soát. Và bạn phải quyết định: tin tưởng cô ta hay là không? Dù thích hay không, đó là điều sẽ xảy ra bất cứ khi nào mà ta giao tiếp với người khác. Ta không từ bỏ suy luận của mình để tìm hiểu về người khác, nhưng ta sẽ phải đi xa hơn suy luận của mình; ta phải tin tưởng, tin cẩn và có niềm tin.

Tôi nghĩ đây là phép loại suy hoàn toàn sáng tỏ đối với đức tin trong ý nghĩa thần học. Đối với người Công giáo, đức tin không bao giờ là sự hy sinh của trí năng, một “sacrificium intellectus”. Thiên Chúa muốn chúng ta hiểu biết tất cả những gì có thể biết được về Ngài qua lý trí. Bằng cách phân tích trật tự, vẻ đẹp, sự ngẫu nhiên [1], ta sẽ có được một vô số những “thông tin” về Thiên Chúa: sự hiện hữu và sự hoàn hảo của Ngài, rằng Ngài có trí năng và ý chí, Ngài điều khiển vũ trụ, vân vân …. Nếu nghi ngờ về điều này, xin mời bạn xem phần thứ nhất của bộ “Tổng luận Thần học” (Summa Theologiae) của Thánh Tôma Aquinô.

Thiên Chúa là một hữu thể có ngôi vị, đó là một trong những chân lý mà lý trí có thể khám phá được, và khẳng định chính yếu của Thánh Kinh là hữu thể có Ngôi Vị này không thật sự hoàn toàn ẩn kín nhưng đã lên tiếng. Và như trường hợp của bất cứ thính giả nào khi lắng nghe một người khác nói, thính giả của Thiên Chúa phải chọn lựa: tin hay không tin vào Ngài? Một khi chấp nhận tin vào những gì mà Thiên Chúa nói về chính mình thì đó là điều mà Giáo hội gọi là “đức tin”.

Quyết định này không phải là phi lý vì nó dựa trên lý trí, nhưng nó thúc đẩy vượt lên trên lý trí bởi vì nó là sự cởi mở tâm hồn mình ra với người khác. Trước sự hiện diện của người khác, bạn có thể cố thủ trong thái độ hoài nghi, chấp nhận là đúng chỉ những dữ kiện mà bạn có thể thu thập được qua phân tích của lý trí; nhưng khi làm như thế là bạn tự đóng cửa lòng mình trước vô số những điều phong phú mà người khác có thể tỏ bày cho bạn. Một người duy lý khắc khe, người chủ trương kiên định cho rằng chỉ có phương pháp khoa học là con đường duy nhất dẫn đến chân lý, anh ta sẽ biết được những điều chắc chắn về thế giới nhưng sẽ không bao giờ hiểu biết một con người.

Đối với Thiên Chúa, là Con Người tối thượng, thì cũng tương tự như vậy thôi. Giáo hội Công giáo muốn con người sử dụng lý trí cách mạnh mẽ và năng động – bao gồm cả suy luận khoa học. Nhưng đồng thời Giáo hội cũng mời gọi con người, một khi mọi nỗ lực của mình đã chạm đến lằn ranh giới hạn, thì cần phải lắng nghe, tin cẩn và có “đức tin”.

Lm. Robert Barron
Chuyển ngữ: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính


---------------------------------------------
[1] Ngẫu nhiên nghĩa là điều có thể hiện hữu hay không hiện hữu. Nếu cho rằng mọi sự hiện hữu là do ngẫu nhiên vậy thì những hữu thể ngẫu nhiên đó phải có một thời gian nó không hiện hữu. Do đó, có một thời gian mà chẳng có gì hiện hữu cả và do đó không có cái gì để làm cho các hữu thể ngẫu nhiên hiện đang có đây trở thành hiện hữu. Vì thế, theo Thánh Tôma, phải có một hữu thể nào đó tự nó có sự hiện hữu tất yếu, không nhận sự hiện hữu từ một hữu thể nào khác, nhưng còn làm cho mọi sự khác hiện hữu: hiện hữu này được gọi là Thiên Chúa.