"Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài. Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống. Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh." (Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận)

Luật an ninh mạng làm dấy lên sự phản đối dữ dội trong dân chúng

Nhà hoạt động Lã Việt Dũng cầm điện thoại cho xem bức thư gửi cho Chủ tịch điều hành Facebook Mark Zuckerberg hôm 10-4. Bức thư nói Facebook Việt Nam có thể đang thông đồng với nhà chức trách cộng sản đàn áp các nhà bất đồng chính kiến online. Ảnh: AFP

Các nhà hoạt động và cư dân mạng tại Việt Nam khẳng định luật an ninh mạng là một bước hợp pháp hóa nhằm đàn áp các tiếng nói bất đồng chính kiến và những người ủng hộ nhân quyền.

Hôm 12.06.2018, Quốc hội thông qua Luật An ninh mạng, đạo luật đầu tiên quy định “tất cả các hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và đảm bảo trật tự an toàn xã hội trên không gian mạng” và trách nhiệm của các cơ quan hữu quan, tổ chức và cá nhân.

Đạo luật gồm 43 điều yêu cầu tất cả các nhà cung cấp dịch vụ internet thành lập chi nhánh hay văn phòng đại diện và trung tâm dữ liệu tại Việt Nam để lưu trữ các thông tin quan trọng của người dùng.

Các nhà cung cấp dịch vụ internet bao gồm Facebook và YouTube sẽ được yêu cầu loại bỏ các nội dung “chống nhà nước, làm nhục, vu khống hay kích động” trên trang trong vòng 24 giờ sau khi nhận được yêu cầu của nhà chức trách hay công an.

Đạo luật có hiệu lực vào ngày 01.01.2019, sẽ cho phép Bộ Công an có quyền kiểm tra cơ sở dữ liệu khách hàng của bất kỳ tổ chức hay công ty nào khi phát hiện dấu hiệu xâm phạm an ninh quốc gia hay đe dọa trật tự xã hội.

Luật cấm người dùng internet “xuyên tạc lịch sử” và “phủ nhận thành tựu cách mạng”. Họ không được phép kêu gọi tụ tập vì các mục đích chống nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, phổ biến thông tin sai sự thật hay xúc phạm tôn giáo.

Một chuyên gia công nghệ thông tin của một công ty ở Sài Gòn nói đạo luật là công cụ pháp lý để giám sát và theo dõi người dân. “Luật này nhằm bảo vệ chế độ cộng sản bằng cách xâm phạm đời sống riêng tư, đe dọa, cô lập và bịt miệng người dân”, anh nói thêm.

Anh khẳng định cố ngăn cản người dân nói xấu đảng Cộng sản và nhà nước không phải là đảm bảo an ninh mạng, mà chỉ gây nguy cơ mất an ninh mạng và cản trở sự phát triển kinh tế.

Người sử dụng internet ở Việt Nam bị tấn công mạng làm tổn thất 540 triệu Mỹ kim trong năm 2017, theo Tập đoàn Bkav, công ty an ninh mạng Việt Nam.

Việt Nam có 94 triệu dân, trong đó có 64 triệu người sử dụng internet trong năm 2017, đứng thứ 6 châu Á, theo VTV.vn.

Các chuyên gia cho biết các quy định đi ngược lại xu thế toàn cầu về tự do ngôn luận, cản trở tiến trình dân chủ, gây trở ngại cho quyền tự do học thuật, và ngăn cản các công ty nước ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam.

Các công ty công nghệ thông tin, nhóm nhân quyền và hàng chục ngàn người đã đệ đơn yêu cầu chính phủ hủy bỏ đạo luật gây tranh cãi này.

Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng có các thành viên là cựu đảng viên đảng Cộng sản và viên chức hoạt động cho tự do và dân chủ, nói đạo luật vi phạm nghiêm trọng hiến pháp và các luật quốc tế về nhân quyền đã được Việt Nam ký kết.

“Đạo luật đặt quyền tự do ngôn luận và thông tin của công dân dưới sự kiểm soát của chính quyền và cung cấp cho nhà chức trách vũ khí mới để đàn áp các tiếng nói bất đồng chính kiến”, cũng không quá khó hiểu khi bộ Công an soạn thảo bộ luật, họ nói thêm.

Phạm Đoan Trang, Facebooker hàng đầu có khoảng 47.000 người theo dõi, chia sẻ chị không quá thất vọng về đạo luật. “Cơ bản người dùng internet sẽ tìm nhiều cách khác nhau để bảo vệ mình tránh những đạo luật của chính quyền độc tài xấu xa và dùng internet để thực hiện quyền tự do thông tin và biểu đạt”.

Chị trang, người bị công an theo dõi chặt chẽ và thường xuyên bị chất vấn, cho biết chính quyền độc đoán không có đủ nhân lực và tiền bạc để bắt giam và ngược đãi hàng trăm nhà bất đồng chính kiến bày tỏ quan điểm của họ.

“Tôi sẽ tiếp tục công khai chỉ trích đảng cầm quyền và các thế lực cố tình bảo vệ luật mới này và chống đối người dân”, chị Trang nói trên mạng xã hội. “Tôi sẽ vui mừng nếu trở thành một trong những người đầu tiên bị bỏ tù vì nó”.

Cư dân mạng kêu gọi xuống đường phản đối luật này trên cả nước.

Tổ chức Ân xá Quốc tế đã viết thư gửi các giám đốc điều hành của Apple, Facebook, Google, Microsoft và chủ tịch tập đoàn Samsung nói lên các mối quan ngại của họ về luật này và thúc giục các công ty gây áp lực lên chính quyền Việt Nam.




Nguồn: UCAN Việt Nam