"Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài. Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống. Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh." (Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận)

Chữa bệnh mù – suy nghĩ thời Covid



Giáo Hoàng Francis giảng trong thánh lễ truyền hình trực tiếp cuối cùng tại chung cư Santa Marta, sáng Chủ Nhật 17 tháng Năm, 2020 (Hình VaticanNews)

Từ hàng ngàn năm, mỗi khi trong tình trạng nguy hiểm tới tính mạng tập thể, như ôn dịch, chiến tranh, người ta thường tìm tới nương náu nơi những cơ sở tín ngưỡng, như nhà thờ, để được Ơn Trên che chở, và được giúp đỡ về cả phần hồn, lẫn phần xác. Trận đại dịch Covid-19 khiến mọi sự thay đổi: muốn được an toàn cần tránh đến nhà thờ, và giúp nhau bằng cách tránh gặp nhau. Vì tình trạng đặc biệt này, các tín hữu Công Giáo nói riêng, thay vì đến nhà thờ, được phép ngồi nhà xem lễ hàng ngày, Chủ Nhật, và ngay cả các ngày lễ trọng trong Mùa Phục Sinh, năm 2020.

Nhờ tình trạng hiếm có này, thay vì xem lễ trực tuyến từ các nhà thờ gần, người viết đã có cơ hội theo dõi thánh lễ do chính Giáo Hoàng Francis cử hành từ Roma, hoặc từ nhà nguyện ở chung cư Santa Marta, nơi Ngài cư ngụ, hay từ Đền Thánh Phê Rô. Nhờ vậy, học được nhiều điều hữu ích qua lời giảng của Ngài. Suốt thời gian theo dõi thánh lễ do Giáo Hoàng cử hành, có thể nói, đáng nhớ nhất, là lễ ngày Chủ Nhật thứ Tư Mùa Chay, 22 tháng 03, 2020. Theo thứ tự thời gian, bài này đáng lẽ đăng trước bài “suy nghĩ thời Covid (1)”, nhưng vì Tin Mừng trong thánh lễ này khó hiểu, phải đọc đi đọc lại, nên viết trước mà xong sau.

Khác với một vài nhà lãnh đạo chính quyền thế tục, khi nói về đại dịch, chỉ nói về mình; tự đề cao hay tự bào chữa, hoặc đổ lỗi cho người khác; mở đầu bài giảng, Giáo Hoàng nói: “Vào những ngày này, chúng ta nghe tin biết bao nhiêu người chết: Đàn ông và đàn bà qua đời trong cô đơn, không được từ biệt những người thân của mình. Chúng ta hãy nghĩ đến và cầu cho họ. Cả những gia đình của họ nữa, những người đã không thể tiễn đưa họ lần cuối, Lời cầu nguyện đặc biệt của chúng ta dành cho những người đã qua đời, và các thân nhân của họ.”

Phần chính bài giảng, Giáo Hoàng đề cập tới Tin Mừng Theo Thánh Gioan (Gospel of John 9:1-41), và nói Tin Mừng này đã tự diễn tả, speaks for itself. Ngài chỉ nhấn mạnh một điểm, căn cứ vào câu nói của Thánh Augustino: “Timeo Dominum Transeuntem” (“I am afraid that Jesus will pass” – “Tôi sợ lúc Giêsu sẽ đi qua”). Rồi Ngài giải thích bằng câu hỏi, Tại sao sợ khi Jesus đi qua, “Cái gì xảy ra khi Jesus đi qua?” Câu trả lời là “Tôi sợ không biết khi Chúa đi qua, không nhận ra Người, để Người đi qua và tôi sẽ không cải hoá” (I am afraid of the Lord when He passes, that I will not realize and I will not recognise Him. And I will not convert”). Câu truyện qua Tin Mừng đọc trong thánh lễ này, mô tả Jesus đi qua một đám đông, thấy một người mù bẩm sinh, Người chữa cho anh ta khỏi, và gây ra một cuộc tranh cãi giữa hai phe: giữa những người thấy và tin vào sự thật trước mắt, và những người tự cho là mình thông hiểu luật lệ Do Thái, biết mọi sự, nhưng chỉ suy nghĩ và hành động theo thành kiến và thói quen sẵn có.

Ở phần cuối bài giảng rất ngắn, so với mức trung bình bài giảng của các linh mục, Giáo Hoàng khuyên mọi người hãy tĩnh tâm đọc Tin Mừng này ở nhà, không phải một lần, hai lần, ba lần, mà đọc nữa, đọc mãi cho đến khi hiểu (I advise you all to take the Gospel today, chapter 9 of the Gospel of John, and to read it, at home, calmly. Once, twice, to understand well what happens when Jesus passes… Do not forget: read chapter 9 of John once, twice, three times, taking all the time you like).

Bệnh mù, tội lỗi, nạn nhân và thủ phạmTin Mừng này khá dài, gồm cả Chương 9, từ câu 1 đến 41; mọi người đều có thể tìm đọc dễ dàng trên Internet, bằng tiếng Việt, hay nhiều ngôn ngữ khác. Ở đây chỉ xin đề cập tới mấy điểm nổi bật. Cũng xin thưa trước, người viết không có tham vọng làm công việc giải thích Tin Mừng, đó là lãnh vực chuyên môn của những người được huấn luyện về nghiên cứu và giải thích Thánh Kinh. Những gì ghi lại sau đây chỉ là cảm nghĩ của một giáo dân thường, được Giáo Hoàng khuyến khích, đọc kỹ một câu truyện từ hai ngàn năm trước, trong hoàn cảnh đặc biệt, ngồi nhà tránh đại dịch. Điều thú vị là mỗi lần đọc, cảm thấy dụ ngôn về bệnh mù sáng thêm một chút, như dần hiểu được nội dung bản văn trong khi cố gắng giải mã một điện văn mật.

Tin Mừng theo Thánh Gioan (Jn 9:1-41) mở đầu:
“Khi ấy, Chúa Giêsu đi qua, thấy một người mù từ khi mới sinh. Môn đệ hỏi Người: “Thưa Thầy, ai đã phạm tội, anh này hay cha mẹ anh, khiến anh mù từ khi mới sinh?” Chúa Giêsu đáp: “Không phải anh cũng chẳng phải cha mẹ anh đã phạm tội, nhưng để công việc của Thiên Chúa tỏ ra nơi anh” (Jn 9:1-3)

Điểm cần chú ý ở đây, dụ ngôn này không đề cập tới bệnh tật nói chung, mà nói rõ về bệnh mù bẩm sinh; một căn bệnh tự nhiên, không bởi tai nạn do tự mình hay người khác gây ra. Từ xưa, nhiều người vẫn quan niệm bệnh tật là hậu quả của tội lỗi, là hình phạt dành cho gia đình, hay cá nhân người có tội. Quan niệm như vậy là sai lầm, là mù lòa. Từ hai ngàn năm trước, Chúa Giêsu đã phủ nhận điều này. Nhưng hai ngàn năm sau, sai lầm này vẫn tồn tại. Nhiều gia đình vẫn cảm thấy xấu hổ khi có người tàn tật bẩm sinh, coi như chứng tích của kẻ có tội; bị xã hội nhìn với con mắt khinh thường. Những cá nhân và gia đình người bị bệnh tật, là những người bị thiệt thòi, kém may mắn hơn người khác, đã không được giúp đỡ, chia sẻ bớt nỗi bất hạnh, còn bị khinh thường; có khi bị gọi tên và chê cười, như “Thằng què”, “Con dở hơi”…; và bây giờ, “Virus Vũ Hán,” hay “Virus China”! Một thái độ bộc lộ ác cảm, dù vô tình, cũng không tránh khỏi buồn lòng đối với nạn nhân, và gia đình họ. Người đời đã quen gắn liền tội lỗi với bệnh tật, và lẫn lộn nạn nhân với thủ phạm. 

Theo tin Israel21c.org, ngày 20 tháng 5, cũng như nhiều cơ quan truyền thông lớn trên thế giới cùng loan, căn cứ vào một nghiên cứu y khoa của Tel Aviv University đăng lại trên medRxiv.org, 70 phần trăm những người bị Covid-19 tại Do Thái đều lây nhiễm do nguồn từ Hoa Kỳ. Số 30% còn lại, bị lây từ Bỉ (8%), Pháp (6%), Anh (5%), Spain (3%), Italy (2%), Philippines (2%), Úc (2%), và Nga (2%). Hầu như không có ai bị lây nhiễm từ China. Nếu từ nguồn tin này, Do Thái đặt tên cho Covid-19 là Virus USA, người dân muốn nước Mỹ vĩ đại trở lại, nghĩ sao? Đừng làm cho người khác điều gì mình không muốn, đó cũng là một trong những lời Chúa dậy.

Trong kho tàng văn hóa Việt Nam, có câu nổi tiếng, “nói một đàng, làm một nẻo.” Hồi bé đi học, được viết tập khẩu hiệu “Không nên phá tổ chim.” Vừa đi học về, trẻ con vô tư rủ nhau đi phá tổ chim, người lớn không hề la rầy, có khi còn mua, hay giúp làm lồng để nhốt chim non. Một hôm khác, vừa viết xong khẩu hiệu “Thương người như thể thương thân,” ra khỏi lớp, một học sinh có tật bẩm sinh, đi không vững, bị té, những đứa gần đó đã không giúp, còn reo lên, cười chế nhạo: “lêu lêu…đáng đời thằng thọt!” Nếu có đủ bằng chứng Tầu Cộng tạo ra vi trùng độc để hại thiên hạ, thứ virus giết người tập thể này phải được gọi đúng tên, là “Xi Virus,” vì nó chỉ có thể ra đời bởi lệnh của Tập Cận Bình; dân Vũ Hán hay dân Tầu nói chung, họ cũng chỉ là nạn nhân, không phải thủ phạm.

Ngày 23 tháng 2, 2020, Tổng Thống Trump ca tụng trước báo chí rằng, Chủ Tịch Tập Cận Bình làm việc rất tốt trong cố gắng đối phó với Đại Dịch: “President Xi is working very, very hard”“doing a very good job.” Chưa đầy bốn tuần sau, chính Tổng Thống Trump lại sửa tên gọi từ Coronavirus thành Chinese Virus, tức Virus Người Tàu. Nếu có bằng chứng Covid-19 “made in China,” sao không gọi nó là “Xi Virus”? Khen Chủ Tịch Tập, rồi gắn liền virus giết người với dân Tau, là ca tụng nghi phạm, và lên án nạn nhân! Vậy, qua đại dịch, Thiên Chúa muốn tỏ ra rằng, có người mắt sáng, nhưng không nhìn rõ sự việc, chẳng khác người mù.



Trên bản thư báo của Tổng Thống Trump trong buổi họp báo tại Bạch Ốc hôm 19 tháng 3, 2020, chữ “Corona” đi cùng “Corona Virus” đã được sửa thành “Chinese” để thành “Chinese Virus” (Virus Người Tàu) (Hình Jabin Botsford/The Washington Post, via Getty)

Ngoài việc chỉ ra sự lẫn lộn nghi phạm với nạn nhân, theo tinh thần Tin Mừng, qua đại dịch Covid-19, Thiên Chúa còn muốn tỏ ra điều gì? Những ai không theo Thiên Chúa Giáo, có thể thay đại danh từ Thiên Chúa bằng tên Đấng Tối Cao của mình, như Ông Trời, Thượng Đế…. Và để có đủ nam nữ, những người vô thần, có thể gọi Đấng Tối Cao của mình là Mẹ Thiên Nhiên.
Còn rất nhiều điều đã được bầy tỏ qua đại dịch Covid-19:

Người và Thượng Đế 

- Đầu tiên, Thiên Chúa, Ông Trời, hay Mẹ Thiên Nhiên, đã chứng tỏ, ở đầu thế kỷ 21, điều loài người tự cho rằng trí tuệ của mình đang ở đỉnh cao chót vót, vượt cả quy luật tự nhiên, hay quyền năng Thượng Đế, chỉ là những khám phá và suy nghĩ thô sơ. Chính quyền các nước lớn, đã dùng những khoản tiền khổng lồ, thậm chí bắt dân chúng nhịn ăn nhịn mặc, cả nhịn nói, để tập trung vào việc chế tạo võ khí và những phương tiện phòng thủ tối tân, như máy bay tàng hình, bom khinh khí, hoả tiễn liên lục địa, tường cao biên giới …. Tất cả những cố gắng kinh khủng và đắt giá này đều tỏ ra vô dụng, chỉ là trò đùa trước sự xâm nhập của Covid-19. Nó siêu tàng hình, siêu âm, không hề tỏ dấu đe dọa, như sấm chớp, gió bão hay động đất, để người ta biết cách đề phòng; nó cũng chẳng cần hộ chiếu hay máy bay, nó âm thầm xâm nhập khắp nơi trên thế giới trong thời gian kỷ lục. Thậm chí cả mẫu hạm, với khả năng phòng thủ và tàn phá siêu đẳng, dù đang di chuyển giữa đại dương, nó cũng tràn ngập, khiến từ bộ chỉ huy đến hàng ngàn binh sĩ ngất ngư. Biến một trong những pháo đài di động trên biển cả thành “ngất ngư con tầu đi”! Chưa có thứ võ khí nào loài người chế ra từ trước tới nay kinh khủng như vậy.

– Thứ nhì, một câu nổi tiếng trong Tuyên Ngôn Độc Lập của Mỹ gần 250 năm trước, long trọng xác định, Mọi người sinh ra đều bình đẳng. Tuy vậy, trên thực tế, phải đợi đến Covid-19, mới chứng tỏ điều này là đúng, không phải chỉ trên lý thuyết. Lần đầu tiên trong lịch sử, tất cả mọi người trên thế giới; không phân biệt nam nữ, lớn bé, sang hèn, giầu nghèo, hoàng tộc hay thứ dân, quyền thế hay dân giả, chủng tộc, quốc tịch, nơi cư ngụ, tôn giáo, tín đồ hay giáo sĩ; ai cũng có thể lây nhiễm đại dịch, ai cũng có thể chết hoặc thoát chết. Từ thực tế này, đi đến hệ luận, thế giới này, do Thiên Chúa, Ông Trời, hay Mẹ Thiên Nhiên tạo ra, cho mọi người sinh sống trên đó, là của chung mọi người, và thuộc về mọi người. Mọi người đều có quyền lợi và trách nhiệm như nhau. Mọi biện pháp cấm cản người khác để bảo vệ, hay dành quyền khai thác tài sản chung này như chặn đường, khoan đất, ngăn sông, phá rừng, cho lợi ích cá nhân, hay một cộng đồng, dù bất cứ dưới danh nghĩa nào, cũng trái với sự an bài của Đấng Tạo Hoá, ngược với trật tự Thiên Nhiên. Nói cách khác, sau khi đã được Covid-19 chứng minh về sự bình đẳng của mọi người, tất cả những gì có tính cách bất bình đẳng đều không chấp nhận được. Và, đối phó với một tai nạn như đại dịch, là trách nhiệm chung của mọi người. Tất cả mọi người phải chung lòng chung sức, không phải là cơ hội để hưởng lợi, dành hơn thua, hay buộc tội và lăng mạ lẫn nhau.

Đời này và đời sau

- Thứ ba, về phương diện tín ngưỡng, Covid-19 giúp hiểu rõ hơn cuộc sống con người, gồm hai phần rõ rệt – hồn và xác. Có rất nhiều người, kể cả một số nhà truyền giáo, đã mù quáng, không phân biệt ranh giới giữa hai phần. Những quý vị thuộc thành phần này đã pha trộn đời sống tâm linh với đời sống thể xác, nghĩ rằng, người ngoan đạo, sẽ được Bề Trên ban cho mọi sự may lành về phần xác trong đời này, và linh hồn được hưởng phúc ở đời sau. Người viết không biết nhiều về các tôn giáo khác, nhưng với Thiên Chúa Giáo, khác với những gì được rao giảng bởi các nhà truyền giáo theo phong trào Tin Mừng Thịnh Vượng (Prosperity Gospel), không có chuyện “bảo hiểm trọn gói” như vậy. Sự an nguy về thể xác, qua trải nghiệm Covid-19, ai cũng như ai, Đấng Bề Trên không che chở cách riêng, hay bỏ mặc riêng ai. Thí dụ điển hình, tại các nước “Đạo gốc” như Italy và Spain, mỗi nước có hàng trăm linh mục, cả giám mục, và nữ tu thiệt mạng vì đại dịch. Ngay cả Đức Giêsu, khi nhập thế trong thân xác loài người, cơ thể Người cũng trong tình trạng như mọi người; cũng đau ốm bệnh tật, khi bị hành hạ cũng cảm thấy khốn đốn, và khi bị đóng đinh, thân xác Người cũng chịu chết, còn trút linh hồn trước cả hai tử tội hai bên. Cầu nguyện thuộc về đời sống tâm linh, giúp người cầu xin cảm thấy đỡ cô đơn, như có nơi nương tựa, vững tâm trải qua hoàn cảnh khó khăn. Chữa bệnh bằng phép lạ, là điều cũng thường nghe nói đến. Nhưng giữa “nghe nói” và sự thật, là khoảng cách khá xa.

Theo tin New York Post 26 tháng 4, 2020, Mục sư Tony Spell, đứng đầu Life Tabernacle Church tại Baton Rouge, Louisiana, đã bị bắt vì chống lại các biện pháp giãn cách xã hội để ngừa dịch của chính quyền địa phương, Ông từng giảng trước các tín hữu rằng, “Chúa sẽ bảo vệ họ khỏi bị hại bởi coronavirus” (God would protect them from the coronavirus). Vị mục sư này còn phổ biến lời kêu gọi trên mạng truyền thông xã hội: “Chúa cho các bạn hệ thống miễn nhiễm để giết virus” (God gave you an immune system to kill that virus).

Mục sư rao giảng như vậy, nhưng đại dịch Covid-19 đã chứng minh một thực tế hoàn toàn khác: Theo tin ABC Local 24 từ Memphis, ngày 23 tháng 4, 2020, Church of God and Christ, một Giáo Hội khá lớn với trên 6 triệu tín hữu ở Mỹ, thuộc African-American Pentecostal Denomination (Dòng Thánh Linh của người Mỹ gốc Phi Châu), được thành lập từ trên một thế kỷ, vào năm 1897, ở Memphis, cho biết có tới 30 nhân vật thuộc Giáo Hội bị thiệt mạng vì Covid-19, gồm mục sư, giám mục, và các giới chức quản trị cao cấp. Ngoài ra, rất nhiều cơ quan truyền thông đã loan tin vào giữa tháng 4, Giám mục Gerald Glenn, người sáng lập và đứng đầu New Deliverance Evangelistic Church, ở Chesterfield, VA, hôm 22 tháng 3 đã giảng “Tôi tin chắc rằng Chúa vĩ đại hơn con virus đáng sợ này” (I firmly believe that God is larger than this dreaded virus). Và rằng “Chúng tôi tin rằng Chúa sẽ bảo vệ chúng ta” (We believe that God will protect us). Đúng ba tuần sau, vào ngày lễ Phục Sinh 12 tháng 4, Nhà Thờ báo tin Giám mục Glenn từ trần, và ba người khác trong gia đình cũng bị lây nhiễm Covid-19. Giám mục Glenn là nạn nhân của Covid-19, không phải vì Chúa nhỏ hơn con virus đáng sợ, mà như Chúa đã nói, “Giang sơn tôi không thuộc thế giới này” (My kingdom is not of this world – John 18:36). Sống, chết, bệnh, tật, là chuyện thuộc về thế gian, loài người phải tự lo lấy. Khôn ngoan, sáng suốt, mọi người đều hạnh phúc; mù quáng, tham lam, ích kỷ, hẹp hòi, là tự tạo ra bệnh tật và đau khổ cho mình.

Fake Gospel

Một số nhà rao giảng Tin Mừng Thịnh Vượng có lý do để chống lại các biện pháp giới hạn tụ họp đông người hầu tránh lây nhiễm đại dịch. Có người thịnh vượng hơn người khác. Thí dụ, theo báo Washington Post ngày 4-6, 2019, nhà truyền giáo Kenneth Copeland ở Texas, khi kêu gọi tín hữu góp tiền mua thêm máy bay riêng thứ ba, một chiếc Gulfstream V jet, ông nói, “bạn không thể trao đổi với Chúa trong khi đi máy bay thương mại” (you can’t “talk to God” while riding commercial). Và rằng, “Bạn không thể làm chuyện đó thời nay, trong một thế giới u mê, chui vào một cái ống dài với một đám quỷ sứ” (You can’t manage that today, in this dope-filled world, get in a long tube with a bunch of demons). Ngoài ra, nhà truyền giáo Jesse Duplantis, đã được tín hữu đóng góp 54 triệu đô la để mua máy bay riêng thứ tư, một chiếc Falcon 7X jet. Mike Murdock, nhà truyền giáo qua TV (televangelist), từng khoe cộng đồng tín hữu đã mua cho ông hai máy bay Cessna Citation jets; bằng tiền mặt. Và một người khác, thịnh vượng ngay cả trong tên gọi của mình, nhà truyền giáo TV Creflo Dollar, đã kêu gọi tín hữu đóng góp $65 triệu để mua chiếc máy bay Gulfstream G650, cho biết, ông “cần một máy bay phản lực riêng sang trọng nhất để chia sẻ Tin Mừng của Chúa Cứu Thế” (needs one of the most luxurious private jets today in order to share the Gospel of Jesus Christ.”

Chỉ có số ít nhà truyền giáo đạt mức thịnh vượng như vậy, có thể cầm cự qua ảnh hưởng của đại dịch. Đa số những người khác, sống nhờ sự đóng góp đều đặn của tín hữu trung thành. Giống như những người trong lãnh vực canh tác, làm việc quanh năm, nhưng thu hoạch có mùa. Gặp thiên tai vào thời gian thu hoạch, coi như mất mùa. Với Thiên Chúa Giáo, hai mùa thu hoạch lớn hàng năm, là Giáng Sinh, và nhất là Phục Sinh. Vì Covid-19, giáo dân không thể tới nhà thờ, coi như mất mùa đóng góp. Giầu có như Sứ Vụ Kenneth Copeland ở Texas, cũng lớn tiếng hô hào đóng góp và thu hoạch, “Hãy hăng hái lên trong niềm tin, trong sự dâng cúng và trong thu hoạch của chúng ta” (Let’s be aggressive in our faith, in our giving and in our harvesting!) Nếu mù quáng vì sợ thiệt thòi mà nói với tín hữu rằng, cứ tới nhà thờ trong đại dịch rồi sẽ được Chúa che chở, đó là lợi dụng danh Chúa để rao giảng “fake gospel,” một thứ Tin Mừng giả.

Nhắc lại câu hỏi: Điều gì đã được tỏ ra qua đại dịch Covid-19? Đó là, thế giới ngày nay bị ô nhiễm trầm trọng bởi giả mạo; ngoài tin giả, fake news, còn có chủ chăn giả, fake shepherds; và Tin Mừng giả, fake gospel.

Lợi nhuận và bệnh tật

– Thứ bốn, đại dịch cho thấy không phải Thượng Đế phát tán virus. Chính loài người, do mù lòa vì lợi nhuận, đã giúp nó đi khắp nơi.

Hãy tưởng tượng, thế giới này bắt đầu như một ngôi nhà hoàn thành, do cha mẹ để lại cho đàn con cư ngụ. Cha mẹ là người công chính, coi tất cả các con như nhau. Tất cả đều có nhiệm vụ trong việc bảo trì ngôi nhà chung. Nhưng trong số các con, có nam, có nữ, có kẻ cao người thấp, có người mạnh hơn người khác về thể lực, có người thông minh hơn người khác về trí tuệ. Nếu tất cả anh chị em một nhà, cùng đối xử với nhau trên căn bản yêu thương, người mạnh giúp kể yếu, người thông minh chỉ dẫn người chậm hiểu, rồi những người này lại giúp những người khác về những gì mình có thể làm được–nếu mọi việc cứ như vậy, chẳng bao giờ có tai hoạ.

Tai họa bắt đầu khi trong cộng đồng gia tộc hài hòa đó, bỗng có người cảm thấy mình khoẻ hơn người khác. Rồi kẻ khoẻ hơn bỗng nhận ra rằng, công bằng không có nghĩa mọi người được đối xử như nhau, mà người khoẻ hơn phải có ưu thế hơn người thường. Kẻ tự cảm thấy thông minh hơn người cũng nhận ra, tuy kém về thể lực, nhưng có nhiều mưu hay chước lạ, cũng phải được biệt đãi, đâu chịu cúi đầu phục vụ người khác. Lại có những kẻ, tuy chẳng khoẻ hơn ai, không thông minh hơn ai, chỉ hơn người ở thói gian dối và ích kỷ, cũng cố dành phần hơn bằng cách trí trá, lường gạt.

Cứ như vậy, thay vì cùng nhau săn sóc căn nhà chung, mỗi người một cách, chỉ chạy theo lợi riêng, không ngại đàn áp và sát hại người khác. Đến một lúc, ngộ ra rằng, nếu cứ tiếp tục tàn sát lẫn nhau, căn nhà chung sẽ bị phá tan, và người cũng chẳng còn. Để tồn tại, người ta đã phải thay đổi, nhưng tham lam và ích kỷ vẫn còn. Thay vì cùng nhau săn sóc căn nhà chung, người ta thi nhau khai thác nó; như khoan lòng đất, ngăn sông, lấp biển, phá rừng, gây ô nhiễm sinh thái để thủ lợi. Và tiếp theo, người ta quay sang lợi dụng, khai thác sức lao động của nhau. Nước Tàu, với trên một tỷ dân, bỗng biến thành cơ xưởng sản xuất hàng hóa giá rẻ, cung cấp toàn cầu. Hằng trăm triệu thanh niên nam nữ, từ bỏ cuộc sống trong lành ở nông thôn, thoáng khí, thực phẩm tươi, kéo về sống chui rúc gần những khu công nghiệp chật chội, thiếu vệ sinh, làm việc ngày đêm như máy, ăn uống thiếu bổ dưỡng, thức ăn làm sẵn với hoá chất bảo quản có khi hại sức khoẻ. Nếu “bần cùng sinh đạo tặc” là một định luật xã hội, “ô nhiễm sinh bệnh tật,” là một định luật y tế.

Tuy tràn ngập toàn cầu, khác với các đại dịch trước trong lịch sử, Covid-19 thực ra không có sức lan toả dữ dội hơn. Nó không thể tự nhiên có mặt khắp thế giới, chính người ta mang nó đi. Những người theo thuyết âm mưu (conspiracy theories), chẳng cần bằng chứng, nhất định cho rằng Tầu Cộng chế ra virus và phát tán đại dịch. Ngay cả giới chức cao cấp trong chính quyền Mỹ, như Ngoại Trưởng Pompeo, cũng nói với ABC News’s “This Week” hôm 03 tháng 05 rằng, “Các chuyên gia giỏi nhất cho đến nay có vẻ tin đó là sản phẩm nhân tạo. Đến giờ, tôi không có lý do để không tin như thế“ (The best experts so far seem to think it was man-made. I have no reason to disbelieve that at this point). Nhưng khi nhà báo nhắc Ngoại Trưởng rằng giới tình báo Mỹ không nói như vậy, ông Pompeo lại nói rằng ông có biết những gì giới tình báo nói, và ông không có lý do để tin rằng họ nói sai: “I’ve seen what the intelligence community has said. I have no reason to believe that they’ve got it wrong.” Các chuyên gia giỏi nhất, và giới tình báo Mỹ nói trái ngược nhau, nhưng cả hai đều đúng!

Trừ khi nhằm mục đích tạo hoả mù để khoả lấp các tin xấu khác, không nên tin vào thuyết âm mưu này. Vì nó vừa thiếu khoa học; do không chứng cớ, và có vẻ ác ý, gắp lửa bỏ tay người. Nên nhìn vào sự việc cụ thể: Năm 2018, Mỹ nhập cảng hàng hóa từ Tàu, tổng số năm trăm tỷ Mỹ Kim. Với số hàng khổng lồ này, từ khâu chế tạo bên Tàu, đến giai đoạn chót phân phối trên thị trường Mỹ, cần bao nhiều người Tàu, và bao nhiêu người Mỹ tham gia, đi lại giữa hai nước? Mỹ nhập cảng hàng Tàu nhiều hơn cả, dĩ nhiên, có nhiều người đi lại với Tàu hơn cả, hậu quả là Mỹ có nhiều người mắc dịch và thiệt mạng hơn cả. Rồi từ Mỹ, virus theo đi khắp thế giới, vì Mỹ liên hệ với khắp thế giới. Tàu biết khi dịch xuất hiện ở Vũ Hán, và có biện pháp cứng rắn đối phó ngay, trong khi chưa công bố chính thức, vì là tin xấu. Đó là lối hành xử quen thuộc của chế độ Cộng Sản độc tài. Nhờ biết trước, và đối phó ngay bằng biện pháp mạnh, Tàu đỡ thiệt hại hơn Mỹ. Khi Mỹ biết, trễ hơn Tàu, còn mù quáng vì sợ bể bong bóng thị trường chứng khoán, tuyên bố lạc quan rằng đại dịch không nguy hiểm, nó chỉ là một loại cúm thường, sẽ biến đi như phép lạ. Khi nó tràn ngập khắp nước Mỹ, thì đã muộn. Ngày 31 tháng 3, ban đặc nhiệm chống dịch của Bạch Ốc dự đoán số người thiệt mạng tại Mỹ có thể lên tới từ 100,000 đến 240,000. Tổng Tư Lệnh cuộc chiến chống “Virus Vũ Hán” tự cho điểm: Nếu số người thiệt mạng đạt mức 100,000, chứng tỏ chính quyền làm việc tốt. “Điểm tốt” này đã đạt được vào ngày 27 tháng Năm, gần bốn tháng sau khi đại dịch tới Mỹ.

Tóm lại, đại dịch xuất hiện là dấu chỉ phơi bầy sự mù quáng của loài người:




Trong cái tweet trên, Tổng Thống Trump viết vào ngày 9 tháng 3, 2020, nói rằng năm ngoái, có 37,000 người Mỹ chết vì cúm thường, tính trung bình mỗi năm có từ 27,000 đến 70,000 người thiệt mạng. Không có gì phải đóng cửa, cuộc sống và kinh tế tiếp tục. Đến giờ, có 546 trường hợp xác nhận bị Coronavirus, với 22 người chết. Hãy nghĩ về điều đó.

Tweet dưới, một người tên là Roberto Burioni, trả lời TT Trump vào ngày hôm sau, 10 tháng 3: Thưa Tổng Thống, tất cả người Mỹ đều có độ miễn dịch chống cúm mùa, trong khi không có miễn dịch chống lại coronavirus mới này. Thứ virus này nguy hiểm, nó lan toả rất nhanh và tôi nghĩ rằng coi thường thứ bệnh truyền nhiễm này có thể là sai lầm chết người.



Hơn hai tháng sau, và một ngày trước khi Mỹ đạt con số 100,000 người thiệt mạng vì đại dịch, hôm 26 tháng 5, TT Trump viết trên tweet của ông: “Cùng tất cả bọn “đâm thuê chém mướn chính trị” ngoài kia, nếu tôi đã không làm nhiệm vụ tốt và sớm, chúng ta đã thiệt hại một triệu rưỡi tới hai triệu người, thay vì hơn 100,000 như con số có vẻ sắp tới. Đó là 15 đến 20 lần nhiều hơn chúng ta đã mất. Tôi đã đóng cửa nhập khẩu từ Tàu rất sớm.”

Và Ông viết tiếp ở tweet dưới: “….Mất một người cho thứ virus vô hình này đã là quá nhiều, đáng lẽ nó đã phải bị chặn từ nơi xuất phát ở Tàu, nhưng tôi đã hành động rất sớm, làm những quyết định đúng. Tuy nhiên, nhiều người than phiền chính trị bây giờ, vào lúc đó, cho rằng tôi đã hành động quá nhanh, như Nancy Khùng!”

Những lời lẽ trên, đã tự diễn tả đầy đủ. Người viết không cần bàn thêm.

Cách chữa bệnh khó hiểuSau khi giải thích cho các môn đệ biết bệnh mù không phát sinh do tội lỗi của người bệnh, hay cha mẹ anh ta, Tin Mừng kể tiếp:

“Nói xong, Người nhổ xuống đất, lấy nước bọt trộn thành bùn, rồi xoa bùn trên mắt người ấy và bảo: “Anh hãy đến hồ Siloam mà rửa” (chữ Siloam có nghĩa là gửi đi). Anh ta ra đi và rửa, rồi trở lại thì trông thấy được.” (Jn 9:6-7)

Với tín hữu Công Giáo dự thánh lễ đều đặn các ngày Chủ Nhật, hai câu Tin Mừng trên đây khá quen thuộc, dù không đọc ở nhà, cũng đã được nghe đi nghe lại rất nhiều lần ở nhà thờ. Nhưng thú thật, với người không thuộc loại ngoan đạo, phần lớn những gì nghe được ở nhà thờ, là vì bổn phận, nhất là nếu gặp vị linh mục chủ tế kém tài ăn nói, chỉ là “nghe qua rồi bỏ,” ít khi thắc mắc. Nhưng khi theo dõi Giáo Hoàng qua Lễ TV trong mùa đại dịch, lại được Ngài mời gọi đọc đi đọc lại nhiều lần Tin Mừng nói về Chúa chữa bệnh mù, thì không thể bỏ qua. Quả thật, càng đọc càng thấy bí, mới hiểu tại sao Ngài nhấn mạnh đọc lại nhiều lần.

Thắc mắc nổi bật, giữa mùa đại dịch, tràn ngập lời khuyên phải rửa tay thật sạch, nhiều lần mỗi ngày, phải đeo khẩu trang để tránh lây nhiễm theo đường miệng, trong khi Tin Mừng mô tả Chúa chữa bệnh bằng cách nhổ bọt xuống đất, lấy ngón tay di di để bọt với đất thành chất dẻo như bùn, rồi bôi lên mắt bệnh nhân. Chữa bệnh kiểu gì mà có vẻ mất vệ sinh, kỳ cục vậy?

Nghĩ hoài không ra. Đọc đi đọc lại mấy lần, vẫn không hiểu. Có lúc định đốt giai đoạn, thay vì tự nghĩ, tìm câu trả lời qua sách vở, và trên internet. Vẫn không tìm được câu trả lời thỏa đáng. Có linh mục giải thích, Chúa chữa bệnh bằng nước bọt, vì ngày xưa, dân gian nghĩ rằng nước bọt có khả năng trị bệnh, ví dụ, khi bị ngứa vì muỗi cắn, lấy nước bọt bôi vào chỗ ngứa, thì hết. Chuyên gia Thánh Kinh khác giải thích, Chúa hòa bọt với đất sét, để làm cho người mù thành một người mới, giống Adam thuở xưa được nặn bằng đất sét. Không giải thích nào có vẻ thuyết phục.

Lại càng khó hiểu, khi thấy tất cả bảy phép lạ do Thánh Gioan ghi lại trong Tin Mừng, đây là phép lạ thứ sáu, và là phép lạ duy nhất, Chúa dùng nước bọt hòa với đất. Ví dụ, phép lạ thứ nhất, biến nước thành rượu ngon đãi khách trong tiệc cưới ở Cana (Jn 2: 1-11), nếu Chúa nhổ bọt vào lu đựng nước, chắc người uống cũng hơi ngại. Hay qua phép lạ cuối cùng, thứ bảy, Chúa cho Lazarus sống lại, sau khi chết 4 ngày (Jn 11: 1-45). Đây mới là hoàn cảnh cần dùng đất sét tạo người mới, vì xác người chết đã bốc mùi. Nhưng Chúa không dùng vật liệu gì, Người chỉ đứng trước mồ, lớn tiếng gọi “Lazarus, hãy đi ra!,” thế là người chết bước ra, trên mình vẫn còn cuốn khăn liệm.

Thắc mắc thứ nhì về phép lạ chữa người mù, là có sự hợp tác của bệnh nhân. Chúa không chỉ phán một lời, như bảo người chết bước ra khỏi mồ, hay người bị tê liệt đứng dậy mà đi. Với người mù, Chúa bôi nước bọt trộn với đất lên mắt, người mù vẫn chưa nhìn thấy. Chúa bảo anh này phải ra hồ, rửa sạch thứ bôi lên mắt, lúc ấy mới hết mù.

Đọc đi đọc lại nhiều lượt, vẫn không tìm đuọc giải đáp hợp lý cho cả hai thắc mắc. Lúc đầu còn đọc qua mặt chữ, sau vài ba lần thì thuộc, chỉ còn “đọc” trong đầu. Vừa “đọc” vừa tự hỏi, điều gì làm cho nước bọt và đất có thể chữa bệnh mù? Đến một lúc, giống như có ngọn đèn tự nhiên bật sáng trong đầu, soi đường liên tưởng tới một dụ ngôn khác trong Tin Mừng, thuật lại vụ Chúa tranh luận với các luật sĩ Pharisees, về việc phải rửa tay trước khi ăn. Trong số bốn Tin Mừng, câu truyện này chỉ được ghi lại trong hai Tin Mừng cùa các Thánh Matthew (Mt. 15:1-20), và Mark (Mk. 7:20-23).

Truyện kể rằng:

“Khi ấy, các Pharisêu (Pharisees) và kinh sư từ Giêrusalem đến gặp Chúa Giêsu, họ nói: “Tại sao môn đệ ông không rửa tay trước khi ăn, phá vỡ truyền thống cha ông truyền lại?” (Mt.15:1-2).

Sau một vài câu tranh luận với người Pharisêu, Chúa Giêsu triệu tập đám đông và nói: “Không phải cái vào miệng làm ô uế con người; nhưng cái từ miệng xuất ra mới làm ô uế con người!” Khi thấy Phêrô yêu cầu được giải thích rõ hơn, Chúa đáp:

“Ngay cả các anh cũng không hiểu sao? Các anh không biết mọi thứ đi vào miệng đều qua bụng và bị thải ra ngoài? Nhưng những gì ra từ miệng xuất phát từ trong tâm và làm ô uế con người. Bởi chính từ trong lòng mà phát ra các tư tưởng độc ác, giết người, ngoại tình, tà dâm, trộm cắp, làm chứng dối, báng bổ. Những điều này làm ô uế con người, còn ăn uống mà không rửa tay thì chẳng làm ta ô uế” (Mt. 15:16-20).

Trở lại vụ chữa bệnh mù. Thì ra, Giêsu chữa bệnh bằng cách lấy độc trị độc. Lấy những gì phát ra từ miệng, tượng trưng bởi nước bọt, hoà trộn với đất, tượng trưng cho của cải thế gian – mấy thứ độc ác, dối trá, ghen ghét, trộn với tham lam của cải, đem bôi lên mắt, làm mắt hết nhìn thấy sự thật, không phân biệt được phải trái. Sáng mắt cũng như mù! Muốn chữa bệnh mù quái ác này, Chúa phán một lời chưa đủ. Chính bệnh nhân phải tự rửa sạch những thứ làm cho mình mù, mới khỏi bệnh. Bởi vì, nếu Chúa chỉ chữa bằng lời phán “Hãy sáng mắt,” nhưng người vừa được sáng, hay có đôi mắt sáng sẵn, vẫn không chịu nhìn sự thật bằng mắt của mình, chỉ quen nhìn qua mắt người khác, bệnh vẫn không khỏi.

Nước bọt và đất làm cho mù lòa, điều này có thể chứng minh bằng một tin thời sự nóng hổi trong nước. Dân thấy Tàu mua những khu đất quan trọng dọc theo bờ biển VN, sợ có âm mưu xấu, nhờ Đại Biểu Quốc Hội chất vấn Bộ Trưởng Tài Nguyên Môi Trường. Bộ Trưởng trả lời là “không thấy gì.” Câu hỏi và trả lời, cũng như mọi thương lượng về đất đai, phát ra từ miệng, đi với nước bọt, người bị hỏi nói không nhìn thấy đất mua bán trái phép. Các yếu tố nước bọt và đất đã hội đủ. Tất nhiên, không thể “thấy gì.” Mù rồi! 


Hình tựa lớn tin thời sự của báo Thanh Niên, ngày 22 tháng 5, 2020, tự nó đã nói đầy đủ

Người mù và người sáng

Vụ Chúa chữa khỏi người mù bẩm sinh, đã gây ra cuộc tranh cãi gay go giữa những người tin vào những gì nhìn thấy trước mắt, và những người bảo thủ, bỏ qua thực tại, chỉ tin vào lề thói quen thuộc truyền thống. Cuối cùng, Chúa nói về sứ mạng của mình:

Giêsu nói, “Chính vì để luận xét mà tôi đến thế gian này, cho những kẻ không thể nhìn, thì được thấy, và những kẻ thấy được, sẽ trở nên mù.” Một số người Pharisees có mặt ở đó nghe vậy liền hỏi Người: “Sao lạ vậy? Bộ chúng tôi mù cả ư?” Giêsu đáp: “Nếu các ông mù, thì chẳng có tội gì; nhưng bây giờ các ông nói các ông có thể thấy, tội lỗi các ông vẫn còn.” (Jn 9:39-41).

Trước khi hiểu được cách chữa bệnh lạ lùng của Đức Giêsu, ba câu cuối trên đây có vẻ vô lý. Người mù có thể chữa để nhìn được, dễ hiểu. Nhưng tại sao làm cho người sáng thành người mù? Để trừng phạt những kẻ chống đối bằng cách móc mắt cho mù? Sau khi đã biết cách chữa bệnh mù của Đức Giêsu, câu trả lời của Người có thể hiểu: Nếu là người mù thực sự, những việc làm trong tình trạng không thể nhìn rõ sự thật, thì chẳng có tội lỗi gì. Những ai tự nhận là người sáng, có thể nhìn, nhưng bị tư tưởng căm thù, độc hại hay quyền lợi riêng tư che mắt, mà làm điều sai trái, thì tội lỗi vẫn còn. Tóm lại, Giêsu tới để chữa cho người mù được sáng, và làm cho những kẻ vẫn tưởng mình sáng biết là họ mù (cho đến khi được chữa, bằng cách rửa sạch những gì làm người sáng hành động như mù).

Perfect storm và perfect blindness

Perfect storm, dịch sang tiếng Việt là “trận bão hoàn hảo.” Nhưng “hoàn hảo” thường để mô tả những gì tốt đẹp. Vậy, nên gọi là “siêu bão,” một thứ bão có sức tàn phá khủng khiếp, phi thường, khiến những ai chẳng may gặp phải bị chới với, ngất ngư; nhiều khi bó tay, không biết đối phó ra sao. Nó ập tới, khi nhiều yếu tố cực xấu, xảy ra cùng lúc. Nước Mỹ đang đứng giữa những cơn xoáy của trận siêu bão này.

Đại dịch với hàng triệu người lây nhiễm, trên trăm ngàn người thiệt mạng. Cả nước bị hạn chế đi lại. Nhà thờ, nhà trường, chợ, xí nghiệp, đóng cửa. Mức thất nghiệp tăng vọt, kinh tế xuống dốc. Chia rẽ trầm trọng, từ hàng ngũ lãnh đạo tới dân chúng; cả nước như ngồi trên hầm thuốc nổ. Bằng ấy thứ cực xấu hiện diện cùng lúc, có vẻ vẫn chưa đủ. Ngày 25 tháng 5, anh George Floyd, một thanh niên da đen ở Minneapolis, Minnesota, đã bị cảnh sát da trắng chẹt cổ bằng đầu gối, chết. Nạn kỳ thị chủng tộc ở Mỹ vẫn âm ỷ, đã bùng dậy. Hợp với các yếu tố khác, tạo thành siêu bão.

Người đứng mũi chịu sào, chỉ huy nỗ lực đối phó với trận siêu bão này, là một nhân vật đặc biệt, không giống ai. Ông hội đủ cả hai yếu tố có thể ảnh hưởng tới thị giác. Ông cương quyết từ chối đeo khẩu trang, để mặc nước bọt bắn ra khỏi miệng mọi thứ, từ giận dữ, chê trách, tới chửi bới, không cần dựa trên sự thật hay cơ sở pháp lý, cũng không cần biết sẽ gây ra hậu quả nào. Đồng thời, ông xuất thân là một nhà kinh doanh trên thị trường nhà đất. Nước bọt với đất, hai yếu tố cần và đủ, để tạo tình trạng “siêu mù” (perfect blindness).


Tổng Thống Trump cầm một cuốn Thánh Kinh bên ngoài St. John’s Church (nhà thờ Anh giáo) phía trước Bạch Ốc, ngày 1 tháng 6, 2020, sau khi đám biểu tình phản đối cái chết của George Floyd đã bị cảnh sát dùng hơi cay giải tán. (Hình Brendan Smialowski/AFP via Getty images)

Cái chết cùa George Floyd đã làm bùng nổ phong trào chống đối trên khắp nước, và như thường lệ, không tránh khỏi những hành vi bạo động và cướp của trà trộn. Ngoài thiệt hại về tài sản và nhân mạng chưa biết bao nhiêu, một số người chết, trên năm ngàn người bị bắt. Lo ngại nhất là trong khi đáng lẽ phải đoàn kết để vượt khó khăn, tình trạng chia rẽ lại tăng gấp bội, do phản ứng trái ngược từ nhiều phía.

Từ đầu, TT Trump đã tỏ ra vô cùng cứng rắn, trên Twitter, ông gọi những người biểu tình là bọn “côn đồ” (thugs), dọa dùng quân đội để tái lập trật tự, và tuyên bố “tức thời cướp phá, tức thời xả đạn” (when the looting starts, the shooting starts). Đến nỗi, vào ngày 29 tháng 5, Twitter phải cảnh cáo đây là thái độ “tôn vinh bạo lực” (glorification of violence). Phía truyền thông gắn bó với ông Trump, như Fox News, qua phát ngôn của Laura Ingraham, vào ngày thứ Hai, 1 tháng 6, đã lên án những người biểu tình bạo động là bọn “giết nước Mỹ” (murder America). Và, những vụ nổi dậy là một phần của “nỗ lực được điều hợp để cuối cùng lật đổ chính quyền Mỹ.”

Trong khi ấy, hai lãnh đạo đối lập tại Quốc Hội là Chủ Tịch Hạ Viện, Dân Biểu Nancy Pelosi (Dân Chủ, đại diện tiểu bang California), và Trưởng khối thiểu số Thượng Viện, Nghị Sĩ Chuck Schumer (Dân Chủ, đại diện tiểu bang New York) đã cùng ra tuyên bố, lên án TT Trump là “hèn nhát, yếu đuối và nguy hiểm (cowardly, weak and dangerous), trong cách “quạt thêm ngọn lửa chia rẽ, kỳ thị và bạo lực” (fanning of the flames of discord, bigotry and violence).

Các lãnh tụ tôn giáo cũng bất bình, Giám Mục Anh giáo (Episcopal) của thành phố Washington DC, bà Mariann Budde, nói với báo Washington Post là bà đã không được thông báo theo phép lịch sự tối thiểu rằng cảnh sát sẽ dùng hơi cay để giải tán biểu tình, dọn đường cho Tổng Thống tới nhà thờ chụp hình để phổ biến. Giám Mục Michael Curry, người đứng đầu Giáo Hội Anh giáo tại Hoa Kỳ, chỉ trích TT Trump đã dùng hình ảnh nhà thờ và Thánh Kinh, cho mục tiêu chính trị, đảng phái.

*
Từ những yếu tố trên, có thể thấy nước Mỹ đang trong hoàn cảnh cực kỳ đáng lo. Như con thuyền lớn lênh đênh trên đại dương, giữa một perfect storm, với thuyền trưởng trong tình trạng perfect blindness.

Nhớ lại Giáo Hoàng Francis đã gợi ý qua câu nói của Thánh Augustino về Tin Mừng này: Chỉ sợ khi Giêsu đi qua, không nhận ra Người, bỏ lỡ cơ hội được chữa bệnh mù. Đại dịch bao trùm thế giới, chắc Giêsu đang có mặt khắp nơi để giúp đời. Nhưng người điểu khiển Con Tàu Mỹ Quốc khó nhận ra Người. Bởi, nhìn đâu cũng chỉ thấy mình!

Đinh Từ Thức
Nguồn: https://damau.org/64490/chua-benh-m-suy-nghi-thoi-covid-2