"Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài. Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống. Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh." (Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận)

Đức Maria Ở Buổi Đầu Đạo Công Giáo Việt Nam


Ngày nay, ít có người Công Giáo Việt Nam nào lại không biết đến người mang tên Inikhu, nhất là những người đã nghe qua lịch sử truyền giáo tại Việt Nam. Đó là người được chính sử Việt Nam của Triều Nguyễn, Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục (1), gọi là người khởi đầu công việc truyền “đạo dị đoan của Gia Tô” hay “tả đạo Gia Tô”. Chính sử Triều Tự Đức nhắc đến truyện xẩy ra cách đó hơn 300 năm để giải thích lệnh tái cấm đạo của Huyền Tông Mục Hoàng Đế năm 1663, như một bào chữa cho chính sách diệt Kitô Giáo của các vua nhà Nguyễn, một chính sách vốn là của cha ông!

Các sử gia nhà Nguyễn không cho biết họ căn cứ vào sử liệu nào để nêu đích danh Inikhu, sau khi việc ông làm đã xẩy ra trước đó hơn 300 năm, chỉ nói là căn cứ vào dã sử, những câu truyện truyền miệng trong nhân gian. Nhân gian nào, Kitô Giáo hay không Kitô Giáo? Họ không cho biết. Không Kitô Giáo cũng phi lý: hơi đâu truyền miệng một câu truyện chẳng ăn có gì với mình! mà Kitô Giáo thì cũng vô lý: không một nguồn Kitô Giáo nào còn đến ngày nay nhắc đến biến cố ấy! Thực vậy, cả giáo sĩ Cevallos, lẫn giáo sĩ Đắc Lộ và linh mục Philiphê Bỉnh sau này, đều không nhắc gì tới bước chân người gieo Tin Mừng đầu hết này. Nhưng nếu đến hơn 300 năm sau, có dã sử vẫn nhắc đến ông thì hiển nhiên công trình truyền giáo “lén lút” của ông hẳn phải có tiếng vang rất lớn, ít nhất ở Việt Nam. Và khi cho chi tiết dã sử ấy vào chính sử của mình, các sử gia Triều Nguyễn hẳn phải có gì chắc chắn mới dám viết như thế.

Các sử gia sau này, từ Trần Trọng Kim (Việt Nam Sử Lược) đến các tác giả Công Giáo như Linh Mục Nguyễn Hồng (Lịch sử truyền giáo ở VN), Linh Mục Phan Phát Huồn (Việt Nam Giáo Sử), Linh Mục Bùi Đức Sinh (Giáo Hội Công Giáo ở Việt Nam), Linh Mục Nguyễn Thế Thoại (Công Giáo Trên Quê Hương Việt Nam), Linh Mục Nguyễn Tự Do (Hành Hương Công Giáo Việt Nam), đều trích dẫn chi tiết này của Cương Mục, dù không thể xác định được Inikhu là ai.

Linh Mục Nguyễn Thế Thoại cho rằng “Quan trọng không ở điểm phát xuất của nhà truyền giáo. Quan trọng chính là nhà truyền đạo, là nội dung giáo lý và đời sống đạo mà người đó truyền loan, còn in đậm trong cuộc sống người dân tòng giáo” (tr.39). Có điều, tác giả này không đề cập một chi tiết nào trong nội dung giáo lý của Inikhu. Linh Mục Phan Phát Huồn có lẽ là người duy nhất trích dẫn một đoạn khác cũng của Cương Mục, quyển 41, cho hay Inikhu “nói đến thiên đường, hỏa ngục, chia ra báo ứng thiện ác, hơi giống đạo Phù Đồ (Phật), đem lại thuyết xưng tội miễn tội” (tr.55).

Không thấy Inikhu nhắc gì tới Đức Maria, có lẽ vì triều đình Huế không thể để ý tới tầm quan trọng và vị thế của Ngài trong tâm thức người Kitô Hữu Việt Nam, dù là lúc ấy. Chứ thực ra, một người như Inikhu, mà theo Linh Mục Nguyễn Thế Thoại, có thể đã lén tách khỏi phái đoàn của Duarte Coelho năm 1523 ở Cù Lao Chàm, để tìm đường vào Nam Chân và Giao Thủy miệt mài giảng đạo ở đó trong 10 năm, đến mãi 1533 mới bị khám phá (xem các tr.41-42), thì không thể nào lại không nói tới Đức Maria, mà cả thế giới Kitô Giáo lúc đó đang hết lòng sùng kính.

Lòng sùng kính Đức Maria trong thế kỷ 16 (2)

Thực vậy, sang đầu thế kỷ 16, lòng sùng kính Đức Maria trong Giáo Hội đã lên tới tuyệt đỉnh, hầu như mọi tước hiệu và hầu hết các tín điều của Ngài và về Ngài đều đã hiện hữu trong tâm thức, kinh nguyện, và phụng vụ của Giáo Hội, nếu chưa hẳn đã được định nghĩa chính thức.

Niềm tin Đức Maria sinh con đồng trinh đã được chính Thánh Máccô nhắc tới khi ngài mô tả Chúa Giêsu là “Con bà Maria” (Mc 6:3). Thánh Inhaxiô thành Antiốc (sinh năm 50, qua đời khoảng các năm 98 và 117) khai triển chủ đề này bằng cách sau khi mô tả Chúa Giêsu là “Con bà Maria và là Con Thiên Chúa”, đã nhấn mạnh với tín hữu Êphêsô (7,18 và 19) rằng đức đồng trinh của Đức Mẹ, việc Ngài mang thai và cái chết của Chúa Giêsu là ba mầu nhiệm mà thủ lãnh thế gian không được bày tỏ. Aristides và Thánh Giustinô cũng dùng các ngôn từ minh nhiên nói đến việc Đức Mẹ sinh con mà còn đồng trinh. Nhưng Thánh Irênê (sinh khoảng các năm 115, 125 và qua đời khoảng các năm 130, 142) mói xứng đáng được gọi là nhà thần học đầu tiên nói về Người Mẹ Đồng Trinh (xem Irenaeus, V, 19). Và thuật ngữ “sinh bởi bà Maria đồng trinh” trong kinh tin kính buổi đầu là nằm trong dòng tư tưởng của thánh nhân.

Thánh Proclus, Thượng Phụ Constantinốp, năm 429, trước sự hiện diện của Nestorius, đã giảng một bài giảng thời danh về Đức Mẹ, trong đó, ngài mô tả Đức Maria là “nữ tỳ và là Mẹ, Đấng Đồng Trinh và là thiên đàng, cây cầu duy nhất giữa Thiên Chúa và con người, khung dệt tuyệt điệu của Nhập Thể, trong đó, tấm áo của sự hiệp nhất ấy đã được dệt nên một cách không thể diễn tả được, mà người dệt chính là Chúa Thánh Thần; người xe chỉ chính là Đấng Phủ Bóng từ trời cao; len chính là lông xưa của Adong; sợi ngang chính là xác thịt không tì ố của đấng đồng trinh, thoi người dệt chính là ơn phúc vô lường của Đấng đã làm nên nó; công nhân chính là Lời lướt qua thính giác” (P.G. LXV, 681).

Ta biết mấy năm sau, năm 431, một công đồng chung đã được triệu tập tại Êphêsô và chính công đồng này đã long trọng công bố tín điều Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa (Theotokos). Còn việc Đức Mẹ Đồng Trinh thì Công Đồng Latêranô đã chính thức phán quyết với vạ tuyệt thông thời Đức Giáo Hoàng Martinô thứ nhất vào năm 649, dù trước đó cả Kinh Tin Kính Constantinốp và Nixêa lẫn Kinh Tin Kính Các Tông Đồ đều đã tuyên xưng: Chúa Giêsu sinh bởi “Bà Maria Đồng Trinh”. Sự đồng trinh này luôn được hiểu là trước, trong và sau khi Đức Mẹ sinh Chúa Giêsu, nói cách khác là trọn đời đồng trinh.
Một mảnh gốm của người Coptic có từ năm 600 có mang mấy dòng bằng tiếng Hy Lạp, ca ngợi Đức Mẹ như sau: “Kính chào Maria đầy ơn phúc, Chúa ở cùng Bà; Bà có phúc hơn mọi phụ nữ và hoa trái lòng Bà đầy phúc, vì Bà đã cưu mang Chúa Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng Cứu Chuộc linh hồn chúng con”. Đó quả là hình thức đầu hết của kinh Kính Mừng. Trước đó, khoảng năm 540, người ta đã tìm thấy một tranh ghép tại nhà thờ chánh tòa Parenzo ở Áo, diễn tả Đức Mẹ ngự tòa Nữ Vương Thiên Đàng.

Sang đầu thời Trung Cổ, khoảng thế kỷ thứ 7, người ta thấy xuất hiện nhiều ngày lễ kính Đức Mẹ trong Giáo Hội như lễ Mông Triệu, Lễ Truyền Tin, Lễ Sinh Nhật và Lễ Thanh Tẩy Đức Mẹ.

Cũng vào thời này, Ngài được ca ngợi trong phụng vụ như là “phòng hoa chúc từ đó đấng phu quân tôn qúy xuất hiện, là ánh sáng lương dân, là niềm hy vọng tín hữu, là đấng khử trừ ma qủy, làm người Do Thái bối rối, là mạch sự sống, là tòa vinh quang, là đền thờ thiên quốc, mà công đức, vốn chỉ là thiếu nữ dịu dàng, nhưng nếu đem so sánh với Evà xưa, thì hiển nhiên hơn nhiều” (P.L., LXII, 245). Tại Ái Nhĩ Lan, khoảng giữa thế kỷ thứ 8, một bài kinh tựa như kinh cầu Đức Mẹ đã được hình thành, trong đó, Ngài được xưng tụng là “Công Nương Thiên Đàng, Mẹ Giáo Hội Thiên Quốc và trần gian, là sự tái tạo sự sống, Công Nương Các Dân Tộc, Mẹ kẻ mồ côi, Ngực nuôi thơ nhi, Nữ Vương sự sống, Thang Thiên Đàng”. Cũng trong thời gian này, nhiều thánh đường nổi danh như nhà thờ chính tòa Reims, Chartres…đã được xây dựng.

Các hình thức sùng kính trên chỉ được diễn tả cách mơ hồ, phần lớn do lòng sùng kính cá nhân gợi hứng. Nhưng bắt đầu từ năm 1000, tức bắt đầu giữa thời Trung Cổ, lòng sùng kính này bắt đầu có quy củ, có tổ chức hơn. Chính trong thời kỳ này, kinh Kính Mừng, trước đây xuất hiện dưới hình thức một đối ca dùng trong kinh nhật tụng kính Đức Mẹ, đã được phổ biến tới mọi tầng lớp tín hữu. Mỗi lần đọc kinh này, tín hữu thường bái gối, một hành vi mà truyền thống vẫn coi là của thiên thần “Gabrien khi đến truyền tin cho Thánh Nữ”. Họ lặp đi lặp lại lời kinh này trước ảnh thánh Đức Mẹ. Vì lúc đó, kinh này chưa có lời nguyện kết thúc, nên nó được nguyên tuyền coi là lời chào kính Mẹ Thiên Chúa. Lời chào kính này đến thế kỷ 12, đã trở thành phổ quát, được mọi người say sưa tụng niệm.

Cũng trong thời gian này, kinh Lạy Nữ Vương đã trở thành nổi tiếng. Người ta vẫn tin, kinh này có từ hế kỷ 11. Tuy nhiên, lúc đầu, nó chỉ bắt đầu với lời chào: “Lạy Nữ Vương Nhân Lành” (Salve Regina Misericordia) chứ không có chữ Mẹ (Mater). Nhưng sau đó, do ảnh hưởng của sưu tập Truyện Đức Bà (Marien-legenden) trong các thế kỷ từ 12 tới 14, trong đó, mô thức (motif) Mẹ Nhân Lành (Mater Misericordia) luôn được nhắc tới, nên bài kinh kia đã thêm chữ Mẹ vào trước chữ Nhân Lành, như ta thấy hiện nay.

Sưu tập Truyện Đức Bà nói trên cũng giúp truyền bá nhiều hình thức sùng kính khác dành cho Đức Maria, ngoài việc lặp đi các lời chào Kính Mừng và Lạy Nữ Vương như việc dành ngày Thứ Bẩy kính Đức Mẹ, lễ Đức Mẹ được Tượng Thai và Lễ Sinh Nhật của Ngài, nhất là bài kinh bất hủ “Ave Maris Stella” (Kính Chào Sao Biển), việc sùng kính Năm Sự Vui của Đức Mẹ sau tăng lên Bẩy (Truyền tin, Sinh Chúa Giêsu, Ba vua thờ lạy, Chúa Giêsu sống lại, Chúa Giêsu lên trời, Chúa Thánh Thần hiện xuống, Đức Maria được thưởng trên thiên đàng) cũng xẩy ra trong thời gian này để tương xứng với Bẩy Sự Thương Khó của Ngài (Lời tiên đóan của Simêong, Trốn qua Ai Cập, Mất Chúa Giêsu ba ngày, gặp Chúa Giêsu trên Đường Thánh Giá, Chúa Giêsu chịu đóng đính, tháo xác Chúa Giêsu, Chôn xác Chúa Giêsu). Việc dành vị trí đặc biệt cho Ngài trong kinh Cáo Mình cũng xẩy ra trong thời kỳ này, khởi sự từ các đan viện Xitô. Lòng sùng kính Xitô ấy đối với Đức Mẹ sau đó được các Dòng Đa-minh, Cát-minh… mô phỏng.

Cũng thời gian này, nhiều nhà thờ, thánh điện được xây cất để tiếp đón các khách hành hương. Phong trào tôn kính này bừng nở khắp Âu Châu, đến không thể đếm xuể con số các thánh điện này. Chúng trở thành nổi tiếng nhờ các ơn lành hồn xác người ta tin mình nhận được từ Đức Mẹ. Lòng biết ơn của họ đã đem lại cho các thánh điện này nhiều vàng bạc châu báu rất quí giá: triều thiên bằng vàng và đá quí, trang phục thêu thùa, đồ trang trí cùng khắp các thánh điện. Nhiều phép lạ được tường trình đã xẩy ra trong các thánh điện ấy: tượng hay ảnh Đức Mẹ chẩy máu, khóc hay ra ẩm ướt, đầu gục xuống, tay nâng lên chúc phúc…

Dù có thể có những cường điệu trong các truyện kể này, và chứng cớ lịch sử khó được kiểm chứng, nhưng không thể hoài nghi việc niềm tin đơn thành và lòng sùng kính chân thực của các tín hữu đã được tưởng thưởng theo ý ngay lành của họ. Mặt khác, không có lý do nào khiến người ta phải tin rằng các hình thức sùng kính của họ, xét chung, chỉ gây ra hiệu quả ảo vọng, không có giá trị nào khác ngoài sự mê tín. Sự tinh tuyền, lòng từ bi và tình mẫu tử của Đức Mẹ luôn luôn là nguyên động lực chính cho lòng sùng kính ấy. Ngay vở kịch câm “Phép Lạ” của Max Reinhardt cũng đã làm cả London say mê vào năm 1912 vì đã khiến khán giả tin chắc rằng những tình cảm tôn giáo đích thực luôn luôn hiện diện bên dưới những quan niệm quá đáng của thời Trung Cổ.

Dù sao, đến cuối thời Trung Cổ, lòng sùng kính Đức Mẹ cũng đã trở nên phổ quát. Ngay nhà văn không chính thống là John Wyclif (1324-1384) cũng phải nhìn nhận rằng: “Theo tôi, ta không thể nhận được phần thưởng Thiên Đàng nếu không có sự giúp đỡ của Đức Maria. Không một phái tính hay thời đại nào, không một thứ bậc hay địa vị nào, của bất cứ ai trong toàn bộ nhân loại, mà lại không cần kêu cầu Thánh Nữ Đồng Trinh cứu giúp”. Bởi thế, một lần nữa, cảm tình nồng cháy từ thế kỷ 12 tới thế kỷ 16 đối với học thuyết Vô Nhiễm Thai chỉ là lời tụng ca thêm vào cho tầm quan trọng mà trọn bộ chủ đề Thánh Mẫu Học có được dưới con mắt những cơ phận bác học nhất trong thế giới Kitô Giáo.

Không thể nào lược kể hết các thực hành đạo đức trong lòng sùng kính Đức Mẹ của thời Trung Cổ, ngoại trừ các hình thức nổi bật như Kinh Mân Côi, Kinh Sai Thiên Thần, Kinh Lạy Nữ Vương và một số ngày lễ. Tuy nhiên, chỉ cần nhắc đến thói quen đeo tràng chuỗi trong giai đoạn này. Tràng chuỗi ấy đủ mọi hình thức. Có chuỗi 15 chục, có chuỗi 10 chục, có chuỗi 6, 5, 3 hay 1 chục được đeo như món đồ trang sức. Rồi thói quen lặp đi lặp lại lời kinh Kính Mừng, được đếm nhờ các Kinh Lạy Cha, hay hột lớn, đã trở thành quen thuộc ngay từ thế kỷ 12, trước thời Thánh Đa-minh; thói quen suy niệm các mầu nhiệm chỉ mới có 300 năm sau đó. Chưa kể thói quen cử hành thánh lễ tại các bàn thờ đặc biệt hay để đèn cháy liên tục trước thánh tượng Đức Mẹ, và thói quen hát kinh Lạy Nữ Vương hay các ca khúc khác kính Đức Mẹ vào các buổi kinh chiều (complines) trước bàn thờ của Ngài, một thói quen đã phát sinh ra các giờ “chầu” (salut) tại Pháp trong thế kỷ 17 và 18 và từ đó có hình thức Chầu Thánh Thể vào thời sau đó nữa.

Bước qua thời cận đại, kể từ sau Phong Trào Cải Cách, người ta thấy có việc phổ quát hóa Kinh Cầu Đức Bà mà ta quen gọi là Kinh Cầu Loreto. Nhưng như đã thấy: tiền thân của nó là lời kinh cầu của thế kỷ thứ 9 tại Ái Nhĩ Lan và một số nơi khác vào cuối thời Trung Cổ. Thời này, cũng là thời có việc chấp nhận phổ quát đối với phần thứ hai của Kinh Kính Mừng. Một biểu hiện quan trọng khác là việc lập ra Hiệp Hội Thánh Mẫu ngay sau Công Đồng Triđentinô do ảnh hưởng và gương sáng của Dòng Tên là dòng đã đặt công việc giáo dục của họ dưới sự phù trì của Đức Mẹ, Nữ Vương Sự Thanh Sạch. Cũng trong thời gian này, xuất hiện nhiều lễ nhỏ kính Đức Mẹ như lễ Thánh Danh Đức Mẹ, Lễ Đức Mẹ Mân Côi, Lễ Đức Mẹ Chỉ Bảo Đàng Lành, Lễ Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu v.v… Phong tục dành Tháng 5 tôn kính Đức Mẹ thì sang thế kỷ 17 mới có, còn phong tục đọc kinh Mân Côi hàng ngày trong tháng 10 thì chỉ xuất hiện sau Thông Điệp Mân Côi của Đức Lêô XIII (qua đời năm 1903).

Một số lòng sùng kính đặc biệt

Trước khi nói tới lòng sùng kính Đức Mẹ ở Việt Nam, lúc Đạo mới được Con Hồng Cháu Lạc tiếp nhận, chúng tôi xin đề cập thêm một số lòng sùng kính trong Giáo Hội hoàn vũ lúc ấy đối với Đức Mẹ. Trước nhất là lòng sùng kính Trái Tim Đức Mẹ. Lòng sùng kính này có nguồn gốc khá xưa. Thánh Lêô (cai quản Giáo Hội từ năm 440 tới năm 461) nói rằng Đức Mẹ tượng thai cách thiêng liêng Con Trai của mình bằng đức tin và tình yêu, trước khi tiếp nhận Người trong dạ mình. Trước đó, Thánh Augustinô (354-430) đã cho rằng Đức Mẹ có diễm phúc mang Chúa Kitô trong trái tim mình hơn là tượng thai Người bằng xác thịt. Nhưng phải tới cuối thế kỷ 11, sang đầu thế kỷ 12, lòng sùng kính Trái Tim Đức Mẹ mới có những dấu chỉ thông thường hơn qua bài giảng của Thánh Bernard (1090-1153) (De duodecim stellis), được Giáo Hội trích dẫn cho vào các giờ kinh phụng vụ về Bẩy Sự Đau Đớn. Chứng cớ mạnh hơn tìm thấy trong các bài suy niệm về Kinh Kính Mừng và Kinh Lạy Nữ Vương thường được gán cho Thánh Anselm thành Lucca (qua đời năm 1080) hay Thánh Bernard… Thánh Thomas Becket (1118-1170) cũng có lòng sùng kính các sự vui và sự sầu của Đức Mẹ. Nữ Thánh Bridget (1303-1373) cũng đề cập tới chủ đề này trong cuốn “Sách Thị Kiến” (Book of Revelations). Tauler (qua đời năm 1361) nhìn nhận nơi Đức Maria khuôn mẫu một tâm hồn huyền nhiệm, giống như thánh Ambrôsiô trước đó (340-397) coi Ngài là mẫu mực của một tâm hồn khiết trinh. Thánh Bernardine thành Siena (qua đời năm 1444) luôn say sưa chiêm niệm trái tim thanh khiết của Đức Mẹ. Giáo Hội đã dùng các bài giảng của ngài cho vào giờ Kinh Đêm thứ hai Lễ Trái Tim Đức Mẹ.

Đã đành là phải đợi tới Thánh Jean Eudes (qua đời năm 1681), lòng sùng kính Trái Tim Đức Mẹ mới được truyền bá rộng rãi và công khai với tác phẩm lớn của ngài tựa là “Coeur Admirable” (Trái Tim Đáng Ca Ngợi) và khởi đầu được vận động đưa vào phụng vụ chính thức qua Lễ Trái Tim Đức Mẹ, nhưng ngay từ những năm 1488 với “Antidotarium” của Nicolas de Saussy rồi sau đó Đức Giuliô II (1443-1513), lòng sùng kính ấy đã lên cao độ.

Về sự vô nhiễm của Đức Mẹ, thì Thánh Kinh và Thánh Truyền đều nhất trí Ngài hoàn toàn thánh thiện, được tượng thai không nhiễm tội nguyên tổ. Việc Ngài hoàn toàn được miễn trừ, không phạm tội bản thân đã được Công Đồng Triđentinô (Phiên VI, điều 23) xác định. Công Đồng này, như mọi người biết, đã nhóm họp trong các năm 1545 tới 1563. Tuy lúc ấy Inikhu đã có mặt ở Việt Nam rồi, nhưng Công Đồng này không phán quyết từ số không mà đã được chuẩn bị từ rất lâu, và do đó, nội dung phán quyết này đã có trong tâm thức tín hữu hoàn cầu, nhất là trong tâm thức những nhà truyền giáo từ lâu trước. Inikhu không lạ lẫm gì đối với nội dung phán quyết ấy. Còn về tư dục (concupiscence), thì ít nhất từ thế kỷ thứ 5, hầu hết các giáo phụ đều nhất trí rằng Đức Mẹ không hề mảy may bị tư dục lôi cuốn. Sự vô nhiễm nguyên tội của Ngài do đó, dù chỉ được chính thức phán quyết vào năm 1854, thực sự đã có trong niềm tin các tín hữu từ lâu trước.

Tước hiệu mẹ nhân loại của Đức Maria dĩ nhiên đã khởi sự từ dưới chân Thánh Giá khi Chúa Giêsu phong Ngài làm mẹ Gioan (Ga 19:25-27). Trong số các giáo phụ tiên khởi, Origen (185-232) là người duy nhất xem sét chức phận làm mẹ mọi tín hữu của Đức Maria trong bối cảnh trên. Theo ông, Chúa Kitô sống trong các tín hữu của Người và vì Đức Maria là Mẹ Chúa Kitô, nên Ngài là Mẹ của kẻ được Chúa Giêsu sống ở bên trong. Do đó, Origen bảo: con người có quyền gián tiếp coi Đức Maria là mẹ mình, miễn là họ đồng hóa mình với Chúa Giêsu nhờ sự sống ơn thánh. Qua thế kỷ thứ 9, George thành Nicomedia, khi giải thích lời của Chúa Giêsu trên thánh giá, đã cho rằng khi nói lời ấy, Chúa muốn trao phó Gioan cho Đức Mẹ chăm sóc, và trong Gioan là hết mọi tín hữu, nên đã biến Đức Maria thành mẹ và là bà chúa của mọi kẻ đồng hành của Gioan. Qua thế kỷ 12, Rupert thành Deutz giải thích rằng lời Chúa trên thánh giá đã thiết lập Đức Maria làm mẹ thiêng liêng của loài người. Chức phận này là phản đề cho chức phận làm mẹ của Evà. Evà là mẹ tự nhiên của ta vì bà là nguồn sự sống tự nhiên của ta. Còn Đức Mẹ, Ngài là mẹ thiêng liêng của ta vì Ngài là nguồn sự sống thiêng liêng của ta. Vả lại, chức phận làm mẹ ta của Đức Maria dựa vào sự kiện cốt yếu này: Chúa Kitô là anh ta, vì Người là “con đầu lòng trong nhiều anh em” (Rm 8:29). Ngài trở thành mẹ ta lúc Ngài ưng thuận việc Nhập Thể của Ngôi Lời, Đầu của nhiệm thể mà ta là các chi thể.; và Ngài đóng ấn cho chức phận làm mẹ ấy bằng việc ưng thuận lễ hy sinh đẫm máu trên thánh giá.

Còn về việc mông triệu của Đức Mẹ, thì Giáo Hội Công Giáo dựa vào Thánh Truyền. Niềm tin Ngài được triệu cả xác về Thiên Đàng tìm thấy trong khảo luận ngụy thư tựa là De Obitu S. Dominae (Về Sự Quá Vãng của Đức Thánh Bà), mang tên Thánh Gioan, nhưng thực ra thuộc thế kỷ thứ 4 hay thứ 5. Điều ấy cũng tìm thấy trong cuốn De Transitu Virginis (Về Sự Ra Đi của Đức Nữ Trinh) được gán cho Thánh Melito thành Sardis (qua đời khoảng năm 180) và trong một lá thư nói là của Thánh Denis Areopagite (thế kỷ thứ nhất). Dựa vào các tác phẩm chắc chắn hơn của Phương Đông, ta thấy niềm tin trên được nhắc tới trong các bài giảng của Thánh Anrê thành Crete (qua đời năm 720), Thánh Gioan Damascênô (676-754). Ở Phương Tây, Thánh Grêgôriô thành Tours (538-594) (De gloria mart., I, iv) nhắc đến niềm tin trên đầu tiên. Tại Công Đồng Caxêđoan năm 451, Thánh Juvenal, Giám Mục Giêrusalem, trình bày cho Hoàng Đế Marcian, người muốn nhận được xác Đức Mẹ, hay: Đức Mẹ qua đời trước mặt các tông đồ nhưng khi mở mộ của Ngài theo yêu cầu của Thánh Tôma, thì thấy mồ trống. Do đó, các tông đồ kết luận là xác của Ngài đã được triệu về trời.

Dần dần, niềm tin Đức Mẹ được triệu cả xác về trời trở thành phổ quát cả ở Đông lẫn Tây Phương. Trước khi Đức Bênêđíctô XIV (1675-1758) tuyên bố rằng không tin việc Ngài được triệu cả xác về trời là điều phạm thượng, thì trong Giáo Hội đã mừng kính Lễ Đức Mẹ Mông Triệu lâu rồi. Đây có lẽ là lễ lâu đời nhất của Giáo Hội kính Đức Mẹ. Theo hạnh Thánh Theodosius (qua đời năm 529), thì lễ này đã được cử hành ở Palestine trước năm 500. Tại Gaul, nó được cử hành vào thế kỷ thứ 6 dưới danh xưng Depositio, Assumptio, hay Festivitas S. Mariae (xem P.L., LXXII, 180). Tại Rôma, theo Duchesne (Origines du culte), ngày lễ này được nhắc tới trong sách bí tích của các đức giáo hoàng Gêlasiô (qua đời năm 496) và Grêgôriô (590-604). Thời Đức Sergiô I (năm 700), lễ này là một trong những lễ chính và là lễ nghỉ tại Rôma. Qua năm 847, dưới thời Đức Lêo IV, lễ này còn có tuần bát nhật. Như thế, đủ thấy trước khi Đức Piô XII ban hành sắc chỉ Munificentissimus Deus, ngày 1 tháng 11 năm 1950, chính thức công bố tín điều Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, toàn thể Giáo Hội đã mừng kính mầu nhiệm này từ rất lâu, ít nhất cũng từ lúc Inikhu đặt chân lên Ninh Cường.

Kinh Cầu Loreto

Không lời kinh nào liệt kê một lúc đầy đủ các tước hiệu của Đức Mẹ cho bằng các kinh cầu (litanies). Kinh đầy đủ nhất mà lại đơn giản nhất chính là Kinh Cầu hiện chúng ta còn đọc ngày nay, tục gọi là Kinh Cầu Loreto.

Nhiều tác giả cho rằng kinh này được đặt ra từ ngày có biến cố rời nhà Đức Mẹ từ Nadarét về Loreto năm 1294. Cũng có tác giả bảo: nó có từ thời Đức Giáo Hoàng Sergiô thứ nhất (687). Tuy nhiên, chứng cớ lịch sử cho thấy nó được soạn vào đầu thế kỷ 16 hay cuối thế kỷ 15. Và do đó, khi tới Việt Nam năm 1533, hẳn những người như Inikhu đã thuộc lòng bản kinh này.

Về hình thức, Kinh Cầu Loreto giống các kinh cầu từng xuất hiện trong thế kỷ 12, 13 và 14. Nhưng nó có cái may mắn được tiếp nhận tại một số thánh điện thời danh và do đó nhanh chóng trở nên phổ thông nơi các khách hành hương tuôn đến các thánh điện đó trong thế kỷ 16. Bản văn nhờ thế đã được quảng bá tới mọi hang cùng ngõ hẻm trong thế giới Kitô Giáo và sau cùng được Giáo Hội nhìn nhận.

Bản cổ nhất, có thời được lưu trữ tại Royal Irish Academy, gọi là litania, gồm 59 tước hiệu ca tụng Đức Mẹ, và được gán cho thế kỷ thứ 8. Nhiều người không coi đây là một kinh cầu đúng nghĩa, mà đúng ra là bản tóm tắt các bài giảng gọi là “Sermones Dubii” của Thánh Ildephonsus (qua đời năm 667). Bản đúng nghĩa đầu tiên có từ thế kỷ 12, một thời lưu trữ tại Thư Viện Mainz, có tựa đề khá dài:

“Letania de domina nostra Dei genitrice virgine Maria: oratio valde bona: cottidie pro quacumque tribulatione recitanda est". Khởi đầu là câu quen thuộc "Kyrie Eleison" (xin Chúa thương xót chúng con); rồi tới các lời kêu cầu Ba Ngôi Thiên Chúa, có chua thêm phẩm vị như “Pater de celis Deus, qui eligisti Mariam semper virginem, miserere nobis” (Đức Chúa Cha ngự trên trời, Đấng đã chọn Đức Maria trọn đời đồng trinh, xin thương xót chúng con). Sau đó là các lời tán tụng Đức Mẹ khá dài như "Sancta Maria, stirps patriarcharum, vaticinium prophetarum, solatium apostolorum, rosa martirum, predicatio confessorum, lilium virginum, ora pro nobis benedictum ventris tui fructum"; "Sancta Maria, spes humilium, refugium pauperum, portus naufragantium, medicina infirmorum, ora pro nobis benedictum ventris tui fructum"; etc.

Tất cả hơn 50 lời như thế. Sau đó thêm các lời cầu như Kinh Cầu Các Thánh: "Per mundissimum virgineum partum tuum ab omni immundicia mentis et corporis liberet nos benedictus ventris tui fructus"; hay "Ut ecclesiam suam sanctam pacificare, custodire, adunare et regere dignetur benedictus ventris tui fructus, ora mater virgo Maria." Kinh cũng kết thúc với “Agnus” (Lạy Chiên Thiên Chúa) nhưng có chua thêm phẩm vị như: "Agne dei, filius matris virginis Mariae qui tollis peccata mundi, parce nobis Domine", v.v…

Chính vì dài dòng như thế, nên nó ít được giới bình dân ưa chuộng. Các hình thức vắn tắt và đơn giản hơn liên tiếp được soạn thảo trong hai thế kỷ sau đó. Thí dụ, sau mỗi lần đọc Sancta Maria, chỉ kể một tước hiệu của Đức Mẹ; các lời xin ơn cũng được hủy bỏ hay đổi thành những lời tôn kính Đức Mẹ. Một bản như thế đã được tìm thấy tại Thư Viện nhà thờ Thánh Máccô tại Venice, có từ cuối thế kỷ 13 qua đầu thế kỷ 14. Kinh này bỏ các lời cầu xin, và chỉ gồm 75 lời ca tụng được nối với lời kêu cầu thông thường “Sancta Maria”. Đây là một số thí dụ: "Thánh Maria, mẹ và hôn thê Chúa Kitô, cầu cho chúng con; Thánh Maria, mẹ vô nhiễm; Thánh Maria, đền thờ Chúa Thánh Thần; Thánh Maria, nữ vương thiên đàng; Thánh Maria, bà chúa các thiên thần; Thánh Maria, ngôi sao thiên đàng; Thánh Maria, cửa thiên đàng; Thánh Maria, mẹ chỉ đường ngay; Thánh Maria, cửa dẫn tới sự sống thiên quốc; Thánh Maria, đấng bào chữa chúng con; Thánh Maria, sao sáng trên trời; Thánh Maria, suối ban khôn ngoan đích thực; Thánh Maria, hoa hồng không tàn lụi; Thánh Maria, vẻ đẹp các thiên thần; Thánh Maria, tinh hoa các tổ phụ; Thánh Maria, ước ao các tiên tri; Thánh Maria, kho tàng các tông đồ; Thánh Maria, tụng ca các tử đạo; Thánh Maria, hiển vinh các linh mục; Thánh Maria, Nữ Trinh Vô Nhiễm Thai; Thánh Maria, lộng lẫy các trinh nữ và gương sáng đức khiết trinh” v.v…

Hình thức ngắn gọn trên đây rất thích hợp cho việc cầu nguyện chung và thật là hợp thời để giáo hữu sử dụng trong cac buổi rước kiệu, cầu khẩn cho qua các cơn dịch bệnh thường hay xẩy ra trong thế kỷ 15. Chính vì thế, kinh cầu lưu trữ tại Thư Viện Casanatensian ở Rôma đã có tựa như sau: "Oraciones devote contra imminentes tribulaciones et contra pestem" (những lời cầu nguyện chống các tai biến cận kề và bệnh dịch).

Qua hậu bán hế kỷ 15, người ta bắt đầu bỏ việc lặp đi lặp lại lời kêu cầu “Thánh Maria”, chỉ giữ lại các tước hiệu tán tụng, rồi thưa “Cầu cho chúng con”. Nhóm kinh cầu này dẫn thẳng tới Kinh Cầu Loreto. Kinh cầu do Fra Giovanni da Falerona chép năm 1524 gồm 57 lời tán tụng bắt đầu với danh hiệu “Mẹ”, rồi các tước hiệu mô tả tình thương dịu hiền Đức Mẹ dành cho nhân loại, sau đó là các tước hiệu rút từ các kinh tin kính, rồi các tước hiệu mang danh “Nữ Vương” y hệt Kinh Cầu Loreto, thêm hai tước hiệu mới: "Causa nostræ lætitiæ" (làm cho chúng con vui mừng) và "Vas spirituale" (bình đựng thiêng liêng, bản tiếng Việt: là đấng trọng thiêng); và ba lời kêu cầu "Advocata christianorum" (bầu chữa các giáo hữu), "Refugium desperatorum" (nơi kẻ vô vọng trú ẩn), "Auxilium peccatorum" (Đấng phù trợ kẻ có tội) rất dễ đổi thành "Refugium peccatorum" (bầu chữa kẻ có tội) và "Auxilium christianorum" (phù hộ các giáo hữu) của Kinh Cầu Loreto. 

Nói tóm lại, nếu bỏ các lời cầu xin và việc lặp đi lặp lại lời kêu cầu “Thánh Maria” thì các kinh cầu trên rất giống với Kinh Cầu Loreto. Và nhiều người nhất trí rằng Kinh Cầu Loreto chỉ là việc sắp xếp lại các hình thức kinh cầu cuối cùng này mà thôi. Hiện không tìm được thủ bản nào của Kinh Cầu Loreto. Bản in đầu tiên của Kinh Cầu này là bản của Dillingen xuất hiện vào khoảng cuối năm 1557 và đầu năm 1558. Bản này y như bản ta có hiện nay chỉ trừ nó có "Mater piissima" (Mẹ rất đạo hạnh) và "Mater mirabilis" (Mẹ rất lạ lùng), thì ta có "Mater purissima" (Mẹ cực tinh cực sạch) and "Mater admirabilis" (mẹ rất đáng ngợi khen). Ngoài ra, nó không có các lời "Mater creatoris" (Mẹ sinh Chúa tạo thiên lập địa) and "Mater salvatoris" (Mẹ sinh Chúa Cứu Thế). Bản Loreto năm 1558 còn có tước hiệu “Phù hộ các giáo hữu” (Auxilium christianorum), không như một số người cho rằng chính Đức Piô V đã thêm tước hiệu này năm 1571, sau chiến thắng Lepanto. Điều đáng lưu ý là vì mới cải cách các giờ kinh phụng vụ về Đức Mẹ, nên Đức Piô V không khuyến khích các hình thức kinh cầu, kể cả kinh cầu Loreto. Nhưng không vì thế mà kinh cầu này mất đi tính phổ thông của nó. Và năm 1587, Đức Sixtô V đã chuẩn y kinh cầu này bằng sắc chỉ "Reddituri" ngày 11 tháng 7 và truyền cho các nhà giảng thuyết truyền bá kinh cầu này khắp nơi.

Nói tóm lại, nhà truyền giáo Inikhu mang theo mình cả một kho tàng thánh mẫu học và một lòng tôn sùng say mê của cả thế giới Kitô Giáo dành cho Đức Mẹ. Một điều đáng lưu ý nữa là cùng năm ông bị phát hiện có mặt tại Ninh Cường và Trà Lũ cũng là năm Henry VIII của Anh bị rút phép thông công vì bất tuân Giáo Hội, không những cứ cưới Anne Boleyn làm vợ mà còn phong hoàng hậu cho nàng nữa. Dù lúc ấy không hẳn ông đã theo chân Martin Luther bên Đức, nhưng đó là bước đầu dẫn đến việc thành lập ra Giáo Hội Anh, một hình thức Thệ Phản khác. Khỏi cần nói nhiều, ta cũng thấy là Inikhu rất biết phản ứng của phe này đối với những cái quá lạm của điều bị họ gọi là ngẫu thần Maria (Mariolatry). Đến Việt Nam, ông được trang bị đủ những thứ ấy. Cho nên dù không sử sách nào nhắc đến giáo lý của ông, nhưng trong suốt 10 năm lăn lộn trên cánh đồng truyền giáo của Ninh Cường và Trà Lũ, không thể nào ông không nhắc đến những điều đã thành nhập tâm kia.

Vũ Văn An
....................
Ghi chú:

(1) Bộ sử do Triều Nguyễn soạn từ 1856 tới 1881 gồm 53 quyển, được ấn hành năm 1884 và được Viện Sử Học dịch sang quốc ngữ năm 1960.
(2) Các chi tiết dựa theo Catholic Encyclopedia, ấn bản 1914

Nguồn: Đa Minh Việt Nam