"Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài. Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống. Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh." (Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận)

Kế thừa văn học Công Giáo trong thời kỳ khủng hoảng


Chữ Quốc Ngữ

Trong bản tổng kết cuộc thi Nhánh Huệ Nước Trời đọc tại Lễ Phát Giải 30-6-2011, tôi có thưa: “Nhờ các nhà truyền giáo, người Việt Nam đã có thể dùng chữ Quốc Ngữ thay cho chữ Hán và chữ Nôm. Chăc chắn không ai chối cãi được rằng, mục đích ban đầu và chính yếu của chữ Quốc ngữ khi được thành lập là để chuyển tải Lời Chúa đến cho mọi người.

Và tiếp nối công trình các vị thừa sai, cách đây 6 năm, trên mạng lưới điện toán toàn cầu, xuất hiện một trang mới: mangluoidunglac.net, dunglac.net, rồi dunglac.org… Đây là sáng kiến độc đáo của cố Lm. Andre Trần Cao Tường, một người đầy tâm huyết với việc xiển dương văn học ViệtNam, nói chung và Văn Học Công Giáo VN nói riêng. Đây là một nỗ lực mới nhằm Rao Giảng Tin Mừng bằng Việt Ngữ, băng Văn Học VN, và bằng Hội Nhập Văn Hóa VN”

Thiết tưởng, việc các vị Thừa Sai thành lập chữ quốc ngữ Việt Nam là một hồng ân trong chương trình của Thiên Chúa.

Nguyệt San Missi, Mai/1961, trang 147-173 nhận định: 
"... Đã từ lâu đời, người Việt Nam viết bằng chữ Tàu, hoặc bằng chữ Nôm, do họ sáng chế ra. Nhưng đa số người Việt Nam không thể đọc và viết được chữ Tàu, vì theo lời Cha Đắc-Lộ, Tàu có đến 80 ngàn chữ viết khác nhau. Các nhà truyền giáo đầu tiên khi đến Việt Nam, bắt đầu dùng mẫu tự La-tinh để viết lại âm giọng mà họ nghe được từ tiếng Việt. Khi Cha Đắc-Lộ đến Việt Nam, có một số phát âm tiếng Việt được viết bằng chữ La-tinh rồi. Vì thế, có thể nói rằng, công trình sáng tạo ra chữ quốc ngữ trước tiên là công trình chung của các nhà thừa sai tại Việt Nam. Nhưng khi chính thức in ra công trình khảo cứu chữ viết tiếng Việt của mình, là cùng lúc, Cha Đắc-Lộ khai sinh ra chữ viết này, ban đầu được các nhà truyền giáo sử dụng, sau đó, được toàn thể dân Việt-Nam dùng và biến nó thành chữ quốc ngữ. Tất cả các nước thuộc miền Viễn Đông từ đó ước ao được có chữ viết cho quốc gia mình y như chữ quốc ngữ này vậy!" (Sr. Jean Berchmans Minh Nguyet)

Hồng ân ấy cụ thể hơn, khi mục đích ban đầu và duy nhất của Chữ Quốc Ngữ là Truyền Rao Tin Mừng.

Tác giả An Chi, báo An Ninh Thế Giới, ngày 28/09/2010 có thể phản bác về lập luận rằng công trình thành lập chữ quốc ngữ là của riêng cha Đắc Lộ. Ông đưa ra những chứng dẫn công trình thành lập chữ quốc ngữ là của nhiều người, ông còn cho là công của “tập thể quốc tế” thay vì nói của các vị Thừa sai. Công của ai, hay của riêng ai, thiết nghĩ vẫn là chuyện thứ yếu. Chuyện chính vẫn là chuyện mục đích ban đầu của chữ quốc ngữ.

Tác giả An Chi phải chấp nhận mục đích của chữ quốc vì mục đích ấy chính Giáo Sĩ Alexandre de Rhodes đã ghi rõ. Tác giả viết:

“Vậy đã đến lúc ta nên chấm dứt câu chuyện cổ tích về sự sáng chế chữ quốc ngữ của A. de Rhodes. Còn mục đích của cố đạo này thì đã được chính ông ta xác định như sau:
"(...) ước gì các Ngài trở nên những người truyền bá nhiều phương ngữ, để không những các nước lân cận và quen biết từ xưa được nghe những sự kỳ diệu của Thiên Chúa mà cả mọi miền dưới bầu trời và những vương quốc rất xa xôi ở cực Đông từ nhiều thế kỷ qua chưa được nghe, thì bây giờ những nước ấy cũng phải được nghe và rao truyền danh Chúa huyền diệu biết bao trên khắp trái đất (...).
Mà lại để Lời Thiên Chúa thâm nhập dễ dàng hơn tới tận cùng Hoàn cầu, nơi người Đông- kinh và Cô-sinh, tức là tất cả mọi người An Nam đang chiếm cư, thì bây giờ lòng đại lượng bao la của quý vị cũng truyền lệnh thực hiện quyển từ điển của dân tộc An Nam, một quyển từ điển giúp ích cho những người làm công tác Tông đồ được chỉ định cho phần vườn nho này của Chúa, hầu họ hiểu biết phương ngữ xa lạ của người An Nam, tức là để những mầu nhiệm Thiên Chúa được giãi bày cho người An Nam, đồng thời cũng để người An Nam vừa làm quen với chính Đức Tin Rô-ma và Tông đồ, vừa làm quen với phương ngữ Rô-ma và La-tinh. Ai mà không thấy việc đó trong tương lai có lợi là chừng nào cho công cuộc truyền bá đức tin của Chúa Ki-tô được rộng rãi và chắc chắn hơn"

Nhưng ông lại phản bác mục đích tốt lành ấy:

“Lời lẽ của chính đương sự rõ như ban ngày: A. de Rhodes làm sách bằng chữ quốc ngữ là để phụng sự cho việc truyền bá đức tin Ki-tô giáo, chứ tuyệt đối không vì bất cứ một lợi ích nhỏ nhoi nào của người Đại Việt cả. Người Việt Nam đã tận dụng chữ quốc ngữ, mà một số cố đạo đã đặt ra, với sự góp sức của một số con chiên người Đại Việt, để làm lợi khí cho việc giảng đạo, thành lợi khí của chính mình để phát triển văn hóa dân tộc, để chuyển tải một cách đầy hiệu lực những tư tưởng yêu nước và những phương thức đấu tranh nhằm lật đổ ách thống trị của thực dân Pháp. Đây chẳng qua là chuyện “gậy ông đập lưng ông” mà thôi.”

Như vậy đối với ông, và đối với xã hội của ông, đã xoay ngược mục đích ban đầu của chữ quốc ngữ truyền giảng Tin mừng trở thành vũ khí của cách mạng lật đổ ách thống trị của thực dân Pháp.

Bước kế thừa của Cha Ông

Là những tín hữu của Chúa Kitô, của Đạo Gia Tô, cha ông ta đã trung thành sử dụng chữ quốc ngữ cho công cuộc truyền giáo. Nhà thơ, nhà biên khảo Lê Đình Bảng, trong Bộ sưu tập “Ở Thượng Nguồn Thi ca Công Giáo”, đã để lại cho chúng ta bộ sưu tập quí giá về việc cha ông ta sử dụng quốc ngữ đúng mục đích ban đầu.

-Những tác phẩm, tác giả thơ Công Giáo trong kinh nguyện, điển hình:
a. Thánh Giáo Kinh Nguyện. Mục Lục Nhựt khóa. Toàn Niên Kinh Nguyện
b. Tác giả-tác phẩm: Thầy giảng Phanxicô, Phạm Trạch Thiện, Vũ Đức Trinh, Vũ Ngọc Bích, Đỗ Minh Lý. 

-Những tác phẩm Thơ Công Giáo trong ký ức-dòng đời: Philipphê Bình, Đặng Đức Tuấn, Nguyễn Trường Tộ, Petrus Ký, Paulus Của, Nguyễn Hữu Bài, Nguyễn Bá Tòng, Mai Lão Bạng, Phúc Dân, Nguyễn Ngọc Quang.

-Những tác phẩm Thơ Phúc Âm Diễn Ca: Lữ Y Đoan, Tống Viết Toại, Gerard Gagnon (Nhân), Mai Lâm, Trần Đức Huân, Long Giang Tử, Nguyễn Thế Thuấn, Nguyễn Xuân Văn.

-Những tác phẩm Thơ Huấn Ca: Phan Văn Minh, Trần Lục, Hồ Ngọc Cẩn, Trần Văn Trang, Lê Thiện Bá, Đoàn Văn Hàm, Trần Văn Thi.

-Những tác phẩm Thơ trong Thánh Ca: Phaolô Qui, Phaolô Đạt, Hồ Ngọc Cẩn, Nguyễn Văn Thích, Nguyễn Văn Vinh, Hùng Lân, Hải Linh, Nguyễn Khắc Xuyên, Duy Tân, Ngô Duy Linh, Huyền Linh, Tiến Dũng, Hoài Đức, Hoài Chiên, Văn Thao, Trần Đình Nam, Hoàng Ngô, Vinh Hạnh, Hoàng Kim, Viết Chung…

-Những tác phẩm Thơ kinh Cầu nguyện: Hàn Mạc Tử, Nguyễn Văn Thích, Hồ Dzếnh, Bàng Bá Lân, Phạm Đình Tân, Đỗ Đình, Bùi Tuân, Nguyễn duy Diễn, Vũ Đình Trác, Ngọc Minh, Trần Thị Hoa, Lê Minh Bình Dương…

Và cụ thể những tên tuổi gần đây: Lm. Xuân Văn với gần 10 ngàn câu thơ lục bát “Sứ Điệp Tình Thương”, Đức Ông Xuân Ly Băng, Lê Đình Bảng, Trăng Thập Tự… và bộ sưu tập 100 nhà thơ công giáo đang hình thành cho kịp chuẩn bị kỷ niệm 100 năm ngày sinh Hàn Mạc Tử. Trong đó có thể có một vài anh chị em đang có mặt nơi đây.

Chữ quốc ngữ hiện tại, văn học hiện đại

Có thể thấy, những năm gần đây, sự sa sút của môn tiếng Việt tại các trường học, trên mạng, trên báo chí, trên các phương tin thông tin, ngay cả trên những băng-rôn, biểu ngữ…. đã đến hồi báo động: mất gốc, vong bản.

Kể từ những sai sót, mất gốc trong cách viết, đến việc sử dụng dấu chấm câu, đến việc thơ văn từ hình thức đến nội dung cũng có những chiều hướng cách tân mà các thế hệ sử dụng tiếng Việt nguyên tuyền khó mà chấp nhận được.

Nhà thơ Trần Vạn Giã nhận định về thơ VN hiện nay:

“Thơ Việt Nam hiện nay như thế nào?
Ngoài thơ của những nhà thơ đã đi vào lòng độc giả, tình hình thơ và sáng tác thơ những năm gần đây thật là “hỗn loạn” và “phức tạp”. Hiện nay ở Việt Nam có một Hội ở trung ương là Hội nhà văn Việt Nam, gồm khoảng 800 nhà văn, nhà thơ, dịch giả, nhà nghiên cứu và phê bình văn học; mỗi tỉnh có một Hội Văn Học Nghệ Thuật, trong đó có chuyên ngành thơ, chưa kể các CLB thơ ở khóm, phường, thôn, xã, thị trấn và cũng chưa chưa kể 5, 7 người hoặc nhiều hơn, cùng nhau thành lập nhóm thơ.

Người người làm thơ
Nhà nhà làm thơ

Có tiền là có quyền in thơ, miễn là thơ không có nội dung chống Nhà Nước, dù thơ dở, thơ chưa qua nước cản, vẫn được phép xuất bản. Tôi xin nói thêm vấn đề xuất bản thơ hiện nay. Trước đây các Sở VHTT địa phương được quyền cấp giấy phép xuất bản, nay thì do các Nhà Xuất Bản trung ương cấp giấy phép (ngoại trừ một vài thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn…). Bằng mọi cách, tác giả chạy chọt để được in thơ không chất lượng. Mỗi năm có cả ngàn tập thơ xuất bản, trong đó thơ dở chiếm tỷ lệ cao, góp phần làm nhiễu loạn thơ trên mặt bằng VHNT ở đất nước ta. Bởi thế, những năm gần đây người ta đùa cợt rằng: Không có việc gì làm thì mới làm thơ.

Và xã hội truyền miệng câu:

« Ngày xưa em bán bánh canh
Bây giờ thất nghiệp nên thành nhà thơ
Nghĩ em là đứa ngu ngơ
Làm giàu thì khó làm thơ dễ òm! »
(Dân gian truyền miệng những năm gần đây)

Với thế hệ trẻ học thức, đây là một thử thách lớn, khi ngôn ngữ đang vào cảnh lâm nguy, và việc cứu vãn một thế hệ ngôn ngữ không là chuyện dễ nếu không nói phải làm lại từ đầu.

Ngay trong nội bộ Hội Nhà Văn Việt Nam cũng có người yêu cầu xét lại những vấn đề. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, (Tướng Về Hưu, 1988 Chảy đi sông ơi, Chút thoáng sông Hương, Chăn trâu cắt cỏ…) trong bài “Trò chuyện với hoa thủy tiên và những nhầm lẫn của nhà văn”, Tạp chí Ngày Nay, Hà Nội, số 6, 15-3-2004, viết: “Nhìn vào danh sách hơn 1000 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam người ta đều thấy đa số đều chỉ là những người già nua không có khả năng sáng tạo và hầu hết đều … “vô học”, tự phát mà thành danh. Trong số nầy có tới hơn 80% là nhà thơ, tức là những người chỉ dựa vào “cảm hứng” để tùy tiện viết ra những lời lẽ du dương phù phiếm vô nghĩa, nhìn chung là lăng nhăng, trừ có dăm ba thi sĩ tài năng thực sự (số này đếm trên đầu ngón tay) là còn ghi được dấu ấn ở trong trí nhớ người đời còn toàn bộ có thể nói là vứt đi cả”.

Những nhận định của NHT về văn học gây nên cuộc bút chiến, báo chiến sôi nổi, dữ dội. Người chấp nhận, kẻ thì không. Nhưng dẫu sao, đó cũng là một nhận định có sơ sở.

Là những người ngoài cuộc của Hội Nhà Văn, và là người công giáo, chúng ta có thể hiểu được phần nào lý do dẫn đến hiện tượng danh sách nhà văn thì nhiều, mà tác phẩm có giá trị thì ít.

Nếu cốt truyện của một truyện dài, truyện ngắn hay nội dung của một bài thơ không thăng hoa con người ta tới cõi nhân linh hoàn hảo, hay không mặc lấy được một chút thần tính siêu phàm của một hữu thể có linh hồn thiêng liêng bất tử, thì rõ ràng, tác phẩm ấy cũng phù du như kiếp con người của tác giả.

Bởi đâu? Bởi đã và đang có một giai đoạn khá dài kể được là vài chục năm con người ta không muốn nhìn nhận sự thấp hèn của mình, mà tự tôn tự phong cho mình là Thượng đế, dù chỉ là thượng đế của một thoáng chóng vánh trong cuộc đời. Niềm tin không có chỗ dựa vững bền vì niềm tin ấy đặt vào những giá trị hư ảo. Từ đó, sự dối gian lên ngôi thay cho những gì là chân thật, chuẩn mực đạo đức là điều lệ con người tự đặt ra sao cho phù hợp với mối lợi thực dụng một kiếp đời, vẻ đẹp của con người là sự giả tạo cần thiết mang tính khoe khoang chảnh chọe cho hơn người hơn đời. Không còn Chân, không còn Thiện, không còn Mỹ, chỉ còn lại cả trăm “vô”: vô luân thường, vô đạo lý, vô nhân nghĩa, … và cuối cùng là vô phúc!

Có người lo lắng viết: “Vô đạo đức đang trở thành dân tộc tính”. Tháng 9 năm 2010, trong lễ trao giải cuộc thi “Văn học tuổi 20” ở Thành Phố Hồ Chí Minh, nhà văn nữ, trẻ, Hải Miên đoạt giải 3, đã phát biểu như sau:

“Chúng ta đang sống trong một thời đại đổ vỡ, nơi khủng hoảng những giá trị, những niềm tin va đập không ngừng, cùng những cách nhìn về xã hội Việt Nam trong giai đoạn những giá trị chuẩn mực thì đã cũ, còn những gia strị mới thì chưa hình thành. Sống trong giai đoạn như thế đôi khi có cảm giá không còn điều gì thiêng liêng, nguyên vẹn, và có cảm giác đau đớn. Tôi nương vào chữ để mở cửa thoát hiểm cho mình”. (TVC)

Sứ mệnh của chúng ta, trong cơn khủng hoảng

Là một người công giáo với ơn gọi Ngôn Sứ được nhận lãnh qua Bí tích Rửa Tội, với ơn gọi đặc biệt khi được Chúa ban khả năng vốn học, vốn viết và  vốn quý chuộng di sản của Cha Ông: Chữ Quốc Ngữ và Đức Tin Công Giáo, thiết tưởng, đã đến lúc khôi phục mục đích ban đầu của chữ quốc ngữ cho xứng với hồng ân cao cả.

Chắc chắn chúng ta sẽ không có những tác phẩm “dựa vào “cảm hứng” để tùy tiện viết ra những lời lẽ du dương phù phiếm vô nghĩa, nhìn chung là lăng nhăng” như nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã đánh giá.

Bởi lẽ, chúng ta có một nguồn cảm hứng mà chúng ta tin là không chỉ bất tận, không chỉ vĩnh cửu, mà còn là luôn luôn mới ở mọi thời, mọi nơi, luôn luôn mang lại bình an và hạnh phúc cho cả người viết lẫn người đọc. Nguồn cảm hứng ấy chính là Thiên Chúa, là tình yêu Thiên Chúa, là chân lý của Thiên Chúa là Lời Chúa, là Kinh Thánh, là Giáo Hội Duy Nhất Thánh Thiện Công Giáo và Tông Truyền….

Mỗi chúng ta nơi đây, dù ở tuổi nào cũng mang một trọng trách không thể chối cải: dùng chữ quốc ngữ để Lời Chúa thấm nhập vào thế gian, để công lý và hòa bình tái ngự trị trong đất nước, ngay cả khi thế gian không đón nhận, chối bỏ, hoặc cấm cản bức bách, bóp nghẹt tiếng mời gọi hoàn lương, hoàn thiện.

Cuộc khủng hoảng văn hóa, văn học hiện thời, cách nào đó đang tố cáo chúng ta về tội dửng dưng trước những suy đồi tận căn tính của một giai đoạn con người không cần đến tôn giáo, không cần đến Thiên Chúa, không cần đến đạo đức, tình yêu và những giá trị siêu việt hơn cái “ba vạn sáu ngàn ngày” chóng vánh!

PM. Cao Huy Hoàng 1-10-2011

Nguồn: Giáo Dục Công Giáo