Đối với nhiều Kitô hữu thế là xong. Mùa Chay, Tuần Thánh và
Phục Sinh đã qua. Tất cả đều lùi vào quá khứ và đây là thời gian “ăn mặn” trở
lại. Chúa đã phục sinh và sống lại thật cho chúng nhân rồi. Mình phải vui mừng,
ăn nhậu. Alleluia! Alleluia.
Thật vậy, ý nghĩa Phục Sinh chính là lời diễn giải của Thánh
Phaolô: “Nếu chúng ta cùng chết với Ngài, chúng ta tin rằng sẽ cùng sống lại
với Ngài” (Rom 6:7). Và cái cốt lõi cũng như cái nguyên nhân chính đưa đến việc
Phục Sinh của Chúa Kitô, đó là Chúa Kitô đã chết. Chết vì phần rỗi nhân loại,
chết để xóa tội trần gian, và chết để giải thoát nhân loại khỏi nô lệ tội lỗi,
khỏi nô lệ của Satan. Do đó, nếu muốn phục sinh và sống lại với Ngài thì cũng
giống như Ngài, con người phải qua cái “chết” như Ngài đã chết. Nhưng đối với
các Kitô hữu, chết đây không có nghĩa là chỉ chết một lần như Chúa rồi sống lại
vinh hiển, sáng láng, và hạnh phúc. Chết đây là chết mỗi ngày trong cuộc sống.
Và đây là cái mà chúng ta phải vất vả, vì thực tế là phần đông chúng ta chỉ
muốn phục sinh, muốn sống lại nhưng ngại và sợ chết. Vậy nếu “Phục Sinh”
là biến cố luôn luôn hiện hữu thì cái chết cũng luôn luôn có mặt trong cuộc
sống tâm linh và cuộc đời của mỗi Kitô hữu.
Nhưng có lẽ bạn hỏi, vậy cái chết đây là gì và phải chết như
thế nào? Tác giả Lung Linh trong Tâm Linh Vào Đời đã có những suy tư rất thực
tế và cũng rất hợp với kiếp người. Theo đó:
Sự chết thường được mộ tả như những bóng tối nặng nề. Thí dụ
như:
- Có thứ bóng tối tội lỗi.
- Có thứ bóng tối đam mê dục vọng.
- Có thứ bóng tối tham lam ích kỷ.
- Có thứ bóng tối ghen ghét oán thù.
- Có thứ bóng tối tự ái kiêu căng.
Và dĩ nhiên, còn có nhiều thứ bóng tối khác nữa như bóng tối
đa mê quyền lực. Bóng tối đa mê cờ bạc, nghiện hút, bóng tối danh vọng chức
quyền… Tất cả những bóng tối đó đang che khuất nẻo về và khiến con người lạc
vào trong cõi u mê của ảo vọng, ảo giác về cái tôi của mình cũng như về cái thế
giới phồn vinh giả tạo do Satan đang làm chủ. Những bóng tối mà ánh sáng Chúa
Phục Sinh bị đẩy lui. Bóng tối ngăn chặn dòng suối ơn sủng của Ngài.
Để ánh sáng Phục Sinh của Chúa tràn vào hồn ta, ta phải quét
sạch và xua tan những bóng tối ấy. Dĩ nhiên điều này làm cho con người phải vất
vả, phải chịu khó, và phải hy sinh. Đôi khi sự hy sinh này đòi hỏi phải đổ máu
như chính Chúa Kitô đã đổ máu Ngài trên thập tự giá để có được sự Phục Sinh
vinh thắng.
Bạn và tôi đều biết rõ điều này, trong tất cả những cái khó
khăn, rườm ra, xung đột, tranh giành, giận hờn, ghen ghét, và cả đến việc chửi
bới, thanh toán nhau tất cả đều do cái tôi mà ra. Điều này rất đúng, nhất là
khi con người đặt cái tôi sai chỗ, đặt cái tôi của mình trên cái tôi của người
khác. Và nhất là cái tôi ấy lại đặt cao hơn cái “Tôi” của Thiên Chúa, tức Thánh
Ý Nhiệm Mầu của Ngài. Trong vườn Diệu Quang Adong và Evà cũng đã làm như vậy.
Các vị cũng đã muốn đặt cái tôi của mình trên cái “Tôi” của Đấng Tạo Hóa khi
chấp nhận ăn trái cấm. Từ đó mới đưa đến phản nghịch. Mới đem đến việc con
người muốn thay thế cái “Tôi” của Thiên Chúa bằng cái tôi của mình.
Thay thế cái “Tôi” của Thiên Chúa không được, con người lại
tìm cách thay thế cái “tôi” của những người khác. Muốn thay thế tất cả những
cái tôi của người khác bằng cái tôi của mình. Chúa Cứu Thế đã biết rõ điều này,
nên khi còn tại thế, Ngài đã đặt điều kiện cho những ai muốn đi theo vết chân
Ngài, muốn thành môn đệ Ngài, đó là “Nếu ai muốn theo Ta, phải từ bỏ mình, vác
thập giá mình mà theo” (Mat 16:24). Điều kiện đã rõ ràng, không bỏ cái tôi đi,
không thể vác thập giá mình được. Và dĩ nhiên, không thể trở thành môn đệ của
Ngài được. Như vậy cũng có nghĩa là bóng tối che khuất nẻo về vĩnh hằng.
Bóng tối che khuất con đường tìm về chân thiện mỹ. Bóng tối dẫn đến u mê đó
phát xuất từ cái tôi của mỗi người. Cái tôi ấy hiển diện trong mọi ngóc ngách
cuộc đời, ngay khi ta ăn, uống, ngủ, nghỉ, vui chơi, và ngay cả khi ta đọc
kinh, cầu nguyện. Khi làm việc lớn, khi làm việc nhỏ. Trong vai trò lớn nhỏ
trong Giáo Hội cũng như xã hội. Tóm lại, cái tôi đó chính là những gì đang làm
nên con người thật của mỗi chúng ta lúc này. Chiến đấu được, kiềm chế được tức
là đẩy lui bóng tối, là bỏ mình, là vác được thập giá, và để ánh sáng Phục Sinh
Chúa chiếu dọi.
Lm. Raniero Cantalamessa, dòng Capuchino, Giảng thuyết viên
tại Phủ Giáo Hoàng đã diễn giảng về đề tài là một câu trích từ sách Khải Huyền
“Tôi đã chết, giờ đây Tôi sống mãi mãi” (Kh 1,18), trong nghi thức Tưởng
Niệm Cuộc Khổ Nạn của Chúa Kitô vào chiều thứ Sáu, ngày 6 tháng 4 năm 2012,
trước sự chủ tọa của Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI cùng với sự tham dự của gần 9
ngàn tín hữu, hơn 40 Hồng Y và 50 Giám Mục, Ngài đã nhắc lại hình ảnh mà
một số Giáo Phụ dùng để mô tả sự tham phần của chúng ta vào chiến thắng của
Chúa Kitô, trong đó Thánh Gioan Kim Khẩu đã thốt lên: “Các lưỡi gươm của
chúng ta không vấy máu, chúng ta không ở giữa thao trường, chúng ta không bị
vết thương nào, chúng ta cũng chẳng thấy cuộc chiến, vậy mà này đây chúng ta
đạt được chiến thắng. Cuộc chiến ấy là của chúng ta, triều thiên là của chúng
ta. Vì chiến thắng ấy cũng là của chúng ta...Chúng ta hãy vui mừng, xướng lên
những bài ca chúc tụng Chúa” (De coemeterio et de cruce, PG, 49,596). (Lm. Trần
Đức Anh, O.P, Vietcatholic.org)
Chúa đã chết và hủy diệt tội lỗi. Chúa đã chết và đã sống
lại. Ngài đã chiến thắng thế
gian. Nhưng Ngài không hủy diệt thế gian. Ngài không hủy diệt cái tôi của mỗi
người. Ngài cũng không hủy diệt Satan. Ngài muốn để phần đó cho mỗi môn đệ
Ngài. Bởi vì theo Thánh Phaolô, mỗi người phải hoàn tất phần còn lại trong cuộc
Khổ Nạn của Chúa Kitô. Và vì thế, chúng ta cần phải nhủ mình rằng, trong khi
vui mừng vì chiến thắng Chúa Phục Sinh, cũng đừng quên vẫn còn phải vất vả, mệt
mỏi với hai chữ Phục Sinh.
TS Trần Mỹ Duyệt