"Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài. Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống. Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh." (Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận)

Tính đáng tin cậy của Thánh Kinh



Tính chất đáng tin cậy của một tài liệu cổ như Thánh Kinh phải được xem xét dưới hai khía cạnh căn bản đó là khía cạnh sử học và khía cạnh khảo cổ học.

PHẦN MỘT: KHÍA CẠNH SỬ HỌC 

Điều ta cần xác định ở đây là tính chất đáng tin cậy về phương diện lịch sử của Thánh Kinh, chứ không phải về phương diện linh hứng của nó. Tính chất đáng tin này cần phải được chứng nghiệm bởi cùng một tiêu chuẩn như mọi tài liệu lịch sử khác. Trong cuốnIntroduction to Research in English Literary History, C. Sanders liệt kê và giải thích ba nguyên tắc căn bản của các trước tác lịch sử (historiography), đó là xét nghiệm về phương diện thư mục học (bibliographical test), xét nghiệm về phương diện chứng cớ nội tại (internal evidence test) và xét nghiệm về phương diện chứng cớ ngoại tại (external evidence test) (34).

I. Sự Đáng Tin của Tân Ước về Phương Diện Thư Mục Học

Xét nghiệm có tính thư mục học là khảo sát việc lưu truyền bản văn nhờ đó tài liệu đã đến tay ta. Nói cách khác, vì ta không có được tài liệu gốc, thì thử hỏi các bản chép có đáng tin cậy hay không dựa vào số lượng các bản chép tay và thời gian ngắt quãng giữa bản gốc và các bản hiện còn đến ngày nay (31). Theo F. E. Peters, duy trên căn bản truyền thống chép tay mà thôi, thì các công trình làm thành Tân Ước của Kitô giáo đã được sao chép nhiều hơn hết và được lưu hành rộng rãi hơn hết các sách cổ thời (33).

1. Chứng cớ các bản chép tay của Tân Ước

Hiện nay có khoảng 5,300 bản chép tay Tân Ước bằng tiếng Hy-lạp. Cộng thêm hơn 10,000 bản chép tay Thánh Kinh (Phổ Thông) bằng tiếng La-tinh và ít nhất cũng 9,300 các bản có trước đó nữa, vị chi hơn 24,000 bản chép tay toàn bộ hoặc một phần Tân Ước hiện còn lưu giữ cho đến ngày nay. Không một tài liệu cổ nào khác có được tầm mức sao chép như vậy. So sánh ra, tập Iliad của Homer dù xếp hàng thứ hai, chỉ đạt được 643 bản chép tay còn đến ngày nay. Bản văn đầu tiên của Homer còn lưu giữ nguyên vẹn được định niên biểu khoảng thế kỷ 13 (28). Sau đây là bảng phân loại con số các bản chép tay của Tân Ước hiện còn tồn tại:


a. Bằng tiếng Hy-lạp
Bản chữ hoa
265
Bản chữ thường
2,764
Sách các bài đọc
2,143
Trên giấy sậy
88
Những bản mới tìm được
47
b. Các ngôn ngữ khác

Latinh Vulgate
hơn10,000
Tiếng Ethiopic
hơn 2,000
Tiếng Slavic
4,101
Tiếng Armenie
2,587
Tiếng Syriac Pashetta
hơn 350
Tiếng Bohairic
100
Tiếng Arabic
75
Tiếng Latinh Cổ
50
Tiếng Anglo-Saxon
7
Tiếng Gothic
6
Tiếng Sogdian
3
Tiếng Syriac cổ
2
Tiếng Ba-tư (persian)
2
Tiếng Frankish
1

(các dữ liệu lấy từ Kurt Aland,Journal of Biblical Literature, Vol.87, 1968). 

Quả không một tài liệu cổ nào đã được chứng nghiệm về phương diện thư mục học bằng Tân Ước. Frederick G. Kenyon, Giám đốc và thư viện trưởng tại Bảo Tàng Viện Anh quốc, một học giả có uy tín hàng đầu về các bản chép tay, đã nhận xét như sau: “...ngoài con số ra, các bản chép tay Tân Ước còn khác các bản chép tay các tác giả cổ điển ở điểm nữa đó là khoảng thời gian phân cách giữa lúc soạn thảo sách và niên biểu những bản chép tay cổ nhất hiện còn tồn tại, được xác định là rất ngắn. Vì các sách trong Bộ Tân Ước được soạn thảo vào hạ bán thế kỷ thứ I, trong khi những bản chép tay cổ nhất còn tồn tại đến ngày nay đã được thực hiện vào thế kỷ thứ tư, tức khoảng từ 250 đến 300 năm sau. Khoảng cách trên xem ra có vẻ lớn lao, nhưng thực ra không ăn nhằm gì khi so sánh với khoảng cách nơi các tác giả cổ điển vĩ đại khác. Thí dụ các vở kịch của Sophocles chẳng hạn, ngày nay người ta còn giữ được bản văn tương đối chính xác cho 7 vở mà thôi, thế nhưng, bản chép tay cổ nhất làm căn bản cho 7 vở kia thực ra đã được viết 1,400 năm sau ngày Thi Nhân qua đời (26). Trong cuốn The Bible and Archaeology, Kenyon tiếp tục đề cập đến vấn đề này như sau: “Như thế khoảng thời gian phân cách giữa việc soạn thảo bản gốc và những bản chép tay lâu đời nhất còn tồn tại đến bây giờ đã trở nên nhỏ nhoi đến có thể bỏ qua được, và do đó bất cứ mối hoài nghi nào cho rằng Thánh Kinh đã không đến tay ta như lúc khởi đầu mới được viết ra đã không còn cơ sở nữa. Cả tính chân xác lẫn tính tinh tuyền nói chung của các sách trong bộ Tân Ước có thể coi như đã được hoàn toàn thiết dựng “ (24).

2. So sánh Tân Ước với Các Tác phẩm cổ thời khác
a. So sánh về bản chép tay

F.F. Bruce, trong The New Testament Documents, đã cho ta một hình ảnh sống động về sự so sánh giữa Tân Ước và các trước tác lịch sử của cổ thời như sau: “Có lẽ ta sẽ nhận ra sự phong phú của Tân ước về phương diện chứng cớ chép tay khi so sánh các chất liệu văn bản với các công trình lịch sử khác của thời xưa. Đối với cuốn “Các Chiến Trận Gallic của Caesar” (được viết giữa các năm 57 và 50 trước công nguyên), hiện còn một số bản chép tay, nhưng chỉ có chín hoặc mười bản là tương đối khá, và bản cổ nhất cũng chỉ được thực hiện 900 năm sau thời Caesar. Trong số 142 cuốn nói về Lịch sử La-mã của Livy (59 B.C – 17 A.D.), chỉ có 35 còn lưu truyền; những cuốn này được ta biết đến là do khoảng 20 bản chép tay tương đối còn có một thứ tự nào đó, trong số ấy có một cuốn, tức cuốn chứa các đoạn của Sách III-VI, được thực hiện khoảng thế kỷ thứ bốn. Trong số 14 cuốn Lịch sử của Tacitus (khoảng 100 công nguyên), chỉ có 4 cuốn rưỡi còn tồn tại; trong số 16 cuốn Niên Biểu của ông, chỉ có 10 cuốn còn nguyên còn hai cuốn thì chỉ còn một phần. Văn bản của hai công trình lớn về lịch sử của tác giả này tùy thuộc hoàn toàn vào hai bản chép tay, một được thực hiện ở thế kỷ thứ chín, một ở thế kỷ mười một. Còn các bản chép tay hiện còn đến bây giờ chép lại các công trình nhỏ hơn của ông (Dialogus de Oratoribus, Agricola, Germania) đều đến tay ta qua một bộ codex của thế kỷ thứ mười. Bộ Lịch sử của Thucydides (kho ảng thế kỷ thứ 4 trước công nguyên) được ta biết đến nhờ 8 bản chép tay, mà bản cổ nhất có từ năm 900 công nguyên, và một số mảnh vụn dưới hình thức giấy sậy có từ đầu kỷ nguyên Kitô giáo. Điều ấy cũng xẩy ra cho bộ Lịch sử của Herodotus (488-428 B.C.). 

Ấy thế mà không một học giả cổ điển nào đi nghe những luận chứng cho rằng tính chất xác thực của Herodotus hoặc của Thucydides là đáng hoài nghi chỉ vì những bản chép tay sớm nhất các công trình của các ông đã chỉ được thực hiện hơn 1,300 năm sau các nguyên bản” (11). Về phía các tác giả cổ Hy-lạp cũng thế, “các bản chép tay cổ nhất được biết đến ngày nay của hầu hết các tác giả cổ điển Hy-lạp đã được định tuổi cả ngàn năm sau cái chết của họ”. Như thế, có thể kết luận rằng: một khi các học giả đã chấp thuận một cách tổng quát tính chất đáng tin của các tác phẩm cổ điển, dù các bản chép tay cổ nhất còn đến nay chỉ được thực hiện rất lâu sau nguyên bản và con số các bản chép tay còn lại đến nay hết sức nhỏ nhoi, thì rõ ràng ta phải dứt khoát chấp nhận tính chất đáng tin của Tân Ước (20).

TÁC GIẢ
Khi viết
Bản cổ nhất
Cách khoảng
Số bản
Caesar
100-44 B.C
900 A.D.
1,000 năm
10
Livy
59B.C-17A.D.


20
Plato




(Tetralogies)
427-347B.C
900 A.D.
1,200 năm
7
Tacitus




(Annals)
100 A.D.
1100 A.D.
1,000 năm
20
và sách nhỏ
100 A.D.
1000 A.D.
900 năm
1
Pliny hậu




(History)
61-113 A.D.
850 A.D.
750 năm
7
Thucydides




(History)
460-400 B.C.
900 A.D.
1,300 năm
8
Suetonius (De




Vita Caesarum)
75-160 A.D.
950 A.D.
800 năm
8
Herodotus




(History)
480-425 B.C.
900 A.D.
1,300 năm
8
Horace


900 năm

Sophocles
496-406 B.C.
1000 A.D.
1,400 năm
193
Lucretius




Chết năm
55 hay 53 B.C.

1,100 năm
2
Catullus
54 B.C.
1550 A.D.
1,600 năm
3
Euripides
480-406 B.C.
1100 A.D.
1,500 năm
9
Demosthenes
383-322 B.C.
1100 A.D.
1,300 năm
200*
Aristotle
384-322 B.C.
1100 A.D.
1,400 năm
49**
Aristophane
450-385 B.C.
900 A.D. 1,200 năm
10

*Tất cả đều do một bản duy nhất 
 ** Thuộc bất cứ tác phẩm nào 

b. So sánh về bản văn

Trong các trước tác văn học của người Hy-lạp, các vần thơ của Homer xứng đáng nhất có thể so sánh với Thánh Kinh, vì trong toàn bộ nền văn học La-Hy ngày xưa, bộ Iliad được xếp hàng thứ hai sau Tân Ước nhờ số lượng các bản chép tay còn lại. Người cổ thời học thuộc lòng thơ văn Homer như sau này người ta học thuộc lòng Thánh Kinh vậy. Cả hai được trọng kính và trích dẫn để bảo vệ những luận chứng liên quan đến trời, đất, và âm phủ (Hades). Cả thơ văn Homer lẫn Thánh Kinh đều được sử dụng như sách giáo khoa đầu tiên cho nhiều thế hệ trẻ em tập đọc. Quanh hai công trình ấy, người ta thấy xuất hiện nhiều trường phái và bình luận. Cả hai đều có những bảng tự vựng riêng. Cả hai đều được mô phỏng và bổ sung – thơ văn Homer được phóng tác thành những ca khúc gọi là Ca Khúc Homer và những trước tác như các tậpBatrachomyomachia, còn Thánh Kinh thì có những bản ngụy thư (apocrypha). Thơ Homer được san định thành những bản phân tích bằng văn xuôi; Phúc âm thánh Gioan được Nonnus của thành Panopolis cải biên thành thiên sử thi lục vận. Các bản chép tay của Homer và của Thánh Kinh đều được trang trí hoa mĩ. Các cảnh trong thơ Homer được dùng làm bích họa tại Pompei; còn hình ảnh Thánh Kinh được dùng trong các tranh ghép (mosaics) và tranh tường (frescoes) của các thánh đường (29).

Ta biết Thánh Kinh Tân ước có cả thẩy 20,000 dòng, trong khiIliad có 15,600 dòng. Tuy nhiên, chỉ có 40 dòng (khoảng 400 chữ) trong bộ Tân Ước bị coi là đáng nghi, chiếm chưa đến nửa phần trăm, trong khi Iliad có đến 764 dòng bị nghi ngờ, chiếm gần 5 phần trăm. Thiên anh hùng ca Mahabharata của Ấn Độ còn bị sai lạc nhiều hơn nữa. Nó dài hơn Iliad vàOdyssey cộng lại cả 8 lần, nghĩa là vào khoảng 250,000 dòng. Trong số ấy, có đến 26,000 dòng bị coi là sai lạc về văn bản, nghĩa là khoảng 10 phần trăm (18). Vả lại, những sai lạc trong các bản chép tay Tân Ước không có chi trầm trọng hết, vì chấp nhận chúng hay từ khước chúng vẫn không làm cho câu văn mất ý nghĩa (39). Phillip Schaff, trong Comparison to the Greek Testament and the English Version, nói rõ thêm rằng không một biến thể nào đã khiến cho một tín điều hay một giới răn nào phải thay đổi cả (35).

Geisler và Nix nhận định thêm về những sai chạy trong văn bản Tân Ước như sau: “quả có hàm hồ khi cho rằng trong các bản chép tay của Tân Ước có đến 200,000 dị điểm (variants), vì thực ra những dị điểm này chỉ đại biểu cho 10,000 chỗ trong Tân Ước. Nếu một chữ bị chép sai vần (misspelled) trong 3,000 bản chép tay, thì được kể là đã có 3,000 dị điểm hay cách đọc khác nhau rồi. Có thể nói, chỉ vào khoảng 1 phần 60 các dị điểm trên được kể là đáng lưu ý thôi. Về phương diện toán học, có thể nói bản văn Tân Ước chính xác đến 98.33 phần trăm (18). Và như trên đã nhấn mạnh, các dị điểm này không buộc ta phải thay đổi hay phải duyệt lại bất cứ tín điều nào của Kitô giáo.

3. Niên biểu các Bản chép tay quan trọng của Tân Ước

Các yếu tố sau đây đã được dùng để xác định niên hiệu các bản chép tay:

1. Vật liệu
2. Cỡ và hình thức chữ
3. Cách chấm câu
4. Cách phân đoạn
5.Trang trí
6. Mầu mực
7. Cấu trúc và mầu sắc giấy da thú

a. Bản chép tay của John Rylands (130 A.D.), hiện được giữ tại Thư Viện mang tên ông tại Manchester, Anh quốc, được kể là mẩu văn Tân Ước lâu đời nhất còn đến nay. Vì niên hiệu lâu đời và địa điểm tìm ra nó (Ai Cập), khá cách xa nơi nó được trước tác (Tiểu Á), nên người ta tin rằng mẩu Phúc âm Thánh Gioan này cho thấy chính Phúc âm của Ngài đã được viết khoảng cuối thế kỷ thứ nhất (18). Có người cho rằng nếu cái mẩu Phúc âm này được khám phá vào giữa thế kỷ 19, thì cái trường phái phê phán Tân Ước do vị giáo sư khả kính của Tubingen, Ferdinand Christian Bauer, gợi hứng, đâu có cho rằng Phúc âm thứ tư chỉ có thể đã được trước tác sau năm 160 (30). 


b. Bản chép tay Bodmer Papyrus II (150-200 A.D.) hiện lưu giữ tại Thư viện Văn Học Thế Giới Bodmer, chứa phần lớn Phúc âm thánh Gioan. Bruce Metzger cho rằng đây là khám phá quan trọng nhất trong các bản chép tay Tân Ước kể từ khi người ta mua được các bản giấy sậy của Chester Beaty (30). Theo Herbert Hunger, giám đốc các sưu tập giấy sậy tại Thư Viện Quốc Gia Vienna, bản này được thực hiện vào khoảng tiền bán thế kỷ thứ hai (30).


c. Các bản giấy sậy của Chester Beaty (200 A.D.) được lưu giữ tại Bảo Tàng viện C. Beaty ở Dublin, và một phần do Đại Học Michigan sở hữu. Sưu tập này chứa các bộ sách bằng giấy sậy, ba cuốn trong bộ này chứa những phần chính của Tân Ước (15). Frederick Kenyon cho rằng kết quả thuần của khám phá này, một khám phá quan trọng hơn hết kể từ khi khám phá ra Bộ Codex Sinaiticus, là đã giảm thiểu khoảng trống giữa các bản chép tay đầu tiên và niên biểu truyền thống của các sách Tân Ước, giảm thiểu cách đáng kể đến nỗi có thể bỏ qua không cần nhắc đến trong các tranh luận về tính chuẩn xác (authencticity) của chúng nữa (25).


d. Bản Diatessaron có nghĩa là “một hòa hợp của bốn phần”. Đây là công trình hòa hợp 4 Phúc Âm của Tatian (khoảng 160 A.D.). Eusebius, trongEcclesiastical History, IV, 29, ấn bản Loeb, 1, 397, viết rằng: “... Nhà lãnh đạo Tatian của họ trước đây đã trước tác một tổng hợp (combination) và một hợp tuyển các sách Phúc âm, và đặt tên cho nó là Diatessaron, hiện nay vẫn còn tồn tại ở một vài nơi...” Người ta tin rằng Tatian, một Kitô hữu người Assyri, đã là người đầu tiên trước tác một bản hòa hợp các sách Phúc âm; ngày nay chỉ một phần nhỏ còn sống sót (18/318,319).

e. Bộ Codex Vaticanus (325-350 A.D.) lưu giữ tại Thư ViệnVatican, gồm hầu hết toàn bộ Thánh Kinh.

f. Bộ Codex Sinaiticus (350 A.D.) lưu giữ tại Bảo Tàng Viện Anh quốc. Bộ chép tay này chứa hầu như trọn bộ Tân Ước và quá phân nửa Cựu Ước, đã được Tiến sĩ Constantin Von Tischendorf khám phá năm 1859 tại Tu viện Núi Sinai, được tu viện này dâng cho Nga hoàng và sau đó được chính phủ và nhân dân Anh mua lại của Liên Bang Sôviết với giá 100,000 bảng Anh vào Lễ Giáng sinh năm 1933. Việc khám phá ra Bộ chép tay này có một lịch sử rất lý thú. Bruce Metzger thuật lại như sau: “Năm 1844, khi chưa đầy 30 tuổi, Tischendorf, một Privatdozent của Đại học Leipzig, làm một cuộc hành trình rộng lớn khắp miền Cận Đông để đi tìm các bản chép tay Thánh Kinh. Khi đang thăm tu viện Thánh nữ Catherine tại Núi Sinai, ông tình cờ thấy một số tờ giấy da thú trong một giỏ rác đầy giấy dùng để đốt lò tại tu viện. Khảo sát thì thấy những tờ giấy ấy chính là một phần bản chép tay bộ Thánh Kinh Bẩy Mươi của Cựu Ước, viết theo lối chữ hoa Hy-lạp thời xưa. Ông vội lượm hơn bốn mươi tư tờ giấy kiểu ấy lên khỏi giỏ rác. Thấy vậy, vị tu sĩ còn tỉnh bơ báo cho ông hay hai giỏ đầy những tờ giấy như thế đã được thiêu rụi! Sau đó, khi được chỉ cho coi những phần khác của Bộ Thánh Kinh này (chứa trọn bộ Isaiah và Macabê I và II), Ông cho các tu sĩ hay những tài liệu ấy rất qúi giá không thể làm mồi cho lửa được. Bốn mươi tư tờ ông được phép giữ gồm một số đoạn của Sách Ký sự I, sách Jeremia, Nehemiah, và Esther. Khi trở về Âu Châu, Ông lưu giữ chúng tại thư viện của Đại họcLeipzig cho đến ngày nay. 

Năm 1846, ông cho ấn hành nội dung của chúng, đặt tên là Codex Frederico-Augustanus (để vinh danh Vua xứ Saxony là Frederick Augustus, quân vương và người bảo trợ của ông) (30). Năm 1853, Tischendorf viếng thăm Tu viện trên lần thứ hai, nhưng không thu lượm được bản chép tay nào cả vì các tu sĩ tỏ ra ngờ vực đối với cái hứng khởi do lần viếng thăm đầu tạo ra chung quanh các bản chép tay này. Tuy nhiên trong lần viếng thăm tu viện lần thứ ba vào năm 1859 dưới sự hướng dẫn của chính Nga hoàng Alexander đệ nhị, ngay trước khi tạm biệt, Tischendorf tặng vị tu viện trưởng tu viện một ấn bản Bản Bẩy Mươi được ông xuất bản tại Leipzig. Vị tu viện trưởng bèn cho hay Ông cũng có một Bản Bẩy Mươi và tức khắc rút từ hộc tủ một bản chép tay bọc trong vải điều. Thế là trước đôi mắt đầy thích thú của nhà học giả, cả một châu báu đang được bày ra, thứ châu báu ông tìm kiếm xưa nay! Dấu xúc cảm, ông vội xin phép được xem tài liệu ấy kỹ hơn một chút vào buổi tối. Vị tu viện trưởng đồng ý và khi về phòng Tischendorf đã thức thâu đêm say mê nghiên cứu bản chép tay ấy, vì theo ông, quippe dormire nefas videbatur, ngủ bây giờ quả là một phạm thánh (lời ông ghi trong nhật ký). Ông khám phá ngay rằng tài liệu chứa nhiều điều hơn ông mong ước; vì không những phần lớn Cựu ước có trong đó, mà cả Tân ước nữa cũng nguyên vẹn và còn rất tốt, lại có thêm hai công trình Kitô giáo của thế kỷ thứ hai, tức Thư của Barnabas (mà trước đây người ta chỉ được biết qua bản dịch tiếng Latinh rất nghèo nàn) và phần lớn tài liệu Shepherd của Hermas mà xưa nay người ta chỉ biết có tên tựa (30).


g. Bộ Codex Alexandrinus(400 A.D.) được lưu giữ tại Bảo Tàng Viện Anh quốc; Bách khoa Từ điển Anh tin rằng bộ này được chép bằng tiếng Hy-lạp tại Ai-Cập. Nó chứa hầu hết bộ Thánh Kinh.

h. Bộ Codex Ephraemi (400 A.D.) được lưu giữ tại Thư Viện Quốc Gia Paris. Bách khoa Từ điển Anh tin rằng nguồn gốc thế kỷ thứ năm và chứng cớ nó cung cấp khiến nó trở nên quan trọng đối với văn bản của một số phần trong Tân Ước. Mọi sách đều có trong đó ngoại trừ Thư thứ hai gửi gửi người Tê-xa-lô-ni-ca và Thư thứ II của Thánh Gioan.

i. Bộ Codex Bezae (450 A.D.) được lưu giữ tại Thư viện Cambridge, chứa các Phúc Âm và Tông Đồ Công Vụ không những bằng Hy-lạp mà còn bằng La-tinh nữa.

j. Bộ Codex Washingtonensis, còn gọi là Freericanus, (450 A.D.) chứa đủ bốn sách Phúc âm.

k. Bộ Codex Claromontanus(500 A.D.) chứa các thư thánh Phaolô. Đây là bản chép tay hai thứ tiếng.

4. Tính chất đáng tin của các bản chép tay nhờ các dịch bản (versions) khác nhau
Phần lớn văn chương cổ thời ít được phiên dịch sang một ngôn ngữ khác. Kitô giáo khác hẳn, ngay từ đầu đã là một tôn giáo có tính truyền giáo rồi. Những bản dịch đầu tiên của Tân Ước đã được các nhà truyền giáo thực hiện để trợ giúp công cuộc truyền bá đức tin Kitô giáo nơi các dân tộc mà ngôn ngữ bản địa là tiếng Syriac, tiếng Latinh hay Coptic (30). Các bản dịch Tân Ước sang tiếng Syriac và Latinh đã được thực hiện khoảng năm 150 công nguyên. Điều này đem ta lại rất gần với thời của nguyên bản. Ngày nay, hiện còn hơn 15,000 bản dịch khác nhau. Về các bản dịch Syriac, ta có:

a. Các bản Syriac cổ (Old Syriac) chứa đủ bốn Phúc âm, được chép vào thế kỷ thứ tư. Cần giải thích một điều là chữ Syriac dùng ở đây chỉ chung những người Kitô hữu Aramaic. Nó được viết bằng một thứ mẫu tự Aramaic rất rõ rệt (10/193). Theodore người Mopsuestia (thế kỷ 5) viết rằng: “nó đã được dịch sang ngôn ngữ của người Syri” (10).

b. Các bản Syriac Peshitta (nghĩa căn bản là giản đơn). Đây là bản dịch tiêu chuẩn, xuất hiện khoảng từ năm 150 đến năn 250 công nguyên. Hiện còn đến 350 bản chép tay (18).

c. Các bản Syriac miền Palestine: các học giả cho rằng các bản dịch này được thực hiện khoảng các năm 400-350 công nguyên (thế kỷ thứ 5) (30). d. Bản Philoxenian (508 A.D.): Thánh Polycarp phiên dịch Tân Ước qua tiếng Syriac cho Philexenas, giám mục thành Mabug (20/49).

e. Bản Harkleian do Thomas thành Harkel thực hiện khoảng năm 616 công nguyên.

Về các bản dịch La-tinh, ta có:

f. Latinh cổ: có nhiều chứng cớ từ thế kỷ thứ tư qua thế kỷ mười ba cho thấy trong thế kỷ thứ ba, đã có bản dịch bằng tiếng La-tinh cổ được lưu hành ở Bắc Phi và Âu Châu...

g. Latinh cổ Phi Châu (Codex Babbiensis) 400 A.D. Các dấu vết cổ tự học của nó đã được sao chép từ một thứ giấy sậy thế kỷ thứ hai (30/72-74)

h. Codex Corbiensis (400-500 A.D.) chứa bốn sách Phúc âm.

i. Codex Vercellensis (360 A.D.)

j. Codex Palatinus (thế kỷ 5 công nguyên)

k. Bản Vulgate (tức bản Phổ thông). Thánh Giêrôm, lúc ấy là thư ký của Damasus, Giám mục Rôma, theo yêu cầu của vị này mà dịch trọn bộ Thánh Kinh trong khoảng các năm 366-384 (10/201).

Về các bản dịch Coptic (Ai-Cập), ta có:

l. Bản Sahidic: đầu thế kỷ thứ ba (30)

m. Bản Bohairic: khoảng thế kỷ thứ tư (20)

n. Bản Trung Ai Cập: Thế kỷ thứ tư hoặc thứ năm.

Các bản dịch cổ khác:

o. Tiếng Armeni (400 A.D.) dường như đã được dịch từ Thánh Kinh bằng tiếng Hy-lạp lấy ở Constantinople.

p. Tiếng Gothic: Thế kỷ thứ tư.

q. Tiếng Georgia: Thế kỷ thứ năm

r. Tiếng Ethiopi: Thế kỷ thứ sáu

s. Tiếng Nubia: Thế kỷ thứ sáu.

5. Đáng tin nhờ các trước tác của các giáo phụ tiên khởi

Các giáo phụ tiên khởi trích dẫn Tân Ước một cách rộng rãi đến độ có học giả cho rằng: ta có thể tái tạo Tân Ước dựa vào các trích dẫn đó, chứ không cần các bản chép tay (20/54). Có người đặt câu hỏi với David Dalrymple rằng nếu Tân Ước bị tiêu hủy, và không còn bản chép nào vào cuối thế kỷ thứ ba, liệu người ta có thể thu thập lại chúng từ các trước tác của các giáo phụ thế kỷ thứ hai và thứ ba không? Sau nhiều điều tra tận tường, Dalrymple kết luận rằng: “Vì tôi có đủ bộ tác phẩm của các giáo phụ thế kỷ thứ hai và thứ ba, nên sau khi nghiên cứu tôi thấy trọn bộ Tân Ước có trong đó chỉ trừ 11 câu” (28).

Điều trên xét cho cùng không có chi lạ cả, vì hầu hết các giáo phụ tiên khởi đều có liên hệ xa gần với chính các Tông đồ. Clement thành Rô-ma (95 A.D.) được Origen trong De Principus, Sách II, Chương 3, gọi là môn đệ các tông đồ (6). Tertullian, trong Against Heresies, chương 23, còn đi xa hơn, quả quyết rằng Ngài được chính Thánh Phêrô cử nhiệm. Cũng trong Sách này, Irenaeus cho hay mình còn như nghe được các giáo huấn của các Tông đồ vang bên tai, và các học thuyết của các Ngài hiển hiện trước mắt. Irenaeus thường trích dẫn các Phúc âm Matthêu, Maccô và Luca, Tông đồ Công vụ, Thư I Cor., Thư I Phêrô, Thư Do Thái và thư Titô. Ignatius (70-110 A.D.) là giám mục Antiokia và anh hùng tử đạo. Ngài rất quen biết các Tông đồ. Bẩy bức thư Ngài soạn chứa nhiều trích dẫn từ Mátthêu, Gioan, Tông đồ Công vụ, Thư La-mã, thư I Cor, thư Êphêsô, thư Phi-lip-phê, thư Galát, thư Cô-lô-xê, thư Giacôbê, Thư I và II Thessalônica, thư I và II Timôtê, thư I Phêrô. Còn thánh Polycarp (70-156 A.D.) tử đạo năm 86 tuổi, làm giám mục Smyrna và là môn đệ thánh Gioan. Các giáo phụ khác có trích dẫn Tân Ước gồm Barnabas (70 A.D.), Hermas (95 A.D.), Tatian (170 A.D.) và Irenaeus (170 A.D.).

Clement thành Alexandria (15-212 A.D.) trích dẫn 2,400 câu từ hầu hết các sách của Tân Ước chỉ trừ ba sách mà thôi. Tertullian (160-220 A.D.), một linh mục của Giáo hội Carthage, trích dẫn Tân Ước hơn 7,000 lần, trong đó 3,800 lần từ các Phúc âm. Hippolytus (170-235 A.D.) trích dẫn hơn 1,300 lần. Origen (185-253 A.D.) sưu tập trên 6,000 trước tác, ông liệt kê hơn 18,000 các câu trích Tân Ước (18/353). Cyprian (chết năm 258 A.D.), giám mục Carthage, đã sử dụng khoảng 740 câu trích của Cựu Ước và 1,300 câu của Tân Ước.

Geisler và Nix kết luận một cách chính xác rằng: “Có khoảng 32,000 câu trích dẫn Tân Ước trước thời Công Đồng Nicea (325). Con số 32,000 này thực ra chưa đầy đủ, và không bao gồm các con số của các tác giả thế kỷ thứ tư. Nếu chỉ thêm con số tham chiếu được một tác giả khác sử dụng, tức Eusebius, người rất nổi danh trước và đồng thời với Công đồng Nicea, thì tổng số các câu trích Tân ước lên đến 36,000 (20). Nếu lại thêm các giáo phục khác như Augustine, Amabius, Laitantius, Chrysostom, Jerome, Gaius Romanus, Athanasius, Ambrose thành Milan, Cyril thành Alexandria, Ephraem người Syria, Hilary thành Poitiers, Gregory thành Nyssa... thì con số trên còn lên cao rất nhiều, như lời của Leo Jaganay: “Trong số đáng kể các bộ tài liệu chưa được ấn hành mà Kinh sĩ Burgon đã để lại khi qua đời, ta cần chú ý đến bản liệt kê (index) các câu trích dẫn Tân ước của các giáo phụ thời xưa. Bản liệt kê ấy gồm 16 cuốn sách dầy được lưu giữ tại Bảo Tàng viện Anh quốc, chứa 86,489 câu trích (22)

CÁC CÂU TRÍCH DẪN TÂN ƯỚC CỦA CÁC GIÁO PHỤ (14)

TÁC GIẢ
Phúc âm
TĐCV
Phaolô
Thư Chung
Khải huyền
T. cộng
Justin Tử đạo
268
10
43
6
3
330
Irenaeus
1,038
194
499
23
65
1,819
Clement Alex.
1,017
44
1,127
207
11
2,406
Origen
9,231
349
7,778
399
165
17,922
Tertullian
3,822
502
2,609
120
205
7,258
Hippolytus
734
42
387
27
188
1,378
Eusebius
3,258
211
1,592
88
27
5,176
Tổng cộng| 19,368
1,352
14,035
870
664
36,289



6. Đáng tin nhờ các Sách Bài Đọc (Lectionaries)

Đây là phạm vi bị lãng quên trầm trọng, tuy các sách bài đọc là loại bản chép tay Tân Ước lớn hàng thứ hai bằng tiếng Hy-lạp. Bruce Metzger nói về bối cảnh của các sách bài đọc như sau: “Theo tập tục của hội đường Do-Thái, tức tập tục trong đó các phần của Lề Luật và Tiên Tri được đọc trong các buổi thờ phượng ngày Sabath, Giáo hội Kitô giáo có thói quen cũng đọc các trích đoạn Tân Ước trong các buổi thờ phượng của mình. Một hệ thống đều đặn các bài học được khai triển từ Phúc âm và các Thánh thư, và được sắp xếp theo một thứ tự nhất định căn cứ vào các Chúa Nhật và ngày lễ buộc của năm phụng vụ” (30). Metzger cũng cho hay người ta đã xếp loại được 2,135 các sách bài đọc này. Những mẩu bài đọc lâu đời nhất có từ thế kỷ thứ sáu, trong khi những bản chép tay đủ bộ thì mãi đến thế kỷ thứ tám và sau đó nữa mới có (20). Các sách bài đọc thường khá bảo thủ và sử dụng những bản văn cổ hơn, do đó rất có giá trị về phương diện phê bình văn bản (30).

II. Sự Đáng Tin của Cựu Ước về Phương Diện Thư Mục Học

Về trường hợp Cựu Ước, ta không có được sự phong phú về bản chép tay như với Tân Ước. Trước khi khám phá ra các Sách Cuộn Biển Chết, bản chép tay trọn bộ lâu đời nhất của Thánh Kinh Do-thái là vào khoảng năm 900 A.D. Như thế khoảng cách là 1,300 năm (Cựu Ước Do-thái được hoàn tất khoảng năm 400 B.C.). Thoạt nhìn, người ta có cảm tưởng Cựu Ước không có chi đáng tin cậy hơn các tác phẩm học thuật cổ thời khác. Với việc khám phá ra các Sách Cuộn Biển Chết, một số các bản chép tay Cựu Ước cũng đã được tìm ra mà các học giả đều quả quyết là có trước thời Chúa Giêsu.

Khi các sự kiện được biết đến và so sánh, người ta thấy có rất nhiều lý do để tin rằng các bản chép tay chúng ta có hiện nay rất đáng tin cậy. Ta sẽ thấy như Ngài Frederick Kenyon đã từng nói: “Kitô hữu có thể cầm trọn bộ Thánh Kinh trong tay và nói mà không sợ sệt hoặc do dự là mình thực đang nắm được Lời Chúa trong đó, một lời được lưu truyền từ đời nọ đến đời kia xuyên qua bao thế kỷ mà những điều chủ yếu vẫn không mất bao giờ” (27). Muốn thấy tính cách độc đáo của Thánh Kinh, tưởng ta nên khảo sát sự cẩn trọng tuyệt vời mà các nhà sao chép đã biểu lộ khi thực hiện các bản chép tay Cựu Ước.

1. Sách Talmud (100-500 A.D.): Trong thời kỳ này, người ta sử dụng phần lớn thì giờ vào việc phân loại các luật đạo và đời của Do Thái. Các nhà sao chép có một hệ thống khá phức tạp để sao chép các sách cuộn của hội đường. Ta hãy nghe Samuel Davidson diễn tả một số kỷ luật của các nhà sao chép sách Talmud phải có đối với Thánh Kinh: [1] Sách cuộn của hội đường phải được viết trên da các thú vật sạch, [2] phải do một người Do-thái chuẩn bị cho một việc sử dụng cá biệt của hội đường. [3] Những sách cuộn này phải được cột với nhau bằng dây lấy từ các thú vật sạch. [4] Mỗi tờ giấy da phải chứa một số cột bằng nhau trong suốt cuốn sách. [5] Chiều dài mỗi cột không được dưới 48 dòng và không được quá 60 dòng; và chiều rộng phải chứa 30 chữ. [6] Trọn bộ bản chép phải được kẻ đầu (first-lined); và nếu viết ba chữ mà không có dòng nào, thì sẽ vô giá trị. [7] mực phải đen, không được trắng, xanh lá cây, hay bất cứ màu nào khác, và phải được chuẩn bị bằng một công thức nhất định. [8] một bản chuẩn xác phải làm mẫu mực, mà người sao chép không được phép đi trật dù hết sức nhỏ. [9] không một chữ, một vần hay một dấu phết (yod) nào được phép viết theo trí nhớ, mà người sao chép lại không nhìn vào sách mẫu để ngay trước mắt mình... [10] Giữa mỗi phụ âm, phải có khoảng cách dù nhỏ như sợi tóc hoặc sợi chỉ; [11] giữa mỗi đoạn (parashah) mới, phải để khoảng cách rộng 9 phụ âm; [12] Giữa mỗi sách, phải có ba dòng. [13] Sách thứ năm của Moses phải kết thúc chính xác bằng một dòng; còn những sách khác thì không cần như vậy. [14] Ngoài ra, người sao chép phải mặc đủ lễ phục Do-thái-giáo khi ngồi viết, [15] tắm gội hết cả châu thân, [16] không được bắt đầu viết tên Chúa bằng cây viết vừa mới nhúng mực, [17] và nếu có vị vua nào đó lên tiếng nói chuyện với anh ta khi anh ta đang viết tên Chúa, anh ta vẫn không được lưu ý tới (13 & 18). Sách cuộn nào không tôn trọng những qui định trên đều phải bị chôn xuống đất hoặc bị đốt đi; hay bị cấm không được dùng trong các học đường, hay dùng làm sách đọc.

Không lạ gì có rất ít sai biệt trong các bản chép tay Cựu ước. Theo Gleason Archer, dù hai bản của Sách Isaia được khám phá tại Hang 1 Qumran gần Biển Chết vào năm 1947 đã có trước bản chép tay xưa nhất được biết đến trước đây (năm 980 A.D.) cả hơn một ngàn năm, chúng vẫn y trang từng chữ giống bản Thánh Kinh Do-thái tiêu chuẩn của ta ngày nay đến hơn 95 phần trăm. 5 phần trăm sai biệt phần lớn là do nét vấp của ngòi bút và cách đánh vần khác nhau mà ra thôi. Ngay những mẩu vụn của sách Đệ nhị luật và sách Samuel, dù thuộc hai nhà chép tay khác nhau, cũng không đưa lại một khác biệt nào về học thuyết hoặc giáo huấn. Chúng không ảnh hưởng mảy may gì đến sứ điệp mạc khải cả (7/25).

Frederick Kenyon cho rằng lý do có ít bản chép tay Cựu ước là vì sự cẩn trọng nói trên. Khi người ta đã dành cho bản chép tay một sự thận trọng tuyệt đối như trên, thì tuổi của chúng trở thành không quan trọng nữa. Ngược lại, có thể còn có hại do hiện tượng bạc màu, sờn rách. Bản nào bị hư hại hay bất toàn như thế đâu còn xứng đáng để được sử dụng nữa. Chính vì thế, ở mỗi hội đường đều có một cái tủ gọi là Gheniza (tủ chứa đồ thừa) để chứa những bản chép tay bị hư nát... Như thế, thay vì coi các bản chép tay lâu đời có giá trị, người Do-thái có thói quen chuộng những bản mới chép hơn, coi chúng như hoàn hảo hơn, ít hư hại hơn. Những bản bị cho vào gheniza đương nhiên sẽ mai một đi hoặc do quên lãng hoặc bị đốt khi gheniza quá đầy. Việc vắng bóng những bản chép tay lâu đời của Cựu Ước do đó không phải là điều làm ta ngạc nhiên hay quan ngại (27/43). Việc trọng kính đối với Thánh Kinh và việc quan tâm đến tính tinh ròng của nó không phải chỉ mới có sau khi Giêrusalem thất thủ. Nó đã có ít nhất từ đời Ezra (7: 6,10) vì Ezra được xưng tụng là “viên ký lục rất kỹ càng”. Thực vậy, Ông là một nhà chuyên nghiệp, rành nghề về Thánh Kinh.

2. Bản Massoretic (500-900 A.D.): Những người massoretes(do chữ massora có nghĩa là truyền thống) đảm nhận công việc khó khăn là nhuận sắc và tiêu chuẩn hóa bản văn. Bản doanh của họ đặt tại Tiberias. Bản do các nhà massoreteschung kết được gọi chung là bản văn massoretic. Điểm đặc biệt của bản này là việc thêm dấu nguyên âm để việc xướng đọc được chính xác hơn. Nó được coi là bản Thánh Kinh tiêu chuẩn của Do-Thái ngày nay.

Các nhà massoretes là những người rất có kỷ luật và coi bản văn hết sức cung kính. Họ đã đưa ra một hệ thống phức tạp để giữ cho bản văn khỏi phạm những sa sẩy của ngòi bút. Chẳng hạn, họ đếm số lần từng mẫu tự xuất hiện trong mỗi cuốn sách; họ chỉ ra chữ giữa của Ngũ Kinh và chữ giữa của toàn bộ Thánh Kinh Do-Thái, và còn làm những con tính chi tiết hơn thế nữa. Bất cứ những gì có thể đếm được đều được họ đếm cả. Họ còn tạo ra những bản giúp trí nhớ (mnemonics) nhờ đó những tổng số khác nhau có thể nhớ được cách dễ dàng (10).

Frederick Kenyon nói thêm về vấn đề trên như sau: “ngoài việc ghi chép những cách đọc, những truyền thống và suy đoán khác nhau, các nhà massoretescòn đảm nhiệm nhiều con tính không có trong phạm vi phê phán bản văn thông thường. Họ đếm số câu, số từ, số chữ của từng cuốn sách. Họ tính ra từ giữa và chữ giữa của cuốn sách đó. Họ kể ra những câu có chứa tất cả các chữ của mẫu tự, hay một số chữ của mẫu tự... Những chuyện xem ra chẳng có chi là quan trọng này thực ra đem lại hiệu quả rất lớn trong việc đảm bảo sự chăm chú tỉ mỉ để chuyển giao chính xác bản văn cho hậu thế; và nói cho cùng sự trọng kính thái quá ấy đối với Thánh Kinh, xét về phương diện văn bản, quả là điều đáng khen. Quả thật, các nhà massoretes luôn luôn lo lắng sao cho không một dấu chấm, không một tựa đề, không một chữ dù nhỏ đến đâu hay ngay một phần nhỏ xíu của một chữ của Sách Luật bị lãng quên hay bỏ sót” (27).

Chính Flavius Josephus, một sử gia Do-Thái, cũng đã viết: “chúng tôi đã có chứng cớ cụ thể cho thấy lòng tôn kính của chúng tôi đối với Thánh Kinh. Vì dù bao thời đại dài đằng đẵng đã trôi qua, nhưng không một ai dám thêm hoặc cắt bỏ, hay thay đổi chỉ một vần nào; và mọi người Do Thái, kể từ khi mới sinh ra, đã có bản năng coi Thánh Kinh như các sắc chỉ của Chúa, mà họ phải tuân giữ và, nếu cần, sẵn sàng chết cho nó. Từ trước đến nay, biết bao lần người ta đã được chứng kiến tận mắt những cảnh các tù nhân thà chịu nhục hình và chịu chết dưới nhiều hình thức, hơn là phát ra lời nào chống lại Lề Luật và những tài liệu liên quan đến nó” (23).

3. Sự đáng tin của Cựu Ứơc

Chỉ cần nhìn vào cách chuyển tự (transliteration) tên người, ta cũng đủ thấy tính chính xác hết mực của Cựu ước. Một học giả cho hay trong 144 trường hợp chuyển tự từ tiếng Ai-cập, Assyria, Babylonia và Moabite sang tiếng Hy-bá-lai và 40 trường hợp chuyển tự ngược lại, nghĩa là 184 trường hợp tất cả, chứng cớ cho thấy từ 2300 đến 3900 năm nay bản văn đề cập đến các tên riêng trong Thánh Kinh Do-thái đã được lưu truyền một cách cực kỳ chính xác. Việc các thầy ký lục nguyên thủy có thể ghi chép các tên ấy một cách phù hợp chặt chẽ với các nguyên tắc chính xác của khoa ngữ văn (philology) đến như thế quả là một bằng chứng kỳ diệu cho thấy sự cẩn trọng và đầu óc bác học sâu sắc của họ; hơn nữa, việc bản văn Hy-bá-lai được các nhà sao chép lưu truyền qua bao nhiêu thế kỷ như trên quả là một hiện tượng chưa hề có trong lịch sử văn học (40). Một học giả khác cho hay có khoảng 40 vị vua sống trong khoảng các năm 2000 B.C. và 400 B.C. Họ được trình bầy theo thứ tự thời gian... tham chiếu với các vị vua của cùng một nước và với các vị vua của các nước khác... Không một chứng cớ nào cho thấy sự chính xác chủ yếu trong cách ghi chép của Cựu Ước cho bằng cái bộ tên các vua này. Nói theo toán học, sự chính xác kia chỉ có thể có khoảng 1 phần 750,000,000,000,000,000,000,000 là do hoàn cảnh mà thôi (40).

4. Các bản văn Hy-bá-lai 

* Cairo Codex (895 A.D.) hiện lưu giữ tại Bảo tàng viện Anh quốc. Nó do gia đình Moses ben Asher, thuộc thời kỳ Massoretic, thực hiện, chứa cả hai phần tiên tri tiền và tiên tri hậu (10)

* Bộ Các Tiên tri củaLeningrad (916 A.D.): chứa Isaia, Jeremia, Ezekiel, và 12 tiên tri nhỏ.

* Bộ chép tay đầy đủ cổ xưa nhất của Cựu Ước là bộ Codex Babylonicus Petropolitanus(1008 A.D.) hiện lưu giữ tạiLeningrad. Đây là bộ được sao chép từ bản văn đã được Giáo sĩ Do-thái Aaron ben Moses ben Asher hiệu đính trước năm 1000 A.D. (18).

* Aleppo Codex (900+A.D.) là một bản chép tay vô cùng quí giá. Trước đây người ta tưởng nó đã thất lạc, nhưng lại được tìm thấy năm 1958, tuy có hư hại đôi chút.

* Bộ Codex của Viện Bảo tàng Anh Quốc (950 A.D.) chứa phần từ Sáng Thế đến Thứ luật.

* Bộ Codex các Tiên Tri của Reuchlin (1105 A.D.) do ben Naphtali, thuộc nhóm Massoretic, thực hiện.

5. Chứng cớ của Các Sách Cuộn Biển Chết

Đối với câu hỏi: liệu bản văn Hy-bá-lai mà ta gọi là bản massoretic này, một bản văn ta thấy đã được lưu truyền từ một bản văn soạn vào khoảng năm 100 công nguyên, có thực sự là đại biểu trung thành cho Bản Hy-bá-lai nguyên gốc do các tác giả của các sách Cựu Ước viết ra không? Ta thấy các Sách Cuộn Biển chết (Dead Sea Scrolls) cho ta câu trả lời thật minh nhiên và quả quyết. Vấn đề trước khi người ta khám phá ra các Sách Cuộn này là: các bản chép hiện ta có ngày nay chính xác ra sao so với bản văn của thế kỷ thứ nhất? Vì bản văn đã được sao chép quá nhiều lần, liệu ta có thể tin cậy vào nó không? Ta biết Các Sách cuộn bao gồm khoảng 40,000 mẩu giấy có viết chữ. Từ các mẩu giấy đó, người ta đã tái tạo được hơn 500 cuốn sách. Những cuốn sách và mẩu giấy bên ngoài Thánh Kinh đã cho thấy nhiều điều về cộng đoàn tôn giáo tại Qumran. Các bản viết như “Tài liệu Zadokite”, “Luật Lệ của Cộng đoàn” và “Thủ Bản Kỷ Luật” giúp ta hiểu mục đích sinh hoạt thường nhật của Qumran. Trong nhiều hang động, người ta cũng tìm thấy nhiều bản bình luận Thánh Kinh rất hữu ích.

Lịch sử khám phá ra các Sách Cuộn này là biến cố lý thú nhất trong thời hiện đại. Khoảng tháng Hai hoặc tháng Ba năm 1947, một cậu bé chăn chiên Ả-rập tên Muhammad đang đi kiếm con chiên lạc. Cậu liệng một hòn đá vào một cái lỗ hổng trên vách đá ở phía tây Biển Chết, cách phía nam Jerichokhoảng 8 dặm. Cậu hết sức ngạc nhiên khi nghe thấy tiếng vang của một thứ đồ sành. Tò mò, cậu xuống quan sát, thì quả là một cảnh tượng đầy ngạc nhiên. Dưới sàn động có đến mấy chiếc bình lớn chứa những cuộn giấy da bọc vải. Vì tất cả các bình đều được dán kín miệng hết sức cẩn thận, nên các sách cuộn đã được gìn giữ hết sức tốt đẹp suốt gần 1900 năm. Chúng đã được đặt ở đó từ năm 68 công nguyên.

Năm Sách Cuộn tìm thấy trong Hang số 1 đã được Tổng Giám mục thuộc Tu viện Chính thống giáo Syria tại Giêrusalem mua lại. Trong khi ba cuốn khác được Giáo sư Sukenik thuộc trừng Đại học Do Thái mua. Khi các sách này được khám phá lần đầu, ít ai biết đến chúng. Tháng Mười Một năm 1947, sau khi mua ba cuốn sách trên và hai chiếc bình khác từ các Hang Biển Chết, giáo sư Sukenik viết trong nhật ký như sau: “Có lẽ đây là một trong những khám phá vĩ đại nhất chưa bao giờ xẩy ra tại Palestine, một khám phá ta chưa bao giờ từng mơ tưởng”. Tuy nhiên, nhận định ấy không được công bố vào thời đó. May mắn thay, tháng Hai năm 1948, Vị Tổng giám mục nói trên, vì không đọc được tiếng Hy-bá-lai, nên đã điện thoại cho Trường Nghiên cứu Đông phương tại Giêrusalem của Mỹ (American School of Oriental Research in Jerusalem) và thuật lại cho họ nghe về các sách cuộn ông đã mua. Quả là một quan phòng tốt đẹp, vì vị xử lý thường vụ chức giám đốc của Trường lúc đó là một học giả trẻ tuổi tên John Trever, đồng thời cũng là một nhiếp ảnh gia tài tử rất tuyệt vời. Ông kiên nhẫn chú tâm chụp từng cột cuốn sách cuộn Isaia dài 24 bộ và dầy 10 inches. Ông tự rửa các tấm phim và gửi một số ảnh chụp cho tiến sĩ W.F. Albright thuộc Trường Đại học Hopkins, một học giả nổi tiếng và lúc đó đang là khoa trưởng khoa khảo cổ học Thánh Kinh. Albright viết thư trả lời ngay: “Tôi nồng nhiệt ca ngợi việc khám phá ra các sách chép tay này, một khám phá vĩ đại nhất thời nay!... Quả là một khám phá tuyệt đối tuyệt vời! Và không thể có một nghi ngờ nào trên khắp thế giới về tính chân thực của các bản chép tay này”. Albright cho rằng các sách này có khoảng năm 100 công nguyên (14).

Một vài điều sau đây cho thấy các Sách Cuộn này vô cùng qúi giá. Ta biết các bản chép tay Thánh Kinh Do-Thái xưa nhất và đầy đủ nhất ta có hiện nay là từ năm 900 công nguyên trở về sau. Làm sao ta có thể chắc chắn chúng được lưu truyền chính xác kể từ thời Chúa Giêsu vào năm 32 công nguyên? Chính nhờ khoa khảo cổ và các Sách Cuộn Biển chết mà ta biết được câu trả lời. Một trong các sách cuộn này là bản chép tay đầy đủ sách Isaia bằng tiếng Hy-bá-lai. Các nhà cổ tự học (paleographers) ấn định niên biểu chúng vào khoảng năm 125 trước công nguyên. Bản chép tay này cổ hơn 1,000 năm so với bất cứ bản chép tay nào ta có trước đó. Ấn tượng mạnh mẽ là ở chỗ giống nhau cùng khuôn giữa bản sách cuộn Isaia (năm 125 trước công nguyên) và bản Isaia của nhóm Massoretic (năm 916 công nguyên), một bản xuất hiện 1,000 năm sau đó. Điều ấy chứng tỏ sự chính xác phi thường của các nhà sao chép Thánh Kinh, dù sống cách nhau cả nghìn năm.

Trong số 166 chữ của Isaia 53, chỉ có 17 mẫu tự bị nghi vấn. Tuy nhiên, trong số ấy hết 10 mẫu tự chỉ là vấn đề đánh vần (spelling), không ảnh hưởng chi đến ý nghĩa. Bốn mẫu tự khác là những thay đổi nhỏ về hành văn, như giới từ chẳng hạn. Ba mẫu tự còn lại bao gồm trong chữ “ánh sáng” được thêm vào câu 11, và không ảnh hưởng nhiều đến ý nghĩa. Hơn nữa, chữ này lại được chứng minh bằng bản Bẩy Mươi và bản IQ Is. Như thế, trong một chương gồm 166 chữ, thực sự chỉ có một chữ (gồm 3 mẫu tự) là có nghi vấn sau một ngàn năm lưu truyền – và chữ này không thay đổi nghĩa của cả đoạn bao nhiêu (18). Một học giả khác thêm rằng một bản giấy cuộn không đầy đủ chép sách Isaia được tìm thấy cùng với các bản khác tại Hang Qumran 1, được gọi cho tiện là bản “Isaia B”, còn tương hợp chặt chẽ hơn nữa với bản Massoretic (10). Như thế, có thể kết luận sự quan trọng của các Sách cuộn Biển Chết nằm ở chỗ chúng đã chứng tỏ được tính chất chân xác của bản Cựu Ước Massoretic.

6. Bản Bẩy Mươi chứng minh sự chân xác của Thánh Kinh Hy-bá-lai

Khi người Do Thái bị phân tán đi khắp nơi, họ thấy nhu cầu phải có Thánh Kinh bằng ngôn ngữ chung của thời đại. Bản Bẩy Mươi đã đáp ứng nhu cầu ấy. Đây là bản dịch Thánh Kinh Hy-bá-lai qua tiếng Hy-lạp được thực hiện dưới triều Vua Ptolemy Philadelphia của Ai-Cập (năm 285-246 trước công nguyên).

Dựa vào một bức thư của Aristeas, một viên chức trong triều Vua Ptolemy, gửi cho anh mình là Philocrates, người ta được biết Vua Ptolemy là một ông Vua nổi tiếng trong việc bảo trợ văn học. Chính dưới thời ông, thư viện vĩ đại tại Alexandria, một trong những kỳ quan văn hóa của thế giới suốt trong 900 năm, đã được khánh thành. Cũng theo bức thư, chính thư viện trưởng của Ptolemy là Demetrius, người thành Phalerum, đã làm nhà Vua chú ý tới Lề Luật Do-thái và khuyên nhà Vua gửi một phái đoàn tới thầy cả thượng phẩm tại Giêrusalem. Thế là thầy cả thượng phẩm bèn chọn 6 nhà dịch thuật lão thành từ mỗi một chi tộc trong 12 chi tộc Do-thái và gửi họ qua Alexandria, cùng với một bộ kinh Torah chính xác và bằng giấy da tuyệt đẹp. Các vị lão thành này được nhà Vua chiêu đãi trọng thể, và tỏ ra uyên bác khôn ngoan trong tranh luận; nên được Nhà Vua cho cư ngụ tại lâu đài trên đảo Pharos (một hòn đảo nổi tiếng nhờ chiếc hải đăng của nó), nơi đó, trong suốt 72 ngày, họ hoàn tất nhiệm vụ phiên dịch Ngũ Kinh qua tiếng Hy-lạp, tranh luận biện bác và so sánh để sau cùng dâng lên nhà Vua một bản dịch thống nhất (10).

Bản Bẩy Mươi rất gần với bản Massoretic (916 A.D.) chúng ta có ngày nay, là một chứng cớ cho thấy sự đáng tin cậy trong quá trình lưu truyền suốt hơn 1,300 năm. Bản Bẩy Mươi có bốn đóng góp quan trọng sau đây: [1] Nó lấp được hố phân cách giữa người nói tiếng Do-Thái và người nói tiếng Hy-lạp, vì nó thoả mãn được nhu cầu của người Do-thái sinh sống tại Alexandria, [2] Nó lấp được hố phân cách lịch sử giữa Cựu ước Hy-bá-lai của người Do-thái và các Kitô hữu nói tiếng Hy-lạp, là những người nay có thể sử dụng được Cựu Ước song song với Tân Ước, [3] và nó cung cấp tiền lệ cho các nhà truyền giáo trong việc phiên dịch Thánh Kinh sang các ngôn ngữ khác; [4] Nó lấp hố phân cách của khoa phê bình bản văn nhờ những tương hợp chủ yếu của nó với bản văn Cựu Ước Hy-bá-lai (18).

Người Do-thái sau đó mất dần cảm tình với Bản Bẩy Mươi. Lý do của hiện tượng này có tính chất chính trị nhiều hơn. Vì từ thế kỷ thứ nhất công nguyên trở đi, các Kytô hữu nhận nó làm bản Cựu Ước chính thức của họ và sử dụng nó vào việc truyền bá và bênh vực đức tin Kitô giáo. Mặt khác, vào khoảng năm 100 công nguyên, các nhà học giả Do-thái đã ban hành một bản tiêu chuẩn canh cải cho Cựu Ước (10).

7. Bản Samaritan (thế kỷ 5 trước công nguyên)

Bản này chứa Ngũ Kinh. Các sai chạy giữa bản này và bản Massoretic không đáng kể (10/122).

8. Các Bản Targums (xuất hiện dưới hình thức viết vào khoảng năm 500 công nguyên). 

Căn bản có nghĩa “giải thích”. Đây là những lời dẫn giải Cựu Ước. Sau khi người Do-Thái bị lưu đầy, tiếng Chaldean trở thành ngôn ngữ chính chứ không còn là tiếng Hy-bá-lai nữa, do đó, họ cần có một Sách Thánh bằng tiếng họ đang nói. Các bản Targums chính gồm (1)Bản của Onkelas (năm 60 trước công nguyên, có người nói là do Onkelas, một đệ tử của học giả Do-thái nổi tiếng Hillel). Bản này chứa bản văn Ngũ Kinh bằng tiếng Hy-bá-lai. (2) Bản của Jonathon Ben Uzziel (năm 30 trước công nguyên?), chứa các Sách Lịch sử và các Sách Tiên tri. F.F. Bruce cho ta bối cảnh lý thú của các bản Targums: “... Thói quen theo sau các buổi đọc Thánh Kinh công cộng tại hội đường là lời dẫn giải bằng tiếng Aramaic bình dân càng ngày càng thịnh hành vào các thế kỷ cuối cùng trước công nguyên. Lẽ dĩ nhiên, khi tiếng Hy-bá-lai ngày càng ít được giới bình dân biết đến như một tiếng nói, thì điều cần là họ phải được cung cấp những lời dẫn giải bản văn Thánh Kinh bằng ngôn ngữ họ quen thuộc, nếu muốn họ hiểu điều người ta đang đọc cho họ nghe. Viên chức có nhiệm vụ dẫn giải như thế được gọi là methurgeman (người phiên dịch), còn chính lời dẫn giải được gọi là targum. Người phiên dịch này không được đọc lời dẫn giải của mình từ một sách cuộn, vì như thế cộng đoàn có thể tưởng lầm là ông ta đang đọc Thánh Kinh theo nguyên bản. Sau này còn có qui định không được dịch một lúc hơn một câu trong Ngũ Kinh và hơn ba câu trong các Sách Tiên tri, chắc chắn để cho lời dẫn giải được chính xác, khỏi sai lạc. Chỉ mãi sau này, những lời dẫn giải bằng miệng ấy mới được ghi chép thành văn bản (10).

9. Sách Mishnah (200 A.D.)

Có nghĩa là “giải thích, giáo huấn”. Đây là sưu tập các truyền thống của Do-thái và các trình thuyết về luật truyền khẩu, được viết bằng tiếng Hy-bá-lai và thường được coi như Bộ Luật Thứ Hai. Các đoạn trích Thánh Kinh rất giống với bản Massoretic.

10. Các Bản Gemaras (tiếngPalestine năm 200 A.D.; tiếngBabylon năm 500 A.D.). 

Đây cũng là các sách bình giải, viết bằng tiếng Aramaic, góp phần chứng tỏ tính chất đáng tin của Bản Massoretic. Sách Misnah cùng với bản Gemara bằng tiếng Babylon tạo thành sách ta gọi là Talmud Babylon. Còn Sách Misnah cùng với bản Gemara bằng tiếng Palestineđược gọi là Talmud Palestine.

11. Sách Midras (100 B.C. – 300 A.D.) 

Đây là bộ các bài nghiên cứu có tính học lý về Cựu Ứơc Hy-bá-lai. Các trích đoạn Thánh Kinh chủ yếu lấy từ bản Massoretic.

III. Sự Đáng Tin của Thánh Kinh về Phương Diện Chứng Cớ Nội Tại

1. Nguyên Tắc Chấp Nhận Hoài Nghi (Benefit of Doubt)

Các học giả cho rằng trong khoa phê bình văn học (literary critics), ta phải chấp nhận nguyên tắc bất hủ của Aristotle, tức nguyên tắc: phải cho là đúng nếu ta không có bằng chứng rõ ràng để trợ lực cho cảm giác của ta cho rằng điều nào đó có thể không đúng sự thật. Do đó, ta phải lắng nghe các khẳng định (claims) của tài liệu đang được phân tích, chứ không được giả thiết là lừa lọc hoặc sai lạc ngoại trừ tác giả tự loại bỏ mình bằng các mâu thuẫn hoặc những sai lầm rõ ràng về sự kiện (31)... Mà ngay một mâu thuẫn biểu kiến cũng chưa đủ để bác bỏ một tài liệu. Ta còn cần phải chắc chắn mình đã hiểu đúng đoạn văn, hiểu cái ý nghĩa trong đó nó sử dụng các từ ngữ hoặc con số. Mặt khác ta cũng cần phải nắm vững mọi kiến thức hiện có về vấn đề ấy, và không còn cách nào khác để soi dẫn vấn đề dù từ các hiểu biết mới, các tìm kiếm văn bản mới, hoặc khoa khảo cổ học... Khó khăn tự mình không tạo nên phản luận (objections). Những vấn đề chưa giải quyết không nhất thiết phải là những sai lạc. Ta phải đương đầu với các khó khăn và các vấn nạn phải thúc đẩy ta đi tìm ánh sáng rõ ràng hơn; tuy nhiên bao lâu ta chưa đạt được cái ánh sáng toàn diện và sau cùng kia để sáng tỏ một vấn đề nào đó, ta vẫn không có quyền khẳng định rằng: ‘đây rõ ràng là một sai lầm, một phản luận không còn thắc mắc gì nữa chống lại sự vô ngộ của Thánh Kinh’. Vì ai cũng biết rằng có biết bao nhiêu ‘phản luận’ đã từng được giải đáp trọn vẹn kể từ đầu thế kỷ này” (21).

2. Giá Trị Nguồn Nguyên Thủy (Primary source value)

Các soạn giả Thánh Kinh viết trong tư cách những người được chứng kiến tận mắt hoặc từ những tin tức tận nguồn. Ta hãy nghe Luca: “Thưa ngài Thêôphilê đáng kính, có nhiều người đã ra công soạn bản tường thuật những sự việc đã được thực hiện giữa chúng ta. Họ viết theo những điều mà các người đã được chứng kiến ngay từ đầu và đã phục vụ Lời Chúa truyền lại cho chúng ta. Tôi cũng vậy, sau khi đã cẩn thận tra cứu đầu đuôi mọi sự, thì thiết tưởng cũng nên tuần tự viết ra để kính tặng ngài” (Lc 1:1-3). Phêrô, trong thư thứ hai, nhấn mạnh hơn: “Thật vậy, khi chúng tôi nói cho anh em biết quyền năng và cuộc quang lâm của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, thì không phải chúng tôi dựa theo những chuyện hoang đường thêu dệt khéo léo, nhưng là vì chúng tôi đã được thấy tận mắt về uy phong lẫm liệt của Ngài” (2 Pr 1:16). Thánh Gioan, trong thư thứ nhất, cũng tuyên bố y như thế: “Điều chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa, để chính anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi, mà chúng tôi thì hiệp thông với Chúa Cha, và với Đức Giêsu Kitô, Con của Ngài” (1 Ga 1:3). Trong Phúc Âm do ngài soạn thảo, thánh nhân nhấn mạnh hơn: “Người xem thấy việc này đã làm chứng và lời chứng của người ấy xác thực; và người ấy biết mình nói sự thật để cho cả anh em nữa cũng tin” (Ga 19:35).

Mặt khác, các soạn giả ấy cũng đã đề cập đến những vấn đề và những sự kiện có thể bị người đương thời kiểm chứng được, vì những vấn đề và những sự kiện ấy vẫn còn sống động trong tâm trí người đọc và người nghe. Và đó là điều được sách Tông Đồ Công Vụ nhiều lần nhắc đến: “Thưa đồng bào Ít-ra-en, xin nghe những lời sau đây. Đức Giêsu Nagiarét, là người đã được Thiên Chúa phái đến với anh em. Và để chứng thực sứ mệnh của Người, Thiên Chúa đã cho Người làm những phép mầu, điềm thiêng và dấu lạ giữa anh em. Chính anh em biết điều đó” (Cv 2: 22). Và nơi khác: “Ông Phaolô còn đang tự biện hộ như thế, thì ông Phét-tô lớn tiếng nói: Ông Phaolô, ông điên mất rồi! Ông hay chữ quá nên hóa điên! Ông Phaolô đáp: Thưa ngài Phét-tô đáng kính, tôi không điên đâu, nhưng tôi nói lên những điều hợp với sự thật và lẽ phải. Quả thế, đức vua biết rõ những điều ấy, và tôi mạnh dạn nói với người: tôi tin chắc rằng trong các điều ấy, không có gì mà người không biết, vì chuyện này đã không xẩy ra ở một xó góc nào đó” (Cv 26:24-26). Đúng như nhận định của F.F. Bruce, giáo sư Thánh Kinh tại đại học Manchester: “Các nhà giảng thuyết Phúc âm đầu hết biết rất rõ giá trị của chứng cớ nguyên khởi, và đã nại đến giá trị ấy rất nhiều lần. Họ không ngừng và hoàn toàn tin tưởng khẳng định rằng: “chúng tôi là nhân chứng của những việc này”. Quả thực chẳng có chi dễ dàng, như nhiều nhà văn từng nghĩ, khi tạo hoẹt ra các lời nói và việc làm mà gán cho đức Giêsu trong những ngày quá sớm sủa này, vì các môn đệ của Ngài vẫn còn quanh quẩn đâu đó, và hẳn còn nhớ rất rõ những gì đã xẩy ra và không xẩy ra.

Và các nhà giảng thuyết đầu hết ấy không những chỉ phải “tính sổ” với các nhân chứng bạn mà thôi đâu, họ còn phải dè chừng các nhân chứng ít thiện cảm khác là những người rất sành sỏi các dữ kiện liên quan đến sứ vụ và cái chết của đức Giêsu. Các môn đệ không thể liều lĩnh phạm cái tội bất cẩn sai lệch (chưa kể đến việc táy máy thay đổi các sự kiện cho khác đi) vì một hành động như thế sẵn sàng bị lột mặt nạ bởi những người quá hân hoan muốn làm điều đó. Trái lại, một trong những điểm mạnh của lời giảng tông đồ lúc ban đầu là việc tin tưởng nại đến sự hiểu chuyện của người nghe; không những các ngài chỉ nói: “chúng tôi là nhân chứng của những việc này” mà thôi, mà còn nói rằng: như “chính anh em biết điều đó” (Cv 2:22)” (11).

3. Thực Sự Là Các Tài Liệu Thuộc Nguồn Nguyên Thủy

Các học giả ngày nay đều nhất trí coi Tân Ước là các tài liệu có nguồn nguyên thủy từ thế kỷ thứ nhất (31). Hai bảng sau đây cho ta thấy hai lối xác định niên hiệu của Tân Ước:

XÁC ĐỊNH TUỔI MỘT CÁCH DÈ DẶT

Các thư Phaolô
Năm 50-66 A.D.
(Hiebert)
Phúc âm Mátthêu
Năm 70-80 A.D.
(Harrison)
Phúc âm Maccô
Năm 50-60 A.D.
(Harnak)

Năm 58-65 A.D.
(T.W. Manson)
Phúc âm Luca
Đầu thập niên 60 A.D.
(Harrison)
Phúc âm Gioan
80-100 A.D.
(Harrison)


XÁC ĐỊNH TUỔI MỘT CÁCH PHÓNG KHOÁNG

Các thư Phaolô
Năm 50-100 A.D.
(Kummel)
Phúc âm Mátthêu
Năm 80-100 A.D.
(Kummel)
Phúc âm Maccô
Năm 70 A.D.
(Kummel)
Phúc âm Luca
Năm 70-90 A.D.
(Kummel)
Phúc âm Gioan
Năm 170 A.D.
(Baur)

Năm 90-100
(Kummel)


(Xem Werner Georg Kummel,Introduction to the New Testament, do Howard Clark Lee dịch sang tiếng Anh, NXB Abingdon Press, 1973; Everett Harrison, Introduction to the New Testament, William B. Eerdmans Publishing Co., 1971; D. Edmond Hiebert,Introduciton to the New Tstament, Vol. II, Moody Press, 1977). Dựa vào các tài liệu Biển Chết, William Foxwell Albright, một trong những nhà khảo cổ học thánh kinh nổi tiếng nhất hiện nay, quả quyết rằng: “theo ý kiến của tôi, các sách Tân Ước đều đã được các người Do-thái đã rửa tội soạn thảo giữa các thập niên 40 và thập niên 80 của thế kỷ thứ nhất (rất có thể giữa các năm 50 và 75)... Nhờ các khám phá tại Qumran, người ta đã chứng minh rằng nội dung Tân Ước đúng là điều trước nay ta vẫn tin: giáo huấn của Đức Kitô và của các môn đệ trực tiếp của Ngài khoảng giữa các năm 25 và 80 công nguyên” (4). Ngay những học giả có khuynh hướng phóng khoáng từng xác định niên biểu của Tân Ước sau thế kỷ thứ nhất nay cũng cho rằng nó đã được soạn thảo trước khi Giêrusalem thất thủ, nghĩa là trong khoảng các năm 70-79 (xem Dr. John A.T. Robinson,Redating The New Testament).

IV. Chứng Cớ Ngoại Tại Cho Thấy Sự Đáng Tin của Thánh Kinh

Chứng cớ ngoại tại nghĩa là liệu có những tài liệu lịch sử nào khác xác nhận hoặc bác khước chứng cớ nội tại của Thánh Kinh không?

Các Tác Giả Ngoài Thánh Kinh

Eusebius, trong cuốn Ecclesiastical History III.39, đã nhắc đến các phát biểu của Papias, giám mục Heirapolis (năm 130 A.D.), mà ông đã nhận được từ bậc Trưởng thượng (Elder tức Thánh Gioan Tông đồ): “Bậc Trưởng thượng thường cũng nói rằng: ’Máccô, vốn là thông dịch viên của Phêrô, đã viết lại một cách chính xác mọi điều Phêrô nhắc đến, bất kể là lời nói hay việc làm của đức Kitô, tuy nhiên không được thứ tự... Máccô đã không phạm sai lầm nào, khi viết lại những sự việc được Phêrô nhắc đến; vì ông chú ý cẩn thận, không bỏ sót điều gì đã được nghe, không thêm nếm những lời bịa đặt nào’”. Papias cũng nhận xét như sau về Phúc âm Mátthêu: “Mátthêu ghi lại những lời sấm ký bằng tiếng A-ram”.

Irenaeus, Giám mục Lyons (năm 180 A.D.), môn đệ của Polycarp, Giám mục Smyrna, môn đệ của thánh Gioan Tông đồ, đã viết rằng: “Cơ sở của các Phúc âm vững chắc đến nỗi chính những người rối đạo cũng phải làm chứng cho chúng, và mỗi người trong họ đều đã bắt đầu từ các tài liệu ấy mà xây dựng nên các học thuyết riêng của mình” (Against Heresies III). Bốn sách Phúc âm đã trở thành định đề trong thế giới Kitô giáo đến nỗi Irenaeus nhắc đến chúng như một sự kiện đã được thiết lập và được nhìn nhận là hiển nhiên y như người ta nói đến bốn hướng của sa-bàn: “Vì cũng như có bốn phương thiên hạ và bốn hướng gió tổng quát, và vì Giáo hội đã hiện diện cùng khắp trái đất và phúc âm là trụ cột và nền tảng của Giáo hội và hơi thở sự sống, nên lẽ tự nhiên cũng cần phải có bốn trụ cột, thổi phúc trường sinh bất tử từ mỗi phía, làm cho sự sống con người được đổi mới. Do đó, hiển nhiên Ngôi Lời, kiến trúc sư của muôn loài, đấng ngự trên các thiên thần lý trí (cherubim). .. phải ban cho ta bốn sách phúc âm, được cùng Một Thần Khí kết hiệp lại với nhau... Mátthêu công bố phúc âm của mình nơi người Do-thái bằng ngôn ngữ riêng của họ, khi Phêrô và Phaolô đang rao giảng Tin Mừng tại La-Mã và thiết lập nên hội thánh tại đó. Sau khi hai vị qua đời (truyền thuyết vững chắc cho là dưới thời Neron cấm đạo năm 64), Maccô, môn đệ và thông dịch viên của Phêrô, cũng đã để lại cho ta những điểm chủ yếu trong giáo huấn của thầy. Luca, một người theo Phaolô, cũng viết thành sách tin mừng do thầy mình truyền giảng. Rồi Gioan, môn đệ của Chúa, người đã tựa vào ngực Thầy (biến cố được kể lại trong Ga 13:25 và 21:20), cũng viết một sách Phúc âm riêng, khi đang sống tạiEphesus bên Á Châu”.

Clement Thành Rô-ma (khoảng năm 95 A.D.) coi Thánh Kinh như sách đáng tin và chân xác. Và Ignatius (năm 70-110 A.D.), giám mục Antiôkia và chết vì đạo, môn đệ của Polycarp (học trò Thánh Gioan Tông đồ) đã đặt căn bản đức tin của mình trên sự xác thực của Thánh Kinh. Chính Polycarp cũng đã anh dũng dùng máu đào của mình làm chứng cho Sách Thánh.

Flavius Josephus, sử gia Do-Thái, đã nhắc đến một nhân vật Tân Ước cách chi tiết, đó là Gioan Tẩy giả. Ông viết như sau: “Một số người Do-Thái nghĩ rằng quân đội của Hêrốt đã bị Chúa tiêu diệt, và đó quả là một hình phạt để trả thù cho Gioan, biệt danh là Tẩy giả. Vì Hêrốt đã giết hại ông ta, dù ông ta là người tốt, luôn khuyên nhủ người Do-Thái tu thân tích đức, sống công bình với nhau, kính sợ Thiên Chúa và chịu phép rửa. Ông dạy rằng Chúa chấp nhận phép rửa miễn là họ tiếp nhận nó không phải để được tha tội, mà là để thanh tẩy thân xác, khi tâm hồn đã được thanh tẩy nhờ sự công chính. Khi thấy người ta tụ tập chung quanh ông (vì họ rất cảm kích khi nghe ông nói), Hêrốt sợ rằng sức thuyết phục nhân tâm của ông, một khi mạnh mẽ như thế, rất có thể dẫn đến nổi loạn, vì họ sẵn sàng tuân theo lời khuyên của ông trong mọi sự. Do đó, ông nghĩ chẳng thà bắt giam ông và giết ông chết trước khi ông có thể gây nên bất cứ xáo trộn nào, hơn là phải hối hận lâm vào khó khăn sau này, khi cuộc phản lọan đã xẩy ra. Vì sự đa nghi của Hêrốt, mà Gioan đã bị tống giam vào Machaerus, pháo đài mà trước đây chúng tôi đã nhắc đến, và ở đó ông bị xử tử. Người Do-Thái tin rằng chính để trả thù cho cái chết của ông mà thảm họa đã giáng xuống trên quân đội của ông, Chúa muốn đem khốn khó lại cho Hêrốt” (11). Ở đây, ta thấy Flavius khác với Phúc âm ở điểm Gioan Tẩy giả bị giết vì lý do chính trị chứ không phải vì đã tố cáo cuộc hôn nhân của Hêrốt với Herodias. Sự khác biệt này không hẳn là mâu thuẫn. Rất có thể Hêrốt nhằm cả hai: giết Gioan Tẩy giả theo yêu cầu của Herodias nhưng đồng thời cũng dứt một hậu họa. Flavius đâu có chú ý đến khía cạnh tôn giáo cho bằng khía cạnh chính trị. Điều quan trọng là những nét tổng quát trong bài tường thuật hoàn toàn đúng với lời tường thuật của Phúc Âm (11). Tatian (khoảng năm 170 A.D.) đã xếp đặt các Phúc âm thành những cột để so sánh mà ông gọi là Diatessaron.

PHẦN HAI: KHÍA CẠNH KHẢO CỔ HỌC 

Điều đầu tiên cần nhấn mạnh là không một khám phá khảo cổ học nào từ trước đến nay đã nói ngược lại một qui chiếu Thánh Kinh (19). Ngược lại, khảo cổ đã xác nhận lịch sử tính chủ yếu của truyền thống Cựu Ước. William F. Albright ghi chú rằng: “Chủ nghĩa hoài nghi thái quá đối với Thánh Kinh của các trường phái lịch sử quan trọng trong các thế kỷ 18 và 19 đã dần dần bị mất uy tín. Hết khám phá này đến khám phá khác đã thiết lập được sự chính xác của không biết bao nhiêu sự kiện, khiến người ta càng ngày càng phải công nhận nhiều hơn giá trị của Thánh Kinh như một nguồn tài liệu lịch sử” (2).

Các học giả ngày nay, nói chung, tỏ ra kính trọng những truyện kể về các tổ phụ hơn các đàn anh của họ trước đây. Điều ấy, theo giáo sư H. H. Rowley, không phải chỉ vì họ có những giả định dè dặt hơn các đàn anh của họ cho bằng vì có nhiều chứng cớ bắt họ phải có thái độ ấy (41). Để minh chứng điều này, ta thấy khoa khảo cổ Cựu Ước đã tìm lại được nhiều quốc gia, làm sống lại nhiều dân tộc quan trọng, và đã lấp đi một cách kỳ diệu nhiều khoảng trống (gap) lịch sử, giúp người ta rất nhiều trong việc hiểu biết các bối cảnh sách thánh (38). Khoa này đã đem lại rất nhiều bằng chứng về sự chính xác của bản Cựu Ước Massoretic. Một trong những bằng chứng ấy là điều khảo cổ đặt tên là Con Dấu Giêrêmia (Jeremiah Seal). Đây là con dấu dùng để đóng lên các thùng rượu nho, được xác nhận có từ thế kỷ thứ nhất hoặc thế kỷ thứ hai công nguyên, trên đó có khắc câu trích trong Giêrêmia 48: 11. Xét tổng quát, câu này phù hợp với bản Massoretic.

Theo William Albright, cho đến gần đây, các nhà nghiên cứu về lịch sử Thánh Kinh vẫn có thói quen coi những chuyện kể về các tổ phụ trong sách Sáng Thế như những sáng tác giả tạo của các thầy ký lục Do-thái thời quân chủ phân hóa hay như những câu chuyện vui kể quanh lửa trại vào thời người Do-thái mới chiếm được mảnh đất Canaan... Tuy nhiên, các khám phá khảo cổ từ năm 1925 đã thay đổi cái nhìn ấy. Vì những khám phá này cho thấy tổ tiên người Do-thái quả có liên hệ mật thiết với các dân tộc bán du mục của miền Trans-Jordan, Syria, vịnh Euphrates và Bắc Arabia trong các thế kỷ sau cùng của thiên niên kỷ thứ hai trước công nguyên và các thế kỷ đầu tiên của thiên niên kỷ thứ nhất (3).

1. Vương Quốc Ebla

Một trong những khám phá khảo cổ có liên quan đến khoa phê bình Thánh Kinh là việc tìm ra các thanh bản Ebla ( Ebla tablets) tại miền bắc Syria do hai giáo sư của Đại học La-Mã là Tiến sĩ Paolo Matthiae, một nhà khảo cổ học, và Tiến sĩ Giovanni Petinato, một nhà minh văn học (epigrapher). Hai vị giáo sư này khởi sự cuộc khai quật tại Tell Mardikh vào năm 1964. Đến năm 1968, họ khai quật được bức tượng của Vua Ibbit-Lim. Chữ khắc trên bức tượng có nhắc đến Ishtar, vị nữ thần ”sáng láng tại Ebla”. Vương quốc Ebla, lúc cực thịnh vào năm 2300 B.C, có dân số 260,000 người. Năm 2250 B.C., nó bị Naram-Sin, cháu Sargan Đại đế, hủy diệt.

Kể từ năm 1974, 17,000 thanh bản thuộc triều đại vương quốcEbla đã được khai quật từ mặt đất. Cần nhiều thời gian nữa, mới có được những khảo cứu có ý nghĩa để tìm ra mối liên hệ giữa Ebla và thế giới Thánh Kinh. Tuy nhiên, những thanh bản kia đã đem lại nhiều đóng góp rất giá trị đối với khoa phê bình Thánh Kinh. Thực vậy, ta biết rằng những người chủ trương “Giả Thuyết Tài Liệu” (Documentary Hypothesis) vẫn cho rằng thời kỳ được miêu tả trong các tường thuật của Mô-sê (1400 B.C., gần một ngàn năm sau vương quốc Ebla) là thời kỳ chưa có chữ viết. Nhưng các thanh bản Ebla chứng minh rằng trước Mô-sê cả hàng ngàn năm và trong cùng một miền với Mô-sê và các tổ phụ, các luật lệ, phong tục và biến cố đã được ghi lại bằng chữ viết rồi.

Giả thuyết trên còn cho rằng không những thời Mô-sê chưa có chữ viết, mà Bộ Luật Tư Tế (Priestly Code) và các luật lệ nói chung được ghi lại trong Ngũ Kinh, vì tính cách phát triển cao độ, nên không thể do Mô-sê trước tác được. Lúc ấy dân Do-thái còn rất bán khai không thể nào có những luật lệ như thế. Chúng chỉ có thể được ghi chép bằng văn tự vào khoảng nửa đầu thời kỳ Ba-tư (538-331 B.C.). Ấy thế nhưng, các thanh bản Ebla đã chứa những thủ tục luật lệ còn tỉ mỉ hơn thế nữa. Nhiều điều luật rất giống với Đệ Nhị Luật (như Đnl 22:22-30 chẳng hạn), là Luật mà giả thuyết trên cho là chỉ có mãi sau này.

Một đóng góp giá trị khác có liên quan đến Sáng Thế 14, một đoạn, trong nhiều năm, bị coi là sai lầm về phương diện lịch sử. Chiến thắng của Abraham đối với các vua Chedolaomer và Mesopotamia thường bị coi là huyễn hoặc và năm thành phố của Miền Đồng Bằng là Sodom, Gomorrah, Admah, Zeboiim và Zoar chỉ là tưởng tượng. Thế nhưng, các thanh bản Ebla đã nhắc đến đủ năm thành phố ấy và trên một thanh bản, chúng còn được liệt kê theo hệt thứ tự như Sáng Thế 14. Môi trường của các thanh bản phản ảnh nền văn hóa thời kỳ các tổ phụ và diển tả rõ ràng rằng trước tai họa được ghi trong Sáng Thế 14, vùng này là một vùng rất phồn thịnh, y như đã được Sáng Thế nhắc đến.

2. Cựu Ước và Khảo Cổ Học

Theo Sáng Thế, tổ tông người Do-thái phát xuất từ Lưỡng Hà (Mesopotamia). Điều này tương hợp với các khám phá khảo cổ học. Theo Albright, thật là chính xác khi truyền thống Hy-bá-lai coi các Tổ Phụ là những người phát xuất từ Thung Lũng Balikh, thuộc miền Tây Bắc Lưỡng Hà. Vì cả Thánh Kinh lẫn các khám phá khảo cổ học đều ghi nhận sự chuyển dịch của những nhân vật này khởi đi từ vùng đất Lưỡng Hà (3). Sáng Thế cũng cho rằng trước khi xẩy ra biến cố Babel, “toàn diện mặt đất cùng chung một ngôn ngữ và một tiếng nói” (St 11:1). Sau khi ngọn tháp ấy được xây xong và bị phá hủy, Thiên Chúa mới xáo trộn ngôn ngữ của loài người (St 11:9). Nhiều nhà ngữ văn (philologists) hiện đại làm chứng rằng nguồn gốc ngôn ngữ thế giới có điểm hao hao giống nhau. Alfredo Trombetti cho rằng ông ta có thể tìm ra và chứng minh được nguồn gốc chung của mọi thứ tiếng. Max Mueller cũng chứng thực có một nguồn gốc chung như thế. Nhưng Otto Jespersen còn đi xa hơn bằng cách nói rằng Chúa đã trực tiếp ban tiếng nói cho nguyên tổ (16).

Trong gia phả Esau, có nhắc đến sắc dân Horites (St 36:20). Có thời, người ta cho rằng họ là những người “ở hang” (cave-dwellers) vì có sự tương tự giữa chữ Horite và chữ Hy-bá-lai chỉ về hang. Tuy nhiên, ngày nay các khám phá khảo cổ cho thấy họ là sắc dân dũng sĩ sống tại Cận Đông thời các tổ phụ (16).

Trong các cuộc khai quật tại Jericho (1930-1936), Garstang đã tìm ra được một điều đầy ngạc nhiên đến độ ông đã cùng hai thành viên của nhóm soạn và ký tên một bản tuyên bố, trong đó có đoạn như sau: “Như thế xét theo sự kiện chính, thì không còn hoài nghi chi nữa: các bức tường đã đổ hoàn toàn ra phía ngoài đến độ những người tấn công có thể leo lên trên các đổ nát mà vào thành”. Vậy có chi là ngạc nhiên? Vì cứ sự thường thì các bức tường thành phố không đổ ra phía ngoài, mà đổ vào phía trong. Thế nhưng trong Giôsuê 6:20, ta đọc thấy: ”... tường thành sụp đổ bình địa, làm người ta cứ thẳng trước mặt mà tiến lên đánh thành, và đã chiếm được thành”. Như thế tường quả đã đổ ra phía ngoài (17).

Ngày nay ta đã thấy gia phả Abraham dứt khóat có tính chất lịch sử. Tuy nhiên, xem ra còn có vấn nạn liệu những tên kia là tên người hay tên các thành phố cổ. Điều chắc chắn duy nhất là Abraham quả là một cá nhân và là một nhân vật có thực. Theo Burrows, tuy chưa có bằng chứng khảo cổ về chính cá nhân Abraham, nhưng tên Abraham đã xuất hiện tạiBabylon như là tên người vào cùng thời với Abraham của Thánh Kinh (12).

Mặc dù chứng cớ khảo cổ đặc thù chưa tìm ra cho những tường thuật về các Tổ phụ, nhưng các phong tục xã hội trong các tường thuật ấy rất phù hợp với thời đại và vùng các Tổ phụ sinh sống (12/278,279). Phần lớn những điều này là kết quả của những khai quật tại Nuzu và Mari. Thi văn và ngôn ngữ Hy-bá-lai được các khai quật tại Ugarit soi sáng. Các khoản luật của Môsê được nhận dạng trong các bộ luật của người Hittite, Assyri, Sumeri và Esthunna.

Ta biết rằng Julius Wellhausen, một học giả về Thánh Kinh của thế kỷ 19, cho rằng Nhà Tạm (Tabernacle) với những chiếc gương thau (brass mirrors) không thể nào có vào thời Mô-sê được mà chỉ có thể có khoảng thế kỷ thứ 6 hay thứ 5 trước công nguyên. Nhưng ngày nay, ta đã có chứng cớ khảo cổ cho thấy những chiếc gương như thế đã có ngay từ thời Đế Quốc Ai-cập nghĩa là trong khoảng các năm 1500-1400 trước công nguyên, trùng với thời Mô-sê và Xuất Hành (16).

Tóm lại, như Henry M. Morris đã nhận xét, hiện còn khá nhiều công việc phải làm để điều hợp các dữ kiện khảo cổ sao cho khít khao với Thánh Kinh. Tuy nhiên, hiện chưa có một khám phá khảo cổ nào đi ngược lại bất cứ điều khoản căn bản nào của Thánh Kinh (32).

3. Tân Ước và Khảo Cổ

Không ai còn hoài nghi tư cách sử gia của Thánh Luca nữa. Unger cho ta hay khảo cổ học đã nhận thực các tường thuật của Phúc âm, nhất là Phúc âm Lu-ca (37). Có người cho rằng thánh nhân phạm nhiều sai lầm chung quanh biến cố giáng sinh của đức Giêsu (Lc 2:1-3), như làm gì có việc kiểm ta dân số, Quirinus đâu có làm tổng trấnSyria, và đâu có ai bị buộc phải trở về quê hương bản quán. Nhưng thực ra các khám phá khảo cổ học gần đây cho thấy người La-Mã có thói quen cứ 14 năm một lần kiểm kê thường xuyên danh sách những người chịu thuế. Thủ tục này thực sự đã bắt đầu từ thời Augustus, và lần thực hiện đầu tiên đã xẩy ra trong năm 23-22 hay 9-8 trước công nguyên. Chính niên hiệu sau đã được Thánh Lu-ca nhắc đến. Thứ hai, ta đã có chứng cớ cho thấy Quirinus làm tổng trấn Syria khoảng năm 7 trước công nguyên. Giả thuyết này căn cứ vào một bia khắc tìm thấy tại Antiokia gán cho Quirinus danh hiệu trên. Theo giả thuyết này, có thể ông đã làm tổng trấn Syria hai lần, lần đầu năm 7 trước công nguyên và lần sau năm 6 công nguyên (niên hiệu do Josephus ấn định) (15). Sau nữa, về việc kiểm tra, một tài liệu giấy da tìm thấy ở Ai-Cập có đưa ra những chỉ dẫn như sau: “Vì việc kiểm tra đã đến gần, nên những ai vì bất cứ lý do gì phải cư trú xa nhà cần lập tức chuẩn bị để trở về chính quyền sở tại ngõ hầu có thể đăng ký trọn gia đình mình vào sổ kiểm tra, nhờ thế địa bộ đất đai vẫn thuộc về họ” (15 & 16).

Trước đây các nhà khảo cổ cho rằng thánh Lu-ca sai lầm ở chỗ cho Lystra và Derbe thuộc vùng Lycaonia, còn Iconium thì không thuộc vùng đó (Cv 14:6). Họ dựa vào các nhà văn La-Mã, nhưCicero chẳng hạn coi Iconium thuộc vùng Lycaonia. Ấy thế nhưng năm 1910, William Ramsay tìm ra một đền đài cho thấy Iconium là một thị trấn củaPhrygia. Các khám phá sau cũng xác nhận như vậy (16).

Thánh Luca có nhắc đến Lysanias, Tiểu vương tại Abilene (Lc 3:1), lúc Gioan Tẩy Giả khởi sự làm phép rửa khoảng năm 27 công nguyên. Điều ấy có vẻ không đúng vì ông Lysanias duy nhất được các sử gia cổ nhắc đến đã bị giết năm 36 trước công nguyên rồi. Tuy nhiên, mới đây, người ta tìm thấy một bản khắc gần Damascus nhắc đến “Người được Tiểu Vương Lysanias giải phóng”, và bản khắc này được định tuổi khoảng các năm 14 và 29 công nguyên (9).

Trong thư gửi tín hữu Rô-ma viết từ Côrintô, thánh Phaolô có nhắc đến viên quản lý kho bạc của thành phố là Erastus (Rm 16:23). Trong một cuộc khai quật tại Côrintô năm 1929, người ta tìm thấy một viên gạch lót đường với hàng chữ như sau: ERASTVS PRO: AED:S:P:STRAVIT có nghĩa là Erastus, người trông coi các công thự, đã lót những viên gạch này bằng tiền riêng của mình. Theo Bruce, việc lát đường trên có lẽ đã xẩy ra ở thế kỷ thứ nhất công nguyên và mạnh thường quân của công trình này cũng chính là viên quản lý kho bạc được Thánh Phaolô nhắc đến (11 & 36).

Tại Côrintô, người ta cũng tìm thấy một bảng khắc ghi hàng chữ “Nguyện đường Do-Thái”, có người cho là đã dựng trên cửa ra vào hội đường nơi Thánh Phaolô tranh biện (Cv 18:4-7). Và một bảng khắc khác nói đến “chợ thịt” của thành phố mà Thánh Phaolô có nhắc đến trong thư I Cor 10:25. Như thế, nhờ các khám phá của khảo cổ học, phần lớn những thành phố được Tông đồ Công vụ nhắc đến đã được nhận dạng. Các cuộc hành trình của thánh Phalô nhờ thế cũng được vẽ lại cách chính xác (11& 5).

Thánh Luca nhắc đến cuộc rối loạn ở Êphêsô và kể lại một cuộc tập họp dân sự (ecclesia) diễn ra trong một rạp hát (Cv 19: 23...). Sự thực đúng như thế vì có một bảng khắc nhắc đến các bức tượng bằng bạc của thần Artemis (bản KJV gọi là Diana) được đặt trong một “rạp hát trong một buổi họp toàn bộ của Ecclesia”. Khi khai quật, người ta thấy rạp hát này có sức chứa đến 25,000 người (9).

Thánh Luca cũng kể lại cuộc rối loạn xẩy ra tại Giêrusalem vì thánh Phaolô đã đem một người ngoại giáo vào Đền Thánh (Cv 21:28). Một bảng khắc mới tìm thấy ghi như sau bằng tiếng Hy-lạp và La-tinh: “Không một ngoại nhân nào được phép bước vào phạm vi ngăn cách chung quanh đền thánh và nơi cấm. Bất cứ ai bị bắt vi phạm điều này đích thân phải chịu trách nhiệm về án tử do đó mà ra”. Như thế thánh Luca quả có lý (9).

Có người tỏ ra hoài nghi vì một số từ ngữ do thánh Luca sử dụng. Thí dụ ngài gọi Philippi là một “quận” (district) củaMacedonia, vì ngài dùng chữ Hy-lạp meris (nghĩa là quận huyện). F.J.A. Hort cho là sai, vì meris là một bộ phận chứ không phải là một quận. Tuy nhiên các khai quật khảo cổ lại xác định từ ngữ meris chỉ đơn vị cấp quận. Từ praetors được thánh Luca dùng để chỉ các nhà cai trị thành Philippi. Điều đó bị một số học giả cho là sai, vì thành ấy vốn do hai viên quan gọi làduumuirs cai trị. Nhưng thực ra, Thánh Luca không sai, vì các khám phá gần đây cho thấy tước hiệu praetors được dùng để chỉ các thẩm phán của các thuộc địa La-Mã. Như thế một lần nữa khảo cổ học đã chứng minh sự chính xác của thánh Luca (16). Từ ngữ proconsul(thống đốc) dùng để chỉ tước hiệu của Gallio (Cv 18:12) cũng rất chính xác vì một bảng khắc tìm thấy ở Delphi ghi như sau: “Lucius Junius Gallio, bạn của tôi, và là Thống đốc Achaia...” (36). Thánh nhân gán cho Publius, quan trưởng của Malta, tước hiệu “đệ nhất công dân của đảo” (Cv 28:7). Danh xưng ấy cũng đã được các khai quật mới đây xác nhận. Từ ngữpolitarchs ngài dùng để chỉ các chức quyền dân sự của Thessalonica (Cv 17:6) vốn không có trong các trước tác văn chương cổ điển, nên có người cho rằng thánh Luca không đúng. Tuy nhiên, người ta đã tìm được 19 bảng khắc dùng từ ngữ ấy, và lý thú một điều là trong đó hết 5 bảng trực tiếp nhắc đến Thessalonica (9). Chính vì vậy, E.M. Blaiklock, Giáo sư Cổ điển học của Đại học Auckland, đã kết luận như sau: “Thánh Luca quả là một sử gia hoàn hảo, đủ tư cách được xếp ngang hàng với những đại văn hào của Hy-lạp” (8). Hai địa điểm cho đến mãi gần đây vẫn chưa tìm tra chứng tích ngoại trừ trong Tân Ước. Địa điểm thứ nhất là nơi Chúa Giêsu bị Pilatô xử án, Phúc âm Gioan gọi là Gabbatha hay Nền Đá (Pavement) (Ga 19:13). William F. Albright, trong The Archaeology of Palestine, chứng minh rằng chỗ đó thuộc Tháp Antonia, vốn là đại bản doanh quân sự của La-Mã tại Giêrusalem. Nền ấy bị chôn vùi khi thành được xây lại dưới thời Hadrian và chỉ mới được tìm lại gần đây (2). Địa điểm thứ hai là Giếng Bethesda, ngày nay đã được nhận dạng một cách khá chắc chắn tại khu tây bắc của cổ thành (tức khu vực gọi là Bezetha hay “Sân Cỏ Mới”) vào thế kỷ thứ nhất công nguyên, khi vết tích của nó được khám phá giữa khi có những cuộc khai quật gần Nhà thờ Thánh Nữ Anna vào năm 1888 (9). Nói tóm lại, Thánh Kinh, kể cả Cựu lẫn Tân Ước, có đủ các đặc tính của các tài liệu văn học sử cổ điển. Nếu người ta cho rằng tài liệu ấy không đáng tin, thì họ cũng phải kết luận rằng tất cả các tài liệu văn học cổ điển khác cũng đều không đáng tin như thế. Nhiều người thật mâu thuẫn khi áp dụng cho Thánh Kinh một thứ tiêu chuẩn hay một thứ trắc nghiệm (test) trong khi áp dụng cho các tài liệu văn học khác nói chung một thứ tiêu chuẩn hay một thứ trắc nghiệm khác. Điều ấy chẳng phải là kết quả của một thái độ thiên kiến hay sao? Chúng tôi thiển nghĩ cần phải áp dụng cùng một thứ trắc nghiệm cho dù tài liệu được khảo xét ấy là tài liệu thế tục hay tài liệu tôn giáo.

Theo Josh McDowell, Evidence That Demands a Verdict, Revised Edition, Here’s Life Publishers, 1976.

..........................
Thư Mục: 

1. Albright, William F. Archaeology and the Religions of Israel. Baltimore: JohnHopkins University Press, 1956.

2. Albright, William F. The Archaelology of Palestine. Rev. ed. Harmondsworth, Middlesex: Pelican Books, 1960.

3. Albright, William F. The Biblical Period From Abraham to Ezra. New York: Harper & Row, 1960.

4. Albright, William F. From the Stone Age to Christianity.Baltimore: John HopkinsUniversity Press, 1946.

5. Albright, William F. Recent Discoveries in Bible Lands. New York: Funk and Wagnalls, 1955.

6. Anderson, J. The Bible, the Word of God. Brighton: n.p., 1905.

7. Archer, Gleason. A Survey of the Old Testament. Chicago: Moody Press, 1964.

8. Blaiklock, Edward Musgrave. The Acts of the Apostles. Grand Rapids: William B. Eerdmans Publishing Co., 1959.

9. Bruce, F.F. “Archaeological Confirmation of the New Testament” Revelation and the Bible. Edited by Carl Henry.Grand Rapids: Baker Book House, 1969. 10. F.F. Bruce. The Books and the Parchments. Rev. ed. Westwood: Fleming H. Revell Co., 1963.

11. Bruce, F.F. The New Testaments Documents: Are They Reliable? Downers Grove; Il 60515: Inter-Varsity Press, 1964.

12. Burrows, Millar. What Means These Stones? New York: Meridian Books, 1956.

13. Davidson, Samuel. Hebrew Text of the Old Testement. 2nd ed., London: Samuel Bagster & Sons, 1859.

14. Earle, Ralph. How We Got Our Bible. Grand Rapids: Baker Book House, 1971.

15. Elder, John. Prophets, Idols and Diggers. Indianapolis, New York: Bobbs-Merrill, 1960.

16. Free, Joseph. Archaeology and Bible History. Wheaton: Scripture Press Publications, 1969.

17. Garstang, John. The Foundations of Bible History; Joshua, Judges. London: Constable, 1931.

18. Geisler, Norman L. và William E. Nix. A General Introduction to the Bible.Chicago: Moody Press, 1968.

19. Glueck, Nelson. Rivers in the Desert; History of Negev.Philadelphia: Jewish Publications Society ofAmerica, 1969.

20. Greenlee, J. Harold. Introduction to New Testament Textual Criticism. Grand Rapids: William B. Eerdmans Publishing Co., 1964.

21. Horn, Robert M. The Book That Speaks for Itself. Downers Grove, Il 60515: Inter-Varsity Press, 1970.

22. Jaganay, Leo. An Introduction to the Textual Criticism of the New Testament. Trans. by B.V. Miller. London: Sands and Co., 1937.

23. Josephus, Flavius. “Flavius Josephus Against Apion” Josephus, Complete Works. Trans. by William Whiston,Grand Rapids: Kregel Publications, 1960. 24. Kenyon, Frederick G. The Bible and Archaeology. New York: Harper & Row, 1940.

25. Kenyon, Frederic G. The Bible and Modern Scholarship.London: John Murray, 1948.

26. Kenyon, Frederick G. Handbook to the Textual Criticism of the New Testament.London: Macmillan and Company, 1901.

27. Kenyon, Frederic G. Our Bible and the Ancient Manuscripts. New York: Harper and Brothers, 1941.

28. Leach, Charles. Our Bible. How We Got It? Chicago: Moody Press, 1898.

29. Metzger, Bruce. Chapters in the History of New Testamnet Textual Criticism. Grand Rapids: William B. Eerdmans Publishing Co., 1963.

30. Metzger, Bruce M. The Text of the New Testament. New York and Oxford; OxfordUniversity Press, 1968.

31. Montgomery, John W. History and Christianity.Downers Grove, Il 60515: Inter-Varsity Press, 1971.

32. Morris, Henry. The Bible and the Modern Science. Rev. ed.Chicago, Moody Press, 1956.

33. Peters, S.E.The Harvest of Hellenism. New York: Simon and Schuster, 1971.

34. Sanders, C. Introduction in Research in English Literary History. New York: Macmillan Co,. 1952.

35. Schaff, Philip. Companion to the Greek Testament and the Enfglish Version. Rev. ed. New York: Harper Brothers, 1883.

36. Vos, Howard. Can I Trust My Bible? Chicago, Moody Press, 1963.

37. Unger, MerrillF. Archaeology and the New Testament. (Dùng kèm với Archaeology and the Old Testament.) Grand Rapids: Zondervaln Publishing House, 1962.

38. Unger, Merrill F. Archaeology and the Old Testament. Chicago: Moody Press, 1954.

39. Benjamin Warfield, Introduction to Textual Criticism of the New Testtament. Ấn bản 7, London: Hodder & Stoughton, 1907.

40. Wilson, Robert Dick. A scientific Investigation of the Old Testament.Chicago: Moody Press, 1959.

41. Wiseman, Donald F. “Archaeological Confirmation of the New Testament” Revelation and the Bible. Edited by Carl Henry. Grand Rapids: Baker Book House, 1969.

Vũ Văn An