"Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài. Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống. Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh." (Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận)

Linh mục cầu nguyện và hát „tiếng lạ“ khi dâng Thánh Lễ?



Một giáo dân đi dự khóa Canh Tân Đặc Sủng cho biết là có linh mục VN kia - khi dâng lễ cho họ - đã cầu nguyện và hát bằng “tiếng lạ” không ai hiểu được. Câu hỏi được đặt ra là“tiếng lạ” mà linh mục kia nói là tiếng gì và linh mục có được phép nói tiếng gì ngoài ngôn ngữ phụng vụ hay không?

Tôi thực không hiểu biết gì về nguồn gốc của loại “tiếng lạ” này.

Trước đây tôi đã có đôi lần viết về cái gọi là “ơn đặc sủng nói tiếng lạ và hiện tượng té ngã” trong những buổi cầu nguyện Thánh Linh do một số linh mục đã và đang quảng bá khiến gây hoang mang cho giáo dân về ơn Chúa Thánh Linh được gán cho những hiện tượng hay cảm xúc nhất thời của một số nhỏ tham dự viên trong những buổi cầu nguyện chữa lành đó.

Nhưng trước hết, tôi xin nhấn mạnh lại một lần nữa ở đây là việc cầu xin ơn Chúa Thánh Linh là việc đạo đức rất tôt lành và  tối cần thiết  cho mọi thành phần dân Chúa trong Giáo Hội. Sự thật  là nếu ai muốn được thăng tiến trong đời sống thiêng liêng với đức tin mạnh mẽ và lòng yêu mến Chúa sâu đậm hơn thì chắc chắc phải có ơn phù trợ đặc biệt của Chúa Thánh Thần. Cách riêng, Giáo Hội cũng không thể chu toàn được sứ mệnh mà Chúa Giêsu đã trao phó trước khi Người về Trời là “Anh  em hãy đi khắp nơi, làm cho muôn dân trở thành môn đệ, rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” (Mt 28:19). Vì thế, có thể nói chắc chắn rằng chính Chúa Thánh Thần đã nâng đỡ, soi sáng, thánh hóa và hướng dẫn nên Giáo Hội  mới có được khuôn mặt ngày một giống Chúa Kitô hơn như chúng ta thấy ngày nay, sau bao nhiêu thăng trầm theo dòng thời gian và yếu đuối, sai lầm của con người trong vai trò lãnh đạo và làm nhân chứng cho Chúa Kitô khi thi hành Sứ Vụ giữa trần gian.

Cho nên, mọi sáng kiến hay phong trào nào cổ võ việc cầu xin ơn Chúa Thánh Linh đều đáng được khuyến khích vì lợi ích thiêng liêng to lớn muốn tìm.

Nhưng cầu nguyện để xin ơn soi sáng và phù trợ của Chúa Thánh Thần không thể đồng hóa với vài hình thức phù phiếm, giả tạo bề ngoài như té ngã, miệng lâm râm nói ú ớ những gì không ai hiểu được do một  số linh mục  đang  biểu diễn “trò ảo thuật” này núp dưới danh nghĩa “canh tân đặc sủng” hay “tắm trong Thánh Thần” để mê hoặc một số giáo dân không am hiểu giáo lý đức tin ở một vài nơi bên trong và ngoài Việt Nam.

Trước thực trạng này, tôi cần thanh minh một lần nữa là tôi không hề có ý chỉ trích hay nghĩ xấu về Phong Trào Canh Tân Đặc Sủng. Trái lại tôi rất hâm mộ việc cầu xin ơn Thánh Linh để canh tân đời sống thiêng liêng của cá nhân và tập thể hầu biết sống đức tin cách trung thực và sâu sắc hơn trước những thách đố của thời đại vô luân, vô đạo, tôn thờ vật chất và mọi thú vui nhơ nhuốc ở khắp nơi  trên thế giới hiện nay. Nhưng tôi hoàn toàn không tin những hình thức bề ngoài mà người ta gán cho Chúa Thánh Thần, như té ngã, miệng lâm râm nói ú ớ những gì không ai hiểu được. Ở góc cạnh thần học và tín lý tinh tuyền, chúng ta phải tin rằng Chúa Thánh Thần không bao giờ làm việc gì, ban ơn nào cho ai mà người đó lại không cảm nghiệm cách chắc chắn. Chỉ có những ai mượn danh Ngài để làm trò ảo thuật như xô cho người ta té ngã (có nhân chứng đã nói rằng cha chủ sự đã dí mạnh tay vào trán người đang lâm râm cầu nguyện và vì thế họ tế ngã ra phía sau vì mất thăng bằng…). Hoặc lấy khăn ướt đắp lên mặt hay trán của người té ngã và nói nói đó là “tắm trong Thánh Thần” như đã thấy ở một vài nơi ở Mỹ! Giáo Hội tuyệt đối không có nghi thức cầu xin ơn Thánh Linh nào gọi là “tắm trong Thánh Thần” cả. Đây chỉ là trò “ảo thuật” của một số linh mục mượn danh Chúa Thánh Linh để mê hoặc giáo dân mà thôi.

Thật vậy, nếu ta thành tâm muốn chạy đến với Chúa Thánh Thành để xin Người ban ơn soi sáng, giúp ta canh tân đời sống thiêng liêng hầu được thêm đức tin vững chắc, thêm lòng yêu mến Thiên Chúa và hăng hái bước đi theo Chúa Kitô là “Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” (Ga 14: 6) thì chắc chắn Chúa Thánh Thần sẽ ban những ơn cần thiết này cho ai muốn tìm kiếm, vì ơn của Chúa thật vô cùng cần thiết cho mọi tín hữu nói riêng và cho Giáo Hội nói chung. Cho nên, Chúa  Kitô đã ban Thánh Thần cho các Tông Đồ sau khi Người từ cõi chết sống lại ( x.Ga 20:22). Đặc biệt trong Ngày Lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần đã hiện xuống trên các Tông Đồ đang tụ họp cũng Mẹ Maria trong căn nhà đóng kín cửa vì sợ người Do Thái. Chúa Thánh Thần đã lấy hình lưỡi lửa đậu xuống trên mọi người đang có mặt trong nhà và “ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần. Họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tùy khả năng Thánh Thần ban cho” ( Cv 2:1-4).

Nhưng các thứ tiếng lạ mà các Tông Đồ nói được nhờ ơn Chúa Thánh Thần là các ngôn ngữ của dân Pác-thia, Mê-đi-a, Ê-lam, Mê-xô-pô-ta-mia, Guiđê, Ca-pa-đô-kia, Pontô,  Axia, Phy-gia, Pamphylia, Ai cập, và những người từ Libya và Roma  đến. Nhưng kỳ lạ thay, các dân này đều hiểu  khi nghe các Tông Đồ rao giảng danh thánh Chúa Kitô cho họ (x. Sđd 2:5-12).

Đấy là sự lạ lùng nhãn tiền mà các dân khác nhau về ngôn ngữ, phong tục và văn hóa  đã chứng kiện khi nghe các Tông Đồ là người Do Thái mà lại nói được các ngôn ngữ riêng của họ. Mặt khác, chính các Tồng Đồ, khi được tràn đầy Thánh Thần trong ngày Lễ Ngũ Tuần, cũng  không ai bị  té ngã và miệng lảm nhãm  nói những gì không ai hiểu được. Ngược lại, các ông  được thêm sức mạnh, can đảm, trí hiểu và ơn ngôn ngữ khiến các ông tự nhiên nói được ngôn ngữ của các dân khác nhau nói trên khiến họ sửng sốt, thán phục bảo nhau: “Những người đang nói đó không phải là người Ga-li-lê cả ư? Thế sao mỗi người chúng ta lại nghe họ nói tiếng mẹ đẻ của chúng ta?” (Sđd, 2:7-8). Như thế đủ chứng tỏ là “tiếng lạ” mà Chúa Thánh Thần ban cho các Tông Đồ  không phải là những tiếng “ú ớ” mà một vài linh mục đã ngụy tạo trong những buổi cầu nguyện chữa lành, hay “tắm trong Thánh Thần” mà họ đang quảng bá để mê hoặc giáo dân ở một vài nơi.

Trước sự kiện trên, câu hỏi được đặt ra là nếu Chúa Thánh Thần quả thực là nguyên nhân khiến cho một số người bị té ngã hay nói ú ớ trong những buổi cầu nguyện Thánh Linh thì Ngài làm như vậy có mục đích gì?

Ngài ban ơn nói tiếng lạ mà chính người được ơn lại  không  hiểu điều mình nói thì lợi ích gì cho người ấy và cho những ai nghe tiếng lạ đó? Tại sao Chúa Thánh Thần lại làm một việc vô lý như vậy? Chúa làm việc vô lý hay tại người ta đã mạo danh Ngài bịa dặt ra trò “nói tiếng lạ” để mê hoặc những người yếu bóng vía tin trò phù phép thiếu căn bản đức tin lành mạnh này?

Đức tin chân chính và trưởng thành đòi hỏi mọi  tín hữu phải loại bỏ những gì không phù hợp với đức tin và giáo lý của Giáo Hội. Đó là tin Chúa Thánh Thần là  Thần Khí của Thiên Chúa (God’s Spirit) là Đấng Bảo Trợ (Advocate), và là Thần Chân Lý (Spirit of Truth), như Chúa Giêsu đã nói với các Tông Đồ xưa: “Khi Người đến Người sẽ dẫn anh  em tới sự thật toàn vẹn” (Ga 16:13).

Vậy nếu Thần Khí sự Thật đến mà lại nói những gì không ai hiểu được thì ích lợi gì cho người nghe để từ đó biết canh tân đời sống thiêng liêng của mình cho phù hợp với ý muốn và đường lối của Thiên Chúa?

Mặt khác, cho dù Chúa Thánh Thần có ban ơn “nói tiếng lạ” cho ai, thì phải có người hiểu để cắt nghĩa lại cho người không hiểu được tiếng lạ đó chứ ? Như vậy, nếu linh mục hay tham dự viên những buổi “cầu nguyện chữa lành” kia mà nói được “tiếng lạ” của Thánh Linh thì ai là người cắt nghĩa cho họ và cho những ai nghe họ “ú ớ” trong những dịp đó?

Nếu nói mà không hiểu thì ích gì cho ai về mặt thiêng liêng? Chắc chắn một điều là Chúa Thánh Thần không bao giờ  phán dạy ai điều gì mà người đó lại không hiểu được thánh ý của Người. Chúa là Thần Chân lý, là Đấng an ủi dịu hiền, nên ai tha thiết cầu xin Chúa thì Ngài sẽ ban ơn soi sáng trong tâm hồn cách cụ thể để người cầu xin có thể cảm nghiệm ơn phù trợ của Chúa cách rõ ràng. Nghĩa là không khi nào Chúa lại mở miệng cho ai nói “ú ớ”  mà chính người đó cũng không hiểu mình nói gì nữa!!!

Trong thư gửi tín hữu Co-rin-tô, Thánh Phaolô có nói đến những người được Thần Khí ban cho ơn nói tiên tri hay nói các thứ tiếng lạ (1Cr 12:10), nhưng chắc chắn “các thứ tiếng lạ” mà Thánh Phaolô nói ở đây không phải những tiếng “ú ớ” của những  ai ảo tưởng được Thần Khí ban cho ơn nói tiếng lạ, mà phải là tiếng hay ngôn ngữ mà ai nghe cũng hiểu được để nhờ đó biết sống đức tin, đức cậy và đức mến cách sâu đậm hơn.

Nói rõ hơn, Chúa Thánh Thần không bao giờ  nói với ngôn ngữ nào mà con người không hiểu được. Ngôn ngữ của Ngài là ngôn ngữ của chân lý (truth), của khôn ngoan (wisdom), của hiểu biết (knowlege), của sức manh(strength), của sự can đảm (courage) của lòng kính sợ Thiên Chúa (fear of God),  của tình thương và an ủi dịu hiền, nên đến với bất cứ ai, thì tiếng nói của Ngài cũng được người ta cảm nhận cách rõ rệt.

Về câu hỏi, linh mục khi dâng Thánh lễ, có được phép nói gì thêm  ngoài những qui đinh chữ Đỏ (Rubric) trong Nghi Thức Lễ Rôma không, xin khẳng định là linh mục không được phép nói gì mà giáo dân tham dự Thánh Lễ không hiểu được, trừ trường hợp Thánh Lễ được cử hành bằng tiếng Latinh. Khi cử hành bằng các ngôn ngữ khác theo nghi thức mới cho phép dùng ngôn ngữ của các tín hữu thì tuyệt đối không linh mục nào được thêm bớt hay “ú ớ” nói những gì mà giáo dân tham dự Thánh Lễ không hiểu được.

Đây chắc chắn là sự phóng túng (fantaisie) khi cử hành phụng vụ thánh, cụ thể là Thánh Lễ Misa mà mọi linh mục đều được mong đợi (expected) cử hành đứng theo nghi thức đã qui đinh kể cả ngôn ngữ được phép sử dụng.

Do đó, ai tự ý “ú ớ” trong Thánh lễ là vi phạm luật phụng vụ như được qui định trong Nghi Thức Lễ Roma (Roman Rite), buộc mọi linh mục phải triệt để  thi hành đúng theo luật chữ Đỏ (Rubric) đã qui định để hiệp nhất (unity) và hiệp thông ( communion) trọn vẹn với Giáo Hội khi cử hành phụng vụ thánh.

Tóm lại, không thể quảng bá cho ơn Thánh Linh bằng những hình thức phi giáo lý đức tin và luật phụng vụ khiến gây hoang mang cho giáo dân về ơn phù trợ nhiệm mầu của Chúa Thánh Thần.

LM Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Nguồn: Ủy Ban Kinh Thánh