"Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài. Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống. Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh." (Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận)

Ân sủng vô giá mà thành vô dụng



Kể từ khi Đức Thánh Cha Gio-an XXIII chính thức khai mạc Công Đồng Vatican II vào ngày 11 tháng 10 năm 1962 đến nay đã gần trọn 50 năm. Ngoài những đặc tính được nêu ra như đối thoại, tự do và hiệp nhất thì Công Đồng Vatican II còn được xem như một nguồn sáng mới soi dẫn cho Giáo Hội tiếp bước trên một hành trình đức tin vẫn còn dài. Như lời Đức Thánh Cha xác định trong diễn văn khai mạc thì sau 20 thế kỷ hiện diện, Giáo Hội lại được thêm “nguồn năng lực mới” để mạnh dạn hướng về tương lai. Vì vậy mà trong khoảng thời gian một nửa thế kỷ này, Giáo Hội hoàn vũ cũng đã nỗ lực canh tân sức sống để hoà nhịp cùng thế giới giữa biết bao biến đổi và phát triển về mọi lãnh vực, nhất là khoa học và kỹ thuật.

Điều đặc biệt hơn nữa của Công Đồng Vatican II là đã đặt lại và  nâng cao vai trò của  giáo dân với kết quả của  khoá  họp VIII, ngày 18 tháng 11 năm 1965, Đức Thánh Cha công bố Sắc Lệnh về Tông Đồ Giáo Dân. Đây là một văn kiện mà đúng ra một khi đã được goị là giáo dân thì ai cũng cần phải thuộc nằm lòng để sống đúng ơn gọi của mình. Đó là một ân sủng trong những ân sủng vô giá từ nơi Thiên Chúa  ban cho con người tuỳ theo từng lãnh vực và tuyệt đối không thể phân định theo kiểu thế tục đi rao bán để bảo rằng rẻ hay đắt.

Như trong lời mở đầu của Sắc Lệnh này, Công Đồng  nhấn mạnh về vai trò của giáo dân là “những người có phần riêng biệt và cần thiết trong sứ mệnh của Giáo Hội” (quorum partes in missione Ecclesiae proprias et omnino necessarias…) nên  phải hiểu việc tông đồ giáo dân chính là một ơn gọi. Lại nữa, ơn gọi này không cần những loại điều kiện ắt có và đủ như phải có thời gian bao năm tu hành hay chương trình đào luyện rồi truyền chức hay sắc phong mới được, mà là mỗi người đều nhận được ngay từ lúc chịu phép rửa tội.

Có điều, không  biết do đâu và theo cách giảng dạy kiểu nào mà phần lớn giáo dân Việt Nam từ xa xưa tới giờ vẫn chỉ  nghĩ rằng Bí tích Rửa tội được Chúa lập ra là cốt để  rửa cho họ được sạch tội tổ tông truyền. Vì vậy mà người giáo dân sau khi rửa tội xong thì cứ thong thả tiếp tục lớn lên theo một tiến trình đều đặn qua từng chặng cố định của “phép đạo”. Thành ra, đời sống một giáo dân xem ra thật là nhẹ nhàng với những ngày, tháng, năm đủng đỉnh  theo một  mẫu số chung. Đến tuổi thì  rước lễ lần đầu, chịu phép thêm sức, rồi siêng năng xưng tội rước lễ đều đặn và nếu đau ốm thập tử nhất sinh sẽ nhận thêm Bí tích Xức dầu. Khi  đã vào độ tuổi  trưởng thành trở đi là thời gian bắt đầu chọn lựa để quyết nhận một trong hai giữa Bí tích  Hôn phối và  Bí tích Truyền Chức Thánh. Song lại cũng có người nhận hoặc không nhận cả hai bí tích này… Và thế là trọn vẹn đời sống một môn đệ của Đấng đã phải hy sinh trên cây thập tự cứu chuộc. 

Có điều, nếu chỉ  làm bấy nhiêu sự thôi là đủ để được cứu độ thì hà cớ gì Chúa phải nhọc công xuống thế làm người? Và hóa ra cả một đời mang danh có đạo lại chẳng làm gì cho đạo cũng như chẳng hiểu đạo đã cho mình ơn gì ngoài một số ý niệm về sự đời đời ngày sau, ngay khi Chúa đang ở với ta giữa đời này, đang có mặt và chờ ta làm việc thuộc đấng bậc mình như Sắc Lệnh Tông Đồ Giáo Dân khẳng-định: “Ở đâu có người thiếu ăn, thiếu uống, thiếu mặc, thiếu nhà ở, thiếu thuốc men, thiếu việc làm, thiếu giáo dục, thiếu những phương tiện cần thiết để sống xứng danh con người, ở đâu có người bị đau khổ vì nghịch cảnh, ốm yếu, chịu cảnh lưu đày, tù ngục, thì ở đó bác ái Kitô giáo phải tìm gặp, ân cần săn sóc, ủi an và xoa dịu họ bằng những trợ giúp thích đáng”(Sắc Lệnh Tông Đồ Giáo Dân, chương II, đoạn 8 câu 4). Đấy cũng là ý Chúa “Mỗi khi anh em làm những việc đó cho một trong những người này là anh em ta đây tức là đã làm cho Ta vậy” (Mt. 25, 40).

Theo ý nghĩa và tinh thần của lời vừa trích dẫn trên đây thì Bí tích Rửa Tội  không chỉ có nghĩa là một ân sủng cho riêng cá nhân mình được sạch tội mà lên thiên đàng, song là để tiếp nhận sứ vụ đem Tin Mừng cứu độ cho mọi người, một sứ vụ mang dấu chỉ của thập giá đã nhận lấy từ nơi Đức Kitô, để bằng những việc làm thực tiễn từng ngày trong cuộc sống mà làm sáng lên được chân lý yêu thương. Là sống đạo chứ không phải theo đạo và giữ đạo khư khư trong sự ù lì và ỷ lại rồi vô tình bỏ phí mất nguồn ơn đoàn sủng tuyệt vời này. Nếu không thì nơi phần cuối của Sắc Lệnh, Công Đồng đã chẳng kêu gọi: “Như thế giáo dân hãy chứng tỏ mình là cộng tác viên của Chúa, cộng tác vào cùng một công cuộc tông đồ của Giáo Hội bằng nhiều hình thức và phương tiện khác nhau. Những cộng tác viên phải luôn luôn thích nghi với những đòi hỏi mới của thời đại và không ngừng ra sức phục vụ Chúa bởi biết rằng khó nhọc của mình không phải là uổng phí trong Người“ (cf. 1Cor 15, 58).

Bằng vào lời kêu gọi này, thiết nghĩ mỗi giáo dân trong Giáo Hội Công Giáo Việt Nam hiện nay cũng đã đến lúc cần phải “chứng tỏ mình là cộng tác viên của Chúa” cách cụ thể và trưởng thành, hơn là thụ động ngồi chờ đợi ở Vatican, ở các giám mục, giáo sĩ, tu sĩ… rồi than van, trách oán hoặc đặt ra những câu hỏi tại sao, tại sao và tại sao. Nhất là cần phải thoát ra khỏi cái não trạng trì trệ kiểu con thơ măng sữa cứ phải chờ cho bú mớm mới sống được.

Hội thánh đã xác định: “Vì bản chất riêng biệt của người giáo dân là sống giữa đời và làm việc đời nên chính họ được Thiên Chúa mời gọi để một khi tràn đầy tinh thần Kitô giáo, họ làm việc tông đồ giữa đời như men trong bột…giáo dân phải đảm nhận việc canh tân trật tự trần thế như là nhiệm vụ riêng, và trong nhiệm vụ đó, nhờ được ánh sáng Phúc Âm soi chiếu tinh thần của Giáo Hội hướng dẫn, và bác ái Kitô giáo thúc đẩy, họ phải trực tiếp và cương quyết hành động. Với tư cách là công dân, họ phải đem khả năng chuyên môn cùng tinh thần trách nhiệm để cộng tác với các công dân khác. Họ phải  tìm sự công chính nước Thiên Chúa ở mọi nơi và trong mọi sự…”

Tiếc thay, nguyên tắc chung này đã trở thành những văn kiện vô hồn vì bị phần lớn tín hữu trong cộng đồng Dân Chúa Việt Nam bỏ xó cả nửa thế kỷ qua mà chính ra phải được học hỏi rồi thực hành sứ vụ tìm sự công chính nước Thiên Chúa ở mọi nơi và trong mọi sự giữa xã hội đang sống hiện nay.

Mới đây, trong một dịp sinh hoạt với Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ, đức Giám mục Vincent  Nguyễn Văn Long cũng đã chia sẻ một số điều thiết thực  “…Chân phước Gioan Phaolô II đã cho chúng ta thấy rằng, tranh đấu cho công lý và sự thật, cho tự do và nhân phẩm không phải là việc làm của những kẻ muốn chính trị hóa tôn giáo mà là bổn phận ‘nhập thể hóa’ Tin Mừng và ‘Kitô hóa’ môi trường của chúng ta. Nếu chúng ta chỉ giữ đạo trong nhà thờ, nếu chúng ta chỉ đóng khung tôn giáo trong những vấn đề siêu nhiên mà hoàn toàn vô cảm với những vui mừng và hy vọng, những sợ hãi và lo âu của đồng loại, thì phải chăng tôn giáo chỉ là thứ thuốc phiện ru ngủ chúng ta như lời Karl Marx? Đây cũng là chiêu bài của cộng sản. Họ muốn tôn giáo chỉ là thứ thuốc phiện ru ngủ dân chúng. Họ muốn biến tôn giáo trở thành một công cụ của chế độ…”

Thành  ra, đã đến thời đến buổi mà  mỗi người giáo dân phải tự đặt  câu hỏi  và tự  trả lời bằng  lương tâm một Kitô hữu là  đã  nhận thức về ơn gọi làm môn đệ Chúa, làm một phần tử  trong Hội Thánh Người  như thế nào? Đã tìm đọc hay tiếp nhận các văn kiện của Công Đồng, nhất là Sắc Lệnh Tông Đồ Giáo Dân chưa hay cho đấy không phải là  bổn phận của từng tín hữu. Hoặc giả cũng có rất nhiều người đã đổ lỗi rằng  đáng lẽ ra họ phải được các mục tử và hàng giáo sĩ  hướng dẫn học hỏi qua nhiệm vụ giáo huấn  của Hội Thánh  trao ban. Sự đòi hỏi này thực ra cũng không mấy sai khi người giáo dân chưa hiểu rõ vai trò của mình trong Giáo Hội; chưa biết rằng chính Chúa muốn  người giáo dân – vừa là tín hữu vừa là công dân, phải trưởng thành và tự  ý thức bổn phận mình. Nếu làm được như vậy tức là khối tín hữu  Công Giáo Việt Nam  đã biết trả lời  trước lương tâm Kitô giáo rằng phải  chủ động dấn thân để cứu mình và giúp đời như thế nào. Bởi vì,  trước bao nhiêu sự việc bất công, phi lý và vô nhân  nhan nhản  trên đất nước suốt mấy chục năm qua  và vẫn còn đang hoành hành tác tệ  cho cả đời lẫn đạo như  cướp đất của dân, đập phá tài sản của  cả nhà thờ lẫn nhà chùa;  những vụ gần đây ở Cồn Dầu, ở Tiên Lãng, ở Văn Giang, Quỳ Châu, Con Cuông, Kontum…mà  người Công Giáo vẫn chỉ là một khối dân vô cảm thì ơn đoàn sủng đâu rồi? Những dòng máu các bậc tử đạo đã đổ ra cho Giáo Hội Việt Nam thuở ban sơ có còn ý nghĩa nào không?                    
                                                                        
Nói đến bậc tử đạo ở Việt Nam là nói đến những tấm gương can trường  về đức tin của những bậc tiền bối.  Cho tới nay, nếu nhìn lại những di sản từ một thời bách đạo ngày trước được lưu giữ tại Hội Thừa Sai Paris, chẳng hạn như chiếc gông đã từng cùm trên cổ các vị thừa sai; tấm  áo đen bạc mầu của linh mục Théophane Vénard mặc khi ra pháp trường vào năm 1861 hay những đôi dép rách một thời chưa xa ta lắm mà các vị tử đạo đã mang theo “bước chân đẹp thay của người đi loan báo Tin Mừng” mới thấy Giáo Hội Công Giáo Việt Nam hiện nay quá bạc bẽo, bạc nhược, vô cảm và vong thân. Mới thấy cái tội to lớn của những ai đang chủ trương lèo lái con thuyền Giáo Hội điạ phương này mỗi ngày mỗi xa nguồn, phóng ngoại. Nếu không có những bàn chân tiên phong  dấn bước trên các ngả đường rao giảng với  từng giọt máu thấm sâu giữa chông gai thì lấy đâu ra ngày nay có được giáo phận này, tổng giáo phận nọ? Lấy đâu ra thế đứng cho người này, kẻ nọ chỉ vì muốn ngắm nghé ngai, toà mà bán rẻ mọi giá trị làm người môn đệ của Đức Kitô. Như vậy há chẳng phải là đã không làm chứng tá Tin Mừng mà ngược lại còn a dua theo bạo quyền dối gian và sa đoạ thì quả đúng như có lần giám mục Khảm đã mượn lời Đức Thánh Cha Biển-Đức 16 gọi họ là những tên phản Kitô sao.   

Trong Giáo Hội, tuy có nhiều tác vụ khác nhau nhưng cùng chung một sứ mệnh cho nên Công Đồng cũng đã nhắc nhở theo tinh thần chung của Hội thánh rằng “các Giám Mục, các cha sở, các linh mục dòng triều phải nhớ rằng quyền và bổn phận làm tông đồ là chung cho tất cả mọi tín hữu không phân biệt giáo sĩ hay giáo dân, và trong việc xây dựng Giáo Hội, giáo dân cũng có phần riêng của họ”. Cái phần riêng mà Công Đồng nói ở đây có nghĩa  là  có những lãnh vực mà giáo dân phải tự do ý thức và tự phát để hành xử theo lương tâm Công Giáo chứ không  lệ thuộc nơi mục tử và hàng giáo sĩ theo não trạng sai lạc từ xưa.  Cho nên, nếu như giáo dân không nhiệt thành trong nhiệm vụ Thiên Chúa trao ban này mà cứ ngồi ngây ra nhìn  vào giáo phẩm, giáo sĩ, tu sĩ mới sống được thì việc xây dựng Giáo Hội sẽ ra sao, nhất là Giáo Hội Việt Nam hiện nay đang trong tình trạng rất gần với những cảnh báo của Hội thánh: “Ở thời đại chúng ta phát sinh nhiều vấn đề mới và nhiều sai lầm trầm trọng đang hoành hành nhằm khuynh đảo tận gốc tôn giáo, trật tự luân lý và chính xã hội nhân loại, nên Thánh Công Đồng nầy hết lòng khuyên nhủ giáo dân mỗi người tùy tài năng và vốn liếng giáo lý, phải theo tinh thần của Giáo Hội mà ân cần chu toàn phận vụ của mình trong việc làm sáng tỏ, bảo vệ các nguyên tắc Kitô giáo và áp dụng đứng đắn những nguyên tắc đó vào những vấn đề của thời đại này.”(Sắc lệnh Tông Đồ Giáo Dân, chương II, đoạn 6).

Ý tuởng trên còn được  nhấn mạnh thêm ở một chương khác rằng: “Vì ở thời đại chúng ta, duy vật chủ nghĩa dưới mọi hình thức đang lan tràn khắp nơi, ngay cả giữa những người công giáo, nên người giáo dân không những phải chuyên cần học hỏi giáo lý công giáo, đặc biệt là những vấn đề đang được đem ra tranh luận, mà họ còn phải làm chứng bằng một đời sống Phúc Âm để chống lại với bất cứ hình thức duy vật chủ nghĩa nào” (Sắc lệnh Tông Đồ Giáo Dân, chương VI, đoạn 31 câu 6). Đường lối này của Hội thánh xem ra chưa cập nhật với tuyệt đại đa số giáo dân Việt Nam vốn đã chỉ quen sống kiểu thụ động giắt díu nhau “theo” đạo trên lối mòn kinh kệ, rước sách, hội đoàn sinh hoạt và tiệc tùng cùng a dua xu nịnh theo “các đấng làm thầy” cách mù quáng mà thờ ơ trước những vấn nạn của đức ái và công bình. Còn lại bất cứ gì liên quan đến Giáo Hội  thì khoán trắng cho hàng giáo phẩm và giáo sĩ với lý luận xuôi chiều là “các ngài” đã được Chúa chọn, đã có chức thánh nên cũng đủ khôn  ngoan mọi đàng; vậy bất cứ sự gì cũng phải do “các ngài” quyết định và dẫn dắt chứ không ngờ rằng đó là một nố tội về những điều thiếu sót, như một nhận xét của  đức Giám mục Vincent Nguyễn văn Long, thuộc Tổng giáo phận Melbourne – Úc châu rằng: “Nhiều người Công Giáo quan niệm rằng, đạo và đời là hai thực thể riêng biệt. Chính vì thế, câu nói “người Công Giáo không làm chính trị” đối với họ đã trở thành sự biện minh cho thái độ vô cảm hay chủ trương không tham dự vào những vấn đề xã hội và đất nước.”

Tuy nhiên cũng không phải là chỉ có giáo dân mới ở trong nhận xét trên, mà phần lớn giáo sĩ, tu sĩ cũng đã nghĩ và sống hoàn toàn vô cảm và vô trách nhiệm như vậy. Cụ thể là ở trong nước thì nương theo thế quyền, dương dương tự đắc với giáo dân về năng quyền trong các bí tích và chức thánh được mang để giáo dân phải quỵ lụy. Còn ở hải ngoại thì phần lớn linh mục, tu sĩ  cũng tránh dự phần với  các sinh hoạt xã hội hay cộng đồng có liên quan đến quê hương, đến đất nước; nhất là những gì có tính cách chống chế độ cộng sản độc tài; cho dù sau khi vượt biên, muốn được đi định cư tại các quốc gia tạm dụng thì ai cũng lớn tiếng tuyên bố là đi tỵ nạn cộng sản. Thành ra, suốt hơn ba chục năm qua, đâu mấy ai còn đủ cương trực để nhận định và chia sẻ những lời này của vị mục tử luôn trung thành với “căn cước tỵ nạn” của mình  “Vì căn nguyên của sự nghèo đói và của những nỗi nhục quốc thể ở trong nước cũng như ở ngoài nước là hệ thống chính trị lỗi thời, là chế độ cộng sản tham nhũng, bất công và phi nhân. Tôi sẽ không bao giờ ngần ngại để nói lên sự thật phũ  phàng đó. Tôi sẽ không bao giờ tách lìa lý tưởng một Việt Nam phi cộng sản và một Việt Nam nhân bản ra khỏi sứ mạng giám mục của tôi”.

Đã từ lâu, cái nhóm chữ “không làm chính trị” được nhiều người lạm dụng như là một loại “thẻ bài miễn tử” hai mặt. Bởi vì, chỉ có lên tiếng phản kháng hay phê phán  chính sách độc tài, gian dối của nhà nước cộng sản thì mới là chính trị; còn khi hùa theo hay mặc sức giảng giải để tuyên truyền giúp cho chế độ phi nhân này thì lại đưọc gọi  đó là bài giảng theo mùa phụng vụ…

Không  phải ai cũng khiêm tốn như Đức Giám mục Nguyễn Văn Long khi nói “Nhiều người nghĩ rằng, giám mục thì có thể nói về bất cứ vấn đề gì. Thực tế thì không như thế...” mà còn hơn thế nữa, có rất nhiều giám mục tự nghĩ có quyền muốn nói sao cũng được, cho nên mới có những cung cách thản nhiên ăn nói kiểu “cánh chung luận” hay “nhiệt thành của thập giá”.  Rồi còn những “mục vụ” tạo nguồn thu, “mục vụ” nhà  đất, “mục vụ” nhà trẻ, “mục vụ” xây cất nữa. Song song với  những mục vụ kiểu này là các khu nhà nghỉ dưỡng năm sao; các chuyến đi nước ngoài kiểu ba lợi ích bốn lợi dụng hay đổ cả hàng chục tỷ bạc vào những cuộc hành hương rộn ràng như những “tours” du lịch của khách nhàn du, giữa khi dân nghèo xác xơ  sống vất vả cùng khắp mọi nơi như bụi đuờng, bệnh nhân nghèo nằm la liệt ngoài hành lang các bệnh viện chờ chết vì chưa có tiền thì chưa được nhận để chữa trị và không có cơm ăn…

Nửa thế kỷ sắp qua đi nhưng những định hướng căn bản của Công Đồng Vatican II vẫn như luồng ánh sáng chưa được loé lên ở cuối đường hầm Giáo Hội Việt Nam. Vào dịp năm 2000, Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô đệ nhị đã nhắc lại rằng: “Công-Đồng Vatican II đã cho chúng ta nhiều tặng thưởng quý giá từ 35 năm qua và còn tiếp tục dẫn đưa chúng ta trong nhiều năm nữa. Công việc của Giáo Hội bây giờ là học hỏi những điều đã đề ra trong những văn kiện của Công Đồng và đem ra thực hành có hiệu quả…”

Cho nên, bằng vào những huấn giáo phong phú đó, người giáo dân nên chứng tỏ mình là cộng tác viên của Chúa để mạnh dạn cùng Chúa dấn thân vào đời với từng cây thập giá nho nhỏ vừa sức cũng như đừng để lãng phí luôn cả nguồn  ân sủng  mà  như  nhận định  của một giới chức cao cấp của Toà Thánh  từng lui tới Việt Nam đã chia sẻ …uổng cho Giáo Hội Việt Nam khi Thánh Thần tác động ngược vì giáo dân thì nhiệt thành nhưng giáo phẩm thì quá nhiều vấn đề…

Phạm Minh Tâm
02/7/2012