"Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài. Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống. Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh." (Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận)

Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ rửa chân cho tù nhân

Trong Thánh Lễ Tứ Năm Tuần Thánh tới Đức Giáo Hoàng sẽ đích thân rửa chân cho các thanh niên tại một trại giam ở Rome.

Trong bức ảnh chụp năm 2008, Tổng giám mục Bueno Aires, Jorge Bergoglio, nay là Đức Giáo Hoàng Phanxicô, làm lễ rửa chân cho những người nghiện ma túy. Ảnh: AFP

"Khi còn là Tổng giám mục của Buenos Aires, Hồng y Bergoglio từng tổ chức thánh lễ trong nhà tù, bệnh viện hay nhà tế bần cho người nghèo hoặc những người ở dưới đáy xã hội", Washingtonpost dẫn lời Vatican cho biết. 

Tòa thánh cho rằng, bằng việc lựa chọn đến một nhà tù giam giữ người vị thành niên, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã quyết định tiếp tục con đường này và duy trì phong cách sống đơn giản.

Thông thường, các nghi thức rửa chân vẫn được tổ chức trước dịp lễ Phục Sinh tại Vatican hoặc một pháp đình ở Rome. Tuy nhiên, vào Thứ Năm Tuần thánh tới (28/3), buổi lễ rửa chân sẽ được tổ chức trong trại giam Casal del Marmo tại Rome, và Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ đích thân rửa chân cho những thanh niên bị giam giữ. Đức Giáo Hoàng Benedict cũng từng thực hiện nghi thức này tại chính nơi đây năm 2007. 

Lễ rửa chân vào ngày thứ Năm trước lễ Phục Sinh là một truyền thống của đạo Công Giáo, bắt nguồn từ thời Chúa Giêsu. Trong ngày lễ, Đức Giáo Hoàng sẽ rửa và hôn lên chân của 12 người để lập lại một hình ảnh trong Kinh Thánh về hành động khiêm nhường của Chúa Giêsu đối với 12 tông đồ trong đêm cuối cùng, trước khi Chúa bị đóng đinh. 

Phong cách giản dị của Đức Giáo Hoàng mới, nhấn mạnh vào sự khiêm nhường, phục vụ và cam kết đối với người nghèo, đã nhận được sự ủng hộ của báo giới. Một số người e ngại phong cách quá thực tế của Đức Giáo Hoàng có thể làm giảm giá trị của chức vụ này, nhường chỗ quá nhiều cho văn hóa hiện đại. Tuy nhiên, hình ảnh về một Giáo Hoàng với tinh thần phục vụ rõ ràng đã cải thiện hình ảnh của Giáo hội Công giáo. 

Những người ủng hộ ông trên mạng đã vui mừng loan báo những tin tốt về Đức Giáo Hoàng mới. Các bức ảnh chụp hồng y Bergoglio rửa chân cho những bệnh nhân AIDS trẻ tuổi, hay hôn chân những trẻ sơ sinh đã được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô thời trai trẻ


Người đứng đầu Giáo Hội Công Giáo sinh ra trong một gia đình di dân từ Italy. Ông học ngành hóa học trước khi lựa chọn đi theo con đường của Chúa.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô sinh ngày 17/12/1936. Trong ảnh là Đức Giáo Hoàng (trái) và em trai Oscar Bergoglio thời còn học tiểu học.

Từ thời trẻ, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gây ấn tượng bởi đôi mắt sáng và nụ cười tươi.

Các thành viên trong gia đình của Bergoglio. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đứng thứ hai từ trái ở phía sau. Mẹ ông, bà Regina Sivori ngồi ở thành ghế sofa, hàng thứ hai từ trái. Bố là Mario Oscar Bergoglio ngồi ở ghế hàng đầu bên phải.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô, đứng thứ hai từ trái ở hàng sau trong một bức ảnh gia đình. Bố ngài là công nhân đường sắt, mẹ là nội trợ.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô (đầu tiên, bên phải) chụp ảnh kỷ niệm cùng các bạn học ở Buenos Aires, Argentina. Ngài học ở trường công lập trước khi theo chuyên ngành hóa học.

Jorge Mario Bergoglio chủ tế một Thánh Lễ. Ngài được thụ phong linh mục vào năm 1969.


Đức Giáo Hoàng bỏ nhẫn vàng, chọn nhẫn bạc

Đức Giáo Hoàng Phanxicô tiếp tục cho thấy sự giản dị khi ông vừa bỏ qua truyền thống cũ, với việc chọn chiếc Nhẫn Ngư phủ bằng bạc thay vì bằng vàng.

Chiếc Nhẫn Ngư phủ bằng bạc mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đeo trong lễ đăng quang. Ảnh: AFP

Chiếc nhẫn bạc được mạ vàng, một trong những biểu tượng của người đứng đầu Vatican, sẽ được trao cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong thánh lễ đăng quang của ông. Chiếc nhẫn này được làm theo mẫu của một chiếc nhẫn do nhà điêu khắc người Italy, Enrico Manfrini, thiết kế cho Đức Giáo Hoàng Paul VI.

Manfrini, qua đời năm 2004 và là người có biệt danh nhà điêu khắc của Đức Giáo Hoàng, đã thiết kế nên những đồ vật mang tính tôn giáo cho một số người đứng đầu Tòa thánh trước đây, như các Đức Giáo Hoàng Pius XII, Paul VI và John Paul II.

Chiếc nhẫn giản dị, thường được đeo trên tay phải của các Đức Giáo Hoàng, có hình Thánh Peter cầm trong tay một cặp chìa khóa. Đó là lúc mà Thánh Peter được giao những chiếc chìa khóa dẫn tới thiên đường.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chọn chiếc nhẫn bạc trong số ba mẫu nhẫn mà ông nhận được, AFP dẫn lời người phát ngôn Federico Lombardi của Vatican.

Ban đầu, chiếc Nhẫn Ngư phủ có vai trò vừa là biểu tượng cho người đứng đầu Giáo hội vừa là một con dấu. Tuy nhiên, ngày nay, Đức Giáo Hoàng có một con dấu riêng để dùng cho việc đóng dấu vào các văn bản.

Có nhiều lời đồn đoán được đưa ra có liên quan tới loại nhẫn mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô chọn, sau khi ông quyết định từ chối chiếc thánh giá bằng vàng để tiếp tục đeo chiếc thánh giá giản dị của ông trong lần xuất hiện đầu tiên sau khi được bầu là người đứng đầu Giáo hội.


"Đây không phải là lần đầu tiên một Đức Giáo Hoàng chọn một chiếc nhẫn bằng bạc", Claudio Franchi, thợ kim hoàn đã tạo ra chiếc nhẫn của Đức Giáo Hoàng Benedict XVI nói.

Vatican hôm qua cũng công bố huy hiệu và khẩu hiệu mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ sử dụng. Đó đều là huy hiệu và khẩu hiệu mà ông từng dùng khi còn là tổng giám mục tại Buenos Aires, Argentina.