Lê Thiên
(Danlambao) - “Tôi ao ước rằng tất cả chúng ta, sau
những ngày ân sủng này, có lòng can đảm, can đảm chính
là để đi trong sự hiện diện của Chúa, với Thánh Giá của Chúa, để xây
dựng Hội Thánh trên máu của Chúa được đổ ra trên Thánh Giá,
và để tuyên xưng một vinh quang duy nhất: là vinh
quang của Đức Kitô chịu đóng đinh. Và bằng cách này, Hội Thánh
sẽ tiến lên.” - ĐTC Phanxicô.
Đôi nét về Tổng Giáo phận Buenos Aires và về ĐHY Bergoglio
Lãnh thổ Tổng Giáo phận Buenos Ares theo thống kê 2005 có
tới 2 triệu rưỡi tín hữu Công giáo trong tổng số dân 2,729,610 trên lãnh thổ
Tổng Giáo khu với 11 Giáo phận. Buenos Aires cũng là một trong những Tổng Giáo
phận lâu đời nhất tại khu vực Nam Mỹ: Được thành lập như là một Giáo phận ngày
06/4/1620 và nâng lên thành Tổng Giáo phận từ ngày 05/3/1866.
Tổng Giáo phận Buenos Aires được đặt dưới sự chăn dắt của
các vị Tổng Giám mục xuất thân từ các linh mục triều hoặc Dòng, như Dòng Cát
Minh, Dòng Đa Minh, Dòng Phanxicô, nhưng Đức Tổng Giám mục Jorge Mario
Bergoglio (ĐTC Phanxicô) là vị Chủ Chăn đầu tiên xuất thân từ Dòng Tên – Dòng
Thánh danh Giêsu, viết tắt là SJ (Societas Jesu – Society of Jesus, Societé de
Jésus – Jesuites, do Thánh Inhaxiô sáng lập).
Tiểu sử của Đức tân Giáo hoàng xuất hiện đầy dẫy trên truyền
thông các sách báo, đặc biệt là truyền thông điện tử. Ở đây chỉ xin nhắc lại:
ĐTC Phanxicô sinh ngày 17/12/1936 tại thủ đô Buenos Aires, A Căn Đình
(Argentina, Nam Mỹ). Ngài tốt nghiệp thạc sĩ hóa học trước khi xin gia nhập
Dòng Tên và thụ phong linh mục năm 1969, làm Giám tỉnh Dòng Tên Á Căn Đình từ
năm 1973 tới 1979. Năm 1992, ngài được tấn phong Giám mục. Năm 1998, được bổ
nhiệm làm Tổng Giám mục Buenos Aires. Năm 2001, ngài được Đức Gioan Phaolô II
vinh thăng Hồng Y cùng một lượt với ĐHY Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận.
Trong mật nghị Hồng y ngày 13/3/2013, Đức Hồng Y Jorge Mario
Bergoglio được bầu chọn lên ngôi Giáo hoàng, nhận tước hiệu Phanxicô.
Một vị Giáo hoàng có nhiều đức tính
Khi được tin Đức Hồng Y Begoglio đắc cử Giáo hoàng ngày
13/3/2013, Giáo sư Patrick McNamara, Giám đốc Giao tế Liên đoàn Công giáo New
York phát biểu: “Tôi không nghĩ các bạn sẽ gặp thấy một vị Giáo hoàng nào dấn
thân cho việc an toàn mục vụ, dấn thân cho người nghèo và quan tâm đến công
bằng xã hội như ngài [ĐTC Phanxicô].”
Điều đặc biệt, ngay những phút đầu tiên thế giới nhận được
lời loan báo “Habemus Papam Franciscum” và biết vị tân Giáo hoàng là ĐHY Jorge
Mario Bergoglio người Á Căn Đình, truyền thông khắp hoàn cầu, kẻ cả những hãng
truyền thông có khuynh hướng bài Giáo Hội CG cũng đều đưa tin về Đức Tân Giáo
Hoàng Phanxicô bằng những bài báo ca ngợi hết sức trân trọng. Những hãng tin
nổi danh như AP, CNN, Reuters, ABC, BBC… đưa ra những bài nhận định đầy thiện
cảm về quá trình đấu tranh cho người nghèo và cho công bằng xã hội của vị cựu
Hồng Y Giáo chủ Á Căn Đình, nay là ĐTC Phanxicô, vị Giáo hoàng thứ 266 của Giáo
Hội Công Giáo Hoàn Vũ.
Những đức tính nổi bật của ngài mà giới truyền thông quốc tế
soi chiếu vào nhiều nhất là lòng khiêm tốn, đức bình dị, khó nghèo, nhân hậu và
chan hòa với mọi người.
Trước hết, huy hiệu Giám mục của ngài là "Miserando
Atque Eligendo," (Lowly but Chosen – Thấp hèn nhưng được chọn) cho thấy
ngài đã tự chọn cho mình cuộc sống đơn sơ, khiêm nhượng đến “thấp hèn” trong
suốt cuộc hành trình mục vụ của ngài mà mình hình ảnh điển hình được báo chí
nêu lên sau đây:
Từ năm 2001, sau khi trở thành Giáo chủ của Giáo Hội Á Căn
Đình, ĐHY Bergoglio (ĐTC Phanxicô) không bao giờ chọn sống trong ngôi nhà sang
trọng mà Giáo Hội địa phương dành cho ngài. Ngược lại, ngài chỉ chọn một chiếc
giường mộc mạc trong một căn hộ nhỏ của một chung cư trong khu phố bình dân.
Ngài tự đảm đang việc đốt lò sưởi ấm mùa đông và tự nấu ăn cho mình.
Có việc phải đi đâu xa gần, ngoài đều sử dụng phương tiện
giao thông công cộng – xe buýt hoặc tàu điện, thay vì dùng xe ô tô đắt tiền có
tài xế riêng, một thứ tiện nghi mà trong tư cách Tổng Giám mục Thủ đô Buenos
Aires, ngài có quyền được cung cấp.
Sau khi đắc cử Giáo hoàng, ngài đã có nhiều cử chỉ bình dân
và đơn sơ làm ngạc nhiên mọi người, từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khá đầy
thích thú. Đáng chú ý nhất là việc ngài trở lại khách sạn, tự tay trả chìa khóa
phòng, đóng tiền khách sạn và nói chuyện thân mật với các nhân viên khách sạn.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, ngài cũng tỏ rõ là một
nhà lãnh đạo cương quyết. Ngài đã từng mạnh mẽ phê phán các vị lãnh đạo tinh
thần đồng sự là “giả hình và quên rằng Chúa Giêsu đã từng chữa sạch người phun
cùi, từng ăn uống với bọn thu thuế và chấp nhận cả phường đĩ điếm đến gần mình
để xin ơn hối cải.
Năm rồi (2012), Đức Hồng Y Bergoglio đã lên tiếng nhắc nhở
các linh mục Á Căn Đình: "Chúa Giêsu dạy chúng ta một cách hành xử khác: ‘Hãy
ra đi! Hãy ra đi và chia sẻ chứng từ của chính mình. Hãy ra đi và thiết lập mối
quan hệ thân tình với những người anh em của mình. Hãy ra đi và hãy học hỏi.
Hãy trở nên Lời cả nơi thân xác lẫn trong tâm hồn”.
Điều hiển nhiên mà mọi người trên thế giới nhìn nhận và
ngưỡng mộ đó là trong quá khứ, với trách nhiệm mục vụ của mình, ĐTC Phanxicô
khi còn là chủ chăn Giáo Hội địa phương, đã tỏ rõ là một mục tử quan tâm tới
các vấn đề xã hội hơn là những tranh luận về giáo lý; ngài coi công bằng xã hội
mới là công việc chính yếu của Hội Thánh.
Tổng thống Barack Obama đã thay mặt nhân dân Mỹ gửi những
lời chúc mừng nồng nhiệt đến tân Giáo hoàng Phanxicô ngay sau khi biết Vatican
có Giáo hoàng đầu tiên từ Châu Mỹ Latin. Ông nói: "Như một nhà bênh vực
tầng lớp dân nghèo khổ và bị ruồng rẫy, vị tân Giáo hoàng đã mang đến thông
điệp của tình yêu và lòng từ bi, nguồn cảm hứng cho thế giới hơn 2.000 năm nay,
khiến chúng ta nhìn thấy gương mặt của Chúa trong nhau".
Chọn danh hiệu Phanxicô
Theo AP (Associated Press) ngày 16/3/2013, hai ngày sau khi
được bầu chọn đứng đầu Hội Thánh ở trần gian, tại Hội trường Vatican, ĐTC
Phanxicô có một cuộc gặp gỡ đặc biệt với hàng ngàn người gồm nhà báo, nhân viên
truyền thông và một số quan khách.
Đang nói chuyện, ĐTC Phanxicô bỗng ngưng bài diễn văn soạn
sẵn và nói với cử tọa: “Tôi xin kể các bạn một câu chuyện". Rồi ngài kể:
ĐHY Claudio Hummes nước Brazil, bạn thân của ĐTC, đã gây bất ngờ cho ĐTC về
danh hiệu Giáo hoàng phải chọn.
Khi nghe công bố số phiếu kết quả cho thấy bạn mình đạt số
phiếu vượt 2/3 theo quy định, giữa tiếng vỗ tay giòn giã của các Hồng y dự
phiên họp cơ mật trong Nguyện đường Sistine, ĐHY Hummes, người bạn đồng hương
Nam Mỹ của ĐHY đắc cử (tức ĐHY Jorge Mario Bergoglio), đã ôm hôn và nói nhỏ với
vị được tuyển chọn: “Đừng quên người cùng khổ, Thánh Phanxicô bảo như vậy đó.”
Đức Thánh Cha nói: “Thánh Phanxicô Assisi vụt hiện ngay
trong tâm trí tôi, vị Thánh cống hiến cả đời mình cho người nghèo, dấn thân làm
thừa sai chăm sóc tạo vật của Thiên Chúa.”
Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nói rõ hơn rằng, vài người thắc
mắc không biết danh hiệu “Phanxicô” của Đức Thánh Cha có liên quan gì tới những
vị Thánh Phanxicô khác, như Thánh Phanxicô đệ Salê hay Thánh Phanxicô Xavie,
một trong các Đấng sáng lập Dòng Tên của ngài hay không.
ĐTC nói, nguồn cảm hứng đã đến với ngài ngay sau cuộc tuyển
cử là do ngài đang nghĩ về các cuộc chiến trên thế giới. Ngài nói: “Thánh
Phanxicô Assisi là con người của kẻ bần cùng. Con người của hòa bình. Con người
yêu thương và chăm sóc tạo vật – nhưng ngay lúc này đây chúng ta chưa có được
mối quan hệ như vậy đối với tạo vật. Con người ấy – người khổ hạnh ấy cho chúng
ta tinh thần hòa bình.”
Rồi Đức Thánh Cha kêu lên: “Ôi! Tôi yêu thích biết mấy một
Giáo hội nghèo khổ và một Giáo hội cho người nghèo khổ!”
Tiếng nói của những người không có tiếng nói
Với vai trò lãnh đạo GHCG Á Căn Đình, ĐTC trước đây đã từng
công khai lên tiếng về các tệ nạn kinh tế, xã hội và chính trị mà nước ngài
phải đối diện. Các bài giảng và diễn văn của ngài ở địa phương luôn nhắc nhở
tín hữu Á Căn Đình rằng hết thảy mọi người đều là anh chị em với nhau và rằng
cả Giáo hội lẫn nhà nước cần phải làm bất cứ điều gì có thể làm được để “bảo
đảm rằng mọi người dân đều cảm thấy mình được đón nhận, được tôn trọng và được
chăm sóc.”
Trong tinh thần chào đón mọi người, với tư cách cầm đầu Giáo
Hội Á Căn Đình, ĐHY Bergoglio từng khiển trách các linh mục dưới quyền ngài “đã
không ban Bí tích rửa tội cho những đứa trẻ sinh ra từ những bà mẹ không chồng”
vì cho rằng đó là những đứa con của những bà mẹ “không mang thai từ cuộc hôn
nhân thánh thiện”. Với các linh mục ấy, ĐHY Bergoglio thẳng thắn: "Đó là
những kẻ giả hình của thời đại ngày nay. Đó là những kẻ đang giáo sĩ hóa Giáo
Hội. Đó là những người đang tách biệt Dân Chúa ra khỏi ơn cứu rỗi.” Theo ngài, “những
người thiếu phụ bất hạnh kia thay vì trả đứa bé lại cho người đã gửi nó cho
mình, đã can đảm mang đưa nó vào đời, rồi lại phải lang thang từ giáo xứ này
sang giáo xứ khác để cho đứa trẻ được rửa tội!”
Đức Thánh Cha Phanxicô đã hơn một lần so sánh những loại
linh mục ấy với “giới Biệt phái thời Chúa Giêsu – thích được tán tụng và tự tán
dương mình trong khi kết án người khác!”
Lời hiệu triệu: Can đảm lên!
Trong Thánh Lễ với các Hồng y tại Nguyện Đường Sistine hôm
thứ năm 14 tháng 3, 2013, Đức Thánh Cha Phanxicô ban bài Huấn từ đầu
tiên ngắn, gọn và sâu sắc. Ngài nói:
“Chúng ta có thể đi như chúng ta muốn,
chúng ta có thể xây dựng rất nhiều điều, nhưng nếu anh
em không tuyên xưng Đức Giêsu Kitô, thì có điều gì sai?
Chúng ta sẽ trở thành một cơ quan hỗ trợ cho tổ chức phi chính
phủ (NGO), chứ không phải Hội Thánh, là Hiền Thê của Chúa.
Khi anh em đi, anh em dừng lại. Khi anh em không xây
dựng trên đá, điều gì sẽ xảy ra? Điều sẽ xảy ra
như xảy ra cho các trẻ em khi chúng ở trong những lâu đài
xây trên cát ở bãi biển, tất cả đều sụp đổ, không vững chắc.
Khi anh em không tuyên xưng Đức Giêsu Kitô, tôi nhớ lại những lời của
Léon Bloy: ‘Ai không cầu nguyện cùng Thiên
Chúa, là cầu nguyện với quỷ dữ’. Khi anh em không
tuyên xưng Đức Giêsu Kitô, anh em tuyên xưng tính trần tục
của ma quỷ, sự trần tục của ma quỷ.”
Những kẻ nguyện “sẽ theo Thầy với các khả
năng khác, mà không có Thánh Giá” thì sự thể sẽ ra sao, Đức Thánh Cha cảnh báo:
“Khi chúng ta đi mà không có Thánh Giá, khi chúng ta xây dựng mà không có Thánh
Giá, và khi chúng ta tuyên xưng Đức Kitô mà không có Thánh Giá,
chúng ta không phải là môn đệ của Chúa: chúng ta thuộc về
thế gian, chúng ta là Giám Mục, Linh Mục, Hồng Y, Giáo Hoàng, nhưng
không phải là môn đệ của Chúa.”
Kết thúc bài huấn từ, ĐTC Phanxicô nhấn mạnh lòng can đảm
của người Tông đồ đi theo Chúa. Ngài bày tỏ ước vọng của ngài: “Tôi ao
ước rằng tất cả chúng ta, sau những ngày ân sủng này, có lòng can
đảm, can đảm chính là để đi trong sự hiện diện của Chúa, với Thánh Giá của
Chúa, để xây dựng Hội Thánh trên máu của Chúa được đổ ra
trên Thánh Giá, và để tuyên xưng một vinh quang duy
nhất: là vinh quang của Đức Kitô chịu đóng đinh. Và bằng cách
này, Hội Thánh sẽ tiến lên.”
Ước vọng ấy ở cuối bài huấn từ của Đức Thánh Cha như vang
vọng sứ điệp “Can đảm lên!” gửi đến mọi người Công giáo khắp trái đất khiến
chúng ta không thể không liên tưởng tới lời hiệu triệu “Đừng sợ!” của Chân
phước Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Hai sứ điệp nghe khác nhau về ngôn ngữ, nhưng
nội dung xem ra cùng hàm chứa một mệnh lệnh từ Chúa Giêsu Kitô: “Đừng sợ! Can
đảm lên!”
Thay lời kết: Giáo Hội nhà trên quê hương Việt Nam
Thư góp ý sửa đổi Hiến Pháp của Hội Đồng Giám Mục VN ra đời
trong bối cảnh đổi thay ở thượng tầng Giáo hội Công giáo Hoàn vũ phải chăng là
một dấu hiệu đáng tin cậy và vui mừng về một viễn ảnh dấn thân đồng hành của
Giáo Hội Việt Nam cùng với Hội Thánh toàn thế giới, thông hiệp cùng ĐTC
Phanxicô “CAN ĐẢM ĐI LÊN, xây dựng Hội Thánh trên máu của Chúa được đổ ra trên
Thánh Giá.” “Và bằng cách này, Hội Thánh sẽ tiến lên!”
Tất nhiên người tín hữu Công giáo Việt Nam sẽ hân hoan biết
mấy phần đóng góp của mình cho sự tiến lên này, tiến lên để bênh vực kẻ khốn
cùng, những kẻ bị ruồng bỏ, những người bị áp bức và tất cả những người không
có tiếng nói ngay trên quê hương mình.