"Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài. Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống. Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh." (Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận)

Những điều mới lạ vừa xảy ra trong Hội Thánh


Trong vòng 30 ngày, từ 11.02.2013 đến 13.03.2013, hai biến cố làm rúng động Giáo hội Công giáo, ảnh hưởng tới toàn cõi Thiên Chúa giáo và có lẽ toàn thế giới. Biển Đức 16 từ nhiệm. Phanxico được bầu làm Giám mục Rôma. Thêm vào đó, một biến cố tuy mang tính địa phương nhưng không kém phần quan trọng cho Việt Nam: Bản góp ý của Hội đồng Giám mục Việt Nam cho dự thảo sửa đổi Hiến Pháp 1992. Cả ba biến cố này như quyện vào nhau mang lại vui mừng và hy vọng

Biển Đức 16 từ nhiệm

Ngày 11.02.2013,  trước Công nghị Hồng y, Biển Đức 16 tuyên bố: “Tôi đã triệu tập Công Nghị này, không chỉ để bàn về ba án phong thánh nhưng còn là để thông báo với anh em một quyết định rất quan trọng cho đời sống của Giáo Hội. Sau nhiều lần tự vấn lương tâm trước mặt Chúa, tôi đã đi đến sự xác tín rằng năng lực của tôi, do tuổi cao, không còn phù hợp để cáng đáng đầy đủ sứ vụ Giáo chủ. Tôi biết rằng sứ vụ này, do bản tính siêu nhiên của nó, phải được thực hiện không chỉ bằng lời nói và việc làm, mà còn và không kém, bằng lời cầu nguyện và đau khổ. Tuy nhiên, trước một thế giới với quá nhiều những thay đổi nhanh chóng và đang rúng động bởi những vấn nạn liên quan sâu sắc đến đời sống đức tin; để có thể lèo lái con thuyền của Thánh Phêrô và rao giảng Tin Mừng, cả năng lực của trí óc lẫn thể xác đều là cần thiết. Năng lực của tôi trong vài tháng qua, đã xấu đi đến mức tôi phải thừa nhận sự bất lực của tôi không thể đáp ứng đầy đủ sứ vụ được giao phó. Vì thế, ý thức rõ ràng mức độ nghiêm trọng của hành động này, và một cách hoàn toàn tự do, tôi tuyên bố thoái vị khỏi sứ vụ của Giám Mục Rôma, Người kế vị Thánh Phêrô, mà các Hồng Y đã giao phó cho tôi ngày 19 Tháng Tư năm 2005. Như vậy, kể từ 20 giờ ngày 28 Tháng Hai năm 2013, Ngai Tòa Phêrô sẽ được bỏ trống và một Mật Nghị Hồng Y sẽ được triệu tập để bầu vị Giáo Hoàng bởi những vị có thẩm quyền.”

Trong suốt thời gian dài cộng tác với Gioan Phaolô 2, Hồng y Ratzinger quá biết thế nào là thực hiện sứ vụ giáo chủ “bằng lời cầu nguyện và đau khổ”. Gương hy sinh của cố giáo chủ thật đáng thán phục. Tuy nhiên, trong một thế giới u ám, đặt “những vấn nạn liên quan sâu sắc đến đời sống đức tin”, người kế vị Thánh Phêrô cần cả năng lực của trí óc lẫn thể xác. Và ngài từ nhiệm hoàn toàn vì vấn đề sức khỏe (chứ không vì một lý do nào khác như các phương tiện truyền thông diễn giải).

Theo giáo luật, giáo hoàng có quyền từ nhiệm, và trong lịch sử Giáo hội, cũng đã có những giáo hoàng từ nhiệm.

Chính Biển Đức 16 đã không ngần ngại bàn tới trường hợp ngài có thể thoái vị  trong tập Ánh sáng Trần gian (2005). Dĩ nhiên, “Khi có đại biến, không được trốn chạy.” Nhưng: “Mình có thể rút lui trong lúc yên hàn hoặc đơn giản khi thấy mình không đảm đang được nữa (…). Khi một giáo hoàng thấy rõ rằng trên bình diện thể lý, tâm lý và tâm linh mình không đảm nhiệm được gánh nặng của sứ vụ mình được trao phó nữa, thì mình có quyền và, tùy theo hoàn cảnh, có bổn phận phải rút lui.”

Có quyền, và tùy theo hoàn cảnh, có bổn phận… Rõ ràng, dứt khoát. Nhưng dù biết thế, chúng ta vẫn bị sốc khi Biển Đức 16 thực sự từ nhiệm. Đối với riêng tôi, đây là cử chỉ quan trọng nhất của vị giáo chủ đầy bất ngờ này. Ai cũng biết ngài là một nhà thần học lớn, một trí thức thượng thặng. Với tư cách giáo chủ, 3 bức thông điệp và những lời giảng dạy sẽ để lại dấu ấn lâu dài trong Giáo hội. Nhưng hành vi từ nhiệm là tiếng gồng rung động toàn Giáo hội và vang dội ra ngoài Giáo hội.

Người ta có quyền thắc mắc, thậm chí bất bình với Biển Đức 16 vì bản diễn văn tại Ratisbonne, vì cách ngài giải quyết vụ mấy giám mục của nhóm Lefebvre hoặc chê ngài bảo thủ v.v..  nhưng khi ngài từ nhiệm, không ai có thể không công nhận sự dũng cảm thánh thiện và lòng khiêm tốn của ngài. Riêng đối với người công giáo, việc từ nhiệm này mang tính thiêng liêng, siêu việt. Vì đó là một việc làm ý thức, sáng suốt và hoàn toàn tự do, sau khi tự vấn lương tâm trước mặt Chúa.

Ý nghĩa quan trọng nhất của việc từ nhiếm này, theo tôi nghĩ, là sự phân biệt giữa sứ vụ và con người của giáo hoàng. Giáo hoàng là người nối tiếp Phê rô, đó là trách vụ linh thiêng, nặng nề. Với tư cách Giáo hoàng, Biển Đức 16 từ nhiệm vì, với tư cách là con người, ngài không còn đủ năng lực thi hành sứ vụ.

Từ nhiệm, ngài cho ta vài bài học và mở lối cho những vị kế nhiệm:

1) Giáo hoàng cũng là một con người như bất cứ ai. Cũng sinh lão bệnh tử, cũng tham sân si. Biển Đức 16 thày dậy đức tin, là tấm gương trong sáng của lòng tin. Nhưng trong lịch sử Giáo hội, thiếu gì giáo hoàng bạo ngược, vô luân. Thời kỳ Phục Hưng chẳng hạn, ngôi tòa Phêrô thành đối tượng tranh chấp đẫm máu của đám quý tộc Rôma. Những Borgia, Colonna, thay nhau, tranh giành nhau, chém giết nhau hòng đem người phe mình lên chiếm hoặc giữ ngôi giáo hoàng. Có giáo hoàng bố, rồi giáo hoàng con, bầu đoàn thê tử, ăn chơi trác táng. Kính trọng sứ vụ giáo hoàng, nhưng chớ thần thánh hóa giáo triều và con người của giáo hoàng. Ít khi Tòa Thánh tốt lành như thời nay, thế mà Giáo triều hãy còn nhiều vấn đề.

2) Khi không còn đủ khả năng thi hành sứ vụ được trao phó, thì chẳng những nên mà có khi còn phải rút lui. Giáo hoàng mà như thế, thì hồng y, giám mục, linh mục khi không còn đủ khả năng thi hành sứ vụ được trao phó, cũng phải như thế thôi. Còn những kẻ chẳng những không đặt trọng tâm đời mình vào sứ vụ mà còn phản lại sứ vụ bằng cách  vin vào ‘chức thánh’ để kiếm chác bổng lộc, đòi hỏi những quyền lợi hoàn toàn trần tục, thì lỗi tại bề trên, tại giáo dân không bắt họ phải rút lui.

3) Thực tế, từ đây, giáo hoàng từ nhiệm không còn là chuyện lạ nữa. Trong tương lai, tùy hoàn cảnh, các giáo hoàng cũng có quyền hay có bổn phận từ nhiệm, về hưu như một cha sở.

4) Đương nhiên, Biển Đức 16 từ nhiệm, mở lối cho Phanxico2.

Chuyện từ nhiệm của Biển Đức 16 đã bất ngờ. Việc Hồng y Jorge Mario Bergoglio được bầu Giáo hoàng còn bất ngờ gấp bội. Các thông tấn xã, báo, đài, công giáo, không công giáo đưa ra nhiều tên. Nhưng không ai nhắc tới Hồng y giáo chủ của Buenos Aires. Để làm ra vẻ mình có chân trong nên mới đầy đủ tin tức, các medias đã soạn sẵn vô số tiểu sử của những vị papabile (có khả năng làm giáo hoàng), chỉ chờ có giáo hoàng mới là tung ra. Đâu ngờ, tất cả phải vội vàng lên Net, lượm lặt vài mẩu tin về  con người này[1]. Bất ngờ, bất ngờ, bất ngờ!

Bất ngờ đầu tiên: tên giáo hoàng của ngài là Phanxico. Thánh Phanxico Assisi rất quen thuộc, nhưng chưa có giáo hoàng nào lấy tên đó.

Tại cuộc gặp gỡ giới truyền thông ngày 16.03, Đức Thánh Cha kể: “Trong khi bầu cử, ngồi cạnh tôi là người bạn rất thân, Hồng y Claudio Hummes, tổng giám mục Sao Paolo, cựu Bộ trưởng Bộ Giáo sĩ. Khi diễn tiến có vẻ nguy hiểm, ngài khuyến khích tôi. Rồi khi đạt hai phần ba số phiếu và các hồng y vỗ tay vì đã bầu được giáo hoàng, ngài ôm hôn tôi và nói: “Chớ quên những người nghèo!” Lời nói trọng đại: những người nghèo![2] Khiến tôi nghĩ tới (ngài chỉ ngón tay vào đầu) Phanxicô Assisi. Sau đó, trong khi tiếp tục kiểm hết các phiếu, tôi nghĩ tới những cuộc chiến tranh, mà Phanxicô là người của hòa bình. Và tên người đã nhập vào tim tôi : Phanxicô, người của nghèo khó, của hòa bình; người yêu thương và bảo vệ toàn cõi Tạo vật. Hiện nay, quan hệ của chúng ta với tạo vật không mấy thiết tha và người đem lại cho chúng ta tinh thần hòa bình này là một người nghèo.  Tôi mong muốn lắm thay một Giáo hội nghèo, và cho người nghèo!”

Chọn danh hiệu Phanxicô, tân giáo hoàng không làm gì khác là tiếp tục cuộc sống đơn sơ, nghèo khó của ngài từ trước tới nay. Nhưng tại sao danh hiệu Phanxico lại làm giới truyền thông bỡ ngỡ?

Phanxico, một danh hiệu ít phù hợp với ngôi giáo hoàng?

Giới truyền thông công giáo cũng như không công giáo đã không ngớt loan báo những điều mới lạ: đây là lần đầu tiên có một giáo hoàng ngoài Âu châu, lần đầu tiên một tu sĩ dòng tên lên ngôi giáo hoàng, lần đầu tiên một giáo hoàng lấy tên Phanxico. Nói tới một giáo hoàng ngoài Âu châu, người ta vẫn còn nghĩ tới tương quan lực lượng, tranh giành ảnh hưởng, vẫn còn mặc cảm tự tôn hay tự ty của thời đã qua. Làm như phải có giáo hoàng phi châu thì người da đen mới bằng người da trắng, phải có giáo hoàng á châu thì người á châu mới xóa bỏ được cái nhục bị đô hộ thời thuộc địa. Một tu sĩ dòng tên làm giáo hoàng cũng khiến báo chí phanh phui quan hệ phức tạp, đôi khi gay go giữa  giáo hoàng đen (Bề trên Dòng Tên) và giáo hoàng trắng. Vẫn là chuyện tương quan lực lượng. Và “lần đầu tiên”, ám chỉ một lực lượng mới đang chiếm ưu thế? Giống như Trung Quốc hay Ấn Độ đang vươn mình lấn át Âu châu cũ kỹ trong mặt trận toàn cầu hóa? Giáo hội và Giáo hoàng cũng trong thế giới này thôi. Nhưng nhìn vấn đề như vậy, liệu có quên bản chất của Giáo hội và Giáo hoàng không? Hội thánh Chúa ở giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian.

Lần đầu tiên một giáo hoàng lấy tên Phanxico, đáng lưu ý hơn. Nhưng đáng lưu ý không bởi vì là lần đấu tiên, mà vì tại sao các giáo hoàng trước, không vị nào chọn tên Phanxico? Phanxico Assisi (1182-1226), vị thánh ‘bình dân’ nhất trong giới công giáo cũng như ngoài công giáo, vị thánh có lẽ Phật giáo nhất trong các vị thánh công giáo; Phanxico người nghèo khó (Povorello); từ bỏ giàu sang, quyền lực, sống trơ trụi và làm bạn với thiên nhiên, với tạo vật muôn loài; giảng cho chim muông, ca tụng Chúa với anh mặt trời, chị mặt trăng và cả hiền thê sự chết. Được Giáo hội phong hiển thánh ngay 2 năm sau khi qua đời. Một tên như vậy đáng chọn lắm chứ, thay vì lấy đi lấy lại, như Biển Đức, đạ 16 lần, Piô 12 lần và Gioan tới 23 lần? Nếu chưa có giáo hoàng nào lấy danh hiệu Phanxico, thì, theo thiển ý, lý tưởng Phan Sinh không phù hợp với ý tưởng thông thường của Giáo hội, Giáo triều và người công giáo về ngôi vị giáo hoàng. Ý tưởng có vẻ khích bác này dựa vào lịch sử.

Thực tiễn lịch sử cho ta thấy mô hình hoàng đế của đế quốc La Mã (một César, một Néron) và chế độ bàn giấy (bureaucratie), chế độ vị luật của đế quốc này đã dần dần xâm nhập ngai tòa Phêrô. Grégoire VII, với sắc lệnh “Dictatus Papae”, năm 1075, biến giáo hoàng thành một nhà độc tài. Tượng và ảnh Phêrô sừng sững, cầm chìa khóa Nước Trời, thành biểu tượng của uy quyền. Vatican kín cổng cao tường với vị giáo chủ ‘bất khả ngộ’ và một giáo triều uy nghi, cách biệt, đã thành một trung tâm quyền lực có toàn quyền trên hơn một tỉ tín đồ và cách ly với thế giới bên ngoài. Chính Biển Đức 16, trong Ánh Sáng Thế Gian, cũng nhận xét: “Sự kiện những Giáo hoàng tiên khởi đều tử đạo có ý nghĩa. Giáo hoàng  không được đưa mình ra như một ông hoàng cao sang.” Ngài nói thế vì lịch sử giáo triều đã từng diễn ra như thế. Mặc dầu, như ngài nói: “giáo hoàng có đấyđể làm chứng cho Đấng đã bị đóng đanh, và chính ông phải sẵn sàng thi hành sứ vụ của mình dưới hình thức đó, trong sự liên kết với Người”. Trong suốt nhiệm kỳ của mình, Biển Đức khiêm tốn thi hành sứ vụ, nhưng ngài cũng không thoát ra khỏi khung cảnh và nghi thức của Vatican. Cho tới khi về hưu.

Mở cửa

Không phải ngẫu nhiên mà người ta so sánh Phanxico với Gioan 23, người đã triệu tập Vatican 2. Khi được hỏi tại sao triệu tập Công đồng, cố giáo hoàng đã trả lời bằng cách mở cửa sổ. Mở để đi tới và đi ra tận cùng thế giới. Sứ điệp Tin Mừng không dành riêng cho Giáo hội Công giáo và các Giáo hội Kitô giáo. Tin Mừng không có biên giới. Chúa đến cho toàn thể nhân loại hôm qua, hôm nay và ngày mai. Thập giá kéo lên tất cả. Mở cửa, cũng là để thế giới tràn vào Giáo hội. Thế giới này đầy đen tối nhưng cũng không thiếu ánh sáng. Ánh sáng của mọi Giáo hội Kitô giáo nhưng không Công giáo. Ánh sáng của những tôn giáo ngoài Kitô giáo, của những đoàn người bị vùi dập muốn đứng dậy, và của cả những người vô thần.

Giám mục Rôma

Cử chỉ đầu tiên của Phanxico trước quảng trường thánh Phêrô, đối diện với mấy trăm ngàn người của đủ mọi quốc gia và qua bể người này, đối diện với thế giới là từ khước choàng giây giáo hoàng. Ngài xưng mình là Giám mục Rôma, thân chào anh chị em giáo phận Rôma như người quen chào hỏi nhau thường ngày. Và nói tiếp với một chút hài hước: “Anh chị em biết nghĩa vụ của Mật nghị Hồng y là cung cấp một giám mục cho Rôma. Xem ra các anh em Hồng y của tôi đã đi đến gần như tận cùng thế giới để tìm người đó, nhưng bây giờ chúng ta đang ở đây. Tôi cám ơn anh chị em vì sự tiếp đón của Cộng đồng giáo phận Rôma dành cho giám mục của mình. Cám ơn Anh chị em.”

Sau lời chào hỏi và cám ơn, ngài xin cầu nguyện: “Trước tiên tôi muốn cầu nguyện cho Đức nguyên Giám mục Rôma Biển Đức 16. Tất cả chúng ta cùng nhau cầu nguyện cho ngài, xin Chúa chúc lành cho ngài và xin Mẹ Maria gìn giữ ngài.” Mọi người cùng với ngài đọc kinh Lạy Cha, Kính Mừng và Sáng Danh.

Rồi ngài nói tiếp: ”Và giờ đây chúng ta,  giám mục và dân chúng, bắt đầu hành trình này, hành trình của Giáo Hội Rôma, là Giáo Hội chủ trì toàn thể các Giáo Hội khác trong đức bác ái, một hành trình huynh đệ và yêu thương, tín nhiệm giữa chúng ta. Chúng ta hãy luôn cầu nguyện cho chúng ta, cầu cho nhau. Chúng ta hãy cầu nguyện cho toàn thế giới để có một tình huynh đệ đậm đà hơn. Tôi cầu mong cho anh chị em sao cho hành trình này của Giáo Hội mà hôm nay chúng ta bắt đầu, và cho người giúp đỡ tôi là Đức Hồng y Giám quản hiện diện ở đây, được nhiều thành quả cho công cuộc rao giảng Tin Mừng tại thành phố đẹp đẽ này.”

”Và giờ đây tôi muốn ban phép lành cho anh chị em. Nhưng trước tiên tôi xin anh chị em một ân huệ. Trước khi giám mục chúc lành cho dân, tôi xin anh chị em cầu xin Chúa chúc lành cho tôi. Kinh nguyện của dân, cầu xin Chúa ban phép lành cho GM của mình. Chúng ta hãy cầu nguyện trong thinh lặng, anh chị em cầu nguyện cho tôi.”. Đức Thánh Cha cúi mình. Cả quảng trường im lặng!

Chào hỏi, nói chuyện, cầu nguyện, cám ơn anh chị em Giáo phận Rôma, trong khi trước mặt mình có nhiều người Ý không thuộc giáo phận này, người của nhiều nước khác đứng chờ từ lâu và bao nhiêu người qua báo, qua đài, lúc ấy đang hướng về Vatican, đang nghe, đang nhìn…   Phanxico biết thế, nên sự kiện ngài chỉ biết có anh chi em Giáo phận Rôma càng ý nghĩa. Điều Phanxico không làm, quan trọng không kém điều ngài làm.

Đứt quãng?

Những giây phút đầu tiên của Phanxico, Giám mục Rôma, như quay lưng lại Vatican với ngai tòa giáo hoàng và bắt đầu một hành trình của Giáo hội giáo phận Rôma. Tiếp nối, đương nhiên. Vì điểm quy chiếu luôn luôn là Thiên Chúa. Nhưng có đứt đoạn trong cách hiểu sứ vụ của mình, vì Phanxico cũng như Biển Đức 16 là Giám mục Rôma và chỉ là Giám mục Rôma. Thật là một bước đột phá, đối với hàng Giám mục và các Giáo hội công giáo địa phương. Nhất là đối với phong trào Đại kết mà cản trở chính cho tới nay là yêu sách mang tính chuyên chế của Rôma.

Vẫn biết, “Giáo Hội Rôma là Giáo hội chủ trì toàn thể các Giáo Hội khác trong đức bác ái” và Phêrô là người cầm chìa khóa. Như Lời Chúa Giêsu khi chọn tông đồ Phêrô: “Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy” (Mt 16, 19).  Nhưng đâu là quyền hành của Phêrô và người kế vị Phêrô? Phanxico cho ta câu trả lời hôm 19.3.2013 trong bài giảng lễ thường được gọi là lễ đăng quang của Giáo hoàng, nhưng với ngài là lễ chính thức khởi đầu sứ vụ của tân Giám mục Rôma. Trích:

“Hôm nay, cùng với việc mừng kính Thánh Giuse, chúng ta cùng nhau cử hành việc khai mạc sứ vụ của tân Giám mục Rôma, người kế vị Thánh Phêrô, cũng có liên quan nhất định đến quyền hành. Đúng thế, Chúa Giêsu Kitô đã ban quyền cho Phêrô, nhưng đó là loại quyền gì? Tiếp theo ba câu Chúa Giêsu hỏi Phêrô về lòng yêu mến, là ba lệnh truyền: hãy chăn các chiên con của Thầy, hãy chăn các chiên mẹ của Thầy. Chúng ta đừng bao giờ quên quyền hành đích thực chính là phục vụ, và để thực thi quyền hành, Giáo hoàng phải luôn tiến sâu hơn nữa vào chính sự phục vụ mà đỉnh điểm sang chói là Thập giá. Ngài phải được thôi thúc bởi sự phục vụ trung thành, cụ thể và khiêm hạ mang dấu ấn của Thánh Giuse, và giống như Thánh Giuse, giáo hoàng cũng phải dang rộng đôi tay bảo vệ dân Chúa và dịu dàng trìu mến đón lấy toàn thể nhân loại, nhất là những người cùng khổ, yếu đuối nhất, những người thấp cổ bé miệng, những người đã được Thánh Matthêu nêu ra trong ngày chung thẩm xét xử dựa trên tình yêu: người đói khát, khách lạ, trần trụi, đau ốm và chịu lao tù (x. Mt 25, 31-46). Chỉ những ai đem lòng thương yêu mới có thể biết che chở!”

Trung tâm và điểm quy chiếu là Thập Giá, không phải Giáo hoàng, cũng không phải Giáo hội.

Hay trở về nguồn?

Trình diện với thế giới như Giám mục Rôma, chứ không như giáo hoàng,  Phanxico trở lại vị trí cội nguồn và căn bản của bộ mặt Giáo chủ Rôma. Trong Tân Ước và  suốt những thế kỷ đầu của Giáo hội, Giáo chủ Rôma không phải là một ông vua độc tài hay một thứ hoàng đế mà mọi giám mục phải thần phục. Giám mục Rôma được coi như  “primus inter pares” / “người thứ nhất giữa những người bằng nhau”, những người có cùng một phẩm trật và thẩm quyền.

Một viễn ảnh mới mở ra cho Giáo hội. Để Giáo hội giang tay rộng mở ra toàn thế giới, kể cả thế giới của những người không tin, và đặc biệt, ưu tiên, của nhưng người nghèo. Gặp gỡ giới truyền thông hôm 16.03, Phanxico nói: “Tôi mong muốn lắm thay môt Giáo hội nghèo và cho người nghèo”. Nghèo vật chất, nghèo tinh thần.

Về lâu về dài, mong muốn đó sẽ đạt được tới đâu? Sẽ gặp những phản ứng nào? Phanxico đã bắt đầu, từ giây phút đầu. Và thiển nghĩ không cần chờ lâu.

Các Giám mục Việt Nam lên tiếng

Ngày 01.03.2013, Ban Thường vụ Hội đồng Giám mục Việt Nam đã gửi đến Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến Pháp 1992 và nhân dân cả nước một số nhận định và góp ý.

Đọc kỹ góp ý của các Giám mục Việt Nam, điều hiển nhiên là cái hiến pháp 1992 này không thể sửa. Về lý luận, nó mâu thuẫn. Trên thực tế, nó tồi tệ.

Hiến pháp gì mà như người vừa nói vừa tự vả miệng mình. Này nhá:

“Bản Dự thảo đã dành cả chương II (điều 15-52) để nói về quyền con người. Quyền con người đã được chính thức nhìn nhận trong Tuyên ngôn quốc tế về quyền con người (10.12.1948), và Việt Nam cũng đã ký kết. Bản Dự thảo đã liệt kê khá đầy đủ những quyền căn bản của con người.”

Vậy quyền con người là quyền gì? Thưa:

“Quyền con người là những quyền gắn liền với phẩm giá con người, do đó là những quyền phổ quát, bất khả xâm phạm và bất khả nhượng. Phổ quát vì tất cả mọi người, thuộc mọi thời và mọi nơi, đều được hưởng những quyền đó. Bất khả xâm phạm vì xâm phạm là tước đoạt phẩm giá làm người. Bất khả nhượng vì không ai được phép tước đoạt những quyền đó của người khác. Và không ai có quyền nhượng những quyền đó cho kẻ khác! Mỗi người có bổn phận bào vệ những quyền đó cho chính mình.”

Quá tốt đẹp. Nhưng:

“Dự thảo lại khẳng định đảng cầm quyền là “lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”, lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng” (điều 4). Như thế, phải hiểu thế nào và làm sao thực thi quyền tự do ngôn luận và sáng tạo văn học, nghệ thuật, bởi lẽ tư tưởng đã bị đóng khung trong một chủ thuyết rồi? Tương tự như thế, phải hiểu thế nào và làm sao thực thi quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, bởi lẽ chủ nghĩa Mác-Lênin tự thân là chủ nghĩa vô thần?”

Chính vì mâu thuẫn như thế mà:

“Trong thực tế, sự trói buộc tư tưởng vào một hệ ý thức duy nhất đã kìm hãm tư duy sáng tạo của người dân Việt Nam. Đây là một trong những lý do lớn, dẫn đến tình trạng trì trệ và chậm tiến của Việt Nam về nhiều mặt: giáo dục, khoa học và công nghệ, văn hóa và nghệ thuật.”.

Khỏi cần dài dòng về những đòi hỏi của các Giám mục: lấy văn hóa dân tộc làm nền cộng thêm những tinh hoa mới của nhân loại để thực sự có một Hiến pháp  của dân, do dân, vì dân. Đa đảng, tam quyền phân lập, tự do tư tưởng v.v.. Toàn là những điều sơ đẳng của một xã hội văn minh.

Các Giám mục nói điều mà mọi người có chút hiểu biết, lương tri và tự trọng, trong cũng như ngoài nước, từng nói. Điều mà người dân không nói ra, vì sợ, vì chán ngán nhưng cảm nghiệm sâu sắc trong cảnh đọa đầy, chèn ép, áp bức.  Điều mà những đứa con ưu tú của Đất Mẹ đã anh dũng nói lên, bất chấp vu oan, tù đày, đánh đập, ám hại.

Là người công giáo, tôi cám ơn các Giám mục, tuy đây mới chỉ là Ban Thường vụ và hy vọng rằng tất cả các giám mục chẳng những đồng ý mà còn hiệp ý và xúc tiến.

Là công dân, tôi hoan hô các Giám mục đang nói lên tiếng nói của toàn dân; các ngài đang đứng trong hàng ngũ của dân.

Chút xíu lịch sử

Muốn đánh giá đúng mức việc lên tiếng của các Giám mục, tưởng nên nhắc lại cho các bạn trẻ một chút quá khứ. Bức thơ thời danh năm 1980 của HĐGM Việt Nam mà đảng CSVN cũng như các Giám mục thường quy chiếu như một thứ tiêu chuẩn khi nói chuyện với nhau, mở đầu như sau:

“Anh chị em thân mến,
Anh chị em hãy cùng chúng tôi dâng lời tạ ơn Thiên Chúa về Hội nghị các giám mục toàn quốc, tổ chức tại Hà Nội, thủ đô Nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam chúng ta, từ 24-4 đến 1-5-1980.
Kể từ lúc thành lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam vào năm 1960, và nhất là từ ngày nước nhà được thống nhất, chúng ta đều ước mong có cuộc họp này. Toà Thánh và riêng Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II mỗi khi có dịp cũng luôn bày tỏ một tâm tình như vậy, diễn tả ý muốn của chính Công đồng Vatican II.
Vì thế chúng ta thành thật biết ơn Chính Phủ đã giúp đỡ và tạo điều kiện thuận lợi cho Đại hội này. Chúng tôi cũng cám ơn anh chị em đã cầu nguyện nhiều cho Đại hội này được thành công tốt đẹp. […] chúng tôi đã cầu nguyện và suy nghĩ nhiều về nhiệm vụ của Giáo Hội chúng ta trong giai đoạn lịch sử này. [...]
Trước khi bế mạc Đại hội, chúng tôi đã vào lăng kính viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, và đã đến yết kiến Thủ tướng Chính phủ.”

Hồi đó, các giám mục họp, phải xin phép. Khi có phép, không phải mọi giám mục đều được tới họp. Và phải họp ở Hà Nội. Mà Hà Nội, Thủ đô nước CHXHCN chưa đủ, nhất thiết phải thêm “chúng ta”, cũng như khi nói Đảng, phải nói “Đảng ta”. Viếng lăng Hồ Chí Minh, yết kiến Thủ tưóng Chính phủ: hẳn là được “Chính phủ giúp đỡ” các giám mục mới có “sáng kiến” quý hóa như vậy. Trong những phiên họp lại có sự “giúp đỡ” của ông Trưởng Ban tôn giáo chính phủ. Ông xem xét Thư chung và “cố vấn” những quyết định của HĐGM. Các giám mục bị cột chân cột tay như người dân, nhưng xiết chặt hơn nhiều. Có một thư dây thòng lọng đảng dành riêng để xiết cổ Giáo hội Công giáo.

Dĩ nhiên, từ đó đến nay đã thay đổi nhiều. Phần vì trên bình diện kinh tế không thể tiếp tục với chế độ bo bo, phải mở cửa. Phần khác, vì dân chống đối ngấm ngầm hoặc công khai. Tất nhiên, với chính sách “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, tức mở cửa kinh tế nhưng đảng và chân tay đảng nắm hết, nắm được chỗ nào hay chỗ đó. Dây thòng lọng đảng buộc cổ người dân, nhất là người công giáo và các giám mục, vì thế, phải nới lỏng, càng ngày càng lỏng, và lỏng hay chặt tùy nơi, tùy lúc, tùy đối tượng.

Điều thực sự mới và mang tính đột phá trong bản lên tiếng của HĐGM Việt Nam lần này là các ngài bình thản và công khai cắt đứt dây thòng lọng. Nới ra bao nhiêu cũng không đủ. Phải hủy nó đi thôi. Tức phải phủ định chính người cầm dây thòng lọng.

Nói khác đi: không có đối thoại với người cầm dây thòng lọng, vì đối thoại trong trường hợp này là công nhận dây thòng lọng.

Vậy từ đây, các Giám mục sẽ làm gì trước đàn áp bất công đang tràn lan trên đất nước, dù nạn nhân là người công giáo hay không công giáo, vì thư các ngài cũng gửi cho nhân dân cả nước? Chẳng hạn, đc Nguyễn Thái Hợp, chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình và đc Vũ Văn Thiên, giám mục Giáo phận Tp Hải Phòng đã gửi thư cho Tòa án Nhân dân Tp Hải Phòng để bênh vực gia đình ông Đoàn Văn Vươn. Một việc làm phù hợp với bản lên tiếng của các giám mục, rất đáng hoan nghênh. Từ đây, người dân, công giáo hay không công giáo có quyền chờ đợi Ủy ban và các giám mục lên tiếng trong những vụ việc tương tự. Và lên tiếng không chỉ với một Tòa án nhân dân tỉnh lẻ. Khi nhà giột từ lóc, lẽ nào chỉ ngồi hấng nước ở một góc nhà!

Thay lời kết

Đền thờ và quảng trường Thánh Phêrô về kiến trúc cũng như trên bình diện tinh thần và tâm linh, là một sân khấu vĩ đại. Trên sân khấu ấy, Gioan Phao Lô 2, ngay từ khi lên ngôi giáo hoàng, đã hiện diện như một diễn viên xuất sắc của Tin Mừng. Ngài hăng say như một lực sĩ, đóng vai chính, với câu nói bất hủ: Đừng Sợ ! Hai từ thôi, nhưng vang lên như một lời hiệu triệu, quyết định như một tuyên ngôn, báo trước và báo hiệu sự sụp đổ của khối cộng sản Đông âu. Nhưng trong nhiệm kỳ dài của ngài (chỉ kém Piô 9 là giáo hoàng có nhiệm kỳ dài nhất: hơn 31 năm rưỡi), Gioan Phao Lô 2 đã có những thiếu sót về tổ chức và cơ cấu của Giáo hội: vấn đề ấu dâm trong giới giáo sĩ bị giữ kín hay ít nhất cũng không được lưu ý đúng mức. Cũng trong Ánh Sáng Thế Gian, Biển Đức 16 nhận rằng khi còn là Bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, ngài đã biết tới một số trường hợp như bên Hoa Kỳ, bên Ái Nhĩ Lan, “nhưng tới mức đó, thật là một cú sốc chưa từng có”: “Đột nhiên, nhìn thấy chức tư tế bị bôi bẩn dường ấy, mà thủ phạm lại chính là Giáo hội Công giáo, trong sâu thẳm của lòng mình”. Nếu báo chí không điều tra và phanh phui sự việc, Tòa Thánh cũng chẳng để ý. Động cơ của nhà báo, có thể là tìm cách tấn công Giáo hội, nhưng Đức Thánh Cha nói: “Mặc dù thế, chúng ta phải minh bạch điều này: trong chừng mực đó là sự thật, thì chúng ta phải biết ơn báo chí về những khám phá của họ… Chính vì tội ác hiện diện trong Giáo hội, mà nhiều kẻ vin vào nó để chống Giáo Hội”. Thêm vào đó, thời Gioan Phao Lô 2 còn Đạo binh Chúa Cứu Thế của Marcial Maciel Degollado được trong dụng tại Vatican. Một vụ bê bối quá lớn.

Biển Đức 16, ngược lại với vị tiền nhiệm, e dè, kín đáo. Ngại đám đông. Trong cuốn Ánh sáng Thế gian, so sánh với vị tiền nhiệm, ngài tự cho mình là “một giáo hoàng nhỏ”. Tuy nhiên, ngài đã đóng vai diễn viên chính cách khiêm tốn. Chính sự khiêm tốn này lại thu phục nhân tâm khi mà những lời giảng dạy đơn sơ nhưng hết sức sâu sắc của ngài nuôi dưỡng và thúc đẩy niềm tin. Có điều giáo hoàng kiêm thần học gia tiếp tục viết sách. Trên một bình diên nào đó, ngài thần học gia hơn là giáo hoàng. Phải chăng vì thế mà ngài không mấy lo tới việc cai quản Giáo hội? Cơ cấu giáo triều vẫn lai rai như thời Gioan Phao Lô 2. Khi có vụ Vatileaks, những chuyện lăng nhăng trong Giáo triều về tiền bạc, phe nhóm vỡ lở trầm trọng. Ban tra cứu gồm ba Hồng y do ngài chỉ định đã nộp một hồ sơ dày cộm, khi ngài sắp từ nhiệm.

Phanxico từ khước sân khấu. Cứ xem cách ngài đứng trên xe đi vòng quanh quảng trường thánh Phêrô cũng đủ thấy. Giơ tay ban phép lành, cũng giơ tay cháo đón, vẫy gọi, kể cả giơ tay với ngón cái. Và bắt ngừng xe, xuống ôm hôn những người tàng tật, những trẻ nhỏ, bắt tay người nọ, chào hỏi người kia. Như đang đi ngoài đường chứ không phải đang trịnh trong ngồi Papamobile. Nghi thức sang trọng truyền thống, với Phanxico, biến thành gặp gỡ giữa người với người, đặc biệt với người tàng tật ốm yếu, với trẻ thơ. Ở chính giữa sân khấu, Phanxico quay lưng lại sân khấu. Nhưng quay lưng lại sân khấu, là một cách biểu lộ chiều kích thuần túy siêu nhiên của sân khấu: lòng thương xót của Chúa.

Mỗi giáo hoàng có mặt tích cực và tiêu cực. Rồi đâu sẽ là điểm tiêu cực của vị giáo hoàng tránh dùng từ giáo hoàng này? Tương lai sẽ cho câu trả lời. Lúc này chúng ta hãy vui mừng với những điểm tích cực của tân Giám mục Giáo phận Rôma và hy vọng với bản Lên tiếng dõng dạc của hàng Giám mục Việt Nam.

2.4.2013.
Đỗ Mạnh Tri

[1] Tờ La Vie, một tuần báo công giáo Pháp, trong một trả lời bạn đọc phải thú nhận: “Quand la fumée blanche est apparue, nous avions retardé notre bouclage de 24 heures. Et soudain, nos pages prêtes pour l’impression selon plusieurs scénarios sont devenues obsolètes. Tous les médias,  et nous les premiers, ont reconnu leur surprise. En deux heures, il a fallu écrire une biographie de François, rechercher des photos, livrer une analyse et envoyer le tout à l’imprimerie, à une heure où le pape portait encore pour le monde  le nom d’un roi de France avant de devenir tout simplement François” / Khi khói trắng bốc lên, chúng tôi đã phải hoãn  lên khuôn báo 24 tiếng. Và, đột nhiên, tất cả những trang viết dọn sẵn cho nhà in theo nhiều kịch bản, trở thành vô dụng. Tất cả mọi phương tiện truyền thông, chúng tôi đầu tiên, nhận ra mình không ngờ. Trong vòng hai tiếng đồng hồ, chúng tôi đã phải viết tiểu sử Phan Xi Cô, tìm hình ảnh, phân tách, bình luận và gửi đi nhà in, lúc mà trước mặt thế giới, giáo hoàng còn mang tên một ông vua nước Pháp trước khi chỉ còn là Phan Xi Cô”. Tuần báo công giáo La Vie cũng đi lượm lặt trên Net thôi, in ở trang bìa bức ảnh Hồng y Bergoglio khá cũ với tên François 1er. Tiểu sử tàm tạm và bình luận cũng sơ sơ.
[2] Những chữ tô đậm trong bài là do chúng tôi.