"Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài. Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống. Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh." (Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận)

Đức Mẹ La Vang


Đức Mẹ La Vang được nói đến rất nhiều qua sách vở, báo chí và các trang Web. Tất cả giúp cho chúng ta hiểu rõ hơn về sự kiện cũng như sứ điệp của Đức Mẹ La Vang. Ở đây xin chỉ chú trọng đến các tài liệu, các chứng tích và các điều giáo quyền nói về Đức Mẹ La Vang. Cũng xin được mượn ý đến từ cuốn sách mới nhất về Đức Mẹ La Vang. Có thể nói cuốn „Đức Mẹ La Vang“, tài liệu Thánh Mẫu học, do Linh mục Trần Thanh Phong biên soạn và phát hành năm 2003 ở Việt Nam được coi như tài liệu đầy đủ nhất cho đến hôm nay.

1. Chứng tích về việc Đức Mẹ hiện ra tại La Vang

Ở điểm này, chúng ta chỉ có thể tìm thấy những chứng tích trước tiên đến từ truyền thuyết truyền khẩu, và tiếp theo truyền thuyết được viết lại với hai tài liệu cổ xưa nhất.

Theo truyền khẩu

Đức Mẹ hiện ra tại La Vang vào thời vua Cảnh Thịnh bách hại đạo, nhưng niên hiệu nêu lên ở đây chỉ phỏng đoán chứ sắc dụ bách hại đạo ban hành ngày 24.1.1795. Vì vậy khi nói "thời vua Cảnh Thịnh" cũng khó biết được năm chính xác. Theo truyền khẩu dân gian, vào khoảng năm 1798-1802 trong cuộc bách hại quyết liệt ở vùng Dinh cát, Quảng Trị, giáo dân các họ đạo Cổ Vưu, Thạch Hãn, Hạnh Hoa... đã chạy vào rừng phường La Vang trốn tránh. Tại đây, ban đêm họ họp nhau cầu nguyện và lần hạt. Bỗng nhiên họ thấy một bà đẹp đẽ mặc áo choàng hiện ra gần một cây đa đại thụ. Bà bồng Chúa hài nhi, và hai bên có hai thiên thần cầm đèn chầu. Bà an ủi và dạy họ bẻ lá cây chung quanh đó nấu nước uống sẽ được lành bệnh. Bà còn hứa từ nay về sau ai chạy đến cầu khẩn ở chốn này sẽ được nhậm lời ban ơn phù hộ. Sau đó Bà còn hiện đến với họ nhiều lần như vậy.

Truyền thuyết được viết lại

Lúc ban đầu truyền khẩu được rao đi từ thế hệ này sang thế hệ khác. Sau này, gần non một thế kỷ, truyền thuyết truyền khẩu kể trên đã được một vị thừa sai thuộc Hội thừa sai Ba Lê ghi lại: Notre Dame de La Vang, trong Annales de la société des Missions Etrangères, số 24, tháng 11-12, trang 273-277 xuất bản năm 1901. Lược dịch như sau:

"La Vang nằm giữa nơi rừng rú, cách thành Quảng Trị và cộng đồng Kitô hữu phồn thịnh Cổ Vưu vài cây số. Truyền thuyết kể lại rằng khoảng 100 năm nay, các Kitô hữu Cổ Vưu, trốn sự bách hại, đã đến ẩn náu trong nơi được bao bọc bởi một khu rừng lớn này; những người can đảm này rất đạo đức. Mỗi buổi tối, họ tụ họp nhau lại trong một túp lều tranh nghèo hèn dùng làm nhà nguyện. Và ở đó, trước một ảnh to tướng Đức Thánh Nữ Trinh, họ sốt sắng cầu nguyện...

Một buổi tối vào lúc họ rút về, một bà có một sắc đẹp làm say lòng người đã hiện ra với họ; bà mặc áo trắng và có ánh sáng bao quanh; hai đứa trẻ xinh đẹp, mỗi đứa cầm một bó đuốc, đứng gần hai bên bà.

Bà đi đi lại lại nhiều lần trước những người kitô hữu đang rất đỗi vui mừng - chân bà chạm đất như thể chiếm hữu nó - rồi bà đứng lại và bằng một giọng rất dịu dàng, đã nói lên những lời này mà tất cả mọi người nghe và truyền thuyết đã trân trọng giữ lại: "Này các con, những gì các con đã xin Mẹ, Mẹ sẽ ban cho các con. Và từ nay về sau hễ ai chạy đến cầu khấn cùng Mẹ ở chốn này, Mẹ sẽ nhậm lời". Nói xong như vậy, bà biến mất và sau bà, một luồng ánh sáng bao quanh bà..." (Đức Mẹ La Vang, tài liệu Thánh Mẫu học, Việt Nam 2003, trang 86-87, chú thích 88 và 90).

Cũng trong năm 1901, đã có xuất hiện La Vang sự tích vãn. Cuốn sách được Đức cha Hồ Ngọc Cẩn sửa chữa và tái xuất bản, Trường An, Huế 1932.

Trong sách có 3 truyền thuyết truyền khẩu được soạn bằng văn vần:
a) Truyền thuyết về cây Đại thụ: nơi những lời khẩn cầu được nhậm lời một cách lạ lùng.
b) Truyền thuyết về Túp lều tranh - Nhà Nguyện "Chúa Bà" đầu tiên.
c) Truyền thuyết về Đức Mẹ hiện ra:

Thơ rằng Chúa Cả Ba Ngôi
Hộ phù giáo hữu, vài lời thông tin

Rằng Đức Mẹ hiện xuống Thánh Đền
Bồng Thánh Tử trông nên là trọng
Đội mão vàng sang quá là sang
Rất oai vang chữa người bệnh hoạn
Hóa phép lạ cứu kẻ gian nan…


Ngoài lời truyền thuyết truyền khẩu tiên khởi, cũng như hai văn bản cổ xưa nhất thuật lại chuyện Đức Mẹ La Vang hiện ra, còn có một số câu chuyện truyền thuyết kể lại những sự kiện lạ lùng xảy ra. Ba câu chuyện nổi tiếng nhất là chuyện cô bán vải; chuyện các lá cây Đức Mẹ La Vang chữa bệnh hữu hiệu, và chuyện ngôi chùa của ba làng. (Xem Đức Mẹ La Vang, tài liệu Thánh Mẫu học, Việt Nam 2003, trang 114-118).

2. Giáo Hội nói về Đức Mẹ La Vang

Cho đến nay, Giáo Hội chỉ mới nhìn nhận những lần Đức Mẹ hiện ra cho cô bé chăn cừu Bernadette ở Lộ Đức năm 1858. Giáo Hội cho một quyết định khẳng định cho tám nơi khác như Fatima (Bồ Đào Nha), Beauraing (Bỉ), Akita (Nhật), Syracuse (Ý), Zeitoun (Ai cập), Manila (Phi Luật Tân) và Bêtania (Venezuela). Có một số nơi, Giáo Hội hoàn toàn phủ định; ngoài ra Giáo hội không ra một quyết định nào liên quan đến hàng trăm trường hợp về việc Đức Mẹ hiện ra (xem Đức Mẹ La Vang, tài liệu Thánh Mẫu học, Việt Nam 2003, trang 91, chú thích 102 cho biết điều này đến từ nghiên cứu của tác giả Mary Page do Marian Library, International Marian Resarch, Đại học Dayton). Chúng ta có thể xếp Đức Mẹ La Vang ở trường hợp Giáo Hội không có một quyết định nào.

Thế nhưng, một số ĐGH cũng đã nói đến Đức Mẹ La Vang, chứng giám sự kiện La Vang không trái ngược với đức tin Công Giáo. Ngày 22.8.1961 ĐGH Gioan XXIII đã nâng đền thờ Lavang lên "Vương Cung Thánh Đường" qua tông thư "Magnos nos".

Đặc biệt, ĐGH Gioan Phaolô II thường nhắc nhở đến Đức Mẹ La Vang. Trong lễ phong thánh 117 vị Tử Đạo Việt Nam (19.6.1988) ở Rôma, vào phần kết thúc huấn từ Ngài nói: "Ngôi đền Thánh này có thể biểu lộ mọi sinh hoạt thiêng liêng... còn giúp cho sự hòa hợp đất nước và nhờ đó đời sống công cộng cũng như chân lý của Tổ Quốc sẽ được tăng triển".

Sau buổi lễ Phong Thánh, sau khi đọc kinh Angelus Ngài lại nói: "Anh chị em thân mến, như thường lệ, hôm nay chúng ta đi viếng các đền thánh Đức Mẹ trên khắp thế giới. Cuộc hành hương này không thể không dừng lại tại Việt Nam, giải đất được thêm phì nhiêu vì nhờ máu của 117 vị tử đạo vừa được phong lên bậc hiển Thánh. Chúng ta dừng lại để tưởng nhớ đền Thánh La Vang, thuộc Giáo Tỉnh miền Trung Việt nam".

Vào ngày 25.11.1992, trong buổi triều yết chung một lần nữa, ĐGH Gioan Phaolô II đề cập đến đền Thánh Đức Mẹ La Vang thuộc tổng giáo phận Huế: "… trong khi Giáo hội ở Việt nam đang chuẩn bị mừng lễ kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ La Vang hiện ra, tôi mời gọi các bạn luôn đào sâu đức tin của các bạn, hiệp nhất cùng các tín hữu công giáo của quê hương các bạn, để chuẩn bị một tương lai còn tốt hơn nữa cho các thế hệ mai sau của người Việt nam. Xin Đức Mẹ La Vang đến giúp đỡ các bạn và trong hành trình đức tin, xin Mẹ đi trước tất cả dân Công Giáo Việt Nam đã được hiến dâng cho Trái tim Vô Nhiễm của Mẹ năm 1960".

„Sự hiện diện của Đức GM Têphanô Nguyễn Như Thể làm cho chúng ta nhớ đến đền thánh Đức Mẹ La Vang, thuộc tổng giáo phận Huế, trong miền trung Việt nam. Cho Nữ vương các thánh tử đạo, Đức Trinh Nữ Maria diễm phúc được tôn kính trong thành phố này từ 200 năm nay, chúng ta phó thác toàn thể cộng đồng Công Giáo Việt Nam, để cộng đồng này có thể sống và lớn lên trong bầu khí tự do và hòa bình, và góp phần đặc biệt vào việc thăng tiến dân sự và tiến bộ đạo đức của xứ sở".

Trong đại hội Giới Trẻ Thế Giới tại Denver thuộc tiểu bang Colorado Hoa Kỳ vào ngày 15.8.1993, Ngài lại nói đến Đức Mẹ La Vang ở phần cuối thông điệp gửi đến toàn thể giới trẻ: "Tôi xin phó thác toàn thể cộng đồng Công Giáo Việt Nam dưới sự bảo trợ của Đức Mẹ La Vang, Ngài là Mẹ yêu thương đã hiện ra vào năm 1798... Giờ đây, sắp sửa đến ngày kỷ niệm 200 biến cố nói trên; ước gì thời gian chuẩn bị lễ đệ nhị bách chu niên này cũng là thời gian tăng cường đức tin sốt sắng và hăng say sống đời Công Giáo, là thời gian liên kết với Giáo Hội bên quê nhà". Ngày 26.10.1994 tại Rôma, trong buổi triều yết chung, Đức Gioan Phaolô lại nhắc đến lễ kỷ niệm 200 năm.

Trong dịp tiếp kiến 14 vị Giám Mục Việt nam về Rôma "viếng mộ hai thánh Tông đồ" (Ad limina) ngày 24.12.1996, ĐTC Gioan Phaolô II đã nói: "Tôi xin phú dâng anh em nơi sự che chở hiền mẫu của Mẹ Chúa Kitô, Đức Mẹ La Vang, Đấng mà các anh em sắp mừng kỷ niệm 200 năm vào tháng 8.1998. Chớ gì Mẹ là vị hướng đạo cho anh em và cho các tín hữu của anh em trên con đường dẫn tới Chúa Giêsu, con của Mẹ..."

Vào dịp đại hội lần thứ 24, vào tháng 8.1997, Đức Gioan Phaolô II ủy quyền cho ĐHY Angelo Sodano, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh gởi thông điệp chào mừng: "Nhân dịp đại hội hành hương ba năm một lần tại đền Đức Mẹ La Vang, ĐTC chia sẻ niềm vui hiệp thông lời cầu nguyện của cộng đồng dân Chúa tại tổng giáo phận Huế và trong cả nước Việt Nam, chia sẻ lời cầu nguyện và niềm vui của các vị chủ chăn, cùng đi với họ tới La Vang tôn kính và ngợi khen Đức Trinh Nữ Rất Thánh, Đấng an ủi và nâng đỡ họ trong thời kỳ gian nan thử thách. ĐTC cũng khuyến khích các tín hữu sống đức tin cách kiên cường và can đảm, trong tinh thần hiệp thông sâu đậm với Giáo Hội. Như thế, các tín hữu sẽ xây dựng Giáo Hội là thân thể sống động của Chúa Kitô".  

Ngày 16.12.1997, Ngài lại viết: "Trong khi bắt đầu cử hành năm Toàn xá kỷ niệm 200 năm Đức Trinh nữ Maria hiện ra tại La Vang, tôi nhiệt tình chia vui và tạ ơn Thiên Chúa với các Giám mục Việt nam và các tín hữu giáo phận các Ngài. Tại đền thánh này, vốn được tín hữu Việt nam quý mến, vang lên một sứ điệp hy vọng mà Mẹ Thiên Chúa đã gửi cho con cái Người vào năm 1798, giữa những thống khổ về tinh thần cũng như thể xác, khi Mẹ nói "Các con hãy tin tưởng, hãy vui lòng chịu khổ. Mẹ đã nhậm lời các con kêu xin. Từ nay về sau hễ ai chạy đến cầu khấn cùng Mẹ ở chốn này, Mẹ sẽ nhậm lời ban ơn theo ý nguyện"

Và ngày 15.8.1999 dịp kết thúc năm toàn xá kỷ niệm 200 Đức Mẹ La Vang, Ngài còn viết như sau: "Nhân dịp bế mạc năm Thánh Mẫu và cuộc hành hương 3 năm một lần, lần thứ 25 đến đền thánh Đức Mẹ La Vang, tôi hiệp ý cầu nguyện cùng với các tín hữu Việt nam và những người hành hương đã chạy đến nhờ sự cầu bàu từ mẫu của Đức trinh nữ Maria, xin Mẹ rất thánh này cùng đồng hành với Giáo hội Công giáo Việt nam trong cuộc hành trình đến với Chúa và giúp đỡ Giáo hội này trong chứng từ mà Giáo hội này phải đưa ra ở ngưỡng cửa thiên niên kỷ thứ ba… Đặc biệt gần gũi với các bạn bằng ý nghĩ trong thời điểm này, thời điểm mà Giáo hội trong đất nước các bạn tôn kính Mẹ Đấng cứu độ, tôi phó thác các bạn vào sự cầu bầu của Đức Mẹ La Vang, và tôi thân ái ban phép lành Tòa Thánh cho chính Ngài và cho tất cả các vị Mục tử, cũng như cho các khách hành hương sẽ dừng chân tại đền thánh trong tinh thần năm Toàn xá, và cho các tín hữu Công giáo Việt nam…".

***

Rất có thể chúng ta cảm thấy hơi thất vọng khi nhìn thấy chứng tích về Đức Mẹ La Vang quá ít, nhưng phải chăng chứng tích quan trọng hơn cả và được thấy cụ thể qua lòng sùng kính Đức Maria ngay từ khi Đức Maria hiện ra tại La Vang? Thêm nữa dù Giáo Hội chưa cho một quyết định chính thức, nhưng qua các chứng từ của các Đức Giáo Hoàng cũng đủ cho thấy câu chuyện về Đức Mẹ hiện ra không đi ngược lại giáo lý của Giáo hội. Và cho đến ngày hôm nay, nhiều tác giả còn đang cố gắng đào sâu tìm hiểu ý nghĩa của sứ điệp La Vang, ví dụ như tác giả cuốn Đức Mẹ La Vang, tài liệu Thánh Mẫu học, Việt Nam 2003, trang 614, đề nghị đó là một "linh đạo hy vọng cho một thế giới mà nhiều người đang sống trong tuyệt vọng…"


Lm. Thêôphilê

.............................
Đồ án thiết kế Trung tâm Hành hương Đức Mẹ La Vang

La Vang nằm trong vùng rừng núi hoang dã khi xưa, nay là vùng nông thôn miền đồi núi. Ý tưởng kiến trúc chủ đạo: công trình phù hợp với văn hóa Việt Nam, cụ thể miền trung Việt, hòa quyện trong thiên nhiên, gần gũi ấm áp thân thiện, tôn vinh những giá trị nhân ái và xây dựng một không gian cộng đồng. Đó là những đặc tính của hồn Việt.

Vị trí địa lý

Trung tâm Hành hương Đức Mẹ La Vang tọa lạc tại tỉnh Quảng Trị, thuộc vùng bắc trung bộ Việt Nam. Phía bắc giáp tỉnh Quảng Bình, nơi có những dòng sông trong lành xuất phát từ những con suối dọc dãy Trường Sơn, xuyên qua các hang động đá vôi kỳ vĩ, xuôi về đồng bằng nhỏ hẹp hòa mình vào biển đông. Phía nam giáp tỉnh Thừa Thiên Huế, cố đô triều đình Nhà Nguyễn, nổi tiếng với các công trình kiến trúc lăng tẩm, thế đất sông núi hữu tình. Phía tây giáp nước Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Lào, ngăn cách bởi dãy núi hùng vĩ hiểm trở với rừng rậm mang tên Trường Sơn. Phía đông giáp biển Thái Bình.

Quảng Trị nằm trong chuỗi di sản văn hóa miền trung Việt Nam, Hội An - Đà Nẵng - Huế - Quảng Bình. Là hành lang của lục địa nhìn ra biển Đông.

Bảo tồn di tích

- Linh đài: nơi đây hơn 200 năm trước, năm 1798, Đức Mẹ đã hiện ra để cứu giúp người dân cùng khổ, lòng từ ái của Mẹ tồn tại đến muôn đời, trải qua bao thế hệ, Mẹ vẫn dang rộng cánh tay đón chờ mọi người chạy đến cùng Mẹ trong những cơn gian nan khốn khó.

- Giếng Đức Mẹ: từ lòng giếng này đã tuôn chảy ra nguồn nước tươi mát, bao nhiêu năm qua người ta đã đến kín múc nơi giếng như kín múc nơi lòng Mẹ những ân thiêng để thỏa lòng khát khao. Hình ảnh cái giếng nước gợi nhớ nếp sống cộng đồng của thôn làng Việt, mọi người cùng đến nơi đây để gặp gỡ, thông tin, chia sẻ, và nhất là cùng nhau đón nhận sức sống qua làn nước giếng làng.

- Ngôi tháp cổ: còn giữ lại như một chứng tích của lòng kiên cường, trải qua bao thăng trầm lịch sử, bao tàn phá của thời gian và chiến tranh, lòng tin vẫn bền vững, vẫn vươn lên cho dù còn mang những dấu vết đổ vỡ như chính Chúa Kitô đã phục sinh mà thương tích vẫn in dấu trên mình.

Quan điểm thiết kế

La Vang nằm trong vùng rừng núi hoang dã khi xưa, nay là vùng nông thôn miền đồi núi. Ý tưởng kiến trúc chủ đạo: công trình phù hợp với văn hóa Việt Nam, cụ thể miền trung Việt, hòa quyện trong thiên nhiên, gần gũi ấm áp thân thiện, tôn vinh những giá trị nhân ái và xây dựng một không gian cộng đồng. Đó là những đặc tính của hồn Việt.

Toàn bộ công trình kiến trúc Trung tâm Hành hương được thiết kế theo phong cách kiến trúc Việt Nam, thích ứng với khí hậu miền Trung, lấy vương cung Thánh Đường Đức Mẹ làm trọng tâm, phục vụ cho các cuộc hành hương kính viếng quanh năm và các Đại hội Thánh Mẫu mang tầm vóc toàn quốc hoặc quốc tế. Mặt bằng toàn thể tọa lạc trên khu đất diện tích 190.106 m2, phân chia thành 3 vùng chức năng mang tính tiệm tiến của cuộc hành hương:

1. Vùng tiếp khách hành hương: diện tích 47.500 m2, gồm cổng tiếp đón, một lối chính giữa đi vào rộng 32m, bên phải là ngôi nhà trưng bày các chứng tích phép lạ và các tặng vật của khách dâng cúng, bên trái là nhà hòa giải gồm nhà nguyện 200 chỗ và 30 tòa giải tội, cả hai công trình được đặt trên hai đảo giữa hai hồ nước thiên nhiên. Hình thái kiến trúc phỏng sinh học diễn tả năm chiếc bánh và hai con cá.

2. Vùng trung gian: gồm công trường Mân Côi rộng 48m, bên phải là nhà điều hành trung tâm với nhà nguyện 300 chỗ cho cộng đoàn địa phương (Giáo xứ La Vang), bên trái tái tạo khu rừng dẫn đến nơi Đức Mẹ hiện ra (Linh đài). Cổng tam quan mang biểu tượng hoa hồng dẫn vào 20 mầu nhiệm Mân Côi diễn tả bằng 20 công trình điêu khắc. Diện tích vùng 40.000 m2.

3. Vùng tâm linh: công trường Lòng Chúa Thương Xót và Vương cung thánh đường 5.000 chỗ đặt ở vị trí cuối Trung tâm, ngay trục chính toàn bộ công trình, bên dưới là một hội trường 5.000 chỗ và hầm đậu xe nội bộ. Ngay cổng vào không gian tâm linh bên trái là Linh đài kỷ niệm nơi Đức Mẹ hiện ra, kéo dài từ ngoài vào trong là một khu rừng cây tái tạo không gian xưa cũ núi rừng, ẩn hiện trong rừng cây là những chiếc lều dành cho khách hành hương qua đêm bên Linh đài Đức Mẹ. Đối diện Linh đài là tượng đài các Thánh Tử Vì Đạo tại Việt Nam. Tháp chuông của Vương cung thánh đường cũ được bảo tồn như một di tích, một nhà nguyện Thánh Thể 300 chỗ được đặt dưới lòng đất bên dưới khuôn viên Vương cung thánh đường cũ.

Vương cung thánh đường

Công trình Vương cung thánh đường được xây dựng trên một mặt bằng có diện tích 13.464 m2. Chiều dài công trình 132m theo hướng bắc nam, ngang 102m theo hướng đông tây.

Thỏa sức chứa 5.000 chỗ (3.500 chỗ tầng trệt và 1.500 chỗ tầng lửng, sức chứa có thể tăng thêm do sử dụng hành lang chung quanh hoặc lễ đài mặt tiền) để phục vụ các cuộc hành hương đông đảo người dự, những hội nghị quốc tế, những cuộc tiếp đón các vị mục tử quan trọng đến thăm viếng Giáo Hội Công Giáo Việt Nam và những đại lễ của Giáo Hội.

Công trình Vương cung thánh đường là điểm nhấn của tổng công trình Trung tâm Hành hương Đức Mẹ La Vang, thể hiện phong cách kiến trúc Việt, mang hồn Việt qua hình dáng những tấm mái ngói thân quen, kiểu dáng ngôi nhà ở, ngôi đình Việt, những họa tiết diễn tả cụ thể những ân huệ của Thiên Chúa trên chính những sản phẩm của quê hương đất nước (hoa và lá cây lá vằng, lúa gạo, chùm nho, hoa hồng, chim lạc, ánh lửa...), những lối đi dành cho người già hoặc bệnh tật (tính nhân ái), cấu trúc đồng tâm (tính cộng đồng), những mảng xanh, giếng nước rửa tội trong nội thất, những vật liệu từ thiên nhiên của các vùng miền trong cả nước (tính thiên nhiên), tận dụng nước mưa trong mùa mưa để sử dụng trong mùa nóng, sử dụng năng lượng mặt trời (thân thiện môi trường)...

Vương cung thánh đường gồm ba khối chính:

1/ Lễ đài (tiền sảnh)

Được xây dựng để tổ chức các lễ ngoài trời, hướng nhìn ra công trường Lòng Chúa Thương Xót có khả năng tiếp đón khoảng 500.000 khách hành hương, lễ đài trên 1.500 chỗ đồng tế, 50 chỗ đặc biệt tại chính điện. Phần trước lễ đài là một cầu thang lớn kết hợp các chiếu nghỉ làm nơi diễn nguyện trong các kỳ lễ hội.

Lễ đài được thiết kế mở như diễn tả Hội Thánh được sai đến với muôn dân, chủ đề Chúa Thánh Thần là chủ đề chủ đạo cho thiết kế.

2/ Vương cung thánh đường (khối chính)


Nội thất Vương cung thánh đường phản ánh hồn Việt, vuông vức và đồng tâm để diễn tả tính cộng đồng. Chủ đề của khối chính Vương cung thánh đường là biến cố chết-phục sinh của Chúa Kitô trong đó Mầu Nhiệm Ba Ngôi được mặc khải.

Phòng Thánh (khối phụ trợ)

Khối phụ trợ giúp cho các sinh hoạt thờ phượng của khối chính và lễ đài được diễn tiến tốt đẹp, khối này cũng là nơi lưu giữ các vật dụng thánh dùng vào việc cử hành bí tích hoặc thờ phụng. Khối này gắn chặt với khối chính bằng cung thánh.

Chủ đề của khối này là “người Mẹ”, phong cách kín đáo, nhẹ nhàng, tinh tế và hiệu quả. Lưng quay ra hướng bắc chống đỡ giá rét mùa đông.

Phần dưới Vương cung thánh đường là một hội trường 5.000 chỗ, một bãi đậu xe nội bộ 1.000 m2 (50 xe 4 bánh du lịch), một hầm chứa và xử lý nước mưa (25.000 m3) để dùng vào mùa khô hạn.

Hội trường 5.000 chỗ sử dụng cho các cuộc hội họp gặp gỡ quy mô lớn, đồng thời có thể sử dụng để tăng sức chứa của Vương cung thánh đường trong các cuộc lễ mà số người tham dự trên 5.000, dùng hệ thống truyền hình nội bộ trực tiếp, rất cần thiết trong hoàn cảnh mưa bão.

Bãi đậu xe ngầm dưới công trường Lòng Chúa Thương Xót diện tích 1.000 m2, sức chứa 50 xe du lịch 4 bánh, loại 4-9 chỗ ngồi, dành cho các khách quan trọng. Có thang bộ và thang máy trực tiếp lên lễ đài, có lưu ý đến hệ thống thoát hiểm khi có biến động.

Toàn bộ giao thông từ Vương cung thánh đường có quan tâm đến thoát hiểm và đường thoát khẩn cấp cho các nhân vật quan trọng (VIP).

Hầm chứa và xử lý nước mưa (25.000 m3), vì là vùng khô hạn nên tận dụng nước mưa, xử lý để sử dụng là điều cần thiết, gìn giữ môi trường và tiết kiệm chi phí điều hành.
Một giếng rửa tội đường kính 5 mét được đặt ngay tiền sảnh lối giữa từ lễ đài vào khối Vương cung thánh đường theo truyền thống Giáo Hội Công giáo. Nước được đưa vào nội thất để làm mát vi khí hậu (microclimate).

Ủy Ban Nghệ Thuật Thánh