"Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài. Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống. Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh." (Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận)

Báo „La Croix“ phỏng vấn ĐGM Nguyễn Thái Hợp, CT UB Công Lý và Hòa Bình


27.11.2013 | Đối với Giám Mục Giáo Phận Vinh thì “việc tạo nên một bầu khí thuận lợi cho việc hòa giải là trách nhiệm của chúng tôi”.  Vị Chủ Tịch Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Đức Cha Nguyễn Thái Hợp, Giám Mục Giáo Phận Vinh (Việt Nam) đã nói về tình hình tế nhị của người Công giáo trong đất nước của ngài. Ngài kiên trì theo đuổi một cuộc đối thoại để đạt tới một sự hòa giải dân tộc và ngài bênh vực cho việc Giáo Hội dấn thân vào cuộc tranh luận về Hiến Pháp mới mà Quốc Hội Việt Nam đang xem xét cho đến cuối tháng này.

Báo La Croix Hỏi: Tình hình người Công giáo trong đất nước ngài hiện nay như thế nào?

Giám Mục Nguyễn Thái Hợp: Người công giáo là thành phần thiểu số ở Việt Nam, chiếm khoảng 7,5% dân số 90 triệu người, tức khoảng 7 triệu người. Con số này rất khiêm tốn, nhưng đó là một cộng đồng được huấn luyện và được tổ chức tốt và rất đoàn kết. Có những người Công giáo bị bỏ tù và chúng tôi là đối tượng của những cuộc đàn áp liên tục, như tại Mỹ Yên, đầu tháng 9 vừa qua. Đã xẩy ra một cuộc đụng độ khốc liệt và có 30 người Công giáo đã bị thương nặng. Ngoài ra có 2 người bị bắt và bị kết án từ 6 đến 9 tháng tù. Chúng tôi không biết chính xác ai đứng đằng sau sự cố này, nhưng chúng tôi tiếp tục phản đối những bản án bất công này. Tất cả có khoảg 20 người Công giáo đang bị giam tù vì nguyên nhân đức tin hoặc vì họ đấu tranh chính trị một cách hòa bình. Dù vậy, chúng tôi phải cố gắng sống hòa bình và thực hiện sự tha thứ.

Hỏi: Ngài là Chủ tịch Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Ngài hoạt động như thế nào trong một hoàn cảnh khó khăn như vậy?

Giám Mục Nguyễn Thái Hợp: Không phải lúc nào cũng dễ dàng. Đôi khi chúng tôi như đi trên một sợi dây căng trên mặt đất. Phải giữ thăng bằng, như Thánh Tô-ma nói với chúng ta là “phải giữ sự trung dung”. Chúng tôi đã được xác định là một thiểu số có chân lý, công bằng, quyền con người, tình yêu và nhân vị. Vì thế không bao giờ có thể hy sinh việc đối thoại. Tuy nhiên, Ủy ban của chúng tôi, mới chỉ có mặt từ 3 năm nay thôi, gặp nhiều khó khăn để hoạt động. Với mỗi một cuộc hội họp, chúng tôi có nhiều khó khăn với chính quyền, cũng như khi chúng tôi muốn mời những người ngoài đến tham dự. Áp lực là rất nặng.

Hỏi: Giáo Hội tham gia vào dự án sửa đổi Hiến Pháp của đất nước đang được Quốc Hội xem xét như thế nào?

Giám Mục Nguyễn Thái Hợp: Đây là điểm rất quan trọng. Đường hướng của quốc gia trong những năm tới đây tùy thuộc rất nhiều vào Hiến Pháp mới. Lần đầu tiên trong lịch sử, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã gửi cho Chính Quyền một tài liệu để nói lên quan điểm của mình. Vì là các Giám Mục, chúng tôi phải thể hiện tình liên đới của chúng tôi với dân tộc và đầt nước, trong nỗi khổ cũng như trong niềm vui. Tôi đã khuyến khích các linh mục trong giáo phận của tôi hãy làm như thế. Tôi cũng là người đã ký một lời kêu gọi được 72 nhà trí thức thuộc mọi xu hướng cùng ký tên.

Trong những điều cần sửa đổi mà chúng tôi yêu cầu, một trong những điều đó có liên quan cách đặc biệt tới điều 4, chủ trương lấy chủ nghĩa Mác-xít/Lê-nin-nít và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nguyên lý phát triển đất nước. Điều này không thể cùng đi (tức không phù hợp) với tự do tôn giáo, quyền con người và tính dân chủ. Tương lai của quốc gia không thể được xác định bởi nguyên lý ý thức hệ ấy. Cộng sản hay không, có niềm tin hay không, chúng tôi phải được bình đẳng nếu chúng tôi muốn tiến tới hòa bình, dân chủ và tiến bộ. Vì thế cho nên, chúng tôi đã yêu cầu hãy trở lại với những nền tảng là di sản của nền văn hóa truyền thồng của Việt Nam, không bị ràng buộc vào bất cứ ý thức hệ nào.

Hỏi: Các ngài có cảm tưởng là (tiếng nói của mình) được lắng nghe không?

Giám Mục Nguyễn Thái Hợp: Chúng tôi chưa nhận được hồi đáp. Và tôi không quá ngây thơ mà chờ đợi một sự đồng ý ngay lập tức. Nhưng cuộc chiến là một hành trình dài lâu. Trong lịch sử không bao giờ chúng tôi có được chiến thắng mà không phải chiến đấu và hy sinh. Nhưng chúng tôi không được im lặng vì chúng tôi có trách nhiệm và vai trò về sự sống còn của đất nước.

Hỏi: Tại sao (ngài) nhấn mạnh đến đối thoại nhiều như thế, trong khi những người khác lại dự báo việc sử dụng một phương pháp trực diện hơn?

Giám Mục Nguyễn Thái Hợp: Đối thoại là ưu tiên trên mọi ưu tiên. Là Ki-tô hữu, chúng tôi không được sử dụng bạo lực. Chúng tôi không được phản bội bài giảng trên núi của Chúa Giê-su. Cho dù tình trạng đất nước hiện nay có ra sao, tôi vẫn xác tín rằng đất nước sẽ tìm ra được một lối thoát tích cực. Thiên Chúa sẽ giúp đỡ chúng tôi trong việc đó. Niềm hy vọng là điều cuối cùng mà người ta không được để mất, như một phương châm của Mỹ-la-tinh đã nói. Tôi có thể hiểu phản ứng của một số tín hữu khi họ bị thử thách khốc liệt, nhưng mục đích của chúng tôi luôn phải là đối thoại, hòa bình, bác ái và thứ tha…

Hỏi: Ngày nay đất nước ngài có sẵn sàng cho sự tha thứ ấy không?

Giám Mục Nguyễn Thái Hợp: Trách nhiệm của chúng tôi là tạo nên một bầu khí thuận lợi cho sự hòa giải giữa mọi người, người Ki-tô hữu và người không Ki-tô hữu, người vô thần và người có tín ngưỡng, người cộng sản và những người khác. Chúng tôi có trách nhiệm phải là tác nhân của tình thương, bác ái và tình liên đới. Để thực hiện những điều ấy, chúng tôi không được lấy ác báo ác, lấy bạo lực chống lại bạo lực. Chỉ có ân sủng của Thiên Chúa mới cho chúng tôi sức mạnh để yêu thương và chấp nhận thứ tha, loại bỏ mọi hận thù. Để làm được những điều ấy cần phải chấp nhận những giới hạn của mình, như Thánh Phao-lô đã nói, chính trong sự yếu đuối mà chúng ta tìm thấy sức mạnh của Thiên Chúa, để thoát ra khỏi cái vòng lẩn quẩn của hận thù và bạo lực.

Ghi chép của Loup Besmond de Senneville
Nguyễn Văn Nội chuyển ngữ