Khiêm tốn là một thái độ sống tích cực, một cách làm phong phú thêm kiến thức, kinh nghiêm của bản thân từ cuộc sống. Thái độ khiêm tốn thể hiện qua từng lời nói, hành động và cử chỉ một cách thật tâm đối với mọi người. Người khiêm tốn không bao giờ biểu lộ sự tự mãn về những gì mình có, mình biết, nhờ vậy dễ tạo được sự đồng cảm và mối quan hệ thân thiện với người khác trong giao tiếp, nên kết giao được với nhiều người.
Đại văn hào Leo Tolstoi cho rằng, “người ta như một phân số mà tử số là giá trị thật của người ta, còn mẫu số là giá trị mà người ta tưởng tượng là mình có. Mẫu số càng to thì phân số càng nhỏ. Khi mẫu số là vô cùng tận thì phân số bằng 0.”
Khiêm tốn thể hiện khả năng tự chủ cao, kiểm soát bản thân tốt, chiến thắng “cái tôi”. Khiêm tốn giúp ta nhìn nhận bản thân đúng đắn, ý thức được “Nhân vô thập toàn”, không ảo tưởng để bị cuốn theo những tham vọng cá nhân. Khiêm tốn là phương thức tốt nhất giúp ta tránh xa thói kiêu căng, tự mãn.
Đừng quên rằng những người quanh ta đều có mặt nào đó giỏi hơn ta. Nhà thơ, nhà triết học Ralph Waldo Emerson còn cho rằng: “Bất kỳ người nào tôi gặp cũng có chỗ hơn tôi, đáng cho tôi bắt chước.” Sách có câu “núi cao, còn có núi cao hơn”. Dù ta có giỏi đến đâu thì chỉ riêng trên đất nước có hơn tám mươi bảy triệu người này, cũng có thể có biết bao người giỏi hơn mình, từng trải hơn mình, thành công hơn mình, nói chi đến hơn bảy tỉ người trên thế giới. Nhà thơ người Nga Mayakovski nhắn nhủ: “Đừng vì lẽ không thể là một vì sao mà đành chịu làm một đám mây mù. Mà cũng đừng bao giờ nghĩ rằng: mình là một ngôi sao duy nhất trên bầu trời vì xung quanh còn nhiều ngôi sao khác nữa và bất cứ ngôi sao nào cũng có thể lấp lánh hơn mình.”
Nếu sự khiêm nhường gây ấn tượng tốt với người khác, thì càng khoe khoang, tự đề cao mình để tạo ấn tượng với người khác thì càng tạo ra một kết quả trái ngược. Người thông minh, hiểu biết nhiều thích khiêm tốn để học hỏi, kẻ dốt thích khoe khoang, dạy người. Tôn Thúc Ngao lưu ý: “ Chức vụ càng cao càng phải nhún nhường”.
Nếu ta khiêm tốn thì ta sẽ mất gì, được gì?
Tâm lý thường gặp là sợ nếu khiêm tốn thì sẽ bị người khác xem thường, bị chê bai là kém cỏi. Thật ra khi khiêm tốn, cái ta mất đi chỉ là các thói xấu: tính kiêu căng, tự cao, khoe khoang, hợm hĩnh, những thứ nếu giữ nó ta sẽ mất rất nhiều trong cuộc sống. La Rochefoucauld nói: “Ta tỏ vẻ hơn người thì người sẽ trở thành kẻ thù của ta; chịu nhường người thì người sẽ liên kết với ta”.
Người khiêm tốn nhận được nhiều lợi thế trong cuộc sống, hiểu kiến thức của mình rất giới hạn, nên biết lắng nghe điều hay, lẽ phải từ mọi người, nhỏ nhẹ khi nói chuyện hoặc tranh luận, không chạm lòng tự ái của người khác. Người có tài như Newton còn nghĩ: “Những điều chúng ta biết chỉ là một giọt nước, những điều chúng ta không biết là cả một đại dương”.
Người khiêm tốn trung thực, không dấu dốt, vì luôn biết được điều gì mình chưa biết, không lừa thiên hạ và không tự lừa dối mình. TS. Billy Sharp tâm sự: “Tôi biết những điều tôi biết. Nếu tôi luôn tìm cách nói chúng ra nhằm gây ấn tượng với mọi người thì tôi sẽ chẳng học hỏi được thêm gì”.
Người khiêm tốn không ngần ngại hỏi bất kỳ ai để học hỏi thêm bất kỳ điều gì mình chưa biết và sẵn sàng gạt bỏ thành kiến có sẵn, nên tiếp nhận thêm được những điều mới lạ để biến sự thông thái của tất cả mọi người thành sự thông thái của mình, vì vậy sẽ tiến đến mục tiêu của mình nhanh hơn.
Người khiêm tốn sống vui vẻ, thân thiện, dễ hợp tác với mọi người, vì ít bị đụng chạm,căng thẳng, vì vậy dễ hòa đồng với mọi người, nhờ không tự đặt mình cao hơn người khác, dễ gây thiện cảm và tạo được ấn tượng tốt ở người khác nhờ biết tôn trọng họ và không tự đề cao mình.
Người khiêm tốn tôn trọng suy nghĩ của người khác, nên ít thành kiến, ít tranh cãi, và hòa giải tốt với mọi người. Người khiêm tốn luôn sẵn sàng xin lỗi, và tỏ lòng biết ơn. Đó là liều thuốc huyền nhiệm gầy dựng tình cảm, thắt chặt các mối quan hệ, chặn đứng mọi tranh chấp, cãi cọ không cần thiết.
Có một bài thơ về con cú già: “Con cú già khôn ngoan sống trong cây sồi già. Càng chứng kiến nhiều, nó càng nói ít. Càng nói ít, nó càng nghe nhiều. Tại sao chúng ta không giống như con cú già kia?”
Lữ Hồi cho rằng, “tự khiêm thì người ta nể phục, tự khoe thì người ta càng khinh.” Hãy làm người khiêm tốn để luôn hoàn thiện bản thân và quyết tâm hành động để đạt được điều đó!
Đừng vội phê phán người
Người ta thường hay đổ lỗi cho nhau mỗi khi có sự trục trặc trong mối quan hệ xảy ra. Người xưa có câu “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, đừng vội trách người trước khi tự xem xét lại mình. Trong cuộc sống, người có suy nghĩ tích cực sẽ luôn nhìn sự việc bằng đôi mắt tích cực, trái lại người mang những suy nghĩ tiêu cực nhìn sự việc qua cặp kính xám xịt. Trong cuộc sống, con người thường nhìn nhận sự việc và người khác từ các góc nhìn khác nhau, mà chưa chắc góc nhìn đó đúng với bản chất sự việc hay tính cách của người đó. Bản chất của mỗi người quyết định cái họ nhìn thấy ở người khác.
Cái nhìn và sự đánh giá về con người và việc làm của họ do quan điểm và tình cảm của chúng ta quyết định. Trước khi phê phán người hãy tự xét quan điểm của mình. Khi quá chú trọng quan điểm, ý thích của mình thì sự đánh giá sẽ không còn khách quan theo hướng nâng lên hoặc hạ thấp đối tượng. Vì vậy, có khi người đầu tiên cần phải thay đổi chính là bản thân mình. Khi suy xét, thay vì đặt người khác vào vị trí của mình, cần đặt mình vào vị trí của họ. Trước khi phê phán ai, hãy tự hỏi xem mình đã thử nhìn sự việc từ góc độ của họ chưa, vì người ta thường nhìn nhận bản thân và người khác chỉ theo góc độ của mình. Vì vậy đừng vội phê phán người khác trước khi nhìn lại sự việc từ quan điểm của người khác. Điều đó giúp tránh phát sinh mâu thuẫn hay hủy hoại các mối quan hệ, vì dễ có được sự cảm thông do tìm thấy sự hợp lý trong hành động của họ.
Không ai là con người hoàn hảo, “nhân vô thập toàn”. Ngay cả những nhân vật siêu nhiên như thánh thần cũng có không ít những lỗi lầm. Đặt niềm tin vào những điều tốt đẹp trong mỗi người sẽ giúp họ phát huy điểm mạnh và tự hạn chế nhược điểm của họ.
Trước khi định phê phán điều gì phải cảnh giác sự vội vàng kết luận theo định kiến của bản thân mà thiếu tìm hiểu kỹ bản chất của vấn đề. Tagore (1861-1941) là một đại thi hào của Ấn Độ, đoạt giải Nobel về văn chương năm 1913. Ông có tài làm thơ ngay khi còn nhỏ tuổi. Thời niên thiếu, thỉnh thoảng Tagore làm một vài bài thơ gửi đăng trên tờ báo do thân phụ của mình đảm trách phần biên tập. Khi thấy những bài thơ gửi đến ký tên con mình, người cha chẳng thèm đọc thơ mà quẳng ngay vào sọt rác, vì cho rằng con mình còn nhỏ dại thì biết gì thi ca. Khi hiểu rõ sự tình, Tagore chép lại những bài thơ mà cậu đã gửi đăng báo, không ký tên thật của mình nữa mà lấy một bút hiệu khác rồi gửi lại cho toà báo. Lần nầy, thân phụ của Tagore nhận thấy đây là những bài thơ có giá trị và cho đăng ngay lên báo mà không hề hay biết đó là những bài thơ của con trai mình, những bài thơ mà trước đây ông đã quẳng vào sọt rác.
Phê phán là điều quan trọng trong nghệ thuật giao tiếp. Mục đích của phê phán là hướng đến việc cải thiện tình hình, chỉ khi bám sát mục tiêu ấy thì người phê phán mới có ý thức cân nhắc từng lời nói, cử chỉ, mức độ thích hợp với tấm lòng khoan dung, giúp bản thân thoát khỏi tâm trạng hẹp hòi với cảm xúc tiêu cực. Khi đó sẽ tránh được những phản ứng thái quá đối với những điều nhỏ nhặt của người khác.
Khoan dung với lỗi lầm của người khác có thể mang đến cho người ta cơ hội tỉnh ngộ, nhận ra thiếu sót của mình. Phê phán để thỏa mãn sự bất bình của mình chỉ làm xấu thêm tình thế, thậm chí phải gánh chịu hậu quả không mong muốn. Người làm tổn thương tinh thần, tình cảm của người khác cũng dễ bị người khác làm tổn thương lại. Cần nhớ là lời phê xúc phạm người khác có thể gây nên những vết thương tinh thần còn hơn cả nỗi đau thể xác.
Tâm Sáng