"Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài. Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống. Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh." (Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận)

Hội chứng đám đông


"Một cậu bé đang đi trên lề đường bỗng dừng lại, ngửa mặt lên trời. Một vị giáo sư đi tới, thấy thế cũng ngạc nhiên dừng lại, ngước mắt nhìn theo. Rồi một bà đứng tuổi đi ngang qua cũng làm y như vậy. Rồi người khác nữa… Khi cậu bé cúi xuống quay nhìn ngang và ngạc nhiên khi thấy cả chục người đứng chung quanh mình. Cậu hỏi: „Các ông các bà cũng bị chảy máu cam như cháu sao vậy?".

Câu chuyện vui đã nói lên phần nào cái gọi là „hội chứng đám đông“. Chúng ta thật dễ bắt chước, dễ nghe theo, dễ nói theo đám đông. Cứ đám đông là có lý , là đủ mạnh để thuyết phục, để đè bẹp. Chúng ta dễ dãi nhưng đám đông cũng dễ dãi, dễ bị kích động, bị dẫn dắt.

Cách đây trên 2000 năm, đã có một đám đông reo hò đón Vua Giêsu vào thành Giêrusalem. Rồi cũng chính đám đông cuồng nhiệt này đòi đóng đinh Ngài vài ngày sau đó.

Sức mạnh của đám đông thật đáng sợ, nhất là khi nó trở thành mù quáng. Và đáng sợ hơn nữa khi chúng ta không tự chủ được mà bị cuốn theo, bị chi phối. Vì sợ người ta nhìn, vì sợ người khác nói mà con người bị vong thân. Nói theo ngôn ngữ của triết gia Heidegger (Đức): con người trở thành nô lệ trong „đế quốc người ta“ (L'Empire „On“), họ đeo mặt nạ, đánh mất bản thân mình.

Ngày hôm nay liệu bạn có dám thành thật với chính mình cho dù có làm người khác thất vọng không? Bạn có dám bảo vệ chân lý cho dù có phải „đi ngược chiều“ với cả một đám đông vô lý không? Đây không phải là vấn đề sống lập dị hay là chơi trội, cho bằng sống đúng phẩm cách con người giữa đám đông và cho đám đông. Ở đây, chúng ta trở lại thái độ điềm tĩnh của Đức Vua Giêsu, Ngài yêu đám đông nhưng không lệ thuộc đám đông, bình thản tiến bước giữa những lời hoan hô cũng như đả đảo để sống yêu thương đến tận cùng, để hận thù và sự dữ bị đánh bại, cho dù chúng có đông đến đâu và mạnh đến đâu. Tuy nhiên, với chúng ta, việc sống yêu thương và thành thực quả không dễ dàng, vì con người vốn có khuynh hướng nghiêng theo những gì dễ dãi, bề ngoài, hùa theo người khác, hơn là đi vào nội tâm, sống trung thực với chính mình, có lập trường nhất định.

Thường thì chuyện sống theo đám đông và đánh mất mình, được khởi đầu từ những điều rất nhỏ: Thấy một việc không ổn mà chúng ta cũng cứ làm với những lý luận như: „Thôi thì vì nể mặt!“, „chỉ làm lần này nữa thôi!“, „ai cũng làm vậy cả mà!“… làm cho chúng ta ngày càng lún sâu hơn, lương tâm càng lúc càng bớt dằn vặt hơn. Rồi sự sợ hãi vì đã làm sai, vì sợ đám đông, làm cho đám đông ngày càng trở nên đáng sợ, chi phối cuộc sống, biến chúng ta thành những người làm việc qua quýt, vô trách nhiệm, làm dở mà nói hay, mánh mung kiếm lợi, a dua để được yên thân… Nếu lỡ ra có bị đánh giá hay phải tự trách thì cũng nhận tội cách tổng quát như: Thiếu ý thức chung, hiểu biết giới hạn, suy nghĩ chưa tới… Rồi quay ra đổ lỗi cho hoàn cảnh, cho đám đông: „Đây là lỗi của người khác!“, „tại kỷ luật tập thể chưa chặt chẽ!“ …. làm như mình vô tội, hoàn toàn không có chút trách nhiệm nào. Đó phải chăng là điều xã hội mong đợi nơi bạn và tôi?

Cho dù xã hội có „xuống dốc“ đến đâu cũng vẫn mong có những con người tốt đẹp như bạn, dám xây dựng cuộc đời. Những người dám tự mình suy nghĩ chứ không nghĩ theo đám đông đôi khi cuồng tín, dám nhìn nhận những giá trị chân thực nơi con người và công việc, việc nào cần làm trước, người nào cần tin tưởng, lúc nào cần lên tiếng cho dù là những tiếng đơn độc trong sa mạc không được vỗ tay. Rồi còn phải nghe và phải không nghe những lời đầy thành kiến của dư luận để biết đúng sai, để đi đến tận căn nguyên „tại sao“ mà giải quyết sự việc thật đúng đắn và hợp lý.

Bạn phải thật sự tin tưởng vào mình, không phải như một người tự tôn, nhưng như một người có bản lãnh, dứt khoát không do dự, dám lựa chọn, dám sống và thực hiện những lựa chọn của mình. Bạn sẽ không đánh giá một người khác chỉ đơn thuần vì nghe đám đông đánh giá; bạn thà mang những hiểu lầm và tiếng xấu hơn là phản bội con người thực của mình đầy phẩm cách sáng ngời. Hãy nhớ rằng: xấu hay tốt không chỉ do người ta nhận xét, hãy tự hỏi lòng mình là xấu hay tốt khi nói một lời, khi làm một việc gì cho người khác, đó mới là con người chân chính, không bị ảnh hưởng bởi tiếng khen chê của „hội chứng đám đông“.

Người ta thường nói đùa: dư luận nhiều khi là mớ „luận dư“. Chắc bạn nhớ chuyện hai cha con ông lão dắt lừa ra chợ bán. Có người thấy thế bĩu môi: „Có lừa mà không chịu cưỡi, thật là khờ khạo!“. Ông lão nghe vậy liền đặt đứa con lên lưng lừa. Đi một đoạn, gặp một bà lão chê bai: „Thằng con khoẻ mạnh thế kia mà lại để ông bố già nua đi bộ, thật bất hiếu!“. Ông lão bèn bảo con xuống cho mình ngồi. Lại có anh nông dân thấy và nói: „Lão già không biết xấu hổ, ngồi vênh mặt trên lưng lừa, bắt thằng con tội nghiệp đi bộ!“. Ông lão bèn nghĩ ra cách vẹn toàn: cho thằng con cùng ngồi với mình trên lưng lừa. Gần đến chợ, lại có đám người chỉ trích: „Hai cha con lão này thật ác độc! Con lừa gầy yếu thế kia mà phải chở nặng, muốn để nó chết bẹp à?“ Ông lão thở dài nói với con: „Ở sao cho vừa lòng người, thôi cha con mình dắt lừa đi bộ vậy“. Nếu là bạn, bạn sẽ nghĩ sao?

Dĩ nhiên, có nhiều lúc đám đông cũng có lý, khiến chúng ta phải tôn trọng lời nói của đa số và dẹp bỏ sự chủ quan của mình. Nhưng khi đã phân rõ phải trái với lương tâm trong sáng, bạn hãy can đảm thực thi những giá trị nhân bản, hãy làm cho con người được tôn trọng và nâng cao, bạn sẽ là người đạo đức trong xã hội tươi thắm tình người.

Và để dám nghĩ, dám nói, dám tin, dám làm, bạn hãy cố gắng thoát khỏi ảnh hưởng một chiều của đám đông. Chúng ta không coi thường, nhưng cũng đừng quá coi trọng đến độ sợ dư luận. Khi bạn làm một việc gì mà không vì sợ lời chỉ trích hay vì cần lời khen tặng của đám đông, họ sẽ lại kính nể bạn. Bởi vì bạn không là nô lệ mà sống như một người tự do, có thể đem sức mình xây dựng những gì tốt đẹp nhất cho cuộc sống con người .

Hoài Nam