"Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài. Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống. Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh." (Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận)

Người dân khắp nơi đã tự phong Thánh cho Cha Diệp rồi!

Tín hữu khắp mọi miền kéo về Tắc Sậy để kính viếng cha Diệp

GNsP | Đến Giáo xứ Tắc Sậy vào đúng dịp Chúa Phục Sinh, mọi thứ nơi đây khiến cho người ta cảm thấy như mình đang đến một vùng Đất Thánh. Chúng tôi đến đây sau vài ngày lễ giỗ cha Diệp trong hai ngày 11 và 12 tháng ba năm 2016. Dù đã nghe đến sự nổi tiếng về những ơn mà người dân khắp nơi được nhận lãnh khi đến xin khấn trước phần mộ của Cha Trương Bửu Diệp, nhưng chưa bao giờ đặt chân đến đây.

Dịp Phục Sinh này, chúng tôi hành hương về với cha Diệp và được mắt thấy tai nghe, chứng kiến cảnh người dân khắp nơi tuốn về Tắc Sậy mới thấy hết được tiếng tăm của cha Diệp lan truyền như thế nào. Nhìn cảnh tượng dân khắp mọi miền kéo về Tắc Sậy mà khiến cho ta cảm thấy giống như cảnh dân khắp nơi tuốn về vùng Đất Thánh Jerusalem.

Nhà thờ Tắc Sậy nằm trên Quốc lộ 1A, thuộc Giáo phận Cần Thơ, xã Tân Phong, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu. Nhà thờ có từ lâu đời, nhưng trước đây chỉ là một ngôi thờ được xây dựng bán kiên cố, nhỏ hẹp và lợp tôn. Để nhà thờ và phần mộ cha Phanxicô Xavie Trương Bửu Diệp đang an nghỉ trong khuôn viên được tôn nghiêm và khanh trang hơn, ngày 24.02.2004, lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng ngôi nhà thờ mới đã được tổ chức.


Nhờ sự ủng hộ của giáo dân và khách thập phương, đến nay khu nhà thờ mới có đầy đủ các hạng mục công trình như nhà thờ, nhà yên nghỉ của cha Diệp. Trung tâm hành hương, khu bảo tàng về cha Diệp đã hoàn thành và vô cùng lộng lẫy trên diện tích rộng hàng ngàn mét vuông.

Cha Phanxico Xavie Trương Bửu Diệp sinh ngày 01.01.1897 tại họ đạo Cồn Phước, thuộc làng Tấn Đức - nay thuộc ấp Mỹ Lợi, thị trấn Mỹ Luông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Thân phụ là ông Micae Trương Văn Đặng (1860-1935), thân mẫu là bà Lucia Lê Thị Thanh. Cha Diệp được Linh mục Giuse Sớm rửa tội ngày 02.02.1897 tại họ đạo Cồn Phước và lấy tên Thánh là Phanxicô Xaviê.

Chúng tôi về nhà thờ trời còn tờ mờ, lúc đó khoảng 4h sáng, đi nhanh cho kịp giờ lễ lúc 5h. Trên con đường đi từ Thành phố Bạc Liêu đến nhà thờ Tắc Sậy hầu như là rất tối, âm u, ấy vậy nhưng khi này các đoàn xe khắp nơi đang lũ lượt kéo nhau về, cả ô tô và xe máy, khiến cho cung đường cũng trở nên sáng sủa hơn. Một người trong đoàn, thường xuyên về với cha Diệp nói rằng „những xe gắn máy, ô tô này đều là người khắp các tỉnh miền Nam về với cha Diệp, có lẽ họ đi cả đêm“.

Trên cung đường này có mấy nhà thờ ven đường. Chúng tôi thấy người dân địa phương đang tiến về các nhà thờ để chuẩn bị cho Thánh lễ Phục Sinh ban sáng Chúa Nhật. Khi chúng tôi đến Tắc Sậy, nhiều bãi đậu xe ô tô xa cách nhà thờ hàng trăm mét đã chật cứng, trong sân nhà thờ những hàng xe ô tô đã ken dầy và có hàng lớp.


Thánh lễ Phục Sinh ban sáng Chúa Nhật tại Tắc Sậy như là một đại lễ mà những người dân khắp nơi may mắn có mặt để được tham dự. Thánh lễ đồng tế, do cha chính xứ chủ sự. Hàng nghìn người tham dự Thánh Lễ đầy nhà thờ rộng lớn và tràn ra phía ngoài. Nhiều nhóm người khác thì tiến về nhà có phần mộ cha Diệp để cầu nguyện và xin ơn. Trong đó chúng tôi thấy xuất hiện cả những vị sư trước phần mộ của cha Trương Bửu Diệp.


Một người dân tại giáo xứ Tắc Sậy cho biết: „Khoảng giữa tháng 2 tới thời điểm này thì vào thứ bảy, Chúa Nhật khách đông, như hôm nay anh chứng kiến, có hôm đông hơn gấp hai ba lần!“.

Hoàn cảnh xã hội nhiễu nhương của những năm 1945-1946, chiến tranh loạn lạc, nhân dân phải di tản, Cha Bề Trên địa phận Bạc Liêu là Phêrô Trần Minh Ký và cả các cha người Pháp cũng khuyên ngài lên Bạc Liêu lánh mặt, khi nào tình hình yên ổn thì sẽ trở lại họ đạo Tắc Sậy. Nhưng Ngài trả lời: „Tôi sống giữa đàn chiên và nếu có chết cũng chết giữa đàn chiên, không đi đâu cả“.

Ngày 12.03.1946, ngài bị bắt cùng với trên 70 chức sắc và giáo dân tại họ đạo Tắc Sậy, bị lùa đi và nhốt tại lẫm lúa nhà ông giáo Sự ở Cây Gừa. Người ta định giết tất cả nhưng ngài nói chính ngài là chủ chăn các con chiên đó, vậy xin chết thay cho các con chiên của ngài. Họ chấp nhận. Mọi người được thả còn ngài thì bị đem đi thủ tiêu.

Chúng tôi hết sức ngạc nhiên vì những gì mà người dân miền Tây Nam bộ nói về cha Trương Bửu Diệp và việc mọi người tôn sùng cha Diệp. Chúng tôi đi về cha Diệp có dừng chân tại một số điểm trên đường đi. Hầu như dừng chân ở đâu chúng tôi cũng thấy có hình cha Phanxicô Xavie Trương Bửu Diệp trên bàn thờ của gia chủ hoặc nhà hàng.

Không chỉ riêng người Công giáo đều có hình hoặc tượng của cha Diệp, điều lạ lùng hơn nữa là trên ban thờ của những người theo đạo Phật hay thờ ông bà tổ tiên đều có hình cha Diệp.

Tôi đem chuyện này hỏi họ, tại sao gia đình theo đạo phật nhưng vẫn thờ cha Trương Bửu Diệp vậy? Gia chủ trả lời: „Chúng tôi tuy không theo đạo Công giáo, nhưng với cha Diệp thì chúng tôi biết nhiều về cha. Chúng tôi đã nhiều lần về với cha Diệp để xin ơn và chúng tôi đã được ơn rất nhiều“.

Trên đường đi về nhà cha, nhiều khi chúng tôi bị lạc đường, hỏi bất cứ người dân nào đường về cha Diệp đều được họ trả lời rất tỉ mỉ, hầu như bất cứ ai cũng đều biết đường về cha Diệp.

Khi đến ngã ba chúng tôi lạc đường hỏi một người dân tại Sóc Trăng thì được anh tận tình dẫn chúng tôi đi một đoạn đường dài bằng xe gắn máy đến đúng cung đường thẳng tiến về nhà thờ Tắc Sậy.

Kim Phạm, một người dân tại giáo xứ Tắc Sậy cho biết: „Gia đình tôi có nhiều biến cố thăng trầm, nhưng khi đến với cha Diệp, mọi sự như được tan biến đi, thật nhẹ nhàng". Cô Phạm cho biết thêm rằng: „Đến với cha Diệp có rất nhiều người lương dân, họ thường được nhiều ơn lắm, chắc vì thế mà tiếng lành đồn xa nên càng ngày càng có nhiều người đến với cha Diệp hơn".

Người dân đến viếng phần mộ cha Phanxicô Xavie Trương Bửu Diệp như được thỏa lòng tâm linh. Ngôi nhà yên nghỉ của cha Diệp hầu như lúc nào cũng nghi ngút trầm hương, hoa và nến.

Đâu đó chúng tôi thấy có cả hoa quả dâng tiến lên cha, một người dân giải thích: „thực ra đây là cách mà người lương dân hay làm theo cách họ nghĩ và họ tin nên khi đến cầu nguyện với cha Diệp họ đưa cả hoa quả nữa“.

Bên phần mộ của cha Diệp luôn luôn có sự túc trực của nhiều người. Người có đạo thì lặng thầm đọc kinh. Người lương dân thì vừa cầu nguyện vừa bái tế. Có hai bức tượng cha Diệp đang quỳ trước bàn thờ Chúa, nhiều người đến bên Cha và thì thầm vào tai cha những điều cần cầu xin. Họ hôn lên tay cha, hôn lên bờ vai cha như thể họ về với người cha nhân lành của mình vậy.

Ngày nay, trung tâm hành hương cha Phanxico Trương Bửu Diệp thu hút nhiều bà con lương giáo, từ Bắc chí Nam Việt Nam và cả hải ngoại, không ai là không biết cha. Ai cũng đến nhờ cha giúp đỡ. Hằng năm vào dịp lễ giỗ của cha, ngày 12.03, có hàng ngàn lượt người đến với cha. Đức cha Gioan Baotixita Bùi Tuần, Giám mục về hưu của địa phận Long Xuyên chia sẻ ngày 06.08.2011: „Cha Phanxicô Xavie Trương Bửu Diệp có lòng nhân ái với tất cả mọi người. Cả lương giáo ai cũng yêu mến cha“.

Ngày 04.8.2011 Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, Tổng Giám mục Sài Gòn, được kể như nhân chứng sống chia sẻ: „Bà con lương dân và cả người vô thần ‘Phong Thánh’ cho cha Phanxico Xavie Trương Bửu Diệp từ lâu rồi“.

Là một người con của Chúa, là người yêu mến cha Phanxico Trương Bửu Diệp, chúng tôi về bên cha để cầu xin cha ban ơn thêm sức và cầu nguyện cho chúng tôi trước Đấng Yêu Thương là Thiên Chúa Tối Cao. Lòng chúng tôi tràn trề hân hoan và vui sướng. Chúng tôi tin rằng, những điều cầu xin cùng cha Diệp chắc chắn sẽ được cha hộ phù.

Từ biệt cha, chúng tôi trở lại cuộc sống đời thường mà lòng cảm thấy nhẹ nhàng, thanh bình. Chúng tôi thấy từng lớp lớp đoàn người vẫn đang tiến về nhà cha. Bầu trời Tắc Sậy nở rộ ánh sáng bình minh của ban sáng ngày Chúa Phục Sinh rọi chiếu vào từng người đang hiện diện nơi đây.

Paulus Lê Sơn, GNsP
Nguồn: "Tin Mừng cho người nghèo"