"Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài. Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống. Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh." (Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận)

Nhìn lại (1979)

„Muốn có hạnh phúc không phải là điều đáng xấu hổ (...) Nhưng người ta có thể xấu hổ khi chỉ muốn hạnh phúc cho riêng mình“ (Die Pest - Albert Camus)

Christel Neudeck
Chuyển ngữ: Lê Văn Hồng

Một cuộc sống thật bình thường. Chúng tôi mua một căn nhà nhỏ bốn phòng, giá 200.350 Đức Mã, nằm trên miếng đất 170 mét vuông. Ban đầu tôi chẳng muốn đến xem nó. Tôi đã nghĩ rằng ở đây chúng tôi không đủ chỗ để đặt bàn ping pông. Nhưng Rupert đã thuyết phục được tôi. Trước đó thì tôi đã phải thuyết phục anh ta. Anh ta cho rằng, có nhà riêng là tư bản, cho đến khi tôi tính cho anh thấy rằng, chúng tôi trả tiền mướn nhà để các nhà tư bản trả tiền mua nhà cho họ. Lối sống theo kiểu tiểu tư sản, nhưng tại sao không? Chúng tôi đã không trở thành tiểu tư sản ư? Chẳng còn gì nhiều từ cuộc cách mạng 68 [1].

Chúng tôi có hai đứa con tuyệt vời, hồi đó chúng nó hai và bốn tuổi, khoẻ mạnh, tỉnh táo và ngổ ngáo. Tôi có một ông chồng không đóng nổi cây đinh vào tường, như dân miền Niederrhein, quê hương tôi, quen nói thế. Căn nhà đã xây từ năm năm, nên nó không còn những bệnh trẻ con. Tôi sẽ không phải vật vã với thợ. Dán giấy nhà thì tôi tự làm được. Hàng xóm của chúng tôi thân thiện cũng giống như chúng tôi.

Rupert cần nhiều thời gian để làm quen họ, bởi lẽ đầu óc của anh bộn rộn với nhiều chuyện khác. Anh ta lúc nào cũng chạy, đi chậm rãi là điều anh ta hoàn toàn không biết. Khi còn trẻ anh ta khâm phục những người chạy đường trường, bây giờ thì anh chuẩn bị đoạn đường dài cho chính mình, nhưng anh ta chưa biết.

Anh ta có cơ hội phỏng vấn Sartre ở Paris, một giấy mơ của anh. Tôi không thích triết gia này. Nghe có vẻ như quá đáng, nhưng cho đến giờ tôi vẫn coi ông ta là kẻ không thông minh lắm trong chính trị. Khi Rupert trở về từ Paris thì chẳng thấy anh ta nói gì về người thầy cũ này cả, nhưng lại rất thích thú về những điều André Glucksmann đã kể lại. Anh ta đã gặp anh này trong một quá cà phê tại Paris để chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn Sartre. Thế nhưng câu chuyện Glucksmann kể về số phận của những thuyền nhân Việt Nam đã chiếm hết ý nghĩ trong đầu anh. Chúng tôi cũng đã theo dõi truyền thông và biết rằng rất nhiều thuyền nhân tỵ nạn Việt Nam đã không sống sót trên biển Đông, đã bị hải tặc cướp và chết đuối. André Glucksmann đã thấy họ sống khốn nạn trên đảo Pulau Bidong, còn được gọi là đảo chuột.

Rupert rất yêu thích Pháp. Theo anh thì người Pháp đọc sách nhiều hơn người Đức, họ mua sách nhiều hơn và có một lối sống khác, đậu xe cảng sát cảng và không quan tâm đến những vết trầy vì đậu xe như thế. Những người Pháp quả là những anh hùng hảo hán! Và bây giờ họ lại có một sáng kiến. Khi có người chết đuối thì không thể chần chừ, phải hành động ngay. Phải cần một con tàu. Họ cũng đã có một chiếc tàu và đặt tên là „Ile de Lumière“, đảo ánh sáng. Một cái tên có ý nghĩa của một biểu tượng đẹp. Chỉ còn thiếu một chuyện nhỏ: tiền. Tôi không còn nhớ là Rupert đã hỏi rằng, liệu chuyện này có quá lớn lao không. Tuy nhiên, anh ta cũng đã không nghĩ rằng phải có con tàu riêng, mà chỉ muốn trợ lực người Pháp.

Cá nhân tôi cũng không nhìn được toàn bộ chiều kích những hệ quả mà sáng kiến này sẽ tạo nên. Rupert mang một chứng bệnh: bệnh mê việc. Tôi thật sự không biết là ai sẽ đọc những điều anh đã gõ miệt mài trên máy. Anh ta viết như một người đàn bà đan áo, cứ tiếp tục đan mãi. Nhưng tôi nhìn thấy rằng, anh ta có thể dồn nỗ lực cho những người đang bị đe dọa cuộc sống. Đó là điều tốt.

Chúng tôi hội ý với bạn bè và người quen. Họ nói rằng phải thành lập một hội có cầu chứng tại tòa. Tại sao? Bởi vì người ta phải ghi hoá đơn ủng hộ để người ủng hộ có thể được trừ thuế tại sở tài chánh. Thì ra là thế. Rồi người ta làm sao? Kiếm bảy thành viên, thành lập Ban Đại Diện, có một nội quy, gửi đến toà án để xin chuẩn nhận và bắt tay vào việc. Chuyện lập hội không thích hợp với chúng tôi, bởi vì chúng tôi có ác cảm với tất cả những gì bay mùi quan liêu hành chánh. Nhưng rồi chúng tôi phải nhìn nhận rằng không có cách nào khác ngoài sự thỏa hiệp, nếu người ta muốn làm một việc tốt. Chúng tôi đã thành lập một hội; đó là thoả hiệp đầu tiên của chúng tôi.

Chúng tôi đã tìm được ngay bảy thành viên, bảy chiến hữu. Tuy nhiên không ai nghĩ rằng sáng kiến ban đầu đã tự động chạy nhanh chóng như thế. Thời gian đầu tháng hai 1979 mọi chuyện đều dễ dàng; sự hứng khởi mà mọi người đều có gần như đủ cho mọi chuyện. Chúng tôi phấn khởi ngồi với nhau trong phòng khách và suy tính phải làm gì để giúp đỡ. Không chỉ ngồi nhìn và nghe những tin tức kinh khủng tối này sang tối khác, nhưng nhìn thấy những điều có thể làm được; cái đó có thể làm say mê.

Khi chúng tôi chỉ phải chuyển những số tiền ủng hộ đến rất nhỏ giọt sang Paris, thì trong nội bộ của hội không gặp những vấn đề lớn. Nhưng sau khi Franz Alt gây sự chú ý về số phận của những thuyền nhân qua chương trình truyền hình „Report“ và ghi lên số trương mục của chúng tôi, thì sự hài hoà thay đổi. Nội trong một tuần chúng tôi nhận được 1,2 triệu Đức Mã. Chúng tôi xem đó là ước muốn của các ân nhân quyên góp là mướn một con tàu riêng. Nhưng không phải tất cả đều nghĩ như thế và vài người đã rút tên ra khỏi hội với những bức thư viết thật nặng nề, cũng được đưa ra công luận. Hồi đó tôi rất buồn và không thông cảm được chuyện này. Bây giờ thì tôi nhìn nó bình thản hơn và có nhiều cảm thông hơn. Công việc cũng có thể thất bại và với việc tự kiểm hôm nay và những hiểu biết về những khó khăn có thể xảy đến, tôi không chắc là chính tôi hồi đó có ở lại hội không. Sau nhiều năm chúng tôi lại có quan hệ với hầu hết các thành viên. Khi một thành viên bảo tôi rằng, đáng lẽ tôi không cần gửi trả lại bộ trà mà bà đã tặng tôi, vì nó làm cho bà rất bực bội, tôi đã trả lời: Nó phải làm cho chị bực bội chứ; và chúng tôi đã cười ngất vì hành động ấu trĩ này.

Chúng tôi đã học rất nhanh rằng người ta phải tính đến sự chống đối và học cách để giải quyết nó. Rupert vẫn bị coi như là một người không có ưu điểm trong cách làm việc nhóm. Tôi đã suy nghĩ nhiều về điều này. Tôi tin rằng, các thành viên đã gặp nhiều khó khăn khi có một người sống như kẻ khổ tu và cuồng tín như thế làm chủ tịch. Anh ta ngủ rất ít và làm việc gần như không gián đoạn. Nhưng chỉ như thế thì anh ta mới kham được cả hai việc, vừa là biên tập viên của Deutschlandfunk, vừa là chủ tịch hội, mà vai trò không phải chỉ để lâu lâu họp một lần. Anh ta đã đi đến các quốc gia để cảm nghiệm thật sự cái khó khăn của nó. Và tôi không tin rằng anh ta cho đó là chuyện đặc biệt, đơn giản là vì anh ta cảm thấy dễ chịu khi ở các trại tỵ nạn hơn là trong những khách sạn ba sao. Khi anh ta nhìn thấy cái khổ sở của những cuộc sống không xứng với nhân phẩm của những con người chỉ vì tình cờ phải sống sai thời điểm và sai chỗ và không có quyền lực để chống lại nền chính trị tai ác của nhà cầm quyền, thì anh ta đã quyết định làm những điều có khi chưa bàn ở Đức. Bởi vì đó không phải là những điều phi lý, mà nó là những việc giúp người cấp bách trong một tai họa thật sự, nên hầu hết những người tham gia đều chấp nhận những việc làm không bàn trước này. Khác với với sự giúp đỡ để phát triển (Entwicklungshilfe), tôi cảm nhận sự giúp đỡ cấp bách luôn luôn là một thứ áp lực. Nếu người ta chờ cho đến khi đã bàn cãi thỏa đáng và tất cả đều đồng ý, thì đôi khi người ta cũng chẳng cần làm gì nữa, vì vấn đề đã tự nó giải quyết; trường hợp trầm trọng nhất là đến lúc đó thì „con bệnh“ đã qua đời.

Đối với con tàu cứu người Cap Anamur thì tình trạng trong chiều hướng này đặc biệt khó khăn. Bởi vì chúng tôi không chỉ phải chịu trách nhiệm với những người đã ủng hộ mà còn phải có những đàm phán chính trị. Rupert đã xin giấy phép tại bộ ngoại giao để những người tỵ nạn được cứu vớt có thể vào nước Đức. Nhưng không một ai, kể cả chúng tôi, chờ đợi rằng những người quyên góp sẽ tiếp tục ủng hộ con tàu mắc mỏ này (kinh phí cho tiền mướn và tiền dầu mỗi ngày là 4.500 DM). Chúng tôi đã tính rằng, sau tối đa nửa năm thì cuộc sống của chúng tôi sẽ bình thường trở lại. Chúng tôi đã thật sự tin như thế. Không ai muốn tiếp nhận những thuyền nhân đã được vớt, không một quốc gia nào trong khu vực và cũng chẳng có nước Âu Châu nào. Không phải lúc nào cũng có cam kết bảo đảm của các tiểu bang. Điều kiện của những cam kết này là người tỵ nạn sẽ tạm thời được đưa vào trại tỵ nạn của các quốc gia trong vùng. Có lần, áp lực đã mạnh mẽ đến độ chúng tôi đã nghĩ đến việc tuyệt thực. Khi người ta nghĩ chung chung về những chuyện như thế thì nó khác với cách nhìn cụ thể vì người ta tuyệt vọng, vì con tàu đã đầy mà các cơ quan chức quyền từ chối nhận người. Vì thế trong những năm đầu không thể thiếu được sự dấn thân và hiểu biết của ông phó chủ tịch ủy ban Arlind Schmid.


Tôi thường bị hỏi rằng, làm sao tôi còn thời giờ cho con cái? Làm sao có thể sống như một gia đình bình thường trong khi cùng lúc phòng khách biến thành trung tâm của một tổ chức ngày càng lớn? Câu hỏi này chỉ các con tôi mới trả lời được. Tôỉ biết rằng, tôi không thấy lương tâm cắn rứt. Tôi đã phạm nhiều lỗi lầm trong cuộc sống. Nhưng theo ý tôi thì con cái của tôi đã không được hưởng quá ít. Công việc bắt đầu từ năm 1979. Trong 14 năm dài phòng khách của chúng tôi đã là tổng hành dinh của Ủy Ban, và chúng tôi cũng làm việc trong một phòng khách khác nữa. Hiện nay thì phòng khách của chúng tôi lại là trung tâm của tổ chức „Grünhelme“ [2] (mũ xanh); nhưng bây giờ thì con cái đã trưởng thành và đã dọn ra riêng.

Chúng tôi có ba đứa con. Năm 1980, đúng vào ngày lễ Giáng Sinh, Milena đã chào đời. Thực ra thì cũng tôi đã tính sai, và vì thế tôi cũng không hoàn toàn hiểu được niềm vui lớn lao của Rupert về biến cố này, bởi lẽ tôi biết rằng, chắc chắn đứa con sẽ đem lại nhiều niềm vui, nhưng với điều kiện là cha mẹ sẽ phải cố gắng rất nhiều ít nhất là bốn năm. Tôi thật sự không biết sẽ lấy thời giờ ở đâu ra. Chính Milena là người đã xác định rõ sự việc, khi một lúc nào đó nó nghe nói rằng, ban đầu tôi không vui lắm khi sinh ra nó. Nó nói rằng: „Nếu mẹ biết rằng, con sẽ là người được sinh ra, chắc chắn mẹ sẽ không phải lo lắng nhiều đâu!“ và tôi chỉ có thể hoàn toàn đồng ý cả hai tay hai chân với nó về điều này. Bởi lẽ ngay từ ban đầu nó đã là ánh nắng ấm áp cho gia đình và bây giờ thì tôi có ấn tượng rằng, đứa con này phải đến. Yvonne, cô chị tám tuổi của nó đã yêu thích con bé một cách nồng nhiệt, và đến nay vẫn đóng vai cố vấn. Marcel, hồi đó sáu tuổi, chấp nhận cái hỗn loạn đến một cách bình thản. Khi cô em gái nhỏ không muốn ngủ trong giường có song, thì chúng tôi đã đặt hai cái nệm xuống nền nhà để cho cả ba đứa ngủ chung, và thoả mãn. Sau này, khi Phong, lúc đó 10 tuổi, đến ở nhà chúng tôi 15 tháng, thì nó cũng không muốn ngủ riêng một mình trong phòng. Người lớn và trẻ con đôi khi có những quan điểm rất khác nhau về cách đánh giá cái gì là tốt cho mình.

Tôi muốn dùng vài thí dụ để diễn tả tình trạng này. Có lần một ông bác sĩ nói rằng, ông ta không tưởng tượng được là ở nhà chúng tôi có nhiều nụ cười đến thế. Điều này làm tôi rất vui. Bởi vì tôi tin chắc rằng, người ta sẽ không thể làm việc được nếu không biết cười. Kẻ khác thì bảo rằng, cái tình trạng trong nhà tôi ông ta thấy rất quen thuộc. Ông ta lớn lên trong một gia đình buôn bán, nên chuyện buôn bán bao giờ cũng ưu tiên. Tôi thấy điều này không tốt lắm; nhưng quả nhiên là ông ta đã nói đúng trọng tâm của vấn đề. Chẳng hạn như mấy đứa con tôi thường rất giận sau mấy tháng hè, khi nghe bạn bè kể lại về những chuyến nghỉ hè dài ở biển hoặc trên núi, còn chúng nó thì chỉ có thể đi chơi với bố mẹ vào một cái cuối tuần được kéo dài thêm ra. Khi chúng lớn hơn thì tình trạng thay đổi. Những đứa bạn của chúng thấy rằng, ở nhà chúng tôi hấp dẫn hơn, vì lúc nào cũng có chuyện mới lạ. Và điều đó - gần như - có thể thay thế cả cái truyền hình.

Chúng tôi có một quy ước. Mấy đứa con tôi phải tự làm bài ở nhà. Tôi không giúp chúng nó. Tôi nói với chúng rằng, mỗi người có bổn phận riêng và phải làm bổn phận đó. Chúng nó phải đến trường, còn tôi thì làm công việc của Ủy Ban. Tôi hy vọng rằng, thầy cô chúng đã không cho cách chia việc này là không tốt. Đối với Phong thì vấn đề phức tạp hơn.Tôi phải ngồi bên cạnh Phong khi nó làm bài tập ở nhà và bắt đầu đan áo, bởi vì tôi không thể kiên nhẫn ngồi yên. Bạn gái của chúng tôi là Bärbel Krumme, khi đó là bác sĩ nhiệt đới của Bộ Ngoại Giao ở Bonn, người vẫn luôn trợ lực tôi, đã giải thích cho tôi rằng, chuyện bố mẹ kiểm soát bài tập ở nhà của con cái là chuyện rất bình thường; và ở điểm này thì tôi hơi chểnh mảng.

Bärbel không chỉ là cố vấn y tế của các cộng sự viên chương trình này, mà còn là người thân tín của con chúng tôi. Khi mẹ của bé gái hàng xóm qua đời lúc còn rất trẻ, Marcel đã hỏi rằng, liệu tôi có thể chết không. Làm sao người ta có thể vừa thành thật lại vừa có thể trấn an được một đứa trẻ? Tôi giải thích cho nó rằng, đó là điều hiếm hoi khi một người mẹ chết quá sớm như thế. Khi thấy nó buồn bã, tôi liền nói rằng, Bärbel sẽ là mẹ của chúng nó, nếu điều này thật sự xảy đến. Tôi còn nghe nó nói rằng: „Như vậy thì được!“. Có lẽ mặt tôi lúc đó nhìn rất quái dị, cho đến khi tôi hiểu rằng, những đứa bé sợ nhất là bị bỏ rơi một mình.

Bàn làm việc của tôi đặt trong phòng khách, chung quanh tôi mấy đứa trẻ chơi đùa. Có lần một đứa bạn của con tôi la lên rằng: „Nhà tụi mày sao mà…!“. Ban đầu thì tôi thấy bị tổn thương và định nói rằng: Tôi ngạc nhiên, tại sao tụi nó lại thích đến đây chơi, trong khi nhà chúng nó sạch sẽ thế. Cũng may là tôi đã kịp thời nhịn và tôi hiểu rằng, cái hỗn loạn trong nhà tôi là nguyên nhân tụi nó thích đến đây chơi, chứ không phải cái trật tự trong những phòng khách Đức. Có lần một cô bạn nói với con gái tôi: „Ở nhà mày người ta không sợ làm hư đồ đạc!“ 

Miệng trẻ con nhiều khi nói ra những lời thật xác đáng. Thực ra thì tôi cũng rất muốn có nhiều trật tự hơn. Khi Yvonne và tôi đến thăm bạn học người Anh của nó ở Anh Quốc, mẹ nó nói với tôi: „Christel, tụi tôi đã lau toilette rồi!“ Rồi thêm: “Chị quả là một người mẹ tốt!“ vừa nói vừa cười. Tôi nhìn bà ta bằng ánh mắt ngạc nhiên và bà ta giải thích rằng, cô con gái của bà Celia đã kể lại rằng, tôi đã nói: „Nếu con cái hạnh phúc và toilette sạch sẽ, thế là đủ!“. 

Có lẽ những „châm ngôn“ kiểu đó đã giúp tôi giải quyết được công việc. Bây giờ thì tôi biết rằng tốt hơn người ta không sinh con khi đã 60 tuổi, bởi tôi không chắc là mình sẽ còn có đủ sự bình thản cần thiết hay không. Mỗi khi đứa cháu 2 hai tuổi đến nhà chơi cả ngày, thì ngày đó tôi có việc trọn ngày và không thể làm bất cứ điều khác. 

„Cám ơn“ đó là kiểu nói của các con tôi, bởi vì đã có lần tôi nói hoàn toàn không thích hợp khi chúng nó hỏi tôi điều gì đó. Có lần Phong và Milena tới khi tôi đang dọn dẹp mảnh vườn phía trước nhà và hỏi đủ thứ chuyện. Tôi nghe bà hàng xóm cười và nói rằng: „He Christel, bây giờ thì phải nói là không!“ Trước đó thì cứ vài phút thì tôi lại nói „đúng rồi“, nhưng đầu tôi thì đang nghĩ về công việc của Ủy Ban. Quả thật mọi chuyện đã không hoàn toàn trôi chảy; đầu của bà mẹ để ở chỗ khác. Hẳn nhiên điều này có lẽ các bà mẹ khác cũng biết là thường khó mà lúc nào cũng lắng nghe lũ con nói được. Tụi trẻ có khả năng nói liên tu bất tận, có lẽ vì thế mà nó có thể học một ngôn ngữ mới rất nhanh.

Có lần tôi quên không cho tụi trẻ biết là sẽ có khoảng 30 người đến họp tại phòng khách nhà tôi. Marcel đi vào thoáng ngạc nhiên và đi thẳng đến người bạn Somalia đen nhánh Abdulkarim và nhảy lên lòng ngồi, vì chỗ đó làm nó yên tâm hơn. Nhìn cảnh đó tôi thấy thật dễ chịu, bởi nó cho tôi thấy rằng chúng tôi không cần dậy lý thuyết cho con mình về các quốc gia khác nhau. Người đủ các màu da đã có mặt ở nhà tôi, và con cái tôi thích người này hoặc  không thích người khác. Tôi có ấn tượng rằng đối với chúng màu da chẳng đóng vai trò gì cả.

Tôi thường chở Milena đi chung xe. Chúng tôi ca hát trong xe và sau đó là đến phần đóng góp của nó. Tại những đại sứ quán Phi Châu không ai ghét được con bé nhìn như một thiên thần kiểu Barock với mái tóc quăn vàng óng này. Khi có người hỏi tôi là làm thế nào để qua được những Đại Sứ Quán Phi nổi tiếng là khó khăn này, thì tôi trả lời họ: „Tôi có một phương thức đặc biệt!“


Có lần tôi phải ra phi trường Köln-Bonn để lãnh các chai Axít lưu huỳnh, được đóng thùng cách đặc biệt vì là loại hàng nguy hiểm. Phòng thí nghiệm của chúng tôi ở Uganda đã cần đến thứ đó. Người ta giải thích rằng không thể chở chúng bằng máy bay vận tải, nhưng cũng không đủ trách nhiệm để giao cho tôi. Tôi phải trả tiền mướn để họ giữ ở đó. Trong khi đó thì Milena đứng tắt mở công tắc điện của khu chứa hàng một cách thích thú. Mấy người làm ở đó tìm cách dụ dỗ con bé bằng kẹo. Một lát sau thì một mùi khó chịu tỏa ra từ tã của cô nàng và bay ra khắp phòng. Chiến lược của tôi không cho phép tôi tìm cách ngăn chận con bé không phá nữa, cho đến khi chính tôi cũng hết kiên nhẫn. Tôi hỏi họ rằng, có phải tôi hiểu đúng là họ không thể chở đi, mà tôi cũng không đem về được, và như vậy phải dùng tiền ủng hộ để trả tiền mướn cho đến một thời điểm không ai biết? Tôi nói rằng, tất cả ban đầu chỉ tốn vài Đức Mã và bảo đảm với họ rằng, bây giờ tôi sẽ chở con bé đi đến đón hai anh chị nó ở trường và tôi sẽ không trả đồng xu nào hết. Thế là đột nhiên có một giải pháp không ngờ: Tôi có thể trả một số tiền thuế hải quan nhỏ để nhận mấy cái chai đó về. Một người quen thân của tôi đã hủy thứ hàng nguy hiểm đó đi và mọi người lại có thể ngủ ngon.

Các con tôi thường giúp tôi bình thản hơn để giải quyết các vấn đề. Những phê bình tích cực và tiêu cực đến từ bên ngoài rất quan trọng; nhưng quan trọng không kém là sự sẵn sàng tự mình xét lại những việc đã làm. Ngay từ ban đầu tôi đã học được rằng, đừng bao giờ chờ đợi sẽ luôn luôn được đối xử „công bằng“. Một tờ báo viết: „Bà Christel Neudeck nói rất cởi mở rằng: chúng tôi chẳng hiểu gì về tiền bạc cả.“ Thực tế thì tôi đã nói: “Chúng tôi chẳng hiểu gì về tiền bạc cả, vì thế chúng tôi rất vui là có được một luật sư làm thủ quỹ“. Những ký giả có thiện ý với chúng tôi thì viết rằng: „Họ không phải trả tiền mướn văn phòng lớn và nhân viên, hầu như lúc nào cũng gặp họ được và họ làm việc ngay trên bàn ăn trong nhà bếp.“ Những người ác ý thì viết rằng: „Cách họ làm việc thiếu chuyên nghiệp như thế nào thì người ta có thể nhận rõ khi họ làm việc ngay trên bàn ăn trong nhà bếp.“

Hồi xưa là thế và bây giờ thì cũng vậy. Tuy nhiên vẫn có nhiều lý do để vui hơn là để chán nản. Nhìn chung thì tổ chức hội đã cho tôi cơ hội để gần con cái và đồng thời có thể làm được một công việc mà tôi cảm nhận là rất có ý nghĩa.

Công việc nhân đạo, theo tôi thì giống như Albert Camus trong cuốn „Die Pest“ (nạn dịch hạch) đã diễn tả đầy đủ: Ký giả Rampert thông báo cho bác sĩ Rieux rằng, anh ta có cách rời khỏi thành phố Aron bị nhiễm dịch hạch để đến với người yêu; nhưng anh ta không thể đi được. Rieux nói với anh: „Muốn có hạnh phúc không phải là điều đáng xấu hổ“. Rampert liền trả lời: „Nhưng người ta có thể xấu hổ khi chỉ muốn hạnh phúc cho riêng mình“. u

(Trích từ „Christel und Rupert Neudeck - Zwei Leben für die Menschlichkeit“, Gütersloher Verlagshaus, XB lần 1, 2009)




[1] „Cách mạng 68“ là cách gọi chung cho những phong trào phản chiến và của những người đứng kên đòi hỏi quyền công dân xảy ra trong thập niên 60. Bên Đức gọi là phong trào sinh viên thập niên 60. Năm 1968 là năm có nhiều đề tài cụ thể nên đã làm thành cái tên gọi trên. Đặc biệt là những cuộc biểu tình của các nhóm sinh viên phản chiến tại Mỹ và những hệ quả xảy ra tại Âu Châu do việc Martin Luther King bị ám sát. (Phụ chú của người dịch)

[2] „Grünhelme“ là một hội thiện nguyện của Đức được thành lập tháng tư năm 2003 do dề xướng của tiến sĩ Rupert Neudeck và ông Aiman Mazyek, với ý định tạo ra một „Peace Corps“,  một đội quân hoà bình, có mục đích, trong tư thế một tổ chức phi chính trị và tôn giáo, xây dựng và tái xây dựng các khu vực công cộng liên quan đến xã hội, văn hoá, môi trường, tôn giáo… tại những vùng bị tàn phá vì chiến tranh hoặc khủng hoảng. Trọng điểm là tạo sự thông cảm và đối thoại giữa Kitô Giáo và Hồi Giáo. Chủ tịch của hội là tiến sĩ Rupert Neudeck. Web: www.gruenhelme.de (Phụ chú của người dịch)