“Anh em hãy sống hòa thuận với nhau” (Mc 9,50)
Giữa những cuộc xung đột làm thương tổn nhân loại tại nhiều nơi trên thế giới, lời mời gọi của Chúa Giêsu đến đúng lúc. Lời này giữ cho niềm hi vọng sống động, vì biết rằng chính Người là sự an bình và đã hứa ban cho chúng ta niềm an bình của Người.
Tin Mừng Mác-cô thuật lại lời này của Chúa Giêsu vào cuối một chuỗi những lời Người nói với các môn đệ tụ tập trong căn nhà ở Ca-phác-na-um, Người giải thích cho cộng đoàn của mình phải sống thế nào. Câu kết thúc thì rõ ràng: mọi sự đều phải dẫn đến niềm an bình, nơi chứa đựng mọi điều tốt.
Một niềm an bình mà chúng ta được mời trải nghiệm trong cuộc sống hàng ngày: trong gia đình, trong việc làm, với người nghĩ khác với ta về chính trị. Một niềm an bình không sợ phải đương đầu với những quan điểm bất đồng, cần phải nói ra rõ ràng, nếu chúng ta muốn đi đến một sự hiệp nhất càng ngày càng đích thực và sâu xa hơn. Một niềm an bình, mà cùng một trật, đòi phải chú ý không để mất mối quan hệ yêu thương, bởi vì người khác có giá trị hơn là những sự khác biệt có thể có giữa chúng ta.
Chị Chiara Lubich khẳng định rằng: “Bất kỳ ở đâu có sự hiệp nhất và lòng mến yêu lẫn nhau, thì ở đó có niềm an bình, hơn nữa, niềm an bình đích thực. Bởi vì ở đâu có lòng thương yêu lẫn nhau, thì có một sự hiện diện nào đó của Chúa Giêsu ở giữa chúng ta, và Người chính là niềm an bình, niềm an bình bậc nhất”[1]
Lý tưởng hiệp nhất của Chị đã nẩy sinh trong thời Thế chiến thứ hai và ngay lập tức nó được coi như thuốc giải độc cho những hận thù và những chia rẽ. Từ đó, đứng trước mọi xung đột mới, chị Chiara đều tiếp tục mạnh mẽ đề ra bản tính thương yêu của Tin Mừng. Chẳng hạn khi bùng nổ cuộc chiến tại Iraq năm 1990, Chị đã nói lên sự ngạc nhiên cay đắng khi nghe thấy “những lời mà chúng tôi tưởng đã bị chôn vùi, như “kẻ thù”, “những kẻ thù”, ”những cuộc chiến bắt đầu”, và sau đó, những bản tin chiến trường, những tù nhân, những cuộc bại trận (…). Chúng tôi đã đau lòng nhận ra rằng nguyên lý nền tảng của Kitô giáo bị thương tổn nơi cốt lõi, vì đó là điều răn bậc nhất của Chúa Giêsu, điều răn “mới”.(…) Nghịch lại lòng thương yêu lẫn nhau, nghịch lại việc sẵn sàng chết cho nhau”, đây nhân loại lại một lần nữa rơi vào “vực thẳm oán thù”: khinh dể, tra tấn, giết chóc[2]. Làm sao ra khỏi tình trạng này? người ta tự hỏi. “Chúng ta phải nối kết, ở nơi nào có thể, những mối quan hệ mới, hoặc làm cho vững vàng những quan hệ đã có, giữa các Kitô hữu chúng ta với các tín đồ thuộc các tôn giáo độc thần: Hồi giáo và Do thái giáo” [3], hoặc giữa những người đang xung khắc nhau.
Việc đó cũng nên thực hiện với mọi kiểu tranh chấp: đó là kết lại giữa người ta và các dân tộc mối dây quan hệ lắng nghe nhau, giúp đỡ lẫn nhau, mối dây yêu thương, Chị Chiara sẽ còn nói là, cho đến chỗ “sẵn sàng chết cho nhau”. Cần phải bỏ đi những lý do của mình, để hiểu lý do của người khác, cho dầu biết rằng không phải lúc nào chúng ta cũng sẽ đạt đến chỗ hiểu người đó đến cùng. Có lẽ người khác cũng làm như vậy với tôi và, có lẽ, nhiều khi người đó cũng không hiểu được tôi và những lý do của tôi. Dầu vậy chúng ta cũng muốn mở rộng đến người khác, mặc cho sự khác biệt và không hiểu nhau, để trước hết giữ mối liên hệ với người đó.
Lời Tin Mừng đưa ra như một mệnh lệnh: “Anh em hãy sống hòa thuận với nhau”, đó là dấu cho thấy điều đó đòi một sự dấn thân nghiêm chỉnh và bó buộc. Đó là một trong những diễn tả chính yếu của lòng mến yêu và lòng thương xót mà chúng ta được kêu gọi đối xử với nhau.
Lm Fabio Ciardi
...................................................
[1] Tại TV Bavaria, 16 tháng chín 1988.
[2] 28 tháng hai 1991, cf Santi insieme, Città Nuova, Roma 1994, p. 63-64.
[3] Ibid., p. 68.