"Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài. Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống. Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh." (Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận)

Lời nói như một món hàng - Donald Trump và ngôn từ sử dụng


Ông Donald Trump là một con người rất lạ. Lạ đến quái lạ. Lạ trong tác phong – và nhất là – lạ trong cách ăn nói. Khác hẳn với mọi nhân vật lãnh đạo Liên Bang Châu Mĩ (United States of America. Viết tắt: nước Mĩ) từ xưa tới nay. Vì thế, bỏ công tìm hiểu con người này là chuyện thú vị.

Ở đây tôi không lạm bàn tới những gì ông làm trên phương diện chính trị, quân sự, kinh tế hay ngoai giao. Ông đánh Trung Quốc, đấm Canada, bạt tai Mễ hay xì-nẹt Âu châu; ông chủ trương điều gì, phản đối cái gì, đã làm điều gì hay, điều gì dở… tất thảy đều không thuộc nội dung của bài này. Đã có rất nhiều người nói về con người ông.

Có người bảo, ông là một nhà chính trị dám nói dám làm, nhìn xa thấy rộng. Có người tin rằng, ông là một con người đạo đức thành thật. Có người bảo, ông là thương gia, chứ không phải nhà chính trị. Lại có người, như Martin Richenhagen, chủ tịch tập đoàn AGCO chuyên sản xuất các loại máy cày nông nghiệp ở Mĩ và trước đây là thành viên trong ban cố vấn của tổng thống (Advisory Council on Doing Business in Africa - ACDBA), thì cả quyết, „Trump hoàn toàn chẳng phải là một nhà kinh doanh… ông chẳng biết gì về kinh tế… Tiền của ông kiếm được là nhờ giật của người khác.“ (Die Zeit, 28.3.2018). 

Con của ông này, một chuyên gia tư vấn cho các tổ chức doanh nghiệp ở Mĩ, bảo rằng, với số tiền kếch xù Trump nhận được của cha mình để lại (New York Time cho hay vào quãng 413 triệu đô, tính theo thời giá hiện nay), ông chỉ cần bỏ ra mua cổ phiếu, thì còn lời nhiều hơn số tài sản ông hiện có, khỏi phải mệt nhọc với thương trường, với tòa án và sở tài chánh (trong đời kinh doanh ông Trump đã có trên 2000 vụ kiện cáo và nhiều lần khai phá sản, nhưng sau đó lại xuất hiện như một tỉ phú). Có người bảo ông đúng là một mẫu người “quy ngã” (Narzisst): chỉ biết quy về mình mà thôi, vẫn luôn tự hào là một „self-made man“, đặc biệt trên phương diện làm ăn. Lại cũng có người, như nhà báo Bob Woodward với cuốn sách Fear có số bán vượt kỉ lục xưa nay ở Mĩ, thì bảo ông là người lãnh đạo nguy hiểm vì chẳng có kiến thức gì về chính trị. Woodward là nhà báo đã bám sát để viết sách về chín vị tổng thống đương nhiệm (Trump là người thứ chín) và trước đây đã cùng đồng nghiệp Carl Bernstein khui ra vụ Watergate khiến tổng thống Nixon phải thân bại danh liệt.

Nghĩa là người khen kẻ chê đủ cả. Khen chê nghịch nhau 180 độ.

Nhưng những chuyện trên đây đối với tôi chẳng thú vị gì. Ai muốn biết tài cao hiểu rộng và đức độ của tổng thống Trump, nên tìm đọc các bài viết đặc biệt của các tác giả người Việt có nhiều trên mạng. Ai muốn cười và toát mồ hôi lạnh vì ông, gắng đọc những cuốn sách mới ra như Fear của Woodward, The Room Where It Happened của John Bolton, cựu cồ vấn an ninh của Trump.

Phần tôi, tôi chỉ muốn tìm hiểu một khía cạnh duy nhất nơi ông mà thôi: đó là tông tông Donald Trump quan niệm và sử dụng lời nói như thế nào.

Các đối thủ của Trump và nhiều người trên thế giới khẳng định: Ông nói dối: nói dối liên tục, nói dối một cách đương nhiên, trắng trợn. Nhật báo Washington Post ở Hoa-kì tính ra từ ngày nhận chức tổng thống tới ngày 01.06.2020 ông Trump đã nói dối và nói nhảm 19.127 lần; trong năm 2019 trung bình mỗi ngày tới 22 lần!

Ngay sau khi được bầu, ông Trump tuyên bố, sẽ cho tống giam bà Clinton, đối thủ tranh cử chức vụ tổng thống với ông, vì theo ông, bà này đã có những hành vị phạm pháp. Cho tới nay, chưa thấy chị Clinton vào tù! Và anh Trump cũng chưa bị tù vì tội cố tình phỉ báng người khác mà không có chứng cớ.

Rồi ông vu cáo cựu tổng thống Obama đã đặt máy nghe lén trong toà nhà của ông để theo dõi ông trong tiến trình vận động bầu cử. Cụ thể cái Tweet ngày 4.3.2017 lúc 13 giờ 02 phút như sau: „how low has President Obama gone to tapp my phones during the very sacred election process. This is Nixon/Watergate. Bad (or sick) guy.“

Ngay sau buổi lễ tuyên thệ nhận chức, báo chí viết, số khán giả trên công trường hôm đó ít hơn nhiều so với buổi lễ nhận chức của cựu tông tông Obama. Ông Trump khẳng quyết, số người dự lễ của ông đông hơn nhiều; đồng thời ông chửi báo chí đã cố tình tung tin vịt (fake news) để biêu xấu ông. Lời qua tiếng lại như giữa chợ trời. Và khi người ta trưng ra các hình ảnh chụp từ trên không quang cảnh hôm đó cho thấy đúng là số người ít hơn, vì có nhiều khoảng đất trống, ông thản nhiên tuyên bố: điều khẳng quyết của ông là một sự sự thật khác thay thế (alternative fact), để khán thính giả tùy í chọn lựa!

Để biện hộ cho việc rút ra khỏi thỏa ước Paris về môi sinh, ông bật mí cho người dân Mĩ biết, việc thay đổi khí hậu trên địa cầu chỉ là âm mưu của Trung Quốc nhằm triệt phá công ăn việc làm của người dân Mĩ.

Ông cười cợt FBI để biện hộ cho Putin: Nga chẳng có lí do nào để mà phá thối cuộc bầu cử tổng thống ở Mĩ cả. NATO là một tổ chức đã lỗi thời. Ông miệt thị Kim Jong Un là anh nhóc “little rocket man”! Vân vân và vân vân.

Trump không nói dối

Nhưng làm sao có thể gọi đó là những lời nói dối hay nói nhảm được! Vì quả thật, nếu quan sát ông Trump phát biểu, ta sẽ thấy là lời nói lẫn cử chỉ của ông rất thật, chúng ăn khớp với nhau. Cũng vì cái ăn khớp này mà nhóm cố vấn ACDBA đã phải rã. Richenhagen cho hay, họ cứ tưởng ông Trump (dân túy) xuất hiện trên truyền hình khác với ông Trump nguyên bản. Nhưng khi nhận ra hai Trump đó chỉ là một, các chủ doanh nhân đa quốc gia trong ACDBA đã thất vọng rút lui.

Khi nói dối, ánh mắt, cử chỉ, điệu bộ của người nói thường lộ ra một nét nào đó mà người chuyên môn có thể nhận ra. Nhờ đó mà máy tầm tra nói dối mới có thể cho ta kết quả được. Cụ thể, khi nhìn và nghe ông Putin trả lời về những chuyện như: không có chuyện lính Nga xâm chiếm bán đảo Krim; chẳng có chuyện hỏa tiễn Nga bắn rơi máy bay dân sự của Mã-lai trên đất Ukrain; hai người mà Anh Quốc nhận diện là hai sĩ quan tình báo được Nga gởi sang Anh để đầu độc cha con ông Skripal chỉ là hai thường dân Nga buồn tình nhảy máy bay sang Anh chơi vài tiếng đồng hồ rồi về (!), ta thấy có nét gì khiên cưỡng nơi ánh mắt, nét mặt, điệu bộ của ông.

Ông Trump luôn luôn nói với đám đông ủng hộ mình, ông là người chỉ biết nói sự thật. Chỉ có các cơ quan truyền thông xuyên tạc lời lẽ của ông mà thôi.

Lại nữa, cũng không thể nào dùng chữ “nói dối” để mô tả một người mà mỗi ngày nói ra 5, 6 lời – có ngày tới 77 lời - được coi là dối trá hay chẳng ra đâu vào đâu cả. Chỉ có người bất bình thường đầu óc mới ăn nói được như thế. Nhưng ông Trump chẳng phải là người bất bình thường.

Ông Trump là một homo oeconomicus

Như vậy phải có một lối cắt nghĩa nào đó, để lí giải trường hợp của ông.

Trước hết, nên nhớ, ông Trump xuất thân là người buôn bán, cụ thể ông chủ yếu là người buôn bán địa ốc và chủ nhân các Casinos, các sân Golf. Từ nhỏ chí lớn, ông chỉ hoạt động trong địa hạt này mà thôi. Cho nên mọi suy nghĩ của ông hoàn toàn được chi phối bởi tính toán kinh tế, bởi lợi nhuận.

Hãy thử nghĩ, làm sao một nhà buôn lại chịu lỗ hoài; làm sao một nhà địa ốc lại khơi khơi bán rẻ nhà cửa cho người; làm sao nhà kinh doanh lại tính đến việc lỗ to khi dựng các song bài! Trái lại, họ luôn luôn tính đến việc phải có lời, lời được chừng nào càng hay. Đối với họ, không thể nào có cái công thức “Win – Win” (hai bên cùng có lợi) được, mà chỉ có hoặc là “Win” hoặc là “Lost”: Win thì chơi, Lost thì phải dứt khoát tránh.

Các khoa học kinh tế và khoa lí thuyết cờ bạc đưa ra khái niệm: Homo oeconomicus (tạm dịch : Người Duy Kinh Tế). Homo oeconomicus là người luôn tìm mọi cách đế đạt lợi nhuận tối đa cho mình; mục đích của họ trước hết và trên hết là lợi nhuận. Cũng như Homo politicus (Người Duy Chính Trị) là kẻ tìm cách lợi dụng mọi hoàn cảnh để mang lợi tối đa cho mình về mặt chính trị. Với hai mẫu người Homo oeconomicus và Homo politicus không có chuyện đạo đức. Đạo đức không có nghĩa gì đối với họ. Vì đạo đức chẳng mang lại lợi nhuận. Đạo đức không phải là thứ có thể “deal”. Đạo đức không làm tăng chỉ số thị trường chứng khoán. Đạo đức chẳng bắt nạt được ai.

Trước đây, khi gặp hai khái niệm này, tôi cứ tưởng, đó chỉ là những mô hình lí tưởng mà người ta đã tạo ra dựa theo khái niệm «Idealtypus » của nhà xã hội học kinh điển Max Weber, để dựa vào đó mà nghiên cứu các định chế trong xã hội. Nay thấy chúng đúng là có hiện hữu thật, cụ thể qua nhân vật Donald Trump.

Ông Trump vốn là một mẫu homo oeconomicus điển hình. Giờ đây, bước vào vũ đài chính trị, con người Homo oeconomicus của ông chuyển sang Homo politicus. Cả hai quyện lẫn và trở thành động lực cho nhau. Nước Mĩ trên hết. Kinh tế Mĩ trên hết. Dân da trắng Mĩ phải là trên hết. Công ăn việc làm của Mĩ là trên hết, mặc cho các quốc gia và dân tộc khác vì thế mà phải lao đao điêu đứng. No care! Ông bắt Mễ và Canada phải làm lại hiệp ước thương mại, vì ông cho rằng hiệp ước cũ làm cho Mĩ thiệt. Ông rút ra khỏi thỏa ước môi sinh quốc tế Paris, vì Mĩ không có lợi, nó làm mất công ăn việc làm cho công nhân mỏ than của Mĩ. Ông rút ra khỏi cơ quan văn hóa liên hiệp quốc, vì Mĩ tốn tiền cho nó mà nó chẳng mang lại lợi gì cho Mĩ. Ông rút ra khỏi cơ quan nhân quyền quốc tế, vì cơ quan này đòi xử công dân Mĩ về những tội phạm bên ngoài nước Mĩ. Ông tính dẹp Nato, vì Mĩ phải chi tiền nhiều hơn các nước khác. Ông đánh kinh tế trung quốc, vì nó tạo bất lợi cho kinh tế Mĩ. Ông bực bội các doanh gia Mĩ ở Phi châu, vì đã để thị trường béo bở đó rơi vào tay Trung Quốc. Vân vân và vân vân.

Vì thế việc ông biến bàn cờ chính trị ngoại giao trở thành một cái chợ tìm thuận mua vừa bán là điều dễ hiểu.

Có người bảo, như thế thì Mĩ sống được với ai. Nghĩ như vậy là sai, vì người ta đã dùng yếu tố đạo đức để nhận định. Ngay cái đầu đề bài này: nói dối hay không nói dối cũng là sai, vì Dối hay Thật thuộc lãnh vực đạo đức, mà đạo đức thì hoàn toàn không có chỗ trong tính toán của Homo oeconomicus và Homo politicus. Lẽ ra đầu đề bài phải là: Lời của ông Trump trúng hay trật, có lợi hay không có lợi cho ông, thì mới đúng.

Tắt lại, ông Trump không nói dối, vì ông phát biểu trên nền tảng suy nghĩ và hành động của homo oeconomicushomo politicus.

Ngôn ngữ là phương tiện đầu cơ

Ông đã rất thành thật trong cái được gọi là dối trá. Là vì, đối với ông, ngôn ngữ cũng là tiền bạc. Nó cũng chỉ là phương tiện để “deal”, để đầu tư – hay đúng hơn để đầu cơ – trục lợi. Ông đầu cơ ngôn từ cũng như đầu cơ tiền bạc. Mà đã đầu cơ, thì không phải lúc nào cũng trúng, song có khi sai trật. Có những câu chữ hoặc í tưởng đầu cơ nhầm chỗ nhầm thời, thì ông thản nhiên rút lại hoặc sửa lại, để cho hợp tình hợp cảnh. Ông rút lại một cách dễ dàng như ông rút lại tiền đầu tư lầm chỗ. Í nghĩa ngôn từ đối với ông chẳng khác gì bảng giá dán trên món hàng. Hôm nay gắn giá này, mai lại lột đi dán giá mới, tuỳ thị trường lên xuống.

Cũng vì thế mà khi FBI cho biết, họ không tìm ra bằng chứng tổng thống Obama nghe lén điện thoại, thì Trump nói: "Tôi bảo Obama “tapp” (nghe lén); từ này tôi để trong ngoặc kép mà!" Ông giải thích, chứ chẳng bào chữa. Khi dư luận mĩ phản đối việc ông miệt thị cơ quan điều tra FBI của quốc gia mình, để khen tổng thống Putin rằng, tôi thấy chẳng có lí do gì để Nga phá thối bầu cử ở Mĩ! Thì ông tỉnh bơ nói lại: Tôi thấy chẳng có lí do gì để Nga không phá thối bầu cử ở Mĩ. (Không hiểu tai bay vạ gió thế nào mà rơi rụng mất chữ “không”! Cũng chẳng hiểu tại sau lại bay mất dấu móc kép nơi từ «tapp»!) Sáng kiến “alternative fact” trên đây cũng nằm trong mạch tư duy đó. Hôm qua ông miệt thị anh nhóc “little rocket man”, hôm sau lại khen lấy khen để: đó là một chính trị gia lớn. Có thể kể dài dài những thí dụ như thế. Không cùng.

Người phát ngôn của ông cho hay, ông Tổng Thống giữ toàn quyền cho mình trong cách phát biểu và trong lời phát biểu; ông muốn dùng từ như thế nào hoặc với í nghĩa nào tùy ông. Vì thế mà hết phát ngôn viên này tới cố vấn, bộ trưởng khác đã phải lần lượt tháo lui, vì không theo kịp í của minh chủ.

Khi ngôn ngữ là phương tiện đầu cơ, thì phải hiểu ra sao về một hai câu chữ mà ông Tổng Thống viết: "Tôi ủng hộ cuộc đấu tranh của người Việt" - trên tấm thiệp trả lời cho cá nhân vô danh nào đó đã viết cạc chúc ông một dịp vui nào đó? Những tấm cạc này đã được chụp đưa lên mạng, để đồng bào Việt khắp nơi cùng ăn mừng, cùng nhau tự sướng. Một vài cá nhân hay vài nhóm người tự sướng quá liều có vỡ bong bóng thì cũng chẳng sao. Nhưng cả một tập thể mải mê tự sướng, thì tập thể đó sẽ rơi vào lú lẩn và liệt kháng.

Phạm Hồng-Lam
Augsburg, cập nhật 25.07.2020.